Monday, April 12, 2010

VĂN HÓA BLOG : CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA ĐÁM ĐÔNG

Văn hóa blog: Cuộc khởi nghĩa của đám đông

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 12 tháng 4 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/blog-cuoc-khoi-nghia-04-12-2010-90627004.html

Gần đây, mỗi lần tôi nói chuyện với bạn bè hay có khi chỉ là người quen tình cờ gặp gỡ đâu đó, đề tài hầu như bao giờ cũng xoay quanh các bài viết của tôi trên blog này. Thì cũng bình thường. Trước kia, cũng thế. Phần lớn các bài viết của tôi đăng hoặc trên báo in hoặc trên website đều có khá nhiều phản hồi và cũng là đề tài trong các buổi chuyện gẫu. Nhưng từ ngày tôi viết trên blog thì khác. Người ta không chỉ nói về bài viết của tôi. Mà còn, có khi, nhiều hơn, về các ý kiến phản hồi ở dưới mỗi bài. Nhiều người khoe là mỗi ngày họ vào blog không phải một mà là hai, ba, hoặc, thậm chí, năm bảy lần. Dĩ nhiên không phải để đọc lại bài viết của tôi. Mà là để theo dõi các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Và người ta nhớ tên một số người thường đóng góp ý kiến. Người ta bình luận. Người ta phân tích không những cái đúng cái sai mà còn cả các hậu ý, có khi là hậu ý chính trị, đằng sau các ý kiến ấy. Nhiều buổi nói chuyện để lại trong tôi ấn tượng là người ta không quan tâm mấy đến bài viết của tôi mà chỉ tập trung vào các ý kiến của người đọc.

Đó là điều lạ.

Tôi làm báo từ lâu, ngay từ lúc mới rời Việt Nam sang định cư tại Pháp. Sang Úc, tôi cũng làm tờ Việt (1998-2001), tờ tạp chí văn học tiếng Việt thực sự chuyên nghiệp đầu tiên tại Úc. Ngoài ra, bài vở của tôi cũng được đăng tải trên hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại. Rồi tôi viết sách. Viết khá nhiều. Và tất cả, theo các nhà xuất bản, đều thuộc loại bán được. Có thể nói, sau hơn hai mươi năm cầm bút, tôi có một lượng độc giả nhất định, chắc chắn không ít hơn bất cứ một cây bút chuyên về lý luận hay phê bình văn học nào. Vậy mà, trong một thời gian rất dài, tất cả các độc giả ấy đều giấu mặt, xa cách, vô danh, có cảm tưởng không hề hiện hữu bao giờ.

Thì, thật ra, cũng có một số người lên tiếng đâu đó. Một số người viết thư hoặc gửi email đến tôi để bày tỏ cảm nghĩ này nọ. Nhưng, thứ nhất, con số ấy không nhiều; thứ hai, họ vẫn lên tiếng với tư cách cá nhân, thứ ba, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều là những người tán đồng hoặc ít nhiều mến mộ tôi; và thứ tư, họ vẫn là những độc giả cô đơn, khuất lánh: Tôi nghe họ như nghe những tiếng thầm thì, từ xa. Có khi xa lắc. Và chậm. Có khi thật chậm, nhiều lúc cả mấy năm, thậm chí, hàng chục năm sau khi bài viết đã đăng hoặc sách đã xuất bản. Nghe như những tiếng vọng muộn màng của một hòn đá ném vào hư không. Thăm thẳm.

Bây giờ thì khác. Độc giả không còn là một đám đông vô danh và thầm lặng nữa. Và không phải chỉ có những người ái mộ. Sau mỗi bài viết có khi có cả hàng chục, hay hàng trăm người phát biểu. Trong số đó, có một số người tôi biết; còn lại: hoàn toàn không. Không phải ai cũng đồng ý với tôi. Nhiều người phản bác, thậm chí, lúc nào cũng phản bác. Không phải ai cũng dịu dàng, lịch sự. Nhiều người rất sân si, đầy những hằn học. Điều thú vị là không phải ai cũng góp ý với tôi. Người ta còn góp ý với nhau. Cãi cọ nhau. Vô tình hình thành một trận tuyến giữa các độc giả.

Trên sân khấu văn học ngày xưa, giữa các tạp chí và sách, chỉ có một mình tác giả. Nói là “sân khấu”, nhưng sân khấu ấy lại chìm khuất trong bóng tối. Người ta viết văn một mình. Lúc nào cũng một mình. Ngay cả khi, trong một số tác phẩm nào đó, viết chung với bạn bè hay đồng nghiệp, thì mỗi người vẫn viết một mình. Mỗi người ngồi trước một computer hay laptop. Chung quanh là sách. Chỉ có sách. Bài viết hay sách in ra, có khi chìm lỉm trong im lặng mênh mông. Tôi biết nhiều người cầm bút thèm nghe một hồi âm, kể cả một tiếng chửi: Cũng không có. Người ta băn khoăn: Độc giả ở đâu rồi nhỉ?

Độc giả vẫn có đấy chứ. Đông nữa là khác. Hàng triệu, hàng chục triệu người. Nhưng họ chỉ là một đám đông vô danh và vô thanh. Có thể thấy điều đó ngay trong tiếng Việt: chữ “tác giả” bao giờ chỉ hàm ý số ít. Muốn nhấn mạnh đến số nhiều, chúng ta phải thêm số đếm (1,2,3..) hay các chữ “các”, “những”... phía trước. Chữ “độc giả”, ngược lại, bao giờ cũng hàm ý chỉ số nhiều. Muốn nhấn mạnh đến số ít, chúng ta phải thêm chữ “một” phía trước. Như vậy, có một nghịch lý: tác giả là một cá nhân nhưng lại là một công chúng (public) sừng sững trên sân khấu, trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, trong khi công chúng thực sự, tức đám đông độc giả, thì lại là những gì hết sức riêng tư (private), hết sức âm thầm và lặng lẽ. Không ai nghe tiếng của họ cả.

Bây giờ thì khác.

Bây giờ, trên các trang blog, độc giả đồng khởi. Đúng là một cuộc khởi nghĩa của đám đông, vốn cả hàng ngàn năm nay, bị xem là thầm lặng, vô danh và vô thanh. Đọc xong, người ta không còn thụ động gật gù hay lắc đầu thở ra. Người ta có thể lên tiếng ngay. Đang ngồi trước computer nối mạng, chỉ cần vài ba động tác nhanh gọn, ý kiến của họ xuất hiện, có khi gần như ngay tức khắc. Và, điều đáng nói là, những ý kiến ấy cũng được đọc không kém gì các bài viết chính của các blogger. Họ cũng có người đọc của họ. Ý kiến của họ có khi cũng trở thành đề tài để bàn tán sôi nổi, trên blog cũng như ngoài xã hội. Như vậy, trên blog, không những tác giả mà cả độc giả cũng có độc giả.

A! Đó mới chính là điều lý thú: Độc giả cũng có độc giả.

Trước, những tưởng độc giả là đặc quyền của tác giả. Chỉ có tác giả mới có độc giả. Chỉ có những tác giả nổi tiếng mới có nhiều độc giả. Và chỉ có những tác giả lớn, thật lớn, mới có những độc giả trung thành, lâu dài, thuộc nhiều thế hệ. Bây giờ, trên blog, lạ chưa, ngay cả độc giả cũng có thể có độc giả của họ. Điều đó không những có thể làm cho các cụ Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du sửng sốt. Mà ngay các vị vừa mới qua đời cách đây không lâu, từ Nguyễn Tuân đến Mai Thảo, từ Trần Dần đến Thanh Tâm Tuyền, có lẽ không thể nào tưởng tượng nổi.

Khi độc giả cũng có độc giả, ranh giới giữa tác giả và độc giả có còn không? Còn, dĩ nhiên. Nhưng rất mờ. Trên nhiều blog, kể cả blog của tôi, một số độc giả cũng lưu lại trong ký ức các độc giả khác một dấu ấn nhất định. Họ cũng trở thành những tên tuổi nhất định. Dĩ nhiên chỉ là tên tuổi ảo. Những tên tuổi ấy còn đọng lại trong ký ức tập thể lâu hay mau thì còn tuỳ. Chưa thể biết được. Có thể đó là điểm khác nhau giữa một tác giả-độc giả và một tác giả thực sự.

Nhưng trước mắt thì chúng ta có thể nhìn thấy có một cái gì giống như một diễn đàn hết sức dân chủ trên mạng lưới internet, ở đó, viết văn thực sự là tiến hành một cuộc đối thoại. Là đối thoại, mọi tiếng nói đều bình đẳng. Tác giả chỉ còn là người gợi đề tài và gợi ý chứ không phải là người quyết định. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu cho hai đặc điểm nổi bật nhất của blog là tính chất phi tâm (non-centralized) và phi-đẳng cấp (non-hierarchical). Và cũng chính vì thế, tôi tin blog là nơi diễn tập của tinh thần dân chủ.

Người ta hay nói các chế độ dân chủ ở phương Tây vững mạnh vì văn hoá dân chủ đã được bén rễ sâu rộng không phải chỉ trong giới làm chính trị hay quản trị mà còn cả trong quần chúng: Mọi người đều biết các quyền và giới hạn của các quyền mà mình có. Quan cũng như dân. Và một số người lo lắng: Việt Nam, nếu có được một chế độ dân chủ thì chưa chắc đã đứng vững được khi chính người dân, hầu hết người dân, chưa bao giờ được rèn luyện trong một nền văn hoá dân chủ.

Những quan niệm như vậy còn có thể tranh luận dài dài. Cũng như chuyện con gà và cái trứng, cái nào có trước?

Nhưng theo tôi, trong bất cứ trường hợp nào, thì blog, nơi chứng kiến các cuộc đồng khởi của các độc giả vốn thầm lặng, vẫn là một diễn tập tốt, từ đó, chúng ta hy vọng nhìn thấy sự hình thành và phát triển của một thứ văn hoá dân chủ, vốn là một trong những điều chúng ta cần nhất hiện nay.

Và mai sau nữa.

Nhìn vấn đề như thế, chúng ta cũng sẽ thấy dễ hiểu là tại sao chính quyền, các chính quyền độc tài, lại sợ các blog.

Mà sợ cũng phải.

Bạn có đồng ý vậy không?

.

.

.

No comments: