Tuesday, November 18, 2014

Các tính cách dân tộc, góp phần làm quốc gia chậm tiến Trần Quí Cao (Dân News)



Trần Quí Cao (Dân News)
.
Hiện nay Việt Nam ta đang tìm câu giải đáp cho các câu hỏi lớn cho sự phát triển đất nước, trong đó câu hỏi lớn nhất và là gốc của các câu hỏi khác là:
Tổ chức quốc gia theo phương cách Dân chủ Pháp trị với Tam Quyền Phân Lập hay theo phương cách Độc tài Đảng trị và Toàn Trị?

Đây là vấn đề đã được nhiều quốc gia giàu mạnh trên thế giới giải quyết bằng các giải pháp căn bản và thuyết phục, tại sao Việt Nam ta vẫn còn lay hoay trong vòng chậm tiến (và thậm chí, lệ thuộc)?

Trong 150 năm từ khi Pháp tiến công Việt Nam cho tới nay, đã có 3 thời cơ lớn mà nếu biết tận dụng, Việt Nam đã là một quốc gia tiến bộ, giàu mạnh. Nhìn lại các phản ứng của dân tộc Việt Nam đối với các thời cơ đó, tôi cho rằng một trong vài lí do xuyên suốt của sự chậm tiến của Việt Nam là tính cách của dân tộc chúng ta.

Mục tiêu của bài viết này là trình bày:
Các tính cách của dân tộc góp phần làm quốc gia chậm tiến.
Từ đó, trình bày một số suy nghĩ.

Bài viết gồm 3 phần:
  • VIỆT NAM, MỘT QUỐC GIA ĐÔNG Á, VỚI BA THỜI CƠ PHÁT TRIỂN
  • TỪ CÁC PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH QUYỀN VỚI BA THỜI CƠ NÊU TRÊN, NHẬN XÉT VỀ CÁC TÍNH CÁCH CỦA VIỆT NAM
  • MỘT SỐ SUY NGHĨ
*
*
VIỆT NAM, MỘT QUỐC GIA ĐÔNG Á, VỚI BA THỜI CƠ PHÁT TRIỂN

Việt Nam là một quốc gia trong khối Đông Á gồm 4 quốc gia: Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam.

Trong lịch sử hàng ngàn năm của khối này, 4 quốc gia trên đã phát triển trong một môi trường văn hóa chung lấy trung tâm là văn hóa Hán: Hán tự là phương tiện truyền bá văn minh; Phật giáo và Lão giáo là triết thuyết tôn giáo chánh; giáo điều Khổng Mạnh là nền tảng xây dựng xã hội. Khối Đông Á có một nền văn minh rực rỡ từ rất sớm, tuy nhiên do hàng ngàn năm bị ràng buộc bởi chính nền văn minh này mà trở thành trì trệ, nghĩa là thay đổi chậm theo thời gian. Nếu so sánh xã hội thời Tùy-Đường với xã hội cuối thời Minh, ta thấy sự thay đổi là rất ít so với khoảng đường gần một ngàn năm.

Trong khi đó, lịch sử Tây phương chỉ rõ, từ thời Trung Cổ sang thời Phục Hưng, sự thay đổi xã hội rất nhanh chóng. Từ khi cuộc Cách Mạng Khoa Học Kỹ Thuật lần thứ nhất xảy ra, tốc độ thay đổi càng nhanh bội phần.

Vào giữa thế kỷ 19, các quốc gia Tây phương với nền khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc so với phần còn lại của thế giới, bắt đầu tiến công các quốc gia Đông Á. Trước đó, Nhật Bản và Việt Nam là 2 quốc gia có trình độ phát triển và kích thước quốc gia tương đương nhau. Từ sau cuộc tiến công của phương Tây, mức độ phát triển của 2 nước khác nhau hẳn: Nhật Bản ngày càng tiến triển, 40 năm sau đó, vào cuối thế kỉ 19, trở thành một trong vài quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, còn Việt Nam trong 150 năm sau đó, cho tới bây giờ, vẫn là một trong những quốc gia chậm tiến.

Nếu kể từ thời đó cho tới nay, đã có 3 thời cơ lịch sử rất lớn để cho các nước Đông Á phát triển.
 .
Thời cơ thứ nhất – Giữa thế kỉ 19: Khi nền văn minh cổ truyền Đông Á va chạm mạnh với văn minh Tây phương. Thời cơ này đưa đến cho các nước Đông Á cơ hội học lấy cái hay của nền văn minh phương Tây (khoa học kỹ thuật tối tân, phương pháp luận khoa học duy lý và chính xác) đồng thời bảo vệ được các giá trị truyền thống chính của dân tộc. Trước thời cơ này, Việt Nam ta đã làm gì?

  • Năm 1953, hạm đội Mỹ tiến vào vịnh Edo uy hiếp Nhật Bản. Nước Nhật ý thức được sự thua kém kỹ thuật của mình trước phương Tây nên mở cửa đất nước để canh tân, chịu khiêm tốn học cái hay của phương Tây. Nhật chủ động mở rộng quan hệ với các cường quốc Tây phương lúc đó như Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Đức… Sự chủ động ngoại giao này tạo cho Nhật vị thế một quốc gia đường hoàng độc lập, tạo một thế đứng quân bình giữa các cường quốc, trao cho Nhật thời gian quí báu để canh tân. Trong công cuộc duy tân, nước Nhật đoàn kết sau lưng vua Minh Trị. Sau 30 năm canh tân, Nhật đã trở thành một quốc gia hùng cường. Nhật chính thức là một thành viên của được nể trọng của “Bát Cường” với chiến thắng dễ dàng và triệt để hạm đội Trung Quốc. Mười năm tiếp theo họ đánh bại hạm đội hùng mạnh của Nga.
  • Gần như cùng thời đại, năm 1958, Pháp nổ súng vào hải cảng Đà Nẳng uy hiếp Việt Nam. Từ đó cho tới hòa ước Patenôtre (1883) đặt nền cai trị của Pháp lên Việt Nam, trong 25 năm đó, khi Nhật hùng mạnh lên hàng năm thì Việt Nam đã làm gì để canh tân? Tiếng nói canh tân bị bỏ qua, chính quyền –lúc đó là triều đình Huế- không để dân chúng bàn việc nước, kiên quyết bám giữ chế độ cai trị lỗi thời để bảo vệ ngai vàng, không dám liên lạc với các đối thủ cạnh tranh của Pháp như Anh, Đức… chỉ lo thần phục Trung Quốc, cầu cứu một nước Trung Quốc có cùng chế độ cai trị lạc hậu. Kết cuộc là mất nước. Khi Nhật đánh bại Nga vào đầu thế kỉ 20, Việt Nam đang chìm trong “đêm dài nô lệ”.
 .
Thời cơ thứ hai – Trước và sau thế chiến 2: Khi các cường quốc Tây phương xung đột nhau mãnh liệt, nước Đức đánh bại nước Pháp. Ở mức độ toàn cầu, xung đột hai khối Tự Do và Cộng Sản dần dần trở trở thành xung đột chánh. Sau thế chiến thứ 2, khối Cộng Sản là một lực lượng hùng mạnh chia đôi thế giới với khối Tự Do. Xung đột này cộng hưởng với việc bại trận của nước Pháp là thời cơ cực kì lớn cho nước Việt Nam giành độc lập và phát triển nhanh. Trước thời cơ này, Việt Nam ta đã làm gì?

  • Năm 1945: ngày 11/3/1945 vua Bảo Đại ra Tuyên Cáo Việt Nam Độc Lập. Ngày 7/4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Khi Nhật đầu hàng và Pháp chưa trở lại, thay vì đoàn kết ủng hộ chính phủ đã tuyên bố Việt Nam độc lập để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, lại có việc “cướp chính quyền”. Chính quyền được cướp này, khi Pháp quay trở lại, thay vì khéo léo dùng các biện pháp chính trị và ngoại giao để tận dụng thời cơ mâu thuẫn của hai khối Tự Do – Cộng Sản mà củng cố nền độc lập non nớt mới giành được, lại tiến hành một cuộc chiến tranh bằng bất cứ phương tiện gì “có súng dùng súng, có dao dùng dao”. Để chiến thắng, chính quyền kháng chiến lại cầu viện Trung Quốc, một nước đông dân nhưng chậm tiến và luôn có ý định thôn tính Việt Nam.

  • Thắng trận Điện Biên Phủ sau 9 năm kháng chiến khốc liệt, Việt Nam bị chia đôi với miền Bắc theo chế độ Cộng Sản, miền Nam theo chế độ Tự Do. Thay vì để hai miền cùng tồn tại hòa bình và phát triển kinh tế, phát triển đất nước giàu mạnh bền vững, chính phủ miền Bắc lại phát động cuộc chiến xâm lấn miền Nam với chiêu bài “Giải Phóng miền Nam khỏi bị nô dịch và bốc lột bởi chế độ thực dân mới của Mỹ và tay sai là chính quyền Ngụy (chính quyền miền Nam)”, dù rằng trong thực tế dân chúng miền Nam đang hưởng cuộc sống tự do và sung túc nhiều lần hơn so với dân chúng miền Bắc. Cuộc chiến lần này tàn khốc gấp nhiều lần cuộc chiến trước đó và kéo dài 20 năm! Miền Bắc kiên quyết “giải phóng miền Nam” cho dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Nghĩa là một nhóm người Việt phải thắng, phải thống trị tất cả các nhóm người Việt khác cho dù đốt cháy cả nước Việt Nam! Cuối cùng chính quyền Cộng Sản cũng thống trị đất nước, với 5 triệu tuổi thanh xuân của dân tộc bị đốt cháy trong lò lửa chiến tranh.
  • Sau khi thống trị toàn bộ đất nước, dù nguyên khí dân tộc bị tiêu hao trầm trọng, chính quyền Cộng Sản, thay vì “khoan sức dân” để lo phát triển kinh tế, lại lấy đấu tranh giai cấp để khẳng định sự thống trị của mình. Tầng lớp ưu tú nhất của miền Nam lớp bị tịch thu tài sản đày đi các vùng kinh tế mới, lớp bị đuổi khỏi đất nước trở thành thuyền nhân. Một phần quan trọng của nguyên khí quốc gia còn sót lại cũng bị tàn phá.
Nam Hàn đã biết tận dụng thời cơ này vươn lên thành nên kinh tế hùng mạnh, cạnh tranh ngang tay với Nhật Bản. Trung Quốc cũng biết tận dụng cơ hội này để trở thành công xưởng và nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới.
.
Thời cơ thứ ba – Từ khi Liên Xô và khối Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản cho tới nay: Đặc trưng của thời kỳ này là xung đột trên thế giới chuyển từ xung đột khối Tự Do với khối Cộng Sản thành xung đột Tây Âu-Mỹ với Trung Quốc. Xung đột này từ bị che giấu trong thập niên 1990 tới rõ rệt trong thập niên 2010 với việc Trung Quốc triển khai kế hoạch độc chiếm biển Đông. Đây là thời cơ để Việt nam thoát ra khỏi hệ ý thức hệ Cộng Sản để bước vào thế giới thế giới Tự Do, nghĩa là thoát cảm tính bước vào duy lý, thoát kiềm hãm bước vào khai phóng… để từ đó thoát yếu nghèo bước vào mạnh giàu. Trước thời cơ này Việt Nam ta đã làm gì?

Trong khi các nước Đông Âu bừng tỉnh và nương thời cơ cùng nhau rũ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản chuyển sang tổ chức quốc gia theo hệ thống Tự Do-Dân Chủ, các yếu nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam tìm mọi cách bảo vệ hệ thống Cộng Sản Quốc Tế lỗi thời và rệu rã, và khi hệ thống Cộng Sản Quốc Tế sụp đổ thì họ vội vã dắt nhau qua thần phục Trung Quốc, mới hôm qua là kẻ thù hung hãn chiếm đất, giết dân Việt. Mục đích chuyến đi nhằm tìm sự bảo hộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng Sản Việt Nam. Kết quả: Việt Nam trở thành nước cô độc trên thế giới (dù đã thiết lập mối bang giao cùng khắp), là một trong vài nước Cộng Sản còn sót lại trên thế giới. Việt Nam vẫn duy trì chế độ độc tài, toàn trị ngược chiều tiến hóa của các nền chính trị tiến bộ văn minh. Tổ quốc ngày càng bí lối phát triển và mất thêm chủ quyền, lãnh thổ vào tay Trung Quốc, càng lệ thuộc Trung Quốc bất chấp nguyện vọng của đa số dân chúng…
Cho tới nay, Việt Nam lại bỏ lỡ một cơ hội phát triển cực kì lớn lớn nữa cho đất nước.

Tuy nhiên, thời cơ thứ ba này, đối với Việt nam, chưa chấm dứt, mà còn được nối dài bởi thái độ hung hãn lấn đất, chiếm đảo của Trung Quốc. Tham vọng này của họ đe dọa đường vận chuyển quan trọng của thế giới, đo đó thế giới đứng sau lưng Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc. Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, châu Âu biểu hiện rõ rệt thái độ hợp tác và ưu đãi giành cho Việt Nam.
Từ thời cơ này, thế giới đang mong chờ Việt Nam văn minh và giàu mạnh. Dân chúng trong nước đang mong chờ các thay đổi của đất nước theo hướng đi lên. Áp lực của mong chờ từ thế giới và của khát vọng dân chúng không hề nhỏ. Chính quyền Việt Nam sẽ hành động ra sao?

Trần Quí Cao (tác giả gửi Dân News)

(Còn nữa, mời các bạn đón xem)

*
*

Trần Quí Cao (Dân News)

TỪ CÁC PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH QUYỀN VỚI BA THỜI CƠ NÊU TRÊN, NHẬN XÉT VỀ TÍNH CÁCH CỦA VIỆT NAM
.
 Tính cách thứ nhất: Tính Bảo Thủ của dân tộc

Nếu so sánh chính quyền nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay với triều đình Huế của thời Pháp đang xâm chiếm ta giữa thế kỉ 19, xét trên các mặt:
  • thiếu tự chủ và tự tin để tiến hành các liên kết ngoại giao đem lại vị thế vững chắc cho đất nước trước họa ngoại xâm,
  • thiếu kiến thức để đề ra chiến lược phát triển quốc gia toàn diện và lâu dài trong một tầm nhìn chiến lược toàn cầu,
  • quá ích kỷ vì sợ mất quyền lực và lợi ích riêng thành ra đàn áp dân chúng và sợ hãi, thần phục Trung Quốc,
  • đối lập với dân chúng nên nhìn đâu trong các thành phần dân tộc cũng thấy kẻ thù.
Ta thấy chính quyền hiện nay tương đồng rõ rệt với triều đình Huế thời Tự Đức. Tất cả các phản ứng của hai chính quyền là đối phó ngắn hạn với giặc ngoài, không hề có chiến lược chính trị và ngoại giao củng cố nội lực đất nước bền sâu để phát triển lâu dài. Đối nội thì đàn áp dân chúng vì nhìn đâu trong dân cũng thấy kẻ thù, và một đặc điểm nổi bật: thần phục Trung Quốc.

(Về sự thần phục Trung Quốc thì hiện nay có một điểm khác biệt so với xưa: triều đình Huế thần phục Trung Quốc để tìm sự giúp đỡ đối phó với Pháp xâm lăng, còn chính quyền Cộng Sản hiện nay thì thần phục Trung Quốc khi chính Trung Quốc là kẻ xâm lăng)

Như vậy là trên các mặt đang xem xét, 150 năm đã qua mà nước Việt Nam vẫn không thay đổi. Vậy thì hẳn sự chậm tiến, yếu đuối của quốc gia có nguyên nhân chánh từ trong một số mặt của bản chất dân tộc. Các mặt bản chất đó của Dân Tộc đã lựa chọn những giải pháp đó, những chính quyền đó, và tạo nên lịch sử đó.

150 năm, với biết bao bài học lịch sử đau đớn mà chính quyền hiện nay, đất nước hiện nay vẫn không khác chính quyền và đất nước 150 năm trước, thì tính cách Bảo Thủ đã là quá rõ.

Thời đại hiện nay là của Công Nghệ Thông Tin và Toàn Cầu Hóa. Các thay đổi xảy ra liên tục với tần số ngày càng cao có ảnh hưởng cả về chiều rộng và chiều sâu trên toàn thế giới. Một Công Ty hay một Quốc Gia không có chính sách quản lý và ứng phó với thay đổi để tự canh tân mình và tận dụng thời cơ tất sẽ tự thoái hóa và bị đào thải.
.
Tính cách thứ hai: Tính Độc Quyền Thống Trị

Chỉ cần lật lại lịch sử từ giữa thế kỉ 19 tới nay và đặt một số câu hỏi:

  • Câu hỏi 1: Nếu giữa thế kỉ 19, biết xem đất nước là tài sản chung của dân tộc, triều đình Huế bớt ích kỉ chăm chăm giữ ngai vàng riêng cho dòng họ mà mở rộng thảo luận chính trị, thực sự cầu thị các sách lược bảo vệ quốc gia, thì Việt Nam có bị mất nước hay không? 80 năm nô lệ đó làm đứt mạch phát triển, đảo lộn các giá trị truyền thống của dân tộc, suy giảm nghiêm trọng lòng tự tin và tự hào dân tộc.
  • Câu hỏi 2: Nếu năm 1945, biết xem đất nước là tài sản chung của dân tộc, đảng Cộng Sản không “cướp chính quyền” cho riêng đảng mình mà góp sức cùng cộng đồng dân tộc bảo vệ độc lập còn non yếu của tổ quốc, chịu ngồi chung với các thành phần khác một cách dân chủ để cùng đấu tranh chánh trị và ngoại giao, thì Việt Nam có chịu một cuộc chiến quá khốc liệt và hao tốn nguồn nhân lực để giành độc lập không? Có phải thực sự không còn cách nào khác để bảo vệ độc lập ngoài chiến tranh hay không?
  • Câu hỏi 3: Nếu sau khi đất nước chia cắt vào năm 1954, biết xem đất nước là tài sản chung của dân tộc, nhà cầm quyền miền Bắc không phát động chiến tranh xâm chiếm miền Nam mà để hai miền yên ổn phát triển theo hai mô hình khác nhau để xem mô hình nào hữu hiệu hơn cho tổ quốc, thì có cuộc “20 năm nội chiến từng ngày”, người Việt giết chết 5 triệu người Việt hay không? Thì hiện nay, từng miền tính riêng và tổng cộng hai miền của tổ quốc tính chung, mức độ giàu có và hùng mạnh của Việt Nam có ở vị trí khiêm tốn như hiện nay không? Nước Trung Hoa dù đầy dã tâm thôn tính có đủ sức lấn chiếm, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam không? Tình tương trợ, đoàn kết trong dân tộc phát triển hay lòng hận thù đắng cay phát triển?
  • Câu hỏi 4: Nếu sau năm 1975, sau một cuộc trường kỳ chiến tranh, khi thống “gian san thu về một mối”, hai miền tổ quốc đã thống nhất, nguyên khí quốc gia dù bị hao tổn nặng nề nhưng lòng dân đang bừng hi vọng vào một cuộc chấn hưng quật khởi, biết xem đất nước là tài sản chung của dân tộc, nhà cầm quyền Cộng Sản có vội vã tiến hành các việc sau đây hay không:
    1. Bắt giam bằng một cách một cách lật lọng và tráo trở khoảng 400 ngàn sĩ quan và công chức chế độ miền Nam vào các “trại cải tạo tập trung”, thực chất là trại tù nơi rừng thiêng nước độc, biền biệt năm sáu năm hay lâu hơn…
    2. Tịch thu các ấn phẩm và hậu quả liên hoàn là tiêu hủy tất cả tài sản tinh thần của miền Nam.
    3. Chiếm đoạt tài sản của dân chúng miền Nam qua các chiến dịch đánh Tư Sản Mại Bản, Tư Sản Công Thương Nghiệp, 3 đợt đổi tiền… (Người dân miền Nam nói chính quyền Cộng Sản gỡ từng ngón tay dân chúng vét tới đồng bạc cuối cùng).
    4. Áp dụng chế độ thi cử với điểm trúng tuyển khác nhau cho các thí sinh có lí lịch khác nhau nhằm loại con em miền Nam ra khỏi các trường đại học
Các việc gây ra hận thù ngút ngàn và chia rẽ trầm trọng như vậy nhằm mục đích gì nếu không là khẳng định và củng cố sự Thống Trị Độc Quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam bằng cách loại các thành phần khác của cộng đồng dân tộc?

  • Câu hỏi 5: Nếu các năm 1989, 1990, sau khi các nước trong khối Cộng Sản chuyển mình từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản và tổ chức quốc gia theo mô hình Tự Do Dân Chủ, biết xem đất nước là tài sản chung của dân tộc, đảng Cộng Sản thay vì mật ước Thành Đô nhượng rất nhiều quyền lợi quốc gia cho Trung Quốc, mời các thành phần khác trong dân tộc, mời các nhân sĩ trong và ngoài nước cùng hiến tâm lực, tài lực vạch kế sách, chọn hướng đi phát triển bền vững cho dân tộc, thì Việt Nam hiện nay có bị lệ thuộc Trung Quốc tới mức như là chư hầu hay không? Có bị Trung Quốc xâm chiếm biển đảo như hiện nay hay không? Nên nhớ, từ mật ước Thành Đô tới nay đã một phần tư thế kỷ, thời gian đủ cho Nhật từ tan hoang sau chiến tranh hay Hàn Quốc từ chậm tiến phát triển lên thành hùng cường.
Nếu mỗi người trong dân chúng tự đặt các các câu hỏi như trên hay các câu tương tự, và tự trả lời, chắc đa số sẽ thấy rõ một tính chất chung của triều Nguyễn xưa kia và của đảng CSVN hiện nay: chỉ muốn Độc Quyền Thống Trị phần còn lại của cộng đồng.

Thời đại hiện nay không phải là là thời đại của Thắng-Thua mà của Các Bên Cùng Thắng (Win-Win). Phe nào muốn chỉ có Phe Mình Thắng thì phe đó chuốc lấy thất bại.

Thời đại hiện nay không phải là là thời đại của Thống Trị mà của Hợp Tác, không phải là thời đại của Nhất Thống mà của Đa Dạng, không phải là thời đại của Một Bên Chỉ Đạo mà của Các Bên Bàn Bạc Tìm Giải Pháp Chung, không phải là thời đại của Toàn Trị mà của Tam Quyền Phân Lập… Người nào muốn Thống Trị, muốn Độc Tài, Toàn Trị người đó sẽ thất bại.

Trần Quí Cao (tác giả gửi Dân News)

(Còn nữa, mời các bạn đón xem)

*
*

Trần Quí Cao (Dân News)

MỘT VÀI SUY NGHĨ CỦA TÁC GIẢ
.
Hiện nay, tổ quốc Việt nam đang trong tình trạng phát triển chậm so với mong muốn của dân chúng và so với tiềm lực thật sự của đất nước. Việt Nam đang bị Trung Quốc, nước hiện nay đang rất hùng mạnh và từ ngàn năm nay không từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam, hung hăng lấn chiếm xâm lược. Nhu cầu chấn hưng đất nước đang sôi sục lòng dân.

Tôi tin rằng tổ quốc ta có tiềm năng phát triển rất lớn. Các chỉ số về kích cỡ và cấu trúc dân số, tài nguyên, trình độ phát triển của dân chúng, vị trí địa chính trị kinh tế… đều thuận lợi. Nếu được lãnh đạo giỏi, đoàn kết dân chúng, huy động nhân lực dân tộc vạch hướng phát triển đúng đắn thì 5 năm sau sẽ thấy rõ sự khác biệt so với hiện nay và 20 năm sau thực lực đất nước sẽ là vượt bậc. Sức mạnh và sự giàu có của đất nước sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay.

Như đã phân tích, các tính cách dưới đây góp phần làm quốc gia chậm tiến:
Tính Bảo Thủ
Tính Không Học Hỏi Tới Nơi
Tính Một Mình Thống Trị
Tính Cực Đoan, Hiếu Chiến
Để chấn hưng đất nước, dân tộc chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Khắc phục các tính cách trên đây cũng là một trong những việc nên tiến hành.

Khắc Phục tính Không Học Hỏi Tới Nơi:
Trong các tính cách nêu trên, Tính Không Học Hỏi Tới Nơi là điểm yếu căn bản nhất, là nguyên nhân của các điểm yếu kia. Một khi có tri thức, có kiến thức sâu và rộng thì người ta sẽ giảm tính Bảo Thủ. Người ta cũng sẽ giảm tính Cực Đoan, bởi vì căn bản của tri thức là chấp nhận học hỏi từ mọi hướng, mọi người, là chấp nhận mình có thể sai, là tính hoài nghi khoa học… Các căn bản này đi ngược hẳn với tính Cực Đoan. Do đó:

  • Cần tiến công, khắc phục lập tức điểm yếu Không Học Hỏi Tới Nơi. Càng nhanh càng tốt. Cần kiên quyết và kiên trì tiến hành hoạt động nâng cao dân trí bằng các biện pháp ôn hòa, thuyết phục và mang tính tri thức thời đại. Khi dân trí đủ cao thì người dân mới đủ sức bác bỏ chế độ độc tài trong hòa bình, giành lấy quyền chọn lựa nhà cầm quyền có bản lãnh, ý chí, đạo đức, từ đó tạo tương lai phát triển lâu bền, để lại cho con cháu một lịch sử tự hào đầy giá trị khai phóng…
  • Cần đấu tranh với những thế lực muốn lợi dụng một số đặc tính của dân tộc để càng kiềm hãm dân tộc trong vòng ngu muội nhằm bảo vệ ngôi vị, tiền của ích kỷ mặc cho tổ quốc nguy nan. Hiện nay, thế lực lớn nhất, dễ thấy nhất về mặt này là đảng CSVN và nhà cầm quyền nước Việt Nam.
  • Dân trí không thể nâng cao khi người dân bị bịt mắt bằng dải khăn Chủ Nghĩa Cộng Sản. Do đó, chúng ta không trông mong chính quyền của đảng CSVN làm việc này. Trong khi chưa đưa được đất nước vào tình trạng dân chủ và đa nguyên, cứ để nhà cầm quyền Cộng Sản làm việc giáo dục bên dưới vành khăn đó. Chúng ta sẽ góp phần nâng cao dân trí ở mức bên trên vành khăn bằng các việc quan trọng và cấp bách sau:
    1. Tranh đấu đòi cho được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
    2. Trong khi chưa giành được các quyền con người căn bản nói trên, tận dụng mọi phương tiện truyền thông để cung cấp sự thực, đẩy lùi dối trá:
      • Truyền bá kiến thức căn bản về các nền chính trị khác nhau trên toàn thế giới. Phân tích, so sánh các biến chuyển của các nền kinh tế, các trào lưu kinh tế chính trị…
      • Truyền bá kiến thức căn bản về các quyền con người mà dân chúng các nước văn minh trên thế giới đang hưởng
      • Thông tin trung thực về các chuyển biến tình hình trên thế giới và trong nước.
    3. Phổ biến, khuyến khích tinh thần Học lấy cái Cốt, cái Tinh, cái Gốc của khoa học, của văn minh.
    4. Tổ chức các hội đoàn dân sự như Hội Nhà Báo, Hội Bảo Vệ Quyền Con Người, Hội Cứu Tế, Hội Khuyến Học… để vừa hoạt động trong lãnh vực chuyên môn, vừa phổ biến các giá trị phổ quát của thế giới văn minh như Dân Chủ, Tự Do, Bình Đẳng… vừa góp phần xây dựng lại các giá trị truyền thống của xã hội như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… Hiếu Để, Tình Dân Tộc, Nghĩa Đồng Báo…

Khắc phục Tính Độc Quyền Thống Trị
  • Mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể, mỗi đảng phái… cần đặt mình vào vị trí là một thành phần của cộng đồng dân tộc
Đảng CSVN hiện nay, hơn ai hết, cần hiểu rõ vị trí này của mình.

Trong cộng đồng quốc gia có nhiều cộng đồng: cộng đồng tôn giáo (Phật giáo, Thiên chúa giáo…), cộng đồng dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer, Thái, Mường…), các hội đoàn, đảng phái (Việt Nam, rất tiếc, hiện nay chỉ có một đảng)… Hệ thống các cộng đồng đó có thứ tự cấp độ rõ rệt, trong đó cấp độ cao nhất là cấp độ Quốc Gia. Cấp độ Quốc Gia bao trùm và chi phối các cấp độ khác ở dưới nó. Sự bao trùm đó được thể hiện:

  1. Hiến pháp, văn bản pháp luật cao nhất của Quốc Gia, qui định các nguyên tắc chung nhất của Quốc Gia, không được có một ưu đãi, một riêng biệt cho bất kì đảng phái nào, và phải được phúc quyết bởi dân chúng.
  2. Cộng đồng Quốc Gia chọn lựa chính quyền. Không một đảng nào có tính chính đáng để nắm quyền lãnh đạo quốc gia mà không thắng cử qua cuộc bầu cử công bằng và tự do được tổ chức định kỳ.
  3. Các đảng phái tranh cử dưới sự tổ chức của Quốc Gia. Không một đảng nào có quyền tổ chức, kiểm soát danh sách ứng cử của các đảng khác.
  4. Chính quyền thắng cử là chính quyền của Quốc Gia, phải hoạt động cho quyền lợi và sự phát triển của Quốc Gia, không phải cho quyền lợi và sự phát triển của bất kì đảng nào.
  5. Quân đội và Công an trực thuộc chính quyền, do cộng đồng Quốc Gia nuôi dưỡng, phải bảo vệ Quốc Gia chứ không bảo vệ bất kì đảng phái nào.
Hiện nay nước Việt Nam được tổ chức theo các nguyên tắc hoàn toàn khác với các nguyên tắc trên. Đất nước chúng ta không giống các nước văn minh, không giống đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trách nhiệm này có nguồn gốc lịch sử từ sự lựa chọn của dân chúng Việt Nam, nên cũng thuộc về trách nhiệm của cộng đồng, dù rằng trách nhiệm của đảng CSVN là rất lớn. Sau 40 năm cầm quyền lãnh đạo toàn diện, hiện nay đảng CSVN là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với tình trạng bế tắc toàn diện của đất nước. Đảng CSVN phải có trách nhiệm cùng dân chúng sửa lại các sai lầm trong việc tổ chức đất nước để các thành phần trong cộng đồng dân tộc ngồi lại với nhau, trong vị thế bình đẳng và tinh thần dân chủ, hợp sức cùng chấn hưng tổ quốc.
Các nhà tranh đấu trong khi cần đấu tranh với, cần hỗ trợ đảng CSVN trong sự nghiệp sửa sai. Cần tận dụng tất cả các phương tiện thông tin đưa kiến thức về mối quan hệ đúng đắn giữa Quốc Gia và đảng phái tới các đảng viên đảng CSVN. Bằng quan hệ cá nhân (bà con, bằng hữu, đồng nghiệp…) trình bày, giải thích, thuyết phục… để ngày càng nhiều đảng viên hiểu và thấy rõ tính không chính đáng và tính vô lý của sự độc quyền và toàn trị của đảng mình. Cộng tác chân thành với các đảng viên có tầm nhìn và quan điểm tiến bộ. Từ đó thúc đẩy nhanh hơn “diễn biến hòa bình” trong lòng của đảng CSVN. Làm cho ngày càng nhiều đảng viên thấy được “diễn biến hòa bình” chính là con đường tốt nhất để cho đất nước có thể thoát hoàn cảnh bế tắc hiện nay mà không đổ vỡ, không máu xương. Các đảng viên ĐCSVN cần hiểu rằng thúc đẩy “diễn biến hòa bình” thành công chính là giúp đảng CSVN sửa các sai lầm trong việc tổ chức lại quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn văn minh. Khi đảng CSVN đã chuyển biến, đảng sẽ cùng các thành phần khác chuyển đổi quốc gia từ độc tài toàn trị sang dân chủ tự do. Lúc đó đảng CSVN sẽ trở về vị trí chính đáng của mình là một trong những chính đảng của Quốc Gia, đặt sự phát triển và tương lai của mình dưới sự phán xét và quyết định của dân chúng.

  • Các người đấu tranh cho dân chủ và phát triển quốc gia cần tránh cực đoan mà, trong khi đấu tranh với đảng CSVN, phải xem đảng viên ĐCSVN là đồng bào
Trước hiện tình đầy khó khăn và chậm tiến của Việt Nam, nhiều người dân đau lòng. Nhiều người thậm chí, vì phẫn uất, xem đảng CS không phải là một thành phần trong dân tộc.

Nếu bình tâm suy xét, ta sẽ thấy đảng Cộng Sản chính là từ dân tộc mà ra. Chính dân tộc Việt Nam, với các tính cách như đã nói trên, vì thiếu hiểu biết về lịch sử và hoàn cảnh chính trị thế giới, vì mơ hồ với thực tại, vì ảo tưởng với tương lai, vì hận thù và cực đoan, đã hi vọng vào và nuôi dưỡng đảng CSVN từ lúc ban đầu mới có vài người cho tới hàng triệu đảng viên. Mấy mươi năm trôi qua, nhiều giai đoạn lịch sử thay nhau, có lúc đảng CSVN bị xem là khát máu, ghê tởm, có lúc đảng huy động được sức mạnh hàng triệu triệu người nghiêng trời lệch đất. Từng có lúc được nhiều thành phần ưu tú trong cộng đồng dân tộc ủng hộ, được nhiều người nghĩ rằng có chính nghĩa, vậy mà tới nay đa số trong tầng lớp cầm quyền của đảng tạo thành một “bầy sâu lúc nhúc”… dân chúng ngoảnh mặt, mức ủng hộ của người dân đối với đảng CSVN xuống rất rất thấp trên từng chính sách, từng cá nhân cầm quyền…

Như vậy, trãi qua các thăng trầm, đảng CSVN hiện nay, dù đang có rất nhiều sai lầm và gây nhiều tổn thất cho tổ quốc, vẫn là một thành phần của dân tộc. Một thành phần của dân tộc cần được đối xử như một thành phần của dân tộc. Chẳng phải những người đấu tranh cho dân chủ, cho tiến bộ xã hội đang đòi hỏi những điều này hay sao? Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy dân tộc Việt Nam đã chịu bao nhiêu đau thương, tóc tang, chìm đắm trong hận thù, chia rẽ, chậm tiến vì thành phần này không chấp nhận các thành phần khác, đảng này muốn tiêu diệt các đảng kia. Hậu quả của tham vọng Độc Quyền Thống Trị của đảng CSVN còn rành rành đó. Các người đấu tranh, trong khi đấu tranh chống lại sự Thống Trị Độc Quyền của một thành phần trong dân tộc trên các thành phần khác, không thể lập lại sai lầm chết người đó. Hơn nữa, dân chúng, với nhãn quan chính trị đã trãi nhiều kinh nghiệm, không ủng hộ bất kỳ thế lực nào mang các đặc tính chậm tiến như đã phân tích. Bao Dung mới thắng được Hận Thù, Trung Thực mới thắng được Dối Trá, Thương Thuyết mới thắng được Đàn Áp, Dân Chủ mới thắng được Độc Tài, Quốc Gia mới đứng trên Đảng phái…

Lúc này nhà cầm quyền của đảng CSVN vẫn chưa thoát khỏi các sai lầm của chính họ, đang hung hăng đàn áp các người bất đồng chính kiến. Càng đàn áp, đảng CSVN càng tự cho thấy trình độ kém, tư cách thấp, tham lam vô độ… càng tự lộ rõ các tính độc tài, vô lý, thần phục ngoại xâm. Rất nhiều đảng viên hoang mang, thất vọng với đảng của mình. Là đảng viên lâu năm bị đảng tuyên truyền, các đảng viên không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của lối phân loại Địch-Ta, Bạn-Thù, của cách nhìn vào đồng bào thấy đâu cũng có kẻ thù địch. Chính lúc này, sự đối xử bình đẳng, dân chủ, chân thành của bên đấu tranh có tác dụng lôi kéo, thuyết phục đảng viên và do đó làm lung lay hệ thống đảng CSVN. Đây không phải là cuộc đấu tranh nối dài cuộc chiến Quốc-Cộng hay Bắc-Nam 40 năm xưa, mà là cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam mong muốn tự do dân chủ chống lại sự Độc Tài Toàn Trị. Bám chắc vào mục tiêu đầy chính nghĩa của thời đại này sẽ được đông đảo dân chúng ủng hộ. Sẽ làm tăng hi vọng vào thắng lợi của các “diễn biến hòa bình” cho đất nước…

Các suy nghĩ và mong muốn trình bày như trên có xa thực tế không, có là ảo tưởng không? Người viết xin mong học hỏi…

Trần Quí Cao (tác giả gửi Dân News)

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM
  • Huy Đức, BÊN THẮNG CUỘC – GIẢI PHÓNG, Nhà xuất bản OsinBook 2012
  • Huy Đức, BÊN THẮNG CUỘC – QUYỀN BÍNH, Nhà xuất bản OsinBook 2012
  • Ngô Đình Nhu, CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM, Việt Nam Thư Quán, Thể loại Tôn Giáo Chính Trị http://vietnamthuquan.net
  • Nguyễn Trung, Viet Studies, http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/







No comments: