Thursday, April 1, 2010

CÁC TỔ CHỨC NGO với HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN 16

Các tổ chức phi chính phủ với Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 16

Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok

2010-04-01

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Asian-civil-societies-in-appeal-to-hanoi-for-upcoming-asean-summit-TTruc-04012010134858.html

Các tổ chức vận động và bảo vệ nhân quyền Đông Nam Á yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép họ tự do sinh hoạt trong khuôn khổ thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội vào tháng tới.

Trong vai trò đương kim chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã sẵn sàng chủ trì thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 khai diễn tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Tư tới.

.

Thủ tục hành chánh

Hôm nay các tổ chức ngoài chính phủ (NGO) chuyên vận động và bảo vệ nhân quyền Đông Nam Á, đồng loạt kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép họ được tự do sinh hoạt trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN.

Lý do là vì trước đó Việt Nam yêu cầu các NGO này, còn được gọi là các tổ chức vận động xã hội dân sự Đông Nam Á, phải nộp đơn từ một tháng trước kèm theo danh sách người tham dự cũng như lịch trình sinh hoạt trong thời gian thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội.

Ông Yap Swee Seng, giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền Forum Asia, tức Diễn Đàn Châu Á, văn phòng ở Bangkok, cho rằng yêu cầu của Hà Nội có phần nặng về thủ tục hành chánh và tạo trở ngại cho các NGO.

Ông nói: "Trên nguyên tắc, đòi hỏi này cho thấy Việt Nam không có sự thông thoáng như tại những quốc gia khác, nơi mà các tổ chức NGO có thể hoạt động tự do hơn. Yêu cầu của Việt Nam tạo mối lo ngại là không hiểu đơn xin phép của các NGO có được chấp thuận không, những thông tin và danh sách về người tham dự sẽ được sử dụng như thế nào."

Ông Yap Swee Seng nói tiếp là Forum Asia đang trong tiến trình trao đổi với cơ quan chức năng bên Việt Nam hầu bảo đảm là tổ chức có thể tiến hành những hoạt động bảo vệ nhân quyền của mình.

Từ Kuala Lumpur, Malaysia, bà Temme Lee, thành viên của Mạng Lưới Nhân Quyền Cho Người Tị Nạn Châu Á Thái Bình Dương, nói rằng bà khá lo lắng trước yêu cầu của Hà Nội là nộp đơn xin phép và đăng ký danh sách tham dự rằng: "Các tổ chức vận động xã hội dân sự cần được tạo điều kiện để góp tiếng nói của mình trong bất cứ sinh hoạt nào của ASEAN, bởi ASEAN là gì nếu không phải là tổ chức của toàn thể người dân các nước Đông Nam Á?.

Chận đứng những sinh hoạt của các tổ chức NGO trong khi có hội nghị cấp cao ASEAN là chạm đến quyền tự do ngôn luận của người trong khu vực."

Bà Temme Lee nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam nên tham khảo và lắng nghe tiếng nói của các tổ chức vận động xã hội dân sự. Bà nói: "Trong tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam cần làm gương và bày tỏ thiện chí bằng cách cho phép các tổ chức vận động xã hội dân sự Đông Nam Á được lên tiếng cổ vũ cho nhân quyền."

.

Yêu cầu chính đáng của NGO

Từ Phnom Penh, phó giám đốc Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia, ông Nay Vanda, phát biểu là tổ chức của ông vừa đề nghị chính phủ Việt Nam cho được hoạt động tự do trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, có nghĩa là cho các NGO được tập họp để bày tỏ quan điểm chính đáng của họ về các quyền con người trong một xã hội dân sự.

Theo lời tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, trở ngại vì những cuộc biểu tình rầm rộ của các tổ chức nhân quyền vào khi thượng đỉnh ASEAN diễn ra hồi năm ngoái ở Thái Lan khiến cấp lãnh đạo Việt Nam quan tâm và không muốn sự việc tương tự xảy ra tại cuộc họp cấp cao ASEAN sắp tới ở Hà Nội.

Vị tổng thư ký ASEAN cũng hứa sẽ can thiệp trong khả năng của ông chẳng như có trường hợp khó khăn đối với các tổ chức NGO vào tham dự thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đài Á Châu Tự Do, ông Lê Hưng Quốc, cựu phó giám đốc Sở Ngoại Vụ thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị, cũng là người đang làm việc với một trăm bốn mươi tổ chức NGO nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh, giải thích:

"Vì là chủ tịch luân phiên nên Việt Nam phải tổ chức rất nhiều cuộc họp liên quan đến các hoạt động của khối ASEAN, việc theo dõi nắm thông tin hoặc đưa tin về hoạt động của các nhóm, đó là chuyện bình thường. Việt Nam cũng như mọi nước đều có những qui định.

Không phải vì Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN mới đặt vấn đề cho phép hay không cho phép. Tuy nhiên để bảo đảm vấn đề an ninh,bảo đảm vấn đề ổn định thì đó là những qui định mà nước nào cũng có, và các tổ chức có thể đặt vấn đề với cơ quan cấp phép để người ta hướng dẫn các thủ tục cần thiết."

Tại Indonesia hôm thứ Hai vừa qua, các nhà hoạt động thuộc bốn mươi tổ chức nhân quyền đã tập hợp trước văn phòng ASEAN tại thủ đô Jakarta, yêu cầu Ủy Ban Nhân Quyền Liên Chính Phủ ASEAN lên tiếng trước những sự kiện có tính cách vi phạm quyền con người nghiêm trọng ở Đông Nam Á.

Tưởng cần biết Ủy Ban Nhân Quyền Liên Chính Phủ ASEAN, gọi tắt AICHR, là cơ cấu nhân quyền đầu tiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN kể từ lúc ASEAN ra đời bốn mươi ba năm về trước.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: