Friday, April 9, 2010

ASEAN 16 : VIỆT NAM LÀM GÌ ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN ?

Asean 16: Việt Nam làm gì để giải quyết tranh chấp chủ quyền?

Gia Minh, biên tập viên RFA

2010-04-08

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/16-asean-summmit-proposal-for-east-sea-disputes-GMinh-04082010215854.html

Người Việt trong và ngoài nước hy vọng tại kỳ họp thượng đỉnh Asean 16 đang diễn ra, chính phủ Hà Nội sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra bàn thảo với Trung Quốc cùng các nước trong khu vực.

Một vị cựu giáo sư Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm Sài gòn, nay đang tham gia giảng dạy tại Đại học UCLA ở California, ông Phạm Cao Dương vừa đưa ra gợi ý về hai công tác cần phải làm trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông, cũng như những phần lãnh thổ khác của Việt Nam.

.

Kiểm tra bản đồ

Gia Minh có cuộc nói chuyện với ông Phạm Cao Dương và trước hết ông gợi ý phải sửa lại những sai sót mà phía Trung Quốc tận dụng để đòi hỏi chủ quyền của họ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

GS Phạm Cao Dương: Trong chiến tranh, Hà Nội có ấn hành một số bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc nói những bản đồ mà Hà Nội xuất bản thời đó có dùng những danh từ Trung Hoa gọi là Tây Sa, Nam Sa. Trong số những bản đồ đó có bản đồ của Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam; rồi trong bài học lớp chín có ghi ‘quần đảo Tây Sa, Nam Sa, quần đảo Đài Loan, Bành Hồ tạo thành hình cánh cung che chở cho lục địa Trung Hoa. Họ sử dụng những điều đó để bác bỏ chủ quyền của Việt Nam.

Tôi kết luận rằng đó là thời gian chiến tranh, Việt Nam chia đôi và quyền quản lý những quần đảo đó thuộc miền nam. Nếu phía Trung Quốc bám vào những điều đó để tuyên bố chủ quyền thì cũng như bám vào văn thư của Ông Phạm Văn Đồng gửi cho thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mà thôi.

Tôi cũng nêu ra nhiều lý do phải bỏ từ ‘South China Sea’ hay ‘Mer de Chine’.

Gia Minh: Ông còn thấy có những sai sót nào lớn khác nữa không?

GS Phạm Cao Dương: Trong bài viết, tôi có đề nghị cần kiểm lại bản đồ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Những bản đồ mà tôi nêu lên trong bài viết chỉ giới hạn ở trong nước Mỹ mà thôi. Những bản đồ xuất bản ở nước Mỹ bằng tiếng Anh nên rất phổ biến nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh, Canada… Ở Pháp tôi có nói chuyện với một giáo sư tại đó để nhờ kiểm tra lại. Việc làm này không phải đơn giản: nếu trên mạng Internet,người ta có thể sửa ngay nếu sai; còn nếu in ra thành sách rồi thì phải mất thời gian để sửa.

Gia Minh: Trong thời gian qua, ông thấy sự hợp tác giữa trong và ngoài nước ra sao?

GS Phạm Cao Dương: Cũng có nhưng không chặt chẽ. Thứ nữa vấn đề này rất phức tạp, không chỉ có trong phạm vi lịch sử mà thôi, mà còn liên hệ đến nhiều phạm vi khác nữa như luật pháp về mặt biển, thềm lục địa và nhiều yếu tố khác nữa. Cần có các nhà chuyên môn thuộc nhiều phạm vi khác nhau.

Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là một phần thôi, chứ còn nhiều vấn đề phải đặt ra như việc xác định biên giới chẳng hạn. Chúng ta có thể sử dụng những bản đồ vẽ từ thời Pháp có tỷ lệ xích lớn.

Trở lại vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa không phải chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn Philippines, Mã Lai, Indonesia… Nên phải xem lập luận của họ thế nào, căn cứ vào đâu. Hình như Việt Nam chỉ chú trọng đến Trung Quốc chứ không chú trọng đến những nước đó.

.

Biển Đông Nam Á

Gia Minh: Hiện Thượng đỉnh Asean 16th đang diễn ra ở Hà Nội, trước đây Trung Quốc chỉ muốn nói chuyện tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với từng nước một trong Asean và nay cũng vậy?

GS Phạm Cao Dương: Chính vì vậy tôi đưa ra đề nghị đổi tên ‘South China Sea/Mer de Chine’ thành Biển Đông Nam Á. Lý do là tôi muốn nhắm đến cộng tác giữa các nước Đông Nam Á mà trong tương lai sẽ rất cần thiết. Biển Đông Nam Á đó là biển chung của tất cả.

Trung Quốc muốn tách các nước ra để nói chuyện và có nước cũng chấp nhận như thế vì họ thấy có lợi cho họ. Dù sao đây cũng là dịp tốt để Việt Nam đưa ra đường lối riêng của Việt Nam. Nên nói nhẹ hơn về tranh chấp chủ quyền, nói nhiều hơn về hợp tác giữa các nước Đông Nam Á về những phương diện khác trong tương lai gồm có kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch… để giúp phát triển cho cả khu vực.

Có người hỏi nếu dùng ‘Southeast Asia Sea’ có làm mất chủ quyền của Việt Nam hay không? Tôi cho rằng không vì chủ quyền có liên quan đến luật về hàng hải, thềm lục địa…

Gia Minh: Đây có phải là lần đầu tiên đưa ra thay đổi đó?

GS Phạm Cao Dương: Theo tôi chưa ai đưa ra. Hồi đầu năm 80 khu cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra và sự chống đối nhau còn mạnh, tôi có viết thư về việc này cho Bộ Ngoại giao của các nước Đông Nam Á.

Nay khi Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên của Asean thì người ta sẽ dễ nghe hơn. Thông qua là một lẽ và đưa ra là một lẽ.

Gia Minh: Cám ơn Ông.

.

Theo dòng thời sự:

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 16 tại Hà Nội

Vai trò của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16

Biến tầm nhìn thành hành động chủ đề của ASEAN 2010

Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên biển Đông

Việt Nam sẽ đưa vấn đề ứng xử ở biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh Asean

Asean hướng tới bản quy tắc mới về ứng xử ở biển Đông

Miến Điện có thể sẽ “bình an” tại ASEAN 16

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: