Friday, April 23, 2010

TGM NGÔ QUANG KIỆT BỊ THAY THẾ TỪ THÁNG 10-2010?

TGM Ngô Quang Kiệt bị thay thế từ tháng 10-2010 ?
Thursday, April 22, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111712&z=75

Tin đồn ngày càng mạnh, càng rõ:


QUẬN CAM (NV) - Một bản tin hiện được luân lưu trong giới Công Giáo Việt Nam hải ngoại cho biết Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Tổng giáo phận Hà Nội sẽ bị thay thế vào tháng 10 tới đây.


Phong trào Công Giáo Cursillo kêu gọi, “tha thiết xin mọi người cầu nguyện và mở chiến dịch vận động công khai trước công luận và dĩ nhiên với Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam” trước cái tin chỉ được loan truyền không chính thức trong giới Công Giáo trong và ngoài Việt Nam về sự ra đi của Ðức Tổng Kiệt.

“Tháng 10 này Ðức Cha Kiệt sẽ chính thức rời chức vụ TGM Hà Nội. Từ nay đến đấy, Ðức Cha Nhơn sẽ được cử làm Giám Mục Phó Hà Nội với quyền thế vị, nhưng thực tế sẽ bắt đầu làm việc vì Ðức Cha Kiệt sẽ thường xuyên đi Nho Quan để chữa ‘chứng bệnh mất ngủ.’”

Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, hiện là giám mục Ðà Lạt và cũng là đương kim Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, cơ quan điều hành cao nhất của hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam.

Cũng trong bản tin này “ÐC Ðọc (giám mục địa phận Mỹ Tho) sẽ được cử thay HY Mẫn làm TGM Sài Gòn khi ông này về hưu.”

Ðức Cha Bùi Văn Ðọc hiện là giám mục địa phận Mỹ Tho.

Ðể thêm phần tin cậy, nguồn tin nói một vị ở bên Pháp được một linh mục người Pháp tiết lộ tin Ðức Cha Kiệt “rời chức vụ tháng 10” và “dặn giữ kín.” Tuy nhiên, tới lúc này, tình thế có thể khẩn trương và rõ rệt hơn vì sau khi đọc thư của một vị linh mục ở Sài Gòn về vụ việc thì “chúng ta không cần dè dặt nữa mà phải lên tiếng thôi.”

Tin đồn Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bị thay thế theo áp lực của nhà cầm quyền CSVN đã loan truyền khá nhiều từ trước khi ngài sang Roma chữa bệnh hồi đầu tháng 3 vừa qua. Vào lúc cao trào giáo dân Hà Nội đòi tài sản cho Giáo Hội và đòi quyền tự do tôn giáo dâng cao năm 2008, nhà cầm quyền CSVN không giấu giếm ý muốn đẩy ngài đi khỏi Hà Nội, từ gửi thư cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đến nói với các nhà ngoại giao ngoại quốc.

Khi Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam họp thường niên từ 5 đến 9 tháng 4, 2010 vừa qua, bản thông cáo báo chí chính thức không đả động gì đến vấn đề nhân sự, dù thời gian này có những tin tức bên lề cuộc họp báo động tin Ðức Cha Nhơn sẽ được “điều” ra Hà Nội thay thế Ðức Cha Kiệt. Ðể tránh phản ứng của giáo dân đang quá yêu Ðức Cha Kiệt và nhìn vấn đề như sự nhượng bộ áp lực của chế độ thế quyền độc tài đảng trị, Ðức Cha Nhơn sẽ chỉ đến Hà Nội với tư cách “giám mục phó với quyền thay thế.”

Trong một bài viết ngày 19 tháng 4, 2010, nhà báo tự do quen thuộc của nhiều báo điện tử Công Giáo, ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh, kể một sự việc đáng chú ý.

“...Trong buổi họp giao ban báo chí sáng Thứ Ba hàng tuần vào ngày 6 tháng 4, 2010, ông Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ TT và Truyền Thông thông báo rằng, “đã xử lý được tên cứng đầu Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội bằng con đường ngoại giao, khi thuyên chuyển, báo chí không được đăng tin mà phải coi là chuyện nội bộ công giáo” (?). Ông Vinh viết.

Cuộc họp “giao ban” này diễn ra một ngày sau khi HÐGMVN bắt đầu họp ở Vũng Tàu, khiến cho dư luận giáo dân Công Giáo lại càng thêm lên ruột.

Nếu sự việc sẽ diễn tiến theo hướng nhà cầm quyền Hà Nội muốn, điều này sẽ trái với những gì đã thấy trong văn bản của HÐGMVN trả lời sự thúc ép đổi TGM Kiệt đi nơi khác.

Liệu TGM Kiệt phải ra đi như một cái giá để Vatican và Việt Nam thiết lập bang giao và Giáo Hoàng Benedict 16 đến thăm Việt Nam như sự nghi ngờ, đồn đoán, của nhiều giáo dân Công Giáo? Câu trả lời sẽ không có ngay bây giờ trong đường lối hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Vatican hiện nay.

Nhưng ít nhất, cho đến khi Tổng Giám Mục Kiệt còn ở Hà Nội, ông vẫn là “cái gai” cần phải nhổ của nhà nước CSVN. Các giáo hội tôn giáo nếu không thể sử dụng như những con cờ chính trị dễ sai bảo, sẽ không được để yên, nhất là lại đòi nằm ngoài tầm kiểm soát và điều động của một nhà nước độc tài đảng trị như ở Việt Nam. Như vậy, áp lực thế quyền đối với GHCGVN vẫn còn nguyên đó, trong mọi lúc.

.

.

.

No comments: