Sunday, April 18, 2010

THÂN PHẬN CON TIN

Thân phận con tin

Lê Quốc Tuấn

19/04/2010 12:40 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19098

Như rất nhiều người ở miền nam, sau ngày 30/4/1975, không biết là có “một triệu người vui” thật không, nhưng chắc chắc đã có “một triệu người buồn”. Và nỗi buồn của “triệu người” đó càng ngày càng thấm sâu, lúc nào cũng sẵn sàng chảy máu như ngày hôm qua.

Thí dụ như nỗi buồn của cá nhân tôi. Sau 30/4/1975, một ngày đầu tháng 10 năm 1978, tôi biết đến cảm giác lạnh của cái còng số tám khóa vào cổ tay. Rồi tôi nếm mùi tù ngục. Lao động khổ sai. Những ngày ấy, anh em tôi tung tóe trốn ra biển. Cha mẹ tôi còm cõi gồng gánh đi thăm nuôi con.

Để con có miếng ăn, cha mẹ tôi phải học cách cười, cách nói ngon ngọt với các cai tù, vệ binh, quản giáo, điếu đóm gói thuốc lào, bao thuốc thơm cho các “cán bộ” để gói xôi, bịch đường thẻ, viên thuốc sốt đến được tay con mình. Ở trong tù, tôi không “thành khẩn khai báo”, cán bộ chấp pháp hăm dọa cha mẹ tôi để làm áp lực, ở trại lao động, tôi cứng đầu cứng cổ, cán bộ giáo dục cũng gặp cha mẹ tôi cảnh cáo hăm dọa. Cha mẹ tôi cắn răng, ầm ừ, vâng dạ cho qua.

Những ngày ấy, tôi có thật nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về thân phận mình. Tôi thấy mình là đúng là loại con tin, bị chế độ bắt nhốt để hành hạ bao người thân của tôi. Mục đích của việc bắt giữ con tin, là để hăm học, tống tiền, yêu sách những thân nhân của họ. Phải nuôi, canh giữ và hành hạ con tin để đạt được mục đích. Chúng tôi, tất cả những người tù “cải tạo”, đều là những con tin để chế độ bắt khoan, bắt nhạt, hành hạ biết bao thân nhân mình bên ngoài hàng rào trại tù kia.

Gần mười năm sau, ngay khi ra khỏi được nhà tù tôi đã bỏ đi thật xa. Dù bao nhiêu năm tôi chưa hề trở về quê nhà, nhưng tôi vẫn biết ở bên đó, vẫn còn những nhà tù, và vẫn còn những con người bị nhốt như những con tin, khiến khổ luỵ đến bao người thân.

Nhưng ra được ngoài thế giới tự do này rồi, khi nhìn chung quanh tôi bao người khác vẫn phải đi đi về về, để tiếp tục thăm nuôi, tiếp tế những thân nhân còn lại trong nước, tôi lại thấm thía nhận ra thân phận cả nước bây giờ là con tin trong tay những người cộng sản cầm quyền. Mấy triệu thân nhân ở khắp thế giới, vì miếng ăn, mạng sống và an toàn của thân nhân mình đang nằm trong tay họ mà phải cố cắn răng ầm ừ, vâng dạ cho qua.

Người có cha, có mẹ, người có em có anh. Kẻ có người yêu, chồng, vợ, bạn chí thiết, người mình mang ơn… tất cả đang là con tin của cả chế độ. Còn đối với ai không có một người thân cụ thể, người Việt tha hương nào cũng còn có cả một đất nước với bao kỷ niệm sắt se đang chịu thân phận con tin trong tay kẻ dữ.

Ngày nào đất nước, anh em đồng bào còn trong thân phận con tin, ai may mắn ở ngoài vòng cương tỏa ấy cũng ít nhiều đều phải nghĩ đến an nguy cho những con tin. Phải gượng nhẹ ăn nói, quà bánh chỗ này chỗ nọ, làm gì cũng cố giữ để còn về thăm người thân của mình. Đừng để “cán bộ quản giáo” cấm không cho thăm nuôi mà tội nghiệp người trong tù.

Đó là hoàn cảnh, là mối quan hệ của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại hiện nay.

Chẳng khác gì ngày trước. Khi tôi ở tù, họ chửi mắng sa sả “đồ phản động, bán nước v.v…”, một số anh em cứng đầu cứng cổ, họ nhốt biệt giam, bỏ đói. Có những anh em chịu không nổi, phải liều thân trốn trại, họ bắn bỏ thẳng thừng tàn nhẫn. Nhưng khi thân nhân đến thăm, sau những cây thuốc lá thơm, vài cân bột ngọt “bôi trơn” (dạo ấy chỉ có thế), họ xả lả với thân nhân tù: “Chế độ rất khoan hồng, chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ cho các anh ấy được về sớm…” Không khác gì ban đầu họ rủa xả những người “phản quốc, bỏ quê hương”, sau khi thấy những người này gởi quà cáp, về nước thăm nuôi thân nhân, họ bắt đầu xun xoe thương yêu “khúc ruột ngàn dặm”, nhắc nhở mọi người đừng quên “chùm khế ngọt”.

Hồi đó, khi cha mẹ tôi đi khỏi nước, còn lại một mình trong tù, tôi cảm thấy nhẹ người. Vì thấy mình không còn là con tin để chúng hành hạ cha mẹ mình nữa. Còn bây giờ, dù tôi không còn ai thân thuộc đến mức phải có trách nhiệm về miếng ăn, cơm áo, nhưng có phải tôi được thanh thản đâu. Tôi vẫn bị hành hạ bởi nỗi nhớ quê nhà hàng đêm. Nếu muốn về thăm con đường xưa, ngôi mộ ông bà tôi chôn ngoài cánh đồng ở miền bắc, chắc chắn tôi phải đi lại những bài quà bánh, cười nói xun xoe ngày trước của cha mẹ tôi, để các cán bộ, các quản giáo cho tôi được thăm lại quê nhà tù ngục của tôi.

Thế mới biết, mới thấm nỗi đau của người có cả một quê hương bị cầm tù, làm con tin trong tay kẻ khác. Có muốn về ngắm một buổi chiều xưa, cũng phải làm “đơn xin đi thăm nuôi”, đứng vào hàng chờ được phép. Và nhất là trước đó, phải giữ mồm giữ miệng chứ nếu không thì khỏi xếp hàng đi thăm nuôi luôn.

Những không phải tất cả mọi người đi đi về chốn quê hương tù ngục kia đều đi thăm con tin cả. Có những người hoàn toàn không có ai để thăm và cũng không nhớ gốc chuối rặng dừa đến mức ấy để phải đi về.

Những người này làm tôi nhớ đến một số nhân vật nọ hồi còn ở trong trại lao động.

Ngày ấy, mỗi ngày vác cuốc xẻng đi đày, tôi vẫn thấy những đoàn người rồng rắn khiêng gánh đi thăm nuôi. Trong dòng người khổ đau ấy, thình thoảng lại có những vị mặt hoa da phấn, sạch sẽ hoan hỉ, thường là ngồi trên ô tô con đi vào trại. Giữa lũ người gồng gánh âu lo, các vị này trông nổi bật làm sao. Qua thăm hỏi lẫn nhau, chúng tôi, những người tù được biết, họ không phải các quan quản trại, cũng không đi thăm nuôi ai, họ là những người được gọi tên là “tư sản dân tộc”, họ đến thăm ban chỉ huy trại, để “quan hệ”, “bồi dưỡng” ban chỉ huy trại. Ít lâu sau, khu vực xà lim kiên giam vốn được xây khuất phía cuối trại, bao quanh bởi ba lớp hàng rào cây, nay được xây dựng lại bằng xi măng, bê tông kiên cố hơn. Và chúng tôi được biết rằng, những bao xi măng ấy là do các nhà “tư sản dân tộc” đóng góp cho ban chỉ huy trại. Thế là những người tù nào bị kỷ luật, từ nay sẽ được vào ngồi cùm hai chân trong khu xà lim biệt giam kiên cố ấy. Nhiều người đã chết ở đó, hoặc bị tê bại suốt đời. Cá nhân tôi cũng phải trải qua khu biệt giam kiên cố ấy suốt mười tám tháng. Nhờ những bao xi măng của ông bà “tư sản dân tộc” ấy, căn xà lim tôi nằm kín bưng, tối như mực. Ngày cũng như đêm, tôi chỉ thấy được một màu thứ hai sau màu đen, là màu đỏ của máu trong mắt mình khi nhắm lại.

Giờ đây cũng chẳng khác gì. Trong biết bao người lũ lượt đi về quê hương tù ngục. Có những nhân vật mặt hoa da phấn ấy về “giúp xây dựng quê hương”. Chắc chắn nhiều căn biệt giam nữa đã được xây lên để nhốt các con tin nào cứng đầu cứng cổ từ tiền bạc đóng góp của những vị này.

Tôi vẫn cố giữ những nỗi nhớ trong lòng. Tôi cố quên ngày tháng xa xưa thân yêu ấy. Nhưng tôi nói thế để giấu bớt nỗi đau trong đáy lòng, để cố làm mặt thản nhiên với những kẻ cầm giữ quê hương tôi thôi.

Bởi vì, có khi giữa đêm, thậm chí giữa bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống tha hương này, nỗi nhớ quê vẫn có thể vỡ òa khiến tôi khóc. Nhưng tôi có giữ mình khiêm cung, tôi có liệu lời ăn tiếng nói để những tên cai ngục cho tôi được về lại thăm quê hương mình không ? Tôi có làm được không và tôi phải làm đến chừng nào cho thỏa lòng tham của kẻ cầm giữ quê hương tôi?

Tuy trong dòng người đi về thăm nuôi quê hương con tin vẫn chưa có tôi, nhưng thực ra tôi vẫn đi về hàng đêm trong những đêm tha hương mất ngủ của mình.

Khổ thân tôi có cả một quê hương trong tay kẻ khác. Tội nghiệp quê hương tôi trong thân phận con tin. Tôi thương mến, kính trọng những người cha mẹ, vợ, chồng, anh em, con cái, bằng hữu, thân nhân và cả những người quá nhớ quê hương mà phải về thăm nuôi quê hương ngục tù. Nhưng, tôi thực sự oán ghét những kẻ đang vác những bao xi măng về, đóng góp cho các cán bộ, các cai tù, quản giáo, an ninh, vệ binh để xây thêm những nhà giam kiên cố hơn ở quê hương tôi.

Tháng Tư 2010

© 2010 Lê Quốc Tuấn

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: