Sunday, April 25, 2010

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)

Apr 25, '10 7:14 AM

http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/28

Đức Dục là giáo dục trẻ con những bài học đạo đức để biết sống và trở thành những công dân tốt, con người tốt có ích cho xã hội. Môn Đức Dục tương đương với chương trình Giáo Dục Công Dân trong các trường phổ thông cơ sở ở Việt Nam ngày nay. Tôi không được may mắn học một bài Đức Dục nào dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tôi được may mắn học những bài học này từ đống sách cũ của ông ngoại tôi để lại.

Ngoại tôi vốn là một nhà giáo trường làng, dạy học con nít từ thời Pháp thuộc đến cuối thập niên 60, cho tới ngày cuối cùng “theo ông theo bà”, ngoại tôi mới nghỉ dạy.

Hồi tôi mười một mười hai tuổi, ngoài những trò chơi chạy rông ngoài ruộng, dưới sông thì thú giải trí duy nhất của tôi là đọc sách. Những quyển sách này ngoài phần chữ đều có hình vẽ rất đẹp minh họa kèm theo mỗi bài, làm cho tôi rất thích thú khi đọc.

Sách Đức Dục dạy một đứa trẻ ngoan phải biết kính trọng, vâng lời, trung thực đối với cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo và người lớn tuổi; nhường nhịn trẻ nhỏ, siêng năng, chăm học, ăn ở sạch sẽ vệ sinh, biết giúp đỡ người tàn tật, người già, trẻ em, yêu thương loài vật, thân ái với bạn bè; ra đường nghe tiếng hát Quốc ca phải đứng lại bỏ mũ cúi đầu, hết bài Quốc ca mới đi tiếp, v.v...

Lúc đó, tôi thích nhất là chuyện cô Ếch. Chuyện kể ở một đám ruộng tại làng nọ có cô Ếch xinh đẹp rất thích làm dáng. Cô Ếch nhìn thấy người ta che dù, đi giày trông đẹp quá nên cũng nghĩ cách làm cho mình thêm xinh xắn. Một ngày nọ, cô Ếch lấy cái nấm rơm làm dù che, lấy lá tía tô làm khăn quàng, lấy hai quả ớt đỏ khoét lỗ xỏ chân vào làm đôi hài. Cô Ếch đóng bộ vào rồi ưỡn ẹo đi dạo quanh bờ ruộng để khoe với bọn ếch nhái hàng xóm. Chưa đi được bao xa, cô Ếch chợt đụng đầu với một anh nông dân. Anh này thấy ếch thì rượt theo bắt. Cô Ếch bị vướng víu trong đôi hài và mớ khăn, dù, nên không chạy nhanh được, bị anh nông dân túm lấy. Anh nông dân mừng rỡ: Bắt được con ếch to quá, lại có sẵn gia vị kèm theo, ta đem về làm một bữa thịt ếch nấu nấm với tía tô, ớt đỏ thì ngon phải biết. Cuối bài học có câu kết luận: Cái gì phù hợp với người khác chưa chắc phù hợp với ta, không nên bắt chước rập khuôn kẻo mang họa vào thân như cô Ếch.

Thời những người lớp tuổi anh chị, cha mẹ, cô chú tôi trở lên, tôi không bao giờ nghe nói xảy ra trường hợp nào trò đánh thầy, nam sinh đánh lẫn nhau đến nỗi nhà chức trách phải nhảy vào cuộc điều tra, càng không bao giờ có chuyện nữ sinh đánh người náo động, ầm ĩ như bây giờ.

Chuyện lùm xùm cả tuần trên các báo “lề phải” về việc nữ sinh lớp 10 đánh hội đồng bạn, quay video rồi tung lên mạng internet khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ bự... nói rằng họ xem xong... bị “sốc” (từ của báo chí nhà nước). Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Tôi thực sự bị sốc”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Trẻ con hư là lỗi ở người lớn”.

Nữ sinh đánh nhau rồi quay video tung lên mạng có thể “lạ” và “mới” với những người- lớn- có- trách- nhiệm- nhưng- thờ- ơ- với- trách- nhiệm, còn với cư dân mạng không hề lạ, video được báo chí nhắc đi nhắc lại như một “hiện tượng” đó không hề mới, thậm chí rất nhàm chán, đã có hơn chục video như thế ở trên mạng từ năm 2007, bất cứ ai cũng có thể vào Google search cụm từ “nữ sinh đánh nhau”+ “video” là sẽ có hàng đống đống kết quả ngay lập tức.

Đánh bạn, túm tóc, chửi bới, lột quần áo, quay video rồi tung lên mạng để câu khách trên các blog, website cá nhân, diễn đàn tuổi mới lớn trở nên “chuyện thường ngày ở huyện” khi hành vi đáng lên án, đáng bị xử lý nghiêm nhưng cả một thời gian dài không bị lên án, không bị xử lý thì tội gì mà không làm để lấy oai, để nổi tiếng, để chứng tỏ mình.

.

Vì sao học sinh ngày nay trí thì tăng mà đức thì sút giảm tệ hại? Gia đình nào có con chịu đi học đàng hoàng, không đánh nhau, không đua đòi vũ trường, hút xách, đàn đúm bạn bè đi chơi “xuyên quốc gia”... thì đã hãnh diện tự khen lấy khen để con mình là “ngoan”, còn việc trẻ có lối sống lười nhác, tham lam, ích kỷ, vô lễ, lì lợm... phụ huynh coi như chuyện hiển nhiên.

Không ít “nhân vật chính” trong các video nữ sinh đánh nhau xuất thân từ các gia đình được coi là nề nếp, có văn hóa. Tại sao nữ sinh thời nay không biết trao dồi “công ngôn dung hạnh”, siêng năng, thùy mị, nết na, dịu dàng, vị tha, nhân ái?

.Để đi tìm câu trả lời, tôi đã đọc hết 75 bài học Giáo Dục Công Dân (GDCD) ngày nay từ lớp 6 đến lớp 9 và thấy rằng tất cả những bài học trong chương trình đều xa rời thực tế, nội dung đi ngược lại yêu cầu chủ đề của bài, dạy trẻ lối sống ích kỷ, thản nhiên hưởng thụ mà không biết chia sẻ, thậm chí dối trá.

.

Chương trình GDCD từ lớp 10 đến lớp 11 bài nào bài nấy như học Triết. Ví dụ: Nguyên 1 học kỳ của chương trình lớp 10, học sinh phải học nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên chương trình lớp 11 thì không hề có một bài đạo đức nào.

Ông bà ta có câu: “Tre non dễ uốn”, “Dạy con từ thuở còn thơ”. Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi, nhờ từ năm 7 tuổi đến năm 15 tuổi tôi được may mắn đọc rất nhiều sách “tàn dư của Mỹ - Ngụy để lại” nên năm 16 tuổi trở lên tôi đã biết nhận thức đúng sai, việc nào nên làm, việc nào không nên làm theo chuẩn mực đạo đức xã hội (hơi phong kiến chút đỉnh nhưng không “thủ cựu bài tân”). Vì vậy, chương trình GDCD ở bậc cơ sở (lớp 6 đến lớp 9) là quan trọng nhất và quyết định sự hình thành nhân cách học sinh.

.

Thật ngạc nhiên khi bài học đầu tiên của chương trình GDCD lớp 6 với chủ đề “Tự chăm sóc, rèn luyện thân thể” câu chuyện minh họa lại là thầy giáo bảo trò Minh đi học bơi để người cao lên, bố Minh dẫn Minh đi học bơi suốt mùa hè. Từ đầu đến cuối đều do người lớn tác động và chủ động, vậy Minh “tự” ở chỗ nào? Học sinh có thể hiểu chỉ cần chơi thể thao trong mùa hè là đủ, ngày thường cứ ăn ở bừa bãi thoải mái? Nếu nhà nghèo không có tiền đến hồ bơi, không có người lớn đưa rước hàng ngày thì tự rèn luyện cách nào?

Bài thứ ba chủ đề “Tiết kiệm” thì chuyện kể minh họa kèm theo là trò Hà và trò Thảo cùng nhận được giấy báo đỗ vào lớp 10, Hà vội vàng vòi tiền mẹ để khao bạn ăn mừng. Mẹ Hà và mẹ Thảo đều cho tiền con ngay, nhưng Thảo từ chối vì nhà mình hết gạo. Câu chuyện hết sức vô lý và đề cao sự tôn thờ hình thức. Học là việc luôn luôn phải làm cả đời người, huống hồ so với chương trình bắt buộc mỗi học sinh phải trải qua, thì đỗ vào lớp 10 đã là cái gì đâu, còn thi cử dài dài nhiều lần khác cho đến khi hoàn thành Đại học mới tạm gọi là được, không cần thiết phải “ăn mừng” phô trương, nhưng hai người mẹ trong truyện lại chiều ý con một cách vô lý trong khi nhà hết gạo, đến nỗi trò Thảo phải “dạy” lại mẹ mình phải tiết kiệm tiền để mua gạo.


Thực tế, tiết kiệm là việc ta phải làm mỗi ngày, không phải đợi đến nhà hết gạo mới tiết kiệm. Cháu tôi ngày nào lên ăn cơm cũng càu nhàu sao ba mẹ bắt con ăn nhiều quá, chê món này không ngon, món kia không ngon, ăn xong lúc nào cũng bỏ lại thừa mứa mấy muỗng cơm và thức ăn trong chén, bật đồ điện lên xài xong thì cứ bỏ đó đi chơi, vào nhà vệ sinh xong không khóa vòi nước, quần áo mặc chưa cũ đã đòi sắm quần áo mới cho hợp thời trang, dụng cụ học tập (thước kẻ, gôm, bút chì...) năm nào cũng phải mua bộ mới vì bộ cũ “biến mất”. Tôi không hiểu sao GDCD không dạy trẻ ăn uống không nên bỏ thừa mứa mà nên tiết kiệm để giúp đỡ các bạn nghèo thiếu gạo ăn, tiết kiệm điện, nước bằng hành động đơn giản là tắt đồ điện, khóa vòi nước khi sử dụng xong, giữ gìn đồ dùng học tập và tiếp tục dùng nếu nó còn sử dụng được?

.

Bài thứ 6 chủ đề “Lòng biết ơn” với truyện minh họa là thư cám ơn của một cô Đào Thị Hồng viết gởi cho thầy giáo lớp 1. Sau 20 năm, cô Hồng đã trưởng thành mới tỏ lòng biết ơn, vậy việc “biết ơn” của cô Hồng liên quan gì đến trẻ mà bắt chúng phải học? Trẻ học được gì, bắt chước được gì từ cô Hồng? Sao GDCD không dạy trẻ cách thể hiện lòng biết ơn ngay khi còn nhỏ để trẻ có thể áp dụng được vào đời sống hàng ngày?

.

Hoặc chủ đề “yêu thiên nhiên” thì bài minh họa là du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng; chủ đề “chan hòa với mọi người” bài minh họa là có ông nông dân đi bộ mấy chục cây số đến phủ Chủ tịch, được ông Hồ Chí Minh tiếp chuyện; chủ đề “yêu thương con người” bài minh họa là ông Hồ đến thăm người nghèo; chủ đề “Khoan dung” bài minh họa là trò Khôi có lỗi và hối lỗi, cô giáo tha thứ cho Khôi, v. v... Hóa ra, không có tiền đi tham quan du lịch thì không phải là yêu thiên nhiên, không phải là nguyên thủ quốc gia thì không cần làm gì hết, và người lớn thì có nghĩa vụ khoan dung, tha thứ cho trẻ còn trẻ nghiễm nhiên hưởng thụ sự khoan dung đó mà không cần khoan dung cho người khác, tha hồ giành ăn, giành chơi, đánh bạn thoải mái nhỉ?

.

Chủ đề “sống và làm việc có kế hoạch” thì minh họa một lịch làm việc được coi là “chuẩn” của trò Vân Anh, trong đó Vân Anh học và chơi là chánh, làm việc nhà loáng thoáng lúc 5 giờ rưỡi sáng. Trẻ có thể hiểu rằng, chúng chỉ cần học và chơi thôi, thờ ơ với trách nhiệm, bổn phận của con cái đối với cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Đó là chưa nói đến lịch này bất hợp lý ở chỗ một đứa trẻ 13 tuổi ở thành thị thì không tài thánh nào mỗi ngày đều thức dậy được lúc 4 giờ rưỡi sáng vệ sinh thân thể để đúng 5 giờ tập thể dục và đi ngủ lúc 11 giờ đêm.

.

Trình độ ngoại ngữ học sinh bây giờ giỏi hơn các thế hệ trước rất nhiều, mặt khác, không cần phải giỏi ngoại ngữ người đọc cũng có thể dùng internet để đọc được nhiều thứ tiếng khác nhau. Vậy mà cho đến nay, sách GDCD lớp 8 (bài 8) chủ đề “Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác” vẫn viết “Năm 1990, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã ra Nghị Quyết công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Nghị quyết có đoạn viết: “... Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của ca một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ”. Đoạn văn trên ngoài dụng ý “tâng bốc” thì không tìm thấy “Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác” ở chỗ nào hết.

Không cần khó khăn lắm cũng có thể tìm thấy trên trang của UNESCO việc nhà cầm quyền Việt Nam vận động để UNESCO ban hành Nghị quyết và kết quả cuối cùng: “Có văn bản lưu trữ về nghị quyết, nhưng không có văn bản lưu trữ nào nói về sự thực hiện, vì UNESCO đã bất động, không làm gì cả, trên thực tế là coi như không có nghị quyết, do hoàn cảnh đặc biệt xảy ra sau đó”(*). Qua bài GDCD này, phải chăng học sinh chỉ học được bài học về sự dối trá của những “người lớn đáng kính”?

.

Toàn bộ 75 bài GDCD thì không có bài nào dạy trẻ phải tôn trọng quốc ca quốc kỳ, tôn kính các vị anh hùng dân tộc (như Hưng Đạo Vương, Lý Thường Kiệt, Quang Trung...), dạy trẻ những việc làm thiết thực hàng ngày như: yêu thương, nhường nhịn anh chị em trong nhà, kính trọng, lễ độ với người lớn tuổi (bất kể người đó là quen hay lạ); yêu thương, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn trong học tập, trong cuộc sống; siêng năng làm việc phụ giúp cha mẹ, sống ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự; ăn cắp đồ dùng của bạn, cưỡng đoạt tài sản của bạn, đánh bạn, lười biếng, nói dối là xấu, v.v...

.

Tương tự, còn rất nhiều điều ngô nghê, xa rời thực tế, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong các bài học môn GDCD, nếu phải liệt kê ra thì e phải viết đến cả trăm trang giấy cũng chưa hết.

.

Quản Trọng - nhà chính trị xuất sắc thời Xuân Thu viết: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân” (Kế hoạch 1 năm không gì bằng trồng lúa; Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây; Kế hoạch một đời không gì bằng trồng người).

Cô Huỳnh Thị Minh Lý (Tổ trưởng tổ GDCD Trường Lê Hồng Phong -SG) nói: “Học sinh đang sống buông thả, đang tiếp thu những văn hoá không phải của Á Đông. Môn đạo đức phải giúp học sinh hiểu được cần phải giữ lại những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam. Học sinh cần được học để biết ứng xử những tình huống trong cuộc sống đời thường. Học sinh cần phải biết sống thế nào để dung hòa được với cộng đồng, không quá ích kỷ”. Với chương trình GDCD hiện nay thì cô Lý nhận xét: “Giáo viên không biết dạy để làm gì!”. Ông Nguyễn Minh Thuyết nhận xét thêm: “Chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường thực chất khá nặng, khá dày, chứ không phải nhẹ. Nhưng phải xem chương trình ấy được thực thi thế nào, có tính thực tế, thực hành không hay nặng về giáo lý khô khan”.

.

Môn GDCD hiện nay quá nặng, bài học quá nhiều, nhưng lại xa rời thực tế, nặng về nhồi sọ chủ nghĩa Mác-Lê, ca ngợi lãnh đạo... mà không dạy cho học sinh cách ứng xử khi vào đời. Nghe nói trong vụ nữ sinh đánh bạn vừa rồi, cả hung thủ lẫn nạn nhân đều bị kỷ luật, trong đó nạn nhân bị kỷ luật vì lỗi “không thành khẩn”(?!), nhiều người cho rằng đó là cách hành xử hết sức bất công của phía nhà trường. Giáo dục nào thì cho ra con người đó. Giáo dục công dân như thế này, chúng ta sẽ còn được xem video học sinh đánh nhau dài dài nữa.

Tạ Phong Tần

__________

Chú thích:

(*)Bản phúc trinh của UNESCO khóa 24 tại Paris, Pháp từ 20-10 đến 20-11 năm 1987 (Record of the General Conference, 24th Session, Paris, 20 October-20 November 1987)
(a) điều khỏan 18.65 ở trang 134, 135 tài liệu UNESCO.

(b) điều khỏan 18.64 ở trang 134 tài liệu UNESCO.

(c) điều khỏan 18.63 ở trang 133 tài liệu UNESCO.

(d) điều khỏan 18.62 ở trang 133 tài liệu UNESCO.

(e) điều khỏan 18.67 ở trang 136 tài liệu UNESCO.

http://unesdoc.unesco.org/images/0007/000769/076995E.pdf

.

.

.

No comments: