Thursday, July 9, 2009
NGƯỜI VIỆT Ở NGA và ĐÔNG ÂU
Cảnh sống tha hương
Uyên Thao
09-07-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6503
Lời giới thiệu - Ký sự “Cảnh Sống Tha Hương” của Uyên Thao ghi lại những cảm nghĩ của tác giả sau chuyến du lịch một số nước đi Đông Âu năm 2008 của ông. Nguyên văn bài viết đã được đăng trên tạp chí “Kỷ Nguyên Mới” (số 99) - Dưới đây là một phần bài viết với sự đồng ý của tác giả. Ngũ Phương trình bày và ghi chú.
--------------------
Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là sự khác biệt khá rõ về phương cách mưu sinh giữa những người Việt tị nạn tại Đông Âu với người tị nạn tại Tây Âu. Không kể nước Pháp do những tương quan đặc biệt từ lâu nên có nhiều người Việt gần như hòa nhập hẳn vào đời sống bản địa, phần lớn người tị nạn tại Tây Âu đều trở thành công nhân hoặc viên chức, tức là có cuộc sống dựa vào nguồn lợi tức hàng tháng là xa vời so với đa số người Việt sống tại Đông Âu, dù tại những nơi này cũng có người đang là công nhân, viên chức.
Trước hết, số tiền kiếm được này không nhiều và kế tiếp là số tiền đó không phải đối phó chỉ với gánh nặng đời sống tại chỗ của riêng bản thân hoặc gia đình nhỏ hẹp của mình. Hầu hết những người Việt tị nạn tại Đông Âu luôn bị chi phối bởi cuộc sống của người thân tại quê nhà, đó có lẽ là gánh nặng chủ yếu đè trên vai họ. Thêm nữa, hoàn cảnh nhập cư bất hợp pháp của nhiều người cũng là lý do chủ yếu ngăn cách họ với nếp sống bình thường của người bản địa.
Phương tiện mưu sinh phổ biến nhất với hết thảy là những việc hoàn toàn bất định trong đó chủ yếu là buôn bán hoặc dựa dẫm theo chuyện buôn bán của người khác.
Một người từng là dân anh chị nhiều năm tại đây đã không nén nổi thở dài khi nhắc lại đoạn đường đã qua.
Là bộ đội đóng tại một tỉnh biên giới miền nam giáp Campuchia nhưng anh thấy không thể tiếp tục sống tại Việt Nam nên đã nẩy sinh mưu đồ cướp máy bay để trốn đi và trở thành tội phạm khi thực hiện mưu đô không như ý.
Sau khi ra khỏi nhà tù, anh tìm được cách trốn qua Nga và gia nhập hàng ngũ anh chị, trở thành kẻ đi đòi nợ cho các chủ nợ.
Tại Nga có nhiều khu chợ người Việt thuộc sự trông coi hoặc bị chi phối bởi tòa đại sứ Việt nam thông qua các ban quản trị, thậm chí có cả sự hiện diện của nhân viên công an với nhiệm vụ bảo vệ chợ chẳng hạn. Những người này biết rất rõ về tình trạng cư trú cũng như điều kiện sống của mọi người, nhất là những người thiếu vốn liếng phải dựa vào các chủ nợ cũng là người Việt khai thác sự nghèo túng của đám đồng hương còn lận đận như một phương kế kiếm lời (1)
Làm ăn không dễ dàng nên đã có người phải trốn nợ khiến dịch vụ đòi nợ trở thành một nghề cho nhũng người có điều kiện thích hợp. Có thể dễ dàng hình dung điều kiện thích hợp cho cái nghề này thế nào và cũng dễ dàng hình dung tâm sự của những người hành nghề bất đắc dĩ. Bởi làm sao có thể thoải mái khi đóng vai đầu gấu sẵn sàng thi thố mọi thủ đoạn nhẫn tâm để buộc một người đang hụt hơi trong khốn khó phải móc tới đồng bác cuối cùng ra trao cho mình (2)
Nhắc về cảnh sống của người Việt tại Nga, anh cho biết ngay khu chợ Vòm là khu chợ không chịu sự chi phối trực tiếp của tòa đại sứ Việt Nam cũng chìm trong không khí ngộp thở. Vì khai thác ưu thế có được để bóc lột kẻ thất thế là sinh hoạt bình thường ở đây nên thủ lợi bằng mọi cách bắt chẹt người khác đã trở thành một nghề.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới tình trạng kỳ thị đặc biệt nhắm vào người Việt của đám người Nga được gọi là “bọn đầu trọc” ngang nhiên đập phá hành hung trước sự lặng thinh của các giới chức an ninh Nga. Với đám này, bất kỳ ai khác màu da đều là kẻ đáng chết và người Việt là thứ đáng chết hơn hết (3)
Do đó, ngoài hàng trăm khó khăn quanh chuyện mưu sinh, người Việt tại Nga còn không ngớt nơm nớp trước nỗi sợ cái án tử hình có thể chup/ lên đầu mình bất kỳ ở đâu, bất kỳ giờ nào. Đây là điều ít xẩy ra tại các nước Đông Âu - dù ở Đức cũng hiện diện một đám đầu trọc tự xưng là Tân Quốc Xã - Khiến nước Nga thường chỉ được coi như trạm tạm dừng để chờ cơ hội qua các nơi khác.
Nhưng không phải ai cũng dễ dàng đạt toàn ý định nên không ít người đã phải biến cái trạm tạm dừng thành nơi ở hẳn trong sự chấp nhận mọi rủi may của số phận.
Mấy năm trước đây tại khi chợ Sapa ở Praha, tờ Đàn Chim Việt từng bị cấm bán dù đó là tờ báo ấn hành tại Varsovie và do một nhóm người Việt định cư tại Ba Lan chủ trương. (4)
Trên thực tế ngay thời điểm hiện nay, sách báo loại trên vẫn bị ngăn chặn triệt để tại Nga và chỉ xuất hiện hiếm hoi tại các nơi khác do tâm trạng sợ hãi sẵn có (5)
Tâm trạng sợ hãi cũng loại bỏ các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình... cộng thêm tình trạng không thông thạo ngôn ngữ địa phương đã dẫn đến hậu quả tất yếu là thu hẹp tầm nhìn của mọi người ngay trong nhu cầu nắm bắt diễn biến của các vấn đề chỉ gắn bó với phạm vi mưu sinh.
Báo chí Hà Nội, Sài Gòn bày bán tại các khu chợ và đài truyền hình VTV4 là những phương tiện truyền thông duy nhất đến với mọi người ngoài tác dụng giải trí, không thể đáp ứng nhu cầu thông tin nào, ngược lại, còn dẫn tới những lầm lạc do tin tức luôn sai với thực tế vì đã bị uốn nắn cho phù hợp với đường lối (6)
Hai câu ca dao thời thế về cảnh sống Việt Nam in vào ký ức tôi từ lúc nào tự nhiên hiện ra:
Ở đây tai vách mạch rừng
Xin đừng động đũa, xin đừng khua dao
Những câu ca dao đó ra đời cách đây cả nửa thế kỷ khi mà người dân Việt tại Miền Bắc luôn phải che giấu mọi món ăn khác với dưa, cà, mắm, muối...
Bởi những món ăn vượt khỏi giới hạn này nếu bị phát hiện đều có thể dẫn đến tai họa khôn lường vì là cơ sở cho các lập luận như không tuân thủ chính sách tiết kiệm, không tích cực chia xẻ khó khăn với cuộc chiến thần thánh chống xâm lược, không nghĩ tới nỗi đau của đồng bào miền Nam đang đói khác cùng cực do bị Mỹ - Ngụy bóc lột... hoặc đơn giản hơn là: vẫn giữ tác phong tư sản, vẫn ngoan cố duy trì nếp sống cũ, vv...
Điều đáng lưu ý là sự phát hiện thường do những người sống ngay bên cạnh tức là những bạn láng giềng mà bao thế hệ đã qua vẫn theo tinh thần truyền thống coi là thân thương hơn chính anh em ruột thịt như lời nhắc: “Anh em xa không bằng láng giềng gần.”
Động cơ biến những người láng giềng thân thương thành kẻ luôn rình mò hãm hại lẫn nhau không đơn giản, nhưng trong đó không thể thiếu hai yếu tố: sợ hãi và lòng ham lợi cho bản thân
Tôi bỗng rùng mình trước ý nghĩ tác động thời thế có thể tạo một nét di truyền mới cho con người.
Người Việt hiện sống tại Đông Âu rõ ràng không còn phải che giấu như thế, nhưng gần như vẫn bị vây hãm giữa nỗi sợ đã dấy lên từ hơn năm mươi năm trước và tới giờ này vẫn chưa dứt khoát nổi với nếp sống rình mò hãm hại lẫn nhau thay vì đùm bọc che chở trong tình tương thân tương trợ.
Tất nhiên, không phải hết thảy mọi người ở đây đều mang tâm trạng đó và đều lâm cảnh quay cuồng chóng mặt với việc mưu sinh bằng mọi giá. Trên thực tế, một số đã thành đạt trong kinh doanh, trở nên giàu có hoặc ít nhất cũng không còn quá nặng ưu tư về cuộc sống (7)
Nhưng công việc diễn tiến ra sao thì lợi tức thu hoạc luôn chao đảo, bấp bênh và hết thẩy mọi người đều căng thẳng với những mưu tính, những âu lo bên cạnh chút hy vọng chập chờn. (8)
Tôi không thể không nhớ lại những hình ảnh bắt gặp tại Paris hay Berlin về cuộc sống của những người tha hương.
Dọc bờ sông Seine của “Kinh Thành Ánh Sáng”, không ít người đang chui rúc dưới những tấm vải bạt mong manh, và đồi Montmartre vẫn là nơi tập trung của hàng trăm người lưu lạc đem tài năng sãn có ra đổi lấy vài đồng rẻ mạt.
Tôi được giải thích rằng những họa sĩ ngồi bên hè phố tại khu Montmartre và những người đang chui rúc dọc bờ sông Seine không bề bị đe dọa bởi chuyện kiếm sống hàng ngày. Hầu hết những người này đều có thể được bảo đảm với các mức trợ cấp an sinh và được giúp đỡ về nhiều phương diện khác, nhưng họ thích sống theo cách đó.
Riêng về những họa sĩ tại Montmartre, tôi chỉ ghi nhận được những khuôn mặt trầm ngâm. và khi có mặt tại khu Nhà Thợ Cụt Berlin, đối diện với một nữ họa sĩ người Nga, tôi không thể rời khỏi cặp mắt nặng trĩu u buồn của cô.
Nữ họa sĩ còn rất trẻ này gần như không nở một nụ cười nào suốt thời gian chúng tôi ngồi với cô tại khu Nhà Thờ Cụt Berlin - một khu có những sinh hoạt tương tự khu Montmartre ở Paris - mặc dù cô rất thoải mái trò chuyện.
Thú thực, tôi không thể cảm thấy thoái mái trước đôi mắt u uẩn và khuôn mặt trầm tư của cô. Nhưng dù sao những người như cô vẫn còn có một công việc phù hợp với sở năng và không bị vây hãm giữa những phiền tạp phản ánh sự đổ dốc bi thảm về nhân cách từ những người xung quanh. Do đó, cuộc sống của họ tuy bấp bênh trôi giạt, nhưng so với đại đa số người Việt tại vùng đất Đông Âu vẫn có thể là một điều mơ ước.
Tôi chưa quên cảm giác xót xa trước người đàn ông quỳ gối bên hè phố Paris, bai tay hưng chiếc ly nhựa đưa ra phía trước đặt trên mảnh giấy nguệch ngoạc mấy chữ: S'il vous plaît! Nhưng quả tình, tôi thấy những người này vẫn có thể thanh thản hơn nhiều so với đồng bào người Việt tại những vùng đất Đông Âu khi chưa trút bỏ nổi những ràng buộc từ chính quê nhà.
Tôi rất mong những ý nghĩ của mình về cuộc sống tha hương của người Việt trên xứ sở Đông Âu sẽ hoàn toàn sai lạc. Dù sao, tôi cũng chỉ có cái nhìn thoáng qua từ bên lề trong một một khoảnh khắc vội vàng.
---------------------------------------------
(1) Người Việt tại Đông Âu vượt qua nỗi sợ từ Đại sứ quán Việt Nam (phần 1), Vân Anh, RFA, 05/06/2008 - Riêng tại Đông Âu, ngoài các ưu tư về cuộc sống mưu sinh, người Việt còn một gánh nặng là các cản trở hành chính nhiều khi do chính cơ quan ngoại giao nước mình gây ra. Điều này xảy ra liên tục và nặng nề tới mức đi đâu người ta cũng có thể nghe dân Việt than phiền về phong cách làm việc của Tòa đại sứ: trễ nải, thu lệ phí không minh bạch gây phiền toái khôn lường cho bà con. Nhiều khi tòa lãnh sự còn lạm dụng quyền cấp hộ chiếu để áp lực với những người đối kháng.
(2) Nạn trốn nợ ở chợ Vòm, Hoàng Tiến Phương, vietbao.vn, Tuổi Trẻ, 07/10/2006 - Trường hợp của T., quê Thanh Hóa. Làm ăn “đuội” (lận đận), nợ nần chồng chất nên T. quyết định làm một mẻ lớn rồi “bùng”.
(3)Tình trạng bài ngoại ở Nga, mekongnet.ru, 18/06/2009 - Cuộc khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, những ảnh hưởng xã hội tiêu cực từ đó đã khiến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và phân biệt chủng tộc sống lại mạnh mẽ, với những khẩu hiệu như “Nước Nga là của người Nga”
(4) CSVN tìm cách triệt hạ tờ Đàn Chim Việt ở Tiệp, Quế Vinh, dcvonline.net, 01/06/2003 - Đàn Chim Việt là một nguyệt san phát hành tại Ba Lan, từ giữa năm 1999, đến nay đã phát hành trên 40 số. Tờ báo có mặt trên 14 quốc gia, nhiều nhất là tại Đông Âu.
(5) Nỗi sợ, Lan Hương, DCVOnline.net, 16/10/2005 - Hè năm 2001 Đàn Chim Việt (ĐCV) lần đầu tiên đến nước Nga.
(6) Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Ông Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư, mekongnet.ru, 04/07/2009 - Báo mạng Mekong News, trang báo tiếng Việt tại Nga đã đăng tin có đoạn viết: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định: Ông Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư.”
(7) Người Việt ở Nga giàu lên như thế nào?, Thế Lữ, báo Thanh Tra, chungta.com, 22/05/2008 - Những năm 1988 - 1989, nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đã bắt nối với bạn bè chiến hữu ở Balan và qua đường này để đưa vào Nga một lượng lớn hàng hóa, nhất là thiết bị văn phòng, đồng hồ đeo tay điện tử... Ở cửa ngõ phía đông của Liên Xô cũng xuất hiện nhiều “đại gia” qua nhịp cầu giao thương này. Nhưng thành công nhất, giàu có nhất phải kể đến những “đại gia” thầu chợ.
(8) Đóng cửa chợ SVĐ Warsaw: Hàng nghìn người Việt về đâu ?Hải Hà, vietnews.com, 12/11/2008 - Cho đến năm 1990, chính quyền chính thức cho phép sử dụng sân vận động để làm nơi buôn bán giao hàng. Chợ sân vận động “Mười Năm” hình thành từ đó. Người Việt tập trung về đây buôn bán ngày càng đông. Ban đầu là công nhân xuất khẩu lao động, sau đó đến sinh viên, nghiên cứu sinh. Nhiều người Việt đã trở thành những ông chủ buôn bán lớn mà ở Đông Âu họ vẫn thường được gọi bằng từ “soái”.
Người Việt ở Nga và máu liều nơi chợ Vòm, Trần Quang Vinh, viet-europe.de, 03/02/2008 - Người Việt đã trải qua nhiều cơn chấn động, nhiều sự mất mát: Vỡ “Đôm 5 mới”, sập Xalut 2, Xalut 5, Sông Hồng 1, 2, 3, Togi, các cơn “giật xanh” (đồng USD tăng giá đột ngột so với đồng ruble) mà điển hình là sự phá giá đồng rúp năm 1998. Đó là chưa kể đến các thay đổi liên tục trong chính sách nhập cư, luật về chợ ở Nga năm 2007, đặc biệt là quy định cấm người nước ngoài trực tiếp bán lẻ ở chợ .
Cộng đồng người Việt Nam ở Nga: “Giờ G” đã điểm, Võ Hoài Nam, laodong.com.vn, 15/01/2007 - Tâm trạng lo âu khắc khoải bao trùm trong cộng đồng người Việt Nam (VN) ở Nga càng gia tăng sau kỳ nghỉ Tết tây của người Nga kết thúc hôm 11/01. Có lẽ chưa bao giờ “quân ta” lại chăm chú theo dõi tin tức báo chí, truyền hình hàng ngày của Nga đến như vậy.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment