Friday, July 17, 2009
LUẬT SƯ NHÂN QUYỀN TRUNG QUỐC BỊ CẤM CẢN
Luật sư nhân quyền Trung Quốc bị cấm cản
Gary Feuerberg
Đăng ngày 16/07/2009 lúc 13:30:42 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3950
Từ đầu những năm 1990 đã có sự gia tăng các luật sư hoạt động về nhân quyền tại Trung Quốc. Mặc dù những luật sư này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số (ước khoảng) 140.000 luật sư của Trung Quốc – một tỉ lệ ít ỏi đối với 1,3 tỉ dân Trung Quốc khi so với các nước phương Tây, nhưng các luật sư nhân quyền này, gọi theo tiếng Trung Quốc là weiquan, đã đạt được một số thành công ngay trong khuôn khổ pháp luật hiện tại của Trung Quốc. Họ đang mang lại một tia hi vọng cho những người yếu thế nhất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, những thành công ít ỏi đó lại khiến cho họ bị trả thù. Một số luật sư đã bị bắt, bị đánh đập, bị tra tấn vì đã thực hiện nghiệp vụ bảo vệ pháp luật. Và biện pháp hăm dọa mới nhất nhắm vào họ là bị từ chối cấp phép hành nghề luật.
Giáo sư James V. Feinerman, Trung tâm Luật thuộc đại học Georgetown cho biết: “Mới vài tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã ép buộc các công ty luật hoạt động về nhân quyền phải đóng cửa”. Ngày 10 tháng 07 vừa qua ông Feinerman đã phát biểu tại buổi điều trần của Uỷ ban hỗn hợp Lập pháp và Hành pháp về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China CECC) tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Đồng thời một nhóm các chuyên gia về hệ thống luật pháp Trung Quốc cũng đã thảo luận về các luật sư nhân quyền Trung Quốc và vai trò của họ trong việc thúc đẩy xây dựng thể chế pháp trị (rule of law) tại Trung Quốc.
Bob (Xiqiu) Fu (bên trái), người sáng lập Hiệp hội Cứu trợ TQ, và James V. Feinerman, giáo sư Trung tâm Luật Đại học Georgetown
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/XiqiuFu.jpg
Giáo sư Feinerman cho rằng: “Trấn áp kiểu này không thể hiện theo kiểu thông thường, nhà cầm quyền không thu giữ tài liệu hay đưa các luật sư đi trại cải tạo lao động. Các quan chức tư pháp chỉ dùng các thủ tục hành chính trong việc cấp phép để từ chối gia hạn đăng ký hành nghề (đã hết hạn vào ngày 31 tháng Năm) đối với những người mà họ cho là những kẻ gây rắc rối”.
Những biện pháp ít được chú ý trước đây nay đã trở thành công cụ để gây áp lực lên các luật sư, các công ty luật và cả giới hành nghề luật.
Xiquiu “Bob” Fu, sáng lập viên và chủ tịch Hội Trợ giúp Trung Quốc (một tổ chức Công giáo tại Mỹ chuyên về tự do tôn giáo cho Trung Quốc) cho biết: “Theo thông tin chắc chắn của chúng tôi, tới lúc này đã có 19 luật sư không thể hành nghề luật,”. Tuy nhiên, các luật sư này chỉ là số ít, theo Giáo sư Feinerman, “đã có hàng chục luật sư tranh tụng giỏi nhất đã bị khai trừ khỏi đoàn luật sư do sức ép chính trị.”
Uỷ ban CECC có các thành viên đến từ cả Hạ viện và Thượng viện, trong đó Thượng nghị sỹ Byron Dorgan (Đảng Dân chủ- bang North Dakota) và Hạ nghị sỹ Sander Levin (Đảng Dân chủ-bang Michigan) làm đồng chủ tịch. Dân biểu Joseph Pitts (Đảng Cộng hòa-bang Penssylvania), uỷ viên lập pháp của CECC đã tham dự buổi điều trần.
Luật sư được khuyến cáo tham gia hay không tham gia tố tụng
Bộ Tư pháp Trung Quốc và các đoàn luật sư địa phương của Trung Quốc luôn có tiếng về việc can thiệp vào các vụ án “nhạy cảm”.
“Các vụ án như thế không chỉ liên quan tới các truy tố hình sự đối với những người Tibetan (Tây Tạng) hay Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) bị cho là “kích động gây chia rẽ” hay các nhà dân chủ, giáo phái Pháp Luân Công hoặc những vụ “Nhà thờ tại gia”, mà cả những cáo buộc chống chính quyền cho các hoạt động như chống tham nhũng, chống hành xử sai trái, chống sinh đẻ có kế hoạch, và chống lại việc cưỡng chế đất đai, tài sản hay di dân,” Jerome A. Cohen, Giáo sư thuộc trường luật của đại học New York University cho biết.
31 trí thức Trung Quốc hôm 02 tháng Bảy đã ký vào một thư ngỏ gửi tới Bộ Tư pháp Trung Quốc, trong đó họ kết luận rằng việc thu hồi giấy phép hành nghề luật đã xảy ra ngay khi các luật sư đang tiến hành các thủ tục tố tụng cho các vụ việc sau đây: Vụ sữa bột Sanlu (Tam Lộc) gây chết người, các nghi can bị chết bất thường trong trại tạm giam, vụ biện hộ cho các “Nhà thờ tại gia”, các vụ cải tạo bằng lao động, các vụ liên quan tới quyền của lao động di cư và dân tộc thiểu số, các vụ Pháp Luân Công và các vụ liên quan tới quyền của bệnh nhân HIV.
“Ngay cả các vụ dân sự liên quan tới các vấn đề như chuyển nhượng đất đai, tranh cãi về môi trường, lao động tập thể hay việc đền bù cho các nạn nhân sữa độc hay động đất đều bị đặt ra ngoài các qui định pháp luật hoặc bị khống chế.” Giáo sư Cohen, tác giả của nhiều nghiên cứu về luật pháp Trung Quốc cho biết.
Một thông cáo của luật sư Li Fangping cũng đề cập đến việc nhiều luật sư đang tiến hành “bảo vệ nhân quyền” cho các nạn nhân của chính sách thô bạo trong việc kế hoạch hóa gia đình. Chen Guangcheng, 38 tuổi, đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2006 vì đã đi biện hộ cho các nông dân tại thành phố Linyi, tỉnh Shandong, họ bị các lãnh đạo Đảng Cộng sản cưỡng ép triệt sản cho dù những hành vi cưỡng ép triệt sản hay phá thai đã bị pháp luật cấm (theo Thoát khỏi bóng của Mao (Out of Mao’s shadow), một cuốn sách đoạt giải thưởng của Philip Pan, năm 2008).
Trong khi chính quyền đã chuyển hướng sang các biện pháp tự nguyện, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) vẫn chưa chịu từ bỏ chính sách một con. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản tại địa phương thậm chí còn bắt phá những thai nhi đã được chín tháng để giữ tỉ lệ sinh đẻ ở mức thấp và được thăng tiến về chức vụ. Tuần báo Time đã cho biết Chen đã trợ giúp pháp lý ít nhất cho hai phụ nữ bị cưỡng ép phải phá thai chỉ vài ngày trước khi đến cữ đẻ (30 tháng 04 năm 2006).
Chen là người bị khiếm thị và không phải là luật sư được đào tạo chính qui, nhưng ông đã tự học bằng cách nghe các bài giảng về luật vì người khiếm thị không được phép trở thành luật sư. Ông đã phải chịu đựng nhiều dạng sách nhiễu của công an kể cả bị quản thúc và đánh đập. Có nguồn tin cho biết ông đang có ý định thực hiện một vụ kiện cho tập thể (a class-action lawsuit) trong tình trạng sức khỏe còn yếu ở trong tù.
Sách nhiễu và bạo hành đối với các luật sư nhân quyền
Giáo sư Feinerman cho biết các cách thông thường để khuất phục các luật sư không tham gia vào các vụ án nhạy cảm về chính trị là cáo buộc hoặc đe dọa cáo buộc họ vào nhiều tội trạng. Nếu các cách này không hiệu quả, chính quyền sẽ dùng đến các biện pháp trực tiếp.
Giáo sư Feinerman nói: “Giam giữ, quản thúc và thậm chí bỏ tù vì những lý do ngụy tạo là những cách thức thường được sử dụng, luật sư bị khai trừ Gao Zhisheng tại Bắc Kinh đã bị kết án vì “kích động lật đổ chính quyền’. Cựu luật sư Zheng Enchong tại Thượng Hải thì phải chịu án 3 năm tù vì “bán bí mật nhà nước cho nước ngoài,” Ông Cohen dẫn chứng. Những cáo buộc mơ hồ như thế, dĩ nhiên, được sử dụng để loại các luật sư gây khó chịu cho chính quyền ra khỏi các tổ chức luật.
Bên cạnh việc bị khai trừ tư cách thành viên, bị mất phương kế kiếm sống và bị đe dọa buộc vào trọng tội, các luật sư “nhân quyền” còn luôn bị dọa dẫm về tính mạng. Cả hai ông Cohen và Fu đều lưu ý buổi điều trần là để ghi nhớ ngày thứ 156 kể từ khi Gao Zhisheng “biến mất”. Ông Cohen cho biết thêm: những vụ ông bị tra tấn trước đây đang làm mọi người e rằng Gao đã chết.
Gao đã làm đại diện pháp lý cho đạo Pháp Luân Công và nhiều thân chủ đang có những thách thức sự cai trị của Đảng Cộng sản – đảng bị lên án về những vụ tra tấn những người theo đạo Pháp Luân Công và được kêu gọi hãy đi theo chế độ dân chủ. Kết quả là Gao đã mất giấy phép hành nghề luật, bị tra tấn, bị kết tội và đã “biến mất” suốt 156 ngày qua, Cohen cho biết.
Hai luật sư tại Bắc Kinh khác là Zhang Kai và Li Chunfu đã đến Chongqing hồi tháng 01/2009 để gặp người nhà của Jing Xiqing, một người theo đạo Pháp Luân Công đã chết trong khi bị công an bắt giữ. Thi thể của Jing đã bị thiêu huỷ mà không có sự đồng ý của gia đình. Các luật sư đã đồng ý làm đại diện pháp lý cho gia đình để làm sáng tỏ nghi ngờ cái chết không bình thường của Jing. Nhưng công an đã đến phá đám khi họ đang bàn bạc, đã hành xử thô bạo, khóa tay họ và bắt họ về đồn công an, tại đó luật sư Zhang Kai đã bị khóa tay treo vào một chiếc cũi sắt, còn luật sư Li Chunfu bị đánh vào mặt. Khi công an yêu cầu họ phải dừng việc biện hộ cho các vụ Pháp Luân Công, họ đã đáp lại rằng mọi người đều có quyền được trợ giúp về pháp lý. Nhưng giáo sư Feinerman nhắc lại lời công an bảo rằng: “Các anh không thể biện hộ cho Pháp Luân Công được đâu, phải nhớ đây là Trung Quốc”.
Kiểm soát kiểu Cộng sản đối chọi với Pháp trị
Tháng này đánh dấu lần thứ 30 kể từ khi chế độ cộng sản Trung Quốc thoát khỏi quá khứ của Mao và mở đầu phương cách quản lý có “vai trò mới của luật pháp”, giáo sư Feinerman cho biết như vậy. Sau đó là cách điều hành mới theo xu thế chấp nhận dùng luật pháp để điều hành đất nước và thừa nhận tính tất yếu của tuân thủ luật pháp và qui tắc trong các hiệp ước và quan hệ thương mại quốc tế.
Giáo sư Feinerman nói: “Song, Đảng Cộng sản vẫn đang giữ quyền kiểm soát toàn bộ. Tồi hơn nữa là Đảng và lãnh đạo của nó vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật...Bộ máy vận hành của chính quyền, kể cả tòa án và các cơ quan pháp luật, đều bị khống chế bởi các quan chức do Đảng bổ nhiệm ở mọi cấp độ, cho dù cũng đã có một số cơ quan được hoạt động độc lập ở một mức độ nào đó nhằm thúc đẩy thể chế pháp trị”.
Ông Feinerman nhấn mạnh sự độc lập của tư pháp hiện không có ở Trung Quốc. Thẩm quyền cuối cùng trong việc giải thích luật pháp lại thuộc Uỷ ban thường vụ của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc). “Các uỷ ban phân xử của Đảng Cộng sản có trong các tòa án lại thực hiện việc kiểm soát các thẩm phán, đặc biệt đối với các vụ án lớn về chính trị”.
Tương lai của các tòa án Trung Quốc thật mờ mịt. Ông Feinerman nhận định: “Việc thay thế cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Xiao Yang, mới đây bằng một người không chỉ thiếu đào tạo về luật mà còn là một nô tài có thâm niên của Đảng Cộng sản đã làm lùi mọi nỗ lực cải thiện chất lượng thẩm phán và các cố gắng cải cách hệ thống tư pháp của Trung Quốc”.
Gary Feuerberg
Nguồn: The Epoch Times, ngày 15/07/2009
D.Y. dịch (tháng 07/2009)
© Thông Luận 2009
Việt Nam cũng không khác :
Chuyện nước ta: Căn bệnh dị ứng với luật pháp, thâm thù luật sư
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment