Friday, July 17, 2009
VÌ SAO TRUNG QUỐC BẮT NHÂN VIÊN CỦA RIO TINTO ?
Vì sao Trung Quốc bắt nhân viên của Rio Tinto?
Huỳnh Hoa
Thứ Năm, 16/7/2009, 10:56 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/21177/
Vận chuyển quặng sắt ở Tây Úc. Không đạt được thỏa thuận giảm giá với các tập đoàn khai khoáng của Úc, Trung Quốc đã ra tay.
(TBKTSG) - Sự kiện Trung Quốc bắt giữ 4 nhân viên của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto và cáo buộc họ hoạt động gián điệp đang làm cho giới kinh doanh nước ngoài sửng sốt và có thể mang lại những hệ quả ngoài mong đợi.
Nhà đầu tư sởn gai ốc
Ngày 5-7, công an Trung Quốc bất ngờ bắt giữ 4 nhân viên của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto làm việc tại văn phòng Thượng Hải; trong đó có ông Stern Hu, quốc tịch Úc, Giám đốc văn phòng và 3 nhân viên người Trung Quốc.
Đến ngày 9-7, sau khi Rio Tinto ra thông cáo về vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương mới nói rằng, những người này bị bắt vì “hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật quốc gia và làm hại tới quyền lợi của Trung Quốc”.
Ngày 13-7, báo Úc Sydney Morning Herald dẫn lời một quan chức Chính phủ Trung Quốc cho biết vụ bắt giữ đã được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phê chuẩn và Trung Quốc đã thành lập một ủy ban đặc biệt do một phó thủ tướng phụ trách an ninh đứng đầu để “sắp xếp lại” các ưu tiên trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, trong đó yêu cầu về an ninh và điệp báo được đặt lên trên việc hoạch định chiến lược phát triển.
Những vụ bắt bớ này diễn ra bất ngờ và bí mật tới mức Bộ trưởng Ngoại giao Úc Stephen Smith thú nhận, ông cũng phải dựa vào báo chí để có thông tin vì thiếu sự hợp tác từ nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thứ Sáu tuần trước, báo Trung Quốc “Thông tin kinh doanh thế kỷ 21” đưa tin các nhân viên của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cũng đang bị điều tra và một nhà quản lý của một trong các công ty thép lớn nhất Trung Quốc, Công ty Shougang Group, cũng đã bị bắt.
Những vụ bắt bớ và buộc tội như vậy đang làm rúng động ngành công nghiệp quặng sắt toàn cầu, làm căng thẳng mối quan hệ Úc-Trung và làm sởn gai ốc các nhà doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Các công ty quốc tế hoạt động tại nước này đang theo dõi sát diễn biến của các vụ bắt giữ.
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Stephen Smith cảnh cáo vụ bắt giữ ông Stern Hu có thể làm chán nản các công ty nước ngoài khiến họ không muốn làm ăn ở Trung Quốc nữa. “Trung Quốc cần suy nghĩ cẩn thận về những hàm ý, nếu có, mà vụ này gây ra cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và cho cái nhìn về Trung Quốc của các tổ chức toàn cầu”, ông Smith nói. Phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật (12-7), Bộ trưởng các dịch vụ tài chính Úc Chris Bowen nói rằng: “Chính quyền Trung Quốc nên ý thức rõ rằng sẽ không tốt cho môi trường kinh doanh nếu việc bắt giữ các doanh nhân nước ngoài cứ xảy ra thường xuyên như vậy”.
Các luật sư nước ngoài ở Trung Quốc nhận định rằng hành vi của Trung Quốc có thể làm dấy lên các vụ trả đũa, làm tổn hại các nỗ lực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Trả lời điện thoại của báo New York Times từ Thanh Đảo, luật sư Steve Dickinson thuộc Công ty luật Harris & Moure PLLC cho rằng, vụ bắt giữ các nhân viên của Rio Tinto có khả năng làm chậm hoặc đình trệ các kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ ở Úc mà cả ở Mỹ và châu Âu.
Nguyên nhân thực: giá quặng sắt
Các nhà phân tích tin rằng vụ bắt giữ các nhân viên của Rio Tinto có liên hệ mật thiết với cuộc thương lượng về giá quặng sắt - nguyên liệu cơ bản của công nghiệp sắt thép và hết sức thiết yếu với nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng tới mọi thứ từ chi phí xây dựng nhà cửa tới giá xe hơi. Các chuyên gia pháp lý nhận định, có lẽ đó là nguyên nhân tại sao Bắc Kinh nói vụ này liên quan tới bí mật quốc gia. Họ cũng cho rằng khái niệm bí mật quốc gia ở Trung Quốc rất mơ hồ, không phân biệt rạch ròi với thông tin thương mại thông thường; điều đó phản ánh thực trạng nhập nhằng giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Không như giá dầu mỏ và các nguyên liệu chiến lược khác, từ 40 năm nay, giá quặng sắt trên thị trường thế giới được ấn định mỗi năm một lần, theo thỏa thuận giữa các công ty khai khoáng và các nhà máy sản xuất thép.
Cuộc thương lượng năm nay giữa Trung Quốc và ba công ty cung ứng quặng sắt hàng đầu thế giới, gồm Rio Tinto và BHP Billiton của Úc và Vale SA của Brazil - cung cấp ba phần tư trong tổng số 850 triệu tấn quặng sắt năm 2008 - đã không có kết quả cho dù thời hạn cuối là ngày 30-6-2009 đã trôi qua.
Phía Trung Quốc đòi giá quặng năm nay phải giảm 40-45% so với năm ngoái, song phía các nhà cung cấp chỉ chấp nhận giảm 33%, bằng mức giảm cho các khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc. Phía Trung Quốc bác bỏ mức này và thế là thương lượng bế tắc. Ông Stern Hu, nhà quản trị người Úc gốc Hoa, một trong những nhà thương lượng hàng đầu của Rio Tinto, có thể là nạn nhân cho sự bực bội của Trung Quốc.
Là nước tiêu thụ một nửa số quặng sắt của thế giới, khoảng 440 triệu tấn/năm, Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào các công ty khai khoáng. Sự phụ thuộc đó đã gây khó khăn cho ngành công nghiệp sắt thép khổng lồ do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc. Các nhà quản trị ngành thép Trung Quốc càng thêm buồn phiền vì năm ngoái họ đã chấp nhận tăng giá quặng sắt 97% so với năm 2007, để rồi sau đó nhìn thấy giá cả tụt dốc vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
“Năm nay, các khách hàng Trung Quốc cảm thấy rất chua chát bởi vì sự thua lỗ khủng khiếp của năm ngoái. Họ mang nỗi phiền muộn đó vào bàn thương lượng và họ kỳ vọng sẽ được giảm giá nhiều hơn nữa”, ông Zhou Xizeng, nhà phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Citic (Trung Quốc), nhận xét. Thất vọng vì không đạt được mục tiêu giảm giá có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc tìm cách “chính trị hóa”, “hình sự hóa” một hoạt động thương mại bình thường.
Bắc Kinh vẫn không nói rằng các vụ bắt giữ này có liên quan với cuộc thương lượng về giá quặng sắt. Nhưng thứ Sáu vừa qua, truyền thông Trung Quốc cho biết các điều tra viên đã có chứng cớ rằng nhân viên của Rio Tinto đã hối lộ để mua những tài liệu mật có khả năng đem lại lợi thế trong quá trình thương lượng giá cả.
Báo Người quan sát Kinh tế (Trung Quốc) hôm thứ Sáu tuần trước viết rằng, “các biên bản họp của Trung Quốc được bí mật tiết lộ cho Rio Tinto. Những tài liệu này bao gồm cả giá quặng sắt, lượng tồn kho của từng nhà sản xuất thép, chi phí sản xuất, lịch trình và chi tiết của hoạt động sản xuất”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, ở các nền kinh tế thị trường, những thông tin mang tính chất thương mại như vậy không thể được coi là bí mật quốc gia và người thủ đắc những thông tin ấy, kể cả bằng cách bỏ tiền ra mua tin, không bị coi là người hối lộ hay hoạt động gián điệp.
Những chiến thuật và đòn trả đũa
Ít có nguyên liệu nào thiết thân với Trung Quốc như quặng sắt. 90% lượng quặng sắt mà Trung Quốc nhập khẩu đến từ ba công ty kể trên - Rio Tinto, BHP Billiton và Vale - cho nên Bắc Kinh phải tìm cách tạo ra một chiến lược nhằm bảo đảm được cung cấp quặng sắt với giá rẻ, chống lại cái mà Trung Quốc luôn than phiền là sự “lũng đoạn thị trường” của các công ty khai khoáng.
Một chiến thuật là nỗ lực thâu tóm các mỏ quặng hoặc đầu tư vào quặng mỏ ở nước ngoài, từ Châu Phi, Châu Mỹ Latin, đến châu Úc và nhiều nơi khác, nhưng nỗ lực này gần đây đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Chiến thuật thứ hai là tập hợp các nhà máy thép trong nước thành một khối với một người thương lượng duy nhất là Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc. Với tư cách đại diện cho khối khách hàng tiêu thụ tới 80% quặng sắt của Úc, hiệp hội hy vọng sẽ có thể gây áp lực buộc các nhà cung cấp phải giảm giá theo yêu cầu của mình. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu các nhà máy thép thành viên không mua quặng sắt từ Rio Tinto và các nhà cung cấp khác trong lúc các cuộc thương lượng đang diễn ra, nhằm tạo cơ hội cho Trung Quốc gây áp lực về giá. Nhưng thỉnh thoảng, các nhà máy thép này vẫn phải “xé rào”, mua quặng để tiếp tục hoạt động sản xuất thay vì đóng cửa nhà máy. Hành vi “xé rào” có thể là nguyên nhân khiến ông Tan Yixin, phụ trách mua quặng sắt của tập đoàn Thép Shougang Group, bị bắt.
Một chiến thuật khác nữa là tìm cách phá hỏng sự liên kết giữa các nhà cung cấp. Năm 2007, khi BHP Billiton dự tính sáp nhập với Rio Tinto, Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối và lo ngại về một sự tập trung lớn hơn nữa quyền lực thị trường vào tay người Úc. Rồi đầu năm ngoái, tập đoàn Nhôm quốc doanh Trung Quốc, Chinalco, tìm cách thâu tóm cổ phần của Rio Tinto. Vào đầu năm nay, khi Rio Tinto gặp khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế, Chinalco đã tìm cách tăng số cổ phần của mình lên gấp đôi.
Tuy vậy, kế hoạch này đã sụp đổ thảm hại hồi tháng trước, khi Rio Tinto đơn phương phá vỡ hợp đồng trị giá 19,5 tỉ đô la Mỹ với Chinalco, đồng thời thiết lập một liên doanh với BHP Billiton - công ty khoáng sản lớn nhất thế giới. Cùng thời gian này, bộ ba Rio Tinto, BHP Billiton và Vale nhất trí đưa ra những đòi hỏi cứng rắn hơn trong các cuộc thương lượng về giá quặng sắt.
Một số quan chức Úc cho rằng việc bắt giữ bốn nhân viên của Rio Tinto là đòn trả đũa cho quyết định của Rio Tinto hủy bỏ hợp đồng đầu tư của Chinalco hoặc cho sự bế tắc trong cuộc thương lượng về giá quặng.
Cho dù động cơ của Trung Quốc là gì đi nữa, theo nhiều chuyên gia, vụ bắt giữ này là một thảm họa về quan hệ công chúng. “Trung Quốc đang giữ vai trò người tiêu tiền nhiều nhất và hy vọng mọi việc sẽ đi theo ý của họ, nhưng mọi việc lại không đi theo ý của họ. Thế là một vài người cố vớt vát thể diện bởi vì họ đã không chiếm được cái mà lẽ ra họ đã chiếm được”, ông David Kelly, Giáo sư về Trung Quốc học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định.
(Tổng hợp từ New York Times, AP, WSJ)
Rio Tinto rút nhân viên khỏi Trung Quốc (tuoi tre)
Rio Tinto khẳng định Trung Quốc đã cáo buộc vô căn cứ (VNN)
Vì sao Trung Quốc bắt nhân viên của Rio Tinto? (TBKTSG)
Vụ “Rio Tinto” gây ra “địa chấn” cho quan hệ ngoại giao Trung – Úc (Vitinfo)
Trung Quốc “buộc” phải chấp nhận mức giá của Rio Tinto (Vitinfo)
Trung Quốc cảnh báo Australia về vụ “gián điệp” Rio Tinto
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment