Friday, April 16, 2010

TRUNG QUỐC VÀ KHÁT VỌNG BỊT MIỆNG DÂN TÀU TRÊN MẠNG ẢO

Trung Quốc và khát vọng bịt miệng chính dân mình trên mạng ảo

Lê Quốc Tuấn

16/04/2010 6:01 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19019

Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tạo nên những bước ngoặt thay đổi hết sức lớn trong văn minh nhân loại. Đối với các chính thể độc tài, chuyên chế, giữa biết bao tiến bộ mang lại bộ mặt mới cho đời sống con người hiện đại, chắc chắn sự phát hiện và phát triển hết sức nhanh chóng của công nghệ internet là một trong những điều đáng sợ nhất. Chả trách tại sao, các chính phủ độc tài đang ngày đêm canh phòng không gian ảo này trong một tinh thần cảnh giác cao độ. Bất chấp đến mọi cái giá phải trả, từ nhân lực, tài lực và kể cả uy tín trên cộng đồng thế giới.

Trung Quốc là điển hình rõ nét nhất trong các nước này. Ngay sau khi tiến bộ công nghệ về thông tin chọc thủng và phá đổ được “bức màn sắt”, chính phủ cộng sản Trung Quốc đã và luôn luôn ở trong cuộc chiến tranh không mệt mỏi với chính công dân của mình nhằm chiếm lấy quyền kiểm soát tuyệt đối mạng internet. Câu nói của nhà lãnh đạo cộng sản tối cao của Trung Quốc Mao Trạch Đông đã từng trở thành phương châm của Đảng cộng sản: “Nếu chúng ta muốn Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm được quyền lực, cần phải kiểm soát hai điều – một là súng, và cái kia là cây bút”. Tinh thần ấy được lặp lại trong kỷ nguyên tin học bằng tuyên bố của chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2007: “Chúng ta có đối phó được với mạng Internet hay không là một sự việc có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa xã hội chủ nghĩa, việc bảo mật thông tin và sự ổn định của nhà nước”.

Quả vậy, internet đang ngày càng trở nên một sức mạnh của công chúng. Đan cử trường hợp mới xảy ra năm ngoái (2009) của Sun Zhongjjie, một tài xế 19 tuổi đã tự chặt đứt ngón tay mình để phản đối xử phạt vô lý của cảnh sát đối với cá nhân anh. Trường hợp của anh nhanh chóng được truyền tải lên mạng internet khiến nổ ra một cuộc biểu dương trên mạng ảo. Trang web xinmin.cn đã tiến hành một cuộc thăm dò trực tuyến, thu hút gần 20,000 người tham dự, 98% đều nói rằng họ không tin vào quyết định thiếu công bằng của chính phủ. Sau đó, nhà cầm quyền đã phải nhượng bộ, tái xử và tuyên bố Sun vô tội. Trên một blog thông tin trực tuyến có tên Taninya, một công dân mạng đã viết: “Tại sao chúng ta phải quan tâm đến trường hợp này? Bởi vì đã có một cơ quan thực thi pháp luật cướp người thô bạo và một cơ quan điều tra khác tự mang nhãn hiệu là công chính nhưng thực đã gian dối… Đây là nỗi buồn đau của tất cả mọi người dân phải sống trong một thời đại như thế này”. Đúng như Hao Jinsong, luật sư của Sun đã nhận định: “Chỉ bằng cách nhấp vào một con chuột máy tính, người dân bây giờ có quyền kiểm tra đến chính phủ”.

Đài BBC cho biết, căn cứ vào báo cáo mới nhất của RSF- Hội Phóng Viên Không Biên giới- Trung Quốc dẫn đầu trong các nước duy trì chế độ kiểm duyệt thô bạo trên internet. Chính phủ này đang thực hiện những biện pháp tương đối có hiệu quả để rình mò, ngăn chặn, cảnh cáo, hăm dọa, thậm chí bắt giữ bỏ tù những công dân mạng. Tính đến nay, RSF cho biết, riêng ở Trung Quốc, đã có 72 người bị bỏ tù vì những điều họ đăng tải trên internet trực tuyến.

.

Hệ thống internet ở Trung Quốc

Nói chung, phát triển của Internet ở Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn:

Thời kỳ đầu tiên (1987-1994): Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và Viện Vật lý năng lượng cao (IHEP) được phép xây dựng hệ thống cáp kết nối với Internet đầu tiên, có khả năng nhận điện thư, liên lạc được với Bắc Mỹ và Châu Âu.

Giai đoạn thứ hai (1994-1995): Là thời kỳ phát triển của Mạng Học thuật Trung Quốc (Chinese Academic Network-Canet). Vào tháng 4 năm 1994, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng xây dựng một siêu xa lộ thông tin, NCFC, kết nối vào Internet với tốc độ cao 64kbps. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đã đăng ký tên miền .cn với hệ thống máy chủ đặt tại Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc chính thức gia nhập đại gia đình Internet trên thế giới.

Giai đoạn thứ ba (1995-nay): Trong thời gian này, Internet đã được đưa vào sử dụng trong thương mại. Đến tháng 9 năm 1994, China Telecom bắt đầu kết nối vào Internet với hai đường dây chuyên ngành ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Tháng 6 năm 1995, từ hai đường dây này, Bắc Kinh và Thượng Hải đã cho phép truy cập Internet công cộng. Mạng Máy tính CHINANET chính thức được mở ra và trở thành mạng lưới internet chính của Trung Quốc. CHINANET do Cục Dữ liệu Truyền Thông (Data Communications Bureau) điều hành, dưới sự chỉ đạo của ngành Viễn Thông Trung Quốc (China Telecom) và là cơ quan cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho tất cả người dùng trong nội địa.

Có thể nói, năm 1995 là năm chứng kiến sự phát triển nghiêm túc hệ thống Internet ở Trung Quốc. Ngoài ChinaNet, Bộ Công nghiệp và Điện tử cũng đã phát triển mạng Golden Bridge Network (GBNet) vào tháng chín năm 1996. Từ năm 1997, các mạng thông tin dữ liệu đã phủ khắp 90 phần trăm quận và thành phố trên toàn quốc. Hơn mười mạng lưới truyền thông đa phương được hoàn thành và bắt đầu hoạt động tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tế Nam, và những nơi khác. Ba mạng dữ liệu chính là CHINAPAC, CHINADDN, và CHINAFRN.

CHINAPAC đã thiết lập các mạch chuyển (nodes) trong 2.278 thành phố, phát triển đến các làng và thị xã trên toàn quốc, với tổng khối lượng 136.000 cổng và hơn 74.000 người sử dụng. Các khu vực đã được kết nối với CHINAPAC thông qua liên kết với mạng điện thoại. Các mạng dữ liệu quốc tế có thể được thuận tiện kết nối với nhau thông qua hai cổng quốc tế ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như các cảng ở Quảng Châu, Ma Cao và Hồng Kông.

Các cổng mạng dữ liệu kỹ thuật số, hoặc CHINADDN, là một mạng dữ liệu truyền thông công cộng. Hiện có các mạch chuyển trong 2.148 thành phố, làng mạc và thị xã trong cả nước được kết nối qua cáp quang, với tổng khối lượng 184.000 cổng mạng và hơn 95.000 người sử dụng.

Mạng lưới Dịch vụ Frame Relay, hoặc CHINAFRN, là dự án đợt đầu của một mạng chính được hoàn thành vào tháng 6 năm 1997. Mạng này gồm 21 thành phố thủ phủ của tỉnh, bao gồm cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, và Thẩm Dương. Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu là trung tâm quốc tế của CHINAFRN. Tất cả các mạch chuyển đều được trang bị máy ATM và công cụ (module) Frame Relay.

Ngoài Chinanet và GBNet kể trên, còn có CERNET (China Education and Research Network) là mạng Giáo dục và Khảo Cứu dưới sự chỉ huy của Bộ Giáo dục và cộng sảnTNet là mạng Khoa học và Công nghệ do Học viện Khoa học Trung Quốc điều hành. Cạnh đó, còn những công trình xây dựng và cải thiện các mạng truyền thông khác cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết và các phương tiện mang nhiều giá trị hơn đến người sử dụng bao gồm một mạng lưới điện tử công cộng trong dịch vụ hộp thư (CHINA Mail), fax, lưu trữ và chuyển tiếp mạng (CHINA FAX S & F), và một mạng lưới trao đổi dữ liệu điện tử (CHINAEDI).

.

Cuộc rình mò, săn bắt ngày đêm của chính quyền

Theo các số liệu gần nhất, hiện nay, tính đến cuối năm 2009, có 384 triệu người sử dụng internet trong số 1.3 tỉ dân Trung Quốc, tăng 28.9 % so với cuối năm 2008. Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng 3G mobile, có hơn 120 triệu người nữa truy cập vào internet qua các loại điện thoại di động.

Với số lượng người sử dụng đông đảo như vậy, duy trì được sự kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên mạng ảo quả là một công việc lớn, phức tạp và tốn nhiều công của. Nhưng quả thực là chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là phải trực chiến ngày đêm để bảo vệ quyền lực của mình.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu kiểm duyệt Internet ngay sau khi Internet trở thành phổ biến trong xã hội Trung Quốc vào giữa những năm 90. Tiến trình kiểm duyệt đã trở nên quyết liệt hơn từ năm 1999 khi việc sử dụng Internet bắt đầu bùng nổ ở Trung Quốc và đặc biệt, trong nỗ lực đàn áp phong trào Pháp Luân Công.

Kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc có liên quan đến đàn áp Pháp Luân Công vì một lý do. Ngày 25 Tháng Tư năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân đã tụ tập bên ngoài Văn phòng Hội đồng Nhà nước để khiếu nại, kêu gọi chính quyền phóng thích các học viên bị đánh đập và bị bắt tại Thiên Tân. Lúc ấy sự cố tập trung được một lượng người đông đảo này đã làm Giang Trạch Dân giận dữ. Cuộc điều tra sau đó đã cho thấy những thành viên Pháp Luân Công đã thông tin với nhau qua Internet, đồng thời cũng hé lộ cho nhà cầm quyền biết được một phương tiện tổ chức liên lạc hữu hiệu thông qua mạng internet. Do đó, vào ngày 20 Tháng Bảy 1999, khi bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, một trong những bước đầu tiên nhà chức trách Trung Quốc làm là đóng tất cả các trang web Pháp Luân Công tại Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn tất cả các trang web của phong trào này từ ngoài vào Trung Quốc.

Các mục tiêu kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc

- Những tin tức có nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là những trang mạng có diễn đàn thảo luận trực tuyến. BBC News, Hong Kong news là những trang bị kiểm soát rất chặt chẽ;

- Những trang web và các thông tin về: Cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, sự độc lập của Tây Tạng, tin tức về Đạt Lai Lạt Ma, độc lập của dân vùng Ouïghours, độc lập của Đài Loan;

- Những trang web chính thức của các nhà thờ;

- Các trang web của người Hoa ở hải ngoại như China Gate;

- Trang web Wikipedia của tất cả các ngôn ngữ đều bị ngăn chặn (cho dù có một giai đoạn ngắn có thể truy cập được vào tháng 10 năm 2006). Thay cho Wikipedia, công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã tung ra Baidu Baike, một dạng của Wikipedia Trung Quốc được kiểm duyệt sẵn.

- FreeBSD.org, hiện nay có thể truy cập được nhưng trước đây từng bị chặn (12/2005);

- Trang mạng của Pháp luân công và nhiều trang khác có nội dung về Pháp luân công;

- Các trang mạng của tổ chức Phóng viên không biên giới, HumanRight Watch…

- Nhiều trang nhật ký trực tuyến khác cũng bị chặn. Bắc Kinh đang muốn loại bỏ tất cả những blogger ẩn danh. Theo thống kê, hiện có khoảng 17,5 triệu blogger ở Trung Quốc.

Và một cách phổ biến hơn, tất cả những gì khiêu khích đến tính hợp pháp của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những trang web chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc (nghiêm trọng hơn những trang biếm họa đơn giản…) và những quan điểm trái ngược với nhà cầm quyền, đều bị chặn.

Nhìn chung, có ba yếu tố góp phần vào sự kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc.

Thứ nhất, trên toàn thế giới, chính phủ cộng sản Trung Quốc không do dự về ngân sách, sức người, sức của để kiên quyết hình thành mạng lưới kiểm duyệt mạng. Do đó, ngày nay Trung Quốc là nước duy nhất đã phát triển được một công nghệ kiểm duyệt Internet tiên tiến nhất.

Thứ hai, Trung Quốc mua được hỗ trợ công nghệ khoa học thông tin từ các công ty công nghệ cao hàng đầu ở phương Tây như Cisco và Nortel.

Thứ ba, ngoài kỹ năng công nghệ, Trung Quốc còn sử dụng đến một phương tiện khác để kiểm duyệt trên Net tại Trung Quốc. Phương tiện này chính là con người. Đó là “Bức Vạn Lý Tường Lửa bằng Người” (Human Flesh Great Firewall).

Có thể nói, đây là một “bức tường lửa” khá độc đáo. Đội ngũ dân sự này được hình thành từ trung ương xuống đến tận các tỉnh thành, ở bất cứ nơi nào có người truy cập vào internet. Đội quân lớn lao này gồm những người được đào tạo chuyên về an ninh mạng, tuần tra không gian web ở Trung Quốc 24/24 giờ. Ở tầng dưới là vô số những kẻ mang chức danh quản trị viên mạng (web administrator). Những người sẽ lướt qua tất cả các blog, diễn đàn, và các bản tin mà họ đang quản lý để xóa bất kỳ bài viết nào được coi là “nhạy cảm”.

Ví dụ, theo một bài báo Wall Street Journal cuối tháng chín, có gần 300.000 người mà Trung Quốc thường gọi là thành phần “đảng 50 xu”. Những thành viên này được nhà nước lương trả toàn thời gian hoặc bán thời gian để bám sát, theo dõi các blog, diễn đàn, và các bản tin nhằm bôi xóa kịp thời các nội dung bất lợi cho Đảng Cộng sản, đồng thời trực tiếp tham dự trực tuyến để đăng bài, phản biện nhằm dẫn dắt các cuộc thảo luận đến một hướng thuận lợi cho Đảng. Họ được gọi là các đảng viên “đảng 50 xu” vì theo một tài liệu chính thức tiết lộ rằng các thành viên được nhà nước trả năm mươi xu cho mỗi bài họ kiểm duyệt, ngăn chặn có hiệu quả cho nhà nước.

Ngoài ra, những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cũng phải lưu ý các trang web mà họ đang lưu trữ để sẵn sàng đóng cửa các trang web có nội dung làm chính quyền có thể tức giận trong một loại sàng lọc đầu tiên mang tên “tự kiểm duyệt” (self-censorship). Ở chặng này, những người điều hành, quản lý các trang web, blog trực tuyến sẽ lưu ý nội dung trang mạng của mình để tự kiểm duyệt trước, theo những hướng dẫn từ chính phủ.

Các chương trình, kế sách kiểm soát internet nổi bật gồm có:

.

Dự án Golden Shield: bắt đầu ra đời với sự giúp đỡ của đại công ty công nghệ Hoa Kỳ Cisco. Golden Shield là tích hợp của một hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ trực tuyến và giám sát một mạng lưới rộng lớn. Đây là dự án máy chủ của cái gọi là Bức Vạn Lý Tường Lửa (The Great Firewall) đang được sử dụng để giám sát và kiểm soát việc sử dụng Internet tại Trung Quốc.

Chức năng của Golden Shield là giám sát tất cả lưu lượng truy cập vào lục địa. Golden Shield sẽ tìm lọc các trang mạng, các nội dung cấm kỵ khi dữ liệu đi qua một trong 5 cổng truy cập thông tin vào và ra khỏi Trung Quốc. Khi phát hiện những gì cần ngăn chặn, phần mềm này lập tức hướng dẫn cả nguồn máy gửi và máy nhận thông tin để ngăn chặn sự nối kết. Golden Shield hoạt động như một công cụ kiểm duyệt, nhưng nó cũng theo dõi tất cả các hoạt động trực tuyến trong và ngoài Trung Quốc. Không chỉ những công dân Trung Quốc đang bị theo dõi mà ngay cả bất kỳ tin nhắn, thông tin nào được chuyển đổi giữa Trung Quốc và các nước khác cũng nằm trong kềm tỏa của Gold Shield.

.

Green Dam Youth Escort: Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin TQ đã thông báo rằng kể từ 1/7/2009, các máy tính ở Trung Quốc đại lục phải được cài đặt phần mềm Green Dam. Mục tiêu chính thức là “để xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh, hài hòa, và để tránh hậu quả độc hại đến tâm trí thanh niên từ những thông tin có hại trên internet”.

Một quan chức cao cấp của Văn phòng Nội vụ Internet, trực thuộc Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cho biết mục đích duy nhất của phần mềm này là “để lọc các nội dung khiêu dâm trên Internet”. Tuy nhiên các tổ chức tranh đấu nhân quyền nói rằng thực chất của phần mềm này là nhắm vào kiểm duyệt chính trị, tăng sức kềm tỏa của chính quyền đối với những thông tin xã hội, chính trị được coi là “nhạy cảm”.

Gần đây, chính quyền Trung Quốc còn đi xa hơn nữa trong các quy định về quản lý, điều hành các trang mạng, cụ thể nhất là yêu cầu phải đăng ký đầy đủ tính danh, số điện thoại, địa chỉ liên lạc đối với những ai muốn đăng tải các ý kiến, suy nghĩ của mình lên mạng dưới bất cứ hình thức nào. Quy định mới này sẽ hoàn toàn chấm dứt chế độ ẩn danh của biết bao công dân mạng ở Trung Quốc. Đồng thời, các quán cafe internet ở TQ cũng đang phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của chính phủ địa phương để kiểm soát tính danh những người sử dụng dịch vụ công cộng này.

.

Vỏ quýt dày móng tay nhọn hay là cuộc chơi cút bắt giữa nhân dân và chính phủ

Như đã nói ở trên, dù có hệ thống kiểm duyệt internet tinh vi nhất của thế giới, Trung Quốc vẫn có đến gần 400 triệu người sử dụng internet – trong đó ít nhất là có một số người đang thách thức với những hạn chế bằng sự táo bạo ngày càng tăng lên. Trước chế độ kiểm soát của chính quyền, hầu như tất cả mọi người đều tự chế để tự mình kiểm duyệt ở một mức độ nào đó. Nhưng vẫn hiện diện một số người không nhỏ đã sử dụng các biến thể, những khoảng sơ hở trong hệ thống, để tìm được nơi thể hiện và chia sẻ quan điểm của mình mà không phải bị phát hiện và xử phạt.

Về mặt kỹ thuật, đối với rất nhiều người sử dụng internet, tất cả các loại tường lửa (firewall) đều rất dễ dàng ngăn chặn. Thực tế là bất cứ ai sử dụng internet ở Trung Quốc muốn tránh tường lửa đều có thể chọn giữa hai kỹ thuật đáng tin cậy: Máy chủ proxy và VPN.

Máy chủ proxy là cách kết nối máy tính của người sử dụng ở bên trong Trung Quốc với một máy hoặc một loạt máy khác ở một nơi khác, tự động truyền dữ liệu đi để che giấu nguồn phát của dữ liệu ấy. Hạn chế duy nhất là tiến trình đi lòng vòng này làm cho hoạt động Internet chậm lại. Nhưng vì tốc độ xử lý máy tính ngày càng được cải thiện và hầu hết các proxy đều miễn phí, do đó đây vẫn là phương cách được ưa chuộng của đông đảo người sử dụng internet ở Trung Quốc.

VPN, hay mạng ảo riêng (Virtual Private Network), là cách nhanh và thanh lịch hơn để đạt được cùng một kết quả. Người sử dụng dùng VPN để tạo ra những kênh thông tin mạng riêng của mình, được mã hóa và chạy song song với mạng Internet thông thường. Từ bên trong nội địa Trung Quốc, VPN sẽ kết nối với một máy chủ Internet đặt ở một nước khác. Các máy trung gian này nhận trình duyệt, yêu cầu để xử lý và gửi kết quả trở lại người sử dụng. Các loại tường lửa không ngăn chặn được, vì không thể đọc được các thông tin đã được mã hóa.

Ngoài ra còn rất nhiều phương cách né tránh kiểm duyệt khác cũng được quảng bá rộng rãi trên internet cho mọi trình độ và mục đích của người sử dụng. Điều lý thú là mọi người đều cố gắng luồn lách màng lưới kiểm duyệt ở một mức độ nào đó, và mọi người đều hoan hỷ sẵn lòng mách bảo, chỉ dẫn cho nhau các cách thức luồn lách nào hữu hiệu hơn.

Và trò cút bắt giữa chính phủ và người dân ở TQ còn sinh động vào thú vị hơn ở những khía cạnh khác. Đó là, người sử dụng internet ở Trung Quốc đang ngày càng sáng tạo hơn trong cách thức né tránh những ngăn cấm, hạn chế – bằng cách sử dụng phép loại suy để thảo luận về các chủ đề bị ngăn cấm- và ngày càng công khai các chế diễu cay độc của mình về những chủ đề đó.

Thí dụ như các trang mạng bị xóa đã sẽ được làm lại cho “hài hoà”, chơi chữ theo như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về một xã hội “hài hòa”. Kiểm duyệt còn được gọi là những con “cua sông” (river crabs), bởi vì trong tiếng Trung Quốc hai âm này phối hợp với nhau thành chữ đồng âm với từ “hài hòa”.

Hoặc cứ xem phản ứng của công chúng về chương trình Gala mừng năm mới của Trung Quốc trên hệ thống truyền thanh truyền hình nhà nước hồi cuối tháng qua. Trong đó có một bài hát ca ngợi đảng Cộng sản đã dùng đến từ yakexi của tiếng Duy Ngô Nhĩ (Uighur), có nghĩa là tốt đẹp; vài tháng sau chẳng may lại nổ ra những xung đột bạo lực giữa các sắc tộc, tràn qua vùng Tân Cương vốn là quê nhà của các dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Thế là cư dân mạng ở Trung Quốc được một phen cười hả hê: “À há! Bây giờ nhà nước đã bãi bỏ thuế nông nghiệp rồi! Chính sách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thật là yakexi” những ca sĩ quả là nhiệt tình!

Chỉ trong vòng giờ đồng hồ, từ yakexi được thổi lên trên tất cả các mạng internet. Han Han, một blogger nổi tiếng nhất của đất nước, đã phát động một cuộc thi xem ai là người viết nhại lại lời bài hát hay nhất. Nhiều blogger khác còn liên hệ chữ yakexi này với “yake-xi”, từ đồng âm để chỉ một giống thằn lằn ở Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba để cố đưa vào ý nghĩa xấu xa nhất của từ yakexi thành yake-xi, là một tiếng Quảng đông chửi tục có nghĩa là “Đồ ăn cứt!”

.

Kết luận

Có thể dẫn đến trường hợp của Tang, một blogger ở Thượng Hải để thay cho lời kết luận. Tang là một doanh nhân tuổi độ 30. Cô bắt đầu blog trên opera từ năm 2005. Cô từng quan niệm rằng chính trị Trung Quốc “quá tàn bạo” để mà lo nghĩ đến, nhưng chính những gì cô đọc được trên mạng đã hâm nóng lại ngọn lửa quan tâm của cô. Thế là cô đã viết về các chủ đề xã hội, chính trị hiện hành. Khi bài viết bị xóa, cô lại mở blog tại các trang khác. Cô học cách sử dụng những tiếng đồng âm để lách né sự kiểm duyệt.

Sau đó cô đã đăng tải Hiến chương 08 – một lời kêu gọi đột phá cho những cải cách vốn đã làm các viên chức giận dữ, dẫn đến việc các tác giả của bản hiến chương này bị giam 11 năm. Mỗi lần cô tải lên, kiểm duyệt lại nhanh chóng xóa bỏ – nhưng cô nhận thấy như thế cũng đủ để vài trăm người sử dụng mạng đã có được cơ hội để đọc kịp thời. Chỉ riêng năm ngoái, không dưới chín trang blog của cô đã bị đóng cửa.

“Chúng tôi không thể nhìn thấy những gì mình muốn và không thể nói những gì mình thích Nhưng nếu có 10 người nói và bị kiểm duyệt, năm người trong số đó sẽ tiếp tục nói được. Và Trung Quốc là một đất nước rất lớn. Sẽ có những người khác nữa cũng muốn nói lên một điều gì”, cô nói.

Chắc chắn, những người như Tang tin rằng Internet đang dần thay đổi xã hội. Cô thừa nhận là mình đã sững sờ khi cảnh sát chính thức triệu cô đến điều tra. “Nhưng ảnh hưởng của kinh nghiệm ấy bây giờ là không đáng kể”, cô cho biết. Và cô vẫn tiếp tục viết blog.

Chính phủ lo sợ mạng internet và luôn cố gắng chế ngự nó. Nhưng, theo nhận định của một nguồn công nghiệp giàu kinh nghiệm, chính phủ phải đối đầu với hàng trăm triệu người sử dụng với những ý tưởng, cảm xúc và tham vọng riêng của mình. “Với quá nhiều bộ não như thế, làm thế nào có thể kiểm soát? Không ai có thể giành chiến thắng trận chiến này”, cô Tang nhận xét.

Nói cho cùng, có lẽ đúng như một nhà lãnh tụ cộng sản mà những người cộng sản Trung Quốc từng tự hào đã nói, mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột, thành thử chính quyền này đã làm gì cũng không từ, miễn là giữ được độc quyền thống trị của mình. Đấy chính là nỗi bất hạnh đã và đang thử thách lương tri của hơn một tỉ dân Trung Quốc.

Đất nước đã từng đóng chặt cửa trong suốt những năm quân chủ đế chế, tiếp tục đóng cửa chặt hơn trong những năm tháng tăm tối nhất của thời cách mạng văn hóa và bước nhảy vọt vĩ đại, nay lại đang vận dụng tất cả mọi mưu mô xảo quyệt cả về kỹ năng công nghệ lẫn sức người có được để tiếp tục đóng nốt những cánh cửa nào còn hở ra trong suy nghĩ của từng người dân mình. Về mặt lương tri nhân loại, nếu người cộng sản Trung Quốc thành công được với những tham vọng này của mình, có lẽ những trang sử hết sức tăm tối của nhân loại sẽ bắt đầu được giở ra.

Tháng 4/2010

© 2010 Lê Quốc Tuấn

© 2010 talawas

.

.

.

1 comment:

Unknown said...

Biện pháp để cứu dân tộc thoát khỏi sự xâm lấn của trung quốc :
- Kêu gọi nhân dân việt nam nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh bị lung lạc. Gián điệp trung quốc lung lạc chúng ta nhắm mục đích lâu dài là thông tính chúng ta.
- Phản đối nhà cầm quyền trung quốc sử dụng hoạt động gián điệp để chi phối bên trong dư luận và các chính sách của việt nam .
- Kêu gọi các tổ chức quốc tế giám sát, phê phán các hoạt động gián điệp của trung quốc đối với việt nam.
- Đề nghị liên hợp quốc ra công ước quốc tế về quyền tự chủ và ngăn chặn các hoạt động gián điệp của nước này đối với nước khác.
- Xây dựng một cơ quan an ninh mới để bảo vệ an ninh quốc gia.
- Phát động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác không để cho gián điệp trung quốc làm lẫn lộn trắng đen .
- Yêu cầu Hồ Cẩm Đào và ban chấp hành trung ương đảng trung quốc phải chỉ thị cho cục tình bào Hoa Nam phải dừng ngay các hoạt động tình báo chống việt nam.
- Nhắc nhở các hội đồng hương các cộng đồng xã hội không tổ chức các hoạt động chống lại người hiền tài vì lợi ích cục bộ.
- Kêu gọi nhân dân phát hiện những hiện tượng, những quan điểm và chính sách theo xu hướng thân Trung Quốc.
- Thay đổi công nghệ làm tiền để đảm bảo anh ninh tài chính quốc gia.
- Yêu cầu các quan chức nhà nước phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
- Kiện toàn lại các cơ quan bảo vệ anh ninh quốc gia.
- Kêu gọi kiều bào đấu tranh với nhà cầm quyền Trung Quốc đã sử dụng mạng lưới gián điệp để thôn tính việt nam