Wednesday, April 7, 2010

NGÕ HẸP ĐỜI CÔNG NHÂN

Ngõ hẹp đời công nhân: 1 giờ làm = 1 que kem

Apr 7, '10 10:18 AM

http://anhbasg.multiply.com/journal/item/1440

Đọc bài này lại nhớ ông Đảng viên ưu tú còn dư 26 lô đất bạc tỷ đang rao bán ở Đồng nai, chắc chắn là ổng xa lạ với đời sống công nhân thế này lắm.

Lại vẫn chưa quên chuyện chuyên cơ đi rước báu vật ngọc Xá lợi cùng một đội quân xe Hummer, Limousine...và cái chùa Bái Đính xây hết cả núi tiền chả biết nhà đầu tư là đại diện của giai cấp nào.

Xin thắp một nén hương trầm để thỉnh các ông Mác ông Lê bác Hồ bác Tôn về đây mà xem giai cấp công nhân mà các ông đại diện đang bị bóc lột thế nào !

***********

Hàng chục vạn lao động rời bỏ nông thôn đến những thành phố lớn làm công nhân, mong đổi đời. Nhưng đồng lương nhận được quá thấp cùng giá cả đắt đỏ nơi đô thị đang đẩy họ vào ngõ hẹp. Chuyện tưởng như đùa, nhưng là sự thật hiển nhiên ở nhiều đô thị lớn và tồn tại từ nhiều năm nay.

Nguyễn Thị L. (26 tuổi, quê Quảng Trị) được nhận vào làm công nhân (CN) may mặc của một công ty nằm trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) từ đầu năm nay, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. “Thấy phía trước công ty treo bảng thông báo mức lương khởi điểm trên 2 triệu đồng nên em nộp đơn xin vào làm. Ai ngờ, vào rồi họ “khoán” cứ mỗi giờ làm việc được 5 ngàn đồng, sau 3 tháng kiểm tra tay nghề nếu đạt thì lên 7 ngàn đồng”, L. kể và tâm sự: “Thấp anh nhỉ? Bọn em con gái đứa nào chả thích ăn vặt, nhưng từ khi vào làm công nhân sở thích này bỏ hẳn, vì chỉ mua cây kem là mất đứt 1 giờ làm rồi. Em tính làm tạm vài tháng, rồi kiếm chỗ nào có mức lương đỡ hơn một chút, chứ mỗi tháng 1,2 triệu đồng thì làm sao sống nổi ở đất này vì còn tiền nhà trọ, tiền ăn uống, chi phí hằng ngày…”

Không đủ sống

Mức lương như của L. đúng là khó có thể sống được ở những khu đô thị như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương hay Đồng Nai… Làm CN Công ty may TL (KCN Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) 9 năm, đến nay mức lương của H. đạt hơn 1,6 triệu đồng/tháng (tháng nào tăng ca thì được hơn 1,7 triệu đồng). “Với số tiền này, mỗi tháng em phải trả 275.000 đồng tiền thuê nhà (H. ở chung với một người khác – PV), tiền ăn sáng mất 8.000 đồng, cơm trưa ăn ở công ty, bữa tối phải góp 12.000 đồng mới đủ, rồi nào là tiền điện nước, tiền gas, tiền đám cưới, sinh nhật… Tháng nào lãnh lương ra cũng chỉ vừa đủ sở hụi. Gần đây, giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt, chủ nhà lại thông báo tăng giá điện, nước…, không biết sẽ chi tiêu ra sao nữa”, H. than thở.

Theo H., lương trước năm 2010 của cô trung bình chỉ 1,5 triệu đồng, nhưng chi tiêu “dễ thở” hơn bây giờ. “Khi nghe Chính phủ tăng lương (bắt đầu từ 1.1.2010 – PV), thu nhập của bọn em cũng được tăng lên chút ít nhưng giá nhiều mặt hàng tăng chóng mặt. Tiền phòng lúc trước chỉ khoảng 150.000 đồng/người, nay lên 275.000 lại còn đòi tăng nữa. Trước ăn sáng chỉ mất 4.000 đồng/tô hủ tíu, giờ gấp đôi rồi. Tiền chợ buổi chiều từ 8.000 đồng cũng phải nâng lên 12.000 đồng mà bữa ăn cứ teo tóp lại”, H. tính toán.

Người độc thân là vậy, với những công nhân lập gia đình, sinh con thì khó khăn còn gấp bội. Giờ tan ca, hàng ngàn CN của Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) tạt vội vào chợ mua thức ăn cho buổi chiều. Điều dễ nhận ra, hầu hết trên tay họ chỉ lủng lẳng bó rau, ai sang hơn thì bọc vài cái trứng, miếng thịt mỏng… Trong dòng người vội vã, chúng tôi gặp Trần Thị Th. đang dẫn đứa con gái từ trường mẫu giáo về, trên tay cầm bó rau muống kèm theo 3 quả trứng vịt. Quê ở Hải Dương, Th. cùng chồng vào làm công nhân ở Pouchen hơn 9 năm. Làm lâu năm, nên mức lương của chị cũng thuộc dạng khá cao so với mặt bằng chung (hơn 2,5 triệu đồng), cộng với lương của người chồng, tất thảy hơn 5 triệu đồng. Tưởng rằng thu nhập của 2 vợ chồng có thể dư dả, ai ngờ Th. than: “Nói thiệt, tụi em có 2 cháu, nhưng phải gửi về quê cho người bác ruột nuôi giúp một đứa vì thu nhập hiện nay chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống cho 3 người”. Th. làm phép tính: “Tiền nhà trọ lâu nay bọn em phải trả 350.000 đồng/tháng, mấy hôm nay bà chủ kêu ca “vật giá leo thang” đòi kỳ tới tăng thêm 150.000. Tiền điện nước cũng được thông báo, tháng 3 này bắt đầu tăng. Đứa con gái đi học cũng mất 1 triệu đồng (tính luôn tiền sữa). Chi phí ăn uống, xăng xe… mỗi tháng mất từ 2-3 triệu đồng. Nói chung, thu nhập hằng tháng chỉ vừa đủ sống, không dư được đồng nào. Nhiều lúc muốn mua cho con đồng quà tấm bánh cũng phải đắn đo lắm”.

Chị Nguyễn Thu H. làm CN ngành may mặc ở Đồng Nai hơn 4 năm, thu nhập vỏn vẹn khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Năm 2009, hai vợ chồng rủ nhau “di cư” qua Bình Dương tìm việc. Tưởng ở đây thu nhập cao hơn, ai ngờ lương tháng cũng chỉ 1,5 triệu đồng. “Với đồng lương này, nói thiệt chỉ mới đủ chi phí một mình tôi. Chồng tôi làm CN ngành gỗ. Làm đầu tắt mặt tối cũng chỉ được 1,2 triệu đồng. Mới đây, anh ấy bỏ ra ngoài đi làm phụ hồ, kiếm được 80.000 -100.000 đồng/ngày. Tổng thu nhập không thể đủ trang trải cuộc sống 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Chưa kể đến những lúc con cái và bản thân chúng tôi ốm đau, hoạn nạn không có tiền biết nhờ cậy vào ai khi người thân đều ở xa. Khổ quá, 2 vợ chồng tính toán nộp đơn xin nghỉ việc về quê (Hà Nam). Ở quê, chúng tôi còn 6 sào ruộng, ngoài vụ mùa thời gian rảnh thì làm thuê, chạy xe ôm. Ngoài quê, chi phí sinh hoạt thấp, biết đâu mỗi năm đôi khi lại dư ra được vài triệu đồng”.

Bỏ phố về làng

Không chỉ vợ chồng chị Thu H., thực tế không ít CN quyết định rời bỏ phố thị, trở về quê tìm việc do đồng lương công nhân quá thấp không đủ sống.

Gặp Nguyễn Thanh H., ngụ ở xã Mỹ Đông, H.Tháp Mười (Đồng Tháp) đang lang thang tìm việc tại sàn giao dịch việc làm Đồng Nai ngày 10.3, anh cho biết: “Vừa rồi về quê nghỉ Tết, thấy ở gần nhà cần nhân công gặt lúa với giá 70-80 ngàn đồng/ngày nên ở lại làm thuê. Nói thiệt, nếu vợ không kêu lên tìm việc, tôi vẫn thích ở lại quê làm ruộng hơn. Trước đây, tôi làm CN giày da, lương chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng. Về quê, ngoài 1 ha ruộng của gia đình, tôi đi làm thuê nuôi vợ con đôi khi còn khỏe hơn. Ở gần nhà tôi, cũng có rất nhiều CN không quay trở lại làm việc mà ở lại làm ruộng có thu nhập hơn”.

Trường hợp Nguyễn Thị Ph. (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) tìm được việc ở quê mà không “mất gốc CN”. Vào TP.HCM làm CN may mặc từ năm 1998, suốt 12 năm gắn bó với chiếc máy may nhưng gần như Ph. chẳng dư đồng nào lận lưng. Làm lâu năm, lương của Ph. cũng chỉ dừng lại 1,8 triệu đồng. Lớn tuổi phải lấy chồng. Ngày cưới không có tiền, phải đi vay. Lương của người chồng (cũng làm CN may) chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Cộng thu nhập của 2 người chỉ tạm đủ sống qua ngày. Nợ tiền cưới chưa trả hết, sau khi sinh con không có tiền lại đi vay. Nuôi con không có tiền cũng… vay. Cứ thế, cuộc sống của vợ chồng Ph. trôi đi trong nợ nần. Tết Nguyên đán vừa rồi, Ph. ẵm con về quê nhờ ba mẹ nuôi giùm. Tại đây, cô lên Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh tìm hiểu và xin được vào làm ở một công ty may với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng vì là “CN có tay nghề”.

Ngày về quê của chị Nguyễn Thị D. (25 tuổi, Nghệ An) cũng thế. D. làm CN tại KCX Tân Thuận đã 5 năm với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Tết vừa rồi D. chỉ đủ tiền mua vé xe về quê, tiền quà cáp phải mượn của những CN không về quê mỗi người một vài trăm ngàn. Về nhà, D. biết một số bạn cùng quê đang đi dán tem hộp quẹt gas tại một công ty ở TP Vinh với mức lương từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng, nên đến xin việc và được nhận. Từ Vinh về nhà D. chưa đầy 30 km, trong khi lặn lội vào TP.HCM hơn ngàn cây số…

H.Tuấn – B.Thiên – T.Huyền

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201012/20100321232203.aspx

.

.

.

No comments: