Sunday, November 9, 2014

'Chấm dứt ngược đãi người nghiện ma túy' (Minh Phúc - BBC)



'Chấm dứt ngược đãi người nghiện ma túy'

Minh Phúc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ Vĩnh Phúc
8 tháng 10 một 2014
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/11/141108_vn_drug_addict_maltreatment



Đã xảy ra không ít các vụ 'trại viên cai nghiện' trốn, hoặc bỏ trại trở lại cộng đồng ở VN gần đây.

Khi luật xử lý hành chính về cai nghiện ma tuý được thực thi bắt đầu từ năm 2014, người nghiện ma tuý đã từng nghĩ: người nghiện giờ đây đã có lối thoát, đã được trả đúng nghĩa là người bệnh, đã được chính quyền, xã hội nhìn nhận đúng với bản chất của nó.
Mọi người nghiện ma tuý, không ai muốn mình nghiện ngập, nhưng mỗi người là một lý do, là cả một câu chuyện dài về con đường mình dính vào ma tuý. Nhưng tựu chung lại họ trăm lần không, ngàn lần không muốn mình lại bị như thế.
Họ khát khao có được một cuộc sống bình thường như bao người trên thế gian này lắm chứ. Nhất là với tình hình người nghiện ma tuý ở Việt Nam hiện nay, họ có sung sướng gì đâu bởi: "Thời gian được phê pha thì ít, thời gian phải chiu đựng những cơn vật vã về ma tuý thì nhiều".
Sao thế? Tiền nào cho đủ cho người nghiện ở Việt Nam khi mà giá ma tuý luôn luôn tương đương với giá vàng (đó là ở những vùng nhiều ma tuý, còn ở những vùng chính quyền làm mạnh công tác tiêu diệt ma tuý thì giá còn hỗn loạn hơn nhiều lần như thế).
Cung không đủ cầu về ma tuý, người bán thì ít, có bán thì bán rất đắt vì tội buôn bán trái phép các chất ma tuý ở Việt Nam xử rất nặng. Nên không có nhiều người dám buôn bán ma tuý, người nghiện ma tuý nhiều khi có tiền mà không mua nổi ma tuý. Muốn mua phải van xin, lạy lục người bán, người bán mặc sức kiêu ngạo, chửi rủa người mua. Vì cơn nghiện họ vẫn phải lăn vào, cũng nhục nhã, khổ sở lắm.
Nếu ai đó nói rằng: đó là do người nghiện kém bản lĩnh, ý chí. Thì đó là người chẳng hiểu gì về ma tuý cả. Ma tuý mạnh hơn ý chí nhiều lần, có rất ít người chiến thắng nó, thế mới là ma tuý chứ, thế mới phải cam go chiến đấu chống lại nó chứ.

'Nợ một lời xin lỗi'




Đất nước Việt Nam còn nợ người nghiện ma tuý một lời xin lỗi, bởi những khổ đau, cơ cực đã gây ra cho họ bao nhiêu năm nay. Luật xử lý vi phạm hành chính mới năm 2014 tưởng cũng có thể coi là 'một sự cảm thông, chia sẻ' với những điều khoản 'hết sức nhân văn và công bằng' cho người nghiện ma tuý.
Nhưng không. Dưới áp lực của dư luận nói nhiều người nghiện ma tuý ở Việt Nam 'tràn lan' ra xã hội, đường phố, công viên... để 'hút chích, xin đểu, cướp giật'... chính phủ Việt Nam lại phá bỏ chính điều luật mình đề ra để chiều lòng dư luận.

Người nghiện ma túy là một dạng bệnh nhân và nạn nhân của xã hội ở VN, theo tác giả.

Hiện nay ở các địa phương chính quyền lại tổ chức bắt bớ, cưỡng ép đưa người nghiện vào trại. "Mèo lại hoàn mèo" với những ngang trái như trước kia. Người nghiện lại bị bắt tống vào các trung tâm 06 của nhà nước một cách vô tội vạ, lại bị hành hạ một cách hết sức vô nhân đạo, không thương xót.
Lại có những chỉ tiêu, mỗi địa phương sẽ phải bắt bao nhiêu vào trại cho đủ số tương ứng với số người nghiện, phải bao nhiêu phần trăm đó thì mới đủ là để 'trong sạch địa bàn'... Lại có những tiêu cực khi người nghiện phải chạy chọt để không bị bắt đi, phải chạy chọt khi đã vào trại rồi mà muốn có được điều kiện tốt hơn, không bị tra tấn, hành hạ về tinh thần, thể xác.
Làm sao có công bằng cho người nghiện khi mà muốn bắt ai đó vào trại, chỉ cần công an phường - xã làm xét nghiệm độc lập mà không cần ai chứng kiến, kiểm chứng, lại có những oan sai, trả thù cá nhân?
Dư luận cho rằng người nghiện ma tuý mà không bị bắt, cưỡng bức vào các trung tâm 06 đó họ sẽ nhởn nhơ, làm hại cho xã hội. Rằng họ xứng đáng phải đày ra đảo hoang hay tệ hại hơn là đẩy họ đi làm bia đỡ đạn, đối đầu với nước láng giềng mà họ đang sục sôi căm ghét.
Ma tuý hành hạ họ chưa đủ hay sao mà người đời phải đắng cay như thế? Mồ hôi, máu và nước mắt của người nghiện, gia đình người nghiện lại tiếp tục tuôn rơi. Số phận đã bắt họ phải chịu như vậy. Họ chỉ là một thứ người bệnh, một thứ như bị "giời hành".

'Cái vòng luẩn quẩn'


Người nghiện ma tuý thì cũng có nhiều loại người. Tại sao mà họ phải trở nên hay bị coi là trở thành 'xấu xa' như thế? Phải chăng vì xã hội không thể 'dung thứ, khoan dung' cho họ? Đi cai nghiện về, rất ít người trong số họ có được một cuộc sống bình thường, mà lại bị rơi trở lại vòng luẩn quẩn cai (nghiện) - tái (nghiện)...
Nghiện mà không có việc làm, không có tiền thì họ làm sao chiến thắng cơn vật vã, nhiều người lại phải phạm tội để có được tiền, để có ma tuý sử dụng. Khi những người nghiện ma tuý vi pham hình sự như: tổ chức chích, hút, 'xin đểu', cướp giật thì chính quyền, công an hoàn toàn có thể bắt họ để xử lý hình sự. Còn công an sẽ làm gì, ai làm sai, ai vi phạm thì người đó phải chịu, chứ sao lại cứ phải bắt hết người nghiện ma tuý vào các chỗ như trại 06, trong khi họ là một dạng người bệnh mà thôi.
Vì sao họ, người nghiện, không tự nguyện đến các trung tâm 06, mặc dù trong thâm tâm họ hết sức muốn đi cai để thoát khỏi vũng lầy ma tuý? Bởi vì họ là người bệnh mà phải lao động như tù khổ sai khắc nghiệt.
Chế độ ăn, uống thì bị tham nhũng hết, số tiền mà họ lao động làm ra sản phẩm dư sức nuôi họ ăn, uống, sinh hoạt - vì ít nhất như người công nhân bình thường ngoài xã hội, số tiền họ làm ra cũng đủ nuôi họ và gia đình, đằng này họ phải làm năng suất ít nhất gấp rưỡi một công nhân bình thường.
Theo đúng lý ra như vậy thì không phải bỏ đồng nào ngân sách nhà nước, thuế của nhân dân nuôi họ cả. Điều kiện sinh hoạt thì hết sức tồi tệ, những gì cơ bản nhất của con người cũng bị tước đoạt mang ra để làm tiền. Như muốn được tắm, giặt, thuốc lá, thuốc lào..., họ cũng phải 'chạy chọt, đi đêm' với cán bộ để có được.

Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã yêu cầu VN tôn trọng nhân quyền với người cai nghiện.

Lối thoát nào cho người nghiện ma tuý, khi mà người ta cứ tiếp tục đưa người nghiện vào những trại cai nghiện, 'vô lý tước đoạt' vài năm tự do của đời người với tỷ lệ trên 90% khi quay về xã hội lại tái nghiện?

'Dùng dằng, cứng nhắc'




Với sự phát triển của khoa học hiện nay thì thuốc Methadone đã giải quyết được vấn nạn ma tuý. Loại thuốc này rất tốt chỉ cần người nghiện với 5% ý chí là có thể chiến thắng ma tuý.
Trong khi đó chính quyền lại hết sức dùng dằng, không muốn phát triển loại thuốc này dù ngoài miệng là hô hào đẩy mạnh sử dụng thuốc. Nhu cầu của người nghiện về loại thuốc này là rất lớn, trong nước đã sản xuất được mà nhà nước lại không đáp ứng.
Mặc cho người nghiện sẵn sàng trả tiền để được sử dụng thuốc, nhà nước vin vào những lý do hoàn toàn có thể giải quyết được, như lý do về nhân lực (đội ngũ cán bộ đủ trình độ cho uống thuốc) hay cơ sở vật chất, mà chậm chạp đáp ứng.
Họ cũng hết sức thụ động và cứng nhắc trong vấn đề triển khai Methadone. Về nhân lực thì có nhiều người học ngành y ra phải chạy chọt vào làm công chức, như làm hợp đồng, 'thừa người' rất nhiều. Nếu đem một bộ phận 'tình nguyện' hoặc 'làm nghĩa vụ' đi đào tạo, vài tháng là giải quyết được vấn đề.
Về cơ sở vật chất thì có thể lồng ghép với những bệnh viện đa khoa trong khu vực, thậm chí chỉ cần ở trạm y tế của tuyến phường, xã là cũng giải quyết được vấn đề.
Họ cứng nhắc bắt người của địa phương nào thì sử dụng thuốc ở địa phương đó, mà không cần xét đến những yếu tố như có những địa phương có địa hình địa lý trải dài, từ nơi xa nhất đến trung tâm vài chục km, trong khi tuy là địa phương khác nhưng khoảng cách địa lý là rất gần với trung tâm có thuốc Methadone mà người nghiện ma tuý lại không được uống, tiếp cận với thuốc.
Người nghiện ma tuý ở Việt nam thật nhỏ bé, bất lực và yếu ớt, không có được tiếng nói của mình trước cường quyền và áp lực dư luận.
Thiết nghĩ, hãy nên trả lại quyền con người cho người nghiện, những người muốn cai nghiện và hãy để cho họ tự nguyện đến với những trung tâm 06.
Cưỡng bức chỉ là giải pháp thể hiện sự bất lực của chính quyền, sự 'dã man và tàn bạo' của chế độ mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả đang ở Việt Nam.






No comments: