Thursday, July 9, 2009

NHÂN VĂN-GIAI PHẨM : MỘT CÂU HỎI CÒN CHƯA ĐƯỢC TRẢ LỜI


Một câu hỏi còn chưa được trả lời (1)
Trần Duy
10/07/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=7293



Ông Trần Duy, hoạ sĩ, nhà báo và thư kí toà soạn của 5 số báo Nhân văn, là một trong những người trực tiếp tham gia và trở thành nạn nhân của Vụ Nhân văn - Giai phẩm. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỉ im lặng, ông công khai đưa ra cái nhìn hồi tưởng của mình về sự việc này. Chúng tôi tin rằng bài viết của ông sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích không phải chỉ cho việc đánh giá quá khứ mà còn cho nhận thức về những sự kiện đang diễn ra tại Việt Nam hôm nay. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
talawas blog
______________

Từ khi tôi rời nhà trường phổ thông trung học và gia đình, có một nơi không bao giờ phụ tôi, lúc nào cũng an ủi tôi và vực tôi dậy. Đó là Mỹ thuật! Không có Mỹ thuật, không có cái đẹp, tôi cũng không có một cửa mở nào để bước vào cuộc đời. Cái đẹp ấy đúng là cái cuống rốn đã thay mẹ tôi nuôi dưỡng tôi và cho tôi tiếp xúc với cuộc sống, với con người.
Tôi không theo một tôn giáo nào, một chủ nghĩa nào. Vì theo bất cứ một cái gì, không ít thì nhiều, mình cũng tự biến mình thành nô lệ của những điều mình chủ trương suy nghĩ hay hành động.
Tôi thành người, thành một người yêu đất nước, yêu dân tộc chính là nhờ Mỹ thuật - vì ngay cái chủ nghĩa yêu nước của tôi cũng là chủ nghĩa yêu cái đẹp của đất nước, con người của đất nước mà thôi.
Gia đình tôi là một gia đình phong kiến suy tàn, tôi mang theo cái buồn của sự suy tàn ấy mong tìm một lối thoát và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là cánh cửa thoát nạn của đời tôi. Những sự rủi ro vẫn đeo đẳng tôi từng bước…
Cách mạng lên, cha tôi bị bắt (sau cha tôi được tha là nhờ cụ Huỳnh Thúc Kháng can thiệp, cụ vẫn chưa quên người cộng sự trong tòa soạn báo Tiếng dân của cụ ở Huế). Tôi đang học bị mất nguồn tài trợ gia đình. Chính phủ Pháp bị Nhật lật đổ thì tiền học bổng của tôi cũng bị cắt. Tôi học đến năm thứ 3 thì trường Mỹ thuật Đông Dương không còn nữa. Năm 1946 tôi không muốn học khóa Tô Ngọc Vân ở Xuân Áng, do đó khóa học của tôi cũng dở dang.

Tôi gặp anh Lê Hữu Kiều, nguyên là hướng đạo sinh, anh giới thiệu tôi vào Việt Minh. Dưới sự điều động của Thành bộ Việt Minh Hà Nội, tôi được giới thiệu vào Đảng Dân chủ. Lúc ấy tôi không có ý thức gì về đảng phái, tôi chỉ cần một tổ chức giúp tôi làm việc, đóng góp khả năng của tôi phục vụ đất nước. Ông Hoàng Minh Chính điều động tôi làm công tác mua vũ khí cho Việt Minh. Tôi liên lạc với quân đội Nhật tù binh của Đồng Minh, tiếp đó là với lính Tàu Tưởng đóng ở Hải Dương để mua một số lượng vũ khí khá nhiều, được chở về Hà Nội cho ông Hoàng Minh Chính.
Đến ngày toàn quốc kháng chiến, ông Hoàng Minh Chính điều tôi vào bộ phận Quyết tử Quân đánh trường bay Gia Lâm mà ông là người chỉ huy. Tôi tham gia cùng ông Hoàng Minh Chính và các ông Đặng Việt Châu, Lê Minh Nghĩa trong mấy trận tập kích cho đến trận cuối cùng, ông Hoàng Minh Chính bị trọng thương, mọi người tin là ông đã chết tại sân bay. Tôi mang chiếc ví, bút máy và giấy tờ kỷ niệm mà ông Hoàng Minh Chính trước khi ra trận ủy tôi mang đưa lại cho vợ ông là bà Hồng Ngọc; tôi đến gặp bà Ngọc tại trạm cứu thương Vân Đình trao những kỷ vật trên và báo tin anh Chính đã bị tử thương. Bà Ngọc vừa khóc vừa cười bảo tôi: “Anh Chính còn sống và đang nằm điều trị ở đây”.

Ban chỉ huy đánh trường bay Gia Lâm giải tán, ông Đặng Việt Châu giới thiệu tôi với ban chỉ huy Khu 10 lúc đó đóng ở Tuyên Quang - Phú Thọ. Khoảng cuối 1946 đầu 1947 tôi đến ban chỉ huy Khu 10 gặp ông Song Hào và được điều vào làm tại ban địch vận. Tôi tham gia những chiến dịch ở Khu 10, viết, vẽ cho báo Sông Lô, được giới thiệu làm việc cùng ông Đặng Văn Việt, người chỉ huy chiến dịch đường số 4.

Sau chiến dịch Điên Biên Phủ tôi được cử về Tuyên Quang cộng tác với ông Chiến Sỹ, một trí thức người Đức tên là
Erwin Borchers, bỏ hàng ngũ quân đội Pháp sang tham gia kháng chiến từ thời kỳ bí mật. Ông là người phụ trách trại tù binh Pháp ở Núi Cố, tôi là phiên dịch. Vào khoảng tháng 3 năm 1950 ông Nguyễn Huy Tưởng nhận tôi về Hội Văn nghệ Việt Nam. Cùng thời kỳ ấy Cục trưởng Cục Quân y là bác sĩ Vũ Văn Cẩn có đề nghị đưa tôi về giúp ông Từ Giấy trình bày và vẽ cho báo Vui sống, tuyên truyền cổ động cho phong trào vệ sinh phòng bệnh.

Năm 1950 Hội Văn nghệ cử tôi và một số cán bộ của Hội tham gia đoàn cải cách ruộng đất tại Yên Thế, Bắc Giang. Những điều tôi chứng kiến ở các buổi đấu tố, về cách xử án, cách đối xử với các đối tượng bị quy là địa chủ, khiến tôi không mấy đồng tình và từ đó trong tôi đã có những suy nghĩ không hay về cải cách ruộng đất. Do đó tôi bị thải hồi và giao trả về Hội Văn nghệ với án kỷ luật: chống cải cách ruộng đất.
Tôi còn nhớ, người ta bố trí hai nhân viên có mang súng đưa tôi trả về Hội Văn nghệ. Đến một quãng đường nào đó thì may quá, gặp tướng Đàm Quang Trung đi ngựa cùng hai người nữa. Anh ấy nhận ra tôi, ngạc nhiên hỏi đi đâu mà lại có lính gác thế này, tôi nói tôi đi cải cách, bị thải hồi về. Anh ấy bảo thế thì đi cùng với anh ấy, rồi đưa giấy tờ của anh cho hai nhân viên đi với tôi xem để biết chắc anh là Đàm Quang Trung (lúc ấy là một vị chỉ huy quân đội vùng Đông Bắc), và nhận sẽ đưa giúp tôi về tận Hội Văn nghệ ở Thái Nguyên. Khi hai nhân viên ấy quay về rồi, anh Đàm Quang Trung bảo tôi: May cho cậu là trên đường chưa gặp máy bay Pháp đi tuần, chứ trên con đường chỉ cách đồn Ngô vài chục cây số thế này, hễ có máy bay, hai cậu kia nó sẽ “feu” (bắn) cậu đấy!

Tiếp theo sự buồn phiền về đợt tham gia cải cách ruộng đất là cuộc cải tạo và vận động tư sản trong những năm tiếp quản thủ đô.
Tôi có một người bạn tên là Lê Chất phụ trách ban thương nghiệp, anh rủ tôi tham gia vận động những tư sản có tiền, có cơ sở, có tâm huyết để họ gia nhập các tổ chức kinh doanh mới lập ra. Sau một thời gian chưa đầy một năm, các tổ chức này đã lật ngược lại những điều quy ước và biến những tư sản bỏ vốn ấy thành đối tượng đấu tố của cuộc vận động đánh đổ tư sản. Thế là tôi lâm vào một tình thế mà phía nào cũng xem tôi là kẻ địch. Tôi buồn và tự hỏi mình nên hành động như thế nào để tồn tại? Tôi hầu như không có bạn bè, có nghĩa là không có nơi nương tựa về tâm hồn.

Đi theo mong ước làm điều gì đó có ích cho đất nước, cho dân tộc, tôi đã gặp nhiều điều không may, gây ra những tình huống đẩy tôi thành ra đối lập với thời cuộc. Và trong sự bế tắc ấy, tôi muốn đi tìm một lối thoát, đó lại chính là con đường đưa tôi tham gia nhóm Nhân văn.
Phải nói cho minh bạch, khi tham gia Nhân văn cùng ông Phan Khôi, tôi vẫn ước mong đóng góp một tiếng nói cho dân chủ, cho sáng tác và may ra cũng là một con đường nghệ thuật mà tôi mong nương tựa nên tôi rất tích cực hoạt động cho tờ báo ra đời.
Nhiều ngưới nghĩ rằng tôi là một họa sĩ, sao lại có thể làm thư ký cho một tờ báo? Thật ra hoàn cảnh lúc ấy của Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm, những nhà văn nhà thơ đã có tên tuổi, đều khiến họ không thể đứng tên xin ra báo. Họ là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có thể được cử đến làm ở các tờ báo của Đảng, của các đoàn thể, nhưng lại không thể đứng tên xin ra báo tư nhân. Họ đã tìm đến ông Phan Khôi và tôi; ông Phan có danh nghĩa một nhân sĩ nổi tiếng, tôi thì có nghề họa để lên khuôn tờ báo, để làm các công việc cụ thể với nhà in.

Có thể nói tờ báo Nhân văn ra đời mà không có bất cứ một cơ sở kinh tế nào tài trợ. Tôi đi gặp từng nhà in, không mấy ai mặn mà ủng hộ. Tờ báo ra đời chính là nhờ vào giấy phép của Sở Văn hóa Hà Nội. Tôi đến cửa hàng văn phòng phẩm ở Tràng Tiền mua đươc 5 ram giấy. Tiền mua giấy đó là của ông Minh Đức, mặc dù lúc này ông ấy cũng túng thiếu, chỉ vì trước sau vẫn cảm phục Nguyễn Hữu Đang nên ông ấy hết lòng giúp đỡ (một đời ông ấy tan nhà nát cửa, lâm vòng lao lý, chỉ vì chí tình với bạn). Việc in các số đầu là nhờ ông Đỗ Huân, chủ một nhà in ở đường Nguyễn Thái Học.

Tờ báo xuất bản được nhưng mâu thuẫn và bất đồng giữa Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang ngày càng tăng. Nói chung mọi người trong tòa soạn đều cảm thấy cùng đi trên một chuyến xe mà người lái xe chạy không theo lộ trình mong muốn của những người cùng đi trên xe. Ngoài chủ nhiệm (là ông Phan Khôi) và thư ký tòa soạn (là tôi), số còn lại chia làm hai phái: các văn nghệ sĩ (Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác) một nhóm; một mình Nguyễn Hữu Đang một nhóm.

Nguyễn Hữu Đang vốn chỉ mới được điều động về Hội Văn nghệ, về báo Văn nghệ từ hồi tiếp quản thủ đô (tháng 10/1954), tuy có tên trong thành viên tòa soạn nhưng không có chức quyền gì cụ thể rõ ràng. Lê Đạt là phái viên được điều từ Văn phòng Tổng Bí thư Đảng xuống Hội Văn nghệ. Theo ông Đào Duy Kỳ cho tôi biết thì hồi kháng chiến, khi còn làm việc ở Văn phòng Trung ương Đảng, Lê Đạt lúc đi tham gia cải cách ruộng đất đã cưới một cô cốt cán; đến khi về tiếp quản thủ đô, anh làm quen và yêu một cô văn công rồi bỏ cô cốt cán kia; vì việc ấy, anh bị kỷ luật, bị điều động khỏi Văn phòng Trung ương, xuống Hội Văn nghệ. Tại tòa soạn báo Văn nghệ, tuy không giữ chức vụ gì cụ thể, nhưng Lê Đạt thường nổi bật bên cạnh những biên tập viên hiền lành như dạng Trọng Hứa; một vài anh em trong báo còn nhận ra rằng các cấp trên muốn qua Lê Đạt để kiềm chế Nguyễn Hữu Đang. Nhưng Đang là người có kiến thức rộng, có hoài bão lớn, là người không dễ nghe theo ai, nên khi tham gia báo Nhân văn, Đang có chủ trương của Đang, cũng như Lê Đạt và mấy văn nghệ sĩ kia đều có chủ trương riêng của họ. Số văn nghệ sĩ tham gia Nhân văn hầu như không có mấy quyền hạn với tờ báo, nên các việc của tờ báo là do Đang và Đạt quyết định.
Lê Đạt tính trịch thượng, nói năng quyết đoán, coi thường mọi người; nhưng Nguyễn Hữu Đang cũng không phải tay vừa. Kết quả là Đang và Đạt không mấy khi nhất trí với nhau về bất kỳ một vấn đề nào.

Lê Đạt phàn nàn với tôi:
“Cậu phải có ý kiến với Đang… Tờ báo không phải của Đang!”
Tôi hỏi :
“Vậy thật ra tờ báo là của ai…?”
Có thể nói, tờ Nhân văn trên thực tế nằm trong tay một số người thường xuyên cãi vã nhau.
Đến khi chuẩn bị làm số 6, tôi và Lê Đạt, Văn Cao bàn đổi hướng để tờ báo nói về hội họa, nên đã chuẩn bị cho số báo chuyên về tranh áp-phích của Ba Lan. Tôi đến làm việc với sứ quán Ba Lan và có đủ tài liệu về tranh áp-phích của Ba Lan. Ngay ngày hôm sau đó có giấy của Thủ tướng triệu tập… (về việc này tôi đã viết trong bài tưởng niệm ông Phan Khôi năm 2007). Tôi được mọi người cử đi và đã gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi về nói lại với Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang những điều căn dặn của Thủ tướng. Nguyễn Hữu Đang bỏ cuộc họp tự động đến nhà in. Văn Cao và Lê Đạt cùng nói với tôi:
“Thế là Đang sẽ thay đổi nội dung tờ báo, sẽ hướng về tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc…”
Nhưng số 6 chưa kịp in đã bị đình chỉ tại nhà in, ngoài sự hiểu biết và lo liệu của chúng tôi. Lê Đạt và Văn Cao bảo tôi:
“Cậu đứng ra xin đình bản tờ báo!”
Tôi đáp:
“Vì tờ báo không do tôi chủ trương và khi nó ra đời là do nhóm các cậu, vậy việc đình bản tờ báo phải do các cậu!”
Ngày 15 tháng 12 năm 1956 có lệnh đóng cửa tờ báo. Mọi người cảm thấy thoát nạn, nhưng cảm thấy không có nghĩa là đã có thể thoát được nạn.
Trong thời gian tờ báo gặp nhiều khó khăn, tôi có đến gặp ông Dương Đức Hiền và Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục…, các ông này đều bảo tôi:
“Các cậu có bao giờ lường được những nguy hiểm của công việc các cậu đang làm?”
Tôi đáp:
“Tờ báo chúng tôi ra cũng như tờ Độc lập của Đảng Dân chủ… Có điều gì đáng nguy hiểm?”
Anh Hoàng Văn Đức, người thật thà và cởi mở nói thẳng với tôi:
“Việc nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của việc ấy!”
Và nói thêm một câu bằng tiếng Pháp “Vous cherchez à franchir le Rubicon”.
(Rubicon là tên con sông ngăn cách nước Ý và xứ Gaule (nước Pháp cũ); César đưa quân La Mã sang bình định xứ Gaule, theo chỉ thị của Thượng nghị viện La Mã, César lúc rút quân về không được vượt qua sông Rubicon, trước đêm 11 và 12 năm 49 trước Công nguyên. César bất tuân thượng lệnh đã cho đại quân vượt sông Rubicon tiến thẳng về La Mã, do đó đã nổ ra cuộc binh biến chống Pompée và Thượng nghị viện La Mã. Thành ngữ “vượt qua Rubicon” có nghĩa cảnh báo một việc làm táo bạo chắc chắn sẽ mang đến một hậu quả nguy hại.)
Tôi về thuật chuyện với ông Phan Khôi. Nghe xong ông chép miệng và im lặng. ông Phan Khôi tỏ ra rất lo sợ. Càng lo sợ hơn là lúc được tin ngày 10 tháng 4 năm 1958 Sở Công an Hà Nội đã tiến hành khám xét và bắt những Thụy An, Phan Tại, Minh Đức, Nguyễn Hữu Đang. Trước đó đã có tin lớp chỉnh huấn được tổ chức tại ấp Thái Hà vào tháng 2 tháng 3 năm 1958. Trong số các văn nghệ sĩ được triệu tập không có tên tôi, cũng không có tên ông Phan Khôi. Ngay sau khi lớp chỉnh huấn Thái Hà ấp được tổ chức thì cũng bắt đầu những ngày tôi bị xét hỏi tại Bộ Công an.

Tôi bị gọi đến Bộ Công an, bị nhân viên của Bộ Công an và của Viện Công tố tra hỏi những nghi vấn về tờ báo Nhân văn do lớp chỉnh huấn Thái Hà cung cấp. Tôi biết gì thì trả lời biết, không thì trả lời không. Được đối đáp rành rọt như vậy một phần cũng nhờ cách hỏi cung và đặt vấn đề thẩm tra của Bộ Công an không o ép, không dùng phương pháp dọa nạt. Họ bảo tôi: “Chúng tôi cần anh nói thật, không thêm bớt tội trạng cho ai”. Tôi làm đúng theo lời của những người có trách nhiệm hỏi cung. Người theo dõi hỏi cung luôn luôn thay đổi, nhưng theo tôi nhận thấy ai cũng tỏ ra có thiện ý muốn biết rõ sự thật của vụ việc.
Có một điều làm tôi ngạc nhiên là trong thời gian thẩm vấn, không ai hỏi tôi một lần nào, một câu nào về ông Phan Khôi. Tất nhiên, kể từ thời gian đó, cả cái lương cấp cho một nhân sĩ lẫn tiêu chuẩn có người phục vụ của ông Phan Khôi cũng bị cắt hết.

Anh Văn Cao và một số anh em khác cho tôi biết ở lớp chỉnh huấn Thái Hà ấp có người tố giác tôi là gián điệp, nhận tiền của Pháp do ông Durand cấp và của quốc tế. Nhưng những người hỏi cung tôi không hỏi về vấn đề này. Tôi có ý kiến với họ và đề nghị được minh oan thì họ trả lời:
“Anh là gián điệp hay không thì chúng tôi đã có cách đối xử với anh, còn việc mọi người đấu tranh phát hiện là quyền của mọi người và của báo chí; chúng tôi không có trách nhiệm minh oan cho ai. Cách minh oan lớn nhất là cho đến nay là anh chưa bị bắt giam. Còn sau này anh có bị bắt giam hay không là do hành động của anh sau này.”
Tuy nói vậy, tôi biết sự đi lại và quan hệ của tôi đều có người theo rõi. Và suốt hơn mấy mươi năm trời cuộc đời tôi luôn luôn bị đặt dưới sự theo rõi của cơ quan công an. Âu đó cũng là một phương pháp vô hiệu hóa những phần tử bị xem là không tốt.

Qua tiếp xúc với một số anh em từng dự lớp chỉnh huấn ở ấp Thái Hà, tôi được biết ban lãnh đạo lớp học có thâm ý chia mọi người ra từng thành phần: tốp cơ bản, người lưng chừng, người xấu muốn trở thành người tốt, người tốt muốn trở thành người ưu việt. Do đó sau vụ đấu Nhân văn đã có những người cơ hội được đưa lên thành cấp lãnh đạo, thành người phụ trách, có chức vụ. Ban lãnh đạo lớp học dựa vào lòng yêu nước, yêu kháng chiến để kích động lòng căm thù, từ đó có những phát hiện và tố giác; họ đưa lên hội trường các bản báo cáo tham luận tố giác những ai có những hành động gì đó tỏ ra là làm gián điệp mật thám tay sai do địch cài lại… Do thế, không khí lớp học trở nên ngột ngạt. Có trường hợp, nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi đã bị đánh chảy cả máu mũi, chỉ vì người ta cho rằng anh không chịu hăng hái đấu tranh! Và anh Tạ Thúc Bình phải khóc lên: “Anh em cùng đi kháng chiến với nhau nay lại đối xử với nhau như kẻ thù!” (Những tin này đều do các anh Phạm Xuân Thi, Tạ Thúc Bình, Phùng Quán nói lại cho tôi biết; người đã đấm anh Thi là một họa sĩ hiện còn sống, tôi miễn nêu tên.)

Trong năm 1958, việc một số người như Thụy An, Phan Tại, v.v… bị bắt mà theo thông báo là do có liên quan đến chính trị, gián điệp, phá hoại đã gây một không khí khiếp sợ cho những văn nghệ sĩ từng tham gia báo Nhân văn hoặc các tập Giai phẩm, khiến họ không những bỏ cuộc mà còn đi ngược lại nguyện vọng lành mạnh, những ước nguyện đẹp đẽ muốn xây dựng một nền văn học nghệ thuật đổi mới, để biến thành những kẻ vô trách nhiệm trước phong trào do họ khởi xướng, bỏ rơi một số văn nghệ sĩ và trí thức nhiệt tình với phong trào mở rộng dân chủ và tự do sáng tác do họ nêu ra.

Thật ra, theo chỗ tôi biết, tại lớp chỉnh huấn ở ấp Thái Hà cũng vẫn ít nhiều có cơ hội để tranh cãi, phản đối trước những lời buộc tội, vu khống vô căn cứ. Song chính do sự khiếp sợ, khiếp nhược, những người lẽ ra phải làm như vậy đã không còn giữ được nhân phẩm để lên tiếng tự vệ, để bảo vệ sự chính đáng trong tư duy, trí tuệ của mình.
Lãnh đạo lớp học Thái Hà ấp, giống như những đối thủ của Achille, đã nắm rõ chỗ yếu của người anh hùng này là cái gót chân. (Achille là người anh hùng trong Iliade của Hy Lạp, - lúc sinh ra Achille, bà mẹ là Pélée đã cầm gót chân nhúng vào nước thần có phép biến Achille thành người không bao giờ bị tử thương, trừ cái gót chân nơi Pélée đã cầm để nhúng con vào nước phép. - Thành ngữ “gót Achille” trỏ cái nơi mà con người dễ bị tổn thương nhất.) “Gót chân Achille” của những người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam là lòng đất nước, yêu tổ quốc, đã bị khai thác và lạm dụng. “Đất nước”, “Tổ quốc” bị đồng nhất với thể chế, với những người lãnh đạo, cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước lẫn lãnh đạo từng ngành, kể cả lãnh đạo ngành văn nghệ! Thắc mắc với lãnh đạo, không tán thành với lãnh đạo, chê trách lãnh đạo, v.v…, - đều có thể bị quy dần, từ thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, đến chống chủ trương đường lối, chống cách mạng, chống Đảng, chống Tổ quốc.
Lớp chỉnh huấn Thái Hà ấp của Tố Hữu đã quy Nhân văn - Giai phẩm thành một biểu tượng về hoạt động chống Đảng, chống cách mạng, xem hoạt động Nhân văn - Giai phẩm là đi ngược lại tình cảm yêu đất nước, yêu tổ quốc. Lớp chỉnh huấn Thái Hà ấp của Tố Hữu đã thành công trong chiến thuật ly gián một tầng lớp văn nghệ sĩ, nhưng đã thất bại về chiến lược vì đã để lộ bản chất gian độc của họ.
Như vậy thông qua lớp chỉnh huấn Thái Hà ấp, lãnh đạo lớp đã gặt hái được một kết quả trái ngược với ý muốn của Đảng và Nhà nước. Một kết quả không thật, một kết quả ảo, để lại một hậu quả không hay cả cho anh em văn nghệ sĩ lẫn dư luận nước ngoài.
(Còn 1 kì)

Một câu hỏi còn chưa được trả lời (2)
Trần Duy

10/07/2009 1:02 sáng
http://www.talawas.org/?p=7296

Chuyên mục:
Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
Ông Trần Duy, hoạ sĩ, nhà báo và thư kí toà soạn của 5 số báo Nhân văn, là một trong những người trực tiếp tham gia và trở thành nạn nhân của Vụ Nhân văn - Giai phẩm. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỉ im lặng, ông công khai đưa ra cái nhìn hồi tưởng của mình về sự việc này. Chúng tôi tin rằng bài viết của ông sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích không phải chỉ cho việc đánh giá quá khứ mà còn cho nhận thức về những sự kiện đang diễn ra tại Việt Nam hôm nay. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
talawas blog
_______________

Viết về “trăm hoa đua nở”, và phong trào đấu tranh cho dân chủ, cho tự do sáng tác của Nhân văn - Giai phẩm, nhiều tác giả nước ngoài tuy có nêu lên nhiều góc cạnh, nhưng rõ ràng chưa có một công trình nghiên cứu nào tổng hợp được về sự cố Nhân văn - Giai phẩm, chưa nói đúng được về cái hoàn cảnh đã sinh ra Nhân văn - Giai phẩm, những hoàn cảnh của từng con người, từng cảnh ngộ.

Chính việc anh Phùng Cung bị bắt làm tôi rất lo sợ và đau buồn, vì Phùng Cung không tham gia Nhân văn ngoài bài viết “Con ngựa già của Chúa Trịnh” nhằm vào một nhân vật có tên tuổi trong Hội Nhà văn (Nguyễn Tuân). Nhưng vì anh Phùng Cung có một số bài viết đầu tay đã chuyển cho một số đàn anh xem để biết, rồi không hiểu bằng cách nào đó những bản thảo ấy lại vào tay lãnh đạo (tôi không được đọc những bài viết ấy). Phùng Cung bị bắt giam vào năm tháng nào không ai rõ, không có phiên tòa nào xét xử, không rõ tội trạng, chỉ biết theo lời anh Phùng Cung thuật lại thì anh bị giam trong một trại giam đặc biệt dành cho những tội phạm quốc gia nguy hiểm; việc đối xử trong trại giam như thế nào không ai biết, chỉ biết anh Phùng Cung sau 10 năm bị giam được thả về suốt ngày không nói với ai một lời nào, như người câm, vì theo lời anh: đã ngót 10 năm anh “không được làm người”.

Tôi nhớ một cuộc họp tại trụ sở Hội Nhà văn ở đường Nguyễn Du năm 1957 dưới sự chủ tọa của Hà Minh Tuân, Nguyên Hồng… người đến họp có đông văn nghệ sĩ, trong đó có Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần…, qua những câu hỏi, những lời xác minh của các anh Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần thì đúng Phùng Cung là tác giả của những bài viết kể trên, và như vậy bản án đã úp lên đời Phùng Cung một tội trạng. Tôi còn nhớ câu của Nguyên Hồng nói sau khi kết thúc buổi họp: “Các anh lúc bình thường đối xử với nhau có vẻ trí thức lắm, nhưng lúc có sự việc xảy ra thì các anh đối xử với nhau không bằng lũ chăn trâu!”. Ra đến cổng anh Nguyên Hồng vỗ vào vai tôi và bảo: “Đã biết sợ chưa!”.
Quả tình tôi rất sợ, tất nhiên sợ về pháp luật là chính nhưng sợ hơn nữa là nhân tâm con người, sự tàn nhẫn của những con người đã bán rẻ nhân phẩm của mình để tự cứu mình, giẫm lên sinh mạng của những người khác để tự thoát thân.

Con người tôi lúc bấy giờ xen lẫn sự tuyệt vọng, sự chán nản cùng với sự sợ hãi, nghèo khó và cô đơn…
Tôi nhìn lại đống bút và màu bỏ xó ngót một năm, bỗng nhiên tôi thấy mình đã phụ bỏ một ai đó đã từng lẽo đẽo theo mình! Tôi thử cầm lại bút… nhưng việc trở lại với nghệ thuật không đơn giản như tôi muốn… Vẽ cái gì? Vẽ cho ai? Vẽ để làm gì? Và bản thân mình phải biết rõ mình là ai để vẽ!

Tôi có ý định viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi có một thầy dạy học cũ tên là Phạm Cư Hài nguyên làm việc tại ngân hàng, là bạn thân với Thủ tướng. Tôi viết thư cho Thủ tướng trình bày những khó khăn trong đời sống trong nghề nghiệp, và đề nghị được Thủ tướng giúp đỡ. Tôi nhờ thầy dạy chuyển hộ lá thư. Trong thời gian chưa quá một tuần Phủ Thủ tướng trả lời tôi qua Đảng ủy Bộ Văn hóa do ông Võ Hồng Cương phụ trách. Tôi được gọi đến nhà riêng ông Võ Hồng Cương ở đường Lý Thường Kiệt; ông Võ Hồng Cương vẫn nằm trên võng hỏi tôi như mắng: “Tại sao anh lại có đơn trực tiếp lên Thủ tướng?”, tiếp đó ông hỏi tôi “Anh còn vẽ được không?” và giới thiệu tôi đến Sở Văn hóa Hà Nội.
Tôi đến làm việc tại Công ty Mỹ thuật, tham gia những triển lãm: đấu tranh thống nhất đất nước, chống Mỹ Diệm, vẽ tranh áp-phích chính trị nhưng không được ký tên Trần Duy vào tranh. Với tôi, tham gia đề tài chính trị là cơ hội để có sự hiện diện của tôi trong cuộc đấu tranh cùng đất nước và dân tộc, mà có những tổ chức lúc bấy giờ muốn gạt bỏ tôi. Tôi cũng biết ở Công ty Mỹ thuật của Sở Văn hóa Hà Nội, ban lãnh đạo sử dụng tôi chỉ như một người thợ vẽ; thời gian ấy cơ quan văn hóa dùng tôi như dùng một người đang trong thời gian cải tạo lao động.
Tôi làm việc ở Công ty Mỹ thuật được ít lâu, thấy không kham nổi vì phải vẽ ngày này qua ngày nọ theo đơn đặt hàng như một cái máy… Đề tài cạn kiệt, bút pháp trở nên nhàm chán và tôi đã xin thôi việc, mà hễ nghỉ việc là không có lương. Cùng thời gian đó tôi được gọi lên Bộ Công an và được hỏi:
“Hiện nay anh có yêu cầu gì? Nguyện vọng của anh là gì?”
Tôi trả lời: “Tôi chỉ muốn được đi vẽ”, và thuật lại việc tôi đi vẽ Chùa Thầy bị bắt giam ở một điểm gác, may sao hôm ấy có ô-tô của ông Song Hào đi qua, ông thấy tôi và nhận cho tôi về. Do đó tôi có đề nghị được cấp giấy cho phép đi vẽ, vì lúc ấy Hội Mỹ thuật đã khai trừ tôi. Bộ Công an cho tôi giấy được đi vẽ với lời dặn: “Giấy này anh chỉ được dùng lúc có công an và an ninh địa phương xét hỏi”. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có lời dặn như vậy?

Trong thời gian khó khăn ấy có nhiều cơ quan như XUNHASABA đặt tôi làm bưu thiếp, tranh lụa nhỏ của tôi ký bằng một tên khác: “Nhị Hà”, tên con gái tôi. Nhà xuất bản Quân đội cho tôi dịch và trả tiền đếm theo nghìn chữ. Tôi đã dịch những cuốn: Người Lô Lô, Histore d’une paix manquée (Lịch sử một nền hòa bình bị phá sản), các bản dịch này được trả công nhưng sách thì không được xuất bản. Có nơi thuê tôi khắc tranh gỗ (báo Vietnam, En Marche). Như vậy, tôi hiểu rằng, tuy có sự đố kỵ trong từng địa hạt, nhưng nói chung trên đất nước này và giữa dân tộc này, tôi và gia đình tôi vẫn còn được che chở, được giúp đỡ để có thể sống qua những tháng ngày gian khổ. Đó là một động lực giúp tôi sống và làm việc.
Tôi nghĩ: Cái phản bội lớn nhất là mình phản bội mình. Tôi không phản những gì tôi đã làm, đã viết, đã vẽ trong quá trình phục vụ dân tộc và đất nước tôi. Đó là lý do trong một thời gian dài tôi không quan tâm đến những điều mà nhiều người đã hiểu lầm về tôi, hiểu sai về tôi, người thì xem tôi là công an, người lại cho tôi là gián điệp, là phản động, là tất cả những gì xấu xa về một con người tham gia chính trị.

Tôi cam chịu mọi đối xử bất công cho đến năm 1987 ông Nguyễn Văn Linh có lệnh “cởi trói”, tôi được phục hồi tư cách Hội viên Hội Mỹ thuật, được vẽ như mọi người được vẽ, viết như mọi người được viết… Các bài báo tôi viết, khi đăng đều không có một ý nào bị bác bỏ. Hai cuộc triển lãm của tôi (vào các năm 1997, 2004) được công chúng và các cơ quan hữu quan ủng hộ, cổ vũ. Các sách tôi viết được in ra, bán các nơi không gặp trở ngại nào.
Những điều ấy tôi có được không do tôi xin xỏ và cầu cạnh, mà chính là những quyền và khả năng của tôi đã bị một số người tước bỏ thì nay cuộc sống công bằng đã trả lại cho tôi.
Trong thời gian im lặng của tôi, có người cho là tôi đã cộng tác với công an và phản bội phong trào… Tôi không phản bội ai, nhưng tự tôi thấy, tôi không thể đứng cùng hàng ngũ những người đã phản bội ngay chính cái tư tưởng đẹp mà họ đã từng có. Tôi đã được biết thời kỳ các anh Trần Dần, Tử Phác bị bắt giam, bị xử lý bất công. Hình ảnh của các anh ấy trong thời kỳ đấu tranh cho tự do sáng tác văn nghệ đã để lại trong tôi một niềm mến phục. Bỗng, với những tin tức về lớp chỉnh huấn ở Thái Hà ấp, những tâm hồn ấy, ở những con người ấy, đã không còn nữa!
Và như vậy, sự thay đổi ở tôi không có nghĩa là tôi đã cộng tác với công an và bán rẻ anh em. Cơ quan công an qua nhiều kinh nghiệm đã bình tĩnh nghe và cân nhắc nên không nhất nhất dựa vào những tố giác của lớp Thái Hà ấp, do đó đã không có những bắt bớ tràn lan.
Nếu có những vụ bắt các anh Trần Dần, Tử Phác lúc còn ở Văn nghệ Quân đội thì đó là do ông Tố Hữu ra lệnh cho Văn Phác bắt. Trần Dần dùng dao cứa cổ, được đưa đi bệnh viện; việc ấy đến tai ông Nguyễn Chí Thanh nên Trần Dần và Tử Phác được tha. Như vậy ngày các anh Trần Dần và Tử Phác bị bắt (tháng 2/1956) xảy ra trước ngày báo Nhân văn ra đời (20/9/1956) hơn 7 tháng. Tất nhiên không thể nói các anh bị bắt vì báo Nhân văn.
Vụ bắt bà Thụy An và các ông Phan Tại, Minh Đức và sau cùng là Nguyễn Hữu Đang (tháng 4/1958), theo tôi, là do nhiều nguyên nhân chính trị mà một người như tôi không thể biết rõ hết được. Khi xử án 5 nhân vật này (người thứ 5 là Lê Nguyên Chí, bị tố giác là tìm đường chạy trốn cho Nguyễn Hữu Đang, phiên tòa diễn ra ngày 19/1/1960),
tòa đã kết họ vào tội “gián điệp chính trị”, “phá hoại hiện hành”, nhưng tựu trung, trung tâm sự việc “phá hoại hiện hành” có thể kể tên ra được vẫn là việc ra báo Nhân văn. Tại phiên xử ấy chỉ có một người của Nhân văn (Nguyễn Hữu Đang) là bị cáo, nhưng tòa gọi đến 5 người khác trong Nhân văn ra hầu tòa với tư cách nhân chứng (Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy, Trần Dần, Tử Phác). Đây cũng là cách xử cả bọn “cua cùng một rọ”. Án tuyên xử tuy khác nhau, nhưng lời răn đe của bản án cũng chỉ là một.
Có điều này, tôi cũng đã trình bày ở các phiên hỏi cung tại Bộ Công an. Tôi đã khai: suốt trong thời kỳ báo Nhân văn phát hành, tờ báo không có một quan hệ nào với bà Thụy An về bài vở, về thơ văn. Đó là sự thật.
Tôi còn nhớ có lần anh Lê Đạt đưa tôi bài thơ “
Cái lược” ký tên Thụy An và nói: “Cậu thu xếp đăng bài này”. - Tôi hỏi ý kiến ông Phan Khôi, ông ấy bảo tôi: “Không nên cộng sự với những người trước đây ở nội thành”. - Và tôi đã trả lại bài thơ này cho Lê Đạt…
Tôi cũng có thể nói: báo Nhân văn không có quan hệ gì với Phan Tại và đoàn kịch của ông này. Thời kỳ làm báo Nhân văn tôi có nhận được một số giấy mời xem những đêm kịch do đoàn Phan Tại tổ chức tại rạp Tháng Tám. Nhưng tôi không đến xem một đêm diễn nào. Chỉ biết sau khi Nhân văn đã bị đình bản, thì mới có việc một số văn nghệ sĩ, trong đó có Lê Đạt, Thúy (vợ Lê Đạt) và Nguyễn Hữu Đang có đến chơi với bà Thụy An tại nhà Phan Tại ở phố Trần Quốc Toản (trong chuyện này, mối quan tâm chủ yếu của Đạt hình như chỉ là tìm kiếm một vài món phấn son cho cô vợ trẻ đẹp, giữa một Hà Nội đang hiếm dần các mặt hàng trang điểm “xa xỉ phẩm” mà thôi). Quan hệ ấy là do cá nhân những người ấy chịu trách nhiệm, không thể mang danh nghĩa báo Nhân văn, vì lúc ấy Nhân văn đã bị đình bản rồi.

Bà Thụy An không cùng thế hệ với tôi, nhưng thời bà phụ trách báo Đàn bà trụ sở ở góc đường Wiellé (nay là đường Tô Hiến Thành), tôi cũng được biết ít nhiều về vai trò của bà trong giới cai trị người Pháp ở Hà Nội vào những năm 1939 - 1943. Do đó tôi tự xem không cùng vai vế để quan hệ với bà Thụy An.
Như vậy, bà Thụy An và Phan Tại không hề có quan hệ nào với báo Nhân văn. Việc ghép cho thành mối quan hệ chính trị giữa một nhóm văn nghệ sĩ đấu tranh cho tự do sáng tác lành mạnh (vừa đi kháng chiến chống Pháp về) với nhóm Thụy An có tiền sử chính trị gắn với đế quốc chỉ là một chủ trương tuyên truyền, nhằm biến Nhân văn - Giai phẩm thành một bọn xấu, bị bọn tay sai đế quốc nằm vùng chỉ đạo và sử dụng.
Cùng lúc tờ báo bị đóng cửa thì cũng là lúc người thủ quỹ của báo trốn đi mang theo số tiền bán báo. Lai lịch người này tôi không biết rõ, chỉ biết là người được Nguyễn Hữu Đang nhận vào. Ông Phan Khôi nói với tôi: số ngân phiếu bưu điện của độc giả gửi đến mua báo và ủng hộ báo thì nên đem nộp trả lại người gửi qua bưu điện, để tránh những liên quan về tài chính với những nơi mình không quen biết. Như vậy khi tờ báo bị đóng cửa là lúc mọi người đều trắng tay. Cũng may mà không còn công nợ với ai, với tổ chức nào.
Nói như vậy để kết luận báo Nhân văn không có bất cứ một quan hệ tài chính nào với bất kỳ một tổ chức ngoại quốc nào, một cá nhân người nước ngoài nào. Nó tự nuôi nó và lúc chết trắng tay.

Nếu muốn nhìn lại thì theo tôi, cần nhìn lại từ những ngày đầu tháng 3 năm 1955, thời gian mà Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Hoàng Yến ở Phòng Văn nghệ Quân đội chủ trương phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Trong lúc ấy thì Xuân Trường trên báo Nhân dân, Xuân Diệu trong 2 số báo Văn nghệ (tháng 2/1955) lại tung hô hết lời khen tập thơ này. Ông Phan Khôi nói với tôi: “Không ai cấm người làm thơ dở. Nhưng cái không may là người làm thơ dở lại làm người lãnh đạo”!

Bản dự thảo của nhóm văn nghệ sĩ là quân nhân (Trần Dần, Tử Phác, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, v.v…, sau đó Đỗ Nhuận đã từ bỏ các chủ trương của dự thảo này, quay lại đánh Trần Dần, Tử Phác) đề nghị một số chính sách văn hóa văn nghệ trong quân đội như trả quyền lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ, đòi quyền tự do sáng tác, tách văn nghệ sĩ ra khỏi quy chế quân nhân - là những yêu cầu tiến bộ nhằm tạo điều kiện cho tự do tư tưởng, cho việc đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có điều là nó trái ngược với chủ trương của nhóm văn nghệ sĩ đang nắm quyền lãnh đạo văn nghệ từ Việt Bắc trở về, muốn lấy thơ Tố Hữu với tập Việt Bắc làm mẫu mực duy nhất, muốn tạo ra một nền văn nghệ chỉ huy với Tố Hữu là thống soái.

Việc đề nghị cải cách chính sách văn nghệ (trong quân đội) rốt cuộc đã bị xem là hoạt động của bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ (đây là kết luận trong báo cáo kết quả chống Nhân văn - Giai phẩm của Tố Hữu). Và việc phê bình tập thơ Việt Bắc củaTố Hữu bị xem là đánh vào sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng! Rõ ràng đây là sự hoàn tất một mưu toan loại trừ một bộ phận văn nghệ sĩ bằng cách quy kết họ là thuộc hàng ngũ kẻ thù chống cách mạng, chống kháng chiến! Tố Hữu đã tự phong cho mình là thần tượng văn thơ cách mạng Việt Nam, và những ai chống Tố Hữu và thơ Tố Hữu nghĩa là chống cách mạng, chống Đảng, chống lại tổ quốc!

Nói một cách khác, vụ việc Nhân văn đã không được xét xử theo luật pháp nhà nước mà được xét xử theo yêu ghét của một số người lãnh đạo văn học nghệ thuật; theo chữ nghĩa thì đó là lynchage (là một thứ luật ở châu Mỹ dùng để xử gọn một đối tượng có lỗi đối với một số người), do đó sẽ thấy được việc một số người có quyền phán xử đối với những người yếu thế và không cùng xu hướng nghệ thuật với họ.

Vụ việc phê bình tập thơ Việt Bắc nổ ra hoàn toàn không phải là do một nhóm chống Đảng hay phản động nào mà thật ra là do một nhóm văn nghệ sĩ dám công khai phê phán thơ của Tố Hữu, thơ của một nhà lãnh đạo văn nghệ, là thiếu chất sống thực tế, là nhạt nhẽo, là nịnh lãnh tụ một cách đao to búa lớn, là lười tìm tòi, v.v… Điều nguy hại nhất là việc Lê Đạt buộc tội thơ của nhà cách mạng này là có “tính chất tiểu tư sản”, và Trần Dần châm biếm: “tí ti căm thù, tí ti tình cảm”, v.v…

Như vậy lớp học Thái Hà ấp chỉ nhằm đánh chết nhóm cầm đầu chống Tố Hữu và thơ Tố Hữu. Chính vì họ chống Tố Hữu và thơ Tố Hữu nên Tố Hữu đã tìm mọi cách quy nhóm này vào tội chống cách mạng, chống Đảng, phản quốc. Một số nhà thơ trẻ và mới như Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Văn Cao chẳng có tư tưởng và hành động gì chống Đảng mà chỉ có ý đồ chống “lối đàn anh” trong văn đàn của nhà thơ Tố Hữu. Vụ việc Nhân văn - Giai phẩm bắt đầu chỉ từ mâu thuẫn giữa các thi sĩ sáng tác và thi sĩ lãnh đạo! Giới văn nghệ sĩ lãnh đạo đã dựa vào những luật bất thành văn để o ép, nạt nộ và chụp mũ chính trị lên đầu giới văn nghệ sĩ sáng tác. Tôi cũng chỉ là một người bất hạnh nằm trong số những người bất hạnh muốn đi tìm một cánh cửa mở để được thở không khí trong lành.

Vì sự trừng phạt ấy, tôi khốn khổ cả một cuộc đời. Vì tôi dính Nhân văn mà gia đình bên nội bên ngoại liểng xiểng; thằng em tôi, một đại tá quân đội, đã khai chệch tên đệm (lẽ ra Trần Quang…, nhưng đổi ra Trần Hoàng…) đồng thời khai rằng chỉ là con nuôi của bố mẹ tôi, tất cả chỉ để khỏi liên đới, liên quan; anh em không nhìn mặt nhau vì cái lý lịch dính Nhân văn của tôi, mẹ tôi biết, đau khổ nên mất sớm. Cái lý lịch dính Nhân văn của tôi cũng gây khốn đốn cho chuyên môn của vợ tôi, một phiên dịch tiếng Đức kỳ cựu của Bộ Văn hóa từ thời Bộ trưởng Hoàng Minh Giám; lại thêm việc tôi bắt vợ tôi ra khỏi Đảng, thành ra sự tiến thân của vợ tôi càng khó khăn, chứ lẽ ra với học vấn rất tốt của mình, bà ấy phải hanh thông lắm. Cho đến sau này, vì lý lịch tôi dính Nhân văn mà thằng con tôi được giải kiến trúc của nước ngoài, lúc đầu không được nhận, phải nhờ can thiệp, mãi sau mới được nhận.

Sau vụ bom Mỹ cuối 1972, nhà 62 Khâm Thiên của gia đình tôi bị sập nát, vợ tôi được mang con cái vào ở tạm tại khu nhà nhân viên trong khuôn viên Bộ Văn hóa ở phố Ngô Quyền, riêng tôi thì bị cấm không được vào đó. Thời kỳ miền Bắc bị chiến tranh phá hoại, mỗi khi trận ném bom đang diễn ra trên đầu mình, nhất là khi bom đang ném xuống phố Khâm Thiên mà tôi đang ở, tôi thường tự hỏi: nếu bị bom giết chết, tôi sẽ được chết như một người Việt ngay hay là người Việt gian?

Trôi lên giạt xuống trong một thời gian dài với một số lương trợ cấp là 50 đồng/tháng của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 5 người: Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Trần Duy, thì một hôm, sau ngày “cởi trói”, Lê Đạt báo cho tôi biết: “Có thể theo chỉ thị của ông Lê Đức Thọ, bọn chúng mình được xét về hưu”!
Hôm ký lương hưu, sau khi đã xem những giấy tờ chứng nhận hoạt động của tôi trên các chiến trường, anh Nguyễn Đình Thi, chủ tịch Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nói với tôi:
“Việc lương hưu của anh không do Hội quyết định; chúng tôi chỉ biết thi hành.”
Và mức lương hưu của tôi được hưởng là mức lương hưu cho cán bộ cấp huyện. Như vậy thời gian đóng góp cho kháng chiến chống Pháp của tôi xem như bị xóa sổ.
Nhưng oan khổ ấy, phần tôi, tôi xin chịu.
Riêng điều làm tôi ân hận suốt đời là việc tôi, là phóng viên báo Nhân văn, đã mời các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường và bác sĩ Đặng Văn Ngữ cho ý kiến về tự do, dân chủ, nhằm đưa ra kiến nghị để lãnh đạo tạo cho họ những phương tiện thuận lợi trong việc nghiên cứu về khoa học. Sự tố giác của lớp học Thái Hà ấp quy Nhân văn thành một tổ chức phản cách mạng đã bôi nhọ ý nguyện đẹp đẽ ấy và khiến cho các nhà trí thức kể trên bị đối xử trong một thời gian dài là những phần tử xấu.

Gặp tôi, bác sĩ Đặng Văn Ngữ khi còn sống, lần nào cũng băn khoăn hỏi:
“Anh nói rõ cho tôi biết Nhân văn của các anh là thế nào?”
Câu hỏi ấy, tôi nghĩ, là câu hỏi của Đất Nước mà cho đến nay vẫn còn chưa được trả lời.
Thiết nghĩ, những người nên sớm trả lời sẽ không phải ai khác hơn là những người đã có lần lên tiếng, dù do nhận thức lúc ấy hay chỉ do a dua, đã lên án phong trào Nhân văn - Giai phẩm là gián điệp, là chống Đảng, là phản cách mạng, là phản quốc.

Thời gian đã trôi qua tròn nửa thế kỷ. Ngày mai, liệu có còn ai hiểu vấn đề và biết sự việc để có thể trả lời?

Tháng 5 - tháng 6/2009
© 2009 Trần Duy
© 2009 talawas blog

No comments: