Tuesday, April 13, 2010

TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT TRƯỚC QUỐC TANG CỦA BA LAN

Tâm tình của một người Việt không sống ở Ba Lan trước Quốc tang của Ba Lan

Vũ Ánh

Tháng Tư 13, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/04/13/tam-tinh-c%e1%bb%a7a-m%e1%bb%99t-ng%c6%b0%e1%bb%9di-vi%e1%bb%87t-h%e1%ba%a3i-ngo%e1%ba%a1i-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-qu%e1%bb%91c-tang-c%e1%bb%a7a-ba-lan/

Năm 1989, mới từ trại cải tạo trở về Sài Gòn và còn trong tình trạng quản chế, tôi nghe tin chế độ Cộng Sản Ba Lan do tướng Wojciech Jaruzelski lãnh đạo đã phải chấp nhận một cuộc “đối thoại bàn tròn” với Công Ðoàn Ðoàn Kết, một công đoàn độc lập do Lech Walesa lãnh đạo.

Cuộc đối thoại là nguyên nhân dẫn đến sự rệu rã và sụp đổ của chế độ Cộng Sản quân phiệt Ba Lan, điều mà thế giới lúc ấy không thể nào tưởng tượng ra được.

Dường như không người nào ở Sài Gòn chán ghét chế độ CSVN là không nức lòng vì sự kiện ấy. Lech Walesa, chủ tịch Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan Solidarity, mặc nhiên trở thành người hùng, không cho những người Việt Nam chống Cộng, mà còn cho tất cả các dân tộc khác đang sống dưới các chế độ độc tài, áp bức.

Ba năm sau được may mắn định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO, tôi vẫn còn nghe được dư âm vang vọng chiến thắng của nhân dân Ba Lan, một bài học Ðông Âu vô cùng quý giá. Nhân lúc khi chưa kiếm ra được công ăn việc làm ổn định, tôi dùng tất cả thời giờ vào cuốn sách nhan đề “Heart of Europe: The Past in Poland’s Present” của tác giả người Anh, Norman Davies, để hiểu thêm về cuộc cách mạng này. Có lẽ trong số 30 tác phẩm viết về cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản Ba Lan, đây là cuốn được viết thận trọng, khách quan và đầy đủ nhất.

May mắn thứ hai là vào năm 2006, nhân cuộc gặp gỡ của các thành viên trong Họp Mặt Dân Chủ, và theo lời mời, tôi có dịp đến được đất nước Ba Lan, một đất nước và một dân tộc được cả thế giới ngưỡng mộ chứ không riêng gì những người Việt Nam chống Cộng.

May mắn thứ ba là tôi đến Ba Lan trong một hoàn cảnh là vượt qua được biên giới của một cuộc du lịch bình thường. Tại thủ đô Warsaw, những thành viên trong Họp Mặt Dân Chủ và báo chí đến từ Hoa Kỳ đã có dịp ngồi họp với những nhà tranh đấu dân chủ Ba Lan, các thành viên trong Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, các nhà tranh đấu cho dân chủ và quyền công đoàn từ một số quốc gia láng giềng với Ba Lan, tại ngay phòng họp của Hạ Nghị Viện Ba Lan(Sejm).

Vụ này làm cho sứ quán Việt Nam ở Ba Lan kịch liệt phản đối. Họ đã dùng cuộc vận động ngoại giao để đẩy cuộc họp mặt dân chủ ra khỏi trụ sở Quốc Hội Ba Lan, nơi vào lúc đó chúng tôi đã chuẩn bị để đón luật sư Lê Thị Công Nhân sang tham dự, nhưng cuối cùng khi cô sắp bước lên máy bay thì bị ngăn chặn. Do cuộc vận động khéo léo của nhóm anh Trần Ngọc Thành-những Việt kiều tại Ba Lan-người ủng hộ tích cực nhất là Thủ Tướng Jaroslaw Kaczynski-người em ruột sinh đôi của Tổng Thống Ba Lan Lech Kaczynski vừa tử nạn-cùng một số dân biểu và Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, nên cuộc gặp gỡ của Họp Mặt Dân Chủ vẫn diễn ra trong 3 ngày tại Sejm.

May mắn thứ tư, tôi đã đến được hải cảng Gdansk, đã thăm viếng trụ sở Cộng Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, nơi vẫn ghi đầy dấu tích của cuộc chiến đấu chống Cộng hào hùng của dân tộc Ba Lan, đã được vinh hạnh cùng đặt vòng hoa tưởng niệm tại quảng trường trước xưởng đóng tầu Gdansk, đã thăm một phần xưởng đóng tầu nay được dùng làm viện bảo tàng, vẫn còn nghe như trong những cơn gió từ biển thổi vào tiếng reo hò của hơn 1 triệu người biểu tình chống lại chế độ Cộng Sản Ba Lan. Cuộc biểu tình hoàn toàn bất bạo động nhưng hết sức cương quyết khiến cho quân đội và công an Ba Lan phải chùn bước, bỏ súng, chống lại lệnh đàn áp của thượng cấp.

Tôi rời Warsaw vào buổi sáng, trong lòng vẫn còn đầy ắp những hình ảnh về đất nước với một thủ đô mà cho tới 2 giờ sáng người ta vẫn còn nhìn thấy nhiều cặp trai gái dắt tay nhau đi trên hè phố, rồi dừng lại trước người bán hoa dạo, mua một bông hồng tặng người yêu, hay đứng lặng lẽ nghe một người hát dạo, tay lướt trên phím đàn phong cầm một tình ca dân gian quen thuộc của người Ba Lan.

Nhưng ngày Thứ Bảy, 10 tháng 4 vừa qua, tôi phải đón nhận một tin không hạnh phúc từ đất nước này. Mới 7 giờ sáng, vợ từ computer chạy vào thảng thốt: “Chết rồi anh ơi, toàn bộ chính phủ Ba Lan gồm tổng thống và những nhân vật quan trọng bị thiệt mạng do tai nạn máy bay.” Bật dậy, mở chiếc laptop trong phòng ngủ thì tin đã rất chi tiết. Tất cả 96 người, kể cả Tổng Thống Lech Kaczynski trên chiếc TU-154 cổ lỗ sĩ do Nga chế tạo không còn ai sống sót.

Tổng Thống Ba Lan cùng phái đoàn trên đường đến khu rừng Katyn để tham dự một lễ tưởng niệm gần 22.000 sĩ quan, binh lính, các nhân vật chính trị và trí thức Ba Lan bị Hồng Quân Liên Xô thảm sát khi Moscow đưa quân vào Ba Lan và bắt họ đưa về Nga. Ngày 5 tháng 3, 1940, Joseph Staline hạ lệnh cho Lavrenty Beria, giám đốc Cơ Quan Mật Vụ Nga, một người được nhân dân Âu Châu mệnh danh là “đồ tể” của Liên Xô, phải giết hết bằng bắn vào sọ từ phía sau gáy từng người một trong các trại tù do Liên Xô dựng lên trong khu rừng Katyn, nay thuộc Nga, gần phía Bắc Smolensk. Cơ Quan Mật Vụ Nga vào thời Stalin được gọi là Ủy Ban Nhân Dân Nội Chính, gọi tắt bằng tiếng Nga là NKVD, tiền thân của KGB sau này.

Năm 1943, Ðức Quốc Xã phát giác ra những nấm mồ tập thể ở Katyn, nhưng Liên Xô đều phủ nhận. Mãi cho đến năm 1990, dưới chế độ của Gorbachev, Moscow mới nhìn nhận là Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tàn sát người Ba Lan này, nhưng vẫn không thừa nhận đây là tội ác chiến tranh hay tội ác diệt chủng, điều mà cho đến nay, chính phủ Warsaw vẫn tiếp tục đòi Moscow phải xin lỗi.

Trên chuyến bay lâm nạn ở Katyn có cả Ðệ Nhất Phu Nhân Ba Lan, bà Maria Kaczynski, các tướng lãnh gồm Tổng tham mưu trưởng, các tư lệnh Lục quân, Hải quân Ba Lan, Không quân, Lực lượng không quân phục vụ trên bộ, Lực lượng đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan, Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan, Tuyên úy lục quân, Giám đốc an ninh quốc gia, hai Phó chủ tịch quốc hội Ba Lan, Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Ba Lan, 3 nhà làm luật cùng một số viên chức cao cấp khác.

Do Thủ tướng Donald Tusk, Bộ Trưởng Ngoại Giao, và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan không có mặt trên chuyến bay nên thiệt hại và tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia được giới hạn lại rất nhiều.

Ông Lech Kaczynski cũng là người từng hoạt động cho Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan và là người được dân chúng Ba Lan kính trọng, nhất là trong thời kỳ ông làm Ðô Trưởng Warsaw. Sau khi cuộc cách mạng Ba Lan lật đổ chế độ Cộng Sản thành công, ông sáng lập đảng Luật Pháp và Công Lý, viết tắt bằng tiếng Ba Lan là PiS. Ông đắc cử Thị Trưởng Warsaw và giữ chức vụ này từ 2002 cho đến ngày 22 tháng 12, 2005.

Khi ra tranh cử tổng thống, Lech Kaczynski phải đối đầu với một ứng cử viên còn rất trẻ, có khuynh hướng hữu phái ôn hòa là Donald Tusk thuộc đảng Civic Platform. Phải đến vòng thứ hai, ông Lech Kaczynski mới thắng ông Tusk với tỷ lệ trên 46%. Sau đó cả hai anh em ông, một người làm Tổng thống và một người làm Thủ tướng.

Khi cuộc Họp Mặt Dân Chủ của những người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Pháp, Ðức, Tiệp, Hungary, Ba Lan, Úc diễn ra tại Warsaw vào mùa Thu năm 2006, thì cuộc tranh cử quốc hội tại Ba Lan sắp bắt đầu. Ðảng của Thủ Tướng Jaroslaw Kaczynski đang bị đảng Civic Platform của ông Donald Tusk chỉ trích nặng nề vì không giải quyết được sự trì trệ kinh tế và vấn đề người nhập cư bất hợp pháp. Vì thế, theo chương trình dự trù, Thủ Tướng Jaroslaw Kaczynski có thể gặp phái đoàn Họp Mặt Dân Chủ tại Phủ Thủ Tướng, thì ông đã để cho vị bộ trưởng phủ thủ tướng đón tiếp, cũng tại phòng khánh tiết của Phủ Thủ Tướng.

Tuy là anh em sinh đôi, nhưng quan điểm của ông Lech Kaczynski và ông Jaroslaw Kaczynski không giống nhau, nhất là về khoản mở cửa thị trường tự do. Ông Jaroslaw muốn tiến hành các chương trình phát triển thị trường tự do mạnh mẽ hơn và nhanh hơn, trong khi ông Lech Kaczynski muốn rằng sự mở cửa phải được tính toán thận trọng, sao cho xã hội Ba Lan không bị băng hoại.

Nhưng trong cuộc bầu cử Quốc Hội Ba Lan vào năm 2007, đảng Civic Platform (tạm dịch là Diễn Ðàn Nhân Dân) của ông Donald Tusk đã thắng đậm đảng PiS của ông Jaroslaw Kaczynski. Hơn nữa, Civic Platform còn thu hút các liên minh chính trị nhỏ hơn trước đây thuộc đảng PiS về với mình, thành thử Tổng Thống Lech Kaczynski phải đề cử ông Donald Tusk đứng ra thành lập chính phủ. Ông Donald Tusk và nội các của ông tuyên thệ vào ngày 16 tháng 11, 2007 và sau đó 7 ngày, họ đã được Hạ Nghị Viện Ba Lan Sejm bỏ phiếu tín nhiệm.

Vốn là người ủng hộ mở rộng thị trường tự do và một chính sách ngoại giao chủ trương hòa giải với Liên Bang Nga, Pháp và Ðức, giải quyết dứt khoát tệ nạn nhập cư bất hợp pháp, hoàn tất các chương trình để mở đường vào việc gia nhập Liên Âu, Thủ Tướng Donald Tusk là người đang cố gắng đưa Ba Lan thoát hẳn ra khỏi thời kỳ hậu Công Ðoàn Ðoàn Kết, để phát triển Ba Lan cho kịp bước chân của các nước trong Liên Âu.

Hiện vẫn còn quá sớm để phán đoán xem liệu sau cái tang lớn của dân tộc Ba Lan, đất nước này có thể rơi vào những khoảng trống chính trị hay không, nhưng ngay như cựu chủ tịch Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan Lech Walesa cũng phải tuyên bố ở Gdansk rằng, thảm kịch vừa xảy ra đã làm cho mọi người Ba Lan “rụng rời chân tay và tê cóng.” Ông nhấn mạnh rằng sự mất mát lớn lao ấy không có gì bù đắp được, bởi vì ông Lech Kaczynski vẫn là biểu tượng cho tiếng nói và ý chí của hàng triệu thanh niên ở hải cảng Gdansk cách đây gần 20 năm.

Vâng, những ai từng có dịp ghé thăm đất nước này, từng có dịp nói chuyện với người dân Ba Lan, từng bước vào những nơi ghi những dấu mốc lịch sử từ thời trung cổ cho đến bây giờ, chắc không thể phủ nhận được rằng cái nôi của nền văn minh Slave ấy tràn đầy những chứng liệu cho thấy không một điều xấu xa nào cứ mãi chìm trong bóng tối. Ngày nay, có thể có những giai đoạn người Ba Lan vẫn còn phải khắc khoải tìm kiếm ý nghĩa của một đời sống có tự do, nhân phẩm, nhưng tinh thần của cuộc cách mạng 1989 ở Ba Lan vẫn tiếp tục chiếu sáng những bài học, không phải chỉ cho dân tộc Ba Lan mà cho tất cả các dân tộc nào đang phải sống trong áp bức và nhân quyền đang bị chà đạp. (V.A.)

.

Nguồn: Báo Vietherald – Lê Diễn Đức hiệu đính lại vài chi tiết cho chính xác và minh họa thêm hình ảnh trong bài.

******

Đôi lời tâm sự:

Bài trên đây tôi nhận được qua email được do một người Việt chuyển link cho với nội dung như sau:

Thành thật chia buồn cùng nhân dân Ba Lan trước tai nạn thảm khốc đã xảy ra cho Tổng thống Ba Lan và Đệ nhất Phu nhân cùng đoàn tùy tùng – Một người Việt vô danh“.

Được biết Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã gửi Thư Hiệp Thông cho Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Ba Lan chia buồn với Giáo hội Công giáo Ba Lan và nhân dân Ba Lan. Trang báo điện tử Dòng Chúa Cưu Thế đã đăng tải bài của tôi viết về tai nạn này.

Tôi cũng rất xúc động khi nhận được email của các con từ Australia và Hoa Kỳ, của một số bè bạn thân thiết khác ở Ba Lan, Australia, Mỹ, Đức, Pháp chia buồn.

Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người và cả những bạn đọc trên Weblog của tôi trong các ý kiến dưới bài viết – những người Việt giàu lòng nhân ái và nhân bản.

Lê Diễn Đức

.

.

.

No comments: