Saturday, November 8, 2014

Cáp treo Sơn Đoòng 'mạo hiểm'? (Karl Turner)



Cáp treo Sơn Đoòng 'mạo hiểm'?

Được đăng ngày Thứ bảy, 08 Tháng 11 2014 09:31

Sơn Đoòng ở Quảng Bình, Việt Nam, là hang động lớn nhất trên thế giới. Một số nơi trong khối kiến trúc tự nhiên khổng lồ này có thế đặt vừa những tòa nhà cao 40 tầng ở New York.
Bên trong hang chứa rừng rậm nhiệt đới với những cây cao hơn 30 mét, có hệ động thực vật đa dạng gồm các loài linh trưởng, chim hồng hoàng, và cáo bay. Hệ thống nước ngầm phức tạp dẫn tới các thác nước và bể đá tĩnh lặng.
Nhưng có lẽ cảnh trí tráng lệ nhất là những khối thạch nhũ, có chỗ cao tới gần 80 mét, cao hơn cây Cầu Tháp London.
Do có cấu trúc đá vôi và hình thành canxit cực hiếm, một số loại thạch nhũ chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam, nên hang Sơn Đoòng cũng có giá trị địa chất khổng lồ.
Lần đầu tiên hang được một người địa phương phát hiện vào năm 1991, nhưng mãi đến năm 2009 mới được khám phá lại.
Điều này có nghĩa là kỳ quan thế giới mới vẫn còn giữ được cuộc sống hoang dã, nguyên sơ và hầu như chưa bị thay đổi.
Hang nằm trong vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, khu vực đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Báo New York Times xếp Quảng Bình vào vị trí thứ 8 trong danh sách Những nơi nên đến năm 2014 và công ty cung cấp tour du lịch Oxalis đã khai thác các chuyến khám phá hang Sơn Đoòng trong những năm qua.‎
Những tour này rất thành công và tôn trọng môi trường mà Oxalis được ban quản lý rừng quốc gia đã cấp phép cho khai thác tới năm 2015.


Du lịch đại trà
Hang Sơn Đoòng đã chiếm được vị trí của nó trên bản đồ của những tay yêu thích khám phá hang động và những người chuyên du lịch mạo hiểm, nhưng nó cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và phát triển.
Trong năm qua có nhiều đồn đoán xung quanh việc tỉnh Quảng Bình muốn xây dựng cáp điện trong rừng quốc gia. Tuy nhiên chính quyền địa phương đã dẹp bỏ hoàn toàn những đồn đại này từ hồi tháng Ba 2014.
Nhưng thông báo mới đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc gửi các chuyên gia vào khảo sát hang, và theo truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 22/10, rằng dự án cáp điện đã được ‘phê duyệt' với dự toán chi phí 212 triệu đô la Mỹ.
Ông Trương An Ninh, phát ngôn viên của tỉnh, ước đoán rằng dự án sẽ mang lại khoảng 1 - 1.5 triệu khách du lịch tới Sơn Đoòng mỗi năm.
Trong khi đó, tính đến năm 2014, Sơn Đoòng mới chỉ có khoảng 240 khách du lịch thăm hang.
Truyền thông Việt Nam một ngày sau đó dẫn lời Ủy ban Nhân dân tỉnh, cho thấy có vẻ như họ đã rút lời, rằng dự án thực ra đang được ‘xem xét kỹ lưỡng’ và rằng tỉnh mới chỉ cho phép Sun Group - tập đoàn đầu tư ở Việt Nam, thực hiện khảo sát.
Báo chí đưa tin rằng mọi đề xuất kế hoạch xây dựng sẽ phải đạt được yêu cầu từ cả phía tỉnh và UNESCO.
Đến hôm 04/11, ông Nguyễn Hữu Hoài lại nói trong cuộc họp báo ở tỉnh Quảng Bình rằng cáp treo sẽ chỉ đưa khách đi thăm rừng nguyên sinh, không vào hang Sơn Đoòng, VnExpress đưa tin.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Hoài giải thích, chính phía tỉnh đã đề nghị với Sun Group về vấn đề cáp treo.
Nhưng trong hoàn cảnh mà dự án đáng giá hàng triệu đô la có thể chuyển từ trạng thái đã duyệt thành ‘xem xét kỹ lưỡng’ chỉ trong vòng 24 giờ, cú sốc do thông báo ban đầu gây nên cũng đã đủ làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các chuyên gia, nhà quan sát và công chúng.
Theo khảo sát của báo Tuổi Trẻ, hơn 80% người tham gia cho rằng không nên lắp đặt cáp treo trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cộng đồng Facebook Phản đối dự án Cáp treo Sơn Đoòng, mới được lập nên cách đây khoảng hai tuần, đã thu hút hơn 19.000 like và mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn like mới.
"Là công dân Việt Nam, tôi thấy mình cần làm gì đó để bảo vệ (Sơn Đoòng)", Nguyễn Biên Thùy, người sáng lập chiến dịch trên Facebook này cho biết. Anh cũng cảm thấy anh đại diện cho số lớn những người Việt Nam trẻ và đầy nhiệt huyết.
"Thanh niên Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến môi trường".


'Không thể song hành'


Martin Holroyd đã khám phá hang động khắp thế giới trong hơn 30 năm qua. Ông đã vài lần đến Sơn Đoòng kể từ khi tham gia cuộc thám hiểm hang năm 2009 cùng với Hiệp Hội Hang động Anh Quốc (BCA), và nói kế hoạch đã đề xuất sẽ gây "hủy hoại nặng nề".
"Sơn Đoòng là khu vực hoang dã và hẻo lánh, nên môi trường đó cũng rất dễ bị tổn thương", ông Holroyd giải thích.
"Mọi hoạt động phát triển trong khu vực sẽ gây ảnh hưởng rộng lớn lên cả đời sống động thực vật hoang dã và môi trường hang".
Phó giáo sư Tạ Hòa Phương thuộc khoa địa chất, đại học Quốc gia Hà Nội, cũng bày tỏ lo lắng trước khả năng ảnh hưởng của du lịch đại trà lên khu vực này.
"Hệ thống sinh thái đặc biệt như thế này rất dễ bị hủy hoại bởi lượng lớn khách du lịch... những ảnh hưởng tiêu cực từ dự án kiểu này là không thể tránh khỏi", ông nói. "Rất nhiều sự hình thành địa chất độc đáo từ hàng triệu năm qua có nguy cơ bị hư hại, phá hủy, hoặc thậm chí hoàn toàn biến mất".
Phó giáo sư Phương cũng lo ngại về diện an toàn của dự án. Mặc dù vẫn chưa rõ kế hoạch xây dựng cụ thể, ông lo rằng tính toán sai lầm trong khâu khảo sát và thi công có thể dẫn đến kết cục thảm họa.
Phần lớn cấu trúc trần hang đã suy yếu, ông giải thích, và xây dựng bên trong hay xung quanh những đường đứt gãy có thể dẫn tới sụt hang bất kỳ lúc nào.
Cảnh báo từ phó giáo sư Phương nghiêm trọng đến nỗi ông nhấn mạnh rằng, ngay cả khi không có vấn đề đáng chú ý nào trong giai đoạn thi công ban đầu, vấn đề vẫn có thể xảy ra khi công chúng dùng cáp treo vào thăm hang.
"Cáp treo ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới, nhưng đơn giản là nó không phù hợp cho môi trường hang động", ông kết luận.


Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, hứa việc bảo tồn hang Sơn Đoòng là ‘ưu tiên hàng đầu’, nhưng ý kiến của các chuyên gia cho thấy cáp treo và bảo tồn thiên nhiên không thể song hành.
Các quan ngại khác cũng hướng vào tác động của du lịch đại trà lên nền kinh tế địa phương.
Làng Phong Nha đón khoảng 10.000 người mỗi ngày trong mùa cao điểm, đa số khách du lịch tới thăm hang Thiên Đường, dễ vào hơn.
"Cơ sở hạ tầng cho du lịch ở Phong Nha đã quá tải trong mùa du lịch cao điểm ở Việt Nam, và vào các mùa khác trong năm thì có rất ít người tới đây", ông Nguyễn Châu Á, giám đốc công ty Oxalis nói, "Phong Nha chỉ là ngôi làng nhỏ và cơ sở hạ tầng không thể tải nổi hàng trăm ngàn lượt khách du lịch mỗi ngày".
Đây không phải dự án cáp treo gây tranh cãi đầu tiên trên thế giới. Người ta cũng từng định xây cáp treo tới Machu Pichu, Di sản Thế giới, UNESCO cảnh báo rằng cáp treo có thể sẽ làm ảnh hưởng tới khung cảnh tự nhiên, tăng lượng khách du lịch tới mức độ không kiểm soát được, cũng như có các lo ngại chung về lở đất ở khu vực núi, và dự án đã bị hủy.
UNESCO vẫn chưa bình luận về dự án cáp treo ở Sơn Đoòng, nhưng những các chiến dịch khác đang nhanh chóng đưa vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế để gây sự chú ý.
"Chúng tôi đang liên hệ với các luật sư, các nhà địa chất, chuyên gia hang động và các nhà hoạt động... Chúng tôi cũng cố gắng thu hút sự chú ý của các tổ chức môi trường, UNESCO và truyền thông quốc tế", ông Biên Thùy từ chiến dịch bảo vệ hang Sơn Đoòng nói. "Chúng tôi đã soạn thỉnh nguyện thư và gửi thư trực tiếp tới thủ tướng và chính quyền trung ương".
Thỉnh nguyện thư Stop the Construction: Save the Son Doong Cave được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, đến hôm 06/11 đã thu hút hơn 56.000 chữ ký.
Karl Turner
Gửi tới BBC từ Hà Nội
* Karl Turner chuyên viết về du lịch, sống ở Hà Nội từ năm 2009. Các bài báo của anh tập trung vào khu vực miền trung Việt Nam, trong đó có Quảng Bình và vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.





No comments: