BT Nguyễn Thiện Nhân: thăng tiến hay “bỏ trống mà chạy lấy dùi”?
Hồ Như Hiển
05/04/2010
http://boxitvn.blogspot.com/2010/04/bt-nguyen-thien-nhan-thang-tien-hay-bo.html#more
Đôi lời phi lộ của Blog Phamvietdaonv: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thuyên chuyển công tác. Ông thôi không kiêm nhiệm chức Bộ trưởng và nghe đồn ông sẽ chuyển sang đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Có một thời mỗi lần mở Cổng điện tử Chính phủ, người đọc thường xuyên thấy hình ảnh ông xuất hiện ở vị trí trang trọng góc trái. Dân chuyên quan sát chính trường vỉa hè đồn rằng: Ông sắp kế nhiệm chức Thủ tướng cũng nên…
Ông Nguyễn Thiện Nhân đã ra đi, để lại sau ông hàng loạt những tuyên ngôn, tuyên bố, những chính sách đối với ngành giáo dục-đào tạo do ông khởi xướng rất chi là vang động y như trống hội khai trường. Chưa ai tổng kết được những chính sách, chủ trương liệu pháp có vẻ sốc mà ông đề ra đó cho đến lúc ra đi hiệu quả được bao nhiêu phần trăm? Do vậy, việc thuyên chuyển của ông dân vỉa hè có người thì đoán ông thăng tiến; có kẻ lại đoán ông rút sớm để tạo khoảng trống cho đám con cha, cháu ông có chỗ mà ngoi lên; cũng có người bảo ông Nguyễn Thiện Nhân “bỏ trống mà chạy lấy dùi”…
Ông tá hỏa chuyển đi vì thấy ngành mà ông phụ trách ngày càng oánh nhau to: học trò oánh học trò, đến học trò gái cũng chơi nhau như xã hội đen; rồi thì học trò oánh thầy, thầy oánh học trò, thầy mua dâm học trò… linh tinh hết cả lên.
Chúc ông thượng lộ bình an và chân cứng đá mềm khi bước sang cương vị mới. Ở cương vị mới ông nên phát ít thôi, nhưng phát cái gì thì làm cho chắc cái đó rồi hẵng phát tiếp! Khi phát nhiều mà động không kịp thiên hạ lại cho là ông quen “đánh trống bỏ dùi”???
Phạm Viết Đào
Vậy là, kể từ ngày 1.4.2010, ông Nguyễn Thiện Nhân không còn giữ trọng trách Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 6 năm 2006, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu một trong những Bộ quan trọng nhất của Chính phủ (cũng là một trong những Bộ tiêu nhiều tiền nhất của Chính phủ. Tháng 8 năm 2007 ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng.
Ngay từ lúc nhậm chức Bộ trưởng, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: “chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử“, “xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được”, “đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới”.
Mở đầu năm học 2006 – 2007 ông thực hiện cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.
Năm 2007, ngành giáo dục Việt Nam chứng kiến nhiều vụ việc gây chú ý lớn trong dư luận xã hội với mức độ cao: vụ “hacker” Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vụ Huỳnh Thị Ngọc Trâm; các vụ chạy điểm thành tích bị bóc trần và xử lý nghiêm khắc, thậm chí tiêu cực còn lan đến tận Bộ và tới cả các cán bộ cấp cao…
Năm học 2007 – 2008 ông đưa ra chủ trương ”năm không” gồm: “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc “ngồi nhầm lớp” (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội“; đẩy mạnh công cuộc “xã hội hóa giáo dục” nhằm “Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo”.
Cuối tháng 12 năm 2007, ông đề xuất một ý kiến: “ghi số tiền sinh viên vay nợ trên bằng tốt nghiệp”; ý kiến mà ông nói rằng chỉ là “gợi ý” nhưng dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt, gồm rất nhiều các nhân vật có uy tín ở nhiều ngành nghề vì: “tính chất của bằng tốt nghiệp không liên quan gì đến vay nợ“. Nhưng ông tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình: “Vay tiền, mà vay nhà nước để ăn học, tại sao lại là một việc đáng xấu hổ?”.
Đầu năm 2008, ông đệ trình Chính phủ về việc tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học. Ngoài ra, ông còn nhắc lại một lần nữa về công tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học; điều mà ông đã đề cập khi mới nhậm chức.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước: tỷ lệ đỗ khoảng 76%.
Năm 2006, nhân vụ tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục do học sinh Bùi Minh Trí thực hiện, ông có viết một lá thư có nhan đề “Nỗi đau của tôi trong ngày 20-11-2006” trong đó không hiểu vì lý do gì ông được biết vụ tấn công của Trí vào trưa ngày 20 tháng 11 trong khi thực tế vụ tấn công của Trí diễn ra 1 tuần sau đó, vào ngày 27 tháng 11.
Năm 2007, ông lại vướng vào một vụ tai tiếng nhỏ khác cũng vì phát biểu lỡ lời, trong một buổi phỏng vấn với phóng viên báo Sài Gòn giải phóng, ông phát biểu: “Học phí chắc chắn sẽ phải tăng, có thể phải chấp nhận cả việc số người đi học sẽ giảm vì tăng học phí!“ dù Bộ đã tuyên bố nhiều lần: “… sẽ không để ai phải nghỉ học vì học phí”. Vụ việc đã gây nên dư luận khiến ông phải viết một bức thư nói rằng SGGP đã hiểu sai ý ông, nhưng tới nay vẫn không thấy Sài Gòn giải phóng gỡ bài báo này đi hay đính chính gì.
Khi mới nhậm chức Bộ trưởng, ông đã đem lại biết bao hi vọng cho giáo giới khi thấu hiểu cuộc sống cơ cực của họ rằng, xóa bỏ Tại chức là đập vỡ niêu cơm của rất nhiều giảng viên, rằng từ 2010 giáo viên sẽ sống được bằng nghề, rằng, nếu không đưa được nền giáo dục nước nhà đi lên, ông sẽ không làm Bộ trưởng…
Nay đã sang quý II năm 2010, nhiều giáo viên cắn răng lấy tinh thần yêu nghề cầm cự chờ đến 2010 của ông. Ba tháng đầu năm, giá cả leo thang, đời sống nhân dân nói chung, những người cầm phấn nói riêng khó khăn, thiếu thốn trăm bề… Cục trưởng Cục Quản lí giá Bộ Tài chính thì mải đi đóng phim bên Trung Quốc, vậy mà Bộ trưởng Nhân lại đành lòng dứt áo ra đi.
Nhưng Bộ trưởng là người trọng khí tiết, nói là làm. Nền giáo dục nước nhà sau bốn năm được ngài cầm cương khe khẽ hát câu “em vẫn như ngày xưa“. Ông không làm Bộ trưởng nữa thật. Ông làm Phó thủ tướng.
Bộ trưởng đã ra đi!
Thương thay!
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4539
Được đăng bởi boxit.vn vào lúc 11:25
.
.
.
No comments:
Post a Comment