Thursday, July 9, 2009
THÊM MỘT LỜI KHUYÊN CHÂN TÌNH
Thêm một lời khuyên chân tình
Phạm Toàn
09/07/2009 6:47 chiều
http://www.talawas.org/?p=7365
Khi Luật sư trẻ tuổi Lê Công Định bị bắt, tôi có viết ngay “Một lời khuyên chân tình” nhờ công bố trên trang mạng Diễn đàn. Hôm nay tôi lại phải viết “Thêm một lời khuyên chân tình” sau khi Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung trẻ hơn anh Định đã mới nhận tai nạn như của Định, và rồi có thể sẽ chịu số phận như Lê Thị Công Nhân trước đây.
Tôi hoàn toàn không quen biết cả ba vị đó - anh Nguyễn Tiến Trung, chị Lê Thị Công Nhân, anh Lê Công Định - nhưng tôi hoàn toàn biết rõ tình hình đất nước và hoàn cảnh dân tộc Việt Nam, và chính tôi và vài ba bạn bè tâm huyết cũng tìm cách cựa quậy (bằng ngòi bút, cố nhiên) mong cứu vãn một đất nước và một dân tộc đang thực sự trong cơn nguy biến. Vì thế mà có bài viết này, bài phân tích của một kẻ đồng cảm, cũng có thể là của kẻ “đồng thanh khí” nếu muốn dùng chữ của các cụ Đông kinh Nghĩa thục.
Nếu ở đây tôi nói có chỗ nào sai trái, mong các bạn trẻ tuổi cũng như các bạn cùng trang lứa chỉ bảo giúp.
Khi nghe tin Nguyễn Tiến Trung bị bắt giữ, tôi nghĩ ngay tới chuyện gì?
Tôi nghĩ ngay tới anh ấy trẻ, có học, tự tin và đẹp. Anh ấy khác hẳn thế hệ tôi khi vào đời. Tôi thuộc một thế hệ nếu có tự mình đứng lên được và có chút đóng góp gì thì cũng chỉ là cầu may. Vì thế hệ của tôi là thế hệ mầy mò trong kinh nghiệm giữa một xã hội tiểu nông tiến lên hiện đại hóa và lại còn bị súng đạn chẹn tay và bị thói xấu chẹn họng trong không biết bao nhiêu thì giờ vàng ngọc của một đời người.
Thế hệ tôi nhìn những người như Nguyễn Tiến Trung với một kỳ vọng. Tôi hoàn toàn tin chắc anh Trung, chị Công Nhân, anh Định không thuộc hàng những kẻ học hành chỉ nhằm nối dài sự tham nhũng; họ học cho dân tộc và cho đất nước. Và đã là học thật, thì phải có nhận thức mới và phải hành động. Tôi thật sự không hiểu nổi, vì sao ta không lên án một sự thờ ơ về chính trị trong thanh niên, vì sao không bớt sự sướt mướt hơi dư thừa trước cái chết của Michael Jackson, và lại lên án người đang vật vã tìm đường kéo đất nước và dân tộc ra khỏi cơn khủng hoảng kinh hoàng hiện thời?
Trong bài viết này, tôi lại “Thêm một lời khuyên chân tình” cốt gửi tới cả hai phái, những người như anh Trung, và những người chống lại anh Trung, chống lại tích cực, và cả chống lại tiêu cực - những bạn trẻ đang mắt nhắm mắt mở tìm chỗ học, chạy chỗ làm, kiếm chỗ trú chân nơi trần thế này và dăm chục năm nữa, các bạn đó rồi cũng sẽ thành một ông già 78 tuổi như tôi hôm nay, bao ảo mộng tan tành, bao lý tưởng tốt đẹp hủy hoại.
Đất nước ta và dân tộc ta đang trong cơn đại khủng hoảng về tinh thần! Hãy thẳng thắn và thành thật chấp nhận sự thật đó đi!
Không cần đi đâu xa, chỉ cần đọc các tít báo của một tờ VietNamNet đi đúng “lề bên phải” hoặc vài ba tờ tự xếp ở “lề bên trái” là đủ thấy tình hình ra sao. Hãy nhìn những em bé sáu tuổi tròn, em nào cũng xinh cũng ngoan và thông minh, nhưng giao các cháu vào tay ngành Giáo dục thì mười hai năm sau chúng sẽ biến thành những người Việt không biết nói tiếng Việt, những người của Thời đại Thông tin chỉ biết chơi ghêm, những thiếu niên cục cằn thô lỗ chỉ biết cúi đầu hô vang khẩu hiệu “thanh lịch” song mở mồm ra là chửi tục, và sểnh ra là vặt trụi hoa công viên…
Cái gì ngăn cản một sự đối thoại chân tình giữa nhà cầm quyền và lứa thanh niên như Nguyễn Tiến Trung, Lê Thị Công Nhân và Lê Công Định?
Theo tôi, hãy nhìn vào và giải quyết ba nguyên nhân sau.
Thế hệ đi trước hãy khiêm nhường hơn nữa, hãy biết chấp nhận trí tuệ của lớp thanh niên sẽ “đổi gác” cho mình, và hãy biết hợp tác với lớp trẻ. Với cả hai phía, xin hãy tránh quá khích. Thế nào là quá khích? Không chấp nhận người đối thoại, đàn áp người đối thoại (mong nó chết đi cho rảnh) đó là quá khích.
Muốn khiêm nhường thì thế hệ đi trước phải thực sự trong sáng về đạo đức. Hãy chống tham nhũng thực sự đi, và tự nhiên bạn sẽ hiểu được lớp trí thức trẻ. Hãy học hành thật sự đi chứ đừng chạy vạy lấy học hàm học vị, và tự nhiên bạn sẽ hòa hợp được với lớp trí thức trẻ. Hãy ngừng dạy dỗ kẻ khác, hãy ngừng giả dối, và tự nhiên bạn sẽ hiệp tác được với lớp trí thức trẻ.
Sau cùng, xin hãy đối thoại thay vì đàn áp. Đối thoại thì sẽ cùng nhau chung lưng đấu cật chống lại cuộc đại khủng hoảng về tinh thần. Đối thoại thì mới cùng nhau đoàn kết chống được đại họa ngoại xâm đang cận kề ở cửa ngõ - và không chỉ ở ngoài cửa ngõ!
Xin hãy chủ động tổ chức Hội nghị Diên Hồng thế kỷ XXI, và tên tuổi các bạn sẽ lại nằm trong sổ vàng của đất nước và dân tộc! Xin hãy nghĩ đến hạnh phúc của mọi người, hãy nghĩ đến nỗi lòng những người đàn bà trong đời một Nguyễn Tiến Trung, một Lê Thị Công Nhân, một Lê Công Định - trước hết hãy thật lòng nghĩ tới bà mẹ của Nguyễn Tiến Trung đi - và các bạn sẽ có những hành động được ghi trong sổ vàng Lạc Hồng!
Lý Trí sẽ thắng! Tình cảm dân tộc sẽ thắng! Tình nghĩa con người sẽ thắng!
Hà Nội, ngày 9 tháng 7 năm 2009
(Bài vừa đăng trên Bauxite Việt Nam 09/7/2009)
*
Phụ lục
Một lời khuyên chân tình
Đây là lời khuyên liên quan đến việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định.
Không rõ bạn Lê Công Định có nằm trong danh sách những người ký tên vào Kiến nghị yêu cầu dừng khai thác bauxite hoặc nếu khai thác thì phải tiến hành hợp pháp (thông qua Quốc hội), việc này trang mạng Bauxite Việt Nam kiểm tra danh sách ký kiến nghị chẳng mấy khó khăn, làm được ngay thôi, nhưng điều quan trọng không nằm ở chỗ đó.
Điều quan trọng ở ba điểm sau. Một, qua báo Tuổi Trẻ từ cách đây 2 năm, và qua những bài viết chững chạc của anh, mọi người được biết Lê Công Định là một người trẻ tuổi hiếu học và học giỏi (hoàn toàn khác với hình ảnh những kẻ mang tiền đi du học song lại tạo ra những hình ảnh làm xấu mặt cả trong đời thường lẫn trên mạng). Hai, cũng qua báo Tuổi Trẻ, ta được thấy lúc Lê Công Định bị bắt đi, đó là hình ảnh một người đàng hoàng, điềm đạm, dễ mến (hoàn toàn khác với bọn tham nhũng dù tội phạm đã từ con số triệu đô được hạ xuống còn vài ba chục nghìn, song vẫn lộ vẻ mặt đê tiện trơ trẽn của bọn người không được một ai rủ lòng mến thương). Ba, lý do bắt giữ khá co giãn, chỉ thấy nói liên quan đến hoạt động “chống phá Nhà nước xã hội chủ nghĩa” Việt Nam, chẳng biết có nặng bằng tội trốn thuế của ai khác không.
Nói tới ba điều như vừa rồi cũng đã đủ để bạn đọc xa gần hiểu quan điểm của bài viết này. Nhưng từ ba điều đó, ta nên chưng cất ra một lý lẽ, tưởng cũng cần thiết.
Một người trẻ tuổi như Lê Công Định có bao nhiêu sức vóc để “chống phá” nhỉ? Mà lại chống phá cái Nhà nước tuyệt đối mạnh - mạnh cả về phương diện “trí tuệ của thời đại“, mạnh cả về phương diện vẫn nói đi nói lại hằng ngày như là “sức mạnh toàn diện“, và lại mạnh vì được “toàn dân nhất trí ủng hộ“. Thế thì một cá nhân mũm mĩm như Lê Công Định có âm mưu gì đáng sợ nhỉ? Nhưng nghĩ kỹ, hóa ra Lê Công Định có chỗ đáng sợ thật. Và là đáng gờm nhất nên mới phải chủ trương bắt bớ chàng trí thức trẻ trung đó. Chắc là Lê Công Định đủ sức thách thức cái trí tuệ kia, cái sức mạnh toàn diện kia và cái khối ủng hộ to lớn kia. Nhưng thách thức về phương diện gì?
Thách thức như một sự so sánh - nó là cái cân tiểu ly của tinh thần luật pháp để dư luận đối chiếu với những nhà lập pháp và hành pháp đi tù vì tham nhũng, với những đương kim nghị sĩ đăng đàn mà quanh co dối trá và sở dĩ thoát thân là vì được những ai cùng hội cùng thuyền chống đỡ đằng sau, vậy thôi.
Thách thức như một biểu đồ về thời gian - sự trẻ trung của Lê Công Định là một tuyên bố khiêm nhường: chúng tôi không già cỗi đi trong “cơ cấu”, chúng tôi có tuổi trẻ, và chúng tôi có tất cả trước mặt. Cả chục năm tù đày đi nữa thì khi ra tù vẫn cứ trẻ như một Võ Thị Sáu, một Lý Tự Trọng, và chắc chắn còn trẻ hơn một Andrei Sakharov hoặc một Václav Havel cùng biết bao nhiêu nhân vật từng có một thời trẻ trung. Một sự so sánh như thế hẳn sẽ có sức vẫy gọi rất lớn đối với bạn trẻ, kể cả những bạn trẻ còn nhút nhát.
Và cuối cùng, thách thức như một sự giễu cợt - biết bao nhiêu là trí tuệ mà việc gì đến nỗi phải cư xử theo lối một mất một còn như thế với một người dưới tuổi mình và trong các bài viết anh ta vẫn tỏ ra tôn trọng mình? Dĩ nhiên, việc bắt giữ người thì chắc chắn là phải có cái lý của bên hành pháp. Nhưng vẫn cứ là một sự buồn cười khi vô số tội phạm lại nhơn nhơn mãi rồi mới tìm được cái cớ cỏn con để truy tố. Nhưng rồi coi, bắt thì dễ, thả lại khó. Vì sao? Cứ ngẫm nghĩ một chút khắc biết. Ừ thì giữa thời buổi tư pháp, lập pháp, hành pháp nhập nhằng, người ta muốn làm gì chẳng được, tuy thế, bắt một người khác chính kiến song chưa có hành vi nào chứng tỏ nguy hại đến mất còn của đất nước, trong khi an ninh quốc gia đang thường xuyên bị đe dọa thì lại không có kế sách gì đối phó ngoài việc khuyên nhủ người dân đừng ra khơi xa, “đành lòng vậy cầm lòng vậy“, và hùng hồn trong độc nhất mấy lời phát ngôn dẻo như bún. Bắt một người lại đổ cho tội anh ta lợi dụng việc phê phán dự án bauxite, một mục tiêu quang minh chính đại đang được cả ngàn vạn con người ngày đêm quan tâm với nỗi lo lắng không hề nguôi - gần hai tháng sau khi ra đời, trang mạng này đã có trên một triệu rưởi lượt bạn đọc - phải chăng ở đây có ý đồ gì nữa? Và bắt một người có học trong khi bọn vô học đang thả sức xâm chiếm từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài.
Bạn đọc đừng chê câu cuối cùng vừa rồi tối nghĩa. Một bài tiểu luận dù nghiêm trang đến đâu thì vẫn đòi cho mình cái quyền được giận dữ bằng những lời lẽ để độc giả còn bàn đi bàn lại nhiều lần. Bàn cho tới khi Lê Công Định được tự do. Bàn cho tới khi Lý Trí thắng, để ở trong nước thì hòa hợp hòa giải, và ra ngoài nước thì ngẩng được cao đầu, chứ chẳng lẽ lại chỉ quen “giao thiệp” khúm núm với những kẻ hống hách ngoại bang?
Xin nhắn gửi lời chào bạn Lê Công Định, người tôi chưa hề gặp.
Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2009
(Nguồn: Diễn đàn ngày 15/6/2009)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment