Tâm tình ngày QUỐC HẬN
(Những nhân vật trong bút ký nầy đều tên thật.)
Trần Gia Phụng
http://www.trachnhiemonline.com/dien-dan-286-trangiaphung.htm
Đà Nẵng dao động mạnh khoảng từ sau ngày 20-3-1975. Người đi, kẻ ở xôn xao. Những ngày sau đó, thành phố càng ngày càng hỗn loạn. Khi Huế mất ngày 26-3, đường đèo Hải Vân vắng người qua lại, công việc cứu trợ đồng bào tỵ nạn ở đây không khẩn thiết bằng dưới Bến tàu sông Hàn (Đà Nẵng), nên tôi chuyển Phân đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Đà Nẵng từ hướng chân đèo Hải Vân, vùng Nam Ô, Liên Chiểu xuống Bến tàu sông Hàn, giúp đỡ những người từ các vùng phía nam tỉnh Quảng Nam, ra Đà Nẵng tránh nạn, và đưa một số đoàn sinh khác đến Bệnh viện Đa khoa để giúp làm vệ sinh tại đây, vì một số nhân viên tại đây đã di tản.
Lúc đó, vì hoàn cảnh gia đình, tôi không thể di tản được. Vợ tôi sắp sinh đứa con thứ ba. Nếu di tản trong hoàn cảnh hỗn loạn, thì không bảo đảm thai nhi, có thể nguy luôn cả vợ tôi, nên tốt nhất vợ chồng tôi chấp nhận ở lại, có ra sao thì ra, chắc chắn mình bảo vệ được con mình. Mà đã chấp nhận ở lại, dù có than thân trách phận cũng chẳng ích lợi gì, do đó, tôi nghĩ mình gắng làm được việc gì thì làm. Tôi nói với các em đoàn sinh trong Phân đoàn Hồng Thập Tự Đà Nẵng do tôi điều khiển, ai đi được thì cứ đi, ai không đi được thì cố gắng tập họp hằng ngày ở trụ sở Phân bộ Hồng Thập Tự, trên đường Hùng Vương, để đi cứu trợ. Phân đoàn sẽ làm việc được tới đâu hay tới đó.
Lúc đó, phân đoàn Hồng Thập Tự Đà Nẵng chúng tôi khoảng 200 em, chỉ vài chục em có điều kiện ra đi, còn ở lại khá đông và hằng ngày chúng tôi có khoảng trên 50 em đi làm công tác xã hội, chẳng thấm vào đâu so với khối công việc cần làm hằng ngày để giúp đỡ bà con.
Trụ sở Phân đoàn Thanh niên HTT Đà Nẵng chúng tôi nằm ngay trên ngã ba đường Nguyễn Hoàng và đường Lê Lợi, phía trước trường Phan Châu Trinh và bên hông trường Nam Tiểu học, nhưng kho hàng Hồng Thập Tự để cứu trợ nằm ở trụ sở Phân bộ, trên đường Hùng Vương, nên chúng tôi cần về trụ sở Phân bộ để đưa hàng cứu trợ hàng ngày đến người tỵ nạn, đồng thời cập nhật tin tức cứu trợ hàng ngày. Tại đây, ông Phan Du, tức nhà văn Phan Du, làm thư ký Phân bộ, có mặt thường xuyên hàng ngày với anh em chúng tôi. Ông có mặt cho đến phút chót, phải bàn giao trụ sở cho Ty Y tế cộng sản.
.
Ngày 28-3-1975, những toán du kích Việt Cộng ôm cờ nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa, bắt đầu công khai trong thành phố. Chiều hôm đó, tôi đi bộ từ trường Phan Châu Trinh, nơi đồng bào tỵ nạn đang tạm trú, theo đường Nguyễn Hoàng, đến bệnh viện Đa khoa, để điều động công việc của các em đoàn sinh. Trên đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng), ngang qua nhà anh Trần Đình Thanh Lam (giáo sư trường Phan Châu Trinh), tôi gặp hai anh Lam và Vĩnh Linh đang đứng trước cổng nhà anh Lam. Anh Vĩnh Linh, giáo sư trường Thánh Tâm, mới ở tù ra vì bị tình nghi hoạt động cho cộng sản, ngoắc tôi vào nói chuyện. Trao đổi vài điều về tình hình chiến sự, biết chắc chắn Việt cộng sắp vào thành phố, anh Linh công khai đề nghị:
“ Tôi đề nghị anh Phụng cho đoàn Hồng Thập Tự phá các pharmacie, phá kho thuốc Hồng Thập Tự, lấy thuốc phát cho dân chúng.”
Tôi trả lời ngay: “ Đoàn Hồng Thập Tự là một đoàn thể xã hội chứ không phải là một đoàn thể chính trị. Chúng tôi không thể phá các pharmacie để cướp thuốc. Thuốc ở kho HồngThập Tự phải có lệnh trên của các xếp Hồng Thập Tự, chúng tôi mới xuất kho. Ngoài ra, về việc phát thuốc, theo điều lệ của đoàn HTT chúng tôi, đoàn sinh chỉ được phát thuốc cho dân chúng khi có ý kiến của bác sĩ. Tôi đã buộc đoàn sinh phải học thuộc lòng điều lệ, nên tôi không thể làm ngược với điều lệ được.”
Anh Linh quay qua đề tài khác: “Nếu thế, tôi mời anh Phụng cộng tác với tôi phụ trách phần thể thao trong Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Đà Nẵng vì tôi thấy anh thích chơi thể thao lắm và đã từng phụ trách thể thao ở trường Phan Châu Trinh.” Sau nầy tôi mới biết anh Linh lúc đó là chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Đà Nẵng.
Tôi hơi lúng túng, nhưng rồi tôi nói: “Thưa anh, “giấy rách phải giữ lấy lề”, tôi không thể một sớm một chiều cộng tác với các anh được.”
Ngang đó, không khí bắt đầu hơi căng thẳng, tôi thấy không còn tiện nói chuyện tiếp, nên tôi kiếm cách rút lui, tiếp tục đi đến Bệnh viện Đa khoa với các em đoàn sinh Hồng Thập Tự của tôi.
.
Ngày 30-3, Đà Nẵng mất. Người ta buộc các gia đình phải treo cờ Mặt trận Giải phóng trước nhà. Tôi không có cờ của Mặt trận cộng sản nên phải đi mua và tôi biết từ nay không còn có thể giữ lá cờ Quốc gia trong nhà được nữa. Tôi lập một bàn thờ tạm trên gác, thắp hương đèn, nước trong và bông hoa (tôi cắt từ các bồn hoa trên gác nhà tôi), đặt lá Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa lên, rồi tôi lạy ba lạy. Lúc đó tôi còn trẻ, nhưng xúc động quá, tôi khóc. Vợ tôi khóc theo. Cháu gái lớn thấy cha mẹ khóc, chẳng hiểu gì, cũng khóc. Sau khi hai vợ chồng lạy lần chót lá cờ, tôi đem đi đốt. Lửa của lá cờ cho đến bây giờ vẫn hừng hực trong tim tôi, trong trí tôi. Trong hoàn cảnh lúc đó, tôi treo lá cờ trong trái tim tôi, nhưng tôi tin rằng sẽ có lúc, lá cờ nầy sẽ được treo trở lại trước nhà tôi, trên đất nước tôi.
.
Khoảng ngày 5 hay 6 tháng 4, thông báo của nhà cầm quyền mới ở Đà Nẵng, yêu cầu tất cả giáo chức trình diện tại nhiệm sở. Hai vợ chồng tôi đến trường Phan Châu Trinh, nghe cán bộ Việt cộng ca cẩm chuyện chính trị, chuyện chiến thắng. Họ chiến thắng và họ có súng, nên muốn nói gì thì nói. Cán bộ cộng sản về điều hành trường Phan Châu Trinh lúc đó gồm hai người là ông Đoàn Khải và anh Xuân. Ông Đoàn Khải thuộc thế hệ tập kết năm 1954, nghe nói ông có dạy toán ở các trường ngoài Bắc. Anh Xuân là một cựu học sinh Phan Châu Trinh, “nhảy núi” theo Mặt trận, mới trở về, học trò cũ của tôi. Đối với tôi, anh Xuân rất dễ thương, nhỏ nhẹ và lễ độ. Anh ra đi vì lý tưởng. Tôi tôn trọng lý tưởng của anh. Tôi hy vọng một lúc nào đó anh sẽ hiểu ra vấn đề, anh sẽ sáng ra trở lại.
Về chuyên môn, việc đầu tiên là từ nay người ta gọi chúng tôi là giáo viên chứ không phải là giáo sư, và là giáo viên tạm dung hay lưu dung, tức là người ta tạm thời dung thứ chúng tôi. Họ ra lệnh chúng tôi hướng dẫn học sinh làm vệ sinh, khiêng bàn ghế trở vào lớp học, vì khi đồng bào tỵ nạn đến tạm trú trong các phòng học, nhà trường đã chuyển bàn ghế ra ngoài sân để bảo trì.
.
Vài ngày sau, khi đang làm vệ sinh, tôi được gọi đến văn phòng trình diện. Tại đây người ta cho biết có một cán bộ Trí thức vận Khu 5 cần gặp tôi. Lúc đó mà bị gọi tới “làm việc” với cán bộ là hồi hộp lắm. Người ta chỉ tôi đến căn phòng người cán bộ đang đợi, là một phòng học nằm ở dãy nhà phía tay trái của trường, nhìn từ ngoài vào, bên hông có đường đi xuống sân bóng rổ (dãy phòng trên đường Nguyễn Hoàng cũ. Đường bị chận ngang lại bởi đường Lê Lợi.)
Khi bước vào, tôi thấy ngay Phan Chánh Dinh, tức nhà thơ Phan Duy Nhân (Dinh còn có tên là Nguyễn Chính.) Dinh mang dép râu, áo quần kaki xanh lá cây, có cái túi xách màu đen. Đó là trang phục của cán bộ “cách mạng” lúc đó. Dinh chào tôi một cách nghiêm trang:
“ Anh Phụng, anh với tôi trước kia biết nhau, nhưng bây giờ khác...” Dinh đang lựa lời nói tiếp, tôi biết Dinh muốn phủ đầu, nên tôi đốp chát:
“ Vâng, thưa ông, tôi biết. Trước kia ông cũng học Phan Châu Trinh như tôi, nhưng sau tôi một lớp. Trước đây chúng ta có biết nhau, nhưng bây giờ hoàn toàn khác. Ông là kẻ chiến thắng trở về, tôi là kẻ chiến bại ở lại. Hàng thần lơ láo mà, nhưng ông yên chí, cha mẹ tôi đã dạy, chớ dại thấy người sang bắt quàng làm họ, nên giữa ông và tôi có một khoảng cách rõ ràng.”
Dinh vào ngay vấn đề: “Tôi đến đây có một việc muốn hỏi anh. Ban Trí thức vận Khu 5 chúng tôi được báo cáo là anh có nói rằng “giấy rách phải giữ lấy lề”, tại sao anh nói câu đó, nói câu đó có ý nghĩa gì?”
À, thì ra câu nói của tôi với anh Vĩnh Linh trước nhà anh Trần Đình Thanh Lam, được báo cáo lên lãnh đạo của họ. Tôi cũng trả lời liền cho Phan Chánh Dinh: “Vâng, tôi đã nói câu đó. Ý nghĩa của câu đó thì một người như ông đã hiểu rồi, cần gì tôi phải giải thích. Còn tại sao tôi nói câu đó. Thật là rõ ràng. Cha tôi là công chức chế độ cũ, làm việc lãnh lương nuôi tôi ăn học. Tôi đi học, ra trường, đi dạy cho trường học chế độ cũ, cũng là một thứ công chức, lãnh lương tự nuôi thân và nuôi gia đình nhỏ của tôi. Như thế tôi là người hoàn toàn do chế độ cũ tạo dựng nên. Chế độ đó nay sụp đổ, tôi không thể hôm qua mới lãnh lương chế độ để sống, bây giờ lại đả đảo chế độ, phỉ báng chế độ. Tôi không thể làm được điều đó. Đối với ông, chế độ đó xấu, cần lật đổ, nhưng đối với tôi, chế độ đó đã nuôi tôi nên người, tôi không thể ăn cháo đá bát. Thật sự mà nói, ngay bây giờ, những người trở cờ hoan hô các ông chưa chắc ngày mai họ trung thành với các ông. Người ta trở cờ một lần, thì người ta cũng có thể trở cờ lần khác.”
Nói qua nói lại một lúc, thấy khó trấn áp tôi, Dinh quay qua nói lời mềm mỏng của một cán bộ tuyên vận: “Cách mạng đã khoan hồng cho anh, tạm dung anh, anh phải tỏ ra tiến bộ chứ?”
“Tạm dung là chính sách chung, còn tôi có tiến bộ hay không, phải chờ đợi thời gian chứ không thể một sớm một chiều, sớm đầu tối đánh. Vả lại các anh về cầm quyền, cứ làm cho tốt hơn chế độ cũ, thì lo gì mà dân chúng không theo về với các anh, chứ như tôi mà nghĩa lý gì.”
.
Cho đến nay, tôi không hiểu ai đã báo cáo những điều tôi đã nói với anh Vĩnh Linh tới Trí thức vận khu 5. Tôi cố gắng xua đuổi ra khỏi đầu tôi ý nghĩ là chính một trong hai anh Linh hay Lam đã báo cáo, mà cầu mong rằng có thể do một sự tình cờ nào đó, hai anh kể lại cho một người thứ ba nào đó nghe, rồi họ đi mật báo lại. Tôi mong thế vì tôi muốn giữ trọn tình cảm với hai anh Lam và Linh. Tôi cũng không hiểu sau cuộc tiếp xúc với tôi, Phan Chánh Dinh đã báo cáo như thế nào mà sau đó, tuy người ta không trở lui việc nầy, nhưng tôi bị làm khó dễ dài dài.
.
Khi công việc thu dọn gần xong, các bạn đồng nghiệp của tôi thuộc thành phần sĩ quan biệt phái bị triệu tập đi học tập cải tạo. Người ta nói rằng các anh chỉ đi học tập từ 3 ngày đến một tuần mà thôi. Thật ra, đây chỉ là lời phỉnh gạt vì các anh bị giam giữ không thời hạn và không xét xử. Tôi không bị đi vì tôi thuộc loại thụ huấn quân sự 9 tuần rồi trở về đi dạy. Trong sổ lương của tôi ở trường Phan Châu Trinh, cấp bậc của tôi được ghi là “binh nhì”.
Một buổi sáng, đứng trên hành lang nhà trường nhìn ra, tôi thấy các bạn đồng nghiệp gốc là sĩ quan biệt phái, lần lượt leo lên các chiếc xe nhà binh GMC đậu trước cổng trường. Đưa tay chào các anh mà lòng tôi quặn thắt. Không biết số phận các anh ra sao? Rồi số phận mình ra sao? Và con cái mình ra sao?
Sau khi thu dọn vệ sinh, trường mở cửa lại để học sinh tiếp tục việc học. Lúc đó Sài Gòn chưa mất. Tôi được tạm cho đi dạy lại, nhưng phải thật cẩn thận để khỏi phải “phạm húy”. Tôi dạy lại cho đến ngày nghỉ hè năm đó (6-1975), rồi tôi được sắp vào thành phần “mất dạy, vô lương”.
.
Tôi nhớ có một chuyện buồn cười. Nhà trường ra lệnh cho giáo chức chúng tôi đến phường mình sinh sống, khai báo, nạp căn cước cũ, để làm lại giấy tờ mới. Tôi ở phường Hải Châu, nên tôi đến lập thủ tục tại trụ sở phường nầy, đặt tại khu vực chùa Hải Châu, rất quen thuộc với tôi từ thời còn nhỏ. Khi đến phiên tôi, tôi nói với viên cán bộ:
“ - Xin ông cho tôi lại cái căn cước cũ.”
“- Để làm gì?” Anh ta hỏi.
“ - Dạ để kỷ niệm.”
Anh ta quát liền:
“- Anh còn mơ tưởng quyến luyến chế độ cũ hả? Tôi cho anh đi tù ngay.”
Nghe đến đi tù, tôi lo ngại, nên tôi xin rút lui ý kiến và vội vã lập cho xong thủ tục, rồi bỏ đi. Khi ra khỏi trụ sở phường Hải Châu, chưa lên xe đạp, (lúc đó ai cũng đi xe đạp, chỉ có cán bộ đi xe gắn máy) có một người mặc sắc phục cán bộ, chận tôi lại ở bên cạnh bờ hồ nhỏ trước trụ sở phường. Tôi rất lo ngại, không biết chuyện gì nữa đây. Anh nầy hỏi tôi:
“ - Khi hồi chuyện gì mà thằng đó nạt nộ thầy dữ vậy.” À, thì ra một cựu học sinh của tôi. Tôi tình thiệt trình bày câu chuyện vừa qua. Anh ta nói nhỏ với tôi:
“ - Thôi thầy về đi, rồi em sẽ đem đến cho thầy.”
Tôi cảm ơn, tuy tôi không tin vào điều anh nói. Khoảng ba ngày sau, vào khoảng sau giờ cơm tối, quả thật anh ta đến gõ cửa nhà tôi, và trả thẻ căn cước cũ cho tôi. Tôi cảm ơn và mời anh ta vào nhà nói chuyện, nhưng anh ta từ chối, chỉ cho biết tên, lớp và năm học ở trường Phan Châu Trinh, và thêm rằng trước đây anh ta ăn cơm nơi Quán cơm học sinh của Hội Khuyến Học, mà tôi là người thường chạy gạo và thực phẩm cho các em. Tấm thẻ căn cước thời Việt Nam Cộng Hòa đó, tôi còn giữ cho đến ngày nay.
.
Sau biến cố năm 1975, vật đổi sao dời, tình người cũng đổi thay. Có một số người, kể cả vài giáo sư đồng nghiệp và một vài người mà tôi đã từng giúp đỡ, biết tôi bị chế độ mới nghi ngờ, luôn luôn tránh mặt tôi, thậm chí gặp ngay mặt đối mặt, cũng quay lưng đi chỗ khác, tránh không chào tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn bi đát, mới thấm thía tình người.
Vì vậy, cách đối xử của anh Xuân ở trường Phan Châu Trinh và anh N. (tên người cán bộ ở phường Hải Châu) trong hoàn cảnh éo le, tạo cho tôi một ấn tượng ấm ấp sâu sắc về tình nghĩa thầy trò ở trường Phan Châu Trinh, mặc dầu lúc còn dạy ở trường Phan Châu Trinh, tôi thuộc loại nhà giáo kỷ luật, bị một số học sinh xem là khó tánh.
Tôi dạy môn sử địa. Trong kỳ thi tú tài, lúc bấy giờ hai môn sử địa chỉ có hệ số 1, trong khi các môn khác hệ số lớn hơn, nên sử địa bị xem là môn phụ. Chương trình hai môn sử địa dài, mà mỗi tuần cả hai môn chỉ có hai giờ. Khi đi thi, bài thi khá dễ, theo kiểu trắc nghiệm, ABCD khoanh, bốn chữ chọn một, tức có 25% may rũi nữa. Tôi cố gắng làm việc hết mình, giảng cho kịp chương trình, mong cho các em có kết quả cuối năm. Tôi không mỵ học trò. Mỵ học trò, dễ dãi để cho các em vui chơi thoải mái, ưa nghỉ thì nghỉ, ưa học thì học, thì dễ quá mà khỏe cho giáo sư, nhưng ngược lại, lương tâm tôi không cho phép. Khi đi dạy, tôi luôn luôn tâm niệm: “Học trò có thể ghét mình, nhưng khi đi thi, và khi các em ra đời, các em sẽ hiểu mình. Đừng bao giờ để cho các em khinh mình.”
Sau nầy, khi tôi rời Sài Gòn qua Canada định cư năm 1995, những người cuối cùng đứng ở nhà ga phi trường Tân Sơn Nhất để đợi biết chắc chắn là tôi lên máy bay và không bị giữ lại, không phải là những người trong gia đình tôi, mà là những em cựu học sinh Phan Châu Trinh. Qua đến
Khi tôi nói: “Tôi mới qua mà em biết để đến thăm tôi là quý quá rồi, tôi cảm ơn em nhiều, sao lại còn trà rượu làm gì?” Em trả lời: “Thưa thầy, chỉ chút lễ theo phong tục của mình mà thầy. Xin thầy nhận cho.”
Biết nói sao hơn. Cảm ơn các em.
(Trích: Đà Nẵng trong trí nhớ, bút ký.)
TRẦN GIA PHỤNG
(
.
.
.
No comments:
Post a Comment