Saturday, April 10, 2010

CƯỜI TRONG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (II)

Cười trong Xã Hội Chủ Nghĩa (II)
Võ Phiến

Trịnh Bình An biên tập và giới thiệu

10-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7312

Trịnh Bình An - Nhà khoa học Albert Einstein từng nói: “Everything is really great and inspiring is created by the individual who can labor in freedom” (Chỉ những ai có tự do trong sáng lạo mới tạo ra được việc lớn và truyền cảm). Văn chương trào phúng cũng không ngoại lệ. Nhà văn Võ Phiến chỉ ra rằng văn chương trào phúng không thể phát triển khi con người không có tự do.

Châm biếm ai?

Nghiên cứu về văn học Trung cộng, ông Nguyễn Hiến Lê nhận thấy không có tác phẩm hài hước đáng kể, ông tần ngần ngẫm nghĩ: “Châm biếm ai bây giờ trong cái thời kiến thiết này?”

Lẽ ra như thế là phải: trong xã hội cộng sản không nên có tiếng bông lơn. Marx và Engels đồng ý với ông Nguyễn, “Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử chính là tấn hài kịch của nó “để” nhân loại rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ.” Chỉ những chế độ đến hồi tan rã mới bày ra những điều lố bịch đáng chế diễu; chế độ cộng sản đang tiến lên, đang nhảy vọt, sao dám cười nó? Nếu lắng tai nghe có tiếng rúc rích đâu đó, phải lập tức tìm tóm cho được phần tử phản động, phải vặn hỏi: Vì sao cười dưới chế độ cộng sản, bộ tưởng nó không còn là tương lai của nhân loại, nó sắp biến thành quá khứ hay sao chớ?

Cười nhạo là đả kích, là không tin tưởng. Nào! Những phần tử nham nhở hãy thử nói lên xem họ không tin tưởng ở cái gì nào? Ở lý tưởng, chủ nghĩa, ở đường lối chính sách chăng? Ở những người lãnh đạo chăng?- Tất nhiên không có ai trong bọn họ nói lên được như thế, họ cứng họng hết.

“Trước hết các tác phẩm của chúng ta cần biểu thị một thái độ tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính trị của Đảng ta” (1). Chữ “tin tưởng” gắn liền với các chữ “trước hết”, và “tuyệt đối”. Đã tin tưởng, phải ca ngợi. Ca ngợi gắn liền với một chữ nữa: “chủ yếu”. “Cái “giai điệu chủ yếu” của thời đại chúng ta là khẳng định, là ca ngợi, là lạc quan chứ không phải là phủ định, là phê phán, là bi quan” (2)

Cái chủ yếu ấy, gọi là ca ngợi, cũng gọi là tô hồng. Trong ngôn ngữ của giới trào phúng, nó được gọi là bốc thơm, cũng gọi là nâng bi.

Xin dừng lại một chút để tưởng tượng qua bộ dạng của những con người sống với phương châm “trước hết phải tin tưởng, chủ yếu ca ngợi”. Đố ai tưởng tượng được làm thế nào tin tưởng ca ngợi có thể đi đôi với một nét ranh mãnh trên vẻ mặt.

Trong đời sống, một du khách như Pierre Daninos (May 26, 1913, Paris - January 7, 2005, nhà văn và người viết văn khôi hài Pháp – DCVOnline trích Wikipedia.org) người nhận thấy không khí nặng trĩu bao trùm khắp các xã hội cộng sản.

Trong văn chương, Tú Mỡ xác nhận thế hệ sáng tác dưới chế độ cộng sản Bắc Việt chưa có người thành công về trào phúng.

Trên sân khấu, Trần Việt Ngữ và Hoàng Kiều cũng bảo,
“Nhân dân Hà Nội một thời vẫn nhắc đến hề Năm Ngũ của gánh Hoa Tâm, hề Long Toét của Sán Nhiên Đài, hề Phẩm của Cải lương Hí viện, hề Ngang của Lạc Mộng Đài...
Đáng buồn là, cho tới nay, mấy đội chèo của ta vẫn chưa có được những vài hề buộc nhiều người biết đến.”
(3)

Cho nên bên xứ cộng sản lẽ ra không có châm biếm, mà thực sự cố châm biếm cũng chẳng ra trò.

Thế mà, trái với sự ngẫm nghĩ của ông Nguyễn Hiến Lê, bên ấy người ta vẫn đòi có châm biếm. Không có, người ta kêu: “Đáng buồn!”

Châm biếm ai bây giờ?

Ông Nguyễn suy luận, “Nông, công, binh, tất nhiên cũng còn ít nhiều tật nhỏ đấy, nhưng nhà văn phải thân ái sửa sai hướng dẫn họ chứ sao lại châm biếm?”

Người cộng sản không suy luận như ông Nguyễn. Cho nên công nông binh là một đề tài châm biếm trên báo chí của họ.

Edmond Lequieu đem tờ Krokodil của Nga Xô ra tính toán, thấy rằng các đề tài giỡn cợt được phân chia ra như sau:

50% dành cho đế quốc tư bản.
25% dành cho hạng cán bộ, cấp nhỏ, ở địa phương.
10% dành cho các sản phẩm xấu về công kỹ nghệ, cho hạng công nhân lười.
15% dành cho các nông phẩm xấu, cho hạng nông dân lười.

Chúng ta không có được bản phân tích tương tự về thơ văn trào phúng ở Bắc Việt. Nhưng lướt qua các báo ngoài ấy, có cảm tưởng rằng công việc của đội ngũ chọ cười Bắc Việt đại khái không khác ở Nga Xô.

Mục “Chuyện vui đả Mỹ” trên báo Văn nghệ nhằm vào đế quốc. Các mục “Bảo nhau” của báo Văn nghệ, “Nói thật không mất lòng” của Lao động, “Châm cứu” của Cứu quốc, “Chuyện lớn chuyện nhỏ” của báo Nhân dân,, v.v... chia nhau nhằm vào cán bộ nhỏ, nông dân, công nhân.

Tóm lại, đề tài châm biếm của cộng sản một phân nửa hướng vào Mỹ, một nửa hướng vào các thành phần “nhược tiểu” trong xã hội. Nửa hướng ra ngoài, nửa hướng vào trong. Bên ngoài, nhân vật điển hình là một anh Mỹ miệng ngậm xì gà, tay ôm bom nguyên tử, tay nữa xách túi bạc. Bên trong, nhân vật là các cán bộ ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh, các đồng chí tài xế, các nam nữ đồng chí công nhân trong xí nghiệp với những thói vặt: đi trễ về sớm, dĩ công vị tự, lãng phí, v.v...các nam nữ xã viên nhớn nhác, ích kỷ, lánh nặng tìm nhẹ, v.v...các đồng chí cán bộ nông trường, có khi chủ tịch hợp tác xã, v.v...

Phàm đã làm đến cấp tỉnh dưới chế độ cộng sản thì không thể làm nhân vật hài hước được nữa. Nếu nhân dân có điều không thông cảm với họ, nhân dân được phép trình bày thắc mắc một cách lễ độ, nghiêm chỉnh.

Vượt lên trên cấp tỉnh, tức là ở ngoài tầm châm biếm đã đành, mà cũng ở ngoài tầm của những chỉ trích, phê bình. Ít ra là công khai trên mặt sách báo.

Nửa phần châm biếm hướng ra ngoài gây thích thú cho lãnh đạo hơn cho quần chúng. Ngoại trừ trong thời gian bốn năm Bắc Việt bị oanh tạc, quần chúng không có dịp biết đến Mỹ. Bác nọ, cụ kia, anh này, chị khác trong xóm làng sớm tối lo cày bừa, lo nương sắn luống khoai, quanh năm không có dịp gặp “thằng Mỹ” ngậm xì-gà ôm túi bạc. (Có gặp thường xuyên chăng là những cán bộ sống “ba cùng”). Cái gì không liên hệ mật thiết đến đời sống thường nhật của quần chúng không thể thu hút sự lưu tâm sốt sắng của họ.

Nửa phần châm biếm hướng vào trong là một sự dị thường trong lịch sử.

Xưa nay chỉ có dân gian chế giễu ông trùm, ông xã, ông sư, thày đồ... chỉ có thị dân chế diễu chúa Trịnh thua trí Trạng Quỳnh, chỉ có báo chí chế diễu mũ cánh chuồn, v.v... Hiện thời dưới mắt ta, ở xã hội bên này, thử lật tờ Con Ong, Muỗi Sài gòn, v.v... ra mà xem: đối tượng chính chắc chắn chiếm quá 80% nội dung tờ báo bao giờ cũng là những bộ trưởng, tổng trưởng, dân biểu, nghị sĩ, giám đốc, ba Tàu, phú thương, v.v... Còn những nhân vật cấp tỉnh cấp quận thường làm đề tài phóng sự điều tra hơn là chế giễu. Đến như anh thợ đi trễ, anh tài xế thiếu ý thức bảo vệ công xa, bác nông phu ngủ trưa, v.v... tuyệt chẳng bao giờ bị lôi ra nhạo báng.

Từ thuở nào tới giờ chỉ có kẻ bị trị nhạo người thống trị. Cộng sản đã xua một đội ngũ làm ngược lại. Vừa đè đầu cưỡi cổ quần chúng, vừa đem đám dân thấp cổ bé miệng trong quần chúng ra nhạo báng, lại đòi quần chúng cười lớn. Không được quần chúng hưởng ứng bèn kêu: “Đáng buồn!”

Tự do và thực tiễn

Rabelais (François c. 1494 – April 9, 1553, một nhà văn lớn thời phục hưng của Pháp, cũng là bác sĩ được xếp vào hàng các nhà văn viết truyện tưởng tượng, trào phúng, kỳ quái cùng những bài hát và khôi hài tục tĩu – DCVOnline trích Wikipedia.org) bảo: “Cái cười là đặc điểm của con người”. Ta đã thấy là chưa đủ, nhất là trong trường hợp cái cười châm biếm. Có lẽ nên thêm: “... của con người tự do”.

Không riêng ở ta, hình như ở đâu đám bình dân cũng cất tiếng cười trước tiên. Trong khi lẽ ra họ là những kẻ phải khóc trước và cười sau chót hết, vì phận sống nghèo hèn.

Ở ta, nhiều người đã nhận xét về cái phần trào lộng trong tuồng và chèo. Phần sáng tác của nho sĩ bao giờ cũng nghiêm chỉnh, bi hùng; phần trào lộng là của bình dân.

Bên Tây phương, trong khi giới quý tộc thời Trung cổ khoái nghe những thiên anh hùng ca Chanson de Roland, Chanson de Guillaume, Pèlerinage de Charlemagne à Jérusalem, v.v... thì giới bình dân kể cho nhau những mưu mô tinh quái của một con chồn (Roman de Renard) và các thơ tiếu lâm (fabliau).

Tìm đến nguồn gốc, người ta cũng để ý thấy bi kịch ở nhiều quốc gia bắt đầu từ những lễ nghi tôn giáo, còn hài kịch thì xuất tự những anh chàng múa rối cho dân chúng xem ngoài đường trong chợ.

Nói cho đúng, không phải mọi tiếng cười cất lên đều có ý nghĩa nhạo báng, cũng không phải mọi tiếng cười cất lên từ đám bình dân đều nhằm vào các tầng lớp trên. Dân gian có lúc cười để giải trí, cười để cho vui. Và khi cái cười có nghĩa nhạo báng, thì dân gian cũng ngay tình: họ mang cả những vụng về, ngớ ngẩn của chính mình ra chế diễu, họ chế diễu kẻ ngây thơ, yếu kém, gần như hoan nghing hạng quỷ quyệt xảo trá, v.v... Xem đi xem lại câu chuyện về con chồn, Gustave Lanson lấy làm thắc mắc: trong tâm hồn dân Pháp lại có chỗ tàn ác phi đạo đức như vậy sao? Còn các nhà lý luận văn học mác-xít, họ lấy làm khó chịu về những trường hợp sai lập trường ấy.

Nhưng thường thường sự nhạo báng vẫn “có lập trường”. Dân hay nhạo báng quan, tín đồ nhạo thầy tu, kẻ dưới nhạo người trên. Và lấy thế làm thích.

Như vậy, để có một không khí vui cười, tưởng cần có tha thứ, có tự do, cởi mở.

Thời xưa, thời của văn học truyền khẩu, thì kẻ châm chọ bằng ca dao, bằng truyện tiếu lâm, có thể lẩn trốn trong tập thể vô danh. Nhưng về sau, khi mỗi văn phẩm đều mang danh tác giả minh bạch, thì tiếng cười châm biếm chỉ phát ra mạnh dạn trong một xã hội tự do.

Trong cái ngôn ngữ hóm hỉnh của Miền Nam, chúng ta vừa thấy chỗ tự do tương đối trong sinh hoạt xã hội, vừa thấy vẻ khinh khoái của những con người không quá bận bịu vì lý tưởng.

Nói “nước Mít, con gái Giao Chỉ, xứ Mẽo, dân Xê kỳ”, v.v... thì quả không trang nghiêm, tôn kính, không tôn kính người đã đành, mà đối với chính mình cũng bất cần. Trên đời không có gì đáng coi là cấm kỵ nữa. Gọi nước MÍt không hẳn là có ý khinh rẻ, nhưng quả đã tước mất cái thiêng liêng của nước mẹ.

Nhưng con người cóc cần lý tưởng trong một xã hội tương đối tự do: Đó là cái hình ảnh mà tiếng nói bụi đời của Miền Nam gợi lên.

Ở Miền Bắc, ngược lại: ai nấy ôm chặt lý tưởng trong một xã hội bị kiểm soát chặt chẽ.

Xã hội bị kiểm soát, tiếng cười bị chỉ huy, nên gắng gượng nhạt nhẽo. Người sống vì lý tưởng, chết vì lý tưởng, giữ từng cử chỉ từng lời nói, sợ xúc phạm đến lý tưởng, cho nên bộ tịch cứng đờ, ngôn ngữ đầy những khuôn sáo, khẩu hiệu. Lắm khi còn xen những bùa chú bí hiểm.

Bùa chú? - Thật vậy. Lâm Ngữ Đường nói chuyện cộng sản bên Trung Hoa, kể lại những trường hợp thay vì “Thái độ của dân cày” thì lại bảo “Phản ứng về địa hạt ý thức hệ trong giai đoạn hiện tại của giới sản xuất nông nghiệp”; thay vì “Cháu nó có đánh nhau với trẻ con hàng xóm không?” thì lại hỏi “Thưa bà, khuôn khổ cư xử với tập đoàn của Stella như thế nào?” v.v... Người cộng sản bên xứ họ Lâm với người cộng sản xứ Bắc của chúng ta không khác nhau mấy.

Nói được “phản ứng về địa hạt ý thức hệ”, “khuôn khổ cư xử với tập đoàn” quả nhiên là hay: cách nói nâng lý tưởng cho cao siêu hẳn lên, bao quanh nó một màn bí ẩn cho nó thêm khả kính. Cách nói thật trịnh trọng.

Và Lâm Ngữ Đường liên hệ chữ “trịnh trọng” với chữ “ngu xuẩn”. (4)


Chỗ khác biệt về tâm lý ấy của người Việt ở hai bên chiến tuyến, không ai rõ hơn là người lính thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn trong một đoạn thơ tuyệt diệu (5):

“…Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau…”


Bên kia là “những đứa điên say”; bên này là “ta”, coi đánh giặc như trò chơi. Hoàn cảnh phải chăng đã xui có cái bất cần này để quân bình lại cái quá đáng kia, óc hài hước bên này để kiểu chính óc mộng tưởng bên kia?

Dẫu sao cái phong thái của “ta” như thế thật đã phản ánh trung thành trong mớ tiếng dí dỏm khinh khoái của thời đại. Phong thái của “ta” là phong thái kẻ thích đùa:

“Dừng quân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi.”



(1) Đặng Thái Mai – “Báo cáo tại hội nghị ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam” ở Hà nội, ngày31-8-1966
(2) Trọng Đức – “Tìm hiểu văn học-Về tiểu thuyết”, tạp chí Văn học, Hà nội, số 2-1965, trang 93
(3) “Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ”, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà nội, 1967, trang 148.
(4) “Một quan niệm về sống đẹp”, Lâm Ngữ Đường, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Tao đàn, 1965, trang 74.
(5) “Chiến tranh Việt Nam và Tôi”, thơ Nguyễn Bắc Sơn.

.

.

.

No comments: