Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Trung-Việt tại Thành Đô
Tác giả: Lý Gia Trung (Tạp chí Trung Quốc) [1]
Nguyễn
Văn Linh nói, năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư
ĐCSVN ông quyết tâm vượt qua mọi sức cản, từng bước
uốn nắn các sai lầm trước đây, khôi phục mối quan hệ
hữu nghị với Trung Quốc. Trước hết là thuyết
phục Trung ương ĐCSVN kiến nghị Quốc hội xóa
bỏ các nội dung có liên quan chống Trung Quốc viết trong
Hiến pháp... Ông nói rằng Việt Nam đã
làm một số việc không tốt với Trung Quốc. Ông
luôn chủ trương làm sai thì phải sửa. Mong các đồng
chí Trung Quốc thông cảm và bỏ qua những chuyện về mặt
này, chuyện đã qua rồi thì để nó qua đi thôi...
Để
bảo đảm cuộc gặp thành công, Tỉnh ủy Tứ Xuyên và
Văn phòng Đối ngoại đã làm rất nhiều công việc tổ
chức và chuẩn bị. Nghe nói họ đã phải đưa đi nơi
khác tất cả các khách trọ ở nhà khách Kim Ngưu, để
dành nơi này đón các vị khách Việt Nam ở trong hai ngày
hội đàm. Đồng thời hai bên
Trung Quốc - Việt Nam thương lượng giữ bí mật về cuộc
hội đàm này, không phát bất cứ tin tức nào ra bên
ngoài...
*
Tháng
11 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ
Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ
Văn Kiệt chính thức thăm Trung Quốc, lãnh đạo hai nước
ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường hóa
mối quan hệ Trung-Việt, từ đó kết thúc trạng thái đối
lập trong mối quan hệ giữa hai nước kéo dài tới 13
năm. Cần nói rằng để đạt được mục tiêu ấy, cả
hai bên đều đã có những cố gắng lớn, trong đó cuộc
gặp Thành Đô tháng 9-1990 giữa người lãnh đạo hai nước
có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nó đánh dấu điểm
ngoặt trong mối quan hệ Trung-Việt, không những san bằng
con đường bình thường hóa mối quan hệ này mà còn có
ảnh hưởng sâu sắc lâu dài tới sự tiếp tục phát
triển mối quan hệ hai nước.
Thay
đổi chính quyền, quan hệ Trung-Việt xuất hiện tia sáng
ban mai
Năm
1975 sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết
thúc, những người lãnh đạo Việt Nam hồi đó đã không
kịp thời hàn gắn các vết thương do chiến tranh mang
lại, mà triệt để xa rời đường lối Hồ Chí Minh, đối
nội cưỡng chế thi hành cải tạo XHCN quá “tả”, đối
ngoại dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô, ra sức đẩy
mạnh chủ nghĩa bá quyền khu vực, điên cuồng chắp nối
lắp ghép “Liên bang Đông Dương”. Dưới sự dẫn dắt
của đường lối sai lầm đó, Việt Nam một mặt công
khai chống Trung Quốc, một mặt ra sức khống chế Lào,
thậm chí phát động xâm lược vũ trang Campuchia. Những
việc làm của họ đã đưa nền kinh tế Việt Nam tiến
gần tới miệng hố sụp đổ, hoàn cảnh quốc tế bị
cô lập chưa từng thấy.
Tháng
7-1986, Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn ốm chết. Tháng 12 cùng
năm, tại Đại hội VI ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh được bầu
làm Tổng Bí thư Đảng. Trong thời kỳ
Việt Nam kháng chiến chống Mỹ những năm 60, Nguyễn Văn
Linh là thành viên ban lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam
ĐCSVN, từng nhiều lần bí mật thăm Trung Quốc, có thái
độ thành khẩn hữu hảo đối với Trung Quốc, rất được
Mao Chủ tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai đánh giá cao,
cho rằng ông là người lãnh đạo kế tục rất có hy
vọng của Việt Nam. Nhưng sau khi kháng chiến chống Mỹ
kết thúc, Nguyễn Văn Linh không tán thành chính sách đối
nội đối ngoại sai lầm của người lãnh đạo đương
thời, vì thế ông từng mấy lần bị gạt bỏ. Sau khi
lên làm Tổng Bí thư ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh khẩn trương
uốn nắn toàn bộ cách làm sai lầm của người tiền
nhiệm, đề xuất khẩu hiệu Việt Nam cần phải “làm
bạn với tất cả các nước”. Ông cho rằng lúc đó
Việt Nam có hai nhiệm vụ khẩn thiết nhất là rút quân
khỏi Campuchia và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Thế
nhưng Bộ Ngoại giao do Nguyễn Cơ Thạch, - một thân tín
của Tổng Bí thư tiền nhiệm, Ủy viên Bộ Chính trị
ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nắm giữ - vẫn tiếp
tục hành sự theo tư duy của Lê Duẩn, tìm đủ mọi cách
can nhiễu và ngăn cản sự bố trí chiến lược của
Nguyễn Văn Linh. Là người lãnh đạo mới lên nắm quyền,
Nguyễn Văn Linh chưa có cơ sở vững chắc trong tầng lớp
quyết sách ở trung ương; một số ý tưởng của ông
cũng chưa được nhiều người lãnh đạo hiểu biết và
ủng hộ. Trong tình hình đó, làm thế nào mới có thể
thực hiện được mục tiêu nói trên là một vấn đề
hóc búa và đau đầu nhưng lại tất phải giải quyết.
Cay-xỏn
Phôm-vi-hản thăm Trung Quốc ba lần xin gặp Đặng Tiểu
Bình thổ lộ điều bí mật
Tháng
10-1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng kiêm Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản
thăm Trung Quốc. Hồi ấy tôi là Trưởng phòng Đông
Dương, Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao có tham gia công tác tiếp
đón. Theo kế hoạch đón tiếp được Trung ương duyệt
thì Thủ tướng Lý Bằng sẽ chủ trị hội đàm, Tổng
Bí thư Giang Trạch Dân hội kiến và mở tiệc chiêu đãi
loại thường (nguyên văn tiện yến). Nhưng phía Lào tha
thiết mong muốn đồng chí Đặng Tiểu Bình có thể hội
kiến Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Phía Trung Quốc tỏ ý Đặng
Tiểu Bình tuổi đã cao, không thể gặp bất cứ khách
nước ngoài nào, xin thông cảm. Dù vậy, Cay-xỏn
Phôm-vi-hản vẫn kiên trì yêu cầu gặp Đặng Tiểu Bình,
tôi nhớ là họ trước sau ba lần đề ra vấn đề này.
Trong tình hình đó, qua nhiều lần nghiên cứu, bàn bạc,
cuối cùng thỏa thuận mời Đặng Tiểu Bình gặp ngắn
gọn có tính nghi lễ. Vì vậy Bộ Ngoại giao cũng không
chuẩn bị đề cương chi tiết các điểm chính để tham
khảo khi trò chuyện.
Không
ngờ hai vị lãnh đạo nói chuyện lâu tới 40 phút, hơn
nữa đều nói về những vấn đề có tính thực chất
rất quan trọng. Cay-xỏn Phôm-vi-hản thành khẩn thừa
nhận trong 10 năm qua mối quan hệ Lào với Trung Quốc ở
vào trạng thái không bình thường là do chịu “ảnh
hưởng từ bên ngoài”, chuyến thăm Trung Quốc lần này
sẽ đánh dấu việc hoàn toàn bình thường hóa quan hệ
hai nước. Đồng thời Cay-xỏn
Phôm-vi-hản còn chuyển lời hỏi thăm thân thiết của
Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh tới Đặng Tiểu Bình,
nói Việt Nam đã có nhận thức mới đối với tình hình
Trung Quốc, thái độ đối với Trung Quốc cũng có thay
đổi, còn nói Nguyễn Văn Linh hy vọng Trung Quốc có thể
mời ông thăm Trung Quốc.
Đặng
Tiểu Bình cũng mời Cay-xỏn Phôm-vi-hản chuyển hộ lời
hỏi thăm Nguyễn Văn Linh và nói:
Tôi
quen đồng chí Nguyễn Văn Linh từ lâu, tôi biết đồng
chí ấy tư duy linh hoạt, rất có lý trí, công tác rất
đắc lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đồng
chí ấy. Tôi mong muốn đồng chí Nguyễn Văn Linh quả
quyết giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia. Hiện
nay tôi đã già, sắp nghỉ hưu, tôi hy vọng trước khi
nghỉ hưu hoặc không lâu sau khi tôi nghỉ hưu, vấn đề
Campuchia sẽ có thể được giải quyết, mối quan hệ
Trung Quốc-Việt Nam khôi phục bình thường, như vậy một
nỗi băn khoăn (nguyên văn tâm sự) của tôi sẽ được
dẹp bỏ.
Đặng
Tiểu Bình đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải rút sạch
sành sanh quân đội ra khỏi Campuchia. Ông nhờ Cay-xỏn
Phôm-vi-hản chuyển những ý kiến đó tới Nguyễn Văn
Linh. Ngoài ra Đặng Tiểu Bình còn nói một câu ý vị sâu
sắc: “Nguyễn
Cơ Thạch, cái người này thích hoạt động lén lút.”
Lúc ấy tôi làm công tác ghi chép tại chỗ, cảm thấy
câu này dường như buột miệng nói ra, nhưng trọng lượng
rất nặng. Theo tôi hiểu, câu nói ấy
muốn bảo Nguyễn Văn Linh rằng Trung Quốc đã mất niềm
tin với Nguyễn Cơ Thạch, cho dù là giải quyết vấn đề
Campuchia hay thực hiện bình thường hóa mối quan hệ
Trung-Việt đều không thể hy vọng và dựa vào Nguyễn Cơ
Thạch.
Nguyễn
Văn Linh tiếp Đại sứ Trung Quốc để tỏ ý hữu hảo
Cay-xỏn
Phôm-vi-hản trên đường về nước có dừng lại ngắn
ngày ở Việt Nam, ông đã kịp thời và toàn diện chuyển
tới Nguyễn Văn Linh lời nhắn của Đặng Tiểu Bình.
Nghe xong, Nguyễn Văn Linh rất coi trọng,
càng có hiểu biết thiết thân về “hoạt động lén
lút” của Nguyễn Cơ Thạch. Ông hiểu rằng muốn
cải thiện quan hệ Việt-Trung trước hết phải giải
quyết vấn đề Campuchia, mà giải quyết vấn đề
Campuchia như thế nào thì phải bàn với Trung Quốc. Ông
còn ý thức được rằng Đặng Tiểu Bình tuy đã gửi
lời nhắn nhưng lại không đưa ra lời mời mình thăm
Trung Quốc. Trong tình hình đó làm cách nào để thực
hiện thăm Trung Quốc là vấn đề ông cần gấp rút giải
quyết.
Ngày
5-6-1990, qua sự nỗ lực của nhiều bên, Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh đã hội kiến Đại sứ Trung Quốc ở
Việt Nam Trương Đức Duy tại Nhà khách Trung ương ĐCSVN.
Trước tiên Nguyễn Văn Linh nhờ Đại sứ Trương chuyển
lời hỏi thăm của ông tới các đồng chí lãnh đạo
Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng.
Nguyễn Văn Linh nói, trong thời kỳ Việt
Nam kháng chiến chống Mỹ, ông từng nhiều lần đi Trung
Quốc, đã gặp Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, các
đồng chí Đặng Tiểu Bình v.v... Mao Chủ tịch, Thủ
tướng Chu Ân Lai, đồng chí Đặng Tiểu Bình là người
cùng thế hệ với Hồ Chủ tịch; Nguyễn Văn Linh là học
trò của họ. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến
cũng như trong nhà tù của kẻ địch, ông luôn luôn học
tập và nghiên cứu các trước tác của Mao Chủ tịch bàn
về cách mạng dân tộc dân chủ, được lợi không ít.
Trong thời kỳ Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ, Trung Quốc
đã viện trợ to lớn cho Việt Nam về mọi mặt, cả đến
gạo, bánh quy nén, dưa chua, đều do Trung Quốc giúp. Hơn
nữa Trung Quốc cũng giúp Việt Nam rất nhiều về chiến
lược và tư tưởng chỉ đạo, thí dụ Việt Nam làm
chiến tranh nhân dân là học tư tưởng chiến tranh nhân
dân của Mao Chủ tịch rồi vận dụng vào thực tiễn
Việt Nam. Có thể nói nếu không có sự viện trợ của
Trung Quốc thì Việt Nam không thể đánh bại đế quốc
Mỹ.
Nguyễn
Văn Linh nói, sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi,
toàn quốc thống nhất, Việt Nam lẽ ra nên tập trung lực
lượng xây dựng kinh tế, nhưng đã xuất hiện tình hình
khó khăn và phức tạp không ngờ tới, mười mấy năm
nay Việt Nam càng gian khổ hơn thời kỳ chống Mỹ, đời
sống ngày càng khó khăn, đặc biệt là mối quan hệ
Việt-Trung xuất hiện khó khăn. Ông nói
rằng Việt Nam đã làm một số việc không tốt với
Trung Quốc. Ông luôn chủ trương làm sai thì phải sửa.
Mong các đồng chí Trung Quốc thông cảm và bỏ qua những
chuyện về mặt này, chuyện đã qua rồi thì để nó qua
đi thôi. Việc quan trọng hơn trước mắt là làm
tốt mối quan hệ giữa hai nước hiện nay và sau này.
Nguyễn
Văn Linh nói tình hình quốc tế đang thay đổi mạnh, tình
thế ở Đông Âu diễn biến rất phức tạp, tình thế
Liên Xô cũng rất nghiêm trọng. Bọn đế quốc dốc sức
can thiệp, ra sức làm diễn biến hòa bình, mơ tưởng một
lần tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Trước
kia mọi người nói Liên Xô là thành trì của hòa bình
thế giới, nhưng hiện nay thành trì này đang lung lay.
Trung Quốc là một nước lớn, Đảng Trung Quốc là một
đảng lớn, lại kiên định đi con đường XHCN. Trong tình
hình hiện nay, Trung Quốc có địa vị và tác dụng đặc
biệt quan trọng. Chúng tôi cần Trung Quốc giơ ngọn cờ
XHCN. Hai nước Việt Nam-Trung Quốc là láng giềng XHCN.
Việt Nam là nước nhỏ, Đảng Việt Nam là đảng nhỏ,
rất cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của một nước
lớn, đảng lớn như Trung Quốc. Nguyễn Văn Linh nói đây
là lời thực lòng của ông.
Nguyễn
Văn Linh nói, vấn đề Campuchia dù thế nào cũng phải
giải quyết một cách hòa bình, Campuchia trong tương lai
không nên thân phương Tây, cũng không được để phương
Tây và Liên Hợp Quốc can thiệp quá sâu. Bởi vậy hai
phía Việt Nam-Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, từ
bên trong thúc đẩy Pol Pot, Ieng Sary hòa giải với Heng
Samrin, Hun Sen, đối ngoại vẫn có thể theo con đường
thương lượng giữa các bên hiện nay. Ý tưởng gạt bỏ
Khmer Đỏ là không thực tế.
Nguyễn
Văn Linh tỏ ý ông rất muốn gặp mặt các đồng chí
lãnh đạo Trung Quốc cao nhất để trao đổi ý kiến một
cách thấu triệt, như anh em với nhau, có thể không câu
nệ nghi lễ ngoại giao. Ông nói, kinh nghiệm lịch
sử cho thấy người lãnh đạo cao nhất hai nước trực
tiếp nói chuyện với nhau thì dễ hiểu biết thông cảm
lẫn nhau và đạt được nhất trí, cũng có thể giải
quyết được nhiều vấn đề quan trọng. Nguyễn Văn Linh
còn nói, ông đã nhiều tuổi, muốn trước khi nghỉ hưu
có thể bàn bạc cùng với người lãnh đạo Trung Quốc
giải quyết xong dứt điểm vấn đề Campuchia và khôi
phục quan hệ Việt-Trung.
Khi
hội kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng
có mặt, nhưng nội dung nói chuyện hoàn toàn khác với
luận điệu cũ rích chống Trung Quốc của Nguyễn Cơ
Thạch. [Tôi] đoán rằng việc bố trí Nguyễn Cơ Thạch
dự hội kiến rất có thể có dụng ý là để ông ta mặt
đối mặt nghe xem rốt cuộc Tổng Bí thư nói gì, cũng có
thể lúc ấy [Tổng Bí thư] còn có chút hy vọng với ông
ta, dành cho ông ta cơ hội thay đổi cách làm việc. Dĩ
nhiên cũng chính là do Nguyễn Cơ Thạch có mặt nên Nguyễn
Văn Linh chưa nói sâu sắc, thấu triệt hơn.
Sau
khi kết thúc cuộc hội kiến, Đại sứ Trương lập tức
báo cáo cho bên nhà biết chi tiết nội dung cuộc nói
chuyện của Nguyễn Văn Linh và thỉnh thị trong nước có
chỉ thị gì. Bên nhà nghiên cứu kỹ rồi nhanh chóng trả
lời rằng hãy cứ yêu cầu Việt Nam rút nhanh quân đội
ra khỏi Campuchia và giải quyết ổn thỏa vấn đề liên
hợp hai bên đối lập ở Campuchia sau khi rút quân, tức
chính quyền Phnom Penh với ba phái lực lượng chống đối,
sau đó sẽ từng bước thu xếp suôn sẻ cuộc gặp cấp
cao giữa nhà lãnh đạo hai nước. Trong tình hình đó, làm
cách nào để phá vỡ thế bí, thực hiện cuộc gặp với
lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề đòi hỏi Nguyễn Văn
Linh suy nghĩ rất lung.
Một
nhân vật bí ẩn xuất hiện ở Sứ quán cho xem mật thư
Sáng
ngày 16-8-1990, một cán bộ họ Hoàng
của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến trước cổng
Đại sứ quán Trung Quốc. Ông nói với nhân viên tiếp
đón của Sứ quán là có việc cần gặp Đại sứ Trương.
Đại sứ đã tiếp ông này tại phòng khách Sứ quán. Vì
Đại sứ Trương thạo tiếng Việt nên hai người nói
chuyện không cần phiên dịch. Hoàng nói
nhà ông ở gần nhà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tối
ngày 13/8 Tổng Bí thư cho xe đón ông đến nhà nói chuyện
một giờ đồng hồ. Tổng Bí thư nói ông vốn dĩ muốn
một lần nữa hẹn gặp Đại sứ Trương nhưng Bộ Ngoại
giao ngăn cản, nói là không cần thiết. Vì vậy Tổng Bí
thư nhờ Hoàng nhắn miệng tới Đại sứ Trương.
Nói
đoạn, Hoàng lấy từ túi áo ra một mảnh giấy viết thư
gập lại rất nhỏ và giải thích đây là những điều
ông ghi lại lời của Tổng Bí thư, đã được Tổng Bí
thư soát lại không có gì sai. Trong đó có đoạn nói:
“Tháng
10 năm ngoái, đồng chí Cay-xỏn chuyển tới tôi lời hỏi
thăm của đồng chí Đặng Tiểu Bình và lời nhắn miệng
nói đồng chí hy vọng trong những năm còn sống được
thấy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam bình thường hóa, tôi
rất hoan nghênh những điều đó. Cũng vậy, tôi tha thiết
mong muốn trong nhiệm kỳ tôi chủ trì Trung ương ĐCSVN
khóa VI có thể khôi phục quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
để từ Đại hội VII sắp họp sẽ bắt đầu một giai
đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Làm được việc
này tôi mới xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân
Việt Nam và đảng viên ĐCSVN dành cho tôi.”
“Sở
dĩ vấn đề Campuchia - trở ngại ấy cãi nhau mãi chưa
thể giải quyết là do Nguyễn Cơ Thạch luôn luôn làm
chệch hướng việc này. Tôi cho rằng hiện
nay người lãnh đạo hai nước cần phải bàn bạc trực
tiếp và đi sâu, nhằm thanh toán hết mọi hiểu lầm và
loại bỏ sự can thiệp của Bộ
Ngoại giao Việt Nam. Tôi tin rằng những người
cộng sản chân chính của hai nước đều xuất phát từ
hy vọng tha thiết bảo vệ CNXH và khôi phục tình hữu
nghị trong sáng chân thành giữa hai nước để tiến hành
gặp gỡ, vấn đề Campuchia nhất định có thể nhanh
chóng được giải quyết. Nếu
các đồng chí Trung Quốc cũng có quan điểm như vậy thì
đề nghị gửi lời mời nội bộ, tôi sẽ lập tức bí
mật đi Trung Quốc.”
“Để
việc thảo luận tiến hành được chắc chắn tin cậy,
để sau khi về nước tôi có thể thuyết phục có hiệu
quả tập thể Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị
ĐCSVN, tốt nhất nên có hai đồng chí Đỗ Mười, Phạm
Văn Đồng cùng tôi đi Trung Quốc.”
“Điểm
xuất phát tôi yêu cầu đi thăm Trung Quốc nội bộ là để
đích thân thâm nhập nghe ý kiến của các đồng chí
Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, cũng là để
các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đích thân thâm nhập
hiểu rõ cá nhân tôi. Hai bên cùng nhau thành khẩn tìm ra
phương án giải quyết tốt nhất một loạt vấn đề,
trước hết là vấn đề Campuchia. Trước mắt tôi có khó
khăn nhất định nhưng tôi có niềm tin.”
“Nếu
được các đồng chí Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ,
tôi sẽ đi theo đường lối của Hồ Chủ tịch, thuận
lợi tiến chắc tới mục tiêu trên phương diện xây dựng
tình hữu nghị Việt-Trung tốt đẹp, bảo vệ CNXH và lợi
ích cách mạng chung.”
Đỗ
Mười mà Nguyễn Văn Linh nhắc tới là Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Việt Nam, Phạm Văn Đồng
là cựu Thủ tướng Việt Nam, bấy giờ làm Cố vấn
Trung ương Đảng.
Hoàng
giải thích, ông hiểu ý của Tổng Bí thư là: do Ngoại
trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngấm ngầm gây bế tắc, tiến
trình Việt Nam - Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia
và khôi phục quan hệ hai nước bị cản trở, bởi thế
Tổng Bí thư muốn đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch và Bộ
Ngoại giao do ông ấy nắm, lãnh đạo cao nhất hai nước
trực tiếp gặp nhau, sau khi bàn bạc quyết định vấn đề
rồi có thể ra lệnh cho Bộ Ngoại giao quán triệt chấp
hành.
Tiễn
đưa Hoàng xong, việc đầu tiên Đại sứ Trương vội làm
là lập tức báo cáo trong nước biết các ý kiến Nguyễn
Văn Linh nhờ Hoàng chuyển giúp. Nhưng đồng thời [Đại
sứ] cần xem xét một vấn đề là Đại Sứ quán có nên
đề xuất với trong nước quan điểm và kiến nghị của
mình hay không. Chỗ khó là bên nhà vừa mới trả lời rõ
ràng yêu cầu đi thăm nội bộ Trung Quốc do Nguyễn Văn
Linh đề ra hôm mồng 5 tháng 6, tức đòi phía Việt Nam
trước tiên phải giải quyết vấn đề rút quân khỏi
Campuchia và xúc tiến việc thành lập sự liên hợp hai
bên đối lập ở Campuchia, rồi mới thu xếp cuộc gặp
người lãnh đạo hai nước. Trong tình hình này, nếu lặp
lại ý kiến của bên nhà thì coi như không nêu ra kiến
nghị nữa; nhưng nếu đưa ra kiến nghị khác với ý kiến
bên nhà thì liệu có bị hiểu nhầm là chủ trương ngược
lại với trong nước chăng?
Vì
việc đó, chiều hôm ấy khi vừa bắt đầu giờ làm
việc, Đại sứ Trương gọi tôi và hai Bí thư thứ nhất
cùng bàn bạc. Qua thảo luận, Đại sứ Trương và chúng
tôi nhất trí cho rằng chức trách của Đại Sứ quán là
đứng gác cho trong nước, làm tốt nhiệm vụ tham mưu.
Phúc đáp lần trước của trong nước rõ ràng là đúng,
nhưng hiện giờ xuất hiện tình hình mới, Nguyễn Văn
Linh quyết kế đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch để tiến
hành bàn bạc chân thành có tính thực chất với người
lãnh đạo nước ta; vì vậy Đại Sứ quán nên căn cứ
tình hình mới, mạnh dạn nêu ra kiến nghị mới. Thế là
Sứ quán trịnh trọng kiến nghị bên nhà tích cực xem
xét việc Nguyễn Văn Linh một lần nữa nêu yêu cầu thăm
Trung Quốc nội bộ.
Đại
sứ Trương thi hành diệu kế đến thăm Bộ Quốc phòng
Đêm
19 tháng 8, Sứ quán nhận được trả lời của trong nước.
Bên nhà chỉ thị Đại sứ Trương tìm cách tránh Bộ
Ngoại giao Việt Nam, gặp người tin cậy ở bên cạnh
Nguyễn Văn Linh đề xuất Đại sứ muốn sớm gặp riêng
Tổng Bí thư để trực diện tìm hiểu ý đồ thật sự
của Tổng Bí thư; có kết quả gì lập tức báo cáo
trong nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với Đại
sứ, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu
và vượt trên tất cả mọi nhiệm vụ khác, nhưng chẳng
nói cũng rõ mức độ khó khăn của công việc này.
8
giờ sáng ngày 20, Đại sứ Trương triệu tập cuộc họp
mở rộng Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu cách thực hiện
chỉ thị của trong nước, nhưng chẳng ai đề ra được
kế sách hay nào. Mọi người đều rõ, trong suốt những
năm 80, Việt Nam luôn luôn coi Trung Quốc là “kẻ địch
trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất”, các phương tiện
truyền thông như báo chí, đài phát thanh truyền hình đều
phát đi những nội dung chống Trung Quốc; trong các buổi
chiêu đãi và mọi nghi thức ngoại giao, bất cứ quan chức
Việt Nam nào cũng không dám nói chuyện với quan chức
ngoại giao Trung Quốc. Trong tình hình như vậy, chưa nói
việc chẳng có cách nào tìm gặp được người tin cậy
ở bên Nguyễn Văn Linh mà ngay cả chuyện ai là người
tin cậy ở bên Tổng Bí thư, cũng không ai biết.
Trong
tình hình tìm không ra manh mối nào, mọi người không hẹn
mà cùng nhớ tới một chuyện. Đó là ngày 6 tháng 6, tức
sau hôm Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ
Trương, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam có gặp riêng và mời
cơm Đại sứ Trương. Ngoài việc giải thích thêm tinh
thần câu chuyện Nguyễn Văn Linh nói hôm mồng 5 ra, Lê
Đức Anh còn nói không ít những lời hữu nghị với
Trung Quốc. Thế là Đại sứ Trương quyết định
thử dùng kênh thông qua Bộ Quốc phòng và Lê Đức Anh
xem sao; ông chỉ thị Tùy viên quân sự Sứ quán là Thượng
tá Triệu Nhuệ lập tức hành động.
Quả
nhiên Đại tướng Lê Đức Anh rất vui lòng gặp Đại sứ
Trương. Tám giờ sáng ngày 21, Đại sứ Trương đi một
chiếc xe con không cắm quốc kỳ đến Bộ Quốc phòng
Việt Nam. Lê Đức Anh thân mật bắt tay, ôm vai Đại sứ
Trương và nói Đại sứ muốn gặp ông lúc nào ông đều
hoan nghênh cả. Đại sứ Trương đi thẳng ngay vào vấn
đề, tóm tắt kể lại một lượt việc hôm trước Hoàng
Nhật Tân chuyển tới Đại sứ những lời của Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh, ngỏ ý bản thân Đại sứ rất muốn
trực diện nghe ý kiến của Tổng Bí thư, hy vọng Lê Đức
Anh liên hệ giúp. Lê tỏ ý sẽ lập tức làm ngay việc
này.
Chiều
hôm ấy Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng
Việt Nam Vũ Xuân Vinh khẩn cấp hẹn gặp Tùy viên quân
sự Sứ quán Trung Quốc Triệu Nhuệ và báo cho biết: Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ hội kiến Đại sứ Trương
vào 7 giờ 30 tối ngày 22 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng,
hai bên đều không mang theo phiên dịch viên, kiến nghị
Đại sứ Trương đi xe khác, không cắm quốc kỳ. Vũ còn
nói việc này chỉ có ông và Trưởng phòng Vũ Tần của
Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam biết, những
người khác đều không biết. Sau khi về Sứ quán, Tùy
viên Triệu lập tức báo cáo Đại sứ Trương.
Có
những sự việc không hẹn mà gặp nhau. Vợ chồng Đại
sứ Trương vốn dĩ đã ấn định 6 giờ 30 tối ngày 22
mời cơm vợ chồng Đại sứ Malaysia, trước đó đã gửi
thiếp mời. Để không thất lễ mà lại có thể bảo đảm
đúng giờ đi gặp Nguyễn Văn Linh, Đại sứ quyết định
giả vờ ốm, để tôi và phu nhân Đại sứ tiếp khách
dùng cơm. Tối hôm ấy vợ chồng Đại sứ Malaysia đúng
giờ đến Đại Sứ quán. Sau khi vào phòng khách, họ thấy
Đại sứ Trương vẻ thiểu não đang ngồi trên ghế được
người phiên dịch và nhân viên tiếp tân dìu đứng dậy,
mệt nhọc nói : “Xin chào Đại sứ và phu nhân. Rất xin
lỗi các ngài là cái bệnh Meniere[2]
của tôi lại tái phát, làm cho tôi bị nhức đầu buồn
nôn, vì thế tôi chỉ có thể tiếp các ngài được một
lúc thôi ạ. Ông Lý, Tham tán Chính trị của Đại Sứ
quán và phu nhân của tôi sẽ tiếp ngài Đại sứ và phu
nhân dùng cơm.” Nghe nói vậy, Đại sứ Malaysia rất cảm
động, ông nói : “Ngài Đại sứ đang đau ốm mà vẫn
ra đón khách, chúng tôi thật không phải với ngài. Xin
mời Đại sứ về nghỉ ngơi, chúc ngài sớm bình phục.”
Nói đoạn, ông thân chinh dìu Đại sứ Trương đứng dậy,
hai người bắt tay tạm biệt. Vừa ra khỏi phòng khách,
Đại sứ Trương rảo bước đi tới chiếc xe đang chờ
sẵn trong sân. Chiếc Toyota màu đen phóng ngay tới Bộ
Quốc phòng Việt Nam.
Nguyễn
Văn Linh bí mật gặp Đại sứ Trương
Khi
gặp Đại sứ Trương, trước tiên Nguyễn Văn Linh khẳng
định ông đã nhờ Hoàng Nhật Tân là
con trai Hoàng Văn Hoan chuyển lời nhắn tới Đại sứ
Trương, nội dung cũng chính xác không có gì sai cả.
Nguyễn Văn Linh nói bản thân ông trước nay đều cho rằng
Việt Nam nên giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Năm 1976,
tại Đại hội IV ĐCSVN, vì không đồng ý với một số
biện pháp làm xấu mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc của
chính quyền hồi ấy mà ông bị lên án là “hữu
khuynh”. Năm 1982 tại Đại hội V ĐCSVN lại vì ông chủ
trương trong giai đoạn hiện nay Việt Nam nên cho phép đồng
thời tồn tại nhiều thành phần kinh tế và không đồng
ý với chính sách chống Trung Quốc mà bị chèn ép ra khỏi
Bộ Chính trị. Hồi ấy ông rất khó hiểu tại sao lại
áp dụng thái độ như vậy với Trung Quốc. Nếu
Bác Hồ còn thì nhất định sẽ không xuất hiện những
chuyện kỳ quặc như thế. Nguyễn Văn Linh còn nói,
chính sách của Việt Nam đối với Hoa kiều và người
Hoa cũng sai lầm. Hoa kiều và người Hoa có đóng góp quý
giá cho cách mạng Việt Nam, sau khi chiến thắng, Việt Nam
lại kỳ thị họ, xua đuổi họ, thật là không có tình
có lý.
Nguyễn
Văn Linh nói, năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư
ĐCSVN ông quyết tâm vượt qua mọi sức cản, từng bước
uốn nắn các sai lầm trước đây, khôi phục mối quan hệ
hữu nghị với Trung Quốc. Trước
hết là thuyết phục Trung ương ĐCSVN kiến nghị Quốc
hội xóa bỏ các nội dung có liên quan chống Trung Quốc
viết trong Hiến pháp. Tiếp đó lại làm các
công việc trên nhiều mặt, cuối cùng ra được quyết
định rút quân khỏi Campuchia. Nguyễn Văn Linh nói, trong
tình hình quốc tế hiện nay, đối với Việt Nam, việc
xây dựng, phát triển tình đoàn kết hữu nghị và quan
hệ hợp tác với Trung Quốc, trung tâm XHCN kiên cường
này, rõ ràng là một nhiệm vụ càng quan trọng và bức
thiết. Bởi vậy, ông có một nguyện vọng lớn nhất là
thực hiện được việc bình thường hóa mối quan hệ
Việt Nam - Trung Quốc vào trước Đại hội VII ĐCSVN năm
1991. Đây sẽ là một việc lớn làm phấn chấn lòng
người đối với toàn đảng và toàn dân Việt Nam.
Về
vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh nói ông hiểu rõ tính
chất quan trọng và bức thiết của việc giải quyết vấn
đề này. Lẽ ra hai bên Việt Nam và Trung Quốc thông qua
con đường ngoại giao để bàn bạc giải quyết vấn đề
này là tốt nhất và suôn sẻ nhất. Nhưng do Nguyễn Cơ
Thạch và Bộ Ngoại giao do ông ta nắm có ý đồ gây rối,
hiện nay con đường này rất khó đi. Vì vậy ông nghĩ
bản thân ông phải đi Bắc Kinh trực tiếp hội đàm với
Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng, cùng
bàn bạc phương án giải quyết tốt nhất. Nguyễn Văn
Linh nói, trên vấn đề Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch có quan
điểm không nhất trí với phần lớn các Ủy viên Bộ
Chính trị, ông ta luôn luôn làm sai lệch công việc.
Nguyễn Văn Linh còn nói, những cuộc gặp cá nhân như
cuộc gặp Đại sứ Trương hôm nay không nên quá nhiều.
Nếu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng
mời ông và Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi Trung Quốc
thì đề nghị Đại sứ Trương trực tiếp đề xuất với
Bộ Ngoại giao Việt Nam ý định đồng thời gặp Nguyễn
Văn Linh, Đỗ Mười, và Chủ tịch Nhà nước Võ Chí
Công, trực diện chuyển ý kiến của người lãnh đạo
Trung Quốc, làm như vậy sẽ ổn thỏa hơn.
Đại
sứ Trương cảm ơn Nguyễn Văn Linh đã tiếp và tỏ ý sẽ
lập tức báo cáo trong nước biết nội dung cuộc nói
chuyện của ông.
Gặp
gỡ bí mật Thành Đô
Chiều 28 tháng 8 năm
1990, Sứ quán nhận được chỉ thị của trong nước, đề
nghị Đại sứ Trương chuyển lời tới Nguyễn Văn Linh:
Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan
nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tiến hành thăm nội bộ
Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9, cũng hoan nghênh
Cố vấn Trung ương ĐCSVN Phạm Văn Đồng đồng thời
cùng đi. Hiện nay thời cơ giải quyết chính trị vấn đề
Campuchia đã chín muồi, hai phía Trung Quốc - Việt Nam cần
cùng nhau cố gắng xúc tiến giải quyết thật nhanh vấn
đề này và sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ
Trung - Việt. Do Á Vận Hội sắp sửa tiến hành tại Bắc
Kinh, vì để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm sẽ
thu xếp tại Thành Đô, Tứ Xuyên.
Lãnh
đạo hai nước tại Thành Đô
Đại
sứ Trương Đức Duy lập tức họp hội nghị mở rộng
Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu tìm cách nhanh chóng nhất
chuyển thông tin quan trọng của trong nước tới Nguyễn
Văn Linh. Nhờ đã có kinh nghiệm lần trước nên lần này
mọi người ít nhiều đã có chút vững tâm, quyết định
vẫn cứ để Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ liên hệ với
Bộ Quốc phòng Việt Nam. Thế là 8 giờ sáng ngày 29, một
lần nữa Đại sứ Trương gặp Lê Đức
Anh, đề nghị ông giúp đỡ thu xếp để Đại sứ Trương
trực tiếp báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh biết
thông tin quan trọng đến từ Bắc Kinh.
Một
tiếng đồng hồ sau, Trưởng phòng Vũ Tần thuộc Cục
Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam hẹn gặp Tùy viên
quân sự Triệu Nhuệ, chuyển đạt lời nhắn miệng của
Lê Đức Anh nói Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ấn định 4
giờ chiều hôm ấy sẽ cùng Chủ tịch Đỗ Mười tiếp
Đại sứ Trương. Để thể hiện cuộc hội kiến này
được liên hệ qua kênh chính thức, Tổng Bí thư kiến
nghị Đại sứ quán Trung Quốc chính thức nêu yêu cầu
với Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, nói rằng Đại sứ
Trương có việc khẩn cấp hy vọng được hội kiến Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo Việt
Nam khác trong cùng ngày. Căn cứ theo sự gợi ý của
Nguyễn Văn Linh, 1 giờ chiều hôm đó Đại sứ Trương
đến gặp Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN
Trịnh Ngọc Thái nêu ra yêu cầu nói trên.
Qua
sự bố trí của Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, 4 giờ
chiều Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười
hội kiến Đại sứ Trương tại Phòng khách Trung ương
ĐCSVN. Đại sứ Trương chuyển tới Nguyễn và Đỗ
ý kiến của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng
Lý Bằng mời hai đồng chí thăm Trung Quốc nội bộ.
Nguyễn và Đỗ đều rất vui mừng nhận lời mời, đồng
ý với thời gian và địa điểm cuộc gặp do phía Trung
Quốc đề xuất và nói sẽ lập tức báo cáo Bộ Chính
trị Trung ương ĐCSVN, nhanh chóng xác định danh sách nhân
viên đi theo và bắt tay làm công tác chuẩn bị. Nguyễn
Văn Linh còn nói, nếu tình hình sức khỏe cho phép thì
đồng chí Phạm Văn Đồng cũng sẽ nhất định nhận lời
mời cùng đi. Sau khi về Sứ quán, Đại sứ Trương lập
tức báo cáo trong nước biết tình hình cuộc gặp chiều
nay.
Ngày
30, trong nước thông báo cho Sứ quán biết thu xếp lịch
trình đại thể của lần gặp gỡ này, đó là: sáng ngày
3 tháng 9, chuyên cơ Việt Nam rời Hà Nội, 1 giờ trưa đến
Thành Đô, buổi chiều lãnh đạo hai bên hội đàm, buổi
tối phía Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi. Sáng ngày 4
tháng 9 tiếp tục hội đàm, buổi chiều chuyên cơ Việt
Nam rời Thành Đô về nước. Sau khi thỉnh thị và được
trong nước đồng ý, Đại sứ Trương sẽ cùng đáp
chuyến chuyên cơ Việt Nam đi Thành Đô và tham gia hội
đàm.
Sáng
ngày 3, tôi đi xe của Đại sứ Trương đến sân bay quốc
tế Nội Bài Hà Nội, vừa để tiễn Đại sứ Trương
vừa cũng là để tiễn đoàn Nguyễn Văn Linh. Phía
Việt Nam tất cả có 15 người đi chuyến này, ngoài
Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ra, các
nhân viên chủ yếu cùng đi còn có Chánh Văn phòng Trung
ương ĐCSVN Hồng Hà (Ủy viên Trung ương Đảng), Trưởng
Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Hoàng Bích Sơn (Uỷ viên
Trung ương Đảng), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao
Đinh Nho Liêm (Uỷ viên Trung ương Đảng), còn lại
là các nhân viên công tác. Khi xe của Đại sứ Trương
tới gần sân bay thì thấy một xe con kiểu bình thường
màu đen chạy sau xe chúng tôi, ngoảnh lại nhìn, vì xe
không treo màn cửa nên có thể thấy rõ người ngồi bên
trong là Nguyễn Văn Linh, bên cạnh người lái xe có một
cán bộ bảo vệ. Có thể thấy Nguyễn Văn Linh vẫn giữ
tác phong giản dị như thế của Hồ Chí Minh. Xe chúng tôi
lập tức chạy chậm lại nhường đường cho xe Nguyễn
Văn Linh. Tại sân bay không làm bất kỳ nghi lễ tiễn đưa
nào, đoàn Nguyễn Văn Linh và Đại sứ Trương lên máy
bay xong, chuyên cơ liền cất cánh.
Sau
khi từ Thành Đô trở về, Đại sứ Trương cho chúng tôi
biết cuộc gặp lãnh đạo hai nước chủ yếu thảo luận
cách giải quyết chính trị vấn đề Campuchia và khôi
phục quan hệ bình thường Trung Quốc - Việt Nam. Về vấn
đề Campuchia, hai bên chú trọng bàn về thành viên Ủy
ban Tối cao cơ quan quyền lực lâm thời Campuchia [SNC], tức
phương án phân phối quyền lực sau khi Việt Nam rút quân.
Phía Trung Quốc đề xuất Ủy ban này gồm 13 thành viên,
ngoài Sihanouk làm Chủ tịch ra, chính quyền Phnompenh cử 6
đại biểu, phía lực lượng chống đối gồm ba phái
Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ), Ranaridh và Son Sann mỗi
phái 2 đại biểu, tổng cộng 6 đại biểu. Nguyễn Văn
Linh tỏ ý có thể tiếp thu phương án này của phía Trung
Quốc; Đỗ Mười cho rằng bản thân Sihanouk cũng thuộc
lực lượng chống đối, như vậy tỷ lệ hai bên là 6 so
với 7, phía lực lượng chống đối nhiều hơn 1 ghế, dự
đoán phía chính quyền Phnom Penh khó tiếp thu phương án
này; Phạm Văn Đồng thì nói phương án của phía Trung
Quốc đã không công bằng lại cũng không hợp lý. Cuối
cùng phía Việt Nam đồng ý dựa vào phương án của phía
Trung Quốc để làm công tác thuyết phục phía Phnom Penh.
Về
mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, hai bên đều có thái
độ nhìn về phía trước, không rà lại các món nợ cũ.
Lãnh đạo hai nước đều đồng ý dựa theo tinh thần
“Kết thúc quá khứ, mở ra tương lai” viết một chương
mới trong mối quan hệ Trung-Việt. Khi
kết thúc cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký kết
“Biên bản Hội đàm”. Tổng Bí thư Giang Trạch Dân còn
ý vị sâu xa trích dẫn hai câu thơ của Giang Vĩnh, nhà
thơ đời Thanh: “Độ
tận kiếp ba huynh đệ tại, tương kiến nhất tiếu mẫn
ân cừu
[tạm dịch : Qua kiếp nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười,
hết sạch ơn thù]”. Tối hôm ấy Nguyễn Văn Linh xúc
động viết bốn câu thơ: “Huynh
đệ chi giao số đại truyền, oán hận khoảnh khắc hóa
vân yên, tái tương phùng thời tiếu nhan khai, thiên tải
tình nghị hựu trùng kiến.”[3]
Để
bảo đảm cuộc gặp thành công, Tỉnh ủy Tứ Xuyên và
Văn phòng Đối ngoại đã làm rất nhiều công việc tổ
chức và chuẩn bị. Nghe nói họ đã phải đưa đi nơi
khác tất cả các khách trọ ở nhà khách Kim Ngưu, để
dành nơi này đón các vị khách Việt Nam ở trong hai ngày
hội đàm. Đồng thời hai bên Trung
Quốc - Việt Nam thương lượng giữ bí mật về cuộc hội
đàm này, không phát bất cứ tin tức nào ra bên ngoài.
16
chữ vàng của mối quan hệ Trung Quốc -Việt Nam
Một
năm sau cuộc gặp Thành Đô, tháng 11 năm 1991, tân Tổng
Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và tân Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc. Lãnh đạo hai
nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường
hóa quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.
Tháng
2-1999 lãnh đạo Trung Quốc - Việt Nam ra “Tuyên bố
chung” xác định bộ khung phát triển mối quan hệ hai
nước trong thế kỷ mới, nói tóm tắt là 16 chữ “Ổn
định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu
nghị, hợp tác toàn diện”. Các quan chức và học
giả Việt Nam nói đây là “16 chữ vàng”.
Tháng
7 và tháng 11 năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước Trung
Quốc – Việt Nam đi thăm lẫn nhau, làm phong phú hơn nữa
nội hàm của “16 chữ”, không ngừng nâng cao mối quan
hệ láng giềng hữu hảo và hợp tác toàn diện lên mức
độ mới, khiến cho hai quốc gia và nhân dân hai nước
mãi mãi làm láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí
tốt, đối tác tốt, đánh dấu mối quan hệ ngoại giao
hữu hảo Trung Quốc - Việt Nam được đẩy lên một
chặng đường mới.
Nguồn:
Tạp chí Trung Quốc 《党史纵横》(Đảng
sử tung hoành)[4]
bản điện tử ngày 26-8-2014. Một bản của bài viết có
đăng trên mạng China.com.
________________________
[1]
Tác giả bài viết này có lẽ là Lý Gia Trung, từng 4 lần
làm việc ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lần
cuối cùng làm Đại sứ. Lý học tiếng Pháp tại Trung
Quốc, tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp Hà Nội, là tác giả
sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời huyền thoại xuất bản
năm 2011 ở Trung Quốc (ND).
[2]
Bệnh Meniere là một rối loạn ở tai trong, gây ra chóng
mặt và ù tai (ND).
[3]
Chúng tôi đoán ông Nguyễn Văn Linh viết 4 câu này bằng
tiếng Việt, đây chỉ là lời dịch của phía Trung Quốc
“兄弟之交数代传,怨恨顷刻化云烟,再相逢时笑颜开,千载情谊又重建”.
Dịch ngược lại tất nhiên không đúng với nguyên văn
tiếng Việt. Tạm dịch ý: Tình anh em truyền bao đời,
trong khoảnh khắc mọi oán hận tan thành mây khói, khi gặp
nhau nở nụ cười, xây đắp lại tình hữu nghị muôn
đời (ND).
[4]
Tạp chí “Đảng sử tung hoành” ra đời năm 1988, do
Phòng Nghiên cứu lịch sử đảng của Tỉnh ủy Liêu
Ninh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Liêu Ninh, Cục Lão cán bộ
Tỉnh ủy Liêu Ninh phụ trách; tạp chí ra hàng tháng, có
tính chất tổng hợp và thông tục, được phát hành công
khai cho bạn đọc trong và ngoài Trung Quốc. (ND)
No comments:
Post a Comment