Sunday, April 25, 2010

HỒN VIỆT Ở ĐÂU TRONG PHIM MỪNG ĐẠI LỄ NGÀN NĂM ?

Hồn Việt ở đâu trong phim mừng đại lễ ngàn năm ?

Haydanhthoigian’s blog

Tháng Tư 25, 2010

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/04/25/h%E1%BB%93n-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-dau-trong-phim-m%E1%BB%ABng-d%E1%BA%A1i-l%E1%BB%85-ngan-nam/

Mới đây có một vài thông tin về một bộ phim mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội lộ ra đã khiến dư luận thất vọng.

Bộ phim cổ trang “Tây Sơn hào kiệt” kể về chiến công của anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ vừa được ra mắt. Đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất bộ phim này cho biết đây là bộ phim chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Là bộ phim tư nhân bỏ vốn để làm và với số tiền không lớn, khoảng 12 tỷ đồng, bộ phim đã được dư luận đánh giá khá cao cả về nội dung và chất lượng nghệ thuật. Đây được coi là một bộ phim cổ trang “made in Vietnam” có quy mô lớn và công phu nhất từ trước đến nay. Tổng cộng trong phim có sự xuất hiện của khoảng 20.000 người, nhiều cảnh chiến trận đẹp, hoành tráng.

.

Xem phim “Tây Sơn hào kiệt”, không ít người chạnh lòng khi liên hệ đến những bộ phim mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội sử dụng kinh phí Nhà nước.

Trước đây đã từng có dự án phim “Thái tổ Lý Công Uẩn” được quảng bá ầm ĩ, những lời hứa hẹn chắc nịch và những khoản kinh phí dự trù rất lớn. Nhưng rồi dự án đã không thành một cách… lặng lẽ.

Sau đó, nhiều bộ phim tiền tỉ cho dịp Đại lễ vẫn tiếp tục được triển khai và rất lạ, nó đều tiến hành trong lặng lẽ, thậm chí còn được giữ “bí mật”. Số tiền đầu tư cho làm phim cũng không nhỏ: Phim “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” gồm 10 tập, có kinh phí dự kiến 9 tỉ đồng mỗi tập. Nhưng chưa chắc tiền nhiều đồng nghĩa với việc sẽ có được những bộ phim chất lượng cao.

Quả nhiên, mới đây đã có một vài thông tin về một trong số những bộ phim loại này đã lộ ra và phải nói là dư luận cảm thấy rất thất vọng.

Người xem những bức ảnh về bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” không khỏi sửng sốt vì từ trang phục, cách trang điểm, ngựa xe… đều giống cảnh phim thời Chiến quốc của Trung Quốc.

Bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng có cách tạo hình nhân vật Trần Thị Dung không khác gì các cô gái người Hán. Trang phục của Đàm Hoàng hậu thì na ná Võ Tắc Thiên; nếu chỉ nhìn qua Thái tử Sảm có lẽ ai cũng ngỡ là một thái tử của Trung Quốc thời xưa.

Được biết, toàn bộ cảnh quay của bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” đều được thực hiện tại trường quay ở tỉnh Triết Giang, đạo diễn phim cũng là người Trung Quốc.

Nhưng người ta càng thấy khó hiểu hơn khi thanh minh về những điều này, êkíp thực hiện cho rằng phim vẫn mang đậm hồn Việt bởi tinh thần phim và diễn xuất của các diễn viên (?!).

Người dân không hiểu vì sao, những dự án phim chính thống mà nhà nước bỏ tiền đầu tư, chào mừng sự kiện lớn của dân tộc mà lại phải kín bưng như thế?

Nhiều người đã mường tượng đến khả năng sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long, những người có công làm những bộ phim “hồn… Ta, da Trung Quốc” sẽ được khen thưởng.

Công luận

.

.

.

No comments: