Wednesday, April 14, 2010

GEORGE ORWELL : ANIMAL FARM và NINETEEN EIGHTY-FOUR

George Orwell: Animal Farm và Nineteen Eighty-Four

Trần Hữu Thục

13.04.2010

http://damau.org/archives/11516

George Orwell mất vào năm 1950, tức là cách đây hơn 50 năm. Ông không để lại nhiều tác phẩm, nhưng ảnh hưởng của chúng không hề tan biến theo thời gian. Nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh (6/1903-6/2003), tác phẩm và cuộc đời của George Orwell được nhiều giới khác nhau (sử gia, phê bình văn học, nhà văn, nhà báo…) đánh giá lại, gây ra tranh cãi tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tháng 5/2003, 300 học giả hội họp tại Wellesley ba ngày liên tiếp trong một cuộc hội thảo có tiêu đề là “An Exploration of His Work and Legacy”. Nhân dịp này, người ta phát hành hai cuốn tiểu sử mới viết về Orwell. Xin trích lại đây vài ý kiến về Orwell trên báo chí nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh:

- “Như là một trong những bậc thầy của nền văn xuôi Anh Quốc, George Orwell là một trường hợp gây bối rối, khó xử. Những người đương thời biết rằng ông có cái gì đặc biệt, nhưng lại khó giải thích tại sao. Việc mang ông ra thảo luận chẳng dễ dàng hơn chút nào theo thời gian”[1]

- “George Orwell là một nhà văn chính trị, một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20 (…) Một nhà văn chính trị là một nhà văn hết sức quan tâm đến từ ngữ công chính, khinh bỉ những thành quả lớn và không tự xem mình là anh hùng hay một nhà tiên tri”[2]

- Orwell là “một cây bút không hoàn hảo mà lại hấp dẫn” (…) “Và tên của Orwell đã trở thành tiếng tính từ tiêu chuẩn được sử dụng khi đo lường khoảng cách giữa ngôn ngữ chính trị và thực tế đạo đức”[3]

Washington Post, trong một bài viết khác của Jeremy Lovell, lại tố cáo là Orwell “có tinh thần bài Do Thái và là một kẻ cô đơn không bè bạn thường khoác chiếc áo giai cấp thợ thuyền nhưng lại ăn nói theo kiểu giai cấp lớp trên – là người bị xâu xé giữa một bên là xã hội chủ nghĩa và bên kia là chống báng Liên Xô của Stalin”. Và mới đây, không lâu trước ngày kỷ niệm, một tài liệu chưa hề công bố cho biết, ít tháng trước khi chết, Orwell đã giao cho Sở Ngoại Vụ Anh một bản danh sách gồm 38 người Cộng Sản và những bạn hoạt động bí mật của ông. Danh sách sau đó đã được sử gia Timothy Garton Ash tiết lộ đầy đủ.

Sự kiện đó đã khiến người ta nghi ngờ xu hướng xã hội chủ nghĩa và tinh thần chống độc tài của ông, đồng thời làm hoen ố danh tiếng mà ông có được từ cả hơn nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với tờ Guardian[4], sử gia Norman Mackenzie – một trong số 38 người có tên trên bản danh sách, hiện còn sống – cho rằng khi bị bệnh lao, ông không còn kiểm soát được mình nữa. “Đó là một danh sách không đáng tin cậy. Những bệnh nhân bị bệnh lao thường rất kỳ quặc vào giai đoạn cuối. Tôi là một người ngưỡng mộ Orwell, tôi đồng ý với ông về Liên Xô, nhưng tôi cho rằng ông đã phần nào trở nên lẩm cẩm rồi”.

George Orwell là bút hiệu của Eric Arthur Blair, sinh ngày 25 tháng 6/1903 tại Bengal (Ấn Độ), con thứ hai của một viên chức Anh làm việc tại sở thuốc phiện, Ấn Độ. Ít tháng sau khi sinh, ông theo mẹ về lại Anh quốc và sống ở đó cho đến khi trưởng thành. Ông học hành không lấy gì xuất sắc, do đó, không được học bổng để vào đại học. Chán nản, năm 1922, ông đăng ký làm cảnh sát thuộc địa tại Burma (Miến Điện). Công việc này chẳng làm ông thú vị gì, nhưng giúp ông nhìn thấy rõ bản chất của chủ nghĩa thuộc địa và hình thành xu hướng xã hội chủ nghĩa của ông sau này. Trong thời gian phục vụ, ông bắt đầu viết lách lăng nhăng, nhưng không mấy thành công. Nhiều bài sau này in trong tuyển tập Shooting an Elephant (1950) đề cập đến cung cách làm việc của các viên chức thuộc địa. Một trong những bài viết nổi tiếng nhất là “A Hanging” kể chuyện một người Ấn bị treo cổ chết.

Sau năm năm làm việc, ông từ chức và trở về lại Âu Châu. Ông sống như một kẻ vô gia cư, làm những việc vặt vãnh ở cả Anh và Pháp, có lúc phải đi ăn xin. Để biết qua về kiếp tù đày, một lần, ông giả vờ say sưa để bị bắt nhốt. Kinh nghiệm sống đó cung cấp cho ông chất liệu độc đáo, dồi dào để ông hoàn tất truyện dài Down and Out in Paris and London (1933), diễn tả cuộc sống bi đát của những kẻ sống bên lề xã hội. Một vài nhân vật chẳng khác gì mấy nhân vật trong truyện của Charles Dickens (Anh). Sợ không thành công, ông không dám dùng tên thật mà lấy một tên khác làm bút hiệu: George Orwell. Trái với sự lo ngại của tác giả, tác phẩm được sự ca ngợi của giới phê bình, mặc dầu không tránh khỏi những nhược điểm tất nhiên của một tác phẩm đầu tay. George Orwell, từ đó, được dùng làm tên chính thức cho tất cả các tác phẩm cũng như tiểu luận về sau của ông.

Bốn năm sau, một tác phẩm khác ra đời: The Road to Wigan’s Pier (1937). Đó là một ký sự, kết quả của hai tháng đi lang thang trong các hầm mỏ, bến tàu, những khu láng giềng tồi tàn, bẩn thỉu vùng Lancashire và Yorshire (Anh). Tác phẩm chấm dứt với lời thú nhận rằng ông tin ở chủ nghĩa xã hội và rằng các phong trào cánh tả là lực lượng duy nhất đủ sức chống lại cơn triều dâng của chủ nghĩa phát-xít đang hoành hành ở Châu Âu. Nhưng đồng thời tác giả không quên cảnh báo về nguy cơ của một xã hội theo chủ nghĩa toàn trị kiểu Stalin ở Liên Xô. “Chúng ta cần có chính sách tuyên truyền thông minh. Bớt đi những là “ý thức giai cấp”, “trưng thu tài sản của những kẻ bóc lột”, “ý thức hệ trưởng giả”, “tình liên đới vô sản”…và thêm vào đó công lý, tự do và thực cảnh của những người thất nghiệp”, Orwell viết.

Năm 1937, Orwell sang Tây Ban Nha, gia nhập tổ chức “Workers’ Party of Marxist Unification” (POUM = Đảng Công Nhân Mác-Xít), chiến đấu chống quân đội phát-xít. Một thời gian sau, ông bỏ đảng, dù vẫn đứng trong hàng ngũ công nhân. Về Anh, ông gia nhập một đảng khác, “Independent Labour Party” (Lao Động Độc Lập). Và rồi lại bỏ đảng vài tháng sau đó. Con người Orwell là như thế. Cam kết theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại không muốn lệ thuộc vào bất cứ một đảng phái chính trị nào. “Một nhà văn chỉ có thể giữ gìn sự ngay thẳng của mình nếu anh ta không chịu ảnh hưởng của bất cứ đảng phái nào”, ông phát biểu. Những ngày tháng ở Tây Ban Nha, ông chứng kiến mật vụ Sô Viết đàn áp tàn bạo phong trào vô chính phủ, đồng thời dưới áp lực của Liên Xô, chính phủ Tây Ban Nha đàn áp phong trào của ông. Kết quả là sự ra đời của Homage to Calalonia (1938), phản ảnh bộ mặt của cuộc nội chiến Tây Ban Nha với tất cả những bi thương khủng khiếp của nó và là một bản tố cáo chính sách khao khát quyền thống trị của Stalin đối với các phong trào cánh tả trên toàn thế giới. Khác với hai tác phẩm trước đó, Homage to Catalonia không gây mấy tiếng vang, vì lúc đó, dư luận chung cho rằng tố cáo Stalin sẽ làm yếu đi phong trào chống phát-xít ở Châu Âu.

Thời đệ Nhị Thế Chiến, do yếu phổi và bị thương trong cuộc chiến Tây Ban Nha, ông được miễn nhập ngũ. Ông làm việc cho đài BBC, rồi sau làm chủ bút tờ báo cánh tả Tribune cho đến cuối chiến tranh. Lúc này, tài năng viết lách của ông đã đến độ chín toàn diện và tên tuổi của ông cũng đã nổi tiếng khắp châu Âu. Năm 1943, ông bắt đầu viết Animal Farm, một tác phẩm mà nội dung đã được thai nghén từ năm 1937, như ông cho biết. Tác phẩm gặp trắc trở lúc đầu. Có đến bốn nhà xuất bản từ chối in với một trong những lý do khá thuyết phục: tác phẩm có nội dung chống Stalin trong lúc Stalin đang là đồng minh của Anh Quốc và Hoa Kỳ chống Hitler.

Mãi cho đến tháng 8/1945, vài ngày sau khi khi Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, tác phẩm mới lặng lẽ xuất hiện trên những kệ sách của các tiệm sách Luân Đôn. Lúc này, Đức và Nhật đã hoàn toàn bại trận. Một liên minh với Stalin không còn cần thiết nữa. Đúng thời điểm, cuốn sách mỏng có tựa đề Animal Farm, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có tiếng vang lớn trong giới chính trị và văn chương Anh thời hậu chiến, trở thành bestseller và được giới phê bình xem là một kiệt tác. Nhờ thế, Orwell có tiền và tậu được một trang trại tại Hebrides, nơi ông hoàn thành tác phẩm kế tiếp, Nineteen Eighty-Four (sau này đổi cho gọn thành 1984), xuất bản năm 1949. Khác với Animal Farm, Nineteen Eighty-Four là một cái nhìn về tương lai. Theo các nhà phê bình, Nineteen Eighty-Four chứa đựng dấu vết của nhà viết truyện châm biếm Anh gốc Irish thế kỷ thứ 18 là Jonathan Swift và hai nhà văn đương thời: Aldous Huxley (Anh) và Yevgeni Zamyatin (Nga). Cần ghi nhận: tựa đề Nineteen Eighty-Four không chứa đựng bất cứ một tiên tri nào, mà đơn giản chỉ là cách nói ngược của năm 1948. Nhưng ông không sống lâu để hưởng thụ thành quả của mình. Cố gắng để hoàn tất Nineteen Eighty-Four trong ngôi nhà lộng gió và thiếu sưởi ấm đã khiến bệnh lao phổi của ông nặng thêm. Một hôm, kiệt sức, ông được đưa gấp đến viện điều dưỡng Gloucestershire. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Tám tháng sau, người ta chuyển ông qua bệnh viện Luân Đôn. Ông chết tại đó vào tháng 1/1950 sau một cơn xuất huyết.

Orwell là một người khá bất thường. Giọng nói thì the thé khó nghe, ăn mặc lúc nào cũng xoàng xĩnh, y như một tay nghèo túng kinh niên, nghiện thuốc nhưng chuyên môn hút thuốc tự mình vấn lấy. Người đầy cá tính, không mấy tin cậy người lạ mặt, và do đó, ít bạn bè. Có lẽ vì thế mà các nhân vật hư cấu của ông thường khô khan, cứng nhắc, thiếu tính thuyết phục. Các nhân vật nữ được phác họa sơ sài, thiếu nét hấp dẫn và thiện cảm khiến người ta ngờ rằng ông có tâm lý ghét phụ nữ (misogyny). Phải chăng vì ông là người ưa săn đuổi phụ nữ, nhưng không mấy thành công? Một đặc điểm khác: ông không thích ai đọc trước bài viết của mình và góp ý. “Tôi không cần ai (góp ý) cả. Bài viết luôn luôn toàn hảo. Kể cả những dấu chấm phết”, ông khẳng định. Lại mặc cảm tự ti. “Ngay từ lúc mới đầu, tham vọng văn chương của tôi thường lẫn lộn với cảm giác bị cô lập và bị coi thường”, ông thú nhận về sau này. Ông xem cuộc đời riêng của ông là một phấn đấu không ngừng nghỉ để thoát ra khói cảm giác bị coi thường đó và nhiệt tình với chuyện viết lách. Trong một bài viết năm 1947, ông nhận xét: “Tất cả mọi nhà văn đều hão huyền, ích kỷ và lười biếng và ngay trong tận cùng động cơ viết lách của họ, vẫn tồn tại một điều bí ẩn. Viết một tác phẩm là một cuộc tranh đấu khủng khiếp, kiệt sức giống như trải qua một cơn bệnh đau đớn kéo dài. Người ta sẽ không bao giờ làm được một công việc như thế nếu không bị lôi kéo bởi loại quỷ quái nào đó mà người ta không cưỡng chống được mà cũng chẳng hiểu rõ”[5]

Tên tuổi của Orwell gắn liền với hai cuốn tiểu thuyết độc đáo: Animal FarmNineteen Eighty-Four. Một số người cho rằng đó là hai kiệt tác của Orwell.

.

Animal Farm[6] là một câu chuyện hài hước cay đắng mô tả cuộc nổi loạn của một nhóm súc vật chống lại ông chủ Người của chúng. Trước hết, đám súc vật đói khổ trong nông trại của ông Jones được con heo “lý thuyết gia” Old Major truyền bá tư tưởng: tất cả mọi đau khổ của kiếp súc vật là do sự thống trị của Con Người, một tạo vật lười biếng và độc đoán, bắt súc vật làm việc tối đa để phục vụ cho quyền lợi của họ. Để chấm dứt đau khổ, loài vật phải lật đổ ách thống trị của Con Người và xây dựng một xã hội, trong đó mọi con vật đều được bình đẳng:

Nên nhớ rằng trong cuộc chiến đấu chống lại Con Người, chúng ta không được bắt chước hắn. Ngay cả khi chiến thắng hắn rồi, đừng chấp nhận những thói xấu của hắn…Tất cả mọi thói quen của Con Người đều xấu xa.

Mọi con vật đều thích thú tán đồng. Nhưng trong cuộc họp đầu tiên bàn việc lật đổ Con Người, trong khi Major tuyên bố “mọi con vật đều là đồng chí” thì mấy con chó nhìn thấy bốn con chuột lớn bèn vồ ngay, ăn ngấu nghiến. Major bất bình, yêu cầu đại hội bầu phiếu về sự kiện đó. Đa số đều tán thành rằng chuột cũng là đồng chí. Nhưng có bốn phiếu chống là phiếu của ba con chó và một con mèo: đúng là bản năng thú tính làm việc. Dù chỉ là một thiểu số rất nhỏ, nhưng điều đó chứng tỏ đã có một dấu hiệu bất bình thường trong đám súc vật.

Sau khi Old Major chết, hai con heo Snowball và Napoleon, đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng với sự phụ tá của Squealer, một con heo khác có tài về tuyên truyền thuyết phục quần chúng. Lợi dụng lúc ông chủ say sưa, không quan tâm gì đến các con vật đang bị đói, đám súc vật nổi loạn, đuổi ông Jones đi. Cách mạng thành công, ba con heo thiết lập một hệ thống chính quyền mới dựa trên “Animalism” (thú vật chủ nghĩa) với bảy điều cam kết (the Seven Commandments) như sau:

Bất kỳ con vật nào đi bằng hai chân đều là kẻ thù
Bất cứ con vật nào đi bốn chân, hoặc có cánh đều là bạn
Không con vật nào được mặc áo quần
Không con vật nào được ngủ trên giường
Không con vật nào được uống rượu
Không con vật nào giết con vật nào
Mọi con vật sinh ra đều được bình đẳng

Tên nông tại vốn là “Manor Farm” được đổi thành “Animal Farm”. Cuộc cách mạng phát triển nhanh chóng tới các trại súc vật khác. Mọi con vật hăng hái, phấn khởi làm việc trong niềm hy vọng ở một cuộc sống mới tự do, no ấm và bình đẳng. Nhưng một thời gian ngắn sau, mọi việc dần dà biến đổi. Sản xuất nghe nói đuợc tăng gia, nhưng sữa bò thường bị biến mất thay vì được chia đồng đều. Trái cây rụng trong vườn nho cũng không được phân phối. Hóa ra, tất cả đều được để dành cho những con heo lãnh đạo. Dần dà, đám heo lãnh đạo dời vào ở nhà của chủ nhà cũ là Jones. Chúng ăn ở trong bếp và ngủ trên giường. Giải thích về những chuyện trái với những điều cam kết, con heo Squealer cho rằng những điều đó không có gì sai trái và ích kỷ cả. Vì nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, những con heo làm nhiều việc khó khăn hơn, nhọc nhằn hơn các công việc nông trại như là “hồ sơ”, “biên bản”, “báo cáo”… và do đó cần được bồi dưỡng thêm để có sức khỏe mà phục vụ cách mạng.

Không lâu sau, hai con heo cầm quyền tranh chấp, kết quả là Snowball phải ra đi. Quyền hành thu tóm trong tay Napoleon. Với quyền hành đó, Napoleon bắt đầu dùng chính sách đàn áp và bỏ đói để cai trị. Hắn ta bắt đầu sống trong xa hoa, sa đọa một cách công khai. Bảy điều cam kết từ lúc bắt đầu cách mạng lần lượt được sửa đổi cho phù hợp với ý muốn của Napoleon. Khi Napoleon giết người thì điều thứ 6 được đổi thành “Không con vật nào được giết con vật nào nếu không có lý do”. Khi Napoleon uống rượu thì điều thứ 5 được đổi thành “Không con vật nào được uống rượu quá độ”. Tóm lại, bất cứ điều gì cũng có thể được giải thích một cách hợp lý, cho dù chúng mâu thuẫn nhau hay chúng không phù hợp với sự thật.

Nhiều năm về sau, hầu hết mọi con vật thời cách mạng đều đã lần lượt chết, chỉ trừ một vài con như con ngựa cái Clover, con lừa đực Benjamin, con quạ Moses và một số con heo. Trại Súc Vật giờ thì đông đúc, nhưng hầu hết đều là thế hệ sau hoặc là từ các nơi khác đến. Không mấy ai nhớ gì về thời gian cách mạng. Trại mỗi ngày mỗi ổn định, nhưng đời sống các con vật vẫn vất vả. Chúng không biết là đời sống bây giờ so với trước cách mạng, cái nào hơn cái nào. Chúng chỉ biết tuân lệnh, không có ý kiến gì. Vì chúng chẳng biết gì hơn để mà có ý kiến. Tất cả những thông tin đều do những con heo cung cấp. Ngoài chuyện cắm cúi làm việc hàng ngày, chúng chỉ còn một điều: niềm hy vọng:

Nếu chúng đói thì không phải vì chúng phải nuôi những con người độc đoán; nếu chúng làm việc nhọc nhằn, ít nhất thì chúng cũng làm việc cho chúng. Không có sinh vật nào trong chúng đi bằng hai chân. Không có sinh vật nào phải gọi con khác là ‘Chủ’. Tất cả mọi con vật đều bình đẳng.

Một buổi chiều đẹp trời nọ, khi đám súc vật đang trên đường trở về trại sau một ngày làm việc nhọc nhằn thì bỗng nghe có tiếng ngựa hí bất thường từ ngoài vườn. Tất cả đều dừng lại chờ xem. Và chúng vô cùng sửng sốt chứng kiến một cảnh tượng khác thường, chưa hề nhìn thấy bao giờ: một đoàn thú vật gồm toàn heo và chó – những phần tử lãnh đạo trại – nối đuôi nhau bước đi, và bước đi bằng hai chân sau, con nào con nấy tỏ vẻ phấn khởi. Cuối đoàn là con heo lãnh tụ Napoleon, hai chân sau thẳng đứng, hiên ngang bước đi, đầu ngẩng cao hãnh diện nhìn ngang nhìn ngửa với một đoàn chó tùy tùng nhảy nhót reo vui. Đúng lúc đó, bỗng nhiên bầy cừu, nhận hiệu lệnh từ đâu đó, đồng thanh hát to một bài ca mới sáng tác:

Đi bốn chân là tốt, đi hai chân lại tốt hơn! Đi bốn chân là tốt, đi hai chân lại tốt hơn! Đi bốn chân là tốt, đi hai chân lại tốt hơn!

Bài hát là một phủ nhận điều cam kết số Một. Hay nói một cách khác, đám lãnh tụ cách mạng bốn chân bây giờ muốn làm Con Người đi hai chân. Bài hát được lập đi lập lại cho đến khi những con heo vào hẳn trong trại. Trong lúc đó, ở bên ngoài

Benjamin cảm thấy như có lỗ mũi của ai cọ cọ vào vai. Hắn nhìn lui. Hóa ra là Clover. Mắt ả trông mờ đi hơn bao giờ hết. Không nói một lời, ả kéo nhẹ chiếc bờm của hắn và dẫn hắn đi vòng tới cuối nhà kho lớn, nơi mà Bảy Điều Cam Kết được viết lên. Khoảng một hay hai phút, chúng nhìn sửng vào bức tường nền đen với chữ trắng viết lên trên.

Cuối cùng, ả nói: “Mắt tôi giờ quá tệ. Hồi còn trẻ tôi chẳng hề đọc xem thử họ viết cái gì trên đó. Nhưng giờ tôi thấy bức tường trông có vẻ khác đi. Thế thì Bảy Điều Cam Kết ngày xưa không biết có còn như cũ không vậy, Benjamin?”

Lần đầu tiên, Benjamin bằng lòng phá lệ và hắn đọc cho ả nghe những giòng chữ trên bức tường. Giòng chữ như sau: TẤT CẢ MỌI CON VẬT ĐỀU BÌNH ĐẲNG. NHƯNG MỘT VÀI CON THÌ BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC.”

Thế nghĩa là Bảy Điều Cam Kết từ ngày cách mạng thành công, bây giờ chỉ còn lại một, là điều thứ bảy, nhưng thêm một câu, khiến cho nó mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn: chỉ có những kẻ lãnh đạo mới được bình đẳng.

Thế là, sau một thời gian huy động hết năng lực của đám súc vật chống lại con người và lao động cật lực để xây dựng thành công “Trại Súc Vật”, cuối cùng, lãnh tụỳ Napoleon đàm phán với con người, bỏ lốt heo để trở thành người, đưa tới liên minh Người-Vật. Trại được đổi ngược lại tên cũ là Manor Farm. Trong đoạn kết, Animal Farm kể lại một buổi nhậu giữa Napoleon và Người trong quá trình thương thuyết một hợp đồng làm ăn mới. Hai kẻ thù không đội trời chung bây giờ ngồi nhậu nhẹt say sưa và đánh bài với nhau trong khi bên ngoài, đám súc vật khép nép nhìn vào:

Bên ngoài, những con vật nhìn từ heo đến người và từ người đến heo rồi lại từ heo đến người; rốt cục, bọn chúng không thể nào phân biệt được ai là heo ai là người.

Animal Farm cho thấy tiến hóa của một cuộc cách mạng, khởi đầu từ một nhóm người ưu tú đi đến chỗ một cá nhân thâu tóm mọi quyền hành, độc quyền lãnh đạo, qua đó, ta có thể tìm thấy đầy đủ các khuôn mặt cũng như những biến cố chính đã xảy ra ở Liên Xô: từ Lenin, Stalin, Trosky đến cuộc nổi loạn Kronstadt, chính sách tuyên truyền chính trị, kiểm duyệt báo chí, nạn thiếu đói, các kế hoạch ngũ niên, việc tập thể hóa cưỡng bức, nạn đói năm 1932 ở Ukraina, đồng minh tiền-Đệ Nhị Thế Chiến Hitler-Stalin, hiệp định Molotov-Ribbentrop, vân vân. Nhưng tại sao Orwell lại dùng hình thức ngụ ngôn? Nói khác đi, tại sao ông lại dùng những con heo để tượng trưng cho Stalin và Trosky? Chuyện khá đơn giản. “Trên đường trở về từ Tây Ban Nha tôi nghĩ đến việc trình bày huyền thoại Sô Viết trong một câu chuyện dễ hiểu đối với mọi người và dễ dịch sang các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên những chi tiết trong câu chuyện chỉ đến với tôi khi vào một ngày nọ (lúc đó tôi sống trong một ngôi làng nhỏ), tôi nhìn thấy một chú bé khoảng chừng mười tuổi, lái một chiếc xe ngựa lớn đi vào một lối đi hẹp, vun vút quất roi vào con ngựa mỗi khi nó cố quay sang đường khác. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rằng nếu những con vật như thế mà biết được sức mạnh của chúng thì chúng ta không thể nào đè ép chúng được và rằng con người lợi dụng con vật theo các cách chẳng khác gì người giàu lợi dụng giai cấp vô sản. Tôi tiếp tục phân tích lý thuyết của Marx từ quan điểm của những con vật”, Orwell giải thích.[7]

Biến chuyện chính trị lớn lao thành một câu chuyện ngụ ngôn mà trẻ con có thể đọc được (ở Hoa Kỳ Aminal Farm được đưa vào chương trình đọc sách mùa hè – Summer Reading – của học sinh lớp 9) khiến cho những chuyện trái khoáy trong chính trị trở thành khôi hài hơn nhưng đồng thời cũng khiến ta có cảm giác cay đắng hơn và chua chát hơn; do đó, gây hiệu quả tâm lý cao hơn. Nhất là khi mà chúng ta đối chiếu chúng với những biến cố có thực bên ngoài xảy ra trong xã hội Cộng Sản. Mặt khác, chúng lại giúp giải thích được bản chất của các hiện tượng đó. Sống trong xã hội Cộng Sản rồi, chúng ta sẽ “ngộ” ra ngay cái cảnh thay đổi những điều cam kết đi kèm theo những giải thích “lấy được” của bộ phận tuyên truyền: thay trắng đổi đen trở thành chuyện bình thường, thậm chí trở thành chân lý. Từ “bốn chân tốt hai chân xấu” đi đến “bốn chân tốt, hai chân tốt hơn” dường như không có gì khác nhau trong một xã hội toàn trị, trong đó ngôn ngữ không còn được dùng để biểu đạt hiện thực mà chỉ để biểu đạt ý muốn của chủ thể. Hiện thực phục vụ cho ngôn ngữ và được đúc cho vừa cái khuôn ngôn ngữ tuyên truyền.

Sự thất bại của cách mạng bắt đầu từ chỗ: người bị áp bức muốn trở thành kẻ áp bức mới. Mầm mống của sự phá hủy cách mạng nằm ngay trong chính cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng của đám súc vật thất bại không phải vì con người phản công mà chính vì “bản chất người” nằm ngay trong con vật. Chúng muốn biến thành người, nghĩa là thành kẻ áp bức mà chúng muốn lật đổ. Có thể nói Animal Farm là lời than khóc cho một cuộc cách mạng bị thất bại, than khóc cho sự phá hủy tự do diễn đạt nghệ thuật và tất cả những hy vọng gắn liền với thời kỳ đầu của cuộc cách mạng. Tóm lại, đó là lời than khóc cay đắng về sự hư hỏng của lý tưởng do quyền lực gây nên.

Khi đề cập đến hợp đồng giữa Napoleon và con người trong đoạn cuối của Animal Farm, nhiều nhà phê bình cho rằng Orwell tin tưởng có sự hòa giải giữa các nước tư bản Tây phương và Liên Sô. Sau này, ông thú nhận là ông viết đoạn đó khi đang diễn ra hội nghị Teheran[8], trong đó Mỹ, Anh và Nga bàn đến chuyện sống chung hòa bình. Nhưng rồi hội nghị Teheran thất bại, dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh sau này. Phải chăng thất bại của hội nghị Teheran đã góp phần đưa đến sự hình thành Nineteen Eighty-Four?

.

Nineteen Eighty-Four (1984) là một truyện dài như bất cứ một tiểu thuyết nào khác. Nhưng ngoài câu chuyện chính ra, nó có thêm hai phần khác bổ sung: một là cuốn sách có tựa đề là “The Theory and Pratice of Oligarchical Collectivism” được xem là của Emmanuel Goldstein, thủ lãnh của Brotherhood là tổ chức bí mật chống lại Đảng và nhà nước. Cuốn sách lý giải tình hình thế giới, quan niệm về chiến tranh và chính sách thống trị nhân dân của Đảng; hai là phần phụ lục gọi là “The principles of Newspeak”, giải thích cách sử dụng từ ngữ mới nằm trong cuốn tự điển do Đảng biên soạn.

Truyện mô tả một thế giới bị chi phối bởi ba siêu cường quốc: Eurasia, Eastasia và Oceania. Oceania luôn luôn sống trong tình trạng chiến tranh với hai siêu cường kia, đẩy toàn thế giới ở trong một tình trạng thù hận, cô lập và sợ hãi. Nhân vật chính là Winston Smith, 39 tuổi, một nhân viên làm việc cho Bộ Sự Thật, trú sở tại London, thuộc siêu cường Oceania. Xứ sở được cai trị bởi Đảng và nhà lãnh tụ nắm giữ quyền hành tuyệt đối có tên là Big Brother, mà khuôn mặt của ông ta hiện diện khắp nơi trên các tấm pa-nô tuyên truyền lớn với giòng chữ “Big Brother Is Watching You” (Big Brother đang theo dõi bạn). Điều đó nhắc nhở mọi người rằng bất cứ những việc anh làm, dù khi ngủ hay thức, khi ăn hay làm việc, ở trong nhà anh hay ở bên ngoài, trong phòng tắm hay trên giường ngủ…, Đảng luôn luôn theo dõi anh. “Không có gì là phần riêng tư của anh ngoại trừ một ít phân khối nằm bên trong cái sọ của anh”.[9]

Nhà độc tài kiểm soát đất nước bằng bốn bộ: Hoà Bình, Tình Yêu, Thịnh Vượng và Sự Thật. Chức năng của bốn bộ này là một nghịch lý: bộ Hoà Bình thì đảm nhiệm chiến tranh, bộ Tình Yêu thì phụ trách chuyện hành hạ, bộ Thịnh Vượng thì chuyên lo về bỏ đói và bộ Sự Thật thì đảm trách chuyện nói láo. Tất cả những gì lưu trữ trong Bộ Sự Thật, nơi Winston làm việc, đều không mảy may liên hệ gì đến thực tại bên ngoài. Chúng được hoàn toàn dựng nên bởi Đảng, nghĩa là bằng sự dối trá. Vì không còn tài liệu nào khác ngoài chúng nên chúng nghiễm nhiên đi vào lịch sử và trở thành sự thật. Bộ Sự Thật không những chỉ lo thay đổi hiện tại mà còn tiêu hủy cả quá khứ. Ai kiểm soát được quá khứ, sẽ kiểm soát được tương lai: ai kiểm soát được hiện tại sẽ kiểm soát quá khứ. Đó là khẩu hiệu của Đảng.

Hãy nghe Winston giải thích điều này với Julia, người yêu của anh:

Em có biết rằng quá khứ, mới bắt đầu từ hôm qua thôi, là đã bị tiêu hủy rồi không? Nếu nó có còn tồn tại một nơi nào đó thì chỉ là một vài đồ vật mà chẳng có ghi lại chữ nghĩa gì cả, giống như mảnh thủy tinh bể nằm kia kìa. Chúng ta nào có biết gì về Cách Mạng và những năm trước Cách Mạng đâu. Mỗi một hồ sơ đã bị tiêu hủy hoặc thay đổi, mỗi một cuốn sách đều được viết lại, mỗi một hình ảnh đều được vẽ lại, mỗi một bức tượng và đường phố và lâu đài đều được đặt tên lại, mỗi một ngày tháng đều được sửa đổi. Tiến trình đó cứ diễn ra liên tục ngày này qua ngày khác, phút này qua phút khác. Lịch sử đã ngừng lại. Không có gì hiện hữu ngoài một hiện tại không ngừng nghỉ qua đó Đảng luôn luôn đúng”.[10]

Bộ Thịnh Vượng cũng thế, chuyên môn công bố những bản thống kê hoang đường. Lúc nào trong báo cáo, đại khái cũng đều một kiểu: so sánh với năm trước, thì đất nước luôn luôn sản xuất được nhiều thực phẩm hơn, nhiều áo quần hơn, nhiều nhà cửa hơn, nhiều đồ dùng hơn, nhiều tàu thủy, tàu bay, nhiều sách vở hơn, vân vân. Nghĩa là từng năm, từng tháng thậm chí từng phút, mọi người và mọi vật đều gia tăng, trong lúc đời sống thực sự thì giảm xuống.

Đảng lo tất cả mọi nhu cầu hàng ngày của cuộc sống cá nhân, từ ăn, mặc cho đến các sinh hoạt khác đồng thời theo dõi sát từng cử chỉ và tư tưởng của mỗi một cá nhân bằng những màn ảnh viễn vọng, những máy ghi âm dấu kín và gián điệp ở khắp mọi nơi. Cảnh Sát Tư Tưởng, bộ phận bí mật của Big Brother, có nhiệm vụ phát hiện bất kỳ một âm mưu nổi loạn chống nhà nước nào. Winston không chịu đựng được không khí ngột ngạt đó, nuôi ý đồ chống lại Big Brother. Anh bí mật mua một cuốn sổ nhật ký, thứ sản phẩm cũ xưa từ cả 40 năm trước còn sót lại và ghi chép chuyện này chuyện nọ nhằm lưu giữ những gì đang xảy ra cùng ghi lại những màn độc thoại nội tâm liên tục diễn ra trong đầu óc anh năm này qua năm khác. Câu đầu tiên anh ghi vào đó là “Hạ bệ Big Brother”. Anh âm thầm tìm hiểu và ghi lại các bí mật của xã hội, nhất là thời kỳ trước cách mạng mà Đảng tìm cách xóa bỏ cũng như những biến cố và người vào thời tuổi trẻ của anh.

Anh còn nhớ một tai nạn khi gia đình đang rất đói. Lúc đó cả nhà chỉ còn một mẩu sô cô la nhỏ được mẹ đem chia cho anh và đứa em gái đang hấp hối. Đói quá, anh ăn phần của anh và giựt luôn mẩu sô cô la từ em anh. Cô bé khóc. Người mẹ ôm cô trong tay và cố dỗ dành. Winston thấy hành vi đó, tuy chẳng có hiệu quả gì, nhưng đầy tình nhân ái: “Nó vô ích, nó không thay đổi được gì hết, nó không sản xuất ra thêm sô cô la, nó không làm cho cô bé khỏi chết; nhưng dường như bà làm thế là vì phải làm như thế” Hành vi đó khiến Winston nhớ lại cảnh trong một phim chiến tranh: một bà mẹ ôm đứa con trong lòng cố che cho nó khỏi bị trúng đạn dù biết rằng đó là một chuyện vô ích. Hai hành vi này, với Winston, chúng chẳng có giá trị chính trị nào cả, nhưng cho anh manh mối của lòng nhân ái. Anh biết rằng không bao giờ cảm thấy một hành vi vô ích sẽ trở thành vô nghĩa. “Nếu bạn yêu một ai đó, là vì bạn yêu người đó, và khi bạn không còn gì hết để cho, bạn vẫn cứ còn yêu người đó”.[11]

Quan điểm anh được vài người chia xẻ, trong đó có Julia, người yêu vụng trộm của anh, ông Charrington, người bán cho anh cuốn nhật ký và O’Brien, người làm cùng sở với anh. Họ gặp nhau và thảo luận về việc gia nhập tổ chức bí mật “Brotherhood” có mục đích lật đổ nhà độc tài. O’Brien cho Winston biết anh ta là người của nhóm bí mật và tuyển anh và Julia vào nhóm. Để củng cố thêm lập trường chống Đảng, Obrien cho Winston mượn cuốn sách “The Theory and Pratice of Oligarchical Collectivism” gọi là của thủ lãnh “Brotherhood” tên là Emmanuel Goldstein. Winston say sưa đọc và hiểu được nhiều điều sâu xa hơn trong đường lối thống trị thâm độc của Đảng.

Nhưng hóa ra, Charrington là một cảnh sát tư tưởng còn O’brien là thành viên cao cấp của Đảng. Và cuốn sách mà anh ta cho Winston mượn cũng là do Đảng viết ra nhằm dụ những kẻ chống đối Đảng như Winston xuất đầu lộ diện. Winston và Julia bị bắt. Cả hai trải qua một quá trình tẩy não. Lúc đầu Winston tỏ ra kiên cường, không chịu khuất phục. Nhưng dần dà, do tra tấn, anh đành chịu thua, phản bội cả người tình và tất nhiên, phản bội cả lý tưởng của anh. Khi được tạm thả sau khi bị tẩy não, anh chạy đi tìm Julia. Nàng thú nhận rằng nàng cũng đã phản bội anh. Anh cảm thấy không còn ham muốn nàng nữa và thay vì ở với nàng, anh đi kiếm một chỗ trong quán cà phê. Lúc đó, màn ảnh viễn vọng loan báo tin về chiến thắng cuối cùng của Big Brother trong cuộc chiến tranh. Anh khóc lên vì sung sướng: Đảng đã hoàn toàn kiểm soát được anh. Cuối cùng “Anh đã yêu Big Brother” (He Loved Big Brother).

.

Câu chuyện của Nineteen Eighty-Four tương đối giản dị, ít biến cố và không đầy kịch tính như trong Animal Farm. Nhưng trong lúc Animal Farm chỉ mô tả lại những gì vốn đã diễn ra trong thực tế bằng cách dựng lại một khung cảnh khác, Nineteen Eighty-Four đẩy cuộc cách mạng và nhà nước độc tài tiến xa hơn, đi sâu vào bản chất của sự toàn trị, bản chất con người và đặc biệt ảnh hưởng của ngôn ngữ và ý niệm chính trị lên cuộc sống cá nhân. Orwell đã sáng tạo ra nhiều từ mới, mà một số đã trở thành ngôn ngữ chính thức được ghi vào tự điển Anh như: Big Brother, Hate Week, Thought Police, doublethink

Một trong những phương cách thống trị quần chúng của Đảng là sáng tạo ra một hệ thống ngôn ngữ mới gọi là “Newspeak” và bắt buộc tất cả mọi người đều phải sử dụng. Newspeak thay thế Oldspeak là thứ ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng, có mục đích không chỉ là cung cấp từ ngữ để diễn đạt cái nhìn về thế giới mà đồng thời cũng để loại bỏ những thứ ngôn ngữ không thích hợp. Mỗi một từ chỉ cho một nghĩa chính xác duy nhất mà Đảng muốn diễn tả và không còn nghĩa nào khác. Rất nhiều từ sẽ không còn hiện hữu như tự do, dân chủ, công bằng, tôn giáo, danh dự, vân vân…Mục đích của việc tạo ra thứ chữ mới là giới hạn “tầm tư tưởng” (range of thought) của con người và đồng thời nhằm mục đích xóa bỏ tất cả ký ức về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nghĩa là tiêu hủy quá khứ.

Nhân vật Syme, nhà ngôn ngữ học phụ trách biên soạn bộ tự điển Newspeak, giải thích với Winston về công việc của anh ta:

Tôi dám quả quyết rằng anh tưởng công việc chính của chúng ta là tạo ra chữ mới. Không phải đâu. Chúng ta đang phá hủy chữ, hàng chục chữ, có thể đến hàng trăm chữ mỗi ngày. Chúng ta giảm thiểu ngôn ngữ đến mức tận cùng.

Bằng phương pháp đó, theo Syme, Newspeak là:

ngôn ngữ duy nhất trên thế giới mà số từ vựng mỗi năm một ít đi”. Vì sao lại như vậy? “Anh không thấy rằng toàn thể mục đích của Newspeak là thu hẹp tầm tư tưởng đó sao? Cuối cùng, chúng ta sẽ khiến cho người ta không còn có thể phạm tội tư tưởng được nữa, bởi vì người ta chẳng còn chữ để diễn tả chúng. Mỗi một ý niệm, nếu còn cần thiết, sẽ chỉ được diễn tả bởi một từ với cái nghĩa được xác định chặt chẽ của nó, còn tất cả nghĩa phụ đều bị loại bỏ và đi vào quên lãng[12]

Syme giải thích với Winston. Đến một lúc nào đó, không còn tư tưởng nữa như ta hiểu ngày nay. Lúc đó, người ta không suy nghĩ, không cần phải suy nghĩ nữa.

Quy luật của Đảng là giữ tất cả vào trong một lý tưởng chung. Đảng viên không có quyền phạm một sai lệch nào, dù nhỏ nhặt nhất. Tất cả mọi biến cố, quá khứ, hiện tại và tương lai đều phải diễn ra theo cách mà Đảng muốn. Do đó, phải sắp xếp lại quá khứ, hay nếu cần, xóa sạch quá khứ. Đó là cách mà Đảng khống chế hiện thực (reality control). Trong Newspeak, từ ngữ để chỉ ý niệm này là doublethink. Doublethink có nghĩa là năng lực giữ hai niềm tin mâu thuẫn nhau trong tinh thần của một ai đó đồng thời và thừa nhận cả hai:

Biết hoặc là không biết, ý thức rõ sự thật hoàn toàn trong lúc vẫn nói những điều bịa đặt một cách cẩn thận, giữ đồng thời hai ý kiến trái ngược hẳn nhau, biết chúng là mâu thuẫn và vẫn tin tưởng ở cả hai, dùng luận lý để chống luận lý, khước từ luân lý trong lúc vẫn đòi hỏi nó, tin tưởng rằng chế độ dân chủ là bất khả thực hiện đồng thời tin rằng Đảng là người canh giữ chế độ dân chủ, quên đi bất cứ cái gì cần quên rồi kéo nó trở lại ký ức ngay khi cần để rồi lại quên ngay nó đi[13]

.

Từ khái niệm căn bản đó, Newspeak khai sinh ra một số từ mới khác như:

- unperson: một người bị xóa hoàn toàn ra khỏi lịch sử, nghĩa là không còn hiện hữu nữa vì tất cả hồ sơ cá nhân bị tiêu hủy. Đó chính là trường hợp của cha mẹ của Winston và của nhà ngôn ngữ học Syme, người đảm nhận công tác biên soạn bộ từ điển Newspeak. Một ngày nọ, anh ta biến mất, không để lại dấu vết gì đúng theo tiên đoán của Winston vì anh cho rằng Syme thông minh quá mà Đảng lại không hề ưa những kẻ thông minh! Đảng chỉ dùng cái thông minh của anh ta để hoàn tất bộ từ điển. Xong rồi, Đảng không cần nữa nên trừ khử anh ta. Syme chết mà không một ai hỏi han, thắc mắc. Một buổi sáng nọ, Winston tới sở làm, nhìn lên bảng danh sách ghi tên nhân viên. Bảng danh sách trông chẳng khác chi mọi ngày, không có dấu xóa, chỉ thiếu đi một tên: Syme đã ngừng hiện hữu. Anh ta không bao giờ hiện hữu. Một unperson!

- duckspeak: nói mà không suy nghĩ; nói như con vịt kêu quạc quạc; nói như vẹt. Đây là chữ, theo Syme, có hai nghĩa trái nhau. Áp dụng cho người chống đối thì có nghĩa là lạm dụng; áp dụng cho ai đồng ý thì có nghĩa là ca ngợi. Con người chỉ như một cái máy nói. Ở trong Bộ Sự Thật mà Winston làm việc, khi một vài trong số bạn đồng nghiệp của anh lên phát biểu một điều gì đó, anh nhìn thấy đó chỉ là cái khuôn mặt vô hồn với chiếc hàm chuyển động lên xuống nhanh chóng. Anh có cảm giác rằng “đó không phải là một con người thật sự mà là một loại đồ giả. Đó không phải là bộ óc con người đang nói mà là sự phát âm của một cái thanh quản. Những gì phát ra khỏi anh ta gồm có những từ ngữ, nhưng không phải là sự phát biểu theo nghĩa thực sự của nó: đó là tiếng động thốt ra trong trạng thái vô thức, y như tiếng kêu quạc quạc của con vịt”.[14]

- blackwhite: cũng có nghĩa đôi. Nếu áp dụng cho kẻ thù thì có nghĩa là nói sai sự thật. Nhưng nếu áp dụng cho đảng viên thì có nghĩa là khả năng thừa nhận bất cứ cái gì Đảng nói với anh. “Tự ý nói đen là trắng khi kỷ luật Đảng đòi hỏi như thế. Nó cũng có nghĩa là khả năng tin rằng đen là trắng và hơn thế nữa, biết rằng đen là trắng, và quên đi rằng người ta đã từng có lần tin ở cái ngược lại (nghĩa là đen là đen trắng là trắng). Điều này đòi hỏi phải có một sự thay đổi quá khứ liên tục, khiến cho hệ thống tư tưởng thực sự chấp nhận tất cả cái còn lại”.[15]

Với biện pháp này, Đảng có thể bác bỏ hay chấp nhận bất cứ hiện thực nào hay lối lý luận nào mà Đảng thấy có lợi cho mình. Nói khác đi, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong. Hôm nay Đảng gọi cái này là con bò, nhưng ngày mai Đảng có thể gọi nó là con ngựa hay bất cứ một con gì khác cũng không sao. Tóm lại, Đảng phá vỡ tính nhất quán của ngôn ngữ và tư tưởng, tiến đến phá vỡ luôn sự suy tưởng. Nghịch lý và phi lý trở thành ý thức hệ của nhà cầm quyền. Đó là phương pháp mà người phụ trách tẩy não của Đảng là O’Brien thực hiện để thay đổi bản chất con người Winston.

Trong phòng tra tấn, O’Brien vừa tra tấn để khủng bố tinh thần Winston vừa giải thích với Winston trong quá trình tẩy não. Đề cập đến bản chất của hiện thực bên ngoài, O’Brien giải thích:

Chỉ có một đầu óc có kỷ luật mới có thể nhìn thấy thực tại, Winston à. Anh tưởng rằng thực tại là một cái gì khách quan, nằm ở bên ngoài, tự nó hiện hữu. Anh cũng tưởng rằng bản chất của thực tại là hiển nhiên. Khi anh tự đánh lừa mình rằng anh thấy một điều gì đó, anh cũng tưởng rằng mọi người đều cùng thấy một điều như anh. Nhưng Winston này, nói cho mà biết, thực tại không nằm ở bên ngoài đâu. Nó nằm trong tinh thần con người, chứ chẳng ở đâu cả. Nhưng không phải ở trong tinh thần cá nhân đâu vì cá nhân thì có thể sai lầm và sớm biến mất: chỉ có trong tinh thần của Đảng, đó là tinh thần tập thể và bất tử. Bất cứ cái gì mà Đảng xem là chân lý thì đó là chân lý[16]

Bằng cách kết hợp thuyết phục và tra tấn, O’Brien chứng minh cho Winston thấy rằng người ta có thể từ chỗ chỉ chấp nhận con số “bốn” đến chỗ chấp nhận con số “năm” một cách tự nguyện. Trói chặt Winston vào giường và gắn với một máy quay điện, O’Brien đưa bốn ngón tay và hỏi Winston có bao nhiều ngón? Winston trả lời là “bốn”. O’Brien bảo là “năm”. Winston không chấp nhận. O’Brien tăng diện áp bằng cách kéo cái cần máy tra điện để làm cho toàn thân Winston đau đớn hơn rồi hỏi tiếp: bốn ngón hay năm ngón? Đau quá không chịu nỗi, Winston phải nói bừa là “năm”. Nhưng chưa xong. Vì thực sự, O’Brien biết là trong thâm tâm, Winston vẫn cho là “bốn”. Khi Winston hỏi là làm sao có thể nói khác đi với điều hiển nhiên trước mắt, hai với hai là bốn ( 2 + 2 = 4), O’Brien trả lời “Khi thì chúng là bốn. Khi thì chúng là năm. Khi thì chúng là ba”. Tóm lại, theo O’Brien, thực tại bên ngoài là không cần thiết, tùy chúng ta muốn cho là bao nhiêu thì là bấy nhiêu.

Cứ thế, Winston dần dần bị khuất phục. Cuối cùng, khi O’Brien đưa ra bốn ngón tay lên nói : “Đó là năm ngón tay. Anh có thấy năm ngón không?”. Winston trả lời là năm. Và trong một khoảnh khắc nào đó trước khi trạng thái tinh thần anh thay đổi, anh đã thấy rõ chúng. Anh thấy năm ngón tay, không chút gì sai khác”. Không những thế, anh còn có thể thấy chúng là ba ngón, cũng dễ dàng như thấy năm ngón vậy, nếu cần.

Thế là Winston đã bị (hay được) tẩy não. Anh trở thành một con người khác. Rốt cuộc, anh yêu Big Brother, người mà trước đây, anh kịch liệt chống đối. Đó là mục đích cuối cùng mà Đảng, qua O’Brien, muốn. Đàng nào, Đảng cũng sẽ giết Winston, nhưng chỉ giết khi đã chuyển đổi tư tưởng của anh ta. Đảng không muốn anh ta chết như một kẻ tuẫn giáo, mà là chết như một người đã nhìn ra chân lý mà Đảng áp đặt. O’Brien giải thích cho Winston mục tiêu của sự tẩy não:

Cuối cùng nếu anh đầu hàng chúng tôi thì chính là xuất phát từ ý chí tự do của riêng anh. Chúng tôi không giết một kẻ phạm tội bởi vì hắn chống chúng tôi; chừng nào hắn còn chống chúng tôi thì chúng tôi không bao giờ giết hắn. Chúng tôi tìm cách chuyển đổi hắn, chúng tôi tìm cách nắm bắt nội tâm của hắn, chúng tôi nặn lại hắn…Ngay cả trong khi hắn chết chúng tôi không thể cho phép bất cứ một lệch lạc nào”. “Quan trọng nhất là, chúng tôi không cho phép những người chết nổi lên chống lại chúng tôi. Đừng có ảo tưởng rằng hậu thế sẽ minh oan cho anh, Winston. Hậu thế sẽ chẳng bao giờ nghe đến tên anh. Anh sẽ bị xóa sạch ra khỏi giòng lịch sử”.[17]

Vậy mục tiêu của Đảng là gì? O’Brien giải thích cho Winston:

Đảng tìm quyền hành hoàn toàn chỉ vì chính mình. Chúng ta không cần phải quan tâm đến phúc lợi của người khác, chúng ta chỉ quan tâm đến chuyện nắm quyền. Không cần giàu sang hay xa hoa hay trường thọ hay hạnh phúc gì cả: chỉ có quyền hành, quyền hành thuần túy” (…) Những đảng viên Đức Quốc Xã và những người Cộng Sản Nga rất gần gũi với chúng ta trong phương pháp, nhưng họ không bao giờ can đảm thừa nhận những động cơ riêng của họ (…) Đối tượng của khủng bố là khủng bố. Đối tượng của hành hạ là hành hạ. Đối tượng của quyền hành là quyền hành“.[18]

.

Qua hai kiệt tác nói trên, có thể nói Orwell là một nhà văn đại chống Cộng, thậm chí chống Cộng cực đoan. Chính vì thế mà về phương diện văn chương, một số nhà phê bình, như D. S. Salvage chẳng hạn, cho rằng Orwell không bao giờ có thể được sắp xếp vào hàng ngũ những nhà văn hàng đầu trên thế giới vì quan điểm chính trị của ông đã tước mất đi “tính chính trực của người nghệ sĩ thuần túy”. Irving Howe, một nhà phê bình văn chương khác, cũng cho rằng không thể gọi Nineteen Eighty-Four là truyện được vì thiếu các đặc tính căn bản của một tiểu thuyết thực sự: không có ý thức cá nhân, không có phân tích tâm lý và khảo sát các quan hệ thân mật. Richard Woorhees thì cho rằng Nineteen Eighty-Four là “một tổng hợp giữa chuyện khủng bố và bản luận án chính trị”. Còn Wyndham Lewis thì “toàn thể tác phẩm là một tài liệu chính trị hàng đầu”.[19]

Bernard Crick – giáo sư chính trị học tại đại học Birkbeck (Anh), tác giả của cuốn tiểu sử George Orwell: A Life, một cuốn sách dày đến gần 500 trang – là người hết lòng bênh vực cho một Orwell-nhà văn. Crick đọc khá kỹ tiểu luận “Why I Write” của Orwell, qua đó theo ông, quan điểm viết lách của Orwell hiện ra rất rõ ràng. “Trong thời kỳ hòa bình, lẽ ra tôi phải viết những tác phẩm hoa mỹ hoặc những tác phẩm có tính cách gợi tả và đừng quan tâm gì đến những cam kết chính trị của mình. Ấy thế mà, trong tình thế này, tôi bị buộc phải trở thành một tay viết sách chuyên đề[20]. Theo Crick, những lời lẽ này dường như thay thế cho một lời xin lỗi. Trong bài viết, Orwell không úp mở thú nhận rằng nếu không có một quan điểm chính trị mạnh mẽ, ông sẽ không bao giờ viết lách được gì. “Nhìn lại những gì tôi đã viết ra, tôi thấy rằng lúc nào cũng vậy, hễ thiếu đi một mục tiêu chính trị là tôi viết ra những tác phẩm vô hồn và trở thành dài dòng, rườm rà, câu kéo vô nghĩa, những tính từ hoa hòe và nói chung là xảo trá, bịp bợm”.

Crick quả quyết Orwell là nhà văn đã biết sử dụng tài năng của mình để biến những bài viết về chính trị thành nghệ thuật. Và ông đã thành công ngày trong khi còn sống, khi ông “chuyển từ một nhà văn Anh không mấy nổi tiếng trở thành một khuôn mặt quốc tế, trở thành một cái tên tạo nên tranh cãi bất cứ nơi đâu mà các tác phẩm của ông được đọc” (…) “…ông đã là một nhà văn, một nhà văn phổ thông, tác giả của những truyện dài, những tác phẩm mà tôi gọi là những “phim tài liệu”, các bài tiểu luận, các bài thơ và vô số những bài điểm sách và bình luận trên các cột báo hàng ngày”. Crick gọi ông là một “nhà văn chính trị” (political writer) hay nhất trong những nhà văn viết bằng tiếng Anh kể từ nhà văn trào phúng Swift[21]. Danh tiếng và ảnh hưởng của ông không hề giảm bớt mà còn gia tăng kể từ khi ông mất.

.

Thực tế thì Orwell cũng tự xem mình là một nhà văn chính trị. Những tác phẩm hay nhất của ông đều trực tiếp hay gián tiếp đều đề cập đến những vấn đề xã hội và chính trị. Mà trong thế kỷ 20, chẳng có vấn đề xã hội nào mà không mang tính cách chính trị. Trong những tác phẩm đầu tiên, chính trị chưa hiện ra rõ ràng lắm. Chẳng hạn như trong Burmese Days (1934), ông phê phán chủ nghĩa đế quốc Anh, nhưng đó chỉ là những phê phán có tính chất cảm tính. Qua kinh nghiệm những năm trong vai trò của một viên chức thuộc địa, ông cho rằng những người châu Âu có quyền hành, nhưng khi làm việc ở các thuộc địa, họ chẳng khác nào những dân ngụ cư (alien), sống giữa một thế giới xa lạ và thù địch. Chủ nghĩa thuộc địa, ngoài việc đàn áp dân thuộc địa, đồng thời cũng đàn áp chính sự tự do tư tưởng và tự do phát biểu của chính người châu Âu. Những kinh nghiệm đó sau này đã đưa ông đến chỗ trở thành một người ủng hộ xã hội chủ nghĩa. Và cho đến trước khi chết, ông vẫn khẳng định lòng trung thành của mình đối với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ông cực lực bài bác quan điểm cho rằng sự bình đẳng xã hội nhất thiết phải tiêu hủy tự do của con người. Theo ông, tự do là cái quyền được nói với nhà cầm quyền rằng họ không muốn nghe những gì mà họ không muốn nghe.

Trong lời tựa viết cho ấn bản Animal Farm xuất bản năm 1947 bằng tiếng Ukrain (một nước Cộng Sản nằm trong Liên Bang Sô Viết), ông khẳng định “Trong 10 năm qua, tôi đã được thuyết phục rằng sự phá hủy huyền thoại Sô Viết là vấn đề cốt lõi nếu chúng ta muốn làm sống lại phong trào xã hội chủ nghĩa”[22]. Như thế, Orwell không giấu giếm tư tưởng chính là phê phán cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, nhằm mục đích phá đổ cái niềm tin rằng nước Nga Sô Viết đồng hóa với lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà giới trí thức Âu Châu hằng tin tưởng.

Nhưng trong một lá thư viết cho Dwight MacDonald, chủ bút tạp chí Politics (New York), ông cho biết Animal Farm còn nhằm lên án “những cuộc cách mạng bạo động có tính cách âm mưu” (violent conspirational revolutions) được lãnh đạo bởi những kẻ khao khát quyền hành một cách vô ý thức”. Điều đó, theo Orwell, chỉ “dẫn đến sự thay ngôi đổi chủ” chứ không thay đổi số phận của xã hội. Trong “Why I Write”, Orwell cho biết kinh nghiệm trong thời nội chiến Tây Ban Nha đã có ảnh hưởng lớn lên tư tưởng chính trị của ông và tác phẩm. “Mỗi một giòng trong tác phẩm nghiêm túc mà tôi đã viết từ năm 1936, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều nhằm chống lại chế độ độc tài toàn trị và hỗ trợ cho một chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ, theo như tôi hiểu (…) Trại Súc Vật là tác phẩm đầu tiên trong đó tôi cố gắng với đầy đủ ý thức về những gì tôi đã làm, kết hợp mục đích chính trị và cùng đích nghệ thuật vào trong một toàn thể”.

Thực ra, những khẳng định như trên chỉ là đơn giản hóa nhiều điều phức tạp hơn trong tư tưởng của nhà văn gây nhiều tranh cãi này. Vì rốt cuộc, ngoại trừ sự lên án quyết liệt cái nhà nước toàn trị mà ông cho là phản bội chủ nghĩa xã hội chân chính, ông không đưa ra một mô thức xã hội nào hoàn thiện hơn loại trừ được các khuyết điểm của nó. Ngược lại, những phê phán của ông đều đưa đến thái độ bi quan về tương lai của nhân loại trong việc kiến tạo một mô thức chính trị và xã hội đáp ứng với khát vọng của con người.

.

Có thể nói, trải qua một thời gian say mê lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha (1936-1939) mà ông có trực tiếp tham dự, Orwell hoàn toàn tan vỡ ảo tưởng về các hình thức trị nước: chủ nghĩa phát xít thì tàn bạo, vô luân, chủ nghĩa Cộng Sản thì bị phá sản về mặt tinh thần. Còn các nhà hoạt động chính trị thì chỉ muốn thỏa mãn tham vọng về quyền hành. Nhiều nhà chính trị mê quyền hành hơn mọi thứ khác và tìm cách nắm quyền hành bằng mọi giá, kể cả phải phá hủy cả thế giới, nếu cần. Trong lúc đó, những người nói nhiều nhất về cái đúng cái sai là các nhà trí thức tả phái và hữu phái Âu Châu lại hoàn toàn bất lực trước quyền hành. Trong một bài xã luận viết về Arthur Koestler vào năm 1944, ông cho rằng “Những vấn đề chính của con người sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Mà nó cũng không thể nghĩ bàn được! (…) Từ năm 1930, thế giới không còn lý do gì để lạc quan nữa. Chẳng có gì nhìn thấy được ngoài một mớ hỗ lốn những điều láo khoét, hận thù, tội ác và sự ngu dốt”[23]

.

Animal FarmNineteen Eighty-Four là biểu hiệu cao nhất của cái “không bao giờ” giải quyết mà Orwell nêu ra. Hai tác phẩm dường như rất khác nhau về cấu trúc, bố cục, văn phong và kể cả tư tưởng, thực ra đều nhằm cùng một cùng đích: tố cáo chế độ toàn trị. Nhiều tài liệu còn để lại cho thấy ông có dự tính viết Nineteen Eighty-Four trước cả Animal Farm. Và tương quan giữa hai tác phẩm gần gũi nhau hơn là nhiều nhà phê bình giả thiết[24]. Đọc kỹ, ta sẽ thấy có một sự liên tục về mặt tư tưởng giữa câu chuyện của cuộc cách mạng bị phản bội trong Animal Farm và câu chuyện của những kẻ phản bội, tức là sự khao khát quyền hành và vĩnh cửu hóa quyền hành của mình bằng con đường thống trị về mặt tư tưởng trong Nineteen Eighty-Four. Animal Farm nhái lại một hiện thực đã có bằng hình thức ngụ ngôn. Nineteen Eighty-Four hư cấu ra một hiện thực sẽ có trong tương lai.

Nếu Animal Farm mô tả một thế giới đang chuyển biến từ thời tiền-cách mạng đến cách mạng và sự phá sản của lý tưởng cách mạng, thì Nineteen Eighty-Four mô tả một thế giới trong đó hình thức nhà nước toàn trị đã đạt đến giai đoạn ổn định và đang trên đường hoàn chỉnh lý tưởng mà nó đã đặt ra. Đó là một nhà nước mà quyền lực đạt mức cao nhất đến độ trở thành vô chính phủ. Xã hội đó hầu như vô luật pháp, vì không có gì còn được gọi là bất hợp pháp nữa. Một xã hội nghịch đảo. Những người có kiến thức tốt nhất về những gì đang xảy ra đồng thời cũng là những người xa cách nhất với cái thế giới thực sự. Nói chung, càng hiểu biết chừng nào thì càng ảo tưởng chừng ấy, càng thông minh chừng nào thì càng ngu dốt chừng ấy. Hay nói như Irving Howe, một nhà phê bình văn chương khác, đó là một loại thế giới mà trong đó, “cá tính trở nên lỗi thời và nhân cách thì trở thành tội ác”.[25]

Trong cái thế giới lạ lùng đó, mọi vấn đề không thể giải quyết được bằng luận lý và toán học. Nhân vật Winston tồn tại như một con người thời tiền sử. Trong khi cả xã hội không còn quá khứ thì anh cố đi tìm quá khứ. Trong khi mọi người trở thành những cái máy vô tri thì anh muốn tồn tại như một con người bình thường: một người con, một người bạn, một người tình. Anh muốn chứng tỏ cái “tôi”, điều đi chệch ra khỏi đòi hỏi của xã hội đang tồn tại dưới dạng của cái “chúng ta”. Anh lại dùng cây viết hay cuốn sổ ghi chép, những thứ “dụng cụ cổ xưa” vì chẳng ai cần dùng chúng nữa. Tóm lại, anh muốn tồn tại như một cá nhân, một sinh vật tranh đấu để sống còn, vì trong một xã hội như thế, cá nhân được xem một cái gì đang trên đà tuyệt chủng. Nỗ lực của Winston là cố duy trì quá khứ, duy trì tính cách cá nhân và thứ ngôn ngữ bình thường như đã có. Vì chỉ với những yếu tố đó, người ta mới có thể hiểu được và hiểu đúng hiện thực bên ngoài. Chính vì thế mà đàng nào anh phải bị bắt, ngay cho dù anh không hề tham gia chống lại Big Brother đi nữa. Trong thực tế, việc anh tham gia trong tổ chức chống Đảng chỉ là màn cài đặt thường xuyên của cảnh sát tư tưởng để phát hiện và tiêu diệt những người như anh – những kẻ còn tin ở quá khứ, những kẻ còn tư tưởng và còn cố gắng tồn tại ở đời như một cá nhân.

Với những biện pháp như thế, Đảng nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, trong đó, Đảng là Thượng Đế. Xã hội tương lai đó như thế nào?

Những nền văn minh cũ xưa nhận rằng chúng được hình thành trên tình yêu hoặc sự công chính. Nền văn minh chúng tôi hình thành trên hận thù. Trong thế giới đó, sẽ không có xúc động nào ngoại trừ sự sợ hãi, giận dữ, chiến thắng và tự-hạ-giá. Còn tất cả mọi thứ chúng tôi sẽ hủy diệt hết. Chúng tôi đã và đang phá hủy những thói quen tư tưởng vốn còn sót lại từ thời tiền Cách Mạng. Chúng tôi sẽ cắt đứt mọi liên hệ giữa con cái và cha mẹ, giữa đàn ông và đàn ông, giữa đàn ông và đàn bà. Không ai còn dám tin cậy một chút gì nữa nơi một người vợ hay một đứa con hay một người bạn. Trong tương lai, sẽ không còn vợ không còn bạn. Trẻ con sẽ được mang đi khỏi người mẹ ngay khi mới sinh, như người ta lấy trứng ra khỏi con gà mái. Bản năng tình dục sẽ bị loại trừ. Sự sinh sản chỉ còn là một thủ tục diễn ra hàng năm y như người ta gia hạn một cái thẻ lương thực. Chúng tôi sẽ hủy diệt trạng thái kích ngất tình dục (…) Sẽ không còn sự trung thành nào khác ngoài trung thành với Đảng. Sẽ không còn tình yêu nào ngoài tình yêu đối với Big Brother. Sẽ không còn nụ cười nào ngoài nụ cười mừng chiến thắng khi kẻ thù bại trận. Sẽ không còn nghệ thuật, không còn văn chương, không còn khoa học. Khi chúng ta có quyền năng vô biên thì chúng ta đâu có cần gì đến khoa học. Sẽ không còn phân biệt giữa đẹp và xấu. Sẽ không còn sự tò mò, không còn cái thú hưởng thụ cuộc sống. Tất cả những lạc thú sẽ bị hủy diệt (…) Nếu anh muốn có một hình ảnh về tương lai thì hãy tưởng tượng đó là một chiếc giày ống đạp lên trên một khuôn mặt người – mãi mãi”.[26]

.

Thật kinh khiếp! Đó là cùng đích của một chế độ độc tài toàn trị, trong cách hình dung của Orwell. Một thế giới hoàn toàn vô vọng, phi nhân bản và phi lý. Tác phẩm đã gây nên nỗi kinh hoàng trong một số độc giả lúc nó mới ra đời, vào đầu thập niên 1950, khi mà chế độ Cộng Sản toàn trị đang nghênh ngang hiện diện ở Liên Sô và các nước Đông Âu, đồng thời bắt đầu ở Trung Hoa lục địa và xu hướng Cộng Sản đang bành trướng mạnh mẽ trên khắp thế giới. Nói khác đi, dù không mấy tin là có thật, người ta cũng bàng hoàng xao xuyến vì tính khả hữu của nó ngay cả ở mức độ thấp nhất. Cứ nhìn vào sự im lặng chịu đựng của nhân dân Liên Sô hàng thập niên trời dưới bàn tay sắt của Đảng Cộng Sản, tình hình bưng bít thông tin toàn diện, các chiến dịch khủng bố, những phong trào phê và tự phê, các bài kiểm thảo của các nhà văn hay những người bất đồng chính kiến, vân vân…trong các nước Cộng Sản, những người bi quan không thể không cảm thấy cái thế giới hư cấu mà Orwell dựng nên đang tiến đến không thể tránh khỏi, dù sớm dù muộn. John Atkins tự hỏi “Tại sao Orwell lại xác định cái ngày thế giới khủng khiếp này ra đời quá sớm như thế?”. (Ý Atkins muốn nói Orwell chọn tựa đề 1984 có dụng ý ám chỉ năm đó là năm chế độ toàn trị hiện diện trên toàn thế giới). Và ông trấn an “Tôi khuyên là các bà già đừng quá sợ hãi cuốn sách này như thế”.[27]

Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi nhiều nhà phê bình cho rằng Orwell hoàn toàn rơi vào chủ nghĩa bi quan khi sáng tác Nineteen Eighty-Four. Ngay cả Crick, một tác giả rất yêu chuộng Orwell, cũng cho rằng Nineteen Eighty-Four là một thành quả nghệ thuật của chủ nghĩa bi quan, và rất giống với Gulliver’s Travels của Jonathan Swift, là hình ảnh của một nhân loại xuống cấp. Có người không ngần ngại cho rằng tác phẩm chịu ảnh hưởng của những ngày cuối cùng bệnh hoạn của ông vì nó được viết trong thời gian ông bệnh hoạn và hoàn thành chỉ một thời gian ngắn trước khi ông mất. Tom Hopkinson ghi lại là Orwell đã nói về tác phẩm như sau “Nó có lẽ không đến nỗi buồn thảm như thế nếu tôi đã không quá đau ốm như thế”.[28] Nhưng nói chung, đánh giá trên không có mấy cơ sở vững chắc.

.

Robert Lee trong Orwell’s Fiction hay John Atkins trong George Orwell, A Literary and Biographical Study, chẳng hạn, đều cho rằng Nineteen Eighty-Four là đỉnh cao không thể tránh khỏi trong sự phát triển tư duy của Orwell về chế độ toàn trị. Người ta tìm thấy rằng, những ý tưởng triển khai trong Nineteen Eighty-Four đã hiện diện cách này hay cách khác, dưới dạng tiềm ẩn hay rõ ràng, trong nhiều tiểu luận chính trị (theo ước tính, ông viết có đến 700 tiểu luận văn chương, chính trị và xã hội trong nhiều báo và tạp chí khác nhau) cũng như các tác phẩm trước đó của ông. Ba tác phẩm cuối cùng Homage to Catalonia, Animal FarmNineteen Eighty-Four hầu như đều quan tâm đến tính độc hại của chính trị, sự lạm dụng ngôn ngữ, khuynh hướng phá hủy lịch sử và thế giới khách quan trong quá trình tìm kiếm và duy trì quyền hành. Có một sự “bất khả thể tổng hợp giữa quyền hành và điều phải”[29], Orwell viết như thế trong bài tiểu luận về Koestler.

.

Ngày nay, đọc lại, nếu xem những gì Orwell viết là tiên tri, thì đều là những lời tiên tri sai lạc: các nhà nước Cộng Sản lần lượt sụp đổ, các nước dân chủ mỗi ngày mỗi tăng thêm. Thực ra, Orwell không hề quả quyết về bất cứ điều gì cho tương lai. Từ hiện thực cay đắng của các cuộc cách mạng hay các nhà nước độc tài đầu thế kỷ 20, Orwell nhận ra tính chất phi nhân tiềm ẩn ngay trong khát vọng về quyền hành của các lãnh tụ và các tổ chức chính trị cực đoan – dù là tả hay hữu phái. Trong rất nhiều trường hợp, khát vọng đó mang đậm tính bản năng hơn là tính duy lý và do đó, được thể hiện ra bằng những biện pháp tàn bạo, khi họ nắm được quyền hành, nhất là khi phải trải qua những đấu tranh gian khổ. Orwell đẩy đến cùng sự suy diễn của mình. Ông tiến từ cái khả thể để thiết lập cái bất khả thể. Những khái niệm như doublethink hay duckspeak hay blackwhite vốn không xa lạ gì với sinh hoạt chính trị trong các xã hội độc đoán.

Ở Việt Nam, đọc những bài kiểm điểm của các văn nghệ sĩ Việt Nam theo kháng chiến thời đấu tố cải cách ruộng đất hay thời Nhân Văn Giai Phẩm hay những bài “thu hoạch” của các tù nhân trong các trại cải tạo Cộng Sản chẳng hạn, thì có khác gì mấy với những điều Orwell “hư cấu” trong Nineteen Eighty-Four. Đổi trắng thay đen vốn là những điều thông thường trong các sinh hoạt tuyên truyền chính trị, nhất là trong các nước Cộng Sản. Nineteen Eighty-Four, nói như Robert Lee, là tác phẩm thăm dò các giới hạn của những ám ảnh của mình và những khía cạnh tối tăm nhất về những đề tài chính trị mà ông quan tâm nhất từ bao nhiêu năm. Thành thử, nó mang tính cảnh báo và châm biếm hơn là tiên tri. Biết đâu, nhờ những cảnh báo đó mà nhân loại có được bộ mặt như ngày hôm nay, khi mối đe dọa của các nhà nước toàn trị kiểu Orwell hầu như không còn nữa hay cũng đã giảm đến mức tối thiểu. Vả lại, trước sau, Animal Farm hay Nineteen Eighty-Four đều là những tác phẩm hư cấu. Và Orwell là nhà văn chứ không hề là nhà chính trị chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý: trong Animal Farm hay trong Nineteen Eighty-Four, Orwell đều nhấn mạnh đến hiệu dụng của ngôn ngữ trong tuyên truyền chính trị. Nói một cách khác, Orwell đề cập đến khoảng cách giữa ngôn ngữ và hiện thực. Trong cuộc sống bình thường, khoảng cách đó đã gây ra biết bao điều tuế toái, ngược ngạo, bất thường. Càng đưa ngôn ngữ tiếp cận với chính trị, thì khoảng cách giữa ngôn ngữ và hiện thực lại càng rộng, càng đa nghĩa, càng lệch lạc: ngôn ngữ bị suy đồi (corruption of language). Một mặt, ngôn ngữ không hề phản ảnh được hoàn toàn hiện thực. Mặt khác, người ta vẫn bị thuyết phục hay bị đầu độc bởi ngôn ngữ, hay nói cho đúng, bởi cách vận dụng chúng. Đọc những đoạn O’Brien thuyết giảng Winston, dù biết nó lếu láo, lệch lạc nhưng về mặt lý luận và nhận thức, phải thừa nhận rằng chúng có cái hữu lý riêng của nó. Chúng vẫn nằm trong lãnh vực khả thể. Và chính vì cái khả thể đó mà nó có tính thuyết phục. Nghĩa là tính đầu độc.

Ngày nay, khác với Newspeak của nhân vật Syme trong Nineteen Eighty-Four là thứ ngôn ngữ duy nhất trên thế giới mà số từ vựng mỗi năm một ít đi, ngôn ngữ dường như bành trướng đến vô hạn. Mỗi năm, tiếng Anh thêm đến hơn 2000 từ. Đồng thời một số từ cũ được tăng thêm nghĩa: số từ đa nghĩa mỗi ngày mỗi nhiều. Và cách vận dụng chúng càng ngày càng đa dạng, phong phú và do đó, càng xa rời hiện thực. Thay vì bị giới hạn “tầm tư tưởng”, người ta có quyền bành trướng chúng đến vô hạn. Điều này gây nên một hiệu quả ngược: rối loạn thông tin.

Con người bị truyền thông đàn áp. Mỗi một hành vi, ước muốn, nhu cầu và thậm chí cả cá tính của chúng ta cũng bị uốn nắn bởi truyền thông. Cái đáng sợ nhất là chúng có vẻ như chẳng dính dáng gì đến chính trị cả (do đó, chúng ta không hề cảnh giác) mà lại dính dáng đến chính những nhu cầu bức thiết của chúng ta: cái ăn, cái mặc, chuyện giải trí hàng ngày. Qua TV, radio, computer, truyền thông chui rúc vào từng ngõ nghách của đời sống mỗi người, chi phối chúng ta từ bữa ăn đến giấc ngủ. Doublethink hay duckspeak hay blackwhite không xa lạ gì trong các phát biểu và diễn văn của các nhà hoạt động chính trị cũng như bài viết và đủ dạng quảng cáo của các tổ hợp thương mại. Chúng ta dần dần đánh mất mình. Chúng ta bị toàn trị, không bởi chỉ một Đảng hay một Big Brother nào đó, mà còn bởi những con bạch tuột truyền thông mà chủ nhân là những Big Brothers giấu mặt, nhưng mỗi khi có dịp xuất hiện trên báo chí hay TV, lại mang những khuôn mặt rất nhân đạo và hiền lành.

Big Brother Is Watching You!

Lời đe dọa/lời cảnh báo/thông điệp đó của George Orwell vẫn còn nóng sốt đối với chúng ta!

Trần Hữu Thục

(Tác giả, tác phẩm và sự kiện, nxb Văn Mới, California, 2006)

Ghi chú: Tác giả nhuận sắc lại đôi chút khi đưa lên Da Màu (3/2010).

___________________________

Chú thích:

1. The Economist, Anh, 12/6/03

2. Philippe Dagan, Orwell, au coeur de l’inhumanité, Le Monde, 3/7/03

3. Glenn Frankel, A Seer’s Blind Spots on George Orwell’s 100th , a Look at a Flawed and Fascinating Writer,

Washington Post Foreign Service, 25/6/03

4. Fiachra Gibbons, Blacklisted writer says illness clouded Orwell’s judgement, The Guardian 24/6/03

5. George Orwell, Why I Write, http://www.resort.com/~prime8/Orwell/whywrite.html

6. Vì Animal Farm là một tác phẩm khá phổ thông và ngắn gọn, dễ kiếm trong các thư viện, nên xin được miễn phần ghi chú cho các đoạn trích.

7. George Orwell, The Collected Essays, Journalism & Letters of George Orwell, dẫn lại theo Bernard Crick, George Orwell, A Life, nxb Little, Brown and Company, Boston, 1980, USA , tr. 309

8. Hội nghị giữa ba cường quốc Mỹ, Nga và Anh vào năm 1943 tại Teheran, Iran bàn chuyện hòa bình thế giới sau khi đánh bại Đức Quốc Xã

9. George Orwell, Nineteen Eighty-Four, nxb Hatcourt, Brace and Company, New York, 1949, tr. 28

10. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 156

11.George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 165

12. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 51, 52

13. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 36

14. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 55

15. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 213

16. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 252

17. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 257, 258

18. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 266, 267

19. Dẫn theo Robert Lee, Orwell’s Fiction, nxb University of Notre Dame Press, Notre Dame, London, England, tr. 129,130

20. George Orwell, Why I Write

21. Bernard Crick, sđd, phần Introduction, tr. XIII & XIV

22. George Orwell, The Collected Essays, Journalism & Letters of George Orwell, dẫn lại theo Bernard Crick, sđd, tr. 309

23. Dẫn theo Roberta Kalechofsky, George Orwell, nxb Frederick Ungar Publishing Co., NY, 1983, tr. 110

24. Xem Bernard Crick, sđd, phần “Tribune and the Making of Animal Farm

25. Dẫn theo Robert Lee, sđd tr. 129 “In 1984, Orwell is trying to present the kind of world in which individuality has become obsolete and

personality a crime”

26. George Orwell, Nineteen Eighty-Four tr. 270, 271

27.John Atkins, George Orwell, A Literary and Biographical Study, Frederick Ungar Publishing CO., NY, trang 252, 253

28. Dẫn lại theo Robert Lee, Orwell’s Fiction, tr. 128

29. The impossibility of combining power with righteousness.

.

.

.

No comments: