Saturday, April 10, 2010

THẾ GIỚI CHÁN GHÉT, DÂN TÌNH PHẨY TAY

Thế giới chán ghét, dân tình phẩy tay

Hoàng Linh Vương

11/04/2010 4:47 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18838

.

Bài “Cáo buộc của Google và McAfee về vụ ‘hack’ trên mạng là vấn đề Quốc thể của Việt Nam” của ông Trình Phụng Nguyên đặt nhà cầm quyền Việt Nam (NCQVN) vào thế kẹt.

Khi vụ khủng bố trên mạng bùng nổ, chỉ cần một chút suy luận, thêm một chút xíu kinh nghiệm, mọi người – trong đó có tôi – đều có thể luận ra rằng NCQVN chủ mưu. Tuy nhiên đây đã chỉ là sự phỏng đoán thiếu tang chứng. Đến ngày 30.03.2010, hai Công ty Google và McAfee (USA) chính thức hóa vụ việc, cáo buộc NCQVN đứng sau những hành vi này, nhằm mục đích chính trị. Hỉển nhiên là vi phạm Công ước Quốc tế.

Đang không bị vu oan giáo họa thì ai lại không “nhảy dựng” lên? Nhất là trên bình diện quốc gia? Nhưng ở đây, 4 ngày sau khi bị cáo buộc, tức ngày 03.04.2010, khi phóng viên của một tờ báo quốc tế trực tiếp đặt câu hỏi về hành vi này thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới tuyên bố rằng các cáo buộc trên “là ý kiến không có cơ sở”. Thế thôi. Theo lời của ông Trình Phụng Nguyên thì “rất xuề xòa và vô trách nhiệm”.

Những tập đoàn tầm cỡ như Google hoặc McAfee có thể làm mất thương hiệu của mình dễ như chơi nếu phát ngôn bừa bãi hoặc vu khống, làm tổn hại danh dự của bất cứ ai đó. Vậy chúng ta có thể tin chắc rằng một khi họ đã tuyên bố, thì sự việc đã phải trải qua một quá trình điều tra, kiểm nghiệm, chắt lọc kỹ càng và tinh vi lắm. Họ đã có bằng chứng đầy đủ 99,99% trước khi tuyên bố. Họ không đang đùa với lửa, lại càng không đang dây với “hủi”.

Dựa theo những cơ sở vừa nêu ở trên thì NCQVN chỉ có nước cờ duy nhất là “lờ”. Và họ đã “lờ” thật, trong khi có trong tay cả một Trung tâm An ninh liên mạng ở Hà Nội mang tên IKBS, mà ông giám đốc Nguyễn Tứ Quảng còn khẳng định rằng họ có khả năng làm sáng tỏ vụ việc (coi chừng mất chức đấy ông Quảng ơi!).

Dân tộc Việt Nam không thể “mặt dầy” như thế nên ông Trình Phụng Nguyên bức xúc viết bài yêu cầu NCQVN – coi như không phải là thủ phạm (?) – phải thưa kiện hai công ty này về tội vu khống (?) cho đến cùng (ông nói: như từng kiện vụ chất độc da cam). Tới đây vấn đề được đặt trên mức độ “nhạy cảm” càng kẹt hơn.

Vâng! Kẹt lắm, nên cho đến hôm nay, khi tôi đang viết bài viết này, cũng không thấy có thêm một phát ngôn nào từ phía bị cáo buộc, tức phía NCQVN!

Bài viết của ông Trình Phụng Nguyên được phổ biến rất rộng rãi. Trước hết là trên www.talawas.org, rồi đến www.x-cafevn.org, www.danluan.org, rồi www.boxitvn.org với lời dẫn rất bức xúc và bi thương, rồi rất nhiều các web và blog khác, cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề đến mức độ nào.

Việc cáo buộc này sẽ không vô lý dừng ở đây nếu các tổ chức hoạt động cho dân chủ và nhân quyền, các tổ chức truyền thông “lề trái” biết khai thác tình huống, tác động đưa vụ việc ra được trước công luận quốc tế, tạo tình huống để hai công ty Google và McAfee phải công khai hồ sơ.

Thêm một hướng nữa là chính những trang web từng bị đánh sập như Bauxite Việt Nam, talawas, X-cafe, Dân Luận… và một số blog bị thiệt hại khác có thể đồng thuận lập bản án làm đơn kiện trước quốc tế, đòi thủ phạm bồi thường mà tang chứng đang nằm sẵn trên bàn giấy của Google và McAfee. Thực chất việc bồi thường ở đây có thể chỉ là phụ, nhưng công khai được bộ mặt thật của NCQVN trước dư luận quốc tế mới là quan trọng. “Lề trái” đâu có thiếu những chuyên gia chính trị, cũng chẳng thiếu những luật sư tầm cỡ. Đây cũng có thể chỉ là ví dụ, còn có có nhiều hướng khác hay hơn nữa mà tôi không biết vì tôi không phải là chuyên gia trong lãnh vực này.

Chủ trương hoạt động của Công ty McAfee thì tôi không nắm rõ, nhưng Google qua vụ rút ra khỏi Trung Quốc – bất chấp thị trường của hơn 1 tỷ người -, không chịu nằm dưới sự kiểm duyệt của Nhà nước Trung Quốc, đã chứng tỏ sĩ khí và văn hóa kinh doanh của họ (tôi hy vọng sẽ có một dịp nào đó được đào sâu bới rộng chủ đề này). Việc Google và McAfee cáo buộc NCQVN ở đây không phải là họ không đo lường trước được thiệt hại có thể đến với họ, nhưng họ vẫn làm chỉ vì công bằng xã hội. Chắc chắn NCQVN – cũng như Trung Quốc – không thể mua được họ. Tôi tin tưởng hoàn toàn ở họ trong lĩnh vực này và họ sẽ ủng hộ chính nghĩa công bằng như họ đang làm, tôi có bằng chứng để tin là thế.

Trở lại vấn đề chính, cứ nhìn vào các hoạt động và thành quả của các tổ chức vì một Việt Nam nhân bản (xin được dùng từ chung chung cho tất cả các tổ chức trong và ngoài nước, có mục đích nói trên vì ở đây tôi không thể liệt kê ra hết tên một cách cụ thể được), đặc biệt là các tổ chức ở hải ngoại, đang có ưu thế hơn về mọi mặt trong môi trường kiện tụng pháp lý này. Tôi cũng xác quyết là những tổ chức được nhắc đến ở đây sẽ làm được việc này, như họ đã từng làm, bền bỉ đấu tranh bất bạo động, gây được cảm tình với quốc tế, ảnh hưởng lớn đến công luận, đến độ hôm nay NCQVN không dám quá “bạo tay” với những nhà dân chủ trong nước vì có quốc tế quan tâm, giám sát và can thiệp. Mọi sự ngược đãi, qui chụp, bắt bớ vi phạm nhân quyền trong nước đều bị tố giác trước công luận. Cũng chính vì thế mà tính mạng của những nhà hoạt động cho dân chủ được bảo đảm an toàn hơn để họ được yên tâm cống hiến. Những tiếng nói vạch trần sự phù phiếm của NCQVN đang được phát biểu mạnh mẽ hơn. Tố cáo của giới trí thức trong nước dứt khoát hơn, và được phổ biến vang vọng hơn đến quần chúng. Ý thức dân chủ đang có cơ hội nẩy nở và đơm hoa kết trái trên mọi nẻo đường của quê hương.

Thiết nghĩ việc của một cá nhân thì ông Trình Phụng Nguyên đã làm. Phần còn lại là phận sự của tập thể, của các tổ chức “lề trái”.

Tốc độ biến chuyển dân chủ ở Việt Nam đang “diễn biến” khá nhanh, đã ở “mức báo động và nghiêm trọng”, như ông Lê Văn Bảo đang cảnh báo trước đại hội Đảng. Trong nhiều trường hợp, NCQVN đã phải thúc thủ, ngậm đắng nuốt cay (điển hình là luật sư Lê Thị Công Nhân, linh mục Nguyễn Văn Lý v.v…). Với đà này tôi tin tưởng ngày X-Dân chủ© của Việt Nam sẽ không còn bao lâu nữa.

THẾ GIỚI CHÁN GHÉT, DÂN TÌNH PHẨY TAY, thì nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay sẽ tồn tại với ai?

© 2010 Hoàng Linh Vương

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: