Saturday, November 8, 2014

Văn nghệ thời nay: Từ hiện thực bắt bớ đến tì thiếp cung đình (Nam Giang - VN Thời báo)



Văn nghệ thời nay: Từ hiện thực bắt bớ đến tì thiếp cung đình
Nam Giang
* Tác giả gửi bài cho VN Thời báo

Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống trên Trái Đất” (Bertolt Brecht).

Việt Nam đang có những bước chuyển mình vô cùng quan trọng trước thềm đại hội Đảng XII. Những hệ lụy của nền kinh tế, chính trị, xã hội đang dần được bóc dở, dù nó được che đậy bởi hệ thống tuyên truyền đồ sộ.

Số phận lớp người, và cả những thủ đoạn trong chính trường đang tác động đến từng cá thể người Việt trong nước.

Thế nhưng, những văn nghệ sĩ đã và đang làm gì trước những hơi thở gấp gáp đó của xã hội đương đại?



Hiện thực bắt bớ

Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật, theo nhà thơ Bùi Minh Quốc, đó là một cuộc chiến dài hơi và không bao giờ chấm dứt.

Từ sau ngày thống nhất đến nay, sự vận động của trào lưu nghệ thuật dù có mang lại những dư vị mới mẻ đôi chút, nhưng cũng không thể khiến cho luồng gió hiện thực trở nên xuyên suốt trong nền văn học - nghệ thuật đương đại.

Những tác phẩm bị đình chỉ, thu hồi, những tác giả bị kiểm điểm, giam cầm vì lỡ “quên” tính định hướng.

Về điện ảnh thì có “Bụi đời chợ lớn”, một bộ phim tâm lý, hành động của đạo diễn kiêm kịch bản Charlie Nguyễn vào năm 2013, bị hoãn chiếu vô thời hạn bởi Cục Điện ảnh Việt Nam với lý do “hiện thực phản ánh trong phim không đúng với hiện thực cuộc sống của thành phố Hồ Chí Minh. Những cảnh chém giết diễn ra liên miên mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ phía cơ quan chức năng…”.

Âm nhạc thì có nhạc sĩ Việt Khang bị bắt vào năm 2011, một phần ảnh hưởng từ việc sáng tác hai bài hát “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu”, trong bối cảnh diễn ra biểu tình chống Trung Quốc. Bị truy tố với lý do, “nội dung xuyên tạc sự thật, gây nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Về văn học, năm 2006, Nguyễn Ngọc Tư – tác giả truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” bị Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau ra văn bản, yêu cầu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phê phán, kiểm điểm. Trong bản báo cáo số 35-BC/TG ngày 27/03/2006 của Ban Tuyên giáo Cà Mau do ông Phó trưởng Ban Trần Văn Hiện ký, về mặt hạn chế bên tuyên giáo cho rằng, tác phẩm “thiếu tính tư tưởng, giáo dục xã hội, giáo dục con người”; “Phê phán xã hội nói cái xấu, mặt trái, hư cấu vượt quá hiện thực, cái không tốt nhiều hơn, không định hướng”.

Thậm chí, ngày 7/4/2006, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Dương Việt Thắng, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, còn mượn lời của một “nữ việt kiều và cả các nhà nghiên cứu phê bình văn học” cho đây là thứ văn chương “phản động, thậm chí là chống cộng; tục tĩu dâm ô; chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.”

Bảy năm sau, tiểu thuyết “Đại gia” ra đời (7/2013) với nội dung “miêu tả những mối quan hệ 'làm ăn' kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cao cấp của nhà nước và những thủ đoạn mánh khóe, trong công tác tổ chức cán bộ. Ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú cấu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.” Đã bị Cục Xuất bản đình chỉ, với lý do “Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.

Và còn rất nhiều những tác phẩm trước, và sau khoảng thời gian đó bị áp dụng các hình thức pháp lý nhằm “ngăn chặn” những “phê phán không đúng với hiện thực xã hội”. Tất cả những biện pháp răn đe đó, đã khiến cả nền văn học – nghệ thuật đương phải giam mình vào trong khuôn khổ, hiếm hoi lắm, một vài tác phẩm bứt ra khỏi cái khuôn vàng thước ngọc đó, và tất nhiên, họ bị buộc phải trả giá.

Dù rằng, cái chuẩn về mặt xã hội, được đối chiếu bởi yếu tố tư tưởng mang tính riêng biệt, đảng phái, và nó không thể đại diện cho đại bộ phận quần chúng cũng như có vai trò thúc đẩy cho sự phát triển hiện thực trong văn học nghệ thuật.

“Chuẩn nghệ thuật vị cung đình” – nền nghệ thuật làm theo chỉ đạo trở thành cản lực lớn nhất cho các văn nghệ sĩ tiếp cận hiện thực xã hội. Biến những văn nghệ sĩ trở thành những công cụ không hơn, không kém. Khiến họ thờ ơ và tránh né hiện thực, thiếu thiện tâm, sự dũng cảm và sáng tạo.



Hiện thực tắt đèn

Nam Cao, nhà văn hiện thực của thế kỷ 20 đã từng nhấn mạnh: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”

Xã hội Việt Nam ngày nay khác gì so với cái xã hội mà Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố… từng “thổ huyết” trong câu chữ của mình? Đầy những nhiễu nhương, bất công và bệnh hoạn về mặt đạo đức. Có chăng, cái sự đẹp đẽ đó chỉ hiện diện ở những người cố tỏ ra lạc quan hoặc che giấu nó, lẩn tránh nó.

Chúng ta thấy những mảnh đời trong đêm tối “Chị Dậu” của chế độ, những đổi chác quyền lực với “Số đỏ”, kiểu hành xử quan trên như “Sống chết mặc bay”, thấy cái riệu rã của phận người nông dân trong “Lão Hạc”, thấy cái bần cùng hóa của một lớp người qua “Chí phèo”, và “Hai đứa trẻ” trong mảng sáng tối ngày càng lớn của xã hội…

Thế nhưng, có bao nhiêu ngòi bút phản ánh được cái xã hội ngày nay trong chất phê phán? Có bao nhiêu tác giả đủ sáng tạo, đủ sự dũng cảm, để tìm đến một hiện thực phũ phàng mà không phải bẻ cong ngòi bút, để lắp ghép những ngôn từ tuyên truyền cho một xã hội “lạc quan, hạnh phúc”?

Không có nhiều như vậy. Giới văn nghệ sĩ vẫn bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”, vẫn chưa thể tiếp nối cái tinh thần phê phán, hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Nghĩa là chưa thực hiện cái quyền khách quan và hư cấu, bám sát đời sống đương đại qua thủ pháp nghệ thuật. Một lý tưởng, một thế hệ bị tiếp tục đánh mất niềm tin, văn hóa, đạo đức. Sự phì nhiêu của sự nhũng nhiễu, đi đôi với cái thói kiêu ngạo của tầng lớp quan chức.

Chính điều đó, đã khiến nền văn hóa – nghệ thuật của nước nhà lùi bước, nhường đường cho làn sóng văn hóa – nghệ thuật Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Âu Mĩ tràn ngập vào. Dù cố tỏ ra “hòa nhập”, nhưng thực sự đã bị hòa tan.

Những bộ phim sướt mướt, ủy mị, những văn chương ngôn tình lai láng, bài nhạc thất thiểu cô đơn… Đó là những gì giới trẻ đã và đang nhận được. Nó đã hiện diện trên từng kênh truyền hình, phát thanh, kệ sách, diễn đàn…

Banlzac – tác giả của Tấn Trò Đời đã cho rằng, “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại”.

Và như thế, họ (văn nghệ sĩ) phải ghi nhận lại hơi thở của thời đại. Những hơi thở thơm tho, những hơi thở nồng nặc mùi xú uế. Phải làm được như thế, và cần phải làm được như thế.

Câu chuyện về đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, vì áp lực buộc phải rút ra khỏi Văn đoàn độc lập, những lệnh cấm các tác phẩm văn học – nghệ thuật “thi thoảng” được áp dụng vì một số tác phẩm mang yếu tố “không phản ánh đúng xã hội”, những bộ phim chiến tranh, những bảo tàng nghệ thuật đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng vắng người xem… là những “hiện thực về tác phẩm lẫn giới văn nghệ sĩ” ngày hôm nay.

Hiện thực phũ phàng đó chính là hệ quả của việc đổi chác sáng tạo bằng sự yên ổn và kinh tế. Trong cái thể chế mà hiện thực buộc phải phân chia sao cho thành một mảnh ghép phản ảnh vừa đủ, nhưng bắt buộc tô vẽ chế độ. Chân chính đổi chác với đồng tiền, sự yên ổn và ngược lại.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Siêu nhận định: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.”

Phản động, thuần phong mỹ tục, lệch lạc tư tưởng là gì nếu bản thân cái văn học - nghệ thuật đó không phản ánh được hiện thực của cuộc sống mà chỉ mãi “tô son trát phấn” cho chế độ trong ảo mộng, và sự lung linh giả tạo.



Đừng mua vui cho chế độ

Có quá nhiều lý do, sự đe dọa về chính trị, bao vây về kinh tế, khiến các văn nghệ sĩ thụt lùi trong cái khuôn chật chội về mặt ý tưởng, đề tài, và chất liệu sáng tác. Không có nhiều người để cảm xúc trôi thả như vậy trong khung dệt xã hội.

Văn nghệ sĩ buộc phải lựa chọn một trong hai, hoặc chỉ là kẻ mua vui chế độ, hoặc là kẻ phục vụ người dân, thông qua việc đi tìm cái bi kịch của dân tộc, tìm cái thân phận con người trong biến động của xã hội đương đại, hệ quả của nền chính trị định hướng.

Nhưng Việt Nam ngày nay, thấy thiếu vắng những “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn cũng bị cấm do vướng vào câu chữ “nội chiến, lai căng, lũ bội tình” đến việc “tiến hành sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm” nơi mà Nguyễn Ngọc Tư đang sinh hoạt Đảng đoàn. Từ đình chỉ, thu hồi “Đại Gia”, đến bắt bớ giam cầm “Việt Nam tôi đâu”…

Những lời nói phán xét, những bản án răn đe, những thủ tục đưa người nghệ sĩ vào đúng làn đường, bấm nút và chạy đã khiến cho sự nhạy cảm với thời cuộc, sự sáng tạo bị kiềm hãm, chỉ còn một sự vâng dạ trong cái nghệ thuật con con. Khiến hầu hết văn nghệ sĩ lùi bước cam chịu và chăm chút cho nền nghệ thuật – văn hóa cung đình.

Có lẽ đúng như nhà văn Thiên Sơn bày tỏ với trang điện tử Một Thế Giới, “Nhà văn phải có trách nhiệm trước đời sống và phải nói được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ đang chi phối đến đời sống của hàng triệu con người.”

Chính nó, chính cái thứ trách nhiệm với cuộc sống mà văn nghệ sĩ cần nắm bắt lấy để nói rõ hơn về cuộc đời, thân phận, cuộc sống. Không đào bới, nhưng bản thân nó nhắc lại những gì đã từng hiện hữu trong quá khứ, có hư cấu nhưng câu chữ sống động với việc phản ảnh nỗi đau với những mảnh đời thật, tù đầy, tư tưởng.

Chúng ta là ai? Tác phẩm của chúng ta là gì? Nếu nó chỉ là một tác phẩm mang tính cung đình? Được biên soạn bởi sự chỉ đạo, hướng dẫn?

Giờ đây, nước nhà cần những cây bút, bất kể già trẻ, chỉ cần dám đột phá, đâm thủng lớp màn định hướng, thì khi đó, văn học-nghệ thuật mới lấy lại vị thế phát triển. Chứ không bị lép vế trước những mớ văn học - nghệ thuật ngôn tình, làm màu cho chế độ như hiện nay.

Sự dặt dẹo của nền văn học - nghệ thuật không phải là yếu tố của sự lẩn tránh. Chính vì thế, cần nhiều những “Cái đêm hôm ấy là đêm gì”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Nỗi buồn chiến tranh”, cho đến “Cánh đồng bất tận”, “Nhóm thơ mở miệng”, “Đại gia”… “Triệu trái tim”, để “Khóc mẹ dân oan”… Tất cả để soi rõ hơn thực trạng quyền lực xã hội, chính trị, kinh tế tại Việt Nam, để cất cao được tiếng nói của lớp lớp người dân trong xã hội hiện tại.



Đừng tì thiếp cho chính trị

Văn nghệ sĩ phải trở về với hiện thực, cũng là trở về với một sự đồng điệu về mặt tâm hồn cùng với người dân. Văn nghệ sĩ cần phải giằng co, từng chút một để thoát ra, bứt phá, đi sâu vào cái bất ổn, cái côn đồ của một phần chế độ, tính bạo lực và cuồng tín, cái thứ triết lý ẩu thả, cái môi trường vốn vẻ “thuần phong mỹ tục” nhưng đã bị ô nhiễm nặng nề, và chấp nhận sự trả giá... Bởi có như thế, mới đưa ra được xã hội những tác phẩm có hơi thở hiện thực của cuộc đời, với lối chữ bứt phá mang thi vị cuộc sống, thay vì bị sắp xếp như một tác phẩm “cung đình”, cho quan chức thưởng ngoạn không hơn, không kém.

Đó chính là “cái đẹp” của văn học - nghệ thuật. Cái đẹp để đưa luồng văn học – nghệ thuật trở về với chính con người (hiện thực – nhân đạo). Xã hội Việt Nam càng đầy rẫy những bất công, bi kịch thì bản thân những văn nghệ sĩ càng không được phép thờ ơ, lãnh đạm. Càng không được phép thoát ly thực tế, lãng quên thời cuộc, mà phải hòa mình vào, phải đưa cho bằng được tác phẩm trở thành “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”, như nhà văn Thạch Lam từng đối diện.

Chỉ có sự trách nhiệm với chính lương tri người cầm bút, và trên cả là trách nhiệm với chính thời cuộc, để thay vì tìm cách cân bằng cái đẹp, cái xấu. Sẽ nhanh chóng đi vào lột trần cái vẻ đẹp để người đọc tìm thấy sự lõa lồ của cái xấu xa, bệnh hoạn bên trong nó.

Xin đừng nghĩ nhiều đến hệ quả, đừng đặt mình trong hệ số an toàn. Vì khi đó, sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn cả. Nguyễn Ngọc Tư, từng thổ lộ, cô viết Cánh đồng bất tận chỉ là vì “viết như cảm xúc của mình”, vì nếu để ý, đo lường mọi chuyện “phê phán, kiểm điểm” thì chẳng có nỗi tác phẩm cánh đồng nào cả.

Cũng như thế, “Đại Gia”, “Việt Nam tôi đâu” cũng được tác giả “khám phá và tái hiện những vấn đề có tính nhân bản và tính thời đại”.

Hãy nhớ rằng, mỗi năm cái hàng trăm ngàn tác phẩm ra đời. Nhưng chỉ có số ít trong đó mới có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Bởi, rất ít những văn nghệ sĩ “biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. (Chingiz Aitmatov).

Trong một chế độ chính trị - xã hội như Việt Nam, kềm kẹp chính là trở ngại, nhưng đồng thời là cơ hội. Văn nghệ sĩ không sinh ra để an phận thủ thường, làm tì thiếp cho chính trị. Mà văn học - nghệ thuật phải đứng lên, để phản ánh cái chính trị, xã hội đó. Đừng bao giờ đưa một cái kết có hậu, đừng bao giờ đi theo mô-tip, bare của một sự định hướng. Đừng bao giờ sợ chụp mũ phản động.

Chỉ những người có được cái ý thức phản kháng trước cái ác, mới cảm nhận trọn vẹn “cái ác lên ngôi trong phần con, phần người chết ngắc...” trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

Cũng có nghĩa là, hãy làm tốt vai trò người “nghệ sĩ” thay vì “nghệ sĩ kiêm cán bộ” khi phản ảnh hiện thực xã hội.

** Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, không mang tính đại diện cho Việt Nam Thời Báo








No comments: