Tuesday, November 11, 2014

Giải pháp nào cho lực lượng công an “quá khổ” tại Việt Nam (Việt Nhẫn – Hồng Việt)




"Chớ quên, trong các chế độ độc tài, lực lượng công an chỉ là công cụ của chế độ. Ngay sau khi chế độ không còn đứng vững, các lãnh đạo còn mải lo thoát thân và khi không còn thượng cấp nào ra lệnh nữa thì lực lượng công an sẽ nhanh chóng trở về với nhân dân."

Theo phương án tăng lương của chính phủ vừa trình quốc hội, thì từ ngày 1/1/2015 sẽ có khoảng 1,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34 sẽ được tăng lương. Số người được tăng lương chiếm 35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Chỉ cần một phép tính đơn giản, chúng ta có thể suy ra số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang phục vụ trong nhà nước là 5,1 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 2,8 triệu công chức. Vậy số người phục vụ trong lực lượng vũ trang hiện nay khoảng 2,3 triệu người. Lực lượng vũ trang Việt Nam bao gồm gần 450.000 quân chính quy, quân địa phương, 50.000 dân quân tự vệ và còn lại, ước tính khoảng 1,5 đến 1,8 triệu công an.

Chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố chính thức quân số của lực lượng công an. Đó vẫn là một bí mật cho đến khi Việt Nam có dân chủ và các hồ sơ được bạch hóa. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc vào tháng 6 vừa rồi, cựu cán bộ ngoại giao Đặng Xương Hùng, người đã li khai khỏi đảng Cộng sản, cho rằng "trung bình cứ 18 người là có một người làm việc cho an ninh". Như vậy số người làm việc cho an ninh, theo khẳng định của ông Đặng Xương Hùng, vào khoảng 5 triệu người. Số người này bao gồm cả lực lượng bán chuyên trách như dân phòng, thanh niên xung phong. Ngoài ra, như chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến, trong những phiên tòa xử án những người đối lập hay những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một lượng lớn hưu trí, cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, v.v... được huy động ra hiện trường làm công tác "vòng ngoài" hoặc nhiều khi, trực tiếp gây xung đột với những người đối lập ở vòng trong. Những lực lượng bán chuyên trách hoặc "quần chúng tự phát" này được hưởng một lượng phụ cấp nhất định theo thời gian hoặc theo từng vụ việc.

Tại sao chính quyền Việt Nam cần duy trì một lực lượng công an đông như vậy ?

Hoa Kỳ có 313 triệu người sống trên một diện tích gần 10 triệu km vuông chỉ cần 800.000 cảnh sát bao gồm cả cảnh sát liên bang và cảnh sát các tiểu bang. Trung bình cứ 100.000 dân Mỹ thì có 248 cảnh sát. Việt Nam chỉ có 90 triệu người và một diện tích là 330.000 km vuông nhưng cần đến 1,5 triệu công an, trung bình 100.000 người Việt có 1,600 cảnh sát. Chưa cần bàn tới hiệu quả, một lượng công an lớn như vậy trước hết là một gánh nặng cho xã hội.

Nhiều người sẽ lập luận rằng, công an Việt Nam đông như vậy là để đảm bảo an ninh trật tự. Rằng dân trí Việt Nam còn thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, v.v... nên cần sự hiện diện thường xuyên của lực lượng thừa hành pháp luật để hướng dẫn, nhắc nhở người dân và chế tài các vi phạm. Một câu hỏi cần đặt ra cho lập luận này: với tình trạng tai nạn giao thông, trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, ma túy v.v... như hiện nay cần bao nhiêu công an nữa thì an ninh trật tự sẽ được tái lập ?

An ninh trật tự không phụ thuộc vào số lượng công an. Trước hết, an ninh trật tự là kết quả của một pháp luật nghiêm minh. Đó phải là một thứ pháp luật đứng đắn, xuất phát từ thực tế cuộc sống của người dân (chứ không phải từ cương lĩnh đảng) và phải do một cơ quan lập pháp thực sự do dân bầu ra soạn thảo và biểu quyết. Pháp luật đứng đắn sẽ sinh ra một đội ngũ công an lương thiện, lấy phục vụ người dân là mục đích tối thượng (viên công an nào vi phạm quy tắc này sẽ bị xử lí rất nghiêm khắc). Pháp luật không đứng đắn thì chỉ có thể sinh ra một đội quân "cướp ngày" mà thôi. Trong trường hợp Việt Nam hiện nay, nhiều khi người dân không thể phân biệt nổi công an và xã hội đen, đôi khi công an còn hành xử như côn đồ và còn cộng tác với côn đồ. Lực lượng công an chính là một phần của tình trạng bất ổn này. Duy trì một lực lượng công an đông như vậy chỉ làm xã hội thêm bất ổn mà thôi.

Như vậy, chính quyền Việt Nam duy trì một lực lượng công an đông như vậy không nhằm mục đích bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Trên mặt trận này, họ gần như đã đầu hàng và bỏ cuộc. Mục đích của việc duy trì lực lượng công an đông như vậy là nhằm kìm kẹp, cấm cản những đòi hỏi chính đáng của người dân, theo dõi, đe dọa, bắt bớ những người muốn đấu tranh thay đổi thực trạng xã hội. Đã từ lâu, nhà nước Việt Nam đã là một nhà nước công an trị. Đứng đầu nhiều bộ ngành quan trọng hiện nay là công an. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là người xuất thân từ ngành công an và đã từng làm thứ trưởng bộ Nội vụ. Công an lộng hành trong xã hội nhiều như vậy là vì lực lượng này được coi là công cụ quan trọng nhất để giữ chế độ nên được nhiều bổng lộc và ân sủng.

Chính sách cho lực lượng công an trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Để đáp ứng nhiệm vụ trong thể chế dân chủ, lực lượng công an Việt Nam cần được cải tổ. Quân số của công an cũng sẽ được tinh giản. Chính quyền dân chủ không có nhu cầu trấn áp đối lập, do vậy bộ phận an ninh tư tưởng và bảo vệ chính trị là không cần thiết. Nhiệm vụ của công an là đảm bảo trật tự an ninh, do đó không cần công an làm kinh tế. Các công ty của công an hiện này sẽ được giải tư. Những bộ phận được tinh giản sẽ được điều động sang những lĩnh vực cốt yếu như trật tự giao thông, an ninh trật tự, chống buôn lậu, ma túy, bảo vệ môi trường.

Một lo lắng của khá nhiều người là lực lượng công an vì quyền lợi sẽ ra sức bảo vệ chế độ này, và nếu có chuyển đổi sang dân chủ thì lực lượng này sẽ là lực lượng bất mãn nhất. Lo lắng này có cơ sở của nó, tuy nhiên, do một vài yếu tố được tô đậm quá mức đã gây ra sự bi quan. Trong sự kiện thống nhất nước Đức, phía Đông Đức yêu cầu Tây Đức điều động cảnh sát sang bảo vệ nhà riêng của các lãnh đạo Đông Đức chậm nhất là 15 phút sau khi kế hoạch thống nhất được ban bố. Lãnh đạo Đông Đức sợ bị trả thù. Mặc dù, Đông Đức có một lực lượng công an đông nhất thời bấy giờ nhưng lãnh đạo Đông Đức hiểu rằng lực lượng này chỉ là hư cấu. Cảnh sát Ai Cập, ngày hôm trước còn hùng dũng bắn đạn hơi cay về phía đoàn biểu tình, vậy mà ngay sau khi quân đội Ai Cập tuyên bố không can thiệp, đã không còn một viên cảnh sát nào có mặt tại Quảng trường Tahrir. Chớ quên, trong các chế độ độc tài, lực lượng công an chỉ là công cụ của chế độ. Ngay sau khi chế độ không còn đứng vững, các lãnh đạo còn mải lo thoát thân và khi không còn thượng cấp nào ra lệnh nữa thì lực lượng công an sẽ nhanh chóng trở về với nhân dân.

Cũng cần hiểu rõ cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh giành lại chỗ đứng cho mọi người. Cuộc đấu tranh đó không nhằm tiêu diệt, phân biệt đối xử hay trù dập ai. Trên tinh thần Hòa giải dân tộc, nhà nước Dân chủ sẽ không xét xử ai chỉ vì họ đã làm theo lệnh của cấp trên. Nếu không muốn tiếp tục làm công an, bất cứ nhân viên an ninh nào cũng có thể chọn lựa một nghề nghiệp khác. Qua các chương trình tái đào tạo hướng nghiệp thích ứng, nhà nước Dân chủ sẽ đem lại cơ hội thăng tiến cho mọi người.




Tham khảo:
1. Về số người làm việc trong nhà nước: thanhnien.com.vn
2. Về số công chức: vnexpress.net





No comments: