Tuesday, November 11, 2014

Lễ Hội Kate Của Dân Tộc Champa Tại Sacramento (Trần Văn)



on November 10, 2014 3:01 AM

Năm 2014, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa ở Sacramento tổ chức Lễ Hội Katê tại Sacramento, thứ bảy 25 tháng 10 năm 2014 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia – Sacramento, số 6270 đường Elder Creek.
Theo Chăm Lịch, Lễ Hội Katê được tổ chức vào ngày 1 tháng 7. Tính theo Dương Lịch, Lễ Hội Katê sẽ được tổ chức từ giữa tháng 9 đến tháng 10.
Lễ Hội Katê với chương trình: nghi lễ cổ truyền, cúng bái tổ tiên và phần hai là chương trình văn nghệ với nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc qua các vũ điệu dân gian truyền thống của dân tộc Chăm như vũ điệu Apsara, Civa… và quan khách còn thưởng thức phần văn hóa ẩm thực tuyệt vời.
Những nhạc phẩm trữ tình do các nhạc sĩ Chăm sáng tác với các giọng hát của các nghệ sĩ tại địa phương và các thành phố xa… có chất giọng mượt mà tha thiết như rót vào lòng người thưởng ngoạn. Đặc biệt có sự hiện diện danh ca Chế Linh – một ca sĩ cổ thụ giòng nhạc trữ tình đối với dân tộc Chăm và người Việt qua mấy thập niên, trước năm 1975 cho đến nay.
Ban Tổ Chức đã tốn bao công sức tập luyện, dàn dựng cống hiến một đêm văn nghệ tuyệt vời từ lúc mở màn cho đến kết thúc, rất đáng hoan nghênh. Chương trình văn nghệ kéo dài từ 5 giờ chiều cho đến nửa khuya. Quan khách tham dự lập kỷ lục từ trước tới nay, trên dưới 500 người.




Ý NGHĨA LỄ HỘI KATÊ
Mỗi năm chỉ có 1 ngày Mừng Lễ Hội Katê (như là ngày Tết Việt Nam).
Với ông Tân Hội Trưởng Bá Văn Đông Hội Truyền Thống Văn Hóa Champa Sacramento và Ban Tổ Chức thành khẩn mời quan khách, bà con Chăm cùng dự tiệc liên hoan Mừng Lễ Hội Katê. Ý nghĩa to lớn của Lễ Hội Katê là có hàng trăm người Chăm ở khắp nơi xa gần thân quen với Ban Tổ Chức quy tụ về Sacramento tham dự, như ở Pháp, Canada, Hạ Uy Di, các tiểu bang khác và các thành phố của California như Nam Cali, San Jose, San Francisco, Modesto, Stockton… cùng với đồng bào Chăm ở Thủ Phủ Sacramento. Nhiều người Chăm “diện” quốc phục và tất cả đều cùng hướng về cội nguồn dân tộc từ thời lập quốc với đế chế Champa cường thịnh, độc lập, tự chủ, đất nước rộng lớn, trải dài từ ngoài tỉnh Quảng Bình cho đến Bình Tuy…
Nhiệm kỳ mới của Hội Truyền Thống Văn Hóa Chămpa với ông Bá Văn Đông, ông cũng là nghệ sĩ và là thành viên trong Hội Đồng Quản Trị cũng như ông Phú Văn Lưu – cựu Thiếu Sinh Quân và cựu sĩ quan trong QLVNCH . Ông cựu Dân Biểu Lưu Quang Sang trong Hội Đồng Cố Vấn của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt Sacramento. Cộng đồng người Chăm rất hiền hòa và mến khách luôn sống vui vẻ và đầy tình đoàn kết, thương mến cộng đồng người Việt nên có nhiều vị chức sắc của Cộng Đồng Chăm hợp tác, tham gia sinh hoạt, điều hành, quản trị và Cố Vấn cho CĐVN tại Sacramento.




Danh ca Chế Linh - áo vàng, cựu DB Lưu Quang Sang - áo đỏ và Ô. Phú Văn Lưu - giữa trong Lễ Cúng Bái.
http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2014/11/image001.jpg



Mỗi lần tham dự Lễ Hội Katê, lòng tôi luôn xao xuyến, xúc cảm mạnh vì không có nỗi buồn sâu đậm đau khổ nào sánh bằng nỗi buồn của những người lưu vong mất đất nước quê hương như người Chăm thân yêu của dân tộc Việt Nam.
Năm nay, tôi lại càng xúc động mạnh hơn vì liên tưởng đến năm 2020, theo Hội Nghị Thành Đô giữa đám chóp bu cộng sản Tàu và lũ bán nước chóp bu cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành chư hầu của nước Tàu. Như vậy, chúng ta sẽ mất đất nước về cộng sản Tàu cũng như đất nước và Đế Chế Chămpa không còn tồn tại trên bản đồ thế giới…
Còn người Chăm đã mất đất nước vĩnh viễn lại cùng chung sống thân thiện hòa bình, tự xem như một dân tộc trong cộng đồng người Việt chúng ta ở trong nước và tại hải ngoại. Chúng ta, nếu có dịp nên gần gũi giúp đở cộng đồng người Chăm đáng trân trọng ở bất cứ nơi nào.
Được biết, Ban Quản Trị Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, ngoài công việc chính, dành cho TT Việt Ngữ Lạc Hồng dạy Việt ngữ, Hội Hướng Đạo VN có nơi luyên tập và văn phòng làm việc. Các hội đoàn người Việt đều được trân trọng mời cùng về mở văn phòng làm việc để có sự liên kết hài hòa sẽ đưa CĐVN đến sự vững mạnh lâu bền.
Tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng đã dành cho Hội Truyền Thống Champa mọi sự đặc biệt như Lễ Hội Katê, Hội Tết Chăm – Rija Nưgar và các Lễ Hội truyền thống dân tộc khác mà chỉ thuê mướn tượng trưng. Người viết tin rằng, việc làm này của Trung Tâm rất được ngưỡng mộ, biểu dương của cộng người Chăm và các hội đoàn người Việt Quốc Gia.




Ô. Hội Trưởng Hội Truyền Thống Văn Hóa Chămpa Sacramento - Bá Văn Đông
http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2014/11/image011.jpg
Cựu Dân Biểu đơn vị Phan Rang Lưu Quang Sang – gốc Chăm và ông Hội Trưởng Bá Văn Đông – có giải thích rõ với Trần Văn về Lễ Hội Katê – mùa Lễ Hội lớn nhất trong năm, diễn ra vào ngày 1 tháng 7 Chăm, lịch Chăm vào khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10 dương lịch. Lễ Hội Katê tương đương với sự tổ chức trang trọng và vui chơi thỏa thích vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Vì vậy, nhiều người Việt cứ tưởng lầm Lễ Katê là Lễ Mừng Xuân của dân tộc Chăm.
Còn ngày Tết Mừng Năm Mới – Mừng Xuân theo lịch Chăm, dù là ngày Tết truyền thống vẫn đứng sau Lễ Hội Katê, diễn ra vào ngày Mồng Một tháng Giêng Chăm lịch vào khoảng tháng 4 dương lịch. Lễ Tết Chăm gọi là Lễ RIJA NƯGAR.




GIỞ LẠI TRANG SỬ CHAMPA
Vương Quốc Chiêm Thành, một đất nước có từ thời cổ đại. Từ những năm đầu công nguyên, Champa đã từng lập các tiểu vương quốc Lâm Ấp và Panduranga. Đất nước Chiêm Thành lúc hưng thịnh có nền mỹ nghệ, điêu khắc tinh xảo vượt trội hơn các nước trong vùng Đông Nam Á Châu. Trung tâm cơ cấu quyền lực lúc bấy giờ của triều đại Vương Quốc Chiêm Thành nằm trong tỉnh Quảng Nam.
Diện tích của Vương Quốc Chiêm Thành khá rộng lớn, chạy dài theo bờ biển Đông, từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa – Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết – Bình Thuận cho đến gần Sài Gòn, giáp biên giới nước Thủy Chân Lạp (Cao Miên – Cambodia).
Hiện nay, người Chăm sống ở Việt Nam rải rác từng vùng, như vùng một: từ Quảng Bình Quảng Trị cho tới Quảng Nam. Vùng hai từ Quảng Ngãi cho đến Phan Rang – Phan Thiết – Hàm Tân và Vùng 3 từ Sài gòn đến Châu Đốc là nơi có nhiều người Chăm sinh cư lập nghiệp đông nhất với 6 xã lớn đông dân tại Châu Đốc. Tỉnh Tây Ninh cũng có nhiều người Chăm sinh sống.
Theo tài liệu trong nước, người Chăm sống tập trung đông nhất ở vùng Phan Rang – Bình Thuận lên đến 100 ngàn người.
Người Chăm ở Việt Nam thường theo tín ngưỡng: Bà La Môn (Ấn Giáo – Hindu), Hồi Giáo (Islam) và một số ít theo Phật Giáo, các tôn giáo khác.
Sáu xã người Chăm sinh sống ở Châu Đốc kể như hoàn toàn theo tín ngưỡng Hồi Giáo (chịu ảnh hưởng Hồi Giáo Mã Lai).
Người Chăm định cư ở các tỉnh miền Trung, nhiều người theo đạo Bà La Môn (Hindu). Một số ít theo đạo Hồi…
Người dân Chăm thời đế chế Champa tôn kính Vua chúa như những bậc thần thánh, gần giống như đa số các quốc gia Á Châu có khuynh hướng Khổng Giáo – quân sư phụ.
Về phong tục tập quán người dân Chăm từ bao đời nay theo chế độ mẫu hệ, khác với nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam theo chế độ phụ hệ.
Dân tộc Chiêm Thành có văn tự, chữ viết riêng, có cả lịch riêng, có một nền khắc chạm, mỹ thuật, điêu khắc tuyệt vời qua các kiến trúc xây tháp từ bao thế hệ xa xưa, mãi còn tồn tại cho đến ngày nay.
Chúng ta có dịp chiêm ngưỡng những “Tháp Chàm” sừng sững ghi dấu tích lịch sử một thời vàng son oanh liệt của Đế Chế Chiêm Thành. Từ những kiến trúc về tháp về vòng thành bằng đá đỏ, đá ong rải rác từ các tỉnh miền Trung cho đến Nha Trang, Phan Rang – Phan Thiết… với các Tháp Chàm đồ sộ uy nghiêm, từng thi gan cùng tuế nguyệt hàng bao thế kỷ thăng trầm của lịch sử Champa.
Nghệ thuật điêu khắc của dân tộc đã chứng minh một cách hùng hồn, người Chăm có một nền văn minh không thua kém, không muốn nói là vượt trội hơn các nước khác, bất cứ dân tộc nào trong vùng Đông Nam Á hay trên toàn thế giới.




LỄ HỘI KATÊ – LỚN NHẤT TRONG NĂM
Mùa Lễ Hội Katé của dân tộc Chăm là mùa lễ lớn nhất trong năm – một mùa an vui mới theo lịch cổ của Vương Quốc Champa. Mùa Lễ Hội Katê có đầy đủ lễ nghi cúng bái Tổ Tiên, tiệc tùng ca nhạc thỏa thích tương tự như 3 ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Tại Việt Nam, vẫn còn các nghi thức cổ truyền về ngày Lễ Hội Katê có những đặc thù: nghi thức cúng bái cổ truyền, có lễ rước y trang (các thiếu nữ và tất cả phụ nữ Chăm, ở VN có kiệu rước y trang) đều mặc những y phục cổ truyền với chiếc áo bít tà, quần 1 ống gần như cái “xà rong” của người Khờ Me và chiếc khăn matara, màu sắc sặc sỡ, trông thật đẹp mắt. Qúy ông ăn vận thường màu trắng với y phục truyền thống, đầu có vấn khăn cổ truyền. Vị Sư Cả cũng vận trang phục đại lễ màu trắng, đầu vấn khăn đỏ, tay chống gậy (vì lớn tuổi – bậc trưởng thượng). Đặc điểm khác, Lễ Hội Katê, mọi người dân Chăm đều vui tươi gặp nhau tay bắt mặt mừng chúc lành, chúc sức khỏe, chúc phúc và chúc giàu sang phú qúy cho nhau.
Đặc biệt nhất, ẩm thực được chú trọng với nhiều món ăn thật ngon miệng, truyền thống và ăn uống thật thỏa thuê mà món thịt “ông thầy” thường không thiếu trong thực đơn của người Champa sành điệu ăn uống…
Một tiết mục vô cùng hấp dẫn là ca múa với các nhạc cụ dân tộc qúy hiếm cha truyền con nối.
Tại Sacramento, cựu Dân Biểu đơn vị Phan Rang Lưu Quang, ông Phú Văn Lưu, cựu sĩ quan QLVNCH là 2 tay trống truyền thống cự phách, thường biểu diễn cùng với Ban Nhạc Champa. Dân Biểu Lưu Quang Sang có một đứa con trai là cháu Lưu Quang Sáng đang là thành viên nòng cốt, nay là Tổng Thư Ký Hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa và cháu đang là giáo sư Đại Học Cộng Đồng Sacramento City College.




LỊCH SỬ ĐẾ CHẾ CHIÊM THÀNH
Nhân nói về Lễ Hội Katê, như ở trên có trình bày ngắn, bây giờ Trần Văn xin nói thêm 1 chút về lịch sử của nước Chiêm Thành tức là đế chế Champa và dân tộc Chăm ngày nay.
Như chúng ta biết, diện tích của nước Champa, chạy dài từ tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình ở miền Trung cho tới gần Sài Gòn. Đế chế Chiêm Thành được thành hình từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên – năm 192 kéo dài cho đến năm 1832 (thời vua Minh Mạng), đế chế Chiêm Thành hoàn toàn sụp đổ và thống thuộc nước Việt Nam.
Được biết, dựa theo tài liệu trên Wikipedia, Đế Chế Champa có nhiều lần di dời Đế Đô đến nhiều vùng khác nhau vì lý do để bảo vệ an ninh quốc gia đối với các nước lân cận thường dòm ngó hoặc gây sự mâu thuẩn, bất hòa… Đặc biệt có 3 lần đặt Kinh Đô ở 3 nơi với thời gian lâu dài vài trăm năm mà Phan Rang là nơi đặt Kinh Đô sau chót của Đế Chế Champa, khá lâu đời gần 400 năm từ năm 1485 đến năm 1832, có tên gọi Đế Đô là Panduranga (Phan Rang ngày nay).
Trước đó Đế Đô đặt ở Đà Nẵng từ năm 895 gọi là Indrapura (Đà Nẵng), kế tiếp Đế Đô ở Bình Định (Quy Nhơn) với tên là Vijaya từ năm 978 đến năm 1485, trên 500 năm – Đế Đô lâu đời nhất của Đế Chế Champa. Từ ngày lập quốc năm 192 đến năm 895 có Đế Đô Indrapura, không thấy tài liệu ghi Đế Đô Champa trước năm 895 đặt tại đâu?
Về dân số, có thể cũng khá đông. Nhưng, sau khi Đế Chế Champa hoàn toàn sụp đổ từ năm 1832, dân tộc Champa một phần bị đồng hoá với nhiều sắc dân khác và đa phần lưu lạc nhiều nơi ở Á Châu và nay có nhiều người gốc Chăm định cư ở Pháp & Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada cũng như Úc…




Quang cảnh Lễ Hội Katê 25.10.2014 tại TT/SHCĐ – Sacramento
http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2014/11/image009.jpg



Theo tài liệu, hiện nay, có nhiều người Chăm sinh sống tại: Việt Nam có 162 ngàn, có tài liệu nói trên 300 ngàn người. Tại xứ Chùa Tháp – Cambodia, 217 ngàn (đông nhất). Theo tài liệu trong nước, trên đất nước Cambodia, người Chăm sinh sống với con số từ 500 ngàn đến 1 triệu người – Malaysia có 10 ngàn – Thái Lan 4 ngàn – Hoa Kỳ 3 ngàn – Pháp 1 ngàn – Lào trên dưới 1 ngàn người…
Sở dĩ, dân số Chăm chưa có thống kê rõ ràng vì người Chăm là người vong quốc từ mấy thế kỷ nay, lưu lạc khắp nơi ở nhiều nước gần Việt Nam. Người dân Chăm, đa số sống theo nghề nghiệp khai thác thủy sản dọc theo bờ biển, dọc theo sông Cửu Long, rày đây mai đó, từ Cambodia đến miền Tây Việt Nam và bờ biển Đông thuộc miền Trung của nước Việt Nam, cho nên vấn đề kiểm soát dân số khó chính xác.




KẾT LUẬN:
Tôi viết bài “sưu khảo” nhỏ này nhằm gióng lên tiếng nói thân thương với các người bạn Chiêm Thành của tôi như qúy anh chị trong Hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa – Sacramento. Đặc biệt với gia đình anh chị Lưu Quang Sang (cựu Dân Biểu Phan Rang) và cháu Lưu Quang Sáng, 2 người bạn Chăm Bá Văn Đông – Phú Văn Lưu cùng trong tổ chức CĐVN Sacramento. Đặc biệt, tôi có 2 người bạn Chăm cùng học hồi nhỏ, cách nay 70 năm, cùng quê hương Châu Đốc với tôi là anh Dohamide (Đỗ Hải Minh) và người bạn cùng học chung lớp từ tiểu học, bạn Dorohiem. Hai người Chăm này, từng đảm trách những chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa, từng tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và đại học Anh Mỹ…
Chúng ta đã biết Vương Quốc Chiêm Thành có một quá khứ vàng son, vang bóng một thời, từng oanh liệt đuổi giặc Tàu (nhà Nguyên) xâm lược thời danh tướng Chế Mân chưa lên ngôi cửu ngũ (thế kỷ 13 hay 14?). Nước Chiêm Thành với thời gian dài trên dưới một ngàn năm lập quốc, có nền văn minh sớm sủa so với nhiều nước ở vùng Đông Nam Á.
Chiêm Thành có nền điêu khắc, chạm trổ tinh vi và với lối kiến trúc độc đáo mỹ thuật đã để lại cho hậu thế những “tác phẩm” vĩ đại làm phong phú cho kho tàng văn hóa nhân loại qua các “Tháp Chàm” lịch sử, trải dài suốt miền Trung Việt Nam cho mãi đến gần Sài Gòn.
Chúng ta có những lúc nghe bản nhạc Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên, đặc biệt qua giọng hát của ca sĩ Chế Linh tối 25.10.2014 với nổi xúc cảm rạt rào của người ca sĩ, không khỏi làm cho chúng mũi lòng, lắng đọng nỗi buồn man mác, lòng mình như chùng xuống thương cảm cho một dân tộc đã bị đánh mất đất nước.
Với câu hát mở đầu “Hận Đồ Bàn”:
Rừng hoang vu – Vùi lắp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru – Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Vạc kêu sương – Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.

Nhạc sĩ xuân Tiên đã vẽ lại bức tranh lịch sử của dân tộc Chăm từng oai hùng chống quân giặc xâm lược và nay lịch sử huy hoàng đó đã đi vào cõi “tối tăm mịt mù”.
Phần giữa bản nhạc bất hủ Hận Đồ Bàn đã nói lên những nổi lầm than về chiến tranh chết chóc của người Chăm và mơ ước bóng Chiêm thuyền oai dũng của Chế Bồng Nga thuở xưa gây khiếp đảm quân thù, có cơ hội xuất hiện lại cứu giúp dân tộc Chăm, đó chỉ là ước mơ…
Đồ Bàn miền Trung về đây – Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm… khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga… Vượt khơi.

Đoạn kết của bản nhạc: Hận Đồ Bàn, nhạc sĩ Xuân Tiên nhắc lại lịch sử dân tộc Chiêm oai hùng chống xâm lăng và giữ yên giang sơn bờ cõi.
Nay “cuốn theo thời gian”, bản đồ Vương Quốc Chiêm Thành không còn trên bản đồ thế giới và người Chăm “Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga” trở về với dân tộc Champa quang phục lại đất nước. Nhưng than ôi!!! “Người Xưa Đâu”? Đó chỉ là giấc mơ!!!.@




Sacramento ngày 27 tháng 10 năm 2014Nhà báo Trần Văn
(tel. 916.519.8961)






No comments: