Monday, April 5, 2010

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO DÂN BÁO VIỆT NAM

Sự phát triển của phong trào dân báo Việt Nam

Đài Chân Trời Mới

Ngọc Kim thực hiện

http://radiochantroimoi.wordpress.com/2010/03/31/su-phat-trien-cua-phong-trao-dan-bao-viet-nam/#respond

Các bạn thân mến, ngày 12-3-2010 vừa qua đã được Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới RSF, có trụ sở tại Pháp chọn là “Ngày Thế Giới Chống Kiểm Soát Internet”. Và đi xa hơn nữa, một tổ chức bất vụ lợi về truyền thông mạng đặt tại Mã Lai có tên là South East Asian Center for eMedia, viết tắt là Seacem, tạm dịch là Trung tâm Truyền Thông Mạng Đông Nam Á, vừa tuyên bố rằng nếu blogger tại Việt Nam gặp khó khăn, thì hãy đến với họ để nhận trợ giúp.

Ông Sean Ang, Giám đốc điều hành Seacem, cho biết họ sẽ giúp đỡ truyền thông độc lập, huấn luyện cho blogger và các nhà báo công dân. Seacem sẽ giúp các blogger tìm hiểu về các kỹ thuật làm thế nào để tránh sự phát hiện của chính phủ, xây dựng các liên minh, và tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế.

Ông Sean Ang cho biết: Chúng tôi giúp các bloggers bảo vệ chính kiến của họ, vì hiện nay vẫn còn những chủ đề cấm đoán mà các blogger không được đụng tới - như quảng bá các ý tưởng tự do, dân chủ, đa đảng - cũng như bị nhà cầm VN cho rằng các blogger thách thức quyền lãnh đạo của họ.

Để chúng ta có dịp tìm hiểu sâu rộng hơn về phong trào dân báo đang nở rộ tại VN trong thời gian vài năm qua, Kim đã mời được ông Vũ Quí Hạo Nhiên, hiện là tổng thư kỳ nhật báo Người Việt, là một trong những tờ báo lớn nhất tại Nam California, và có lẽ cũng là tở báo lớn nhất của cộng đồng Việt Nam Hải ngoại hiện nay. Kim xin mời anh Hạo Nhiên.

Vũ Quí Hạo Nhiên: Xin chào Kim và chào quí thính giả của đài Chân Trời Mới.

Ngọc Kim: Kim rất hân hạnh được tiếp xúc với anh Hạo Nhiên trong chương trình hôm nay. Thưa anh, như Kim vừa trình bày, xin anh cho biết sự phát triển của phong trào dân báo trên thế giới như thế nào? Vị thế của nó ra sao so với các phương tiện truyền thông thông thường khác như báo giấy, truyền thông, truyền hình?

Vũ Quí Hạo Nhiên: Phong trào viết dân báo hay viết blog nở rộ ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng gì ở Việt Nam hay ở Trung Quốc hay là những nơi mình thường nghe nói tới trên đài tin tức. Như ngay ở Mỹ chẳng hạn, cũng có rất nhiều nguồn tin lấy được từ blog, thí dụ như có một blog rất nổi tiếng về chính trị như Politico.com. Đó cũng là một blog do nhiều người viết. Nó không phải là truyền thông theo nghĩa “traditional”, theo xưa nay vẫn nghĩ như là báo mạng, truyền hình, truyền thanh, v.v… Blog khác với báo mạng là nó không có một cơ cấu tòa soạn như là một tờ báo điện tử khác và cách người ta viết cũng khác. Cách người ta viết có tính cách cá nhân hơn, cho nên người ta mới gọi là dân báo. Tiếng Anh có chữ “citizen journalism”, là báo chí do người công dân làm ra. Người nào thì cũng là công dân, cho nên khi dùng chữ công dân đó, người ta có ý nhấn mạnh là người ta thể hiện cái quyền công dân và bổn phận công dân của người viết blog.

Ngọc Kim: Xin anh cho biết cộng đồng VN, nhất là ở hải ngoại đã đón nhận phong trào dân báo ra sao cũng như là trong nước đã tham gia vào phong trào dân báo như thế nào?

Vũ Quí Hạo Nhiên: Ở hải ngoại thì việc viết blog không nở rộ như trong nước. Trong nước người ta viết blog rất nhiều với nhiều đề tài khác nhau. Mình hay nghe nói blog về chính trị, nhưng không phải blog nào cũng về chính trị. Có rất nhiều blog có những đề tài về kinh tế, ca nhạc, văn nghệ, văn học. Nhưng blog chính trị cũng được chú ý nhiều là vì nó bị cấm, và chính vì bị cấm nên người ta chú ý. Lý do bị cấm là vì nó nói lên những điều mà báo chí truyền thống ở trong nước không nói lên được. Cũng một người đó viết cho tờ báo thì phải viết theo đúng giới hạn của chính quyền; sau đó về nhà thì người này viết blog, viết ra những sự thật mà không được nói tới.

Ngọc Kim: Theo anh nhận xét thì phong trào dân báo có đem đến những thay đổi gì cho người Việt trong nước, nói đúng hơn là cho các bạn trẻ và cộng đồng trí thức ở VN?

Cũng một người đó viết cho tờ báo thì phải viết theo đúng giới hạn của chính quyền; sau đó về nhà thì người này viết blog, viết ra những sự thật mà không được nói tới.

Vũ Quí Hạo Nhiên: Phong trào viết blog đem đến một thay đổi lớn nhất, là đem đến một luồng thông tin mà không tìm thấy ở chỗ khác. Người ta có thể vào xem báo chí truyền thống, báo chỉ hải ngoại, ví dụ như trang web của đài BBC tuy không bị chặn ở Việt Nam, nhưng ngay cả trang web BBC cũng có giới hạn là về nhân lực. Cũng chỉ có chừng ấy người nên cũng chỉ có thể đưa được chừng ấy tin. Trong khi đó thế giới blog thì bất cứ ai cũng có thể viết một cái blog, bất cứ ai cũng có thể làm một người viết dân báo cho nên nó có thể có một ngàn người cùng nói, cùng làm; cho nên có những nguồn thông tin nếu mà không có blog thì người ta đã không được nghe thấy. Đừng nói chi đến người trẻ, mình có thể nhìn một tấm gương là ông nhạc sĩ Tô Hải. Cuốn sách hồi ký “Một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải là gom góp những bài ông viết trên blog của ông. Đó là những luồng kiến thức về thời một ngàn chín trăm bốn mươi mấy, năm mươi mấy, sáu mươi mấy, bảy mươi mấy ở miền Bắc cũng như ở trong miền Nam sau này. Nếu mà không có cái blog của nhạc sĩ Tô Hải thì sẽ không có ai biết được chuyện đó. Thế hệ sau không biết thế hệ trước ra làm sao, mà ngay cả nhạc sĩ Tô Hải cũng viết luôn cả những việc đang xảy ra bây giờ: Một ông cụ bảy mươi mấy, gần tám mươi tuổi, đi tham gia biểu tình chống Trung Quốc bị công an chận lại ra làm sao; ông chứng kiến những bạn trẻ bị công an ngăn chận ra làm sao... Đó là những luồng thông tin mà nếu không có blog thì không ai có được.

Ngọc Kim: Phải nói dân báo là một trong những phương tiện đấu tranh trong thời đại mới mà các nhà dân chủ và rất nhiều các phong trào dân chủ trên thế giới đã dùng trong công cuộc đấu tranh của họ. Xin anh cho biết nó đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh tại VN như thế nào?

Vũ Quí Hạo Nhiên: Phải nói là phong trào đấu tranh bằng blog ở Việt Nam là một trong hai phong trào đấu tranh được thế giới quan tâm nhất. Đây là nói riêng về vấn đề blog; Việt Nam là một, Iran là hai. Hai nơi mà vì chính quyền giới hạn thông tin cho nên người dân dùng internet, dùng dân báo, dùng blog để làm phương tiện chuyển tải thông tin đến cho nhau, cũng như cho thế giới bên ngoài biết. Cho nên không lạ gì khi mà Liên Hiệp Quốc muốn đưa ra một trường hợp điển hình về một blogger bị đàn áp thì người ta nghĩ ngay đến một blogger Việt Nam là anh Điếu Cày. Điều đó chứng tỏ rằng không những ở trong nước [VN] nghĩ rằng blog là một phương tiện đấu tranh lợi hại, mà cả thế giới cũng nhìn thấy điều đó và người ta thấy rõ ràng nhất là ở Iran và ở Việt Nam.

Phải nói là phong trào đấu tranh bằng blog ở Việt Nam là một trong hai phong trào đấu tranh được thế giới quan tâm nhất.

Riêng ở Việt Nam mình có thể nhớ lại rằng ngày xưa vào tháng 12 năm 2007, khi mà thanh niên sinh viên xuống đường phản đối Trung Quốc âm mưu lập ra huyện Tam Sa để cai trị vĩnh viễn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những lời kêu gọi biểu tình đó đến từ các blogger, một người nói rồi lan ra thành mười người, lan ra thành trăm, lan ra thành ngàn. Đó là một thí dụ. Một thí dụ nữa là vụ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị vu cáo cho tội đánh người. Bên phía công an công bố ra một tấm hình của một người gọi là nạn nhân của hai vợ chồng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Nhưng mà chính các bloggers là những người đã lấy tấm hình đó đưa vào phân tích và cho thấy rõ đây là một tấm hình đã bị chỉnh sửa bằng photoshop. Đó là tấm hình giả mạo do công an đưa ra và được các báo chí đăng lại.

Thành ra ảnh hưởng của blogger rất là cao và tầm lợi hại rất là lớn, vì đảng Cộng Sản có thể đấu với một đảng đối lập, hai đảng đối lập hoặc là mười đảng đối lập. Nhưng không thể nào mà một đảng cộng sản có thế đấu lại được với 80 triệu người dân Việt Nam. Trong đó cứ lấy rẻ là có 800 ngàn người viết blog, là một phần trăm; hay là lấy rẻ nữa đi, là 8 ngàn người viết blog không thôi, là đảng cộng sản không thể nào bịt miệng, bịt tai, bịt mắt tất cả những người đó được.

Ngọc Kim: Và họ cũng sẽ không bao giờ kiểm soát được hết tất cả các blog đó được phải không anh?

Vũ Quí Hạo Nhiên: Họ sẽ cố gắng kiểm soát những blog mà họ kiểm soát được. Thí dụ như trường hợp nhà báo Huy Đức với trang blog Osin, một trang blog không hề đụng chạm gì về đến quyền lợi của đảng Cộng Sản. Trang blog Osin không hề đòi hỏi đa nguyên đa đảng, không hề đòi hỏi bỏ điều 4 hiến pháp, không hề đòi hỏi đảng cộng sản làm gì khác ngoại trừ đừng tham nhũng và làm kinh tế có hiệu quả. Chỉ có vậy thôi mà họ đã chặn trang blog đó, họ hack vô rồi phá. Họ muốn phá lắm. Ai họ phá được thì họ phá, nhưng mà không cách nào họ phá được. Đảng cộng sản dù quyền lực đến đâu cũng không thể nào chặn được hàng ngàn, hàng chục ngàn trang blog.

Ngọc Kim: Dạ vâng, thưa anh, với tư cách là một người làm báo lâu năm, anh có lời khuyên gì cho những nhà dân báo không?

Vũ Quí Hạo Nhiên: Tôi sống ở Mỹ thì tôi cũng không dám bạo gan đi khuyên những người viết blog ở Việt Nam nên làm thế này hay nên làm thế kia. Nếu tôi làm như thế thì có vẻ như tôi quá đáng. Nhưng nếu Kim hỏi riêng về vấn đề chuyên môn thì có những chuyện có thể làm cho những trang blog mình ăn khách hơn, như cách đặt tựa hay nên có hình ảnh, nên có âm thanh, nên có video, những cái đó với trang như wordpress.com chẳng hạn. Với trang này mình có thể tải về các application, những plug-in miễn phí để có thêm slide show, có thêm audio, có thể dùng youtube để có thêm video… Những chuyện kỹ thuật như thế thì tôi cũng có thể góp ý được nên có hình ảnh sao cho bắt mắt v.v… Nhưng riêng về lối hành xử làm sao trong một xã hội mà đang bị đảng cộng sản kiểm soát và soi mói rất là kỹ càng thì tôi không dám khuyên gì cả. Vì họ biết rành hơn tôi nhiều.

Ngọc Kim: Cám ơn anh. Được biết anh cũng là một nhà dân báo với trang facebook cũng như một trang mạng khác. Nếu các bạn nghe đài muốn liên lạc với anh, hoặc muốn vào trang blog của anh thì họ có thể liên lạc với anh bằng cách nào? Xin anh cho địa chỉ.

Vũ Quí Hạo Nhiên: Ngày xưa thì tôi có trang blog trên yahoo360. Khi mà yahoo đóng dịch vụ 360 thì tôi chuyển tất cả bài vở và comment qua trang Multiply, nhưng tôi chỉ chuyển qua thôi chứ tôi không viết trang blog đó nữa. Tôi có một trang blog tiếng Anh chuyên đề về cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ. Trang blog đó tên là Bolsavik.com. Tôi rấy vui vẻ được tất cả những bạn bè trong nước và những người chưa quen liên lạc qua trang blog thì tôi rất là vui.

Ngọc Kim: Kim thành thật cảm ơn anh Hạo Nhiên đã dành cho chương trình chúng tôi buổi phỏng vấn hôm nay. Các bạn thân mến, phong trào dân báo đã đem đến cho các bạn những thay đổi gì? Kim rất mong được nghe ý kiến của các bạn, xin các bạn thư về cho Kim qua địa chỉ lienlac@radiochantroimoi.com.

Kim thân mến chào các bạn, xin chúc các bạn một ngày thật vui và hẹn gặp lại các bạn trong lần phát thanh tới.

.

.

.

No comments: