Sunday, April 4, 2010

KARL MARX - NHÀ TIÊN TRI GIẬN DỮ (1)

Karl Marx - nhà tiên tri giận dữ (1)

YesMan2008

31-03-2010 10:15 PM

http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=362&page=1

Lời nói đầu

Năm 2007, Nhà xuất bản Tri thức đã ra mắt bản dịch cuốn Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối (Hướng tới những tư tưởng kinh tế hiện đại). Hiếm khi chúng ta có thể tìm thấy một tổng thuật các lý thuyết kinh tế học và thị trường thế giới hiện đại được trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ và lôi cuốn đến như vậy.

Tuy nhiên, bản dịch đã được xuất bản tại Việt Nam lại thiếu sót một chương quan trọng nói về Karl Marx. Đây là một chương hết sức thú vị thể hiện quan điểm của một học giả phương Tây đối với người thày của chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx. Nay tôi xin phép ra mắt bạn đọc bản dịch tiếng Việt toàn bộ chương VI của nguyên bản tiếng Anh tái bản có chỉnh sửa lần 2 vào năm 2007 tại Mỹ.

Bản dịch này do tôi hiệu đính lại từ một bản dịch của một dịch giả vô danh trên mạng. Bản hiệu đính này đã có sự tham khảo và bổ sung các thuật ngữ kinh tế chính trị Marx-Lenin. Tôi đã quyết định trích lại bằng tiếng Việt toàn bộ những đoạn trích của Marx mà tác giả sử dụng từ bộ Toàn tập Mác - Ăngghen do NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành.

Đọc chương VI về Karl Marx, chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về các lý thuyết kinh tế của Marx cũng như chủ nghĩa Marx mà hiếm một tác phẩm nào ở Việt Nam có được. Với văn phong trong sáng, ngắn gọn nhưng rõ ràng, tác giả đã làm cho những tư tưởng của Marx trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều với bạn đọc Việt Nam. Tôi hy vọng đây là một tác phẩm có thể giải đáp được cho bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ những câu hỏi về Marx và chủ nghĩa cộng sản trong thời đại ngày nay. Mời các bạn đón đọc.

YesMan2008
Thành viên Diễn đàn X-cafevn.org - Tôn trọng sự khác biệt

CHƯƠNG VI
KARL MARX - NHÀ TIÊN TRI GIẬN DỮ


Khi còn là một cậu bé, Adam Smith đã có lần bị vài tên ranh ma bắt cóc. Sau vài giờ bắt cóc, chúng đã thả cậu xuống lề đường và cậu đã được trả về cho gia đình. Một nhà viết tiểu sử đã nhận xét rằng nhà kinh tế học đãng trí, ngây thơ không thể trở thành một kẻ xảo quyệt được. Người ta cũng nói rằng may mắn là Karl Marx chưa bao giờ bị các nhà tư bản bắt cóc. Ông ta không thể trở thành một nhà tư bản giỏi giang được. Giống như việc ông không bao giờ là nhà tiêu dùng thông thái. Marx luôn ngập chìm trong nợ nần.

Bằng những lời đanh thép và lối viết kích động, Marx đã đoán trước sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Trước cả khi ông tiến hành nghiên cứu cẩn thận về những quy luật của chủ nghĩa tư bản và bộ quy tắc bí ẩn quyết định sự phát triển của nền văn minh.

Vị trí của Marx trong lịch sử các học thuyết kinh tế là rất khó xác định. Bằng nhiều cách, các nhà kinh tế học chính thống ngày nay lùa Marx sang cuộc đàm luận cocktail của những nhà tư bản. Tuy nhiên vẫn có một tỷ người đang phải vật lộn để tồn tại dưới những chế độ tự nhận mình là trung thành với chủ nghĩa Marx. Cùng với Freud và Darwin, Marx tác động ghê gớm tới tư duy của thế kỷ XX. Nhưng trong suốt cuộc đời mình, Marx có rất ít tiếng tăm và ít người ủng hộ. John Stuart Mill, một người có học vấn uyên bác nhất trong thời đại của Marx lại chưa bao giờ nghe đến tên ông.

Marx là một người được tận hưởng buổi bình minh của giai cấp tư sản trong thị trấn Trier vùng Rhineland. Sinh năm 1818, ông đã hòa nhập với tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Trier. Sau này, Marx đã bày tỏ niềm tự hào rằng người cha Heinrich của mình, một luật sư xuất sắc, cũng sở hữu một vườn nho. Người vợ tương lai và là bạn thời thơ ấu của Marx là Jenny sống ngay gần đó. Cha của bà là Nam tước Von Westphalen được Marx coi như một ông bác lúc Marx còn bé.

Sau khi người anh ruột chết lúc bốn tuổi, Marx trở thành anh cả và bắt đầu bắt nạt những đứa em gái kém thông minh hơn. Một trò chơi ưa thích của Marx là “cưỡi” lên lưng em gái mình và bắt chúng chạy hộc tốc như những con ngựa khắp các dãy phố của thị trấn Trier. Ngoài trò cưỡi ngựa ra, Marx còn ép những đứa em gái của mình tham gia những cuộc thi ăn bánh mà họ phải ăn những chiếc bánh được cậu làm ra với hai bàn tay không rửa ráy gì và cứ để bẩn mà nhào bột. Mặc dù vậy, những đứa em gái của Marx ngưỡng mộ sự thông minh của cậu và những câu chuyện thú vị cậu kể cho các em. Những bạn cùng lớp với Marx cũng yêu quý và sợ cậu, người làm cả lớp cười bằng những trò đùa tinh quái và cũng làm cho mọi người sợ rùng mình bởi những câu thơ mỉa mai châm biếm của cậu.

Suốt cuộc đời mình, Marx có thiên hướng và khiếu phê phán cay độc và lạm dụng việc chỉ trích cá nhân. Ông đã thoát khỏi vài cuộc công kích đầy ác ý đối với nguồn gốc Do Thái của mình. Cha mẹ của Marx đều xuất thân từ những dòng dõi giáo sĩ Do Thái xuất sắc. Chú của ông là người đứng đầu giới giáo sĩ Do Thái ở Trier. Tuy vậy, những đạo luật bài Do Thái đã khiến cha của Marx quyết định cải đạo sang Cơ đốc giáo, cho dù ông coi những người Do Thái mới chính là những "tín đồ cùng chí hướng". Nhưng con trai ông lại hắt hủi tổ tiên Do Thái của mình một cách hết sức ngang ngạnh. Các học giả có thể tranh luận liệu ông có thực sự có tư tưởng bài Do Thái hay không. Nhưng không có gì phải nghi ngờ rằng chính Marx đã từng thốt ra rất nhiều câu lăng mạ, sỉ nhục độc địa.1

Giống như John Stuart Mill, Marx đã hít đủ cả hai thứ chất độc hại là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa duy lý. Cha cậu truyền thụ cho cậu chủ nghĩa duy lý của Pháp thế kỷ XVIII đã được những người kinh nghiệm chủ nghĩa ở Anh làm cho đỡ cứng nhắc. Ông khuyên con trai mình "quy phục" với "niềm tin của Newton, Locke và Leibnitz".2 Trong khi đó, Nam tước Von Westphalen đầy học thức đã bỏ bùa mê cậu thanh niên trẻ tuổi Karl Marx bằng cách dắt cậu đi dạo khắp những cánh rừng điền viên và kể cho cậu những câu chuyện của Shakespeares, Homer và những người theo phái lãng mạn. Trớ trêu thay, chính ngài nam tước quý tộc lại là người đưa Marx đến với chủ nghĩa xã hội không tưởng và không có giai cấp. Trí óc sắc sảo và sáng suốt của ông Heinrich không mảy may tác động được tới con trai mình nên Marx có lẽ đã tin vào những ý niệm mờ nhạt, mơ hồ của những người theo chủ nghĩa không tưởng. Nhưng hễ ở đâu họ trông thấy hạnh phúc, là Marx lại thấy có đấu tranh.

Tại Đại học Tổng hợp Bonn, cuộc đấu tranh lớn nhất mà Marx đương đầu là thói nghiện rượu và thói tiêu tiền phóng túng của mình. Cậu đã thua cuộc còn ông Heinrich thì mất rất nhiều tiền. Marx học luật và thu được một chút kinh nghiệm thực tiễn về luật pháp khi cậu bị bắt giam vì tội say mèm. Kể từ khi trường đại học có thùng rượu cho uống đến say thì việc bắt giam không còn nghiêm khắc nữa. Những người khách có thể chơi bài và tiếp tục uống với người đang bị xử phạt. Sự tự do phóng túng đã chứng tỏ tác dụng. Thắng lợi chính trị đầu tiên của Marx làm cho cậu trở thành vị chủ tịch hội Tửu quán Trier.

Sau một năm với những bữa tiệc ở Bonn, Heinrich chuyển cậu con trai quý tử của mình sang Đại học Berlin, một nơi ít chè chén nhậu nhẹt hơn. Ông hy vọng như vậy. Nhưng Heinrich nhanh chóng mất ngay hy vọng: "Cứ như thể là chúng tôi được làm bằng vàng. Cậu con trai quý tử của tôi tiêu sạch 700 đồng thale chỉ trong vòng có một năm, vi phạm mọi điều cam kết và các tục lệ. Trong khi đó người giàu nhất cũng chỉ tiêu có hơn 500 đồng thôi".3 Những người cho vay đã kiện Marx vài lần. Việc này khiến cậu phải chuyển nhà ít nhất là mười lần trong vòng năm năm ở Berlin.

Heinrich còn phàn nàn nhiều hơn về sự phóng đãng: Marx là một kẻ lười biếng và bẩn thỉu. Một ông thánh biện hộ cho những sinh viên đại học đầu tóc bù xù, không tắm rửa gì. Nước da ngăm đen làm cho cậu có cái biệt danh "Người Maroc". Những người bạn và những đứa con của ông sau này thường hay gọi ông như thế một cách trìu mến. Với màu da tối và mái tóc dài bết chặt vào nhau, cậu xuất hiện như là một lời biện hộ bờm xờm cho một sinh viên.

Heinrich cũng phản đối sự vòng vo trong con đường học vấn của Marx khi cậu chọn học môn luật và triết học. Nếu Marx đi loanh quanh, chắc chắn cậu ta sẽ đi loanh quanh ở bên ngoài lớp học. Trong những năm học cuối, cậu chỉ theo có vài cua học và trở thành một "sinh viên tự do phóng túng, một người chỉ coi trường đại học như là nơi cắm trại".4 Mặc dù vậy, Marx học triết học theo cách của riêng mình và gia nhập Phái Hegel trẻ, những người phê phán triệt để tôn giáo và những môn đệ theo chủ nghĩa chiết trung của Hegel - một triết gia ở Berlin đã qua đời vài năm trước khi sự nghiệp học đại học của Marx bắt đầu. Marx đã tiếp thu một cách tài tình phương pháp của Hegel và chứng minh cho thế giới thấy rằng bỏ học đôi khi phải trả giá (mặc dù không phải trả giá về mặt tài chính).

Thật không may, Marx chưa bao giờ chứng minh được điều này với cha mình. Cha cậu đã qua đời vào năm 1838. Marx vẫn giữ được lòng thương trìu mến đối với cha mình, cậu luôn mang theo mình một bức ảnh của cha. Nhưng Marx không bao giờ thể hiện lòng yêu mến như vậy đối với mẹ cậu, cậu chỉ coi bà như một nguồn tài trợ keo kiệt. Cậu không tham dự đám tang của bà và cũng chẳng hề chảy nước mắt khi bà qua đời.

Sau cái chết của cha, Marx nghĩ khôn ngoan hơn cả là nên kết thúc việc học hành ở đây. Đột nhiên cậu hăm hở rời bỏ học thuật rồi từ chối nộp bản luận văn về triết học Hy Lạp của mình theo các thủ tục nghiêm ngặt ở Đại học Berlin. Thay vào đó, cậu gửi luận văn tới Đại học Jena, một xưởng sản xuất bằng cấp có tiếng. Một cua học từ xa sáu tuần lẽ ra phải kéo dài hơn. Chỉ vài ngày sau đó, Jena đã lấy con dấu cao su mục nát của mình và phong tặng cậu học vị tiến sĩ.

Nhà báo trẻ tuổi

Với mảnh bằng trong tay, Marx loanh quanh trong giới báo chí, viết rồi sau đó làm biên tập cho tờ Rheinische Zeitung, một tờ báo tự do của giới trung lưu. Thật trớ trêu, ông kiểm soát được các tay bút cấp tiến hơn của tờ báo, những người có khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa. Chính phủ chuyên chế Phổ rất muốn kiểm duyệt sự phê phán và Marx thường phải làm việc với các quan chức ngốc nghếch này. Có lần họ đã kiểm duyệt và cấm quảng cáo cho bản dịch tác phẩm Hài kịch Thánh thần của Dante. Tại sao? Ở nước Phổ, nhà ngươi không được nhạo báng thánh thần thông qua hài kịch.

Một người quan sát giai đoạn Marx làm việc ở tờ báo đã phác họa chân dung của nhà biên tập trẻ:

Karl Marx người xứ Trier là một con người mạnh mẽ mới có 24 tuổi. Mái tóc đen, dày, xoăn, trùm lên cằm, lên cánh tay, mũi và cả tai. Anh ta độc đoán, hống hách, mạnh mẽ, đầy đam mê, vô cùng tự tin. Nhưng đồng thời rất ham hiểu biết và học hỏi, một nhà biện chứng không ngơi nghỉ. Một người với sự thông thái kiểu Do Thái đã đẩy mọi quan điểm của học thuyết Hegel trẻ tới kết luận cuối cùng. Và sau đó, nhờ sự tập trung nghiên cứu về kinh tế của mình, anh ta đã sẵn sàng đưa niềm tin của mình đến với chủ nghĩa cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của Marx, tờ báo non trẻ ngay lập tức bắt đầu nói năng liều lĩnh.5

Chính phủ phản ứng lại sự xấc xược của Marx bằng cách đưa ra một lựa chọn: hoặc là tờ báo phải đóng cửa, hoặc là Marx phải rời bỏ nó. Marx đã từ chức.

Ông đã mất việc làm. Nhưng đồng thời ông lại kiếm được một người vợ là Jenny von Westphanlen. Những người họ hàng của cô nghĩ rằng con gái của nhà quý tộc đã kết hôn với một kẻ thấp kém. Tuy nhiên họ không biết rằng cô ta sẽ tụt dốc bao xa.

Năm 1843, gia đình Marx chuyển đến Paris. Ở đó Marx biên tập một tạp chí chính trị mới, bắt đầu xem xét chủ nghĩa cộng sản, nhập bọn với đám người cấp tiến trẻ và ngạo mạn. Những người mà Heinrich Heine mô tả như là một "đám người vô thần và tự cho mình là Chúa".6 Tờ tạp chí chỉ xuất bản một số. Ngay sau đó Marx và những người bạn theo chủ nghĩa cộng sản của ông bất đồng với đồng chủ biên Arnold Ruge. Ruge cũng học cách bất chấp đám đông vô thần này: "Họ mong muốn giải phóng con người… nhưng lúc này đây họ đặt trọng tâm lớn nhất vào của cải và đặc biệt là vào tiền… Để giải phóng những người vô sản về mặt trí tuệ và thể xác khỏi gánh nặng của sự bần cùng, họ mơ có một tổ chức có thể phổ biến sự nghèo khổ này và bắt tất cả mọi người phải chịu cái gánh nặng của sự nghèo khổ đó".7

Là một kẻ trong đám người đó, Friedrich Engels trở thành một người quan trọng trong cuộc đời và sinh kế của Marx. Là con trai của một ông chủ công xưởng giàu có, Engels có hai cuộc sống. Ban ngày ông làm việc trong doanh nghiệp của cha mình và kiếm được một đồng lương đáng kể như một nhà tư bản. Ban đêm ông đọc Hegel và các nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản. Mặc dù là một người Đức, Engels sống ở Anh trong vài năm và cai quản doanh nghiệp dệt may của gia đình. Sau một thời gian sống ở Manchester, ông viết bài bóc trần và phê phán gay gắt sự nghèo khổ ở nước Anh có tên là Tình cảnh giai cấp công nhân Anh năm 1844. Nhưng Engels không tự nguyện đem những thu nhập tư bản của mình chia cho người nghèo hay từ bỏ những thói hư tật xấu kiểu tư sản của mình. Thực ra, ông dường như không bị giằng xé gì về mặt tâm lý bởi cuộc sống lưỡng phân của mình. Ông cảm thấy khá thoải mái với trò đi săn cáo, nhâm nhi những cốc rượu xê rét và đấu kiếm. Ông có thể nâng một cốc champagne hảo hạng và uống mừng người vô sản một cách rất hào hoa. Khi nào không săn đuổi cáo thì ông săn đuổi phụ nữ. Ông cũng tuyên bố rằng: "Nếu tôi có một thu nhập 5.000 franc, tôi sẽ không làm gì mà chỉ việc vui thú với đàn bà cho tới khi chết. Nếu không có đàn bà Pháp, cuộc đời sẽ không còn gì đáng sống nữa."8 Đúng là một bước nhảy vọt khỏi quan niệm của Socrates: "Không khám phá hết cuộc đời thì thật không đáng sống".

Trong những năm 1840, Marx bắt đầu xây dựng những học thuyết sau này làm thay đổi thế giới. Tất nhiên không phải ai cũng tán thành. Chính quyền Phổ liệt quan điểm trong những bài viết của Marx vào sổ đen khi tuyên bố Marx mắc tội mưu phản. Khi nước Pháp trục xuất ông một năm sau đó, ông đã lánh sang Bỉ.

Những bài viết phản động đã buộc Marx và gia đình của ông phải di chuyển từ một nước châu Âu này sang một nước châu Âu khác là gì vậy? Trong những năm 1840, Marx xây dựng những cơ sở triết học và lịch sử cho việc nghiên cứu chủ nghĩa tư bản. Những lý thuyết này chứng minh điều gì? Nào là những nền móng của chủ nghĩa tư bản sẽ nhanh chóng suy sụp, nào là quần chúng sẽ sớm vùng lên làm cách mạng và làm rung chuyển những kẻ có của cho tới khi họ phải lật nhào khỏi chân đế của mình.

Nhà duy vật lịch sử

Triết học và lịch sử của Marx đều sử dùng những thuật ngữ của Hegel, nhưng ông không sử dụng như một con vẹt. Marx dùng đúng những từ đó nhưng ông thay đổi trật tự. Để hiểu được ông làm điều đó như thế nào, trước hết hãy xem xét một nguyên lý cơ bản của người thầy thông thái của ông.

Hegel dạy rằng mục tiêu của triết học nằm ở những tri thức có được từ việc khám phá ra những ý niệm. Những ý niệm và tinh thần loài người dẫn dắt lịch sử. Thế giới vật chất, những thứ mà chúng ta nhìn thấy và sờ mó được và những thiết chế trong xã hội đều được dẫn dắt bởi những ý niệm. Nhà xã hội học người Đức - Max Weber cũng dùng luận điểm này trong công trình nổi tiếng của mình là Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Nói một cách đơn giản, Weber tin rằng sự nổi dậy của đạo Tin Lành sẽ dẫn tới chủ nghĩa tư bản; nghĩa là lòng tin vào Chúa đã chuyển thành những thiết chế kinh tế.

Theo Hegel, chúng ta có thể truy tìm dấu vết của lịch sử nhờ những chủ nghĩa dân tộc từng có ảnh hưởng lớn: thời đại Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và nhiều thời đại khác nữa. Là một người yêu nước, Hegel nghĩ nước Phổ là người lãnh đạo thời đại của nó.

Marx phản đối chủ nghĩa duy tâm của Hegel. Theo gót nhà triết học Đức Ludwig Feuerbach, Marx tìm kiếm những lực lượng duy vật trong lịch sử. Theo tác phẩm Bản chất đạo Cơ đốc của Feuerbach, Chúa chỉ đơn giản là sự phóng chiếu những mong muốn, những đòi hỏi và những đặc trưng của con người. Con người sáng tạo ra Chúa; Chúa không sáng tạo ra con người. Cái thực sự có trên đời là con người đã dẫn đến ý tưởng về Chúa. (Những tác phẩm của Feuerbach làm cho Marx sau này lên án tôn giáo, coi đó là "thuốc phiện của nhân dân".9 Chừng nào mà con người còn biểu hiện những khát khao của mình lên Chúa và cõi âm thì họ sẽ thụ động chấp nhận những điều kiện vật chất và sự bất công ở thế giới thực tại)

Cho tới giờ Marx có vẻ giống một kẻ đào tẩu khỏi trường phái Hegel hơn là một người theo phái Hegel Trẻ. Nhưng Marx vẫn giữ lại cái then chốt trong phương pháp của Hegel là phép biện chứng. Hegel quả quyết rằng lịch sử, giống như thực tại, không tuân theo dạng thức từ từ và bằng phẳng. Nó cũng không bao gồm hàng loạt những sự kiện xảy ra độc lập. Lịch sử hàm chứa sự đấu tranh giữa những mặt đối lập. Mọi tư tưởng đều có mặt đối lập của nó. Các nhà triết học thường tóm lược phép biện chứng của Hegel bằng cách nói rằng mọi luận đề hay tư tưởng đều bị phản bác bởi những phản đề của nó. Cuộc chiến giữa những tư tưởng này tạo ra một hợp đề hay một luận đề mới. Rồi luận đề mới này lại gặp những phản đề của nó. Thế giới luôn thay đổi. Lịch sử không bao giờ lặp lại chính nó. Mặc dù những nhà sử học ba hoa có thể lặp lại chính họ.

Hãy so sánh phương pháp biện chứng với cách tiếp cận kiểu Newton đối với kinh tế học, một cách tiếp cận chỉ nhìn thấy những mối quan hệ nhân quả không thay đổi. Điều duy nhất không thay đổi trong cách nhìn nhận của Hegel là luôn luôn tồn tại sự biến chuyển.

Marx lắp ráp phương pháp biện chứng vào chủ nghĩa duy vật. Engels sau này đặt tên cho sự kết hợp này là chủ nghĩa duy vật biện chứng hay chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nếu cái đầu của Hegel ở trên mây thì Marx muốn cắm mũi của chúng ta xuống đất. Ông nói rằng lịch sử xảy ra trên Trái đất. Hãy quên việc nghiên cứu tôn giáo, đạo đức hay chủ nghĩa dân tộc đi. Chỉ cần nhìn ra cửa sổ và hãy xem cách thức mà con người phải vật lộn để có được những thứ thiết yếu chỉ cốt cho đủ sống. Chẳng có lịch sử nếu không có con người. Và cũng chẳng có con người nếu không có thức ăn. Do vậy, "hành động lịch sử đầu tiên là …sản xuất ra của cải vật chất để thỏa mãn những nhu cầu đó".10 Các nhà sử học duy tâm có lẽ cũng viết lịch sử của xứ Oz như vậy.

Marx vẽ ra con đường đi của lịch sử từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ phong kiến tới chủ nghĩa tư bản rồi tới chủ nghĩa xã hội. Con đường này không nằm ở trên các vì sao hay trong các quy luật mà là trong sản xuất, cụ thể hơn là trong mối quan hệ của con người với quá trình sản xuất. Mỗi một hệ thống sản xuất đều tạo ra những giai cấp thống trị và bị trị. Mỗi một thời đại được đánh dấu bởi một cách thức nhất định để những kẻ cai trị bóp nặn thêm thu nhập cho mình. Trong thời đại La Mã, bất cứ kẻ nào sở hữu nô lệ đều nắm quyền sở hữu đối với sản lượng do nô lệ làm ra. Trong thời kỳ phong kiến, các địa chủ nắm quyền sở hữu những sản lượng của nông nô. Dưới chủ nghĩa tư bản, những người chủ công xưởng và đất đai nắm quyền sở hữu những sản lượng của những người làm công cho họ. Sự sống còn của giai cấp trị vì dựa vào lao động của giai cấp phục tùng. Điều này có đem lại cho những người công nhân quyền mặc cả lớn hơn không? Không. Những người công nhân phải hợp tác với giai cấp thống trị vì những kẻ thống trị kiểm soát những phương tiện sản xuất. Người công nhân không thể "lấy những bộ đồ bằng đá cẩm thạch và đi về nhà". Họ không sở hữu những đồ vật bằng đá cẩm thạch đó.

Do đó, tồn tại một sự phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên những kẻ cai trị vẫn cố ra vẻ như thể là họ chẳng cần đến những người công nhân như những người công nhân cần họ. Nếu thành công, họ sẽ bành trướng thêm sự thống trị của họ.

Họ cố duy trì địa vị của họ bằng cách nào? Những quan điểm của Hegel về đạo đức, chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng đã đề cập đến điều này. Giai cấp thống trị sử dụng tín ngưỡng, luật pháp, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và lòng yêu nước nhằm hỗ trợ cho quá trình sản xuất. Một người công nhân yêu nước sẽ huýt sáo khi anh ta làm việc và không gian lận với người chủ bằng cách giải lao đi uống cà phê quá nhiều. Ngày nay, các nhà máy chế tạo ô tô và sản xuất bia thích gắn kết nước Mỹ với hình ảnh của một "ngày làm việc chăm chỉ và trung thực". Giấc mơ Mỹ vỡ tan trong một giai điệu quảng cáo quen thuộc "bóng chày và xúc xích nóng, bánh táo và Chevrolet". Chevrolet thực sự thay thế người mẹ. (Liệu giấc mơ phức cảm của người Mỹ có cả ham muốn dành cho chiếc xe ô tô của người Cha không?)

Hệ thống luật pháp và đạo đức của chúng ta dạy chúng ta cảm thấy tội lỗi nếu chúng ta lẩn trốn công việc của mình. Vậy tại sao những người chủ sở hữu lại được hưởng lợi nhuận kiếm được nhờ mồ hôi của chúng ta? Chúng ta đáp lại rằng bởi vì họ sở hữu tài sản. Marx hỏi tiếp: Nhưng tại sao chúng ta phải chấp nhận hệ thống luật pháp này?

Theo Marx, những kẻ cai trị, những kẻ có quyền lợi trong chế độ tư hữu đã thôi miên quần chúng lao động. Sức thuyết phục và sự ám thị làm cho người Mỹ mơ đến cổ phiếu, trái phiếu và những chiếc BMW. Tất nhiên, một cá nhân nghĩ rằng những giấc mơ là của riêng anh ta và tự anh ta tiếp nhận những ám thị đó một cách vô thức. Marx gọi những tư tưởng, luật pháp và quy tắc đạo đức tương ứng với thiết chế xã hội là thượng tầng kiến trúc.

Câu nói nổi tiếng của Marx trong lời tựa cho cuốn sách của ông Góp phần phê phán khoa Kinh tế Chính trị là: "Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt, xã hội, chính trị và tinh thần… Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ."11

Những nông nô cúi mình và thể hiện lòng trung thành với lãnh chúa. Thợ phụ tự hào khi được làm việc cùng thợ cả. Người làm công ăn lương cố gắng được đề bạt bằng cách làm việc tích cực hơn. Tất cả họ làm việc cần cù và mong kiếm được một cuộc sống tốt hơn trong chế độ đang cai trị họ.

Marx không lập luận rằng giai cấp thống trị chủ mưu xây dựng nên thượng tầng kiến trúc. Những người hữu sản có lẽ thực sự tin vào tôn giáo của họ và không xem tôn giáo như một công cụ để lợi dụng. Thượng tầng kiến trúc xuất hiện bởi quá trình sản xuất đã bóp méo và làm xơ cứng nhận thức của mọi người. Đối với Marx, "con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết nặng như quả núi đè nặng lên tâm trí của những người đang sống".12 (Điều bất ngờ là sau này Engels đã thừa nhận rằng Marx và ông đôi khi nhấn mạnh quá mức quan hệ nhân quả giữa sản xuất và thượng tầng kiến trúc. Những tư tưởng đôi khi có những hậu quả thực tế của nó)

Nếu một nguyên tắc đạo đức hay nền văn hóa tự động nảy sinh để củng cố thêm cho xã hội phân chia giai cấp thì tại sao Marx lại công kích mở màn trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng "lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay là lịch sử đấu tranh giai cấp"?13 Tại sao mọi người phải đấu tranh? Có ai biết đấu tranh ngay từ đầu không? Những người chủ bóp nặn công nhân và công nhân bằng lòng chấp nhận sự bóp nặn một cách thoải mái như một tín hữu giáo hội Thống Nhất (Moonie) bị thôi miên đem tặng những bông cúc ở sân bay. Chừng nào mà người Moonie/công nhân được hưởng lợi một cách hình thức thôi thì nền kinh tế vẫn cứ vận hành và lợi nhuận vẫn cứ chảy đều vào tài khoản ngân hàng của các ông chủ.

Sự nổi loạn diễn ra khi có sự thay đổi trong công nghệ sản xuất. Một công nghệ mới hay một phương pháp mới làm thay đổi chất lượng hay số lượng của đất đai, lao động và tư bản. Những phát minh, phát kiến, giáo dục và sự gia tăng dân số khiến cho những lực lượng sản xuất vật chất luôn biến động. Với một tập hợp mới những lực lượng vật chất, quá trình sản xuất cũ trở nên lỗi thời. Chẳng hạn, nô lệ có thể đem lại lợi nhuận khi mà tỷ lệ giữa đất đai và người lao động còn cao. Nhưng nếu những chiếc máy kéo và máy gặt làm việc hiệu quả hơn nô lệ hoặc nếu số người lao động tăng lên thì nô lệ sẽ tạo ra ít lợi nhuận hơn. Tương lai nằm ở trong quá trình sản xuất mới.

Tuy nhiên đừng quên rằng toàn bộ hệ thống luật pháp, đạo đức, chính trị lại dựa vào phương pháp cũ. Các mục sư thường dạy rằng an phận nông nô là con đường dẫn tới vương quốc của Chúa. Đó là một sự thực vĩnh cửu được khắc sâu trong tâm trí và trên những phiến đá của các thánh đường Trung cổ. Thật vậy, thượng tầng kiến trúc có vẻ tĩnh.

Đấu tranh xảy ra khi giai cấp cai trị cũ tự cô lập mình khỏi vòng quay năng động của lịch sử bằng cách bám chặt lấy những tư tưởng cũ kỹ và ngăn trở sự phát triển của nền kinh tế. Marx viết rằng cối xay quay tay sinh ra địa chủ phong kiến. Còn động cơ hơi nước loan báo sự hiện diện của nhà tư bản công nghiệp. Nhưng các lãnh chúa phong kiến chống lại người kế tục mình là những nhà công nghiệp. Sau đó thợ cả phường hội cãi lộn với chủ công xưởng. Hãy quên đi những câu chuyện bịa đặt về Ngài Lancelot và Galahad. Cuộc đấu thương trên lưng ngựa với những cây thương sắc nhọn nhất diễn ra không phải giữa những hiệp sĩ châu Âu thời Trung cổ mà là giữa các lãnh chúa và những lực lượng thương mại.

Giai cấp thống trị luôn luôn vấp phải mối đe dọa khi mà đất đai, lao động, tư bản hay công nghệ thay đổi. Họ có thể đổ nhào từ trên mái của những ngôi nhà được xếp từ những quân bài trong khi kêu khóc cho "chân lý vĩnh cửu" trong triết lý của họ. Lịch sử xáo bài và ai nắm giữ lá bài K thì người đó có thể bị chém đầu.

Câu chuyện sau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Ngày xửa ngày xưa, những tên lính gác nhanh nhẹn đã sốt sắng cảnh báo lãnh chúa rằng sẽ có một cơn lũ. Gã lãnh chúa này chạy ngay đến thánh đường và cầu xin Chúa cứu giúp. Khi mà nước lũ tràn đến những bậc thềm của tòa thánh đường, một nông nô đã chèo một con thuyền nhỏ đến chỗ bậc thềm và đề nghị vị lãnh chúa lên thuyền. "Không, cám ơn. Ta tin vào Chúa, và ta tin vào công lý. Chúa sẽ cứu ta." Khi nước dâng lên, gã lãnh chúa bước lên bục giảng kinh. Lần này một chiếc xuồng máy chạy vội đến chỗ ông ta. Khi nước vỗ mạnh vào bục giảng kinh, người lái tàu la lên: "Tôi sẽ cứu ngài. Hãy nhảy lên đây!" Lại một lần nữa gã lãnh chúa quý tộc đáp lại: "Đừng lo. Ta tin vào Chúa. Chúa sẽ cứu ta. Ta không cần những cái máy ồn ào." Cuối cùng, nước đã nhấn chìm thánh đường. Khi lãnh chúa nắm được đỉnh ngọn tháp cao nhất, thân thể ông ta bị sóng đánh tả tơi. Một chiếc trực thăng bay đến trên đầu ông ta. Viên phi công hét lên: "Xin ngài, ông chủ của tôi. Hãy nắm lấy cái thang này." Gã lãnh chúa lại đáp: "Đừng lo. Ta tin vào Chúa. Chúa sẽ cứu ta." Một lúc sau, nước dâng lên cao hơn và gã lãnh chúa chìm nghỉm.

Trên thiên đường (suy cho cùng ông ta là một vị lãnh chúa tốt), ông ta gặp được Chúa. "Chúa", ông nói, "tôi tin Ngài cả đời. Tôi làm theo mọi điều mà thầy tu khuyên bảo tôi. Khi mà những người khác nghi ngờ và quay sang nhờ đến máy móc, tôi tin Ngài sẽ cứu tôi. Nhưng Ngài làm tôi thất vọng."

"Tên ngốc!" Chúa ngắt lời. "Ngươi nghĩ ai đã đưa thuyền, xuồng máy và trực thăng đến hả!"

Ai không tuân theo dòng chảy của chủ nghĩa duy vật lịch sử, người đó sẽ bị chết chìm dưới dòng chảy đó. Marx mô tả dòng chảy:

Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có ... những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội. Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng. Khi xét những cuộc đảo lộn ấy, bao giờ cũng cần phân biệt cuộc đảo lộn vật chất - mà người ta có thể xác nhận với một sự chính xác của khoa học tự nhiên - trong những điều kiện kinh tế của sản xuất, với những hình thái pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học, tóm lại, với những hình thái tư tưởng trong đó con người ý thức được cuộc xung đột ấy và đấu tranh để giải quyết cuộc xung đột ấy.14

Bởi vì chủ nghĩa tư bản dựa trên hệ thống phân chia giai cấp nên tất yếu dẫn tới cách mạng và thắng lợi của giai cấp công nhân. Tác phẩm bất hủ của Marx, cuốn Tư Bản đã phác họa "những xu hướng đang tác động và đang được thực hiện với một tất yếu gang thép".15 Chỉ có một xã hội không giai cấp mới có thể tránh khỏi được các cuộc cách mạng. Và theo quan điểm của Marx, một xã hội không có giai cấp cuối cùng sẽ xuất hiện. Những nhà tư bản thối nát cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Sau nhiều thế kỷ bị chiếm đoạt thành quả của mình, cuối cùng những người công nhân sẽ được tự do.

Nếu chủ nghĩa tư bản "tất yếu" phải sụp đổ để biến thành chủ nghĩa xã hội, thì chắc hẳn chủ nghĩa phong kiến phải sụp đổ để biến thành chủ nghĩa tư bản? Có phải chủ nghĩa tư bản là điểm dừng cần thiết trên con đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản? Nếu vậy thì đó không phải là một cuộc tàn sát vô cớ hay một cuộc nổi dậy kém may mắn của nhân loại như nhiều người xã hội chủ nghĩa không tưởng quan niệm. Marx bị cự tuyệt bởi những người lãng mạn phản khoa học, những người mô tả chủ nghĩa tư bản như là một tai nạn tồi tệ do những kẻ xấu xa tạo ra. Thực ra, Marx cũng viết những lời tán dương hùng hồn dành cho các nhà tư bản. Bởi vì theo quan điểm của ông, chủ nghĩa tư bản đã giải phóng con người thoát khỏi những điều kiện tồi tệ hơn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx không dành cho những tay lái buôn ngớ ngẩn có óc hoài cổ:

Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất và trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục … Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.16

Marx đã phê phán giai cấp tư sản nhưng ông lại dành những lời công kích hiểm độc nhất cho những người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhưng bất đồng quan điểm với ông. Không phải là người có thể tập hợp được những người khác quanh mình. Ngay cả với những người bạn chân thành nhất, ông cũng chỉ giống như một con mãng xà đang cuộn tròn mình lại. Marx có lẽ sẽ rất căm ghét đảng Xanh và mơ những thành viên của nó bị nghẹn vì những Quả Nho ngớ ngẩn của họ. Ông viết rằng chủ nghĩa tư bản "đã cứu một bộ phận đáng kể dân chúng khỏi sự ngu ngốc của cuộc sống thôn quê".17 Ông sẽ đáp lại những người ủng hộ chủ trương "quay về với thiên nhiên" bằng những cuốn sách lịch sử để họ hiểu cuộc sống thời kỳ tiền công nghiệp khủng khiếp như thế nào. Marx đã đáp lại một cách gay gắt cuốn Triết học của sự khốn cùng của Pierre Proudhon bằng cuốn Sự khốn cùng của Triết học. Những người thông minh không cố gắng xóa bỏ hay "nhớ lại" những giai đoạn lịch sử và gửi chúng trở về công xưởng nhỏ bé của Chúa để sửa chữa.

Chủ nghĩa tư bản là một điều kiện tất yếu cho chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chủ nghĩa tư bản sản xuất ra rất nhiều của cải. Nó cho phép một hệ thống ít phải điều hành hơn là chủ nghĩa xã hội có thể kế tục. Các quốc gia tiền tư bản chủ nghĩa không thể hy vọng vào việc làm cách mạng cộng sản chủ nghĩa để lật đổ các lãnh chúa hay Nga Hoàng. Marx không để ý tới nước Nga. Ông cũng không trông chờ chủ nghĩa cộng sản sớm xảy ra ở Đức, bởi vì chỉ có 4% lao động nam giới làm việc trong các công xưởng lúc bấy giờ. Những xiềng xích có lẽ sẽ bị gãy vụn đầu tiên ở Anh và ở Pháp, những thành trì của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Nước Pháp sẽ báo hiệu khi nào nước Đức chín muồi cho chủ nghĩa cộng sản: "Khi tất cả những điều kiện bên trong đã chín muồi, ngày phục sinh của nước Đức sẽ được báo hiệu bằng tiếng gáy của chú gà trống xứ Gô loa."18

Tư Bản và sự sụp đổ của Chủ nghĩa Tư bản

Marx không chỉ cao ngạo chờ đợi tiếng gáy của chú gà trống. Thay vào đó ông tự cao tự đại thảo ra một công trình phân tích cẩn thận và đầy đủ về chủ nghĩa tư bản là cuốn Tư Bản. Trong thập niên 1850, Marx tự chôn mình trong đống sách giáo khoa kinh tế học ở Bảo tàng Anh quốc ở London. Gia đình ông nhịn đói trong khi ông phân tích sự khổ sở trừu tượng của giai cấp vô sản. Gia đình Marx sống trong một căn hộ nhếch nhác ở một trong những khu nghèo nhất ở London. Một mật thám theo dõi Marx đã mộ tả chân dung sống động hiếm có về sự bần cùng mà gia đình ông phải chịu đựng:

Khi một ai đó bước vào phòng của Marx, mắt họ bị cay xè vì khói than và mùi thuốc lá tới mức lúc đầu người ta phải dò dẫm y như ở trong một cái hang… Mọi thứ đều bẩn thỉu và đầy bụi, ngay cả việc ngồi xuống cũng hết sức nguy hiểm. Chỗ này thì có cái ghế ba chân, chỗ kia thì bọn trẻ chơi đùa và họ chuẩn bị cơm nước trên một cái ghế có vẻ còn nguyên vẹn.

Đối với bản thân Marx, "ông là một người cực kỳ bừa bãi, hay chỉ trích người khác cay độc, một chủ nhà nghèo khổ. Ông sống giống kiểu dân gipsy. Hiếm khi thấy ông tắm, chải chuốt và thay đồ lót. Ông còn thường xuyên say bí tỉ. Ông thường tiêu phí thời gian của ngày một cách vô ích, nhưng nếu ông phải làm việc thì ông làm việc cả ngày đêm không mệt mỏi". Jenny mặc dù lớn lên trong gia đình quý tộc "nhưng cũng chịu được cảnh nhà cửa bần cùng như thế này".19

Gia đình Marx mất ba đứa trẻ vì bệnh viêm phổi, viêm phế quản và bệnh lao trong năm năm bất hạnh ở London. Điều khủng khiếp nhất là những người làm dịch vụ tang lễ lại không cho nợ. Jenny trở nên vô cùng phiền muộn. Đã có lần bà phải đi ăn xin 2 bảng để mua quan tài cho đứa con. Mặc dù Marx thường hay thô lỗ với những người xung quanh, nhưng ông vẫn còn chút lòng thương xót với những đứa con của mình. Bản thân ông cũng suy sụp khi chúng qua đời:

Bacon nói rằng những người thực sự quan trọng có rất nhiều mối liên hệ với thiên nhiên và với thế giới. Họ có rất nhiều thứ để quan tâm nên họ dễ dàng vượt qua những mất mát. Tôi không thuộc về những người quan trọng như vậy. Cái chết của những đứa con đã hủy hoại sâu sắc trái tim và khối óc của tôi và tôi cảm thấy sự mất mát chỉ như mới ngày hôm qua thôi.20

Marx cố nhiên quy cảnh ngộ tuyệt vọng của mình cho giai cấp tư sản và hứa là sẽ bắt họ phải trả giá cho những tai họa của gia đình ông và sự ốm đau của chính ông, kể cả những đám mụn đỏ trên mặt ông.

Marx hiếm khi tự trách mình. Lẽ ra ông phải làm như vậy. Marx còn ý thức rất trẻ con về kinh tế gia đình. Có người đã mô tả điều đó giống như việc một đứa trẻ cứ hét to ở đầu con kênh này và chẳng có trách nhiệm gì ở đầu kia. Nếu tính những món quà từ gia đình Jenny và Engels gửi cho và những khoản nhuận bút cho những bài báo trong tờ New York Daily Tribune thì gia đình Marx phải "kiếm" được một khoản tương đương với thu nhập của một gia đình trung lưu cấp thấp. Trong những năm tháng khốn khó nhất của họ, họ chỉ kiếm được một khoản thu nhập gấp ba lần thu nhập của một công nhân không có kỹ năng. Một nhà thơ cấp tiến người Đức cũng bị trục xuất khỏi quê hương, viết rằng một khoản thu nhập tương tự như của Marx lúc nào cũng có thể mua được cho ông "một miếng bò bít tết thơm ngon mang hương vị tha phương".21

Nhưng thay vì thường xuyên chăm lo gia đình mình, Marx đầu tư tiền vào những tờ báo chính trị và đàn piano, âm nhạc, những bài tập khiêu vũ cho những đứa con của mình! Mặc dù là vợ của một nhà cách mạng nhưng Jenny vẫn cứ in những giấy viết xa xỉ ghi tên mình là "Nữ Nam tước Von Westphanlen".

Vấn đề trở nên tồi tệ thêm khi Marx làm cho người hầu gái mang thai (cô ta là một món quà từ nhà Von Westphanlen). Một lần nữa Marx chối bỏ trách nhiệm của mình. Ông nói với Jenny rằng Engels là cha đứa bé. Người hầu gái bỏ đi một thời gian, rồi sau đó quay trở về với một đứa trẻ tóc rậm, da hơi ngăm đen. Đứa bé sau này được đem cho người khác làm con nuôi.

Với tình cảnh gia đình như vậy, không ngạc nhiên gì khi biết rằng trong suốt những năm 1850 và 1851, Marx ở trong Bảo tàng Anh quốc nhiều hơn là ở nhà. Ông đọc hầu hết tất cả những gì liên quan đến kinh tế học. Ông bỏ ra hàng tháng trời để ghi chép những đoạn trích dài của khoảng 80 tác giả. Engels thúc giục ông làm nhanh hơn nhưng Marx chậm rãi một cách khó hiểu và quá câu nệ các tiểu tiết. Marx cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm một nhà xuất bản chấp nhận xuất bản cuốn Tư Bản theo nguyên mẫu của ông. Engels quở trách nhà cộng sản ương ngạnh: "Thể hiện một chút đầu óc kinh doanh xem nào."22

Mãi đến năm 1867, Marx mới hoàn thành việc nghiên cứu, viết lách, biên tập của mình và bình phục sau vài lần ốm đau. Tập I cuối cùng cũng ra đời. Ba tập tiếp theo được xuất bản sau khi tác giả qua đời.

Để miêu tả cuốn Tư Bản, ta có thể chọn một trang bất kỳ trong cuốn Từ điển Đồng nghĩa và Dị nghĩa của Roget và đọc thật to bất kỳ tính từ nào. Cuốn sách đó có tất cả 2500 trang bao gồm toàn bộ trích dẫn từ hơn 1500 tác phẩm khác. Một vài trang thực sự là những kiệt tác văn chương. Một số trang toát ra logic sáng sủa. Và một số trang lại mang nặng tính chuyên môn, tầm thường và chán ngắt làm người ta nhớ đến lời phê phán kịch liệt của Truman Capote dành cho nhà văn Jack Kerouac: "Đây không phải là viết mà chỉ là đánh máy thôi."

Chúng ta hãy nghiên cứu tác phẩm Tư Bản theo ba bước. Thứ nhất, chúng ta sẽ khám phá điều cốt lõi của chủ nghĩa tư bản, tư tưởng của Marx về sự bóc lột lao động. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét những quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản, những quy luật tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nó. Thứ ba, chúng ta sẽ xem xét những thiệt hại tâm lý của chủ nghĩa tư bản.

Marx không chọn con đường dễ đi. Ông không chỉ thẳng vào những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường mà tuyên bố rằng kỷ nguyên của những doanh nhân mạo hiểm và sự cạnh tranh hoàn hảo kiểu Smith đã hết thời rồi. Hãy nhớ rằng ông là một người theo phái Hegel trẻ; ông muốn cho thế giới thấy rằng ngay cả những mô thức lý tưởng của chủ nghĩa tư bản nhất định phải tự sụp đổ. Ông bắt đầu với những công cụ kinh điển.

Giống như Smith và đặc biệt là Ricardo, Marx "chứng minh" rằng giá trị của một sản phẩm được quyết định bởi lượng lao động cần thiết để sản xuất ra nó. Máy móc chỉ là lao động quá khứ được tích lũy lại dưới dạng sắt thép. Một bộ dàn nghe stereo tiêu tốn hết mười giờ lao động thì nó có giá trị gấp đôi so với giá trị của một cái khác chỉ mất có năm giờ lao động.

Nếu điều đó là đúng, thì không thể có lợi nhuận trừ khi công nhân bị bóc lột lao động. Chúng ta có tam đoạn luận như dưới đây:

Giá trị của một sản phẩm (giá cả của nó) được quyết định bởi lượng lao động.

Những người công nhân nhận được đầy đủ giá trị của cái mà họ đóng góp vào để sản xuất ra sản phẩm đó.

Do đó, giá trị của một sản phẩm bằng với lượng giá trị mà người công nhân nhận được.


Nhưng giá bán của sản phẩm lại không chỉ chia cho công nhân. Người chủ giữ một phần là lợi nhuận. Hãy quên đi bàn tay vô hình. Bàn tay hữu hình và thô bạo của nhà tư bản mới thực sự hoạt động. Lợi nhuận từ đâu mà ra? Tiền đề thứ 2 chắc chắn là sai. Công nhân không thể nhận được đầy đủ giá trị mà họ đóng góp vào sản phẩm. Họ phải bị bóc lột. (Những người phê phán Marx tất nhiên lập luận rằng tiền đề thứ 1 không đúng)

Nhà tư bản lừa công nhân như thế nào? Thay vì trả cho họ một khoản bằng với giá trị được cộng thêm vào việc kinh doanh của nhà tư bản, nhà tư bản chỉ trả sao cho họ tồn tại, tiền lương chỉ đủ để họ sống và làm việc. Nhà tư bản mua sức lao động y như một thứ hàng hóa. Sau đó anh ta bắt nó phải làm việc X giờ mỗi ngày.

Chúng ta hãy sử dụng những thuật ngữ của Marx. Marx miêu tả việc nhà tư bản cung cấp các công xưởng và thiết bị được gọi là tư bản bất biến. Họ cũng trả công cho lao động. Công này được gọi là tư bản khả biến. Khi tiến hành sản xuất, nhà tư bản chắc chắn phải đảm bảo rằng giá trị cuối cùng của sản phẩm phải cao hơn tổng tư bản bất biếnkhả biến. Giá trị tăng thêm (lợi nhuận) có được khi họ trả cho công nhân ít hơn giá trị mà công nhân sản xuất ra. Nói cách khác, giá trị của người công nhân thêm vào giá trị sản phẩm vượt quá tư bản khả biến mà họ được trả. Marx gọi đây là sự ăn cướp giá trị thặng dư của người lao động.

Ví dụ, Jasmine là một thợ may làm việc cho chương trình sân khấu Radio City Music Hall. Khán giả thường không thích những bộ trang phục rách nát. Vì thế công việc may vá của cô làm tăng thêm giá trị của một buổi biểu diễn khoảng 10 đô la. Nhưng cô chỉ được trả 6 đô la thôi. Các ông chủ bóp nặn 4 đô la thặng dư của Jasmine cho mỗi buổi biểu diễn hằng ngày. Tỷ lệ giữa giá trị thặng dư đối với tiền lương (4/6) là tỷ suất giá trị thặng dư.

Tại sao Jasmine lại không đòi 10 đô la cho công sức của mình? Chủ nghĩa tư bản dẫn đến thất nghiệp và một đội quân dự bị sẵn sàng thế chỗ của Jasmine nếu cô đòi lương cao hơn. Cô không sở hữu máy may, trang phục hay sân khấu. Các ông chủ mới là người sở hữu. Bằng cách kiểm soát những phương tiện sản xuất, họ thống trị thị trường lao động.

Các ông chủ đặt ra mức lương 6 đô la cho Jasmine như thế nào? Các ông chủ chỉ cần trả lương cho những người công nhân đủ để họ sống. Jasmine nhận 6 đô la bởi vì 6 đô la sẽ giúp cô sống được. Cô ta nhận được một đồng lương đủ sống. Nếu cô ta kiếm được 1 đô la cho mỗi giờ làm việc thì sáu giờ làm việc sẽ giúp cô đủ sống. Nhưng các ông chủ không để cô làm việc đúng sáu giờ. Họ buộc cô phải làm việc nhiều hơn trong một ngày, vá chữa nhiều bộ trang phục rách hơn. Chẳng hạn họ kéo 6 đô la tiền lương của cô ra hơn mười giờ làm việc. Kết quả là: Cô ta làm việc sáu giờ cho chính mình và thêm bốn giờ cho ông chủ. Khoản thặng dư bốn giờ đi ngay vào túi ông chủ. Họ chẳng cần phải đụng đến một cái đê nào cả.

Tại sao người công nhân chỉ được trả lương đủ sống? Chúng ta đã nói rằng giá trị của một hàng hóa được quyết định bởi lượng lao động kết tinh vào hàng hóa đó. Nguồn cung lao động cũng là một loại hàng hóa. Do vậy, giá cả của lao động là khoản tiền cần thiết để sản xuất và duy trì sự tồn tại của một con người.

Nói chung, các ông chủ không trả đủ cho công nhân để mua cái mà họ sản xuất ra. Những người công nhân vật lộn chỉ để có được một phần thôi. Trong ví dụ của chúng ta, Jasmine không thể mua nổi một chiếc vé 10 đô la cho buổi biểu diễn mặc dù chính cô đóng góp 10 đô la giá trị vào đó. Có lẽ các ông chủ sẽ để cho cô mua một chiếc vé 5 đô la nếu cô hứa chỉ xem các diễn viên từ phần thắt lưng họ trở lên.

Nếu lợi nhuận có được nhờ bóc lột lao động, chúng ta có thể xác định tỷ suất lợi nhuận bằng tỷ lệ phần thặng dư trên tổng tư bản bất biến và khả biến (s/[v + c]). Nhà tư bản có thể tăng lợi nhuận nếu ông ta ép buộc những người làm thuê cho mình làm việc nhiều hơn trong một ngày. Hoặc ông ta có thể tăng được lợi nhuận bằng cách bóc lột thêm lao động của phụ nữ và trẻ em. Trong thời đại mà Marx viết, giờ làm kéo dài ra và ngày càng có nhiều lao động nữ và trẻ em đã gia nhập vào lực lượng lao động công nghiệp.

Đến đây chúng ta hiểu lợi nhuận có được nhờ bóc lột như thế nào. Nhưng tại sao lại không thể duy trì được điều này? Những quy luật nào của chủ nghĩa tư bản rốt cuộc sẽ giải thoát người công nhân khỏi sự tuyệt vọng và buộc các nhà tư bản phải quỳ gối? Marx không chỉ tuyên bố rằng một cuộc cách mạng xã hội sẽ nổ ra. Ông mô tả một cách cẩn thận những mâu thuẫn kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta sẽ khảo sát năm “quy luật” hoặc “khuynh hướng” dẫn tới sự tự sụp đổ từ bên trong của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chẳng những không hoan nghênh chủ nghĩa tư bản, bàn tay vô hình rút cục lại phá tan nó.

1.Tỷ suất lợi nhuận giảm xuống và sự tích lũy tư bản. Cũng như Adam Smith, Marx nhận thấy nhà tư bản đương đầu với sự cạnh tranh. Nếu một công ty mở rộng quy mô sản xuất của mình, nó có thể sản xuất hiệu quả hơn. Công ty nào có khả năng đổi mới sẽ ép buộc các đối thủ cạnh tranh của nó phải phát triển hơn. Các công ty thuê mướn nhiều công nhân hơn. Nhưng điều đó lại làm tăng tiền lương lên vượt mức đủ sống. Các ông chủ làm gì? Họ sẽ thay thế lao động bằng máy móc. Nếu họ không làm điều đó, lợi nhuận của họ sẽ giảm xuống. Bởi vì trả cao hơn sẽ tạm thời chấm dứt sự bóc lột của họ đối với công nhân. Sự cạnh tranh bắt buộc họ phải thay thế như vậy.

Nhưng ở đây các ông chủ khôn ngoan hơn và họ bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Các khoản thặng dư chỉ có thể bóp nặn được từ con người. Những nhà tư bản bán máy móc có thể đòi trả giá đúng và đủ cho các sản phẩm của họ. (Nếu một thiết bị in tráng phim tốc độ cao tăng doanh thu cho công ty vì nó có thể in tráng nhiều ảnh hơn trong một giờ thì nhà sản xuất thiết bị đó có thể tính một mức giá mới cho công ty làm ảnh) Hãy nhìn lại công thức về tỷ suất lợi nhuận s/[c + v] của Marx. Bằng cách cộng thêm máy móc [c], các nhà tư bản làm giảm lợi nhuận của mình. Mặt khác của tình thế khó xử này là nếu họ chống lại việc đưa thêm máy móc vào sử dụng, không ai sẽ mua những sản phẩm không cạnh tranh của họ:

Ngoài ra, sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa làm cho sự tăng thêm không ngừng của số tư bản bỏ vào một xí nghiệp công nghiệp trở thành một sự tất yếu, và cạnh tranh làm cho những quy luật bên trong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành những quy luật bên ngoài có tính chất cưỡng chế đối với mỗi một nhà tư bản cá biệt. Cạnh tranh buộc nhà tư bản không ngừng mở rộng tư bản để giữ được tư bản, và hắn chỉ có thể mở rộng tư bản của mình bằng cách tích lũy ngày càng nhiều hơn mà thôi…

Hãy tích lũy đi, hãy tích lũy đi! Đó chính là Moses và các nhà tiên tri ... Cho nên, hãy để dành đi, hãy để dành đi, nghĩa là hãy biến một phần thật nhiều giá trị thặng dư hay sản phẩm thặng dư trở lại thành tư bản! 23

Một kết cục tương tự xảy ra nếu một nhà tư bản nâng cấp một cái máy. Người chủ nào tạo ra được một chiếc máy may tốt hơn có thể đưa ra giá thấp hơn cho sản phẩm của mình. Bởi vì các ông chủ phải ganh đua với nhau nên các đối thủ cạnh tranh phải dành dụm những khoảng thặng dư moi được từ lao động và đầu tư vào máy may mới.

"Lòng tham không đáy" của nhà tư bản buộc họ phải bị hủy diệt. Để tránh thua lỗ, các ông chủ cố gắng bóc lột lao động thậm tệ hơn nữa. Bằng cách nào? Họ sẽ tăng tốc độ làm việc. Và họ sẽ kéo dài ngày lao động hơn nữa. Tất nhiên, những chiến thuật này chỉ kéo dài hơn sự chịu đựng của người lao động một cách nguy hiểm.

2.Sự tập trung cao độ quyền lực kinh tế. Khi các nhà tư bản buộc phải mở rộng và phát triển thì cuộc chiến sẽ diễn ra ngày càng ác liệt. Những công ty lớn nhất, những công ty có giá thành sản xuất rẻ hơn sẽ chiến thắng. Cuộc chiến đẫm máu "bao giờ cũng chấm dứt bằng sự phá sản của nhiều nhà tư bản nhỏ, tư bản của họ một phần lọt vào tay những kẻ chiến thắng, một phần bị tiêu vong".24 Những kẻ sống sót sẽ nhanh chóng hạ gục kẻ bại trận.

3.Khủng hoảng và suy thoái sâu sắc.
"Những lời nhảm nhí con nít … rác rưởi … vô lý bịp bợm." Marx dùng những từ này để mô tả lập luận của Say về tính ổn định của chủ nghĩa tư bản. Khi các nhà tư bản sử dụng máy móc thay thế cho lao động, nạn thất nghiệp tăng lên. Ai mua hàng hóa khi các ông chủ mở rộng sản xuất? Không ai cả. Hàng hóa không bán được. Nạn phá sản tăng vọt. Sự hoảng loạn xuất hiện khắp mọi nơi. Các nhà tài phiệt bán tống bán tháo những cổ phần họ nắm giữ. Đầu tư tụt xuống. Các nhà đầu tư nhảy lầu. Dĩ nhiên, chu kỳ sẽ bắt đầu một chu trình mới sau khi giá cả tụt xuống. Những kẻ sống sót sẽ lại thu gom những doanh nghiệp phá sản và thuê mướn lại những người công nhân tuyệt vọng. Các khoản thặng dư và lợi nhuận xuất hiện trở lại. Nhưng chỉ để suy thoái nhanh hơn và sâu hơn nữa ở lần kế tiếp.

4.Đội quân dự bị công nghiệp. Nhờ sử dụng máy móc thay thế lao động và suy thoái, các nhà tư bản càng ngày càng ném nhiều người hơn ra đường. "Đội quân" này không mang tính chiến đấu hơn Đội quân Cứu tế lúc ban đầu. Chừng nào mà đội quân này còn bình tĩnh thì nó vẫn còn là một nguồn lao động giá rẻ. Sự thừa thãi công nhân giúp các nhà tư bản kiểm soát được tình hình lúc ban đầu.

5.Bần cùng hóa giai cấp vô sản. "Con số những tên trùm tư bản tiếm đoạt và nắm độc quyền tất cả những cái lợi của quá trình chuyển hóa đó ngày càng giảm đi không ngừng … thì nạn nghèo khổ, áp bức, nô dịch, thoái hóa, bóc lột càng tăng thêm"25. Ngày làm việc dài hơn và ít kỳ nghỉ hơn chỉ đem lại sự bần cùng hơn cho những người lao động bị chà đạp. Những tác phẩm trước đó của Marx lập luận rằng mức sống tuyệt đối của họ tụt xuống. Nhưng trong cuốn Tư Bản, được viết khi ông vấp phải những bằng chứng cho thấy mức sống tuyệt đối của công nhân tăng hơn trước thì ông rút lại, thừa nhận rằng những người công nhân chỉ có một phần nhỏ hơn của sự thịnh vượng so với trước.

Cuối cùng, sau nạn thất nghiệp, sa sút lợi nhuận, sự tuyệt vọng vô nhân đạo và sự bần cùng, giai cấp vô sản sẽ nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Cái mặt nạ của thượng tầng kiến trúc sẽ bị lột bỏ. Con quái vật xấu xa mà người ta gọi là chủ nghĩa tư bản sẽ lộ rõ. Quần chúng bị áp bức sẽ vùng lên: "Giờ tận số của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt lại."26

Giai cấp vô sản sẽ giành được nhiều thứ hơn là các công xưởng. Họ giành lại được con người thật của họ. Các nhà tư bản không chỉ cướp đoạt túi tiền của người vô sản. Họ còn cướp đi cả trái tim và khối óc. Đối với Marx, lao động đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Con người bị ép buộc phải tạo nên và nâng cao cuộc sống của mình thông qua tự nhiên và các mối quan hệ với người khác. Nhân cách của con người không thể phát triển nếu không làm việc sáng tạo. Dưới chủ nghĩa tư bản, lao động chỉ là một loại hàng hóa mà thôi. Con người bị buộc ép buộc phải chấp nhận những công việc thường lệ và tẻ nhạt. Họ trở thành những công cụ sống. Họ cảm thấy lạc lõng với chính họ, với thế giới và với người khác. Sự lạc lõng trở thành một chủ đề nổi bật của những nhà Marxist và những chỉ trích của những người theo thuyết hiện sinh đối với xã hội hiện đại.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels hối thúc những người vô sản nắm lấy nền kinh tế và giải phóng chính mình:

Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.

Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại! 27

Gần 20 năm sau sự ra đời của cuốn Tư Bản, những người vô sản mới có thể hậu thuẫn cho những khẩu hiệu súc tích của mình bằng những phân tích sắc sảo.

Nhưng điều gì xảy ra sau cách mạng? Có phải tất cả mọi người đều vui vẻ và hưởng thụ trong xã hội mới hình thành? Có phải tất cả mọi người đều ngồi xung quanh đống lửa trại, tay nắm tay và hát "Cum-Ba-Ya"? Một vài nhà Marxist đương thời có lẽ làm cho người ta nghĩ vậy.

Rõ ràng là Marx coi khinh chủ nghĩa xã hội không tưởng và cười khinh bỉ sự đơn giản quê mùa của nó. Ông ta là một người vô cảm. Ông khinh bỉ niềm khát khao mong mỏi sự phân phối thu nhập "công bằng" hay sự tái phân phối tài sản quy mô lớn. Những người công nhân, ngay cả dưới chủ nghĩa xã hội, cũng không được hưởng "đủ giá trị" lao động của mình. Tuy nhiên, khoản thặng dư sẽ tới tay "nhân dân" thông qua những dịch vụ tập thể.

Vậy chủ nghĩa cộng sản thực sự có nghĩa gì? Chúng ta không biết được. Marx đã cố ý né tránh việc để lại "công thức chế biến" cho những "tiệm ăn tương lai"28. Nếu không có công thức cụ thể, chủ nghĩa Marx với tư cách là một hệ thống cai trị trở thành một món xúc xích của chính trị: một cách thức rẻ tiền để biến hội đồng lãnh đạo trở thành công cụ phục vụ cho một nhóm thiểu số.

Marx cho rằng cuối cùng thì nhà nước sẽ "tiêu vong". Đồng thời nền chuyên chính của giai cấp vô sản sẽ thống trị. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bao gồm một kế hoạch mười điểm để thực thi "sự xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu":

1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp địa tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước.

2. Áp dụng thuế lũy tiến cao.

3. Xóa bỏ quyền thừa kế.

4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn.

5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.

6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước.

7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cầy cấy và cải tạo ruộng đất theo một kế hoạch chung.

8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là cho nông nghiệp.

9. Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm dần dần xóa bỏ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn bằng cách phân bố dân cư một cách đồng đều hơn trong cả nước.

10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất, v.v.. 29

Những người Marxist sau này sẽ phải tự suy nghĩ xem làm thế nào để thực hiện được kế hoạch đó. Không quá lạc quan về những phong trào xã hội chủ nghĩa bị vỡ vụn ở châu Âu, Marx đã có lần tuyên bố rằng ông không còn là một nhà Marxist nữa.

Trong Kinh Thánh, Chúa ngăn cho Moses không vào Miền Đất hứa. Nhưng những người Marxist không giống như những người Israel, không có Joshua dẫn đường khi Marx chết vào năm 1883.

.

.

.

No comments: