Saturday, July 11, 2009
KẾT LUẬN CỦA CÔNG AN ĐỐI VỚI NGUYỄN XUÂN NGHĨA và CÁC BẠN
Kết luận của công an đối với Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn
Nghiêm Văn Thạch
Đăng ngày 11/07/2009 lúc 03:11:49 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3936
Chúng tôi vừa nhận được bản kết luận của Cơ Quan An Ninh Điều Tra, thuộc bộ Công An, về trường hợp anh Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn. Trường hợp của các anh em này cũng là chủ đề bài xã luận của Thông Luận số 238, tháng 7 này.
Nếu không nhận được từ một nguồn hoàn toàn đáng tin cậy thì chúng tôi có thể nghi ngờ rằng đây chỉ là một tài liệu giả nhắm mục đích chế diễu hoặc bôi nhọ Cơ Quan An Ninh Điểu Tra. Nó quá vớ vẩn. Đối với một người đọc có trình độ nhận thức tối thiểu, nó gần như một bài biện hộ những người đang bị bắt giam.
Ngoài những chi tiết được đưa ra để tạo cảm tưởng là có một âm mưu nhưng không hề có một giá trị luân tội nào, như: ai đã hẹn ai hồi mấy giờ ở đâu, ai đã đưa cho ai máy ảnh và dặn chụp hình như thế nào, ai gọi điện thoại cho ai, gửi cho ai những gì v.v., tài liệu hoàn toàn rỗng. Thậm chí còn chứng tỏ các đương sự hoàn toàn vô tội và đã là nạn nhân của môt biện pháp tuỳ tiện.
Qua bản kết luận này người ta có thể nhận xét là công an đã bỏ tội danh "âm mưu tổ chức biểu tình" mà họ bịa đặt ra để lấy làm lý do bắt giữ anh Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn. Trong tài liệu này, khi loay hoay và lúng túng tìm cách buộc tội, Cơ Quan An Ninh Điều Tra đã kể ra những "tội" khó tưởng tượng. Thí dụ:
- Anh Nguyễn Xuân Nghĩa và anh Nguyễn Văn Túc bị kể tội đã "tuyên truyền chống nhà nước" vì vẽ biểu ngữ "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải hải đảo Việt Nam". Một khẩu hiệu như vậy chống nhà nước ở chỗ nào? Nên nhớ là tại Việt Nam không hề có bất cứ một luật nào cấm treo biểu ngữ. Rất nhiều quầy hàng và cửa hiệu treo biểu ngữ, phạm pháp hay không là ở nội dung biểu ngữ.
- Anh Nguyễn Xuân Nghĩa bị quy cả tội quái đản là đã "vu cáo nhân dân Việt Nam không có tự do dân chủ"!
- Anh Nguyễn Văn Túc bị buộc tội đã viết bài "Đảng xưa và nay" trong đó "xuyên tạc" rằng "Đảng CSVN trước đây thì tốt nhưng hiện nay đã mất sức chiến đấu". Có gì là xuyên tạc? Có chăng chỉ là sai lầm ở chỗ anh nói Đảng CSVN trước đây tốt (!).
- Anh Nguyễn Mạnh Sơn bị buộc tội là tác giả câu nói bất hủ mô tả thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay: "Đảng chỉ tay, Nhà Nước ra tay, Quốc hội giơ tay, nhân dân trắng tay". Đây là một câu nói dí dỏm được truyền tai rất rộng rãi. Chính nhờ bản kết luận này mà người ta biết tác giả của nó là Nguyễn Mạnh Sơn. Cơ Quan An Ninh Điều Tra vô tình đã biến anh Sơn thành một danh nhân.
- Anh Nguyễn Văn Tính bị kể tội đã viết "Cử tri hãy suy nghĩ trước khi bỏ lá phiếu vào thùng phiếu trong kỳ bầu cử quốc hội khoá 12 sắp tới". Tại sao viết như vậy lại là có tội ? Các cấp lãnh đạo cộng sản có nới như thế không, hay họ nói nhân dân không nên suy nghĩ trước khi bỏ phiếu ?
Những "tội danh" như thế đã đủ để cơ quan An Ninh Điều Tra quả quyết các bị cáo đã "xâm phạm an ninh quốc gia rất nghiêm trọng" !
Mặc dù đã phải kể cả những "tội" như vậy, bản kết luận cũng không cáo buộc được gì đối với anh sinh viên Ngô Quỳnh ngoài tội đã chụp hình các bạn lúc họ treo biểu ngữ. Anh Nguyễn Kim Nhàn chỉ có tội dùng xe máy chở anh Túc và đọc báo Tổ Quốc.
Và dù vớ vẩn tới mức độ khôi hài, Cơ Quan An Ninh Điều Tra cũng đã chỉ có thể "kết luận" đối với các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn.
Đối với bốn người khác – cô Phạm Thanh Nghiên, anh Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội và anh Trần Đức Thạch- họ vẫn chưa kết luận được gì mặc dù đã giam giữ hơn 10 tháng.
Sự tuỳ tiện và thô bạo đã vượt mọi giới hạn. Ngoài ra còn có sự dấm dúi gian trá khác: bản kết luận buộc tội các anh em này là đã đọc những bài của luật sư Trần Lâm. Cách buộc tội này thoạt có vẻ rất vô lý, thực ra nó nhắm mục đích biến luật sư Trần Lâm thành người liên can và do đó không được quyền bào chữa cho các bị can như họ đã yêu cầu và ông Trần Lâm đã nhận lời. Công an đã thông báo cho luật sư Trần Lâm là ông không được quyền bào chữa trong vụ này. Đây chỉ là một trò gian trá.
Một sự gian trá đặc biệt thô bỉ khác trong bản cáo trạng này là bôi nhọ ông Nguyễn Văn Tính bằng cách viết rằng ông có tiền sự lừa đảo và trộm cướp. Đây chỉ là những bịa đặt trắng trợn để làm nhục ông trong thập niên 1960 vào lúc ông công khai chống chế độ công sản. Trong suốt thời gian phân chia Nam Bắc, ông Tính đã là người duy nhất tại miền Bắc dám lập đảng bí mật với chủ trương lật đổ chế độ cộng sản. Ông đã bị giải toà và xử 7 năm tù vì việc này.
Người được nhắc tên nhiều nhất trong tài liệu này không phải là một trong những người bị truy tố mà là ông Nguyễn Thanh Giang của bán nguyệt san Tổ Quốc được bản kết luận đánh giá là tờ báo chống nhà nước. Người nào cũng bị cáo buộc là có quan hệ với và bị ảnh hưởng của Nguyễn Thanh Giang. Trường hợp ông Giang, cũng như các ông Trần Lâm, Phan Văn lợi, Vũ Cao Quận, Nguyễn Hữu Tiến và Tạ Đức Phương được tài liệu cho biết là sẽ được "làm rõ và xử lý sau".
Đây chưa phải là cáo trạng mà chỉ là kết luận điều tra của công an để chuyển sang cho Viện Kiểm Sát.
Theo thủ tục chính thức thì Viện Kiểm Sát sẽ nghiên cứu kết luận này và quyết định có truy tố các bị cáo hay không. Nếu thấy những kết luận của công an là có cơ sở Viện Kiểm Sát sẽ truy tố các bị can và trong trường hợp này sẽ soạn thảo một cáo trạng luận tôi các bị cáo. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế trong chế độ công sản hiện nay Viện Kiểm Sát chỉ là một chi nhánh của công an, có nhiệm vụ chính thức truy tố những người mà công an đã quyết định truy tố.
Bất cứ một kiểm sát viên nào thượng tôn luật pháp cũng phải bác bỏ đề nghị truy tố này của công an, hơn thế nữa còn phải khiển trách bên công an đã làm mất thì giờ của Viện Kiểm Sát vì đã đưa ra một đề nghị hoàn toàn vu vơ và khôi hài như bản "kết luận" này, làm mất thì giờ của Viện Kiểm Sát. Nhưng Viện Kiểm Sát Nhân dân không phải là một Viện Kiểm Sát đúng nghĩa. Nó chỉ là một viện bò sát.
Xin lặp lại tại đây lời kết của bài xã luận số Thông Luận tháng 7 này: "Đặc tính của những chế độ phải bị đào thải vì không thích nghi được với đà tiến hóa là chúng thường tự lố bịch hóa trước khi chấm dứt".
Nghiêm Văn Thạch
(Ban Biên tập Thông Luận)
--------------------------
Thông tin liên quan:
• “ Kết luận điều tra của công an đối với Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn”. Thông Luận, ngày 10/07/2009
Kết luận điều tra của công an đối với Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BỘ CÔNG AN
CƠ QUAN ANĐT
Số 17 / KLĐT
Hà Nội ngày 17 tháng 5 2009
KẾT LUẬN ĐIỀU TRA
Vụ án: Nguyễn Xuân Nghĩa cùng đồng bọn tuyên truyềnchống Nhà nước CHXHCN Việt Nam
Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 03 ngày 19/9/2008 của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.
Căn cứ quyết định khởi tố bị can số 13, 14 ngày 19/9/2008; số 16 ngày 01/10/ 2008; số 17, 18 ngày 02/10/2008 và số 24 ngày 27/11/2008 của Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đồi với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhân và Nguyễn Mạnh Sơn về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự.
Sau khi hoàn thành cuộc điều tra thấy:
* Hành vi treo khẩu hiệu, rải truyền đơn để chụp ảnh, viết bài đưa lên mạng Internet tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Đầu thàng8/2008, Nguyễn Xuân Nghĩa bàn với Nguyễn Văn Túc việc tổ chức treo khẩu hiệu để chụp ảnh, viết bài đưa lên mạng Internet tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và quảng bá cho hoạt động của chúng, đồng thời có cớ tìm kiếm tài trợ của nước ngoài. Ban đầu chúng dự định thực hiện tại Thái Bình. Nghĩa đã chỉ đạo Túc làm khẩu hiệu trên nền vải mầu xanh tím, kích cỡ 3m / 2m, chữ mầu trắng, nội dung khẩu hiệu “phường Tiền Phong kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng. Yêu cầu Chính phủ kiên quyết bảo vệ giang sơn tổ quốc. Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng”. Nhưng do Túc không tìm được địa điểm treo tại Thái Bình nên Nghĩa và Túc thống nhất treo khẩu hiệu tại cầu vượt Lạch Tray, quận, Ngô Quyền, TP Hải Phòng vào sáng ngày 16/8/2008. Nghĩa giao cho Túc đi treo khẩu hiệu còn các phần việc khác do Nghĩa chịu trách nhiệm chuẩn bị.
Nghĩa bàn bạc và giao cho Nguyễn Mạnh Sơn làm khẩu hiệu có nội dung “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam” (chữ Việt Nam viết tắt là VN). Nội dung khẩu hiệu do Nghĩa và Sơn cùng bàn bạc thống nhất. Nghĩa đã đưa cho Sơn 200.000 đồng để Sơn chi phí cho việc làm khẩu hiệu. Sơn đã trực tiếp mua vải, keo thủy tinh, bột vẽ mang về nhà, tự may riềm, dây buộc để treo khẩu hiệu và thiết kế, kẻ vẽ khẩu hiệu. Sau khi làm xong, Sơn mang đến nhà Nghĩa nhưng Nghĩa không có nhà nên đã đưa cho vợ Nghĩa là Nguyễn Thị Nga để chuyển lại cho Nghĩa.
Để có người chở Nguyễn Văn Túc đi treo khẩu hiệu, Nghĩa nhờ Nguyễn Đình Hiền trú tại 279 Trần Nhân Tông, Kiến An, Hải Phòng. Hiền đồng ý chở Túc đi treo khẩu hiệu ở cầu vượt Lạch Tray.
Nghĩa đã liên lạc qua Internet giao cho Ngô Quỳnh chụp ảnh biển ngữ khểu hiệu tại cầu vượt Lạch Tray - Hải Phòng vào sáng 16/8/2008 để gửi đến Nghĩa và yêu cầu Quỳnh gặp Nguyễn Văn Túc vào tối 15/8/2008 tại ga Hải Phòng thì bàn việc chụp ảnh khẩu hiệu.
Ngày 06/8/2008 đi Hải Phòng và đến khu vực cầu vượt Lạch Tray nơi dự kiến treo khẩu hiệu, để xem xét trước. Ngày 14/8/2008, Quỳnh mượn máy ảnh của Phạm Văn Trội ở Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội. Ngày 15/8/2008, Quỳnh từ Hà Nội, Túc từ Thái Bình đi Hải Phòng. Trước khi gặp Quỳnh, Túc đã đến nhà Nghĩa để lấy khẩu hiệu. Ngoài đưa khẩu hiệu phản động, Nghĩa đưa cho Túc 400.000 đồng để đưa cho Quỳnh và chỉ đạo Túc đưa cho Hiền 300.000 đồng khi Hiền đi treo khẩu hiệu với Túc. Đến 20h tối, Túc đón Quỳnh đưa về nhà anh vợ là Bùi Văn Xòn, trú tại số 31/26 Chi Lăng, Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng nghỉ. Tại đây Túc đã bàn với Quỳnh khi ra cầu vượt Lạch Tray đứng phía không chói nắng, khi nào khẩu hiệu treo lên thì chụp ảnh. Sáng hôm sau, Quỳnh đi xe ôm ra cầu vượt Lạch Tray, trước khi đi Túc đưa cho Quỳnh 400.000 đồng để chi phí đi lại. Đến 10h30’ Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Đình Hiền đi xe máy đến treo khẩu hiệu lên lan can cầu và Quỳnh đã chụp 03 kiểu ảnh. Về Hà Nội, Quỳnh ra cửa hàng dịch vụ Internet kết nối máy ảnh với máy vi tính nối mạng để gửi ảnh cho Nghĩa, rồi Quỳnh xóa ảnh khẩu hiệu trong thẻ nhớ máy ảnh trước khi đem trả Phạm Văn Trội. Việc Hiền tham gia treo khẩu hiệu cùng Túc, Hiền được Túc đưa cho 300.000 đồng.
Ngày 28/8/2008, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính và Phạm Thanh Nghiên, trú tại só 17, phường Đông Hà, quận Hải An, TP Hải Phòng đi dự đám tang mẹ Vi Đức Hồi (đối tượng tham gia Khối 8406) tại Lạng Sơn. Khi ô tô khách đến cầu vượt Lai Cách, tỉnh Hải Dương, Túc và Nghĩa quan sát, bàn riêng với nhau sẽ tổ chức treo tiếp khẩu hiệu tại đây vào ngày 07/9/2008. Nghĩa giao cho Túc làm khẩu hiệu còn Nghĩa bố trí chở Túc đi treo và người chụp ảnh, viết bài. Ban đầu Túc làm khẩu hiệu có nội dung “Toàn dân quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, Hoàng Sa và Trường Sa. Đối đầu bất động để tháo gỡ độc tài. Vận động toàn dân để canh tân đất nước - Đảng Việt Tân”. Nhưng thấy nội dung khẩu hiệu chưa thể hiện đúng ý đồ của bọn chúng nên Túc bàn với Nghĩa thay đổi nội dung khẩu hiệu. Nghĩa và Túc thống nhất làm khẩu hiệu có nội dung “Khối 8406. Lạm phát, dân nghèo khổ là do chính quyền cộng sản; mất dân chủ, tự do, nhân quyền là do chính quyền cộng sản: yêu cầu đa nguyên, đa đảng” (chữ “cộng sản” viết tắt là “CS”) và làm truyền đơn có nội dung “phản đối chính quyền Hà Nội đàn áp giáo dân Thái Hà” để rải khi treo khẩu hiệu ở cầu vượt Lai Cách - Hải Dương. Túc đã tính toán số lượng chữ cái của khẩu hiệu rồi sai con trai là Nguyễn Tuấn Anh ra cửa hàng của bà Trần Thị Ngoan tại tổ 8 thị trấn Đông Hưng, Thái Bình thuê cắt chữ cái bằng đủ câu. Túc mua vải trắng và nhờ may riềm khẩu hiệu rồi mang về nhà tự dán khẩu hiệu, khâu dây treo và gia cố vật nặng ở hai góc dưới khẩu hiệu để khi treo không bị bay. Túc tự đánh máy truyền đơn trên máy vi tính và sử dụng máy in do Nghĩa cung cấp in truyền đơn trên hai mặt 65 tờ giấy A4 tại nhà y rồi cắt đôi thành 130 tờ. Túc chụp ảnh khẩu hiệu và gửi ảnh qua Internet cho Nghĩa để Nghĩa duyệt lại. Sau đó, Túc sai vợ là Bùi Thị Rề đến nhà Nghĩa nhận máy ảnh kỹ thuật số và 02 triệu đồng để Túc sử dụng vào việc đi treo khẩu hiệu. Nghĩa lại gửi thư điện tử cho Quỳnh hẹn sáng ngày 07/9/2008 đến nhà hàng 555 ở Hải Dương nhận máy ảnh và chụp ảnh việc trao khẩu hiệu. Nghĩa chỉ đạo Quỳnh chụp ảnh khẩu hiệu và trực tiếp viết bài để gửi cho nick name “ co4danang “ đưa lên Internet để tuyên truyền (Nick name này của Hiền Vy, - phóng viên đài Châu Á tự do). Ngày 04/9/2008, Nghĩa bàn với Nguyễn Văn Tính tìm người chở Nguyễn Văn Túc đi treo khẩu hiệu tại Lai Cách - Hải Dương. Tính đề nghị Nguyễn Kim Nhàn ở Bắc Giang. Nghĩa đồng ý và chi cho Tính 400.000 đồng để đi Bắc Giang gặp Nhàn thống nhất việc đi treo khẩu hiệu. Tính gọi điện thoại hẹn gặp Nhàn sáng ngày 5/9/2008 tại Long Biên, Hà Nội. Tính bàn với Nhàn việc chở Túc đi treo khẩu hiệu tuyên truyền cho “dân chủ” sẽ được tiền. Nhàn đã đồng ý. Tính yêu cầu Nhàn đúng 8 giờ sáng ngày 07/9/2008 đến nhà hàng 555 ở Hải Dương. Sáng ngày 07/9/2008 Nhàn đi xe máy của y từ Bắc Giang, Quỳnh đi xe ô tô khách từ Hà Nội đến nhà hàng 555 gặo Túc. Tại đây Túc đưa cho Quỳnh máy ảnh kỹ thuật số, 400.000 đồng và bảo Quỳnh ra cầu vượt Lai Cách đợi trước. Sau đó, Nhàn chở Túc bằng xe máy đến giữa cầu vượt Lai Cách. Túc lấy khẩu hiệu racùng Nhàn treo lên lan can cầu. Khi khẩu hiệu được buông ra thì các tờ truyền đơn từ trong khẩu hiệu bay xuống mặt đường. Khi Nhàn và Túc thực hiện việc treo khẩu hiệu, Quỳnh đứng ở bậc thang lên xuống cầu vượt chụp 03 kiểu ảnh khẩu hiệu và truyền đơn rồi đón xe ô tô khách về Hà Nội. Quỳnh gửi ảnh chụp treo khẩu hiệu, rải truyền đơn qua Internet cho Nghĩa và theo chỉ đạo của Nghĩa, Quỳnh đã gửi ảnh và các thông tin về việc treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại Lai Cách, Hải Dương cho một người có nick name là “co4danang” để viết bài. Còn Nhàn đưa Túc quay lại hướng Hải Phòng để Túc tự về. Túc đưa cho Nhàn 500.000 đồng.
* Hành vi làm ra, tàng trữ, tán phát tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXWHCN Việt Nam.
Qua điều tra còn xác định: Xuất phát từ những bất mãn cá nhân hoặc ngộ nhận về chính trị, các bị can Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh đã có những hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ nhiều năm trước. Từ hoạt động chống đốicác bị can quen biết, quan hệ với nhau và cùng nhau tổ chức, tham gia nhiều hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam như: tháng 12/2007, vận động sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc để chụp ảnh viết bài có nội dung xuyên tạc đưa lên Internet, bị CAP Quốc Tử Giám Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính. Tháng 4/2008 vận động một số thanh niên ở Hải Phòng giả làm sinh viên mặc áo phông in chữ “tẩy chay Olympic Bắc Kinh – Trung Quốc”, yêu cầu đền bù cho ngư dân Việt Nam bị sát hại, biểu tình tại khu vực chợ Đồng Xuân – Hà Nội, áo phông do Nghĩa chỉ đạo Nguyễn Mạnh Sơn mua và in chữ để Nghĩa phát cho người tham gia biểu tình mặc, chi tiền vận động dân khiếu kiện biểu tình,… Quá trình hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, các bị can thường xuyên liên lạc, gặp gỡ để trao đổi với các đối tượng chống đối khác ở … (vết đen nhoè, không rõ chữ) Nguyễn Thanh Giang, Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn, Phạm Văn Trội (ở Hà Nội), Trần Lâm, Vũ Cao Quận, Phạm Thanh Nghiên (ở Hải Phòng), … quan hệ với các cá nhân chống Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài như Nguyễn Gia Kiểng, Phùng Mai, một số đài báo ở nước ngoài có quan điểm chống Nhà nước Việt Nam để trao đổi thông tin về những hoạt động của số chống đối Nhà nước và xin tài trợ.
Mặc dù các bị can đều đã được các cơ quan chức năng nhiều lần giáo dục hoặc đã bị xử lý hành chính nhưng chúng vẫn không từ bỏ hoật động chống đối. Chúng thường xuyên viết tài liệuthu thập tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để tán phát cho nhiều người và đưa lên mạng Internet tuyên truyền. Cụ thể:
Bị can Nguyễn Xuân Nghĩa: từ năm 2007, theo đề nghị của linh mục Phan Văn Lợi (ở Huế), Nguyễn Xuân Nghĩa đã tham gia Ban đại diện lâm thời Khối 8406 (là tổ chức chống Nhà nước do các linh mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi dựng lên) và tuyên truyền vận đọng người tham gia khối này. Nghĩa đã giới thiệu hai đối tượng là Vi Đức Hồi (ở Lạng Sơn), Nguyễn Bá Đăng (ở Hải Dương) tham gia Khối 8406; Nghĩa là người cấp phương tiện và tiền chi phí hoạt động cho nhiều đối tượng chống đối khác như trang bị máy vi tính cho Phạm Thanh Nghiên, Nghĩa và Nghiên đã nhận tiền của nước ngoài rồi đưa 12,8 triệu đồng cho Trần Đức Thạch về Thanh Hóa kích động dân khiếu kiện biểu tình. Từ năm 2007 cho đến khi bị bắt giam (tháng 9/2008), Nghĩa đã viết 57 bài với nhiều hình thức như thơ, văn, truyện ngắn và ký sự… trong dó nhiều bài có nội dung chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phỉ báng Đảng Cộng Sản Việt Nam, xuyên tạc tình hình đất nước, nói xấu, bôi nhọ Lãnh tụ của đất nước; đòi đa nguyên đa đảng, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam, kích động, lôi kèo ngưới khác chống đối như:
- Bải viết “ Những quả bóng bay trên bầu trời Hà Nội” có nội dung xuyên tạc, bịa đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị “ Mafia hóa “, Đảng khủng bố công dân, tước đoạt mọi quyền tự do của công dân và quy kết những bất công tràn ngập trong xã hội do cán bộ các cấp gây ra.
- Bài thơ “Sợ” nêu lại sự kiện ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc tố cáo chính quyền Trung Quốc đàn áp phong trào dân chủ và xuyên tạc, bịa đặt là sự kiện như thế cũng có thể xảy ra trại Quảng trường Ba Đình, Việt Nam.
- Bài viết “Tinh thần vô cảm” có nội dung quy kết chính quyền Việt Nam không có trách nhiệm với công dân của mình.
- Bài viết “Văn phong Thiên ân” có nội dung nói xấu, phỉ báng Đảng Cộng Sản Việt Nam và cơ quan thực thi pháp luật.
- Bài thơ “Gửi ông Lê Dũng” có nội dung xuyên tạc tình hình đất nước, vu cáo nhân dân Việt Nam không có tự do, dân chủ.
- Bài viết “Bát hương tản mạn ký" Nghĩa đã kêu gọi thực hiện thể chế chính trị đa đảng thay thế thể chế chính trị do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo đất nước như hiện nay.
- Bài viết “Ai gọi ai bằng cụ" có nội dung phủ nhận thành quả cách mạng của của đồng bào dân tộc ta, vu cáo Đảng Cộng Sản Việt Nam là “thầt tín, bất trung bất hiếu…” với nhân dân.
- Bài viết “Hãy làm một cái gì để không ân hận” có nội dung chống sự việc cơ quan pháp luật Việt Nam bắt giữ Lê Thị Công Nhân và Nguiyễn Văn Đài, coi đó là việc chính quyền phơi bày bộ mặt nham hiểm như bóng mây đen và phủ nhận các giá trị lịch sử của dân tộc ta, phỉ báng hình ảnh của mẹ Việt Nam anh hùng.
- Bài viết “Gặp gỡ và cảm nhận” có nội dung phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân ta và cho rằng việc thống nhất đất nước là sai lầm.
Ngoài ra, khi được một số phóng viên nước ngoài phỏng vấn, Nguyễn Xuân Nghĩa đã bịa đặt rằng tình hình Việt Nam mất dân chủ, nhân dân không tin tưởng vào Đảng cộng sản Việt Nam, cần phải xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp, đồng thời lên án Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra tội ác trong quá khứ cho dân tộc.
Nguyễn Xuân Nghĩa đã gửi các bài viết của mình đến các trang web phản động như Hưng Việt, Đối Thoại, Thông Luận, Tự Do Ngôn Luận, Tổ Quốc và Đài Châu Á Tự Do… để đăng tải. Nghĩa còn là đầu mối tiếp nhận, chỉnh sửa và tán phát các bài viết có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam của các bị can trong vụ án và một số đối tượng khác. Ngoài ra Nghĩa còn thu thập, tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam lấy trên mạng Internet và từ một số đối tượng như: Vũ Cao Quận (đội tượng chống đối ở Hải Phòng) chuyển cho Nghĩa các tài liệu, bài viết “Những gì còn lại", “Lại phải sống chung cùng lũ thú", “Kẻ đấu tranh cho quyền làm người trẻ nhất thế giới" do Quận viết về việc xem xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường đi lên CNXH của Việt Nam, nghi ngờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam , Trần Lâm (dối tượng chống đối ở Hải Phòng) chuyển cho Nghĩa tài liệu “Những dòng suy nghĩ từ Đại hội đến Quốc hội"; Tạ Đức Phương (tức Hà Phương ở Hải Phòng) chuyển cho Nghĩa tài liệu “Thế nước lòng dân”, “Nước Mỹ những điều tôi biết” và tài liệu của một số đối tượng chống đối khác nhưng Nghĩa không nhớ. Nguyễn Xuân Nghĩa khai đã nhận tổng cộng khoảng 3.300 USD tiền từ các cá nhân nước ngoài để chi dùng cho bản thân và dùng vào các hoạt động chống đối trong nước. Ngoài Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn cũng nhận tiền của các đối tượng chống đối ở nước ngoài gửi về để hoạt động chống đối.
Bị can Nguyễn Văn Túc: đã có quá trình tham gia khiều kiện từ năm 2003 và là một trong vai đầu đơn khiếu kiện ở tỉnh Thái Bình. Từ việc đi khiếu kiện Túc quen biêt và quan hệ với nhiều đối tượng có hoạt động chống đối nhà nước như Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Kim Nhàn, Vi Đức Hồi, Trần Anh Kim… Từ tháng 12 năm 2007, Túc tham gia vào các hoạt động chống đối cùng số đối tượng trên.
Trong thời gian từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 9 năm 2008, Nguyễn Văn Túc đã viết nhiều bài có nội dung chống nhà nước CHXHCN Việt Nam và gửi cho Nguyễn Thanh Giang để đăng trên nhyững trang web “Đối thoại", truyền tay chuyển cho một số người dân tham gia khiếu kiện khi họ tụ tập tại vườn hoa ở khu vực phố Mai Xuân Thưởng, Hà Nội. Cụ thể:
Bài “Pháp luật Việt Nam hay luật rừng Đảng trị": Túc xuyên tạc cho rằng “Quốc hội là cả một lũ bù nhìn đều dưới sự khống chế, sai bảo của Đảng”, những người nắm giữ các cơ quan bảo vệ pháp luật là những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất; pháp luật Việt Nam nhằm triệt tiêu quyền làm người đã được ghi trong hiến pháp và Quốc hội thường xuyên sửa luật nhằm mục đích đễ “các cấp, các ngành dễ bề lách luậtvới đường lối bịp bợm; bưng bít nhằm mục đích ngu dân để dễ bề cai trị, ăn cướp”.
Bài “Thui chột tài năng” : Túc dùng hình ảnh con trai mình bị điểm kém khi làm bài kiểm tra để kết luận rằng chế độ cộng sản hiện nay cũng không khác gì chế độ phong kiến, cũng có việc “mua quan, bán tước”, các “ông quan cũng đồi bại, ăn cướp, ức hiếp dân lành”. Bài “Đảng xưa và nay": Túc xuyên tạc cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam trước đây thì tốt nhưng hiện nay đã mất sức chiến đấu, Đảng không chống tham nhũng mà lại tiếp tay cho tham nhũng; Đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật…
Ngoài ra, Nguyễn Văn Túc còn lưu giữ nhiều tái liệu có nội dung chống nhà nước CHXHCN Việt Nam của các đối tượng Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Thanh Giang, Trần Anh Kim, Hà Sỹ Phu, Phạm Hồng Sơn, Trần Lâm, Bùi Tín, như: “Suy tư và ước vọng”, “Gửi lại trước khi về cõi", “Cung vua và phủ chúa", Những dòng suy nghĩ từ đại hội đến đại hội", “Nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam”, …
Bị can Nguyễn Mạnh Sơn: nguyên là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp sửa chữa – Công ty Xây dựng công trình thủy. Năm 1988 khi nghỉ hưu Sơn đã nảy sinh tư tưởng bất mãn, thường xuyên quan hệ với nhiều đối tượng chống đối như Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Nguyễn Xuân Nghĩa… để trao đổi viết bài có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam đưa lên mạng Internet tuyên truyền. Từ năm 1995 đến năm 2008, Sơn đã viết nhiều bài trong đó có 22 bài văn, thơ đóng thành tập Chân lý là…sự lầm lẫn. Những bài viết của Sơn có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xuyên tạc tình hình đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam, đòi xã hội Việt Nam phải đa nguyên, đa đảng như:
Bài viết “Tản mạn về bầu cử Quốc hộỉ", Sơn nặn ra chuyện bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là trò hề, là sự sắp đặt, gian lận; Đại biểu Quốc hội chỉ là những ông nghị gật. Sơn đã bịa đặt, xuyên tạc thực trạng xã hội Việt Nam là “Đảng chỉ tay, Nhà nước ra tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, nhân dân trắng tay".
Trong tập “Chân lý là…sự lầm lẫn”, chính Sơn là người viết tựa cho tập sách này nhưng lấy bút danh người khác để nói về nội dung những bài thơ của…(mất một vài chữ cuối trang).
Hầu hết các bài thơ đều có nội dung xuyên tạc, bịa đặt về tình hình Việt Nam, cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam là độc tài, phi luân, đạo đức kém, xã hội Việt Nam không có dân chủ.
Những tài liệu trên, Sơn đã in thành nhiều bản tán phát cho nhiều người, đăng tải trên các trang web phản động như Hưng Việt, Đối Thoại, Thông Luận, Tổ Quốc … Sơn đã gửi những bài viết của y cho Nguyễn Thanh Giang (một đối tượng ở Hà Nội) và Giang chuyển các bài viết này đăng trên một tạp chí của Canada, được tạp chí này thưởng 150 USD. Ngoài những bài do Sơn viết, Sơn còn tàng trữ nhiều tài liệu có nội dungt chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam của Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Trần Lâm, Nguyễn Xuân Nghĩa như “Tuyên bố thành lập ủy ban nhân quyền Việt Nam”, “Tuyên bố thánh lập liên minh các lực lượng dân tộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam”, “Những việc làm phi chính trị của lãnh đạo Đảng Cộng Sản”, “Chủ nghĩa Mác – Lênin và Đảng Cộng sản Việt Nam” …
Bị can Nguyễn Văn Tính: đã có quá trình chống Nhà nước lâu dài. Năm 1967 bị Tòa án nhân dân TP Hải Phòng xử 07 năm tù, 05 năm quản chế về tội “tham gia thánh lập tổ chức phản cách mạng”. Những năm gần đây, Tính thường xuyên quan hệ với nhiều đối tượng chống đối như Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Kimp Nhàn,… để trao đổi các bài viết có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.Từ tháng 10-2006 đến tháng 9-2008, Tính đã sử dụng các bút danh Hoàng Hải Minh, Hoàng Hiếu Minh và Nguyễn Văn Tính viết nhiều bài có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và chuyển cho Nguyễn Thanh Giang để đăng trên trang web Tổ quốc như:
Bài “Cử tri hãy suy nghĩ trước khi bỏ lá phiếu vào thùng phiếu trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 12 sắp tới". Tính đã xuyên tạc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1956 – 1976 là đêm dài trung cổ và phủ nhận cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước anh dũng của toàn dân tộc, coi đây là cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, một cuộc chiến không đáng cò” và cho rằng Việt Nam không có nhân quyền, dân chủ.
Bài “Đảng Cộng sản Việt Nam có chống được tham nhũng”. Tính đã bịa đặt có đến 70% đảng viên hư hỏng và dung túng cho tham nhũng phát triển thành quốc nạn là tội ác mới của Đảng cộng sản Việt Nam, là món nợ đối với quốc gia dân tộc.
Bài “Nhận xét về một xét lại bắt buộc của Nguyễn Gia Kiểng”. Tính cho rằng Chính phủ không những không chống được tham nhũng mà vẫn để tham nhũng phát triển, muốn chống được tham nhũng chỉ có cách thay đổi chính quyền.
Ngoài ra, Tính còn lưu giữ nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam của các đối tượng Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hữu Tiến (đối tượng ở Hải Phòng) như “Tâm thư ngỏ", “Một số ý kiến về việc xây dựng chủ thuyết phát triển của Việt Nam”, và một số tờ Tổ Quốc có đăng các bài viết của Tính.
Bị can Nguyễn Kim Nhàn: đã có quá trình tham gia khiếu kiện từ năm 1996 và một trong số đầu đơn khiếu kiện ở Bắc Giang. Quá trình Nguyễn Kim Nhàn quen biết và quan hệ với nhiều đối tượng hoạt động chống Nhà nước như Nguyễn Thanh Giang, Vi Đức Hồi, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Phạm Thanh Nghiên… dần dần Nhàn tham gia vào các hoạt động chống đối cùng số đối tượng trên. Nhàn thường xuyên nhận các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (báo Tổ Quốc) của Nguyễn Thanh Giang và tài liệu của một số đối tượng khác mang đi tán phát cho những người khiếu kiện. Khám xét nhà Nhàn cơ quan điều tra đã thu giữ 08 bản tài liệu tiêu đề “Tổ quốc, tiếng nói từ suy tư và ước vọng” số 49-50; 28 tờ “Tâm tư Phạm Thanh Nghiên”. Đây là tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
KẾT LUẬN
Đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia rất nghiêm trọng. Các bị can trong vụ án từ chỗ là người bất mãn cá nhân hoặc có những việc chưa thỏa mãn với việc giải quyết quyền lợi của bản thân đã tìm đến với nhau để thực hiện các hoạt động chống đối. Chúng thường xuyên liên lạc, gặp gỡ trao đổi, bàn bạc và hướng dẫn nhau trong hoạt động chống Nhà nước Việt Nam. Được sự hỗ trợ về vật chất, khuyến khích về tinh thần của một số cá nhân, tổ chức chống Nhà nước Việt Nam ở trong và ngoài nước, các bị can vừa chi dùng cho bản thân và sử dụng để mua chuộc, lừa bịp người khác tham gia nhiều hoạt động chống đối. Các bị can còn lợi dụng những vấn đề nhạy cảm như việc khiếu nại của một số người về đất đai, việc quan hệ nhà nước ta với nước láng giềng còn có những vấn đề tranh chấp, chưa giải quyềt được để viết bài xuyên tạc, dựng chuyện để phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt thông tin nhằm gây hoang mang trong nhân dân rồi tán phát cho nhiều người, đưa lên mạng Internet để tuyên truyền mà điển hình là việc tổ chức treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại cầu vượt Lạch Tray - Hải Phòng và Lai Cách - Hải Dương rồi chụp ảnh, viết bài đưa lên mạng Internet tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án rất là nghiêm trọng, có ý thức chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết liệt, mục đích nhằm xóa bỏ Hiến pháp và Nhà nước hợp hiến của nhân dân Việt Nam. Căn cứ kết quả điều tra có đủ cơ sở kết luận về các bị can:
1 - Nguyễn Xuân Nghiã, sinh năm 1949 tại Nghệ An;
Trú tại: 828 Trường Chinh, phường Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng;
Nghề nghiệp: hội viên Hội nhà văn TP Hải Phòng;
Quốc tịch: Việt Nam Dân tộc: Kinh
Con ông Nguyễn Tá - Con bà Lại Thị Thiện
Vợ: NguyễnThị Nga - có ba con: Nguyễn Triều Dương sinh năm 1972; Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1980; Nguyễn Thanh Thủy sinh năm 1988.
Tiền án, tiền sự: Không
Đảng phái chính trị: Không
Bị bắt khẩn cấp ngày 10/9/2008, khởi tố bị can ngày 19/9/2008, hiện tạm giam tại Trại tạm giam B14 Bộ Công An;
Là đối tượng chính trong việc treo khẩu hiệu, rải truyền đơn. Nghĩa đã bị phát hiện ra: tàng trữ, tán phát nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hành vi của Nguyễn Xuân Nghĩa đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam qui định tại Điều 88 – BLHS.
2 - Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1964 tại Thái Bình
Trú tại: thôn Cổ Dũng l. Đông La, Đông Hưng, Thái Bình;
Nghề nghiệp: làm ruộng
Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc: Kinh
Con ông Nguyễn Xuân Thụy - Con bà Hoàng Thị Thái
Vợ: Bùi Thị Rề, có hai con: Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1989; Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1995
Tiền án, tiền sự: Không
Đảng phái chính trị: Không
Bị bắt khẩn cấp ngày 10/9/2008, khởi tố bị can ngày 19/9/2008, hiện tạm giam tại Trại giam B14 - Bộ Công An.
Là đối tượng tham gia tích cực và đã tham gia thực hiện cả hai vụ treo khẩu hiệu, rải truyền đơn có nội dung chống Nhà Nước CHXHCN Việt Nam. Túc đã làm ra, tàng trữ và tán phát nhiều tài liệu có nội dung chốbng Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hành vi của Nguyễn Văn Túc đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” qui định tại Điều 88 – BLHS;
3 - Ngô Quỳnh, sinh năm 1984 tại Bắc Giang;
Đăng ký NKTT: Cẩm Bào, Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc GiangTạm trú tại: số 6 ngõ 34/64 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
Nghể nghiệp: tự do
Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc: Kinh
Con ông Ngô Văn Mạc - con bà Nguyễn Thị Sử
Tiền án, tiền sự: Không
Đảng phái chính trị: Không
Khởi tố bị can vá bắt tạm giam ngày 01/10/2008, hiện tạm giam tạo Trại B14 - Bộ Công An;
Là đối tượng tham gia tích cực và đã tham gia thực hiện cả hai vụ treo khẩu hiệu, rải truyền đơn có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hành vi của Ngô Quỳnh đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” qui định tại Điều 88 – BLHS.
4 - Nguyễn Mạnh Sơn, sinh năm 1943 tại Hải Phòng;
Trú tại: 268 Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Hải Phòng
Nghề nghiệp: cán bộ nghỉ hưu (nguyên giám đốc XN sửa chữa cơ khí, Liên hiệp các xí nghiệp đường biển, Tổng công ty đường biển Việt Nam
Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc: Kinh
Con ông Nguyễn Văn Vân - con bà Nguyễn Thị Nhẫm
Vợ: Nguyễn Thị Thảo - có hai con: Nguyễn Anh Minh sinh năm 1971, Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1972.
Tiền án, tiền sự: Không
Đảng phái chính trị: nguyên đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam bị khai trừ khỏi Đảng năm 2000 vì làm ra tài liệu có nội dung trái cương lĩnh của Đảng;
Khởi tố bị can ngày 27/11/2008, bắt tạm giam ngày 08/5/2009, hiện tạm giam tại Trại tạm giam B14 - Bộ Công an;
Là đối tượng trực tiếp làm ra khẩu hiệu để Nguyễn Xuân Nghĩa cùng hai đối tượng khác tổ chức treo tại Lạch Tray - Hải Phòng. Sơn đã làm ra, tàng trữ và tán phát nhiều tài liệu thể hiện tư tưởng chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết liệt.
Hành vi của Nguyễn Mạnh Sơn đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” qui định tại Điều 88 – BLHS.
5 - Nguyễn Văn Tính, sinh năm 1942 ở Hải Phòng;
Trú tại: tổ 2, Cụm 1, phường Lâm Hà, quận Kiến An, Tp. Hải Phòng;
Nghề nghiệp: tự do
Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc Kinh
Con ông Nguyễn Văn Thơm - con bà Hoàng Thị Nhẫn
Có hai vợ: vợ 1 – Hoàng Thị Nhỡ (đã ly hôn), vợ 2 – Dương Thị Hài
Có bốn con: con lớn Nguyễn Văn Đức sinh năm 1975, Con nhỏ: Nguyễn Thu Hằng sinh năm 1993.
Tiền án, tiến sự: Có 02 tiền án, 01 tiền sự:
- Ngày 26/21958 bị Công an thành phố Hải Phòng bắt giữ về hành vi “Trộm cắp tài sản của công dân”.
- Ngày 23/11/1963 Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng tuyên phạt 06 tháng án treo, 18 tháng thử thách về tội “Giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội" và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”
- Ngày 14/12/1967, TAND thành phố Hải Phòng tuyên phạt 07 năm tù, 5 năm mất quyền công dân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đảng phái chính trị: Không
Bị bắt khẩn cấp ngày 214/9/2008, bị khởi tố bị can và tạm giam 04 tháng ngày 02/10/2008. Ngày 22/1/2009 được tại ngoại và bắt tạm giam lại ngày 08/5/2009, hiện tạm giam tại Trại tạm giam B14 - Bộ Công an.
Nguyễn Văn Tính có vai trò tích cực trong việc tìm người giúp sức cho Nguyễn Xuân Nghĩa và đồng bọn thực hiện trót lọt vụ treo khẩu hiệu, rải gtruyền đơn có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam tại cầu vượt Lai Cách - Hải Dương. Tính còn viết nhiều tài liệu thể hiện rõ ý thức chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam rồi chuyển cho Nguy-‘n Thanh Giang đưa lên Internet tuyên truyền.
Hành vi của Nguyễn Văn Tính đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nưóc CHXHCN Việt Nam” qui định tại Điều 88 – BLHS.
6 - Nguyễn Kim Nhàn: sinh năm 1949 tại Nghệ An
Trú tại thôn Tân Văn 2 xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang;
Nghè nghiệp: tự do (nguyên công nhân Xí nghiệp Điện cơ Việt Đức)
Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc: Kinh
Con ông Nguyễn Văn Hành - con bà Bùi Thị Đức
Vợ: Nguyễn Thị Suýt - có một con: Nguyễn Hải Đăng sinh năm 1982
Tiền án, tiền sự: không
Đảng phái chính trị: không
Bị bắt khẩn cấp ngày 24/9/2008, bị khởi tố bị can ngày 02/10/2008 và tạm giam 04 tháng, ngày 22/1/2009 được tại ngoại và bắt tạm giam lại ngày 08/5/2009, hiện tạm giam tại Trại tạm giam B14 - Bộ Công an
Nguyễn Kim Nhàn đã cùng Nguyễn Văn Túc treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại cầu vượt Lai Cách. Nhàn còn tàng trữ, tán phát nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hành vi của Nguyễn Kim Nhàn đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” qui định tại Điều 88 – BLHS.
Căn cứ điều 162, 163 Bộ luật TTHS nước CHXHCN Việt Nam,
Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an
QUYẾT ĐỊNH
1 - Chuyển Kết Luận điều tra và hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Kim Nhàn có lý lịch nêu trên theo tội danh và điều luật đã viện dẫn.
2 - Đối với Nguyễn Đình Hiềnn có hành vi chở Nguyễn Văn Túc đi treo khẩu hiệu tại cầu vượt Lạch Tray nhưng do trình độ nhận thức thấp, bị người khác lôi kéo thấy không cần khởi tố bị can mà thông báo cho Công an thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương quản lý giáo dục.
3 Đối với những người có liên quan như Phan Văn Lợi, Nguyễn Thanh Giang, Trần Lâm, Vũ Cao Quận, Nguyễn Hữu Tiến, Tạ Đức Phương và những người có liên quan khác đã có hành vi cung cấp phương tiện, làm ra và tán phát các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho các bị can trong vụ án. Cơ quan điều tra sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý sau.
Kèm theo bản Kết luận điểu tra là hồ sơ vụ án gồm tập, được đánh số từ tờ số 01 đến tờ số , thống kê vật chứng đã thu giữ.
PHÓ THỦ TRƯỞNG
CƠ QUAN ANĐT - BỘ CÔNG AN
Ký tên – Đóng dấu
Nguyễn Ngọc Thuấn
Nơi nhận:
- VKSNDTC
- Các bị can
- Hồ sơ vụ án
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment