Saturday, April 24, 2010

BÀ ĐỖ NGỌC BÍCH và SỰ TỰ MÂU THUẪN

Bà Đỗ Ngọc Bích và sự tự mâu thuẫn

Nguyễn Trang Nhung

24/04/2010 10:00 sáng 7 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19505

Nhân đọc bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của bà Đỗ Ngọc Bích, tôi xin gửi phản hồi này tới bà, với tư cách là một người sinh sau năm 1980, sống, học tập, và làm việc hầu suốt quãng thời gian qua tại Việt Nam.

Bài viết của bà đã nhận được nhiều phản hồi theo nhiều góc cạnh khác nhau, mà hầu hết mang chiều hướng thể hiện sự không đồng tình (hoặc đồng tình, nếu có) với cách nhìn của bà. Phản hồi của tôi ở đây mang một chiều hướng khác, đó là chỉ ra rằng: cách nhìn của bà có sự tự mâu thuẫn.

Đọc bài viết trên và bài trả lời độc giả, có thể thấy bà bất bình với những người chỉ trích nhà nước Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Họ là “những người dân có tri thức ở trong nước, những blogger gần đây gặp vấn đề về chính trị” [tg][1], mà “hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980” [tg]. Tôi xin gọi phần hầu hết ấy là “thế hệ những năm 1980” trong phản hồi này.

Từ bài viết của bà có thể rút ra những điểm sau:

Thế hệ những năm 1980 đa phần là những thanh niên “có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống cộng” [tg].

Thế hệ này chịu ảnh hưởng của “chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979” [tg], bài xích và tố cáo Trung Quốc “hơi nhiều” [tg].

Thế hệ này không theo kịp tình hình đất nước, “sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành” [tg].

Thế hệ này thiếu kiến thức lịch sử, cũng như thiếu cơ sở xác đáng để khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa (và có thể cả những vùng lãnh thổ khác) là của Việt Nam.

Thế hệ này không nhận ra rằng “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc” [tg].

Thế hệ này, với những đặc điểm trên, đã thể hiện lòng yêu nước một cách “mù quáng” [tg].

Nếu thế hệ những năm 1980 là như vậy, thì thế hệ trước năm 1980 có lẽ khác? Xuất phát từ vướng mắc đó, tôi có một vài câu hỏi đặt ra và đề nghị bà làm rõ:

Thế hệ trước năm 1980 nếu có bài xích hay tố cáo Trung Quốc thì mức độ “không nhiều” hoặc “ít thôi”?

Thế hệ trước năm 1980 nghi vấn chứ không khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam?

Thế hệ trước năm 1980 nhận ra rằng “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”?

Trong thế hệ trước năm 1980, trừ những người bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống cộng, phần còn lại có thái độ thế nào đối với nhà nước Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc?

Nếu bà trả lời cả ba câu hỏi này bằng “Đúng”, tôi e rằng câu trả lời xác quyết đó cho thấy sự hoang tưởng của bà đối với thế hệ trước năm 1980! Nếu bà trả lời cả ba câu hỏi này bằng “Sai”, thì bà phải cộng cả thế hệ trước năm 1980 vào những đối tượng “đáng bàn” [tg] trong bài viết của bà! Mà như vậy, còn đối tượng nào là “không đáng bàn” ở đây? Nếu bà trả lời một (hoặc hai) câu hỏi bằng “Đúng”, thì câu trả lời ấy sẽ phần nào mâu thuẫn với hai (hoặc một) câu trả lời bằng “Sai”.

Trở lại với thế hệ những năm 1980, tôi có một vài câu hỏi tiếp theo:

Thế hệ này chịu ảnh hưởng của “chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam” [tg]. Sự điều khiển ở đây là thế nào vậy? Có phải một phần là sự tuyên truyền “méo mó” của nhà nước Việt Nam về “người đồng chí tốt” sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, khiến thế hệ này có tư tưởng bài Trung?

Qua bài viết của bà, có thể hiểu câu trả lời cho câu hỏi này là “Đúng”, và câu trả lời có thể được diễn giải như sau: Cuộc chiến tranh biên giới đã làm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhà nước Việt Nam “tuyên truyền” về Trung Quốc theo chiều hướng có phần lệch lạc. Điều này ảnh hưởng tới thế hệ những năm 1980, khiến thế hệ này có tư tưởng chống Trung Quốc. Tư tưởng này vẫn còn nặng nề sau khi quan hệ giữa hai nước tiến triển vào những năm 1990.

Như vậy, nhà nước Việt Nam – đối tượng mà bà không hề “dành cho” một lời chỉ trích – lại chính là một phần nguyên nhân gây ra vấn đề mà bà chỉ trích. Do đó, thay vì bênh vực (hoặc có chiều hướng bênh vực), bà phải nhắm sự chỉ trích vào nhà nước Việt Nam mới đúng! Đây chính là mâu thuẫn lớn trong cách nhìn của bà: đối tượng không đáng để bà chỉ trích thì bà chỉ trích, đối tượng đáng để bà chỉ trích thì bà bênh vực (“đáng” hay “không đáng” ở đây xét từ nhãn quan của bà trước vấn đề chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc).

Thế hệ này thiếu kiến thức lịch sử, chưa bao giờ hay ít khi “dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền” [tg]. Nếu vậy (xin lưu ý từ “nếu”), đâu là tác nhân chủ yếu của việc thế hệ này thiếu kiến thức lịch sử? Chính họ ư? Hi vọng bà sẽ không cho câu trả lời “Đúng”.

Xin hãy nhìn cho rõ, rằng “sự thiếu kiến thức này”, nếu có, chủ yếu xuất phát từ hệ thống tuyên truyền, hệ thống giáo dục của nhà nước Việt Nam. Giả sử việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là không đủ bằng chứng lịch sử, thì đối tượng đầu tiên mà bà nên “giãi bày” là Bộ Ngoại giao Việt Nam, nơi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao vẫn thi thoảng tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng Việt Nam có đủ “bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý” để khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này. Đối tượng tiếp theo mà bà có thể “tâm sự” là những người làm giáo dục, một cách trực tiếp hay gián tiếp truyền giảng những kiến thức địa lý trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Và xin hãy tiếp tục nhìn cho rõ, rằng “sự thiếu kiến thức này” được cả một hệ thống báo chí của nhà nước Việt Nam “làm cho thêm sắc nét” bằng một loạt bài viết của các nhà báo (chắc cũng rất “thiếu kiến thức lịch sử”!) chỉ ra những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Thêm nữa, “sự thiếu kiến thức này” được “củng cố” bởi các nhà sử học và các học giả Việt Nam hiện đại, hoặc là thiếu kiến thức nên vô tình, hoặc là đủ kiến thức nhưng cố ý, viết ra hay tuyên bố những bằng chứng lịch sử “đáng ngờ” [tg] về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam!

Những điều cần nhìn rõ trên đây, chắc hẳn bà đã rõ! Tôi có thể nghĩ vậy qua việc bà đặt các câu hỏi như: liệu các blogger đấu tranh cho chủ quyền đã đọc các tư liệu lịch sử “ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén” [tg], hay họ chỉ dựa vào “sách giáo khoa lịch sử Việt Nam” [tg] và “các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành từ sau 1975” [tg]? Như thế, môi trường thông tin ở Việt Nam đối với bà là không đủ khách quan. Vậy thì, khi chịu ảnh hưởng từ môi trường thông tin ấy, những người đấu tranh cho chủ quyền phải làm gì để không bị bà chỉ trích đây? Tìm bằng được các tư liệu lịch sử chưa bị cắt xén ư? Tìm ở đâu thưa bà? Đừng vội tin các tuyên bố chủ quyền trên đài báo chính thống của Việt Nam ư? Phải rồi, hãy nghi vấn!

Nếu thế hệ những năm 1980 có “mù quáng” trong việc thể hiện lòng yêu nước, có “mù quáng” trong niềm tin rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, thì lỗi phần lớn không ở họ, mà ở những đối tượng kể trên, và xét cho cùng, là ở nhà nước Việt Nam! Qua đây, một lần nữa có thể thấy sự chỉ trích của bà đã không nhắm đúng tâm điểm! Bà đang “bực dọc, khó chịu” [tg] thay cho ai (?), cho nhà nước Việt Nam (!) – trong khi đây chính là tác nhân chủ yếu gây ra “chủ nghĩa dân tộc mù quáng” mà bà phê phán!

Cần nói rõ rằng những lý lẽ trên đây không có ý chỉ trích bất cứ đối tượng nào được nhắc đến: từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, những người làm giáo dục Việt Nam, các nhà báo Việt Nam, đến các nhà sử học và các học giả Việt Nam, v.v… hay chung nhất là nhà nước Việt Nam. Các đối tượng này được đặt vào những lý lẽ của tôi nhằm cho thấy cách nhìn của bà chứa đựng sự tự mâu thuẫn. Thiết nghĩ, một người có tư duy khoa học thực sự, với đủ khả năng phân tích và suy xét, không thể đưa ra cách nhìn tự mâu thuẫn đến như vậy.

Cuối cùng, tôi xin nói về một ý tưởng mới phát sinh trong giới blogger sau khi bài viết của bà trở thành tâm điểm của sự chú ý, đó là ý tưởng phát động phong trào: “Dân ta phải biết sử ta”, với chủ trương: nếu kẻ nào “nói càn, nói bậy” về lịch sử nước nhà thì phong trào này sẽ “vạch mặt kẻ đó” (theo blogger nguocdonglichsu). Có thể nói, đây là một biểu hiện (dù nhỏ) của sự tác động tích cực mà bài viết của bà mang lại.

Ý tưởng đang nhen nhóm và – hi vọng! – sẽ góp phần thắp lên ý chí và tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc tìm hiểu lịch sử, từ đó sẽ hiểu rõ hơn nguồn gốc hình hài của đất nước Việt Nam, sẽ biết trân trọng hơn từng tấc đất của cha ông để lại. Có thể tin tưởng rằng, ý chí và tinh thần đó, một khi được thắp lên đủ mạnh mẽ, sẽ giúp Việt Nam đứng vững và tự tin trên bước đường bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc!

© 2010 Nguyễn Trang Nhung

© 2010 talawas


[1] [tg] Ký hiệu trích dẫn các từ/cụm từ trong bài chính hoặc bài trả lời độc giả của tác giả Đỗ Ngọc Bích

.

.

.

Sinh viên… nói leo

T.N.L.A.

Đăng bởi boxitvn on 24/04/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/24/sinh-vien-noi-leo/

BVN đã định kết thúc câu chuyện về bà “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích, nhưng xem ra còn quá nhiều người mang tâm lý bức xúc với bài viết của bà “Tiến sỹ “ này.

Trong số các bài gửi đến, có bài viết của nữ sinh viên T.N.L.A, cung cấp một vài chi tiết rất cụ thể về bà “Tiến sỹ”, kèm theo những bình luận liên quan đến cảm nhận của tác giả về hệ thống giáo dục mà tác giả đang là người trong cuộc.

Trân trọng cảm ơn bạn T.N.L.A., và xin được đăng lên để bạn đọc có thêm thông tin.

Bauxite Việt Nam

-------------------------

Thưa các thầy cô.

Tuần qua rất nhiều bài trên mạng bàn về “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích sau bài viết của bà trên Đài BBC lên án cái mà chị gọi là “chủ nghĩa dân tộc bài Hoa cực đoan”. Là những sinh viên đang còn ngồi trên ghế giảng đường, sau khi đọc các bài báo, chúng em nhận ra, các tác giả đều là các bậc khả kính. Vì vậy, chúng em xin phép gọi tác giả các bài báo là “Các thầy cô”.

Chúng em đã đọc rất kỹ những bài viết của các thầy cô, trong đó có bài than phiền rằng, hiện tượng Đỗ Ngọc Bích không là gì xa lạ, mà đó chẳng qua chỉ là sản phẩm mà nền giáo dục trong nước đã tạo ra. Với tư cách là “cái sản phẩm” mà “nền giáo dục trong nước đã tạo ra”, chúng em thực sự cảm thấy rất buồn.

Đúng như một bài báo đã viết, trong sách giáo khoa lịch sử thì “sử cách mạng” chiếm một tỷ trọng áp đảo. Không những vậy, chúng em còn đọc được một bài báo khác viết rằng, ngay trong những trang viết về “sử cách mạng” ấy còn viết theo quan điểm mao-ít.

Chúng em vào mạng tra cứu xem “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích là ai, thì có một phát hiện hết sức thú vị. Chúng em suy nghĩ mãi về “phát hiện” này, và cuối cùng xin mạnh dạn gửi đến Thầy Nguyễn Huệ Chi, để Thầy cung cấp thêm thông tin cho các bạn đọc của Bauxite Việt Nam. Thông tin chính xác về chị Bích là: chị ấy là sinh viên lớp tiếng Anh Khoá 35 (1991-1994) thuộc Khoa Tiếng nước ngoài của Trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị Bích tốt nghiệp năm 1994, và không hề có background (nền học vấn) về Lịch sử (!)

Cựu sinh viên Khoa tiếng nước ngoài của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lập một website, trong danh sách có tên Đỗ Ngọc Bích: http://www.diginet.com.vn/ngoaingu/MemberList.asp. Xin các thầy cô và các bạn vào mạng để tìm hiểu thêm.

Qua website của các cựu sinh viên Khoa Tiếng nước ngoài, chúng em hoàn toàn không ngạc nhiên, đoán biết được lý do vì sao chị Bích được xuất hiện trên trang mạng của Đài BBC. Rất có thể, chị ấy đã nhận được sự giúp đỡ của người bạn đồng môn, là anh Ngô Quốc Phương, ký giả trong Ban Việt ngữ của Đài BBC, là sinh viên Khoá 33 cùng Khoa Tiếng nước ngoài (học trước chị Bích hai năm). Quý Thầy Cô có thể tìm được tên anh Ngô Quốc Phương trong danh sách cựu sinh viên của Khoa tiếng nước ngoài, và cũng đã được đăng trong cùng trang mạng này.

Với tư cách là một sinh viên học ngoại ngữ, chúng em xin thú thực, ở Việt Nam, phần lớn sinh viên theo học các ngành ngoại ngữ chỉ mới được học một vốn ngôn ngữ tối thiểu, đủ để làm một loại “thông ngôn” vào cỡ … “dưới trung bình” thôi, cái nền văn hóa trong chương trình đào tạo ngoại ngữ quá mỏng, trong khi, đáng ra, dạy ngôn ngữ của một dân tộc phải là … chuyển tải cho sinh viên cái nền văn hóa của cả hai dân tộc: dân tộc mình và dân tộc đó. Vì vậy, vốn hiểu biết quá mỏng về lịch sử và về dân tộc của chị Bích như thể hiện trong bài báo cũng là lẽ đương nhiên thôi.

T.N.L.A.

(Một sinh viên đang theo học một ngành ngoại ngữ ở Hà Nội)

VC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

.

.

.

No comments: