Wednesday, April 21, 2010

"TIẾP SỨC" và "CHẢY MÁU"

“Tiếp sức” và “chảy máu”

Lao Động số 88 Ngày 20/04/2010 Cập nhật: 8:29 AM, 20/04/2010

http://www.laodong.com.vn/Home/Tiep-suc-va-chay-mau/20104/181727.laodong

(LĐ) - Hai động từ này tưởng như không hề liên quan đến nhau, nhưng lại là 2 mặt của một thực trạng đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội: Tình trạng học sinh tìm đường ra nước ngoài du học ngày một tăng.

Theo bản phúc trình thường niên Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE), năm 2009, Việt Nam đã lọt vào “top” 10 quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất tại Mỹ (gần 13.000). Riêng năm 2009, số lượng du học sinh sang Mỹ tăng tới 46,2% (khoảng 4.000 người) và trong 10 năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 8 lần.

Tại Australia, số lượng du học sinh Việt Nam còn đông đảo hơn: 23.400 người và Việt Nam cũng nằm trong “top” những nước có du học sinh đông nhất tại Australia. Số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới.

Con số này đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Nhìn trực quan, có thể thấy đây là tin đáng mừng. Trước hết, nó là chỉ báo cho thấy kinh tế trong nước đang tăng trưởng tốt, đời sống người dân được cải thiện, thêm vào đó là tinh thần cầu tiến, truyền thống hiếu học của dân tộc vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của những người trẻ tuổi. Nhưng từ một góc độ khác, đó là sự bứt phá, không chấp nhận một nền giáo dục đã không còn đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân - khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động - đã đưa ra nhận xét: Thực trạng học sinh và cha mẹ tìm cách đưa con đi du học nước ngoài ngày một tăng, cho ta thấy một thực tế là giáo dục đào tạo trong nước đã không đáp ứng được yêu cầu của người học, của thị trường lao động cấp cao. Đó là biểu hiện có tính báo động, cho ta thấy đã đến lúc buộc phải chấn chỉnh giáo dục đại học...

GS Trần Hồng Quân giải thích: Chất lượng giáo dục liên quan đến rất nhiều yếu tố: Năng lực của hệ thống, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy… Ở ta, cả mấy yếu tố này đều chưa đạt, nếu không muốn nói là còn yếu kém. Bệnh thành tích, kiến thức nhồi nhét mà lại yếu kém về kỹ năng… đã khiến sản phẩm đào tạo trong nước cơ bản chưa đáp ứng được thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Thực trạng này có nguyên nhân do đâu?

Đọc lại báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công bố tuần trước, có thể bắt gặp những con số giật mình: 11 năm qua, các trường đại học ở Việt Nam được thành lập một cách dễ dãi, vì thế đã có tới 300 trường đại học ra đời, đưa tổng số trường đại học, cao đẳng cả nước lên con số 400.

Về chất lượng đội ngũ giáo viên, báo cáo cũng chỉ rõ: Từ năm 1987 đến 2009, số sinh viên cả nước tăng tới 13 lần, nhưng số lượng giảng viên chỉ tăng gấp 3. 2/3 trong số 61.000 giảng viên chỉ có trình độ cử nhân (nghĩa là “mỡ nó rán nó” - PV). Với một nền tảng đào tạo như vậy, liệu có thể hy vọng rằng, thế hệ tương lai của ta sẽ có thể bứt phá?

Kỳ vọng vào sự “tiếp sức” từ những kiến thức, kỹ năng học được ở nước ngoài để tạo sức bật cho mai sau là một nhu cầu chính đáng của người học, đặc biệt trong bối cảnh thị trường giáo dục trong nước kém cạnh tranh. Nhưng mặt trái của nó là chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám… và trước mắt, làm giảm động lực cải cách giáo dục…

Malaysia những năm trước cũng đã từng diễn ra tình trạng “chảy máu giáo dục” tương tự. Nhưng chỉ sau 10 năm tập trung vào cải cách giáo dục với những lựa chọn đúng hướng, số lượng sinh viên quốc tế đến Malaysia du học giờ đã đông hơn số lượng sinh viên Malaysia ra nước ngoài. Có lúc du học sinh quốc tế ở Malaysia lên tới 80.000 người - một thành công của cải cách giáo dục ở rất gần ta, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tham khảo...

Bích Hằng

.

.

.

No comments: