Sunday, November 9, 2014

VIỆT NAM ĐANG CẦN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG (FB Hoàng Dũng)



Việt Nam đang cần một cuộc cách mạng


Thông điệp đầu năm 2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tải rằng: "Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân". Đây không phải lời nói hoa mỹ để làm đẹp lòng ai cả (họ không cần phải làm điều đó), mà tôi cho rằng người cộng sản ý thức được rằng phải thay đổi, nhưng họ vướng vào mối bòng bong do chính họ tạo ra, vướng vào nỗi sợ hãi do họ tưởng tượng ra để rồi không dám quyết tâm thực hiện nó. Người cộng sản hoàn toàn hiểu rằng đã đến lúc họ cần phải thay đổi. Thay đổi hay là chết.
Tiếp sau thông điệp của ông Dũng, là hàng loạt những "trăn trở" của những vị lãnh đạo khác như ông Sinh Hùng, ông Bùi Quang Vinh. Tôi đặc biệt chú ý đến những phát biểu của ông Vinh sau khi một người chị đáng kính cho biết rằng ông Vinh là một cán bộ có tâm. Ở trong chăn, họ thừa biết cái chăn của họ có bao nhiêu con rận và phải làm sao để tiếp tục tồn tại. Bản chất người cộng sản là giấu dốt và nói dối, thế nên cho đến khi họ buộc phải nói ra những trăn trở đó, thì tình hình đã thực sự nguy ngập cho họ rồi.
Còn với người dân, đến những người chăm lo làm ăn nhất, không để ý đến chính trị nhất cũng khó có thể nén được tiếng thở dài mấy năm nay: Cuộc sống khó khăn quá! Họ không hiểu được lý do vì sao bỗng đâu được tặng âm một ngàn đô vào đầu (nợ công) và không hiểu vì sao càng ngày những bất công trong xã hội càng trở nên trầm trọng. Càng không hiểu càng cố gắng rụt đầu vào cổ, gồng mình lên kiếm tiền qua ngày đoạn tháng. Đừng trách họ. Không biết không có tội. Người biết mà không chỉ cho họ, người đó mới là có tội.
Với một số ít có ý thức xã hội, họ khát khao một cuộc cách mạng. Nó không phải là từ hoa mỹ cộng sản như đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Nó là sự thay đổi. Change we need! Câu nói của Trần Huỳnh Duy Thức từ những năm 2008 và tương tự cho câu này là Yes, We Can - slogan tranh cử tổng thống của Barack Obama những năm 2008 (không rõ rằng từ này ai dùng trước). Với những người có ý thức xã hội - chưa khi nào cần một cuộc cách mạng (một sự thay đổi) lớn đến như thế - năm nay.
Dường như có một sự nhầm lẫn nào đó hoặc là một sự đổ lỗi nào đó, mà nhiều người cứ nằng nặc cho rằng cuộc cách mạng ấy là lật đổ cộng sản. Họ cho rằng cứ lật đổ cộng sản là mọi thứ tốt đẹp sẽ đến. Hoặc chí ít là cứ lật đổ cộng sản đi rồi tính tiếp. Tôi thường cười khi thấy những suy nghĩ này.
Để chứng minh cho nụ cười của tôi, tôi lấy hai ví dụ. Một là một đám người tay không tấc sắt đối chọi với một chiếc xe bọc thép. Đám người này cho rằng phải tiêu diệt chiếc xe bọc thép này và lần lượt hoặc chỉ 1 vài người lao ra đâm đầu vào chiếc xe. Anh ta sẽ trở thành anh hùng của những người còn lại. Anh có thể được dựng tượng sau đó hoặc được rầm rì bàn tán, khen ngợi hay tiếc thương dấm dúi. Tôi không chắc, nhưng chắc chắn là anh sẽ bị nó nghiền nát chả tốn nửa viên đạn. Hoặc giả ở một cơ may nhỏ nhoi không đáng kể nào đó, anh giành được quyền điều khiển chiếc xe này, có cái gì đảm bảo rằng anh sẽ không quay lại nghiến những kẻ mới đứng cùng anh hôm qua?
Một ví dụ có vẻ dễ hình dung hơn. Đàn cừu và gã chăn. Là cừu, anh hãy ngoan ngoãn gặm cỏ, ị, cung cấp sữa và lông cho gã. Bởi đó là thiên chức của anh. Là gã chăn cừu, hắn toàn quyền chăn theo ý muốn. Có thể cho cừu ăn cỏ ngon, tắm cho cừu bằng sữa tắm Dove, nghe nhạc giao hưởng và cạo lông bằng Gillette có bọt. Đó là gã chăn cừu tốt. Còn không, cừu sẽ bị đánh đập, bỏ đói, vắt sữa liên tục và cạo lông bằng dao cùn, mặc be khản cổ. Một ngày đẹp trời, có một con cừu bỗng dưng bớt ngu. Nó tự hỏi tại sao ta nuôi gã, mà gã lại tàn ác với ta? Nó tìm cách làm cách mạng. Lật đổ gã chăn cừu. Một con cừu có giết được gã chăn cừu không? Có, lại là một tỷ lệ thành công vô cùng nhỏ nhoi. Nhưng ngày thành công ấy, con cừu kia có trở thành gã chăn cừu tốt không? Ai nói tỷ lệ cao nào?
Cách tốt nhất để thực hiện thiên chức của mình là hãy be lên. Be lên như thế nào? Một mình bạn be lên, roi sẽ rơi vào đầu ngay tắp lự. Hãy be theo cách của tôi. Đi tìm những đồng loại của mình, trao cho nhau những kiến thức để cùng khôn lên. Với một đàn cừu khôn, lúc đó đàn cừu sẽ toàn quyền lựa chọn việc yêu cầu gã chăn cừu cho nghe nhạc và cạo lông bằng Gillette. Không thể tùy tiện chăn một đám cừu khôn được! Còn cừu ngu, chăn thế nào là quyền của gã. Đây là một công việc hay nói hoa mỹ hơn là một cuộc cách mạng gian khổ và lâu dài, nhưng chắc chắn sẽ thành công. Nếu không đồng ý với con cừu viết bài này, bạn cứ lao lên mà cắn chết gã chăn. Tôi sẽ chúc bạn may mắn và sẽ nhớ đến bạn với lòng thành kính vào mỗi dịp nào đó.
Tôi chưa bao giờ có ý định lật đổ cộng sản. Dù rằng đúng là họ không xứng đáng để lãnh đạo toàn diện và triệt để đất nước này. Lật đổ cộng sản bây giờ để tìm một gã chăn cừu mới, tôi tin rằng một cộng sản phẩy sẽ tàn ác hơn cộng sản bây giờ rất nhiều. Tôi chỉ muốn làm một cuộc cach mạng về nhận thức. Tôi muốn ngày càng nhiều người bắt đầu làm cách mạng cho chính mình. Đời thay đổi khi ta thay đổi. Bạn không thay đổi mà đòi gã chăn cừu thay đổi thì e rằng không tưởng.
Tôi không thích dùng từ dân chủ. Bởi thú thật rằng tôi hiểu rất ít về nó. Tôi cho rằng dân chủ không đồng nghĩa với việc lật đổ và tiêu diệt cộng sản. Mọi người đều có quyền sống một cách công bằng. Và tất nhiên, để tồn tại được, anh phải phù hợp với xã hội. Hãy yêu cầu cộng sản chấm dứt độc tài, đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân một cách nghiêm túc, phát huy và ghi nhận mọi ý tưởng sáng tạo của người dân, tôn trọng và thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Làm được như vậy, cộng sản ắt hẳn sẽ tồn tại và là một bộ phận của xã hội. Nếu không, họ sẽ diệt vong, bởi một cuộc cách mạng bạo lực hay ôn hòa.
Làm thế nào để yêu cầu cộng sản thực hiện điều này? Xin đọc lại ví dụ đàn cừu ở trên. Hay nói cách khác, bạn hãy bắt đầu cho mình một cuộc cách mạng. Hãy tự cải thiện mình bằng cách tự trang bị kiến thức cho mình. Đầu tiên là kiến thức về quyền con người - kiến thức sơ đẳng nhất, sau đó là hiến pháp, pháp luật. Dù bạn có chê nó, nhưng bạn cũng cần phải biết về nó. Sẽ thật buồn cười khi bạn nghĩ rằng mình là người đấu tranh nhưng lại không có những kiến thức sơ đẳng này. Nếu bạn thuộc luật giao thông đường bộ và đi đúng luật, bạn sẽ chẳng bao giờ phải mất tiền dấm dúi cho cảnh sát giao thông và rồi sau đó lại về lên facebook chửi csgt ăn chặn tiền của bạn với lý do là thôi bố thí đi cho nhanh, đang vội. Dám làm dám chịu thì mới là người đấu tranh cho bât công chứ!
Làm một cuộc cách mạng về nhận thức không có bất cứ một rủi ro nào cho bạn, không có bất cứ một thiệt hại nào cho bạn, bạn chỉ có lợi. Thế thì tại sao không bắt đầu?
Những ngày xảy ra bạo loạn ở Bình Dương và Đồng Nai vừa rồi, tôi sợ hãi vô cùng. Tôi tưởng rằng một cuộc cách mạng bạo lực đường phố sẽ đến. Ơn Trời nó đã không xảy ra. Tôi biết là nhiều người mong có một cuộc cách mạng như thế, toàn dân xuống đường lật đổ cộng sản. Tôi sợ lắm và mong rằng nó đừng xảy ra, sẽ chẳng có một Hong Kong nào hết với trình độ quan trí, dân trí của mình bây giờ.
Nói thêm một chút về trình độ quan trí và sự thay đổi của xã hội. Tôi cho rằng trình độ quan trí phát triển chậm hơn rất nhiều với tốc độ phát triển của dân trí. Cộng với nỗi sợ hãi của cả hai bên với nhau (rất tiếc rằng nhà cầm quyền và người dân hiện nay lại không cùng tiếng nói, không cùng ước mơ) thành ra thời gian giành ra để đối phó nhau nhiều quá. Chúng ta lãng phí quá nhiều nguồn lực để đối phó nhau, giữa gã chăn cừu và đàn cừu. Khi nào thì đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ bên cạnh gã chăn cừu nằm thả lỏng giữa bãi cỏ xanh ngắt, nhìn trời mây lãng đãng hehe?
Với những người bên kia chiến tuyến: Tôi thật không muốn viết bài này ra, đắn đo mãi cho đến hôm nay. Thôi thì cứ bộc bạch như thế để các anh hiểu tôi hơn. Còn gì nguy hiểm bằng khi bị đối phương hiểu rõ về mình? Dù sao thì tôi cũng muốn các anh thả lỏng mình để đọc bài này và cũng âm thầm thực hiện cho mình một cuộc cách mạng về nhận thức. Thời nào thì cũng cần những gã chăn cừu và đàn cừu cả. Nhưng với sự văn minh và với "dân chủ là xu thế không thể đảo ngược" - lời thủ tướng Dũng thì thời sắp tới sẽ không có chỗ để tồn tại cho những kẻ tàn ác.
Bắt đầu làm cách mạng nào, anh chị em!







No comments: