Friday, April 23, 2010

35 NĂM NHÌN LẠI TRẬN ĐÁNH AN LỘC

'Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại': An Lộc đứng vững nhờ ‘chiến đấu kiên cường’

Hà Giang/Người Việt
Thursday, April 22, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111849&z=75

Sau phần thuyết trình về đề tài biến cố Mậu Thân, buổi hội thảo có tên “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại,” được tiếp nối với thảo luận về những trận đánh đẫm máu tại An Lộc, xẩy ra vào năm 1972, còn được gọi là “Mùa Hè Ðỏ Lửa.”

Tả lại nỗ lực của VNCH trong việc cầm cự và chống trả sự vây hãm ngặt nghèo của quân địch trong suốt ba tháng trời của cuộc chiến An Lộc, cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người hùng tử thủ An Lộc đã viết, “An Lộc đã đứng vững suốt 3 tháng cam go nhờ vào tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể quân dân anh hùng nơi thị xã bé nhỏ thân yêu của đất nước.”

Mở đầu phần thuyết trình, Tiến Sĩ James Willbanks, cựu trung tá Bộ Binh Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam với vai trò cố vấn, hiện là sử gia, kiêm giám đốc của khoa “Lịch Sử Quân Ðội Hoa Kỳ” tại Fort Leavenworth, và cũng là giả cuốn “The Battle of An Loc” nhắc lại nhận định của Douglas Pike, một chuyên gia Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam,

“Trận chiến An Lộc trong đợt tấn công ‘mùa hè đỏ lửa’ 1972 của quân Bắc Việt là một trận chiến quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam.”

Tại sao trận chiến An Lộc lại được xem là trận chiến quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam?

Tiến Sĩ Willbanks giải thích,

“Ðây là cuộc chiến dài nhất, đẫm máu nhất, gây nhiều tổn thất nặng nề cho cả hai bên, và cũng là cuộc chiến mà sự oai dũng của quân lực VNCH được biểu lộ một cách rõ ràng nhất.”

Ông nói thêm,

“Trong thời gian bị vây hãm ròng rã ba tháng trời, trước sát khí hiếm thấy (seldom seen) của quân đội Bắc Việt, quân lực VNCH đã cố thủ, cầm cự cho đến khi cạn lực, để rồi chính sự dũng cảm của họ đã ngăn chặn không cho số địch quân đông gấp bội tân công Sài Gòn.”

Ðã cách nhau hơn 35 năm, nhưng hai câu nói của cố Chuẩn Tướng Hưng và cựu Trung Tá Willbanks về tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH không khác nhau là mấy.

Sự khác biệt, có chăng, là giờ đây, câu nói của Tiến Sĩ Willbanks, trong vai trò một sử gia, được cử tọa cho là “trung thực” hơn.

“Giữa lúc đoàn quân tử thủ của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng hết sức kiệt quệ, thì Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã đến kịp lúc để tiếp sức.”

Tiếp lời Tiến Sĩ Willbanks, Trung Tá Nguyễn Văn Lân, lãnh đạo của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù nói,

“Vào thời điểm 1972, chính sách 'Việt Nam Hóa' chiến tranh của Hoa Kỳ đang đi vào thời kỳ cuối, đã tạo cho Bắc Việt nhiều lợi thế, cả về quân sự lẫn chính trị.”

“Càng ngày thì quân lực VNCH càng bị dồn vào thế phải đơn phương chống trả một đạo quân đông gấp bội, và hỏa lực ngày càng hùng hậu, tối tân do Nga và Tàu cung cấp.”

Cử tọa chăm chú nghe Trung Tá Lân tả lại vài nét chính của trận đánh,

“Vào đêm 12 tháng 4, năm 1972, quân đội Bắc Việt liên tục oanh tạc thị xã bé nhỏ An Lộc, nằm gọn trong 4 cây số vuông, bằng ít nhất là 3000 trận mưa bom xối xả.”

“Thế nhưng, lòng quả cảm của quân đội VNCH đã khiến chúng ta đẩy lui được quân Bắc Việt, dù phải chịu thiệt hại nặng nề.”

Phần kết luận của ông khiến mọi người tham dự ngậm ngùi,

“Ðã đến lúc thế giới phải nhận ra rằng chiến tranh Việt Nam đã được chiến đấu bằng những binh sĩ Việt Nam dũng cảm để bảo vệ tự do của họ. Tiếc thay, sự tự vệ của họ bị dồn vào con đường cùng, khi địch quân được yểm trợ bằng vũ khí và quân trang bất tận của Nga và Trung Cộng, trong lúc sự yểm trợ của chúng ta bị cắt hết không còn gì.”

“Chúng ta đã thua trận, nhưng không thua trận vì chúng ta không có can đảm để chiến đấu. 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã tử trận cùng với hàng trăm ngàn binh sĩ VNCH. Ðừng để cho cái chết của họ trở thành vô nghĩa.”

Và lời kêu gọi của ông đã được đáp trả bằng những tràng phào tay không dứt,

“Chúng tôi, những người Việt Nam, kêu gọi tiếng nói trung thực của những người bạn đã chiến đấu bên cạnh chúng tôi. Hãy trả lại danh dự cho tất cả những ai đã tham dự cuộc chiến bảo vệ tự do của chúng ta.”

Tiến Sĩ Stephen Randolph, cựu đại tá Không Quân Hoa Kỳ, hiện là phó khoa của Ðại Học Không Quân Quốc Gia, tác giả cuốn sách có tên: “Powerful and Brutal Weapons: Nixon, Kissinger, and the Easter Offensive,” do Havard University Press xuất bản, biểu đồng tình với nhận định của Trung Tá Lân với câu kết luận ngắn gọn,

“Việt Nam và Hoa Kỳ thua cuộc ‘là vì lý do chính sách,’ và vì Hoa Kỳ lúc đó ‘has bigger fish to fry’ (đang câu con cá lớn hơn). Nhận thức này sẽ ám ảnh tôi suốt đến suốt cuộc đời.”

.

.

.

No comments: