ASEAN lúng túng trước sự hiện diện ngày càng lớn Trung Quốc trong khu vực
Chủ nhật 11 Tháng Tư 2010
Trong khi Hoa Kỳ đang bận rộn với Irak và Afghanistan, thì Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng lên ASEAN. Với ưu thế gần gũi về địa lý và tiềm lực kinh tế, Bắc Kinh dễ dàng tác động lên khu vực này. Tuy nhiên tham vọng của Bắc Kinh làm các nước láng giềng phải dè chừng, và cần có Hoa Kỳ làm đối trọng.
Người ta đã nói nhiều đến sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua, giờ đây dư luận lại chú ý nhiều hơn đến những ảnh hưởng của nước này trên khắp thế giới. Báo Courrier International tuần này ra số đặc biệt để nói về vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc qua khắp các châu lục và khu vực ngày nay.
Tờ báo trích đăng lại một loạt của các báo xuất bản ở khắp các khu vực trên thế giới, đề cập đến chủ đề này ở nhiều góc độ khác nhau. Trong đó có một bài bài viết đáng chú ý liên quan đến Đông Nam Á của tờ báo Singapore, The Straits Times.
Theo bài báo thì Bắc Kinh đã biết cách tiếp cận các nước láng giềng nhỏ bé trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN bằng viện trợ hay chính sách ngoại giao khôn khéo. Các nước ASEAN không muốn bị rơi vào vòng thao túng của nước lớn, nhưng có vẻ họ vẫn lúng túng trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Trước hết về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực Đông nam Á. Tác giả bài báo nhận thấy, trong lục chính quyền Hoa Kỳ đang phải bận rộn với mặt trận Irak và Afghanistan không quan tâm nhiều đến ASEAN thì Trung Quốc thúc đẩy tăng cường ảnh hưởng của họ lên 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cố gắng xây dựng một mối quan hệ « cộng sinh » với khối này.
Bài báo cho biết trao đổi mậu dịch giữa cường quốc Trung Hoa và các nước trong khu vực đã tăng từ 45,5 tỉ đô la năm 2001 lên 193 tỉ trong năm 2008. Bắc Kinh còn đi xa hơn, ký với ASEAN một hiệp định tự do mậu dịch CAFTA cho phép miễn thuế 7000 mặt hàng trao đổi giữa hai bên. Hiệp định đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng giêng năm nay, trước mắt áp dụng với Trung Quốc, Brunei, Indonesia, Malaisia, Thái lan và Singapore, đến năm 2015 sẽ mở rộng ra đối với những nước như Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam.
Năm ngoái Bắc Kinh còn dành ra 25 tỉ đô la để viện trợ cho các nước trong khu vực. Bên cạnh quan hệ kinh tế đang ngày càng phát triển, tác giả bài báo cũng ghi nhận thấy Bắc Kinh còn sử dụng « quyền lực mềm » như cấp học bổng một cách dễ dãi cho các sinh viên của khu vực sang du học tại Trung Quốc, rồi các viện nghiên cứu Khổng Tử mọc nên như nấm ở trong vùng.
Tác giả bài báo nhận định, với ưu thế về khoảng cách vị trí địa lý và tiềm lực kinh tế thì Trung Quốc có thể dễ dàng gia tăng ảnh hưởng lên khu vực này. Tuy nhiên sự hiện diện ngày càng sâu rộng cùng với những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực không phải cứ thế thuận buồm xuôi gió.
Thời gian gần đây các nước láng giềng đã mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc cho xây dựng đập nước trên thượng nguồn sông Mêkông, gây ra tình trạng nước sông Mêkông cạn kiệt.
Hà Nội thì ngày càng tỏ ra khó chịu về những hành động áp đặt chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974. Trong khi đó, dù là đồng minh thân cận của Trung Quốc, nhưng chính quyền Miến Điện vẫn tỏ ra dè chừng với Bắc Kinh kể từ khi xảy ra vụ xung đột giữa quân đội chính phủ với nhóm sắc tộc thiểu số Kokang, khiến hàng chục ngàn người gốc Hoa phải bỏ chạy về bên kia biên giới, và Trung Quốc đã triển khai quân đội dọc đường giới.
Trên khía cạnh kinh tế, các nước như Indonesia, Malaisia, Thái Lan và Philipin đang tỏ ý lo ngại việc áp dụng hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại đến sự cạnh tranh hàng hóa của các nước này. Jakarta thậm chí còn đang tìm cách thương lượng lại về thời hạn của thỏa thuận này.
Tâm lý bài Trung Quốc đã có từ một thế kỷ nay
The Straits Times nhận thấy, thái độ dè chừng của các nước ASEAN bắt đầu thể hiện qua lĩnh vực quân sự. Theo tác giả bài báo thì cuộc chạy đua vũ trang gia tăng hiện nay trong các nước ASEAN là bắt nguồn từ những căng thẳng trong khu vực, mà trọng tâm là mối đe dọa đến từ cường quốc Trung Hoa. Trong những tháng qua, Việt Nam và Miến Điện có thể đã hoàn tất một số hợp đồng mua sắm vũ khí của Nga.
Vẫn theo tác giả bài báo, thì tâm trạng bất an hiện nay của các nước Đông Nam Á hiện nay có nguồn gốc từ tâm lý bài Hoa có từ hàng trăm năm qua, bởi các hoàng đế Trung Hoa xưa kia vốn coi các nước nhỏ trong khu vực là nhược tiểu chư hầu của họ.
Tờ báo cũng nhắc lại rằng, nếu như vị trí sát cạnh Trung Quốc có thể đem lại lợi ích nhất định về kinh tế; nhưng các nước có đường biên giới chung với nước lớn này cũng đã nhiều lần phải hứng chịu âm mưu thôn tính, bành trướng của họ. The Straits Times viết : Người Việt Nam sẽ không bao giờ quên được vụ năm 1979, khi đó 250 nghìn lính Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình huy động tràn sang « dạy cho Việt Nam một bài học ». Ngoài ra cũng chẳng cần phải nhắc lại các nước ASEAN vẫn không quên được chính đảng Cộng sản Trung Quốc đã hậu thuẫn cho các nhóm quân cộng sản nổi dậy chống lại chính quyền của họ.
Tờ báo khẳng định, chính lịch sử đã thúc đẩy ASEAN phải tìm kiếm sự cân bằng quyền lực trong vùng. Ai làm được việc này ? Để kết luận bài báo trích phát biểu của ông Lý Quang Diệu, cố vấn đặc biệt của Singapore trong chuyến đi thăm Mỹ năm ngoái :
«Với tầm cỡ hiện nay của Trung Quốc, trong vòng hai ba chục năm tới, không có nước châu Á nào, kể cả Nhật Bản, Ấn Độ có thể làm đối trọng cân bằng sức mạnh. Vì vậy mà chúng ta cần Hoa Kỳ để tạo lập thế cân bằng ».
.
.
.
No comments:
Post a Comment