Sunday, April 18, 2010

VỀ NHỮNG SAI SÓT của HỘI ĐỊA LÝ QUỐC GIA HOA KỲ và của GOOGLE

Lược ghi cuộc trao đổi với phóng viên Tú Anh của RFI về những sai sót của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ và của Google

Đăng bởi boxitvn on 18/04/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/18/l%c6%b0%e1%bb%a3c-ghi-cu%e1%bb%99c-trao-d%e1%bb%95i-v%e1%bb%9bi-phong-vien-tu-anh-c%e1%bb%a7a-rfi-v%e1%bb%81-nh%e1%bb%afng-sai-sot-c%e1%bb%a7a-h%e1%bb%99i-d%e1%bb%8ba-ly-qu%e1%bb%91c-gia-hoa-k/#more-4620

Ngày 15-4-2010, nhân Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ thừa nhận sai sót trong việc ghi chú chữ China dưới quần đảo Hoàng Sa trên tấm bản đồ thế giới do họ vừa phát hành, đài RFI đã có buổi phỏng vấn hai anh Nguyễn Hùng và Lê Quang Long là hai trong ba tác giả đã liên tục gửi nhiều thư đến Hội ấy đòi hỏi phải sửa chữa. Cùng thời gian với những lá thư của 3 người Việt này, nhóm GS Ngô Vĩnh Long và Vũ Quang Việt ở Hoa Kỳ và Nhóm khởi xướng trang mạng Bauxite Việt Nam ở Việt Nam cũng đã có thư gửi đến Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ với cùng một mục đích (tất cả những thư này đều đã được đăng trên Bauxite Việt Nam bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt). Và ở trong nước thì hầu như đã dấy lên cả một phong trào phản đối việc làm sai của cơ quan in ấn địa đồ tư nhân rất uy tín này của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong khi Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ có hành động sai lầm như trên bị công luận rộng rãi phản ứng thì Công ty Google cũng đã phạm một sai sót không nhỏ là cho công bố những bản đồ giữa Việt Nam và Trung Quốc với đường biên giới lệch hẳn vào trong lãnh thổ Việt Nam, mà trang mạng Bauxite Việt Nam đã kịp thời lên tiếng, kế đó bà Nguyễn Phương Nga đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức tuyên bố việc làm của họ là sai, rồi tiếp đến 3 anh Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá và Lê Quang Long lại viết thư gửi đến Google, nhưng đến nay, Google vẫn giữ thái độ im lặng.

Trong bài trả lời RFI, hai anh Nguyễn Hùng và Lê Quang Long cũng đã bày tỏ nỗi bức xúc trước thái độ im lặng khó hiểu của một cơ quan nổi tiếng thế giới như Google. Để cho tiếng nói của mình được nhiều người Việt trong nước và trên thế giới theo dõi tường tận hơn, hai anh đã văn bản hóa những lời phát biểu miệng của mình gửi đến BVN. Chúng tôi có biên tập lại ít nhiều về câu chữ và xin giới thiệu với quý bạn đọc những lời tâm huyết dưới đây của các anh cùng với lá thư các anh đã gửi cho Google và cho các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhân sự sai sót của Google Maps.

Bauxite Việt Nam

------------------------------------

Phỏng vấn anh Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng – Kính thưa quí vị khán thính giả của đài RFI, anh em chúng tôi là Hùng, Long và Bá, một nhóm anh em người Việt ở nước ngoài. Hôm 10/03/2010 chúng tôi có gởi một văn thư cho Hội Địa dư Quốc gia Hoa Kỳ (NGS) sau khi chúng tôi được một người bạn tên Mai Nghiêm email cho biết một tin nghiêm trọng: bản đồ của HĐD của Mỹ in tên quần đảo Hoàng Sa của nước mình với tên Trung Hoa là Xisha Qundao và dưới tên này họ lại để thêm chữ China màu đỏ. Khi biết được điều đó, anh em chúng tôi rất buồn, rất bực, vội cùng nhau viết ngay một văn thư gởi đến cơ quan này phản đối việc làm sai trái ấy.

Chúng tôi liên lạc ngay với một số bạn bè người Việt đồng tâm đồng chí báo cho họ biết tin này để họ cùng góp ý vào văn bản văn thư gởi đi. Một mặt chúng tôi gởi thẳng đến cơ quan NGS, mặt khác cũng gởi cùng lúc về các cơ quan thông tin trong nước và cả Chánh phủ Việt Nam để trong nước biết và cùng phối hợp phản đối Hội Địa dư Quốc gia Hoa Kỳ. Trong quá trình biên soạn văn thư, trong khi anh em chúng tôi muốn làm liền và gửi liền thì cũng có những anh chị cho rằng phải có thời gian để chuẩn bị và tìm tài liệu. Nhưng theo quan điểm của anh em chúng tôi, việc tìm tài liệu là việc làm sau. Mình là ngưới Việt Nam, lúc trước sống tại miền Nam thì đã biết quần đảo Hoàng Sa này là của Việt Nam rồi, và Trung Quốc họ đánh chiếm từ năm 1974. Chính NGS đã đăng điều đó từ năm trước, năm nay họ lại đăng lại như trên. Đó là lý do khiến chúng tôi không chần chừ nữa mà tiến hành viết và gởi thư ngay. Khi chúng tôi chuyển những thư này về trong nước thì tin tức bùng lên. Ngay ngày hôm sau các báo chí trong nước liền đăng tải. Có một số báo chí trong nước đăng nguyên văn bản dịch tiếng Việt của lá thư bằng tiếng Anh chúng tôi gởi cho NGS. Liền sau đó trang mạng Boxitevn.net cho đăng toàn bộ văn bản cả bản dịch kèm với nguyên văn tiếng Anh, kể cả bức thư gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của chúng tôi. Đầu đuôi sự việc diễn ra là như vậy.

Tú Anh – Thưa anh, do đâu mà Mai Nghiêm là người đầu tiên phát hiện trước vụ này và thông báo cho các bạn?

Nguyễn Hùng – Dạ, hôm 2/3 chúng tôi nhận được email của người bạn, qua người bạn đó biết được một người có tên Mai Nghiêm. Theo chúng tôi biết thì NGS đã in bản đồ này từ tháng 9/2009. Nhưng vì mình không phải là người thường xuyên đọc tạp chí của HĐDQG Mỹ thành ra không biết. May mắn nhờ người có tên Mai Nghiêm khám phá và thông báo cho biết. Thực ra, chúng tôi thường viết những văn thư gởi về Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí trong nước để báo những tin quan trọng liên quan đến Việt Nam, hoặc nhiều lần viết những thư phản đối các việc làm sai trái của nước ngoài đối với nước ta. Lần viết thư này là lần thứ 5 hay thứ 6. Lần đầu tiên chúng tôi viết văn thư gởi cho Tòa Đại sứ Trung Quốc và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Tân Tây Lan phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư phủ của nước mình vào tháng 9 năm ngoái. Từ đó đến giờ, anh em chúng tôi đã kết hợp làm nhiều văn thư phản đối Trung Quốc.

Tú Anh Thưa anh Hùng, sau khi các anh gởi văn thư phản đối đến Hội Địa lý Hoa Kỳ về vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Hội Địa lý Hoa Kỳ phản ứng như thế nào?

Nguyễn Hùng – Sau khi chúng tôi gởi văn thư này cho HĐDQGHK và những bản sao về trong nước, trong vòng 3 ngày thì anh em chúng tôi lại được tin trên RFI cho biết Hội Luật gia tại TP Hồ Chí Minh báo rằng HĐDQGHK đã đồng ý thay đổi rồi. Khi đó chúng tôi mới tìm hiểu và vội vàng viết một văn thư thứ nhì gởi cho HĐDQGHK. Chúng tôi muốn biết quyết định của Hội thực sự là như thế nào. Chúng tôi đặt vấn đề với NGS nếu có quyết định, yêu cầu xóa bỏ tên Trung Hoa Qundao Xisha hay chữ China khỏi quần đảo Hoàng Sa, nên dùng tên quốc tế Paracel Islands. Sau đó, được biết tin này thực ra không đúng. Hội Luật gia TPHCM cho tin sai. Họ đã dựa vào một bản đồ nào đó nên tuyên bố như vậy. Không biết ý đồ của Hội Luật gia TPHCM là như thế nào.

Đến ngày 17/03/2010, HĐDQGHK gởi cho anh em chúng tôi một thư thông cáo báo chí rằng ngày 15/03 HĐDQGHK đã họp và quyết định sửa lại tên gọi của quần đảo Hoàng Sa. Họ chỉ báo quyết định sẽ sửa lại trong tương lai, nhưng sửa đổi như thế nào thì họ không nói rõ ràng. Anh em chúng tôi mới lập tức viết một văn thư nữa gởi HĐDQGHK yêu cầu phải cho chúng tôi biết khi nào HĐDQGHK sẽ sửa, và chúng tôi yêu cầu nếu sừa, HĐDQGHK cần bỏ những chữ Trung Hoa, cả chữ China, và cả tên quần đảo theo cách gọi Trung Quốc phiên âm. Nếu được chỉ dùng tên Paracel Islands thôi cho các bản đồ. Vì vùng quần đảo này vẫn còn đang tranh chấp chủ quyền. Việt Nam chúng tôi vẫn đang tranh đấu giành lại quần đảo Hoàng Sa này.

Sau đó, ngày 25/03 HĐDQGHK viết thư cho chúng tôi cho biết họ có thêm quyết định mới về vấn đề này. Căn cứ theo quyết định mới này, những yêu cầu của đồng bào trong nước, của các cơ quan trong nước, của các học giả người việt khác và của cá nhân chúng tôi coi như đều được chấp thuận rất đầy đủ. Họ sẽ chỉ dùng tên Paracel Islands thôi. và với những bản đồ chi tiết họ sẽ ghi chú thêm: “Trung Quốc đánh chiếm quần đảo này và Việt Nam đang đòi lại”. Chúng tôi nhận thấy điều này rất tốt cho mục đích của chúng ta. Họ đồng thuận là Trung Quốc chiếm đóng chứ không phải của Trung Quốc. Nếu gọi là “Trung Quốc chiếm đóng” thì quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam rồi. Trong tương lai, chưa biết lúc nào, chúng ta vẫn có thể đòi lại quần đảo này.

Tú Anh – Thưa anh, tiếp theo sau khi giải quyết được vấn đề bản đồ quần đảo Hoàng Sa với HĐDQGHK thì xảy ra vụ Google, nhiều địa danh ở miền cực Bắc của Việt Nam như tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai chẳng hạn thông qua đường ranh do Google vẽ, rơi vào phía kia, tức là nằm về phía bên kia đường biên giới với Trung Quốc. Rút kinh nghiệm đối phó với HĐDQGHK thì các anh đối phó ra sao với Google?

Nguyễn Hùng – Thưa anh, trong lúc vụ phản đối với HĐDQGHK đang diễn tiến thì lại có tin thành phố Lào Cai bị Google cho đăng lên cho thấy đường biên giới cắt ngang thành phố Lào Cai, một phần của thành phố Lào Cai nằm sang phía Trung Quốc. Tin này anh em chúng tôi cũng đã đọc qua các trang mạng ngoại quốc. Nay tin này được trong nước phổ biến [mạng boxitvn.net khởi đầu] thành ra có tầm mức quan trọng hơn, vì từ tin bản đồ Hoàng Sa đến tin này là cả một chuỗi tác động tâm lý không hay đối với người Việt chúng ta. Dựa vào tin đó, trước mắt anh em chúng tôi không thể làm gì được, tại vì mình không có bằng chứng nào về pháp lý để cãi lại với Google. Đến ngày 20/03 Bộ Ngoại giao Việt Nam ra môt thông cáo tuyên bố là Google sai. Và một số cán bộ phụ trách vấn đề biên giới cũng nêu lên rằng Google không những sai về thành phố Lào Cai mà rất nhiều địa danh khác cũng bị sai, và đường biên giới Google dùng lại kéo sâu vào vài cây số trong lãnh thổ Việt Nam. Sau khi được tin Chánh phủ Việt Nam phản đối, chúng tôi dựa vào đó viết một văn thư gởi cho công ty Google, yêu cầu Google cung cấp cho biết tài liệu từ đâu họ có được để đưa lên những bản đồ sai trái như vậy. Về phía Việt Nam, chúng tôi có gởi về cho Chánh phủ, Đảng và Nhà nước Việt Nam một văn thư yêu cầu họ nhanh chóng phổ biến chi tiết những hiệp định, nghị định họ đã ký với Trung Quốc về đường biên giới phía Bắc. Để từ đó người dân Việt Nam mới có cơ sở chống lại những tổ chức, những cá nhân nào in sai bản đồ này.

Tú Anh – Thưa anh, đến nay Google có trả lời chưa?

Nguyễn Hùng – Dạ chưa. Bộ Ngoại giao tuyên bố ngày 20/03, chúng tôi gởi cho Google ngày 24/03. Cho đến hôm nay chưa được Google trả lời. Anh em chúng tôi theo dõi báo chí trong nước thì không thấy báo chí trong nước nói gì thêm về vấn đề này. Chứng tỏ trong nước chưa được google trả lời chính thức sai đúng như thế nào. Sau đó chúng tôi có gởi về cho Bộ Ngoại giao Việt Nam văn thư thứ nhì, hỏi họ có nhận được kết quả gì chưa, cho chúng tôi biết để chúng tôi mừng. Và mục đích thứ hai là yêu cầu họ cho phổ biến chi tiết về đường biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là những gì mà chúng tôi đã làm. Nếu chúng tôi không nhận được trả lời của Google, anh em chúng tôi sẽ viết tiếp lá thư thứ hai gởi Google hỏi rõ lý do, để thúc họ trả lời chính thức cho đồng bào của mình biết.

Anh hỏi nguyên nhân nào mà đối với Google, đến nay vẩn chưa có kết quả, chúng tôi xin trả lời như thế này: sau khi chúng tôi chuyển các văn thư gởi cho NGS cho các cơ quan báo chí trong nước, họ đăng liền, rất là nhanh. Nhưng với vụ Google này, những thư chúng tôi viết cho Google gởi về trong nước lại không thấy báo chí trong nước phổ biến. Như vậy hiệu quả bị giới hạn rất nhiều. Đồng bào trong nước không phản ứng thì áp lực không được mạnh. Chúng tôi rất mong các cơ quan thông tin trong nước cho phổ biến tin này nhiều hơn và thường xuyên hơn, để từ đó chúng ta mới gây áp lực với Google, trước là yêu cầu họ sửa sai nếu họ sai, sau là yêu cầu họ cho biết từ đâu mà họ được cung cấp những tài liệu sai lầm về đường biên giới giữa hai nước để công bố lên một cách hàm hồ đến thế. Đối với Chánh phủ Việt Nam, đồng bào và chúng tôi cũng rất muốn biết cụ thể bản đồ biên giới phía Bắc này mà giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký với nhau hơn 11 năm rồi, nhưng cho tới ngày hôm nay quốc dân vẫn không biết gì một cách chi tiết về bản đồ này là như thế nào, đường biên giới là như thế nào, chỉ biết Chánh phủ đã ký rồi, đã hoàn tất rồi. Đường biên giới vốn rất quan trong cho sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam đối với Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Việt Nam luôn luôn bị Trung Quốc khống chế và xâm lược, thế mà chúng ta không biết rõ ràng đường biên giới thì làm sao chúng ta bảo vệ Tồ quốc chúng ta được. Do đó chúng tôi mong phía Chánh phủ Việt Nam sớm phổ biến đầy đủ các chi tiết này để cho đồng bào cả trong và ngoài nước biết. Đó là ý nguyện của anh em chúng tôi.

Tú Anh Xin cám ơn anh Nguyễn Hùng

.

Phỏng vấn anh Lê Quang Long:

Lê Quang Long – Là người Việt, ai ai khi thấy sự việc sai trái đối với chủ quyền của nước mình, thì người nào cũng đều thấy có trách nhiệm phải làm sao lên tiếng để cho mọi chuyện được minh bạch, cái sai phải được sửa cho đúng. Là người Việt, thấy lương tâm mình không an, chúng tôi bàn với nhau là chúng tôi sẽ viết thư phản kháng gởi HĐDQGHK. Chỉ như thế thôi.

Tú Anh – Đã hơn một tháng qua, từ ngày viết thư phản đối HĐDQGHK về vấn đề quần đảo Hoàng Sa, đến nay công việc của các anh tiến triển như thế nào thưa anh?

Lê Quang Long – Về vấn đề với HĐDQGHK, họ đã đồng ý sẽ sửa lại nghĩa là sẽ xài tên chung thôi, sẽ bỏ đi những chữ Trung Quốc ghi dưới quần đảo hoàng Sa trên tấm bản đồ do họ in. Đó lá điều mà chúng tôi thấy việc làm của chúng tôi đã không uổng phí. Và là điều chúng tôi rất mừng, được đa số người trong nước và nhiều người ở nước ngoài ủng hộ. Đó là một cách rất tốt trong nhiều cách để chúng ta bảo vệ chủ quyền đất nước của mình.

Tú Anh – Nguyên nhân sâu xa nào khiến cho anh em không tiếc công sức mà lên tiếng ngay, phản đối với các cơ quan nước ngoài như vụ HĐQGHK và sau đó vụ Google?

Lê Quang Long – Nguyên nhân chính là mình là người Việt Nam. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Thứ hai là lương tâm của mình thúc đẩy mình làm. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, chúng tôi hy vọng tiếng nói của chúng tôi góp lại và thêm nhiều người ủng hộ, thì sẽ dẫn đến thành công sau này.

Tú Anh – Dường như sau một tháng làm việc như vậy mà kết quả với Google chưa được khả quan lắm, có phải không anh?

Lê Quang Long – Kết quả với Google, họ chưa trả lời bởi vì chúng tôi không biết Google làm bản đồ như thế nào. Trên bản đồ của Google chúng tôi thấy họ vẽ sai, và chỉ ra những điều sai đó. Phát ngôn viên Chính phủ bà Phương Nga cũng nói là sai, và nói rằng đã gởi tài liệu cho các cơ quan của Liên hiệp quốc và các cơ quan làm bản đồ ấy. Bà ấy nói như vậy mà không trưng ra bằng cớ đã đưa tài liệu cho người ta như thế nào. Chúng tôi cũng không thấy những tài liệu đó. Thật ra trong cái thỏa hiệp năm 1999, chỉ thấy rất mập mờ, thấy mô tả đường biên giới đại khái cách đỉnh núi bao nhiêu cao, con suối bao nhiêu xa, chứ không thấy ghi tọa độ như thế nào cả. Như bây giờ mình dùng GPS (định vị bằng vệ tinh thế giới) nó chỉ rất rõ ràng. Không biết thời điểm đó, người ta có dùng tọa độ để định vị chưa. http://www.biengioilanhtho.gov.vn/Media/bbg/News/Archives/vie/HiepuocVietNam-TQ-2000.pdf

Thứ hai là bản hiệp ước không có bản đồ đính kèm.

Thứ ba là người ký tên. Đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện phía Trung Quốc ký tên mà không biết ai là người đại diện. Văn kiện quốc tế mà lại thiếu điều quan trọng đó thì rất khó cho chúng tôi. Đối với Google, chúng tôi chỉ có thể dựa vào những gì Chính phủ Việt Nam loan báo và chúng tôi nói lại thôi. Chúng tôi không biết bản đồ mà Google nhận được, thực sự là do ai cung cấp, từ phía Chính phủ Việt Nam hay từ phía Trung Quốc? Hai loại bản đồ này khác nhau như thế nào, chúng tôi cũng không rõ. Sau khi gởi lá thư đầu tiên chúng tôi chưa nhận được thư trả lời của Google, chúng tôi mới gởi thêm cho họ lá thư thứ hai cách đây khoảng 5 ngày nhưng cũng chưa nhận được thư họ trả lời. Chúng tôi nghĩ nếu Chính phủ Việt Nam không phản đối mạnh thì họ cứ lờ đi.

Tú Anh – Với tư cách là cựu sinh viên du học tại Tân Tây Lan, các anh đã có phản ứng đầu tiên như vậy là rất quý. Thưa anh, việc làm của các anh có tạo ra phản ứng dây chuyện trong công luận Việt Nam trong và ngoài nước không, thưa anh?

Lê Quang Long – Tại ngoài nước thì đa số anh em quen biết thân nhau họ ủng hộ rất tích cực. Trong nước thì chúng tôi không rõ lắm về vấn đề này. Cũng có một số bạn bè trong nước họ không muốn dính dáng vào chuyện chính trị nhạy cảm, vì việc đó liên quan đế sự an nguy của họ. Họ không được tự do như chúng tôi ở đây. Chúng tôi được tư do, chúng tôi có quyền nói. Nếu chúng tôi không nói thì ai nói đây. Thành ra chúng tôi bắt buộc phải nói. Chính phủ phải lắng nghe tiếng nói của người dân, đem lại tự do cho họ. Như vậy đất nước mình mới tiến lên và mạnh lên được.

Tú Anh – Thưa anh Long, trong trường hợp Google không trả lời, các anh em có dự trù phương thức nào khác?

Lê Quang Long – Nếu họ không trả lời thì anh em chúng tôi cứ tiếp tục theo dõi vụ này. Chúng tôi chưa có đối sách nào ngoài việc tiếp tục nhắc nhở Google và thúc giục Chính phủ Việt Nam sớm cho chúng tôi và đồng bào biết rõ chi tiết đường biên giới trên bộ ký giữa nước ta và Trung quốc, vì nếu chúng tôi cứ tiếp tục lên tiếng trong khi không có cái bản đồ đường biên giới để chỉ cho họ biết rằng họ sai thì không ổn. Chúng tôi nói họ sai mà không có bản đồ chính thức của Chính phủ Việt Nam đưa ra thì chúng tôi khó mà phản biện lại họ. Mục đích của chúng tôi là thúc giục Chính phủ Việt Nam sớm phát hành bản đồ rõ ràng, đề chúng tôi có cứ liệu, và dựa vào đó yêu cầu họ sửa sai. Ngoài việc đó chúng tôi chưa quyết định sẽ tiến hành thêm cách nào khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Tú Anh Hiện nay trên bản đồ của Google nhiều con đường của thành phố Lào Cai đã nằm phía bên kia biên giới của Trung Quốc…

Lê Quang Long – Dạ phải, dạ đúng rồi. Phát ngôn viên Việt Nam cũng đã xác nhận như vậy, nhưng lại không đưa ra bản đồ chính thức của Việt Nam để so với bản đồ của Google thì chúng tôi hay bất kỳ ai cũng không thể đối chất với họ.

Tú Anh – Xin cám ơn Kỹ sư Lê Quang Long

.

XEM TIẾP : http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/18/l%c6%b0%e1%bb%a3c-ghi-cu%e1%bb%99c-trao-d%e1%bb%95i-v%e1%bb%9bi-phong-vien-tu-anh-c%e1%bb%a7a-rfi-v%e1%bb%81-nh%e1%bb%afng-sai-sot-c%e1%bb%a7a-h%e1%bb%99i-d%e1%bb%8ba-ly-qu%e1%bb%91c-gia-hoa-k/#more-4620

.

.

.

No comments: