Saturday, July 11, 2009
NGUYỄN HỘ : KHÍ TIẾT MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN THỨC TỈNH
Nguyễn Hộ: Khí tiết một Người Cộng Sản thức tỉnh
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 10/07/2009 lúc 17:37:16 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3935
Giữa tháng Tư năm 2007, Đài BBC loan tin nhân ngày 30/4 năm nay, Ban Việt ngữ của đài sẽ phát thanh nhiều kỳ cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Việt do phóng viên Xuân Hồng thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn, ông Kiệt có đề cập đến hai đồng chí thân thiết là Nguyễn Hộ và Trần Bạch Đằng. Ngày 16/4/2007, ông Đằng qua đời. Ông Kiệt đã đến dự tang lễ và ghi vào sổ tang “Anh là đồng chí, là nhà cách mạng kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và giàu nghị lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoài bão của anh”. Không biết hoài bão của TBĐ là gì, nên tôi để tâm theo dõi các lời phát biểu của ông Kiệt trong các buổi phát thanh sau ngày 30/4/2007. Rất tiếc, không hiểu vì lý do gì đài BBC không phát thanh phần này. Tháng Sáu năm sau, ông Kiệt qua đời và ngày 1/7 vừa qua, đến lượt ông Hộ vĩnh viễn ra đi. Cả ba ông đều là những cán bộ CS lão thành mà người CS thường gọi là lớp cán bộ Cách mạng mùa Thu, đã tham gia việc giành và cướp chính quyền ở Nam Kỳ hồi tháng Tám 1945.
Sau Hiệp định Genève 1954, đa số cán bộ mùa Thu đều tập kết ra Bắc, chỉ trừ một số thành phần cốt cán, trung kiên, được ông Lê Duẩn gài lại MN để phát động phong trào và gây chiến sau này, trong đó có ông Kiệt và Đằng. Còn ông Nguyễn Hộ từ cuối năm 1952 đến 1955 bị đau nặng nằm trong bệnh viện nên được tập kết ra Bắc để được tiếp tục điều trị. Đến năm 1964 vợ chồng ông hồi kết trở về tiếp tục hoạt động. Ông phụ trách công tác dân vận, Hoa vận và công đoàn thuộc khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, trong khi ông Đằng phụ trách công tác trí vận và ông Kiệt là thường vụ chính trị.
Sau 30/4/1975, số cán bộ tập kết lão thành lần lượt trở về MN. Trong làn sóng chuyên viên được đảng và nhà nước CS ở Hà Nội cử vào Nam tái thiết và xây dựng có Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông đã sống 26 năm ở Pháp từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Trở về MN gặp lại một số bạn học cũ hồi kết, ông viết một loạt phóng sự diễn tả tâm trạng của họ trong những ngày đầu Bắc Nam thống nhất, gia đình đoàn tụ. Niềm tự hào của kẻ chiến thắng trở về chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu họ đã nhận thức được “cái phồn vinh của Mỹ Ngụy” để lại là tốt đẹp thực sự chớ không phải “phồn vinh giả tạo” như tuyên truyền. Từ đó, họ liên tưởng đến “cái ưu việt Xã hội chủ nghĩa” ở Miền Bắc, ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu. Đem so sánh cái phồn vinh giả tạo và cái ưu việt XHCN, họ đã nhận chân được sự khác biệt giữa hai hệ thống xã hội xã hội kinh tế chính trị đối nghịch.
Khi nhà nước CS cho đổi tên hai con đường lớn ở Sài Gòn: đường Công Lý trước 1975 chỉ có một chiều nay đổi thành tên mới Nam Kỳ Khởi Nghĩa, được lưu thông hai chiều. Còn đường Tự Do trước đây cấm xe xích lô và xe đạp nay đổi tên mới là Đồng Khởi mọi thứ xe đều có thể đi lại trên con đường này. Nhân đó, người dân MN mỉa mai chế độ mới qua bốn câu thơ truyền khẩu: “Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý. Đồng khởi lên rồi mất Tự do. Công lý một chiều công lý có, Tự do hạn chế, tự do còn”. Những câu thơ đầy ý nghĩa đó càng làm cho họ suy nghĩ, ngán ngẩm không muốn ra ngoài. Còn trong gia đình, thì vợ con luôn phàn nàn khi so sánh tình hình MN trước và sau ngày “giải phóng”, kèm với những lời cay đắng phũ phàng: “phải chi ông đừng về, phải chi ba đừng về thì tốt biết mấy!”. khiến họ đâm ra có mặc cảm nặng nề về sự hiện diện của mình: mình đem gì về cho gia đình vợ con nói riêng và đồng bào đất nước nói chung, hạnh phúc hay đau thương?
Từ những mặc cảm trên, những người cách mạng tập kết sống sót trở về sau khi làm tròn nghĩa vụ -một nghĩa vụ không ngờ kéo dài những 30 năm- họ chỉ còn một phần thưởng tinh thần để an ủi, là trở về quê hương bản quán trong sự chờ đón hãnh diện của xóm giềng thân thuộc. Nhưng đa số đều vỡ mộng, không những họ đã mất cả quãng đời thanh xuân mà giờ đây còn mất cả niềm hy vọng ở tuổi cuối đời. Nhiều người trở về không dám nhìn thân nhân quyến thuộc, không dám tìm về nơi chôn nhau cắt rún, vì họ sẽ trả lời như thế nào khi nhà nước đưa thân nhân con cháu họ đi học tập cải tạo, khi chính quyền địa phương tịch thu ruộng vườn nhà cửa của anh em cha mẹ họ. Và còn rất nhiều điều bất ưng bất toại sẽ được đảng và nhà nước đem tới cho họ, xâm phạm nặng nề những quyền riêng tư cố hữu của người dân MN. Đó là chưa kể đến tâm trạng phập phòng lo sợ “truy liên quan” mà họ đã chứng kiến trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc trước đây.
Những ray rứt này biểu lộ ngày càng rõ nét đối với những con người MN vốn có tính bộc trực ăn ngay nói thẳng, một số khác buồn tình sinh ra tiêu cực hoặc rút lui Cuối cùng nếu không tự ý, thì cũng được mời về hưu, ngồi chơi xơi nước để suy ngẩm tình đời. Còn ba ông cán bộ CS trung kiên Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hộ và Trần Bạch Đằng, do hoạt động lâu năm ở MN, họ không bị “sốc” trong buổi đổi đời. Mỗi ông có cách hành xử riêng. TBĐ đã tiên liệu được thảm cảnh của MN một khi CS Hà Nội thắng trận, nên sau biến cố Tết Mậu Thân ông đã tập trung nỗ lực hầu có thể xoay đổi thế cờ chính trị cho MN. Hậu quả từ 1991 ông đã bị hạ bệ. Tuy nhiên trong buổi cuối đời ông vẫn đeo đuổi hoài bão của mình. Ông VVK thì khôn khéo, biết lợi dụng giới thương gia người Hoa và sử dụng các chuyên viên kinh tế tài chánh VNCH để từng bước giải quyết các khó khăn của chế độ mới. Ông can đảm phá những rào cản của chế độ quốc doanh.
Còn ông Nguyễn Hộ thì bộc trực, khẳng khái, đấu tranh giữa cái đúng và cái sai. Trước tình trạng phân hoá, nghèo đói, lạc hậu của đất nước, năm 1988 Nguyễn Hộ thành lập“Câu lạc bộ kháng chiến” qui tụ những thành phần nòng cốt của MTGPMN trước đây. Họ là những người thực sự yêu nước, đã tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt chân trở lại Sài Gòn. Họ gia nhập Đảng CS vì tin tưởng ông HCM là một nhà ái quốc chân chính đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đến đầu thập niên 1960, ông HCM vẫn còn khoác chiếc áo dân tộc để phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam. Chính vì đó nhiều người yêu nước hăng hái tham gia MTGPMN. Nhưng từ sau 1975, được biết thế nào là xã hội chủ nghĩa, họ lên tiếng tố cáo Đảng CS đã lừa gạt nhân dân miền Nam và cướp công kháng chiến Nam bộ. Họ khẳng định: “Chính đảng CS là nguyên nhân làm cho đất nước điêu tàn”. Rất nhiều đảng viên rời bỏ đảng, ly khai khỏi đảng. Điển hình là Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh) nguyên chánh văn phòng Ban Dân vận/ Thành uỷ (HCM): “Tôi cũng như đại đa số đồng bào VN mang hoài bão giành độc lập cho tổ quốc, đem lại tự do dân chủ cho nhân dân, để xây dựng nước VN giàu mạnh, đồng bào ấm no hạnh phúc. Tôi tham gia đảng CSVN từ hoài bão đó”. Còn Hồ Hiếu đã phát biểu khi nhận quyết định khai trừ khỏi đảng: “Khi một đảng hợp lòng dân và đấu tranh tích cực cho nền độc lập dân tộc thì vào đảng là điều kiện cần thiết. Nhưng khi đảng đó đã trở nên suy thoái biến chất, đi ngược lòng dân thì ra đảng cũng là điều cần thiết, tránh ân hận và ray rứt lương tâm”.
Một dân tộc vốn có truyền thống yêu nước, nên từ người yêu nước trở thành người CS là điều dễ hiểu. Song một người CS, khi “công thành danh toại” đầy đủ đặc quyền đặc lợi, lại can đảm từ bỏ đảng khi thấy đảng không còn phục vụ cho lợi ích của dân của nước, là một điều hiếm quý vô cùng. Họ là những người khí tiết “Phú quý bất năng đam, uy vũ bất năng khuất”. Điển hình là Nguyễn Hộ:
“Tôi làm cách mạng 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: anh ruột và vợ tôi. Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân VN đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục”. Do đó tôi ly khai khỏi đảng CSVN, rời thành phố về sống ở nông thôn để tiếp tục đấu tranh vì dân chủ tự do vì hạnh phúc của nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
Tôi và một số anh em thuộc Câu lạc bộ kháng chiến bị đàn áp. Chúng tôi được nếm mùi còng sắt của đảng CSVN -cũng giống như còng sắt của đế quốc ngày xưa, rồi bị giam, bị quản thúc, trở thành người hoàn toàn bị mất tự do, cách ly với thế giới bên ngoài. Tôi bị bắt ngày 7/9/1990 trên sông Sài Gòn lúc 7 giờ sáng khi tôi bơi xuồng vừa cập bờ định bước vào đám ruộng cạnh đó để hái rau má, rau đắng về ăn. Đúng vào thời điểm ấy, một chiếc ghe lớn đang chạy trên sông cặp sát xuồng tôi…Hai công an đồng loạt nắm hai tay tôi, kéo mạnh ra phía sau rồi còng ngay. Họ xô mạnh tôi chúi mũi và tuột xuống đáy ghe. Sau đó tôi được điều lên xe hơi và đổi còng từ phía sau ra phía trước với bộ y phục quần xà lỏn đen và cái áo đen ngắn tay đã xuống màu, họ giải tôi về một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Sau hơn bốn tháng bị quản thúc, tôi được đưa về quản thúc tại gia vào ngày 30 Tết đầu năm 1991. Mấy năm sau, tôi đã được bạn bè thông báo rằng người ta định dùng bạo lực bắt tôi đưa về nhà giam. “Họ cứ tới đây, ngôi nhà ở đường Trần Quốc Thảo này sẽ biến thành ngôi mồ chôn chế độ cộng sản”.
Từ khi ly khai đảng CSVN, tôi thấy mình hoàn toàn tự do, hoàn toàn được giải phóng. Bây giờ trên đầu tôi không còn bị kèm kẹp bởi cái “kềm sắt” của chủ nghĩa Mác Lê Nin, của đảng CS nữa. Do đó nó cho phép tôi dám nhìn thẳng vào sự thật và dám chỉ ra sự thật, đặc biệt trong tình hình sụp đổ của Đông Âu và sự tan rả của LX. Ở Đông Âu, không phải quân đội Mỹ kéo vào để lật đổ các nước XHCN và các nước CS tại đây mà chính là nhân dân, trong tay không có một vũ khí nào đã đứng lên thực hiện sự lật đổ ấy. Đó là do lòng căm phẩn cao độ của họ đối với chế độ và sự lãnh đạo của các đảng CS đã trở nên lỗi thời không còn phù họp nữa. Nguyên nhân cơ bản là vì các đảng CS sau khi giành được chính quyền rồi thì ngày càng quan liêu, xa rời quần chúng, độc đoán chuyên quyền, độc tài tàn bạo, coi thường tâm tư nguyện vọng và yêu cầu của quần chúng, thậm chí chà đạp lợi ích của họ.
Tại Liên Xô, từ Tổng bí thư đảng CS, các uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị đến các uỷ viên tỉnh uỷ, thành uỷ…cùng với nhân dân Xô Viết các dân tộc trong liên bang đã đứng lên thực hiện sự phủ định đối với đảng CS và Liên bang Xô Viết, thì không có sức mạnh nào có thể ngăn cản nổi. LX trung tâm của phong trào CS thế giới bị sụp đổ không phải do sức mạnh từ bên ngoài mà chính do sức mạnh của lòng dân.
Đảng CSVN ngày nay đã biến chất, trở thành một cản trở lớn trên con đường phát triển của dân tộc, bất chấp sự phán kháng của nhân dân, quyết duy trì chuyên chế độc tài dựa vào bạo lực, để chà đạp lên nguyện vọng về dân chủ tự do của nhân dân. Mặc dù luôn tự xưng là “đảng tiền phong giải phóng dân tộc” nhưng suốt mấy mươi năm cầm quyền, là mấy mươi năm đảng đã tước đoạt các quyền tự do dân chủ cơ bản của nhân dân, giam hãm nhân dân trong mê muội, tối tăm, từ đó tạo sự khiếp sợ rộng khắp cả nước. Đảng CSVN với hơn 60 năm lãnh đạo cách mạng và do không biết tự sám hối, nhạy cảm trước các biến đổi của lịch sử, ngày nay đã trở thành chướng ngại lớn trên con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc VN.
Khác với trước đây, khi còn là đảng viên của đảng CSVN -một thứ tù binh của đảng- tôi chỉ biết nói và suy nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ. Còn hiện nay tôi suy nghĩ rất thoải mái, không bị một hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải phóng. Bởi vậy, tôi tự phát hiện cho mình nhiều điều lý thú, khám phá ra những điều nghịch lý. Chủ nghĩa xã hội được coi là ưu việt, xuất phát từ của chung (sở hữu công cộng) luôn luôn vì lợi ích của xã hội (không có của riêng, không có lợi nhuận, không có giai cấp người bốc lột người) nhưng trong tác động thực tiễn lại dẫn đến những hậu quả hoàn toàn khác hẳn: kinh tế bị phá hoại nghiêm trọng bởi chính sách cải tạo XHCN, năng suất lao động thấp kém, hàng hoá đơn điệu, thiếu thốn không đáp ứng nổi các yêu cầu cấp bách của xã hội, đất nước lâm vào cảnh nghèo nàn lạc hậu triền miên, nhân dân sống cơ cực, lầm than đói rách, không hề có dân chủ tự do.
Trái lại, Xã hội tư bản -thừa nhận của riêng, lợi nhuận, có giai cấp, cạnh tranh gay gắt- là một xã hội năng động đáp ứng tất cả những gì mà nhân dân mong muốn yêu cầu. Trong chủ nghĩa tư bản với năng xuất lao động cao, hàng hoá dồi dào, đời sống cao, tự do dân chủ cao, nhân dân trở thành người chủ đích thực của xã hội. Tất cả điều đó cắt nghĩa việc hai triệu người VN sau năm 1975 đã di tản sang 70 nước tư bản chủ nghĩa, là sự lựa cọn dứt khoát và khá chính xác mà người cách mạng chân chính khó hiểu nổi, không nghĩ ra được.
Các đoàn đại biểu của chính phủ CHXHCN Việt Nam sang thăm các nước ASEAN, Nhật Bản, Nam Triều Tiên… và các nước phương Tây đã bị thu hút bởi những thành tựu kỳ diệu trong công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá xã hội, môi sinh. Họ ao ước VN cũng làm được như vậy. Từ thực tiễn đó, vấn đề đặt ra, không phải tiêu diệt chủ nghĩa tư bản như Đảng CS từng khẳng định mà phải học tập và làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa như thế nào cho tốt. Đó là một vài cảm nghĩ trong Quan điểm và Cuộc sống mà tôi phát hiện trong những ngày bị quản thúc từ 1990 đến 1993.”
Tháng Hai 1995, trong bài viết “Chỉ có con đường duy nhất: Lột xác” ông Nguyễn Hộ cho rằng đảng CSVN thông qua “đổi mới” đã phục hồi và phát triển chủ nghĩa tư bản, được gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho sự tiêu vong của chủ nghĩa xã hội và của đảng CSVN. Có thể nói sự phục hồi và phát triển chủ nghĩa tư bản nói trên đã dần dần làm biến dạng –thay đổi về chất Đảng CSVN, bởi lẽ càng nhiều chủ nghĩa tư bản ở VN bao nhiêu thì máu cộng sản trong Đảng CSVN càng vơi đi bấy nhiêu và nó được thay thế bằng máu tư bản chủ nghĩa ấm áp. Dường như đó là điều hiển nhiên của một tình trạng kỳ quặc về một đảng cộng sản quái thai ở VN, có thể xẩy ra trong một tương lai không xa.
Lúc hưng thời, ông Võ Văn Kiệt biết dựa vào MN là xứ sở của nền kinh tế thị trường và dám xé rào để cứu nguy nền kinh tế quốc doanh. Nhờ đó ông trở thành lãnh tụ, là thần tượng của phe đổi mới trong Đảng CS. Đến buổi cuối đời, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Xuân Hồng đài BBC, như đề cập ở trên, ông Kiệt xác định mình là một người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa CS. Sau đó ông nhắc đến tên Nguyễn Hộ, có lẽ trong thâm tâm, ông tương đắc với người đồng chí của mình: chọn lầm chủ nghĩa cộng sản, nên đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có dân chủ tự do. Chỉ con đường duy nhất: Lột xác.
Lê Quế Lâm
© Thông Luận 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment