Monday, November 3, 2014

Biến đổi khí hậu : Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc khẩn cấp báo động (Mai Vân - RFI)





Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày 03-11-2014 Sửa đổi ngày 03-11-2014 14:49

Không còn nhiều thời gian, phải gấp rút hành động để chống lại việc khí hậu trái đất bị hâm nóng. Đây là kết luận chính trong bản Báo cáo mà Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC/ GIEC) đưa ra vào hôm qua, 02/11/2014, tại Copenhagen, Đan Mạch.

Ủy ban đã thực hiện việc đánh giá đầy đủ nhất về biến đổi khí hậu từ năm 2007. Đây sẽ là cơ sở khoa học để các nhà hoạch định chính sách sử dụng trong các cuộc thương lượng quốc tế trên nguyên tắc sẽ kết thúc tại Paris cuối năm 2015, và dẫn đến một thỏa thuận chung.

Báo cáo vừa được công bố rất đáng ngại : Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính hiện tập trung trong khí quyển ở mức cao nhất từ 800 năm nay. Nếu muốn tránh hậu quả thảm khốc đối với môi trường, lương thực, sức khỏe con người, lượng khí thải nói trên phải được giảm thiểu từ 40 đến 70% từ nay đến năm 2050, và phải hoàn toàn biến mất vào khoảng năm 2100.

Để đạt kết quả đó, con người phải giảm rất nhiều việc sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời, hạt nhân…, giới hạn việc phá rừng, thực hiện việc tiết kiệm năng lượng.

Hậu quả biến đổi khí hậu đã được thấy trên các châu lục : Đại dương ấm lên, mực nước biển đã nâng cao, tuyết và băng giảm đi nhiều trong khi những đợt nóng bức ngày càng nhiều hơn ở Châu Âu, Úc hay Châu Á.

Điều đáng ngại khác mức thay đổi khí hậu và tác động nhanh hơn những gì đã tiên liệu. Cộng đồng quốc tế đã từng đề ra mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ chung dưới ngưỡng 2°C để giới hạn hậu quả.
Các chuyên gia của Ủy ban liên chính phủ cho là phải gấp rút hành động nếu muốn đạt được mục tiêu trên. Nhưng phải thực sự có ý muốn thay đổi. Đây là điều cần kíp nhất hiện nay.

Trước tình hình đáng ngại này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal kêu gọi một « sự huy động lực lượng ngay lập tức của toàn thế giới », trong lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cảnh báo : « Những kẻ phớt lờ hay chống đối khoa học (...) sẽ đẩy mọi người lâm vào cảnh nguy hiểm, cũng như con cái và cả cháu chắt chúng ta sau này ».

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã phản đối những đánh giá cho rằng hành động cho khí hậu rất tốn kém. Theo ông : « Không hành động sẽ còn tốn kém hơn, tốn kém hơn rất nhiều. »

---------------------------

Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 03-11-2014 Sửa đổi ngày 03-11-2014 16:05

Nhân loại còn « một ít » thời gian để tự cứu ? Bản báo cáo thứ 5 của Nhóm chuyên gia quốc tế về khí hậu GIEC được báo chí Pháp bình luận rộng rãi bên cạnh những vấn nạn kinh tế, tài chính, chiến tranh và tham vọng bá quyền.

Dưới bức ảnh một nhà hoạt động bảo vệ môi trường vác trên vai quả địa cầu màu xanh nước biển và những vầng mây trắng tươi mát đi biểu tình, nhật báo Công giáo La Croix nhận định trên trang nhất : Vẫn còn chút thời gian để cứu trái đất với điều kiện là phải phản ứng nhanh. Trái đất, tài sản chung duy nhất của nhân loại đang bị đe dọa trầm trọng mà những lời báo động đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ thập niên 1980 của thế kỷ trước và đây đã là lần thứ năm nếu chỉ tính theo con số bản phúc trình của GIEC công bố hôm qua tại Đan Mạch.

Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin cơ quan chuyên gia môi trường khí hậu GIEC hụ còi báo động và nhấn mạnh đến ba hệ quả của hiện tượng bầu khí quyển bị hâm nóng : nước biển bị acide hóa do nồng độ CO2 gia tăng đến 36%, băng tan làm mực nước dâng cao gây lũ lụt vùng duyên hải trong khi trong lục địa hạn hán kéo dài hơn và thường xuyên hơn.

Theo nhật báo La Croix, nhân loại vẫn còn khả năng lựa chọn. Các nhà khoa học thẩm định có thể giới hạn nhiệt độ khí quyển tăng dưới 2°C từ nay đến cuối thế kỷ, có nghĩa là còn cơ may tồn tại. Đây là trách nhiệm của con người, thay đổi quán tính, từ nay sử dụng ít năng lượng và phải hành động ngay.
Tuy nhiên, nhật báo Công giáo liệt kê những chướng ngại cản trở những cam kết chân thành nhất biến thành hiện thực mặc dù công luận đã ý thức : Hai trong số các cản lực đó là tâm lý thường tình : tình trạng nhiệt độ gia tăng hiện nay là do các thế hệ trước tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm. Thế hệ ngày nay, nếu hy sinh thắt lưng buộc bụng đầu tư vào năng lượng sạch, thì phải nhiều thế hệ nữa mới thấy kết quả. Tâm lý ích kỷ thường tình làm cho con người bớt hăng hái.

Bên cạnh khoảng cách thời gian còn có khoảng cách địa lý. Những nước công nghiệp, thủ phạm gây ô nhiễm thì « ở quá xa » các nước nghèo, không phải là thủ phạm chính nhưng lại là nạn nhân lãnh hậu quả trực tiếp bị lũ lụt, bão tố triền miên.

Cản lực cuối cùng mà cũng không kém quan trọng là từng cá nhân cảm thấy bất lực trước một vấn đề quá lớn dù sự sống còn của nhân loại bị đe dọa.

Tình nhân loại đi đầu
Làm cách nào để vượt qua tâm lý thụ động này ? Nhật báo La Croix lưu ý đề nghị của một chuyên gia Pháp : Dự báo những kịch bản cụ thể, nhìn ra những chướng ngại cụ thể để loài người cùng nhau tìm giải pháp. Tóm lại, thay vì chỉ tập trung trên những con số khoa học, hãy đưa cuộc tranh luận vào khuôn khổ giá trị đạo đức, công lý và tình liên đới.
Cũng trong chiều hướng này, Libération ghi lại thông điệp của GIEC gửi đến mọi cá nhân : quý vị lãnh đạo chính trị, dân biểu, kỹ nghệ gia, công dân, nếu không giảm được từ 40% đến 70% khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050 thì mức độ gia tăng nhiệt độ trên trái đất sẽ không thể đảo ngược.
Nhật báo cánh tả Pháp nhấn mạnh qua bài « Vì sự tồn vong của nhân loại » cảnh báo rằng mối đe dọa của hiệu ứng nhà kính do tiêu dùng năng lượng bất chấp hệ quả gắn liền theo chuỗi liên hoàn « nhân quả » với tham vọng chạy theo tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, từ khi thế giới bị chấn động tăng giá dầu hỏa đầu tiên năm 1972 đến nay có bao giờ tìm lại được tỷ số tăng trưởng cao 6%, 7% của thời vàng son.

8 tỷ người có mức sống của một công dân Mỹ trung lưu
Theo kết quả một cuộc điều tra khác do nữ phóng viên Marie-Monique Robin thực hiện và sẽ được trình chiếu trên đài Pháp-Đức Arte vào ngày mai thì cả Quân đội Đức và CIA Mỹ đều khẳng định là sẽ có « một cú sốc » mới về năng lượng và kim loại. Vấn đề là theo nhà báo này cũng như tác giả bài xã luận, giới lãnh đạo chính trị toàn cầu quá thiển cận.
Làm cách nào để cứu nhân loại ? Nhật báo cánh tả khai phóng cũng đưa ra giải pháp cùng chiều hướng với nhật báo Công giáo La Croix : Tuy tăng trưởng ở Mỹ và châu Á vẫn khá cao nhưng tình trạng này kéo dài được bao lâu nữa ? Do vậy, hãy bỏ đi những ý thức hệ, lý thuyết không còn thích hợp nữa để tập trung vào những giá trị chung của con người, để 8 tỷ dân địa cầu có được mức sống của một người Mỹ trung lưu.
Ước mơ này theo Le Figaro sẽ tốn kém lắm. Nhật báo cánh hữu trích con số của Cơ quan Quốc tế về Năng lượng mặt trời và điện gió dự kiến : Hiện nay hai loại năng lượng này chỉ mới chiếm 0,3% tổng nhu cầu tiêu thụ. Nếu muốn tăng lên 3,5% vào năm 2035 thì trong 20 năm tới đây phải đầu tư trung bình 100 tỷ đôla mỗi năm. Vào thời điểm này, 79% năng lượng vẫn do than đá và dầu hỏa cung cấp và phần còn lại là năng lượng hạt nhân.

Không dám kích cầu , Châu Âu sắp rơi vào giảm phát
Về tình hình kinh tế châu Âu, Les Echos khẳng định là đe dọa lạm phát ngày càng rõ nét trong khu vực đồng tiền chung euro : « Chiếc bẫy giảm phát đang siết chặt Châu Âu ».
Từ ba năm nay, vật giá tại vùng euro tăng rất chậm: 2,5% năm 2012 xuống còn 0,4% tính đến tháng 10/2014.
Tây Ban Nha là thành viên « yếu nhất » có thể rơi vào vòng xoáy đầu tiên. Chưa chi, tình trạng lạm phát giảm không thôi đã làm nhiều nước châu Âu giảm xuất khẩu và tỷ lệ tăng trưởng không thể ngóc đầu dậy.
Nhật báo kinh tế mượn lời cảnh báo của giải Nobel kinh tế 2008 Paul Krugman, từ Tokyo : Tây phương hoàn toàn không học được một kinh nghiệm nào của Nhật Bản. Phải kích thích kinh tế bằng biện pháp gia tăng chi tiêu công cộng để quân bình suy yếu của lãnh vực tư nhân.
Nói tóm lại phải kích cầu và cộng với một chính sách tiền tệ « can đảm » điều mà các chính phủ vùng đồng tiền chung euro bị tê liệt không làm, còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu thì lại tăng lãi suất chỉ đạo. Giải Nobel kinh tế 2008 dự báo kinh tế châu Âu sẽ còn trì trệ trong nhiều năm nữa.

Trung Quốc và chính sách thuộc địa mới
Hàng ngàn doanh nhân Đông nam Á đổ xô về Trung Quốc tham gia Hội chợ triển lãm tơ lụa tại Quảng Châu , thành phố giàu nhất Hoa lục kéo dài trong ba ngày. Nhật báo La Croix dành một trang để nói về chiến lược « con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 » mà giới lãnh đạo Trung Quốc thay nhau lên tiếng quảng cáo như là « một thời kỳ lịch sử trong lịch sử Trung Quốc ».
Theo La Croix, về thương mại , trong trung hạn, Bắc Kinh muốn thành lập một thị trường 3 tỷ người tiêu thụ trong khu vực mà Trung Quốc là đầu tàu. Về địa chiến lược, Trung Quốc muốn « cân bằng » ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong chính sách « tái định vị ».
Thái Lan , Cam Bốt, Lào và ngay cả Việt Nam, dù đang bị Trung Quốc tranh giành biển đảo cũng kéo sang Quảng Châu ký hợp đồng. Hiện tượng này gây lo ngại cho những người có đầu óc bén nhạy. Một doanh nhân Sri-Laka, mà chính phủ vừa ký với Trung Quốc thỏa thuận xây hải cảng, nhận định : đây là một hình thức mới của chủ nghĩa thực dân.

Hai tổng thống giữa nhiệm kỳ
Mỹ và Pháp có hai người lãnh đạo đã đến giữa nhiệm kỳ và đều gặp cùng một vận đen : điểm tín nhiệm xuống thấp.
Trên trang nhất của Le Figaro, nhật báo cánh hữu đề tựa : Hollande còn làm được gì ? Chủ nhân điện Elysée tìm cách cứu thời gian còn lại. Ông phát biểu trên đài truyền hình vào thứ năm tuần này.
Trong bài xã luận nội tình chính trị Pháp, Les Echos gợi ý tổng thống Hollande sử dụng « lá bài cuối cùng » để cứu hai năm rưỡi còn lại, không phải vì tương lai sự nghiệp của ông mà vì cứu nước.
Nhật báo kinh tế không nói rõ lá bài này là gì nhưng nhấn mạnh là hầu hết các bộ trưởng và thủ tướng Manuel Valls, tuy không ai nói ra hay làm gì chống lại tổng thống Hollande, nhưng mọi người đã âm thầm chuẩn bị thời « hậu Hollande ».
Nhà bình luận Cécile Cornudet cảnh báo : trận đấu chỉ kết thúc khi tiếng cồng báo hiệu được đánh lên. Ông Hollande chưa chắc thua cuộc, chỉ cần ông phải tung lá bài cuối.
Trên trang trong, Le Figaro dành nhiều cột để trình bày về cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ được xem là « tốn kém nhất lịch sử » với 4 tỷ đôla được huy động vào cuộc vận động cử tri, nhiều gấp 10 lần ngân sách chống dịch Ebola : Nhìn chung giới doanh nhân công nghiệp sạch ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ nhưng các nhóm gây áp lực hành lang điều nghiên, chấm điểm từng ửng cử viên một.

Pháp tìm ra biện pháp chẩn bệnh ung thư phổi trước khi phát bệnh
Xin kết thúc mục điểm báo hôm nay với một tin vui trong ngành y học : Bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện sớm qua xét nghiệm máu. Khám phá này được xem là « bước đột phá thế giới trong lãnh vực ung thư phổi » do một nhóm nghiên cứu Đại học y khoa Nice, miền nam nước Pháp thực hiện.
Kỹ thuật chẩn bệnh dựa trên thử máu cho phép phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư nhiều tháng, có khi nhiều năm, trước khi bệnh phát ra ở một số bệnh nhân có triệu chứng sưng và nghẹt khí quản.
Tuy nhiên theo các bác sĩ ở Nice, phương pháp này cần được nghiên cứu thật rộng rãi, ít nhất với 800 người mới có thể kết luận dứt khoát là chính xác đến mức độ nào.






No comments: