Phạm Cường
Đăng bởi bvnposter on 17/04/2010
“… án thì phải tại hồ sơ”- Đó là câu nói của người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên hành lang kỳ họp Quốc hội – ngày 23/11/ 2009 – khi được các phóng viên hỏi ý kiến về vụ án Nông trường Sông Hậu đang gây bức xúc dư luận! (Trích nguồn: http://vneconomy.vn/20091126022941943P0C9920/chuyen-ba-ba-suong-ben-hanh-lang-quoc-hoi.htm). Nay vụ “án” đó đã được “giải cứu” bởi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tuyên bố hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm cuả 2 cấp tòa Cần Thơ “… để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”. Qua buổi họp báo định kỳ của TP Cần Thơ hôm 8/4 vừa qua. Độc giả cả nước quan tâm tới vụ này còn được biết thêm một chi tiết khá thú vị: những người muốn bỏ tù bằng được bà Ba Sương đã giao vụ án cho một người điều tra viên chính chưa tốt nghiệp phổ thông trung học! Đó là Thượng tá cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) CA Cần Thơ Lê Hoàng Bé. Hèn chi, với một vụ án “trọng điểm” được Ủy ban chống tham nhũng từ trung ương chỉ đạo, mà giao vào tay cái anh “thiên lôi” Lê Hoàng Bé chỉ đâu đánh đấy, trên bảo sao thì nghe vậy, nên “hồ sơ” rành rành như thế, thì “án” đã tuyên cho Bà Ba Sương như vậy có chi là lạ đâu?
Nếu ai theo dõi sát các vụ “Án tại hồ sơ” thời gian gần đây thì đều thấy những điều tra viên giống Thượng tá CA Lê Hoàng Bé luôn xuất hiện khá nhiều.
Vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn ở Buôn Ma Thuột, người phụ trách công tác điều tra cũng do một CA cấp tá, đó là Trung tá Trần Đức Thịnh – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT – CA Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo hồ sơ được ông Thịnh lập, VKSND TP Buôn Ma Thuột cho rằng “qua tài liệu và lời khai đã được CQĐT thu thập có trong hồ sơ, cũng đủ cơ sở để khẳng định việc CQĐT kết luận không có sự việc phạm tội là chính xác và khách quan” mặc dù các nhân chứng và gia đình các nạn nhân đều không đồng tình với các kết luận đó! (VỤ CHÓ BẸC-GIÊ CẮN CHẾT NGƯỜI Ở ĐẮK LẮK Kết luận điều tra “chính xác, khách quan” !? - http://nld.com.vn/20100320123640687P0C1002/ket-luan-dieu-tra-chinh-xac-khach-quan-.htm)
Vụ án ‘mua bán dâm’ ở Hà Giang hiện nay cũng đang được các điều tra viên là đồng nghiệp của Thượng tá Bé (Cần Thơ) và Trung tá Thịnh (ở Buôn Ma Thuột) nên rất có nguy cơ “chìm xuồng” và “lọt tội” đối với các ông quan đầu tỉnh như ông Chủ tịch Nguyễn Trường Tô – người đang bị tố cáo là tham gia tích cực trong vụ mua dâm trẻ vị thành niên này. Chuyện đã xảy ra ở phiên sơ thẩm cũng không có gì là khó hiểu khi các điều tra viên ở Hà Giang là thuộc cấp của kẻ đang trong diện nghi vấn, nhưng vẫn còn đầy uy quyền, nên làm sao mà các điều tra viên ấy độc lập được mà không chịu tuân thủ mọi ý kiến chỉ đạo trong việc thu thập chứng cứ, ngụy tạo hồ sơ nhằm lái vụ án theo hướng khác, nhằm chạy tội cho quan thầy bên trên? Mặc dù tòa án tỉnh trong phiên xử phúc thẩm 1-2-2010 đã buộc phải xóa bỏ bản án sơ thẩm tháng 11-2009 xử 2 em học sinh Nguyễn Thúy Hằng (18 tuổi) 6 năm tù giam và em Nguyễn Thị Thanh Thúy (17 tuổi) 5 năm tù giam về tội danh ‘bán dâm’ (!) do tòa cấp dưới tuyên, để mở lại cuộc điều tra từ đầu.
Mọi người còn nhớ, khi vụ này vỡ lở, nhóm lãnh đạo tỉnh, từ trên cao nhất là ông Nguyễn Trường Tô Chủ tịch cho tới đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hà Minh Nhất (là Ủy viên TW đảng CS) còn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và bức xúc…. liền ra lệnh xử án ngay, đổ hết tội cho viên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương là kẻ ‘mua dâm’ (bị 10 năm tù giam), các em nữ sinh là tự nguyện bán dâm, kết án cả 3 người, coi như là xong, hết chuyện, bọn tội phạm đầu sỏ an toàn, vô sự. Nhưng khi bản danh sách đen hàng chục quan chức lớn nhỏ và các doanh nghiệp có máu mặt ở tỉnh được đưa ra trước tòa, buộc tòa phúc thẩm phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, mà ông Bí thư Hà Minh Nhất vẫn tỉnh queo nói với phóng viên báo Pháp luật & Đời sống rằng “Vấn đề ở đây là chưa có chứng cứ gì. Cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm… Chúng tôi không bao che, không bưng bít, làm đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước. Với tinh thần là làm đúng trình tự của pháp luật,…” (Vụ hiệu trưởng mua dâm: “Bản danh sách đen chưa dừng lại ở đó”… – http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/Vu-hieu-truong-mua-dam:-Ban-danh-sach-den-chua-dung-lai-o-do…/8D7EF3EBF812414C/).
Trình tự của pháp luật mà ông Nhất nêu ra ở đây kiểu gì mà hai em học sinh Hằng và Thúy là nạn nhân thê thảm nhất trong vụ án này (chưa thành án nên chưa có tội) vẫn đang bị giam giữ (tù đầy) trong tình trạng sức khỏe có vấn đề. Em Thúy còn bị cấm cả thăm nuôi, bệnh xá trong trại giam thì không đủ khả năng để khám bệnh mà không đưa cháu đi ra bệnh viện bên ngoài để chữa chạy cho cháu, khiến luật sư Trần Đình Triển đã phải đánh động tới cả Quốc hội, Bộ Công an, Tòa án NDTC và Viện KSNDTC để đối phó với hệ thống bảo vệ pháp luật có nhiều khuất tất ở Hà Giang nhằm cải thiện tình hình. (Nghe hay xem bài phỏng vấn cuả Trân Văn-RFA-http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-many-officials-of-Ha-Giang-province-did-have-sex-with-schoolgirls-Trvan%20%20-04122010164640.html?searchterm=None) .
Luật sư Triển còn cho biết ông và gia đình nạn nhân cũng phải chịu “Những áp lực, thậm chí đe dọa, thậm chí mua chuộc,… qua nguồn nọ, qua người kia, kể cả gia đình của các cháu” nhưng đó chưa phải “bằng chứng xác thực” (như lời LS Triển) nên chưa dám khẳng định sự việc. Không khẳng định, nhưng dư luận cũng lo cho tính mạng 2 em và chính ông Luật sư đang bị đe dọa, một khi quyết tâm bảo vệ công lý, bảo vệ thân chủ cuả mình trong vụ án này.
Từ những diễn biến phức tạp đó, Luật sư Trần Đình Triển công khai phát biểu: “… tôi cho rằng dù xem xét gì nữa thì cơ quan trung ương phải tiến hành, còn nếu để cơ quan địa phương làm thì tôi cho rằng sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ có nhiều điều không thuận lợi xảy ra” ( Bao nhiêu quan chức ở Hà Giang mua dâm nữ sinh? -http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-many-officials-of-Ha-Giang-province-did-have-sex-with-schoolgirls-Trvan%20%20-04122010164640.html?searchterm=None).
Có nhiều chỉ dấu cho thấy giới lãnh đạo chóp bu cuả Hà Giang đang tìm mọi cách lèo lái vụ án theo hướng chạy tội cho các nghi can chóp bu cuả tỉnh nhằm làm “chìm xuồng” vụ án này là khả năng đã thấy trước. Khả năng đó nằm ngay ở cái cơ chế của hệ thống tòa án hiện hành ở nước ta. Khi mà cả lập pháp, hành pháp và tư pháp đều dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, duy nhất, không chia sẻ cho ai, của một người cầm lái vĩ đại như hiện tại. Nếu không có phép lạ nào đột biến xẩy ra, thì một Luật sư chứ 10 Luật sư tài giỏi và tâm huyết cỡ như LS Trần Đình Triển cũng đành bó tay
.
Trong vụ án bà Ba Sương Thủ tướng Dũng ngoài câu nói nổi tiếng “… án thì tại hồ sơ” còn có câu “xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật”. Cũng trong phiên chất vấn cuối tháng 11/2009 đó, vị Thủ tướng khả kính của chúng ta còn phân trần: Từ ngày làm Thủ tướng, tôi chưa kỷ luật ai… tôi còn muốn học tập cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mấy chục năm không cách chức ai!… Như thế có khác chi bật đèn xanh cho các thủ hạ dưới trướng kiểu “cứ vô tư đi hành lạc đi… tôi sẽ không làm khó gì tới các vị đâu”! Trong khi chính ngài quan thanh tra của Chính phủ từng than:“sờ vào đâu cũng tội phạm”!
Trong vụ án mua dâm ở Hà Giang thì nhân vật số 1 của Hà Giang (ông Bí thư Hà Minh Nhất) cũng khẳng định “Chúng tôi…..làm đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước”. Vậy ai dám bảo cả ông Dũng và ông Nhất nói sai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước? Cho dù như bàn dân thiên hạ ai cũng biết, nhiều chủ trương chính sách ấy hôm qua đúng, hôm nay sai… và ngày mai lại đúng! Tương tự như vụ Nông Trường Sông Hậu, bên lề kỳ họp Quốc hội cuối tháng 11/2009, ông Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên tuyên bố “Thành ủy không có công văn chỉ đạo”. Nhưng ông Phó bí thư Phạm Thanh Vận, dưới trướng của ông Quyên hôm 8/4 lại nói: “… Vụ án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cho rằng là một trong 17 vụ tham nhũng nghiêm trọng, cần tập trung giải quyết…” (…Vụ án Nông trường Sông Hậu do cấp trên chỉ đạo - http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=191102&ChannelID=2)
Ở các nước có nền tư pháp độc lập, một vụ án có liên quan tới các nghi án là quan chức cấp cao ở một địa phương như vụ “mua bán dâm” như thế này, chắc chắn báo chí sẽ đua nhau lao đi tìm hiểu, nô nức lên Hà Giang lấy tài liệu từ đương sự, gia đình, phụ huynh, bạn học, láng giềng, thầy cô giáo, người dân, … có bao nhiêu chuyện để nói, để phanh phui, bình luận, và các cơ quan chức năng ở trung ương như Bộ Giáo dục, Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an phải vào cuộc ngay, không ai dám ngăn cản hay trì hoãn,… làm cho nó nguội lạnh, quên lãng như hiện nay. Còn ở ta, sự tham gia của báo chí thật khiêm nhường, dè dặt, có vẻ nhìn trước ngó sau. Để tránh bị tuýt còi với lý do muôn thuở là tránh “gây hoang mang, mất lòng tin trong dân chúng…” trước thềm Đại hội Đảng (ĐH XI)!
Kể từ vụ PMU 18, xẩy ra trước Đại hội X tới nay, để xoa dịu dư luận, nhiều vị quan chức cỡ nhất nhì trong Đảng đã có những câu phát ngôn rất ấn tượng! Nào là sẽ xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật… không nương nhẹ tội phạm… không có vùng nào bị cấm, không có ai có thể đứng ngoài luật pháp….
Sau 5 năm, trước kỳ Đại hội XI lần này, ngoài vụ như PMU 18 (đã chìm xuồng mà vẫn chưa có hồi kết), lại cộm lên các vụ lớn nữa: Đó là các vụ hối lộ quan chức đương quyền VN của PCI – Pacific Consultant Institute (Nhật bản), vụ hối lộ của Securency (Úc) cho các quan chức VN, vụ hối lộ của công ty Nexus Technologies (Hoa kỳ) cũng cho các quan chức ở một số bộ, trong đó có Bộ Giao thông; Bộ Công thương và Bộ Công an của Việt nam. Phía Nhật Bản, Úc, Mỹ đã khẩn trương điều tra và đã mở phiên tòa xét xử, đã và sẵn sàng chuyển cho phía Việt Nam mọi tài liệu điều tra cần thiết, nhưng phía VN những người luôn hô hào chống tham nhũng không mệt mỏi tiêu biểu như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không sốt sắng mấy. Đó phải chăng là hành động “kiên quyết chống giặc nội xâm” như khẩu hiệu từng nêu? Hay hiệu quả chống tham nhũng này đã bị những điều tra viên cơ quan CSĐT giống như trường hợp của Thượng tá Lê Hoàng Bé (Cần Thơ) và Trung tá Trần Đức Thịnh (Buôn Ma Thuột) lập hồ sơ sai lệch… nên các “án” (tại hồ sơ) đó đã không được xử lý đúng mức?
Ngược lại các vụ xử tội phạm là dân thường hay những người cứng đầu cứng cổ dám chống lại các quan tham trong guồng máy từ trên xuống dưới đang bòn rút ngân sách và tài nguyên của Quốc gia… thì thường bị xử rất nặng! Còn giới quan chức phạm tội bị phanh phui thì đa phần bị xử nhẹ hay chìm xuồng. Điều đó đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, như bài viết mới đây cuả tác giả Văn Hải trên Boxitvn.net với câu rất chí lý như sau: “Thử hỏi một người “làm trái quy định” (như Bà Ba Sương-GCM) để dân giàu nước mạnh, đem lại hạnh phúc cho đồng bào như thế, không cần so với những ông quan tham nhũng mà chỉ so với những ông quan chỉ biết đi họp, ký cóp những văn bản “đúng” nhưng không mấy hiệu quả,… thì ai hơn ai? Vậy thì tù tội có hợp với công lý đích thực không?
Xem phim Bao Công, có một số vụ án, nếu cứ xét theo kiểu “án tại hồ sơ” – tức cứ chiểu theo luật (cứng nhắc) mà làm – thì có một kết luận, còn xét theo sự thực, theo lương tri, thì lại có một kết luận khác. Cái đấy Bao Công gọi là đạo trời. Theo ông Bao Công, đạo trời còn trên cả phép nước”. (trích: Vụ án bà Ba Sương – nghĩ về phép nước và đạo trời -http://www.boxitvn.net/bai/2813)
Còn tôi, để kết thúc entry này chỉ xin ghi lại một ý kiến ngắn cuả Blaise Pascal – nhà toán học Pháp nổi tiếng ở thế kỷ XVII rằng:
“Người đời có hai cái lầm to lớn: Một bất chấp đến lý,
hai là chỉ nhận lý mà không hiểu được tình”.
Thiết nghĩ cái tình mà Pascal nêu cũng giống như đạo trời trong ý niệm của Bao công chứ không phải thứ: “… án thì phải tại hồ sơ” nham nhở ở phần thượng dẫn trên kia!
Ngày 16.04.2010
PC
HT Mạng Bauxite việt Nam biên tập
.
.
.
No comments:
Post a Comment