Sunday, April 25, 2010

HAI CÂU CHUYỆN VƯỢT BIÊN CỦA HAI CƯ DÂN LITTLE SAIGON

Hai câu chuyện vượt biên của hai cư dân Little Saigon

Saturday, April 24, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111920&z=1

Đem sinh mạng để đổi lấy tự do

Deepa Bharath, The OC Register

Bản dịch: Triệu Phong/Người Việt

GARDEN GROVE - Cái giá của tự do đối với ông Phạm Thế Vinh còn lớn hơn hiểm nguy gặp phải hải tặc, bão biển, đói khát hay ngay cả sự chết.

Ông Phạm Thế Vinh đưa cho coi bức hình chụp ông khi ở trại tị nạn năm 1979.

Tấm biển trong hình ghi tên, ngày tới trại (DOA, date of arrival) 1 tháng 3, 1979, và ngày sinh.

(Hình: Leonard Ortiz/The Orange County Register)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/111920-big_A1_Deepa_MinhPicture1a.jpg

Tháng Hai năm 1979, ông rời vợ, bà Chu Kim Dung, và cô con gái mới lên 5, Mặc Nhiên, ở lại Sài Gòn để đi tìm tự do. Nỗi gian nan ông Vinh, nay đã 62 và cư ngụ tại Garden Grove, gặp phải khi ông rời khỏi vùng duyên hải Việt Nam trên một con thuyền đánh cá mong manh, không có là bao so với cái giá của tự do.

Ông nói, “Tôi thấy như mới được hồi sinh.”

Nhã Lan, năm nay 50 tuổi và sống tại Westminster, đã phải tránh đạn, phải len lỏi qua rừng rậm, cải trang và quì xin được tha mạng, phải làm việc với đồng lương $1 mỗi ngày trong một quán cà-phê và làm lao động nặng nhọc tới mức móng tay bong ra. Tuy vậy cô nói:

“Mọi thứ tôi làm cũng vì hai chữ tự do. Thật cũng đáng.”

Cô Nhã Lan, 50 tuổi, cho coi bức hình chụp gia đình hồi cô 20 tuổi, ở trại Sikhiu Thái Lan sau khi vượt biên đường bộ.

Trong hình từ trái là anh cả Thanh Nguyễn, Nhã Lan, Hường Nguyễn (anh rể), và người anh kế của Nhã Lan, Bình Nguyễn.

Nhã Lan vượt thoát khỏi Việt Nam cải trang trong quân phục bộ đội. (Hình: Leonard Ortiz/The Orange County Register)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/111920-big_A1_Deepa_NhaLan1a.jpg

Những tâm sự này được hai cư dân quận Cam nói lên, và cũng được san sẻ với một triệu “thuyền nhân” khác, những người lũ lượt kéo nhau ra khỏi Việt Nam sau khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam vào ngày 30 Tháng Tư, 1975. Năm nay đánh dấu 35 năm ngày dân tị nạn ồ ạt ra đi mà đợt vượt thoát vĩ đại nhất là trong thời gian từ 1975 đến 1980. Cuộc đời của ông Vinh và cô Nhã Lan cũng như những trang của cuốn sách sử ấy.

Dân tị nạn lênh đênh trên biển cả nhiều ngày không thức ăn và nước uống. Ước tính có chừng 500,000 người thiếu may mắn đã vùi thây dưới lòng biển khơi. Những người qua được bến bờ bên kia như ông Vinh, phải tạm trú hằng tháng trời ở trại tị nạn Malaysia, Indonesia và Thái Lan trước khi được phỏng vấn và đi định cư ở các nước như Hoa Kỳ, Úc và Âu Châu.

Cuộc vượt biển cô đơn

Ông Vinh tự cho mình là người ít tài năng. Trong khi cha và anh em du học nước ngoài thì mình phải đi lính. Sau 30 Tháng Tư 1975, ông không thể tìm được việc làm, phải sống trong tâm trạng vô vọng và sợ hãi. Ông nói:

“Người Cộng Sản không tin bất cứ ai ngoại trừ người của họ. Muốn xin được việc, tôi phải chứng minh mình không phải là kẻ phản động nhưng biết phải chứng minh thế nào bây giờ?”

Ông Vinh nhập chung với nhóm người đang đóng một thuyền đánh cá. Vì không có tiền trả cho chuyến đi nên ông tình nguyện phụ làm không công. Tuy nhiên điều này có nghĩa là chỉ mình ông mới được đi theo, còn vợ con đều phải ở lại.

Con thuyền với đồ tiếp liệu eo hẹp đi lọt ra biển khơi an toàn. Kế đó ông Vinh cùng vài người khác leo lên một chiếc lớn hơn để tiếp tục đi. Sau ba ngày bốn đêm, họ đến được vùng duyên hải Malaysia nhưng giới chức nước này ngăn không cho lên bờ.

Ông Vinh kể, “Chúng tôi phải đánh đắm thuyền rồi lội vào.”

Từ đây, ông Vinh được gửi đến trại tị nạn Pulau Bidong, nơi ông tạm trú hết bảy tháng. Dân tị nạn phải tự lo dựng lều, nhà thờ và chùa chiền tạm bợ để thờ phượng, ngay cả tự mở lấy các lớp dạy tiếng Anh.

Với ông Vinh, không hề nghĩ đến việc thương thân trách phận hay buồn lo. Ông cảm thấy hoàn toàn sung sướng và nhất là thấy mình còn sống.

“Tôi biết là tôi không biết nói tiếng bản xứ, không tiền bạc, không kinh nghiệm nhưng tôi có được tự do và hy vọng.”

.

Chuyến đi nguy hiểm

Cha mẹ Nhã Lan trốn khỏi chế độ Cộng Sản miền Bắc năm 1954. Bởi thế sau năm 1975, ra khỏi Việt Nam là hy vọng duy nhất của họ để sống còn.

Mẹ của cô Lan, mà cô cho là một phụ nữ có đức tính quả cảm và ý chí kiên cường, đem đổi hết tài sản lấy vàng và tiền đô, để tìm cách giúp cho bốn con gái và ba con trai của mình ra khỏi Việt Nam.

Tính tới năm 1980, cả nhà ai cũng từng vào tù hết trừ cô Lan.

Cô nói, “Người Cộng Sản đem nhốt người ta vô tù không cần lý do. Khi họ không ưa một ai thì họ chỉ việc đẩy vào tù. Là một gia đình đạo Thiên Chúa, chúng tôi không có tự do tôn giáo. Là một phụ nữ tôi không được phép đi học. Và là một con người, tôi không có quyền được sống theo ý của mình.”

Cô Lan kể rằng, anh cô đi được qua trung gian của một người quen biết với gia đình - điều trớ trêu, người này lại là một bộ đội Bắc Việt đã về hưu. Người đi tiếp theo là chính cô và người anh rể. Lúc bấy giờ cô em gái vẫn còn đang nằm tù cô nói.

Mục tiêu của cả hai là làm sao đi bộ băng qua được đất Cambodia. Trước khi đến xứ này, cô Lan và người anh rể bị bộ đội rượt đuổi và bắn theo. Sau khi thoát được, cô Lan phải băng rừng nơi mà cô suýt bỏ mạng vì thiếu ăn. Cô được cứu sống nhờ thuốc Bắc mà mẹ cô có gói sẵn cho cô mang theo.

Ra khỏi rừng thì đến biên giới Cambodia, tại đây cô lại đụng đầu với một người lính Cambodia, hắn chĩa súng và ra lệnh cô cởi bỏ hết áo quần. Cô quỳ mọp xuống đất, lấy tràng hạt ra và bắt đầu khấn nguyện trong khi khẩu súng vẫn hướng vào người mình.

Cô Lan kể tiếp, đột nhiên tên lính hạ súng xuống rồi quay đi, để cho cô rửa tay và chân bên dòng suối.

Cô nói, “Quả là một phép lạ.”

Nhiều ngày và nhiều tháng sau, Nhã Lan và người anh rể sống lây lất qua bốn trại tị nạn: Một trại tị nạn của người Khmer trên đất Thái, Khao-I-Dang; hai trại Arran và Si-Khiu, đều ở Thái Lan; rồi đến Pulau Galang ở Indonesia.

Sau cuộc hành trình gần 18 tháng, Lan và người anh rể đi sang Singapore, Hồng Kông và Nhật, trước khi đáp một chuyến phi cơ bay sang Los Angeles. Phải đợi mãi đến năm 1991 cả nhà cô mới được đoàn tụ tại Hoa Kỳ. Duy chỉ cha của cô là không có mặt.

Cô Lan tâm sự qua dòng nước mắt, “Ba tôi thương tôi lắm, khi tôi đi, ông tan nát cõi lòng.”

.

Quê hương mới

Giờ đây cô Lan nói rằng cuộc ra đi rất xứng đáng, cho dù có phải bỏ mạng, việc ra đi cũng rất đúng đắn. Cô Lan tiếp.

“Chúng tôi qua đây không phải vì tiền, vì miếng ăn mà vì tự do. Ở đây chúng tôi sống theo ý thích của mình, không ai có quyền bắt nhốt vì cách sống của mình.”

.

Về phần ông Vinh, sau khi đến California, ông theo học lớp dạy làm assembly điện tử và xin được một việc làm ở trong ngành kỹ nghệ hàng không và không gian. Ngày nay ông Vinh đang làm kỹ thuật viên cơ điện máy bay cho hãng Boeing.

Cô Lan làm kỹ sư công nghệ cũng ở Boeing. Cô cũng là xướng ngôn viên trên đài Little Saigon Radio.

Ông Vinh đoàn tụ với gia đình gồm hai anh em và một em gái. Ðến năm 1985 ông bảo lãnh cho vợ và con gái sang được Hoa Kỳ. Bây giờ họ có thêm hai gái và một trai. Cả hai còn đi dạy thêm Việt ngữ trong cộng đồng địa phương.

Ông Phạm Thế Vinh, 62 tuổi, cư dân Garden Grove, trốn thoát ra khỏi chế độ Cộng Sản Việt Nam năm 1979
và đến trại tị nạn Pulau Bidong ở Malaysia. (Hình: Leonard Ortiz/The Orange County Register)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/111920-big_A1_Deepa_MinhSeated1a.jpg

Cả ông Vinh lẫn cô Nhã Lan chưa trở lại Việt Nam lần nào.

Cô Lan nói, “Tôi không muốn về bên đó. Ở đây tôi có đủ mọi thứ rồi và xứ sở này nay là quê hương thứ hai của tôi.”

Mặc dù cá nhân ông không trở về Việt Nam, ông Vinh cho biết mọi dân tị nạn đều cảm thấy bực tức vì không thể trở về sinh sống trên đất nước mà họ rất mực thương yêu.

Ông Vinh nói, “Nước tôi đẹp lắm. Ở đây tôi được sung sướng nhưng trong lòng vẫn thấy như có một sự trống không kỳ lạ. Có lúc tôi ngồi nhìn quanh và tự hỏi, ‘tuy mình đang có đủ mọi thứ mà vẫn như không có gì cả.’”

.

Bài phóng sự này là một phần trong chương trình hợp tác trao đổi giữa báo Người Việt và báo The Orange County Register để tưởng niệm 35 năm ngày 30 tháng 4.

.

.

.

No comments: