Wednesday, April 7, 2010

ÁO ĐỎ THÁI LAN và TRÒ NGỤY BIỆN ĐA ĐẢNG LÀ LOẠN

Áo đỏ Thái Lan và trò ngụy biện đa đảng ở Việt Nam là loạn

Lê Diễn Đức

07/04/2010 8:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=18535

Bất bình về thảm họa mất nước trước quân bành trướng phương Bắc và thái độ nhu nhược, cam tâm làm thái thú cho Trung Nam Hải để giữ đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, vơ vét túi riêng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), một số đảng viên, viên chức ở Việt Nam phê phán nhưng vẫn ảo tưởng kêu gọi, mong muốn ĐCSVN thay đổi. Họ cho rằng, nếu loại bỏ độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, chấp nhận chuyển sang thể chế đa đảng thì đất nước sẽ loạn, thậm chí nội chiến.

Áo đỏ Thái Lan

Ngày 5/04/2010, những người áo đỏ phản đối chính phủ tại trung tâm thủ đô Bangkok đã đồng ý với Ủy ban bầu cử, và rời khỏi tòa nhà của Ủy ban.

Trước đó, “áo đỏ” – những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – đã phong tỏa tòa nhà của Ủy ban bầu cử. Họ đồng ý rút lui sau khi Ủy ban cam kết sẽ ra quyết định vào ngày 20/04 về cuộc điều tra nhắm vào Đảng Dân chủ.

Những người biểu tình cáo buộc Ủy ban đã ngăn chặn cuộc điều tra về sự thiếu minh bạch trong việc tài trợ chiến dịch bầu cử của đảng Dân Chủ cầm quyền. Trước đây, Ủy ban bầu cử tuyên bố sẽ có quyết định vào ngày 30/04, nay chuyển sang 20/04.

Hãng AP viết rằng đây là sự thỏa hiệp cơ bản đạt được của các bên trong cuộc xung đột. Những người biểu tình ảo đỏ đã xông vào tòa nhà Ủy ban, nhưng không có hành động bạo lực nào xảy ra.

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của Phó Thủ tướng Suthep về vi phạm Luật An ninh nội địa (ISA), có thể đối mặt với án tù 1 năm và mức phạt 20.000 baht/người, những người biểu tình vẫn tiếp tục phong tỏa khu thương mại Ratchaprasong, nơi tập trung các cửa hàng và khách sạn sang trọng. Ông Pornsilp – Phó Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Thái, cho biết, thiệt hại kinh tế tại đây lên đến 500 triệu baht mỗi ngày.

Ngoài khu vực này “áo đỏ” vẫn bám trụ tại trung tâm lịch sử cũ của Bangkok. Họ thông báo không nhân nhượng cho đến khi Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva đồng ý một cuộc bầu cử quốc hội mới. Chính Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, từng gọi những người ủng hộ cuộc biểu tình là bất hợp pháp, trong ngày thứ bảy đã đề nghị họ trở lại khu phố cổ, nơi họ lập trại trong những tuần vừa qua.

Tờ Bangkok Post ngày 4/04/2010 đăng tải kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit cho thấy xã hội Thái Lan bị chia rẽ. Chưa tới một nửa dân số Thái (43%) muốn chính phủ của ông Abhisit tiếp tục cầm quyền cho đến hết nhiệm kỳ; 30% ủng hộ việc giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử sớm; 26,5% cho rằng một cuộc bầu cử mới không mang lại thay đổi cho tình hình Thái Lan.

Cuộc thăm dò trên cũng cho hay, có 42% số ý kiến ủng hộ tổ chức vòng đàm phán thứ ba giữa chính phủ và phe áo đỏ, trong lúc đó 38,5% phản đối, 30% bày tỏ chán nản với làn sóng biểu tình.

Cựu thủ tướng Thaksin hiện đang sống lưu vong. Năm 2008 ông bị kết án vắng mặt hai năm tù về tội “xung đột lợi ích và lạm dụng quyền lực”.

Tôi không lựa chọn đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở Thái Lan hiện nay. Nhưng tôi thấy ý chí bền bỉ, cương quyết tranh đấu cho tiếng nói của mình của hàng trăm ngàn người áo đỏ đã mang lại hiệu quả. Nó cho ta thấy một điều gì đó tương tự như những cuộc biểu tình của nhân dân Ba Lan chống lại chế độ cộng sản trước năm 1989, của người Nam Tư lật đổ nhà độc tài Milosevich năm 2000, của Ukraine trong cuộc cách mạng Cam năm 2004, và của Georgia (Gruzia) trong cuộc cách mạng Hoa Hồng năm 2005, v.v…

Việt Nam sẽ loạn nếu đa đảng?

Lấy tình hình Thái Lan, nhiều người Việt trong nước so sánh, bao biện cho việc đa đảng tại Việt Nam nếu có, sẽ gây rối loạn xã hội, thậm chí nội chiến.

Rõ ràng, không được sống và trải nghiệm trong một xã hội tự do, dân chủ và pháp trị thực sự, những người này đã không nắm rõ thực chất của dân chủ đa đảng là gì.

Cũng không có gì khó hiểu. Trước hết, từ nhận thức sai lệnh về nhà nước dân chủ. Sau đó cộng thêm bối cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam. Bàn tay của ĐCSVN gây nên hận thù, chia rẽ dân tộc sâu sắc là nguyên do cho nhiều người đang nằm trong bộ máy cầm quyền lo lắng. ĐCSVN đã nhuốm máu qua cuộc chiến đỏ hóa miền Nam, hàng triệu người cả hai phía bị chết, hàng trăm ngàn người cán binh của Việt Nam Cộng Hòa đã bị đưa vào các trại tù cải tạo sau năm 1975 không hề có tòa án xét xử, đẩy hàng triệu người chấp nhận số phận một sống một chết bỏ nước ra đi…

Tuy nhiên, những người ủng hộ chế độ độc đảng không biết hoặc cố tình không biết rằng, một trong những quyền hiến định của các nước dân chủ là quyền được bày tỏ ý kiến trước chính quyền thông qua mọi hình thức, trong đó có biểu tình bất bạo động.

Tất cả các đảng phái được quyền bình đẳng cạnh tranh thông qua chương trình của mình trong vận động tranh cử, tổ chức mít tinh, biểu tình, quảng cáo, thậm chí mị dân, công kích các đảng khác trên các phương tiện truyền thông, v.v… Tất cả chỉ nhằm thu được nhiều sự ủng hộ nhất của dân chúng, tức là lá phiếu khi ra tranh cử. Các định chế dân chủ xác định quyền thành lập chính phủ thuộc về đảng hoặc liên minh các đảng có đa số phiếu trong quốc hội. Các đảng thu được ít phiếu hơn, nếu vượt qua ngưỡng quy định (thường trên 5% số cử tri, tùy theo từng quốc gia) tuy không nằm trong chính phủ, nhưng có số ghế của mình trong quốc hội theo tỷ lệ phiếu được bầu. Các đảng này chính là tiếng nói đối lập, giám sát và tấn công vào các sai sót của đảng cầm quyền trên nghị trường.

Khi đã tôn trọng một thể chế dân chủ đa đảng, mọi người phải ý thức được rằng, vũ khí của các đảng phái chính trị là lá phiếu của người dân, chứ đâu phải súng AK để cướp chính quyền như ĐCSVN mà có tâm lý sợ nội chiến! Lo ngại như thế tức là duy ý chí về một chính quyền trên họng súng, một chính quyền tạo nên bằng bạo lực mà các chế độ độc tài toàn trị, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba vẫn duy trì.

Cuộc biểu tình liên tục của người Thái Lan trong nhiều tháng qua, gây rất khó khăn cho dân chúng trong sinh hoạt, tổn thất về kinh tế, nhưng tôi không tin Thái Lan bị loạn theo đúng nghĩa trong phạm trù trật tự, an ninh xã hội.

Người Thái Lan đang thực thi quyền tự do hiến định, quyền đòi hỏi và phê phán đảng cầm quyền. Họ không cầm súng chống lại chính quyền, không đốt nhà, nổ bom, giết người, cướp của. Đây chính là bản chất của chế độ dân chủ, của thể chế đa nguyên, đa đảng.

Nó cũng giống như các cuộc biểu tình, đình công của công đoàn Pháp do cánh Tả tổ chức, của hãng hàng không British Airline Anh quốc, Lufthansa của Đức… đòi tăng lương, chống các biện pháp cải cách của chính phủ bất lợi cho họ, làm tê liệt mạng lưới giao thông, các chuyến bay bị hủy, gây khó khăn không nhỏ cho hành khách và đời sống bình thường của dân chúng. Nhưng các nước Pháp, Anh, Đức không loạn. Các nước này từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn luôn là những cường quốc ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Âu.

Không một chính phủ nào thích dân chúng biểu tình phản đối mình. Nhưng nhờ những cuộc biểu tình, phản đối này mà nhà nước phải nhân nhượng, thay đổi chính sách. Chỉ có tiếng nói phản kháng công khai của quần chúng thì mới lành mạnh hóa được nhà nước.

Người Ba Lan không chỉ biểu tình chống đối, lật đổ chế độ cộng sản trong thời gian trước năm 1989. Họ tiếp tục thực hiện quyền công dân này trong nhà nước mới. Suốt 20 năm xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Ba Lan, tôi chứng không biết bao nhiêu cuộc biểu tình lớn nhỏ, đủ màu sắc của các tầng lớp xã hội. Dinh thủ tướng, trụ sở quốc hội hay của các bộ ở Ba Lan thường xuyên bị bao vây, ném trứng, cà chua, đốt lốp xe hơi, gây tắc nghẽn giao thông khủng khiếp. Chưa một nước nào trong Liên hiệp châu Âu mà chính phủ cầm quyền bị lên voi, xuống ngựa nhiều như ở Ba Lan trong hai thập niên qua (với 9 đời thủ tướng!). Nhưng Ba Lan chưa bao giờ loạn.

Xã hội Ba Lan ổn định, bình yên, phát triển nhịp nhàng. Từ một nền kinh tế bị phá sản do di họa cộng sản để lại, theo tài liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2008 Ba Lan đã vươn lên vị trí thứ 18 về GDP trong 180 nước của thế giới với gần 528 tỷ USD trên diện tích nhỏ hơn Việt Nam và dân số chưa bằng một nửa Việt Nam (38,1 triệu người). Trong thời gian khủng hoảng kinh tế vừa qua, năm 2009 Ba Lan là nước duy nhất vẫn duy trì tăng trưởng số dương trong cả châu Âu.

Người Việt ở nước ngoài nói chung khó có thể xóa bỏ được hận thù với ĐCSVN chừng nào ĐCSVN vẫn chưa dám nhìn nhận sự thật về những tội ác do mình gây ra và thành tâm xin lỗi. Thành tâm nhận lỗi không phải là điều xấu, nó sẽ được đánh giá cao về bản lĩnh và được đáp lại bằng sự cảm thông và lòng cao thượng, vị tha của toàn dân.

Nếu công được ghi nhận thì tội cũng phải rõ ràng. Giống như với nhà độc tài Stalin, người Nga không thể phủ nhận công lao của ông trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chiến thắng chủ nghĩa phát xít Hitler. Nhưng từng bước, chính quyền nước Nga – người kế tục di sản của Liên Xô, đã bạch hóa dần hồ sơ về tội ác của Stalin. Stalin đã bắt tay với Hitler tấn công sau lưng Ba Lan năm 1939 và ra lệnh thảm sát hơn 20 ngàn sĩ quan Ba Lan tại rừng Katyn năm 1940; vì thanh trừng nội bộ, đàn áp bất đồng quan điểm, Stalin đã giết, thủ tiêu, đày đọa hàng triệu người Nga trong các trại cải tạo, v.v…

Nói ra sự thật lịch sử là trách nhiệm của một nhà nước đối với thế hệ trẻ. Họ được quyền biết sự thật về các thế hệ đi trước.

Những người Việt ở nước ngoài chống chủ nghĩa cộng sản (gọi tắt là chống Cộng) và đòi dân chủ tự do cho Việt Nam, hơn ai hết, được sống và hưởng thành quả của dân chủ, nên ý thức rất rõ về bản chất của nhà nước dân chủ, pháp quyền, về các giá trị dân chủ cao quý và trân trọng nó. Cao nhất là quyền lãnh đạo, quản trị đất nước thuộc về sự lựa chọn của người dân. Bằng lá phiếu của người dân. Không phải bằng súng đạn!

Người trong nước cũng phải ý thức được như vậy. Khi chấp nhận thể chế đa đảng là chấp nhận sự cạnh tranh giữa các đảng và nhân dân là người phán quyết cuối cùng qua bầu cử tự do, chứ không phải cầm súng bắn giết nhau, đè bẹp nhau để giành quyền lực! Hiểu được như thế sẽ không bao giờ loạn hay nội chiến. Nhà nước dân chủ sẽ bảo vệ mỗi công dân trước các quyền lợi do hiến pháp quy định thông qua hệ thống tư pháp độc lập, cho nên sẽ không có vấn đề vu không, bắt bớ, trả thù, trấn áp theo luật rừng, luật maphia của ĐCSVN hiện nay.

Hơn thế, đại đa số người Việt hải ngoại có gia đình, con cái học tập, trưởng thành, đã ổn định lâu dài nơi nước mình nhập cư, đang được hưởng các chế độ chăm sóc phúc lợi hơn hẳn Việt Nam tại các nước dân chủ, giàu có, nên số người có ý định trở về sống hẳn ở Việt Nam rất ít. Họ mong muốn và tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, an bình và nhân dân hạnh phúc, không vì bất cứ lý do nào khác ngoài họ là người Việt Nam.

Cho nên phụ họa tuyên truyền của nhà nước cộng sản là nếu có đa nguyên, đa đảng sẽ loạn, sẽ nội chiến, sẽ có trả thù, đầu rơi máu chảy, là hết sức tầm bậy, đúng hơn là ngu xuẩn.

© Lê Diễn Đức 2010

© talawas blog 2010

.

.

.

No comments: