Thứ
Sáu, ngày 21 tháng 11 năm 2014
.
Phóng
viên Tiểu Muội và nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú
Minh) - Hình: Trần M. Triết
.
Phỏng
vấn nhà văn Phạm Phú Minh
.
TM:
Thưa ông, nhân dịp sắp có cuộc hội thảo về văn
học miền Nam vào ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014 sắp tới
tại Little Saigon, và được biết ông đã từng tổ chức
và tham dự nhiều sinh hoạt văn học/văn hóa trước đây,
xin ông cho biết một cách tổng quát các cố gắng của
giới cầm bút hải ngoại về việc sưu tầm, lưu giữ và
tìm hiểu vốn liếng văn học/văn hóa Việt Nam trong quá
khứ.
PPM:
Ðây là câu chuyện rất dài, nếu muốn hiểu vì sao
mà học giới Việt Nam ở hải ngoại phải làm những
việc như cô vừa nói. Nếu chúng ta là những kẻ di dân
đến Hoa Kỳ, đến Pháp, đến Úc... từ những nước như
Nhật, Thái Lan, Ấn Ðộ, Ðức, Ý, Mễ Tây Cơ, v.v... thì
có lẽ chúng ta cũng chỉ lo sinh sống làm ăn bình thường
như họ, thỉnh thoảng tổ chức các loại lễ lạt trình
diễn văn hóa của nước mẹ để tưởng nhớ gốc gác,
chứ còn việc nghiên cứu, sưu tầm này nọ thì đã có
nước mẹ lo. Nhưng người di dân Việt Nam thì khác.
.
TM:
Xin ông giải thích khác ở chỗ nào.
PPM:
Ở chỗ đúng ra chúng ta là người tị nạn, chúng ta
thoát ra thế giới để trốn cái nạn Cộng Sản. Từ khi
Cộng Sản cai trị nửa nước phía Bắc từ 1954, họ đã
ra sức phá hủy rất nhiều thành tựu văn hóa, văn học
của dân tộc Việt Nam; và khi chiếm lĩnh luôn miền Nam
vào năm 1975, ngay lập tức họ triệt hạ toàn bộ nền
văn học chữ quốc ngữ truyền thống Việt Nam vốn đã
có từ lâu, đặc biệt rất khởi sắc từ 1954 đến
1975.
Cho
nên khi đi ra sinh sống ở nước ngoài, chúng ta có hai tư
thế: một là di dân, tìm một đời sống tốt đẹp hơn,
hai là tị nạn với tất cả nỗi thao thức đang đánh
mất cả một nền văn hóa truyền thống đang bị cày nát
bởi bạo lực của một chủ thuyết xa lạ. Nơi xứ người
chúng ta phải lo xây dựng cả đời sống vật chất lẫn
bảo tồn vốn liếng tinh thần, văn hóa vì biết rằng
ngay trên đất mẹ vốn liếng ấy đang bị triệt hạ
không thương tiếc. Chúng ta đang sống tại Mỹ mà không
thảnh thơi như các cộng đồng người Nhật, người Thái
Lan, người Ấn Ðộ, v.v... là vì vậy. Về tinh thần ta
không thể nương tựa vào nước mẹ như họ.
.
TM:
Xin ông cho biết một số hoạt động điển hình
của người tị nạn nhằm cứu vớt các di sản của quá
khứ.
PPM:
Ghi nhận đầu tiên là các tạp chí văn học để tiếp
tục đăng các sáng tác và nghiên cứu văn học của các
nhà văn tị nạn. Thoạt tiên chỉ vài ba năm sau 1975 có
tờ Văn Học Nghệ Thuật do hai nhà văn Võ Phiến và Lê
Tất Ðiều chủ trương, sau biến thành tờ Văn Học do
các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy,
v.v... luân phiên nhau coi sóc; tờ Văn của nhà văn Mai
Thảo, sau trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; tờ Hợp Lưu do
nhà văn Khánh Trường điều khiển trong nhiều năm, khi
sức khỏe kém thì trao lại cho Ðặng Hiền; tờ Thế Kỷ
21 do anh em nhóm Người Việt thay phiên nhau làm chủ nhiệm
và chủ bút; tờ Khởi Hành do nhà văn Viên Linh chủ
trương. Trong thời kỳ Internet, có những báo mạng như
Tiền Vệ ở Úc do các nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng
Ngọc Tuấn chủ trương; Da Màu của nhóm các nhà văn Ðặng
Thơ Thơ, Phùng Nguyễn...
Các
tờ báo về văn học trên đây tiếp tục nếp sáng tác
của nền văn nghệ miền Nam trước 1975, do những nhà văn
đã thành danh thời VNCH lẫn các nhà văn trẻ bắt đầu
viết ở hải ngoại. Ngoài báo chí, còn có một tổ chức
nhằm mục đích giữ gìn vun bồi nếp văn hóa Việt Nam,
là Viện Việt Học do một số các nhà khoa bảng sáng
lập.
.
TM:
Ngoài hoạt động có tính cách đều đặn của các cơ
quan văn hóa như thế, có những công tác nào có ý nghĩa
nổi bật bù đắp cho những mất mát về văn hóa do Cộng
Sản gây ra không?
PPM:
Chúng ta đều biết cả một nền văn học của miền Nam
đã bị thiêu rụi sau khi Cộng Sản thắng trận. Trong đời
sống tị nạn của mình từ 1975 tại Mỹ, nhà văn Võ
Phiến đã âm thầm gây dựng lại hình ảnh của nền văn
học ấy, để 12 năm sau (1987) xuất bản cuốn Văn Học
Miền Nam Tổng Quan, rồi 12 năm sau nữa, 1999, cho ra một
loạt toàn bộ Văn Học Miền Nam gồm sáu cuốn: ba cuốn
về truyện, một cuốn về ký, một cuốn về tùy bút và
kịch, và một cuốn về thơ. Bên cạnh phần nhận xét về
từng tác giả, có phần trích văn khá phong phú. Dù được
soạn trong hoàn cảnh thiếu thốn tài liệu, đây vẫn là
bộ sách về văn học miền Nam đầy đủ nhất, cho đến
nay chưa có một công trình tương tự.
Nhưng
chúng ta cũng biết rằng Cộng Sản không chỉ thiêu hủy
sách báo của miền Nam. Ngay trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, từ 1950, họ đã cấm đoán nhiều tác phẩm
tiền chiến (trước 1945), và nhất là sau 1954 sau khi đã
có được nửa nước, sự siết chặt đời sống tinh
thần của người dân càng mạnh mẽ. Hầu như tất cả
thành tựu về văn hóa văn nghệ từ khi có chữ quốc ngữ
cho đến năm 1945 đều bị cấm: báo Nam Phong, báo Phong
Hóa Ngày Nay, tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn, tiểu thuyết
của Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương,... cả của những
tác giả theo họ như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công
Hoan,... cũng phải lên tiếng phủ nhận các tác phẩm của
mình. Nói chung đảng Cộng Sản có một đường lối văn
nghệ khác được chỉ thị từ Liên Xô và Trung Cộng, và
tất cả những gì không phù hợp với đường lối này
thì đều bị phê phán là lạc hậu, phản động, bị cấm
đoán và tiêu hủy; các nhân vật văn hóa như Phạm Quỳnh,
Nguyễn Tường Tam đều bị miệt thị nặng nề. Ngay bài
Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi khi in lại trong cuốn
Lịch Sử Việt Nam cũng bị Trường Chinh và Tố Hữu gạch
bỏ một câu vì không phù hợp thế giới quan của đảng
Cộng Sản (1). Họ không cần những gì dân tộc Việt Nam
hãnh diện là những “thành tựu” của mình về văn
hóa, họ chỉ cần những gì phù hợp với đảng Cộng
Sản để xây dựng một thế giới khác theo trí tưởng
tượng (bệnh hoạn) của họ. Và đó là thảm họa cho
văn hóa nước Việt Nam của chúng ta.
Cách
đây khoảng 10 năm, Viện Việt Học ở California cùng gia
đình của học giả Phạm Quỳnh đã làm được một việc
mà tôi nghĩ những ai còn yêu mến nền văn hóa Việt Nam
phải ghi ơn: đó là “số hóa” (digitalize) toàn bộ báo
Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh, làm thành DVD và phổ
biến rộng rãi khắp nơi. Một di sản quý báu về văn
hóa Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 tưởng đã bị vùi lấp
quên lãng vĩnh viễn một cách cố tình bởi đảng Cộng
Sản thế là được cứu thoát nhờ ý thức yêu quốc gia
dân tộc của người tị nạn.
Theo
gương Viện Việt Học, cách đây chỉ ba năm một nhóm tị
nạn khác, sau khi khổ công sưu tầm, cũng đã thành công
trong việc “số hóa” toàn bộ báo Phong Hóa Ngày Nay và
phổ biến rộng rãi trên nhiều trang nhà để mọi người
dùng miễn phí. Toàn bộ sách Tự Lực Văn Ðoàn bản gốc
cũng đã được số hóa và phổ biến để chống lại
nạn in lại loại sách này nhưng nội dung bị gạch bỏ
và sửa chữa rất nhiều hiện đang xảy ra ở trong nước.
Cũng
trong ý hướng phục hồi những giá trị đã qua của văn
hóa Việt Nam bị Cộng Sản vùi lấp, trên báo Người
Việt Online đã thành lập một Thư Viện trong đó đưa
lên những di sản quý giá: Toàn bộ báo Nam Phong, toàn bộ
báo Phong Hóa-Ngày Nay, toàn bộ báo Thanh Nghị và Tri Tân,
toàn bộ Tập san Sử Ðịa (xuất bản tại Sài Gòn trước
1975), và hiện đang cập nhật nhiều tài liệu quý hiếm
khác.
.
TM:
Như vậy phải chăng cuộc hội thảo về Văn Học
Miền Nam sắp tới cũng trong chiều hướng khơi dậy, tìm
hiểu, phân tích hầu đặt để trở lại những giá trị
đích thực của nền văn học này?
PPM:
Thực ra chúng ta đang ở thời điểm gần 40 năm sau
biến cố 1975, nhiều biến chuyển đã xảy ra từ thời
điểm đó. Chế độ Cộng Sản đã sụp đổ, những nước
gọi là Cộng Sản còn lại cũng phải đi theo nền văn
minh chung của loài người và thấy ra những ảo tưởng
bệnh hoạn của chính mình. Những cải cách, những kinh
tế thị trường cũng dẫn tới cái nhìn mới, trong đó
có việc nhìn nhận lại giá trị của những gì trước
đây người cộng sản vẫn lên án và hủy diệt. Một số
nhà nghiên cứu văn học trong nước đã lên tiếng đề
cao giá trị của nền văn học miền Nam, vì nền văn học
này không cắt đứt với quá khứ của dân tộc như Cộng
Sản đã làm, nền văn học này tôn trọng sự tự do sáng
tác, và nhờ nền giáo dục khai phóng của miền Nam, người
làm văn nghệ cũng như giới thưởng ngoạn có một trình
độ cao hơn hẳn miền Bắc cùng thời kỳ.
Cuộc
hội thảo này do đó sẽ góp phần nhìn rõ hơn các giá
trị của nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, đặt
nó một cách xứng đáng vào toàn bộ sự nghiệp văn học
của dân tộc Việt Nam. Ðây không phải là lần đầu
tiên có một sinh hoạt văn học tại Little Saigon miền Nam
California. Năm 1999 đã có Ngày Phạm Quỳnh là một cuộc
triển lãm và hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp
của học giả Phạm Quỳnh. Năm 2007 đã có hội thảo về
nền văn học hải ngoại. Năm 2013 đã có triển lãm và
hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn.
Và năm nay 2014 hội thảo về nền Văn Học Miền Nam giai
đoạn 1954-1975.
Dựng
lại những gì bị vùi dập. Ðịnh lại giá trị của
những gì bị xuyên tạc, bôi bẩn. Góp phần cho một niềm
thông cảm chung của người Việt Nam trong và ngoài nước
trước các di sản tim óc của những lớp người đi
trước. Ðó là ước nguyện của tất cả những ai đang
cố gắng xây dựng, bồi đắp lại những gì mất mát do
những nghiệt ngã của lịch sử đã gây ra cho nền văn
hóa Việt Nam. Cuộc hội thảo về Văn Học Miền Nam vào
hai ngày 6 và 7 tháng 12 sắp đến tôi nghĩ cũng không đi
ra ngoài mục tiêu ấy.
.
TM:
Cám ơn ông Phạm Phú Minh đã dành thì giờ cho cuộc
phỏng vấn này.
.
Chú
thích:
(1)
Bài Bình Ngô Ðại Cáo được in trong cuốn Lịch Sử Việt
Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1971, tái bản năm 1976, câu
sau đây đã bị cắt bỏ: “Thế là nhờ trời đất, tổ
tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.”
Trường Chinh và Tố Hữu lúc bấy giờ phụ trách về
tuyên huấn, văn hóa, giáo dục đã quyết định sự cắt
bỏ câu này vì cho là “duy tâm, mê tín.”
No comments:
Post a Comment