Phim ‘mừng’ 1000 năm: Om sòm và lặng lẽ!
Hồng Hà
Đăng bởi bxvnpost on 04/04/2010
Giáo sư Nye nổi tiếng với thuyết Quyền lực mềm đang dần thay thế những quyền lực “cứng”. Chiến tranh nóng đi qua, chiến tranh lạnh cũng vào quá khứ. Những cuộc xâm lược nóng và cứng phải chăng đang dần thế bằng những cuộc “xâm lược lạnh và mềm”?
Những màn đấu thầu đóng kịch, để rồi dâng gói thầu cho chủ thầu Trung Quốc như dự án khai thác bauxite Nhân cơ. Cùng với nhiều dự án thầu khác mà phía Trung Quốc nhận lãnh trên địa bàn Việt Nam, lũ lượt đoàn quân lao động phổ thông tràn ngập khắp công trường không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm. Rồi lại mới đây xì ra chuyện động trời khác, hàng trăm ngàn héc-ta rừng phòng hộ, rừng chiến lược đã được các quan địa phương lặng lẽ ký cho các công ty của Trung Quốc thuê dài hạn tới 50 năm. Trên mặt trận truyền thông, cứ bật bất kỳ một kênh ti-vi nào của Truyền hình Việt Nam lên, cũng thấy toàn là phim Trung Quốc chiếm đại đa số thời lượng phim. Tranh cổ động cho Quân đội nhân dân Việt Nam thì sử dụng hình ảnh quân đội Tàu, tranh cổ động cho an toàn lao động thì lấy tranh cổ động cho Mao tuyển!!!
Một nghìn năm Thăng Long, một nghìn năm dựng lại sử tích hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông, các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam hình như lại đang lại dấn thêm một bước cho người Việt học “sử Trung Quốc” – bây giờ là sử Trung Quốc ở trang phục, phong cảnh, tập tục, kiến trúc giằng dịt lấy truyện tích, nhân danh, địa danh Việt Nam
Đô hộ là gì, xâm lược là gì nếu không phải là đem áp đặt những quyền lực, lề thói, sinh hoạt của mình lên một quốc gia độc lập khác? Nếu hiểu như thế thì đâu cần cứ phải “tiền pháo hậu binh” đem quân chiếm đóng thì mới gọi là xâm lược, và đâu cứ phải sống trên một nước không có sự áp đặt quân sự từ một nước khác thì mới gọi là không bị đô hộ.
Chúng ta đang ở trong hiểm họa của một cuộc “xâm lược mềm” từ phương Bắc mà chính con người của chúng ta tự nguyện làm những “Lê Chiêu Thống thời nay” chứ không ai khác!
Bauxite Việt Nam
-------------------------------
(Toquoc)- Khác với các dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đều được tung hô rầm rộ, các dự án làm phim mừng sự kiện lớn này lại được tiến hành một cách âm thầm, lặng lẽ. Và sự bí ẩn của các bộ phim khiến khán giả phấp phỏng, liệu những bộ phim dã sử có được như kỳ vọng?
Sợ “nói trước bước không qua”
Thực ra, những phim chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng có thời kỳ được quảng bá… hoành tráng. Đầu tiên phải kể đến dự án phim truyện nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn. Ê kíp làm phim đã tổ chức báo cáo cách thức thực hiện (có mời báo chí tham gia), dự trù kinh phí… Chưa hết, dự án ước chừng 200 tỉ này còn bị chính những người trong cuộc lên tiếng cãi nhau, thậm chí đăng đàn trên báo chí rất lớn tiếng để giành quyền được làm, rằng kịch bản đoạn này của anh A, đoạn kia của anh B….
Nhưng chính sự “công khai”, “mở” trong cách thực hiện đã khiến bộ phim bị “giãn tiến độ” do áp lực từ sự không đồng thuận của dư luận vì kinh phí quá lớn?
Bài học của dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn đã khiến các nhà làm phim thận trọng hơn. Và với quyết chí có được phim cho dịp Đại lễ, những dự án phim tiền tỉ vẫn tiếp tục tiến hành trong lặng lẽ. Có điều, chất lượng của nó thế nào thì không ai dám khẳng định.
Và họ đã chọn cách: công khai cho công chúng biết là đang làm phim nhưng không công khai là làm thế nào. Khi phim ra đời, khen chê cũng là sự đã rồi!
Thường thì các nhà làm phim luôn công khai, thậm chí còn tạo scandal để thu hút sự quan tâm của công chúng nhằm PR cho bộ phim mà họ thực hiện. Ở ta, “chiêu” này cũng đang được thực hiện ngày một nhiều. Nhưng các bộ phim dã sử thì hầu hết đều được giữ bí mật nhằm tránh sự làm phiền, soi mói của báo chí và dư luận, đặc biệt là với các phim thực hiện bằng kinh phí nhà nước.
Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long là một trong những bộ phim như thế. Phim được bấm máy ngày 13/12/2009 và cuối tháng 3 này, các cảnh quay được hoàn tất. Nhưng ngoại trừ thông tin Á hậu Thụy Vân cung cấp về vai diễn của cô và một số hình ảnh của đoàn làm phim ở Trung Quốc được đăng tải, Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long vẫn được phủ trong bức màn bí mật. Đại diện của đoàn phim lý giải, từ trước đến nay có rất nhiều bộ phim làm về vua Lý Công Uẩn được hứa hẹn sẽ trình chiếu vào dịp đại lễ, nhưng chưa tác phẩm nào thực sự khả thi. Điều này khiến cho đoàn phim rất băn khoăn, e “nói trước sẽ bước không qua” nên đã quyết định không công bố toàn bộ thông tin trước khi bộ phim hoàn thành. Bảo mật là một điều khoản trong bản hợp đồng khi làm việc với các bộ phận của đoàn làm phim.
Tiếp đến là bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc). Nghe đâu bộ phim hiện đã hoàn thành, tuy nhiên, Thái sư Trần Thủ Độ cũng ẩn chứa nhiều bí mật không được lý giải gây hồ nghi cho khán giả. Khi bộ phim bắt đầu được thực hiện, chúng tôi đã liên lạc với NSƯT Tất Bình để tìm hiểu về việc làm phim nhưng ông cho biết: “Chưa thể thông tin vì “cấp trên” ngại nhiều ý kiến bàn tán”.
Sau đó, Á hậu Thiên Lý từ chối tiếp tục vai diễn Trần Thị Dung vì lý do cảnh nóng cũng không nhận được thông tin chính thức từ phía đoàn làm phim. Đạo diễn Đào Duy Phúc và “ông bầu” Tất Bình vẫn không chịu lên tiếng, chỉ để NSND Lan Hương (vai Đàm hoàng hậu) và các diễn viên khác lên thanh minh rằng, diễn viên không hề phải đóng cảnh nóng.
Minh họa tiêu biểu nhất cho việc nói là làm phim, nhưng làm thế nào không ai biết chính là bộ phim Khát vọng Thăng Long. Có họp báo để thông tin là bộ phim đang chuẩn bị được làm, nhưng giờ họp bị lùi lại cả tiếng đồng hồ. Sau đó, ê kíp làm phim không thấy ai ngoài đạo diễn Lưu Trọng Ninh xuất hiện. Vị đạo diễn này sau đó cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo giới. Thậm chí, diễn viên chính sẽ là những ai cũng không được thông tin rộng rãi. Cũng bí mật như Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long, thậm chí, tất cả những người tham gia dự án phim Khát vọng Thăng Long đều phải ký vào một bản quy chế về bảo mật nên mọi thông tin đưa ra bên ngoài đều phải được một ban truyền thông duyệt và thông qua, ngay cả đạo diễn Lưu Trọng Ninh muốn trả lời báo chí cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Nhưng hiện nay, bộ phim vẫn đang dừng ở con số không tròn trĩnh vì vướng vụ nhà biên kịch Đỗ Minh Tuấn kiện vi phạm tác quyền.
Người dân sẽ không hiểu vì sao, những bộ phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ đóng góp của nhân dân, chào mừng sự kiện lớn của dân tộc mà lại phải kín như bưng thế!
Và “hồn Ta da…Trung Quốc”!
Rất nhiều dự án làm phim lịch sử nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội như thể từ trước tới nay, chúng ta không hề khát phim sử mà chỉ dịp này mới cần đến. Vì thế, dẫu công chúng đã quá ngán những dự án làm phim lịch sử lùng bùng với kiện tụng, tranh cãi, thì nhiều phim vẫn được lặng lẽ làm và đã hoàn thành. Tuy nhiên, không nhiều người kỳ vọng vào chất lượng các bộ phim dã sử của ta được thực hiện bởi “cái bóng” người khổng lồ phim dã sử Trung Quốc quá lớn.
Gần tới ngày hoàn thành, Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long đã hé lộ những bức ảnh chụp đoàn làm phim. Và người xem không khỏi sửng sốt, sao giống sử Trung Quốc quá vậy. Từ trang phục, cách trang điểm, đến ngựa xe…Khá nhiều độc giả khi vào trang web đăng tải các hình ảnh này đã bình luận rằng: “Không hiểu là phim lịch sử của ta hay cảnh phim thời Chiến quốc của Trung Quốc nữa”.
Toàn bộ các cảnh quay của phim Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Triết Giang, Trung Quốc). Đạo diễn phim (Cận Đức Mậu) cũng là người Trung Quốc, ông cũng là đạo diễn bộ phim không xa lạ với khán giả Việt: Tuổi trẻ của Bao Thanh Thiên. Tuy nhiên, êkíp thực hiện cho rằng phim vẫn mang đậm hồn Việt bởi tinh thần phim và diễn xuất của các diễn viên (?!).
Bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ cũng tương tự. Cách tạo hình nhân vật của Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung thủa còn là thôn nữ không khác gì các cô gái Trung Hoa đã quá quen thuộc với khán giả Việt. Rồi trang phục của Đàm Hoàng hậu (NSND Lan Hương) sao na ná của Võ Tắc Thiên. Và cảnh Thái tử Sảm xuất hiện trong hoàng cung, nếu nhìn qua có lẽ ai cũng ngỡ là một vị Thái tử một triều đại nào đó của thời phong kiến Trung Hoa.
Nhà báo Nguyễn Lưu – người nổi tiếng mê phim dã sử Trung Quốc, từng được Đài PT&TH Hà Nội mời bình luận phim Tam Quốc diễn nghĩa thời kỳ bộ phim này được phát sóng chia sẻ: “Phim sử Trung Quốc quá hay và sức ảnh hưởng quá mạnh trong đời sống người Việt do chúng ta đã xem quen rồi. Một thời các nhà sử học, các nhà giáo, báo chí đã lên tiếng trẻ em ta thuộc sử Trung Quốc hơn sử ta là do ảnh hưởng của phim ảnh. Mà phim của họ nói về thời kỳ nào là ra thời kỳ đó, dù không phải cùng một tỉnh, một hãng làm phim. Chúng ta muốn làm đúng và hay thì phải nghiên cứu, chứ không thể vội vã làm bằng cách nhờ họ thế được. Chắc chắn, ảnh hưởng từ phía họ là không ít”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên thông cảm và không quá soi mói vào việc làm phim lịch sử hiện nay. “Chúng ta đang học làm, mới bắt đầu làm nên không tránh được việc vay mượn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tự chủ và đầu tư sâu hơn cho việc tìm tư liệu lịch sử của mỗi thời kỳ. Hiện giờ chúng ta không biết trang phục, ngựa xe… của thời Lý, trước đó là thời Đinh, Tiền Lê…vấn đề là cần có các nhà sử học đi bên cạnh đoàn làm phim, cố vấn cho họ”.
Sự tư vấn của các nhà sử học là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, hiện các nhà làm phim của ta lại không thực hiện làm phim sử từ cố vấn của các nhà sử học trong nước. Vì thế, không thể đảm bảo rằng, các bộ phim ra mắt công chúng, có bao nhiêu phần trăm là phim Việt.
NSND Đặng Nhật Minh cho hay, sở dĩ ông đứng ngoài các phim lịch sử chào mừng 1.000 năm vì thấy chưa đủ sức làm và sợ những tranh cãi om sòm trên báo chí.
Càng tranh cãi nhiều, dư luận càng lo ngại về chất lượng các bộ phim dã sử do chúng ta chưa có tiền lệ làm được bộ phim nào khả dĩ. Câu hỏi đặt ra là, sau những dự án làm phim chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long, dòng phim dã sử của Việt Nam sẽ đi về đâu, những người làm phim có tiếp tục làm phim lịch sử? Nếu tiếp tục làm thì chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Bài toán này dù khó nhưng nhất thiết phải được đặt ra, chứ không thể mãi “ăn xổi” theo kiểu đến một dịp nào đó, lại cầm tiền chạy sang thuê một ông đạo diễn Trung Quốc làm hộ và sang Hoành Điếm để quay nhờ…/.
Điểm qua những bộ phim lịch sử chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội:- Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long (phim truyền hình, 12 tập, được biết sẽ chuyển thành phim nhựa một tập), đã thực hiện xong. Hoàn toàn thực hiện tại Trung Quốc, kinh phí không được tiết lộ nhưng cũng ước chừng vài chục tỷ.
- Thái sư Trần Thủ Độ (phim truyền hình 30 tập, đạo diễn Đào Duy Phúc, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn) đã hoàn thành, cũng thực hiện phần lớn tại Hoành Điếm, Trung Quốc. Kinh phí 53 tỷ đồng.
- Khát vọng Thăng Long (phim nhựa, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) họp báo công bố dự án 50 – 60 tỷ đồng nhưng chưa khởi động vì đang bị đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khiếu nại về tác quyền.
- Thái tổ Lý Công Uẩn (phim truyền hình, tác giả Thiên Phúc) đang tìm kiếm sự hợp tác với Công ty Cát Tiên Sa.
- Chiếu dời đô (phim nhựa, tác giả Triệu Tuấn, Hãng Hodafilm) đang tìm kiếm tài trợ.
- Long Thành cầm giả ca (phim nhựa, tác giả Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng) đang làm hậu kỳ, kinh phí 8 tỷ đồng.
-Vó ngựa trời Nam (37 tập, Đạo diễn Lê Cung Bắc, Biên kịch Phạm Thuỳ Nhân) do hãng phim TFS thực hiện đã phát sóng trên HTV7 từ 27/3. Phim nói về cuộc đời của vị tướng Huỳnh Văn Nghệ.
- Về đất Thăng Long (35 tập), Anh hùng Trương Định (25 tập), Hỏa hồng Nhật Tảo, Kiếm bạt Kiên Giang (phim nhựa) đều của tác giả Phạm Thùy Nhân, đang tìm kiếm tài trợ.
- Huyền sử thiên đô (70 tập, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Phạm Thanh Phong) do Công ty Sao Thế Giới sản xuất, dự kiến bấm máy vào cuối tháng 4 tới, kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.
- Tây Sơn hào kiệt, phim nhựa (Đạo diễn Lý Huỳnh) kinh phí 12 tỷ đồng, hoàn toàn của cá nhân đạo diễn Lý Huỳnh, sẽ khởi chiếu vào dịp 30/4 tới.
Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Cua-So-Van-Hoa/Phim-Mung-1000-Nam-Om-Som-Va-Lang-Le.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment