Thursday, April 15, 2010

VAY VỐN NGÂN HNAGF, VẬY BẠN BIẾT GÌ VỀ CIC ?

Vay vốn, vậy bạn biết gì về CIC?

An Lộc

15/04/2010 11:04 sáng 2 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19041

Thông thường, các Ngân hàng Việt Nam tiến hành việc cho vay theo lộ trình: cung cấp mẫu các hồ sơ doanh nghiệp phải nộp – khá phức tạp vì không ai giống ai cả. Tiếp đó, ngân hàng thăm quan nơi sản xuất kinh doanh, thẩm định tài sản thế chấp. Những tài sản thế chấp lớn, chủ tài sản còn phải thuê “trung tâm thẩm định giá” tốn kém vài ba chục triệu đồng/ cho một lần thẩm định, và chứng thư thẩm định đó lại chỉ được ngân hàng chấp nhận nếu trung tâm đó là do Ngân hàng chỉ định. Lộ trình đó có thể kéo dài cả tháng. Đến khi doanh nghiệp đã vượt qua tất cả các cửa ải đó rồi, Ngân hàng mới tham khảo tin từ CIC. Nếu doanh nghiệp bị CIC xếp vào “nhóm 3” thì toàn bộ những gì mà doanh nghiệp đã làm sẽ chỉ còn là con số không, với lời đánh giá: doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn! Vậy CIC là gì mà nó có “quyền sinh sát” kinh khủng như vậy?

Lâu nay, trong nội bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam tồn tại một bộ phận săn tin, bán tin và kết án trong lĩnh vực “tín dụng doanh nghiệp”, mang một cái tên khá khiêm tốn và mỹ miều “Trung tâm thông tin tín dụng”, viết tắt là CIC, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (ngày trước cũng đã từng có một tổ chức mật vụ mang tên trung tâm nghiên cứu xã hội của Ngô Đình Nhu do Bác sỹ Trần Kim Tuyến làm giám đốc). Thực chất, đây là một tổ chức dạng “mật thám” kiêm Tòa án tín dụng, nhằm theo dõi, xếp loại và kết án những doanh nghiệp “được chơi” và “không được chơi”. Tổ chức này có những quy định vô cùng nghiệt ngã, bản án của nó thường chỉ ngắn ngủi vài ba chữ rằng “khách hàng này thuộc nhóm 3”. Chỉ vậy thôi là hoàn toàn đủ sức loại bỏ, xóa sổ vĩnh viễn một doanh nghiệp hùng mạnh. “Chúng tôi chỉ treo có 5 năm thôi” – đó là lời của một vị Phó Giám đốc CIC.

5 năm chỉ là một thời gian ngắn ngủi, nhưng đối với một cơ thể sống thì chỉ cần một ngày không đủ máu cũng đã không thể sống. Tiền là máu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đã bị CIC đưa vào “nhóm 3” – nhóm “không được bơm máu” – tức không được vay tiền, chỉ cần 2 năm thôi (chứ nói gì đến 5 năm), cũng đã không thể sống. Về mặt ngữ nghĩa, thông tin của CIC “chỉ để tham khảo, việc cho hay không cho vay là quyền của mỗi Ngân hàng”, nhưng đó là một “luật ngầm”, bởi nếu xé rào cho vay, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì búa rìu mà ngân hàng đó phải nhận chắc chắn là rất lớn, lớn hơn nhiều so với chút lợi nhỏ mà họ đã “xé rào”. Bởi vậy, toàn bộ các Ngân hàng, bất kể là nhà nước hay cổ phần, trong nước hay là ngoài nước đều phải răm rắp tuân theo bản án đó và phải thực hiện tuyệt đối án quyết mà CIC đã đưa ra.

Nhưng CIC căn cứ vào đâu để ra án quyết? Ở đây có một sự thật nghiệt ngã. Nếu quan hệ giữa nhân viên tổ chức tín dụng với khách hàng là tốt đẹp, nhân viên đó là “một người tử tế” thì lẽ đương nhiên, nhân viên này – và chỉ có nhân viên này, sẽ thông tin kịp thời cho khách hàng của mình mối nguy sẽ đến nếu đến “ngày N” nào đó khách hàng không trả nợ. Nhưng khi mối quan hệ đó có chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, có thể do “ăn chia”, sự “không biết điều” của doanh nghiệp thì nhân viên tín dụng đó không thiếu gì “cạm bẫy” để đẩy khách hàng – con nợ của mình rơi vào nhóm 3. Cũng vì vậy, thường là khi Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đã xếp khách của mình vào nhóm 3 thì bản thân họ hiểu rằng, “cuộc chơi đã kết thúc”, không có gì phải “lăn tăn”, thậm chí “đập chết luôn”. Lẽ đương nhiên, không có phiên tòa nào xét xử một ai đó chỉ vì thiếu “tử tế”, thiếu “tấm lòng”.

Căn cứ vào thông tin từ tổ chức tín dụng đó, CIC ra án quyết. Việc kết án của CIC hoàn toàn khác với việc kết án của Tòa án. Vì không phải là tòa án theo đúng nghĩa nên nó không hề bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật về tố tụng hợp pháp và hợp hiến. Cách thức xử án và kết án của nó chứa đầy sự bất công, lạnh lùng, tàn nhẫn, bởi nó thực hành quyền kết án “trong bóng tối”. Không có phiên tòa, không có luật sư bào chữa, CIC không cho kẻ bị kết án bất kỳ một cơ hội nào được tự bào chữa, quyền kháng án, quyền được tự bảo vệ, quyền được sống của con người. Vâng, không cần những khái niệm nhân quyền xa xỉ đó, CIC ra án quyết. Quyền xóa án cũng được toàn quyền trao cho tổ chức tín dụng đã đưa ra đề nghị, và CIC chỉ có nhiệm vụ tuyên án. Không có văn bản xóa án, khoan hồng của tổ chức tín dụng đã đề nghị thì bản án đó có giá trị vĩnh hằng.

Một chánh án có lương tâm trước khi đưa ra bản án tử hình cũng phải day dứt bởi đó là sự tước đoạt một mạng sống với nhiều cuộc đời liên lụy. Nhưng CIC thì không cần. Không bao giờ họ tự hỏi mình rằng, “vì sao, nguyên nhân nào, có bao nhiêu phần trăm sự thật” về việc, một doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lại không có nổi số tiền vài trăm nghìn đồng tiền lẻ trong hàng chục triệu đồng tiền trả lãi vay, để rồi chỉ vì mấy đồng tiền lẻ đó mà bị buộc tội nợ xấu, khó đòi, phải ‘bắn bỏ”. Chính “lộ trình xử án” đầy bất công này đã đẩy không biết bao nhiêu doanh nghiệp vào thảm cảnh, buộc phải trốn tránh bằng cách xóa tên, lập công ty mới, lập công ty ma để đối phó, còn những doanh nghiệp lớn, làm ăn đứng đắn thì chịu chết, vì việc xóa tên đối với những thương hiệu mà chủ doanh nghiệp đã khổ công gầy dựng không hề dễ chút nào.

Án quyết của CIC tàn bạo và nặng nề hơn cả trăm lần so với án chung thân của bên Tòa án, bởi bên đó vẫn còn để cửa cho người cải tạo tốt được xem xét giảm án, sau khi ra tù một thời gian còn được xóa “án tích” để kẻ tội đồ được làm người bình thường. Ngược lại, án của CIC là án chung thân tử hình. Với CIC không tồn tại những khái niệm “khoan hồng”, thông cảm, chia xẻ, xét lại. Bản án của nó trực tiếp dẫn đến việc kẻ bị kết án phải bị thủ tiêu hoặc tự chết dần chết mòn. Dù anh đã “khắc phục hậu quả, thanh lý hợp đồng” – cái hợp đồng mà vì nó, anh đã bị CIC “kết án tử”, thì anh vẫn không có một cơ hội nào – dù là nhỏ nhất, được sống để làm lại cuộc đời. Bên Tòa án thì có chuyện “chạy án”, không biết bên tòa CIC có thể không?

Vậy đó, nếu thực hiện nghiêm túc tất cả các quy định, kể cả thực hiện nghiêm các bản án của CIC – không loại trừ ai, không “chạy án”, thì sẽ có mấy ai “đủ tiêu chuẩn” vay được vốn Ngân hàng, và ngược lại, làm sao mà các Ngân hàng có thể “bay” hàng trăm tỷ đồng vào tay của những kẻ lừa đảo, những kẻ cướp? Mặt khác cũng cần phải đặt ra một câu hỏi: quyền sinh sát của CIC khủng khiếp như vậy, tại sao ngay từ đầu, các Ngân hàng không tham khảo thông tin từ CIC, nếu thấy doanh nghiệp bị xếp vào nhóm đó rồi thì từ chối luôn để doanh nghiệp khỏi khổ công tốn tiền, mệt mỏi sống trong hy vọng để rồi thất vọng?

Thông tin này cực kỳ có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp doanh nhân. Cần theo dõi hết sức chặt chẽ lịch trả nợ đúng thời hạn để không bị ngân hàng và CIC đưa vào nhóm xấu, còn nếu đã bị xếp vào đó rồi thì đừng bao giờ hy vọng vào việc vay vốn nữa, cần nhanh chóng làm thủ tục giải thể, vĩnh viễn rời bỏ ngay lập tức khỏi cuộc chơi, nếu cố tình dây dưa trụ lại, dãy dụa tìm cơ hội thì bạn sẽ chỉ tự thắt cổ mình chết dần trên cái giá treo cổ của CIC.

10.4.2010

© 2010 An Lộc

© 2010 talawas

------------------------------------

Phản hồi

Tôn Văn nói:

15/04/2010 lúc 6:12 chiều

Tin mới về VỐN và VAY VỐN: http://boxitvn.blogspot.com/2010/04/my-tai-tro-200-trieu-usd-khai-thac-bo.html#more
Thôi cũng mừng; Hy vọng không mất CHÌ (Tây Nguyên Bauxite) và không mất (chỗ) CHÀI (lưới): Biển Đông!

Trần Kinh Kha nói:

15/04/2010 lúc 3:17 chiều

Gởi tác giả An Lộc,

Lời đầu tiên là cảm ơn bài viết của anh.

Nhưng tôi cũng xin bổ sung một vài ý mà bài viết của anh chưa minh định căn nguyên vấn đề là gì ?

1. Đối với các nước phát triển, việc một doanh nghiệp vào Ngân hàng vay tiền để phục vụ kinh doanh, sản xuất thì đó là một vinh dự lớn, và họ đường bệ, ngẩng cao đầu đàng hoàng bước vào ngân hàng. Các doanh nghiệp khách nghe họ vay được tiền từ ngân hàng phải ngưỡng mộ, khâm phục. Và ngân hàng phục vụ họ với tiêu chí VIP, vì 2 lẽ :

+ 1.1 : Dự án vay được tiền được ngân hàng thẩm định nghiêm ngặt, khách quan, không dễ gì vay được tiền ngân hàng nếu dự án đó không thuyết minh được tính khả thi hoàn vốn.

+ 1.2 : Doanh nghiệp tự hào vì sự làm ăn chân chính, trong sạch của mình mới được ngân hàng cho vay, và ngân hàng vui vẻ phục vụ cho những doanh nghiệp có những dự án hoàn toàn khả thi để phục vụ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích của ngân hàng, lợi ích kinh tế xã hội thì việc cho vay rót vốn là nghĩa vụ của họ lớn hơn là cái quyền cho vay.

2. Quay lại Việt Nam :

2.1 Doanh nghiệp đi vay ngân hàng phải dấu, bước vào ngân hàng cũng ngó trước nhìn sau vì sợ gặp đối tác thì xấu hổ vì sợ họ biết doanh nghiệp mình thiếu vốn, ảnh hưởng chuyện làm ăn.

2.2 Trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp đi vay, thì bao nhiêu % là doanh nghiệp có dự án khả thi thật ? Hay dựng dự án ma, để có tiền lấy đầu này đắp đầu kia, từ động cơ xấu, thì dẫn đến hành vi mua chuộc cán bô tín dụng.

2.3 Nhưng, ngân hàng NN hay CPMT Việt Nam cũng chả tay vừa. Cái văn hóa phong bì, nhũng nhiễu nó ăn sâu vào não rồi. Người bạn tôi làm GD một chi nhánh NH TMCP từng phát biểu : “Bọn doanh nghiệp sợ tao bỏ mẹ”. Đấy, họ lạm dụng cái quyền cho vay thành một ơn huệ ban phát, và quên phứt cái nghĩa vụ phải cho vay của ngân hàng. Mà nếu ngân hàng chỉ biết nhận tiền gởi, không cho vay thì ngân hàng làm gì mà sống ?

2.4 Ngoài ra, cũng phải nói một cách công bằng rằng : bản chất ngân hàng không bao giờ đi lừa khách hàng. Nhưng khách hàng thì ngược lại, chưa chắc.

3. Từ các yếu tố cơ bản trên đúng kết ra điều gì ?

3.1 Hệ thống Luật liên quan đến kinh tế, thương mại, các Pháp lệnh về tài chính, các thông tư về Thuế của Bộ Tài chính v…v… hoàn toàn lỏng lẻo, không sâu sát, không chế tài cứng rắn, (cứ như cầu may vào lòng tự giác của doanh nghiệp ???) dẫn đến lổ hổng doanh nghiệp hoàn toàn lách qua được, và việc lập dự án ma là điều tất yếu.

3.2 Đạo đức kinh doanh của người Việt và tinh thần thượng tôn Luật pháp của doanh nghiệp Việt, xin được phép nói thẳng : Tuyệt đối không có.

3.3 Hệ thống cán bộ công quyền (kể cả cán bộ ngân hàng NN) theo một guồng máy xin cho, kèm tư duy nhũng nhiễu, phong bì đã trở thành điều … mặc nhiên, như mặt Trời mọc tại hướng Đông.

3.4 Cán bộ ngân hàng TMCP, cũng chỉ là người làm thuê theo hợp đồng. Cốt lõi từ đào tạo đạo đức trên ghế nhà trường ĐH của Việt Nam là zero. Rơi vào guồng máy quan hệ tiền nong, quan hệ zíc zắc phức tạp văn hóa xin – cho, khiến chính họ cũng đã phát triển phần “Con”, hơn là phần “Người”.

4. Từ sự kết luận điều 3 suy ra rằng : Việc tác giả An Lộc nêu về sự hình thành CIC là điều tất yếu, không có gì đáng ngạc nhiên. Mà nếu có sinh ra những tổ chức quái thai hơn CIC thì chúng ta càng không có gì phải tròn mắt mà nhìn.

5. Còn việc các quan chức NN thuộc ngành Ngân hàng như Lê Đức Thúy, Nguyễn Văn Giàu, hay các vị CT HĐQT, TGĐ NH NN, NH TMCP … và họ làm việc thế nào ? Quan hệ thế nào ? Mục đích là gì ? Không nói ra, ai cũng biết. Nếu ai chưa biết, hẹn một hồi khác, tôi sẽ kể để hầu chuyện Quý vị.

.

.

.

No comments: