Sunday, April 4, 2010

TỪ VÔ SẢN CỰC ĐOAN ĐẾN TƯ BẢN LƯU MANH

Từ vô sản cực đoan đến tư bản lưu manh

Kim Tuấn & Trần Giang

Cập nhật ngày: 4/04/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article9697

Suốt hai thập niên qua, đảng và nhà nước CSVN hay ca tụng "công lao đổi mới” của họ. Sau những ngày đầu kêu gào "Đổi mới hay là chết" ở cuối thập niên 1980 và đặc biệt sau khi thoát những giây phút hiểm nghèo của ngọn gió Đông Âu nhờ loại bỏ hầu hết cơ chế kinh tế XHCN, lãnh đạo Đảng bắt đầu gắn thêm đủ loại hoa lá cành.

Cả một hệ thống 600 tờ báo, hàng trăm đài truyền hình, hàng chục triệu cuốn sách, hàng triệu những cái loa phường ra rả rỉ riết từ sáng đến tối, và hàng trăm ngàn những lớp học, những hội nghị từ cấp trung ương đến làng xã, đâu đâu họ cũng nhắc đi nhắc lại: “Đảng ta là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước”. Lâu dần thành quen, mọi người mặc nhiên chấp nhận nó, sử dụng nó mà không còn cần đặt dấu hỏi. Có người còn dùng nó như một dấu mốc để phân định lịch sử Việt Nam hiện đại, như "thời trước Đổi mới" để nói đến những việc trước năm 1986 hoặc "từ khi Đổi mới trở về sau này", tức những việc từ 1986 đến nay.

Có thật lãnh đạo đảng CSVN "Đổi Mới" vì đất nước không? Có lẽ hiện thực đất nước từ năm 1986 đến nay đã đủ để trả lời câu hỏi này.

Những đổi thay dẫn đến “Đổi Mới”

Năm 1985, sau cái chết liên tiếp của 3 Tổng Bí Thư cao tuổi Brezhnev, Andropov, và Chernenko trong vòng 4 năm, đảng Cộng Sản Liên Sô gấp rút bầu một lãnh tụ trẻ trung lên thay thế. Đó là Mikhail Gorbachev. Ông Gorbachev lập tức phải đối diện với một kho dự trữ vàng trống rỗng sau gần 50 năm Liên Sô nuôi dưỡng hầu hết các phong trào và chế độ cộng sản ở khắp 5 châu. Nền kinh tế Liên Sô cũng suy kiệt vì lòng dân đã quá chán nản với những hứa hẹn và đuối sức trong các vòng kiểm soát xã hội ngặt nghèo. Ông Gorbachev không còn chọn lựa nào khác ngoài việc khởi động chính sách Glasnost để cởi trói xã hội và Perestroika để tái phối trí các ưu tiên quốc gia. Trong hệ ưu tiên này, hầu hết các viện trợ cho các phong trào và chế độ cộng sản đàn em buộc phải chấm dứt. Quyết định này gieo chấn động trên toàn thế giới, kể cả chế độ CSVN.

Vào khoảng thời gian này, ngôi nhà XHCN Việt Nam cũng đang kiệt quệ sau 10 năm san bằng giai cấp và phá hủy toàn bộ hệ thống hạ tầng kinh tế tại miền Nam. Nhiều vùng trên cả nước lâm vào nạn đói và chết đói. Có nơi kéo dài mấy năm liền. Việc Hà Nội đổ sức của sức người vào tham vọng chiếm đóng đất nước Campuchia sau khi nhân danh đánh đuổi Pol Pot và những năm tháng bị thế giới phong tỏa vì hành động đó càng đẩy nền kinh tế Việt Nam xuống đáy vực thẳm. Nguồn tài trợ từ Liên Sô của những năm đầu thập niên 1989 càng là chỗ dựa sinh tử của đảng CSVN.

Nhiều loại "Đổi Mới"

Trước quyết định cắt viện trợ bất ngờ của Gorbachev, lãnh đạo Hà Nội không có nhiều chọn lựa trong cách đối phó. Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã chính thức cắt cầu với Trung Quốc bằng việc xâm chiếm Campuchia và kéo theo cuộc chiến dọc theo biên giới Hoa Việt từ năm 1979. Nay Hà Nội không dám công khai bất đồng hay cãi lại quan thầy duy nhất còn lại là Liên Sô. Và thế là đất nước phải đi vào giai đoạn "Đổi Mới Chờ Thời" — nghĩa là chỉ đổi mới cho có hình thức mà thôi và chờ ngày Gorbachev bị hạ bệ để rồi đâu lại hoàn đấy. Cũng như thời thập niên 1960 khi Tổng Bí Thư Krushchev đề nghị chung sống hòa bình với thế giới tư bản và cùng thi đua phát triển. Sau khi Krushchev bị hạ bệ tại Liên Sô, một số cán bộ cao và trung cấp tại Việt Nam cũng bị khép vào tội theo chủ nghĩa "Xét Lại" và bị đày ải suốt mấy chục năm liền. Tội của họ là tưởng đã có "Đổi Mới Thật" nên ra mặt ủng hộ.

Trở lại với chính sách "Đổi Mới Chờ Thời" của thời 1986, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu nói đến "Cởi Trói Văn Nghệ Sĩ" nhưng vẫn cấm báo tư nhân; cho nông dân một số vùng được mượn đất tự canh tác nhưng không cho làm chủ đất; cho một số hãng xưởng ngoại quốc vào thăm dò thị trường nhưng cố tình làm cho họ nản lòng rút ra; v.v...

Chính sách lấp lửng này kéo dài đến đầu thập niên 1990 khi Gorbachev phải ra đi. Nhưng ông không ra đi một mình. Cùng đi với ông là sự xụp đổ của cả chế độ Liên Sô và hàng loạt các chế độ cộng sản tại Đông Âu. Chỉ đến lúc này, khi mọi hy vọng Liên Sô sống lại không còn nữa, các lãnh tụ tại Hà Nội mới chính thức đóng cửa chính sách "Đổi Mới Chờ Thời" và gấp rút xiết xã hội. Hầu hết các hình thức "cởi trói" về văn hóa, chính trị rềnh rang mấy năm trước, nay đều được quyết liệt nhưng im ắng "trói trở lại". Và lần này, cũng như thời 1960, lại có một số quan chức bị trừng phạt vì tưởng đã có "Đổi Mới Thật". Cao cấp nhất trong số bị thanh trừng, giáng chức trong đợt này phải kể đến các ủy viên Bộ Chính Trị Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch.

Ông Trần Xuân Bách có dịp tuyên bố trước nhiều cán bộ cao cấp thời đó: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng”, và “Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia.” Ông còn khẳng định phải có dân chủ thực sự mới có thể khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc để đưa đất nước đi lên ngang hàng với nhân loại.

Và thế là chính sách "Đổi Mới Như Cũ" chính thức bắt đầu năm 1991, với 4 đặc điểm chính sau đây:

- Lãnh đạo Đảng bóp chặt trở lại mọi mặt sinh hoạt văn hóa và chính trị. Không chỉ các tờ báo có bóng dáng độc lập như tờ Langbian bị đóng cửa mà nhiều tổng biên tập các báo chính qui cũng bị trừng phạt. Và cao điểm là Nghị Định 31/CP Quản Lý Hành Chính, cho phép giam giữ người vô thời hạn không cần xét xử.

- Lãnh đạo Đảng bỏ một phần lớn hệ thống kinh tế tập trung XHCN và xây lại nền kinh tế tư bản với tên mới: kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Mở cửa cho ngoại quốc vào đầu tư thật nhưng phải qua cửa ngõ các mạng lưới làm ăn của thân nhân các quan chức lớn. Cả hệ thống kiểm soát kinh tế ngặt nghèo gần nửa thế kỷ trước đó bị kết án chung là “thời bao cấp” và Đảng bắt đầu ca ngợi chính mình là nhờ Đảng mà cả nước thoát ra khỏi thời kinh tế bao cấp!

- Lãnh đạo Đảng trở lại với quan thầy Bắc Kinh và xem đó là chỗ dựa phải ôm bằng mọi giá. Cho đến nay cái giá đó bao gồm các dâng nhượng lãnh thổ, lãnh hải, quyền khai thác trên biển, khai thác trên đất liền, các báo, đài, trang mạng trên toàn quốc, và vẫn đang tiếp tục gia tăng.

- Lãnh đạo Đảng bắt đầu quay về khoác áo dân tộc, cho phép các nhân vật lịch sử của “thời phong kiến bóc lột” được đứng ngang hàng với các thần thánh và anh hùng cộng sản. Và đặc biệt hơn cả là sự ra đời bất ngờ của cả một hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, bất kể sự khẳng định ngược lại của chính tác giả khi còn sống.

Chính sách "Đổi Mới Như Cũ" này kéo dài cho đến nay.

Hậu quả của Đổi Mới

Có người đòi phải gọi là “Đổi Mới Theo Hướng Cũ” thì mới chính xác. Nghĩa là có chiều hướng muốn quay lại nhiều thời điểm quá khứ tùy theo từng lãnh vực, nhưng hầu hết các kết quả đều không trở về như cũ. Lý do là vì cách tổ chức và cách thực hiện đều theo kiểu lắp vá theo nhu cầu tại chỗ, ngắn hạn, và tùy tiện.

Chỉ cần so sánh lại nền kinh tế tại Miền Nam trước 1975 và tình trạng hiện nay như một thí dụ cũng đã đủ để minh họa hậu quả của cái gọi là “công ơn đổi mới” của lãnh đạo Đảng.

Ai cũng biết Kinh tế Thị trường đã có ở Việt Nam từ rất lâu, trước khi Đảng CSVN ra đời, và trước khi chủ nghĩa Mác Lê được nhiều người biết tới ở trời Âu!!

Đến năm 1975 thì Miền Nam Việt Nam đã xây dựng được một nền Kinh tế Thị trường lành mạnh và năng động nhất Đông Nam Á, và hơn cả Hàn Quốc lúc bấy giờ. Hàng hóa thuộc mọi lãnh vực tràn ngập thị trường, bao gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng nhập từ nước ngoài. Những ngôi chợ Việt Nam từ những thành phố lớn, nhỏ đến thị trấn, thị xã, xóm làng đều chất hàng cao như núi… với người mua kẻ bán chen chân. So với bây giờ thì nạn hàng giả hàng lậu rất hiếm. Người tiêu dùng không phải lo lắng nhiều. Còn chuyện thức ăn bị nhiễm hóa chất độc hại là hoàn toàn không có.

Trong lãnh vực Nông nghiệp người nông dân được làm chủ mảnh đất của mình và tự do canh tác. Trên cánh đồng và sông lạch Miền Nam từ đầu thập niên 70 đã nhan nhản máy cày, máy bơm nước, máy đuôi tôm,…

Nhưng tất cả thành quả bằng bao mồ hôi nước mắt ấy đã bị phá sạch, xóa sạch qua các đợt đổi tiền, các chiến dịch đánh tư sản mại bản, các kế hoạch xây xóa chuyển tiểu thương.

Và ngày nay, 35 năm sau, cũng mang tên là nền kinh tế thị trường nhưng người ta thấy thành phần chính được hưởng lợi ích không còn là quảng đại quần chúng. Chỉ cần nhìn vào 2 lãnh vực giáo dục và y tế đã đủ thấy:

- Tại trường học, cha mẹ học sinh phải trả hàng trăm loại lệ phí để mua chữ cho con cái. Trong lúc đó tình trạng xuống cấp giáo dục cứ gia tăng. Cảnh nữ sinh đánh nhau không kém gì nam sinh trên đường phố, cảnh trò đánh và thậm chí giết thày cô, cảnh thày cô đòi học sinh phải đóng tiền học thêm mới cho điểm cao, và khủng khiếp hơn cả, cảnh hiệu trưởng tổ chức đường mãi dâm cho học sinh… cứ nâng mức sửng sốt của xã hội lên từng tầng cao mới. Thời trước năm 1975 tại Miền Nam, dù sống trong khói lửa tứ bề vẫn không hề có tình trạng quá băng hoại như vậy.

- Tại bệnh viện ngày nay, dân chúng phải đóng các khoản viện phí đến chóng mặt: tiền thuốc, tiền giường, tiền ống tiêm, tiền dây chuyền dịch, tiền bông và thuốc sát trùng... "tất tần tật" phải trả. Bệnh nhân lại còn bị xúc phạm, hành hạ, làm khó đủ điều qua đủ loại "cò". Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏ cho chết vì không có tiền lót tay hoặc không làm hài lòng y sĩ, bác sĩ của bệnh viện. Tình trạng vệ sinh, nhất là các nhà tiêu tại các bệnh viện cho dân chúng, đều ở mức kinh hoàng. Thời trước 1975 tại Miền Nam, tuy chẳng giàu có gì và số máy móc dụng cụ cũng khá khiêm nhường, nhưng tình trạng vệ sinh vẫn đủ tiêu chuẩn tối thiểu của nhà thương và con người đối với nhau vẫn còn tính nhân bản, đặc biệt là trong đội ngũ bác sĩ, y tá.

Ngược lại, nhờ kinh tế thị trường thời nay, cả một giai cấp mới được sản sinh và tiến ra thụ hưởng hầu hết các lợi ích. Nhân dân gọi đó là Tư Bản Đỏ vì hầu hết giai cấp này đều đang nắm hoặc có liên hệ với các vị trí cao nhất trong đảng “Cộng Sản” Việt Nam, nghĩa là theo định nghĩa thì họ là những người “vô sản” nhất trong giai cấp vô sản, hay đỏ nhất trong thế giới đỏ. Các nhà “cực vô sản” này nay đã lên hàng triệu phú và tỷ phú tính bằng đô la Mỹ. Với các tường cao cửa kín, thỉnh thoảng dân chúng mới có chút khái niệm họ giàu có đến cỡ nào qua các hình ảnh nội thất của ông cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, cảnh ăn chơi của con trai trùm công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, những đoàn xe đưa dâu đón rể choáng váng cả dân chơi thế giới tại các đám cưới con cái quan lớn, như đám cưới con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, v.v…. Câu hỏi khá hiển nhiên là số tài sản đó ở đâu ra nếu các “đầy tớ nhân dân” này chỉ biết phục vụ nhân dân và lãnh lương nhà nước? Còn nếu số tài sản đó đến từ các loại khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, từ các khoản tiền viện trợ cùa quốc tế cho người dân Việt Nam, hoặc từ các khoản nợ mà con cháu Việt Nam phải trả trong tương lai thì phải chăng chúng phải được trả lại cho hàng triệu gia đình vẫn còn chạy ăn từng bữa, những người già và trẻ em không nơi nương tựa lang thang đầu đường xó chợ, những cô gái phải bán thân cho Hàn Quốc, Đài Loan để nuôi gia đình?

Có thể nói hiện nay giai cấp Tư Bản Đỏ là trung tâm của xã hội. Mọi phương tiện quốc gia và nhân lực toàn quốc đều đang tập trung vào việc phục vụ họ:

- Công đoàn là phương tiện để Tư Bản Đỏ liên kết với các chủ hãng nước ngoài bóc lột hàng triệu công nhân ngay trên đất Việt.

- Luật pháp và các cơ chế ra nghị định, nghị quyết đều là phương tiện hợp thức hóa các cơ hội làm ăn của Tư Bản Đỏ, từ khai thác bô-xít Tây Nguyên đến cho thuê rừng dọc biên giới.

- Công an và quân đội là phương tiện trấn áp dân chúng khi Tư Bản Đỏ cần giải phóng mặt bằng, chiếm hữu đất đai để bán cho công ty nước ngoài.

- Báo chí là phương tiện ca tụng các thành công của Tư Bản Đỏ và khỏa lấp các kêu ca, khuyên can về các tác hại môi sinh.

- Trong khi đó nhiều tầng lớp nhân dân tranh nhau xin phục vụ Tư Bản Đỏ — từ các người làm kẻ ở trong nhà; đến các tài xế, bảo vệ quanh sân; từ các bác sĩ thầy thuốc riêng chăm sóc sức khỏe đến người mẫu chân dài cung phụng nhu cầu.

Rõ ràng cả một giai cấp đang ngang nhiên trấn lột cả nước, ngang nhiên tiêu xài tiền của đó ngay trước mắt các nạn nhân, và quái lạ hơn nữa là nhân dân cả nước đang ra sức phục vụ họ. Với hiện tượng đó, có lẽ thành quả lớn nhất của chính sách Đổi Mới sau hai thập niên là: lãnh đạo Đảng CSVN đã chuyển hóa vô cùng thành công giai cấp vô sản cực đoan thành những nhà tư bản lưu manh!

.

.

.

No comments: