Tuesday, July 14, 2009

NGƯỜI HÀNH NGHỀ "NHẶT THAI NHI"


Người hành nghề “nhặt thai nhi”
14/07/2009 05:23 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/7425/index.aspx
(TuanVietNam) - “Cái sự đời người nó giống như hạt lúa vậy, từ nảy mầm cho đến khi trổ bông, rồi những bông lúa mới lại nhú lên những mầm non. Nếu bỏ đi mầm non mới nhú đó thì cũng coi như giết chết những sinh linh nhỏ và bỏ đi cái giống lúa đó”
Ông Bao ngậm ngùi giải thích cho công việc kỳ lạ của mình: đi lượm nhặt những thai nhi bị vứt bỏ về chôn cất như chôn người chết.

Hai năm “hành nghề”…
Người ở giáo xứ Quần Vinh không khỏi kinh ngạc và kính nể ông Vũ Văn Bao, 60 tuổi (thôn quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định) vì tấm lòng lương thiện, sống tốt đời đẹp đạo của ông.
Nghề chính của ông là “thủ hối” (trông coi những người sắp qua đời, để cho người ta đến khi chết được bằng an và giúp gia đình mai táng). Ông gọi việc đi nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất là “nghề tay trái”.
Ông bắt đầu với cái “nghề tay trái” này cách đây hai năm. Ban đầu, công việc được tiến hành một cách thầm lặng, ngay cả vợ con, ông cũng không cho biết.
Ông tâm sự: “Cũng khó lắm cô ạ, làm sao mà giải thích ngay được. Tôi chỉ sợ mọi người nhìn thấy lại điều nọ tiếng kia. Mà nhiều người họ cũng hãi chứ, vì cái nghề chôn cất người chết mấy ai làm được”.
Thế là cứ chiều tối, tranh thủ trước lúc đi lễ nhà thờ hay lấy cớ đi thăm ruộng, ông lại tìm đến các khúc sông, phát hiện mấy túi nilon trôi nổi, ông nhặt về. Hôm sau ông lại lặng lẽ làm lễ, chôn cất cho các “cháu” vào những cái tiểu (hay còn gọi là cái bát hương).
Xin được một mảnh đất nhỏ ở nghĩa trang Quần Vinh, ông chôn cất những cái tiểu ở đây và hằng ngày đi thăm các “cháu”. Rồi mọi người cũng biết đến việc làm nhân đức của ông Bao. Từ đó ông không phải làm “bí mật” nữa. Có nhiều người thấy ở đâu có dấu hiệu của những thai nhi bị bỏ rơi còn về báo lại cho ông để ông nhặt về chôn cất.
Mỗi lần nhặt được thai nhi nào, ông Bao đều nâng niu như sợ các cháu bé bị tổn thương. Mỗi bát hương đều được ông đánh dấu thứ tự, kí hiệu cụ thể để lỡ may sau này, có ai đó tìm về thắp nén nhang cho con cái họ, còn biết được. Thế nhưng đã hai năm nay, người đi thì không trở lại, mỗi mình ông “chăm lo” chu đáo cho các hài nhi xấu số đó.
Ông còn ghi rõ ràng, cẩn thận ngày tháng vào một cuốn sổ, rồi còn “đặt tên” cho nhiều “cháu”, lấy họ Vũ của mình, như một sự ghi nhận của người cha khai sinh cho những đứa con bé nhỏ: Vũ Nghĩa Hưng, Vũ Tam Lộc…
Đến nay, quyển số đã gần thay quyển mới, thì ông càng đau đáu khôn nguôi. “Tên các cháu càng ngày càng kín sổ thì tôi càng xót xa. Tôi tự hỏi, sao có nhiều người bỏ đi giọt máu của mình một cách vô tình như thế. Tang thương lắm’.

Ông kể, cách đây một năm, có người phụ nữa đã đến tìm ông, đề nghị ông đưa ra nghĩa trang thắp hương cho con. Chuyện là, người phụ nữ này sau khi đi khám đứa con hơn 7 tháng tuổi thì được tin đứa bé trong bụng bị viêm vỏ não và lõm đỉnh đầu.
Chị với chồng quyết định tìm đến bệnh viện tư bỏ cái thai đi. Nhưng sau khi đẻ non đứa bé, thì đứa trẻ không sao cả. Nhưng tiếc thay, đứa bé đã chết. Người mẹ hối hận quá, lịm đi. Sau này chị hỏi được, thì ra chính ông Bao đã xin về chôn cất cho cháu, chị muốn đến thắp cho con nén nhang, cho đỡ đi phần nào sự dày vò bấy lâu.
Nghe câu chuyện đau lòng của người mẹ đã bỏ đi đứa con của mình, ông đau lắm.
Ông xót xa cho cái “nghề” của mình: “Hai năm nay tôi buốt lòng nhìn những thai nhi bé bỏng ra đi khi chưa thành hình hài của một con người. Chúng như những đứa cháu, đứa con của tôi vậy.
Tôi càng đau đớn hơn khi chúng bị bỏ rơi bởi chính bố mẹ chúng nó vì lối suy nghĩ nông cạn, thiếu hiểu biết. Cái nghề này có lẽ nó không vinh như nhiều nghề khác, nhưng tôi vẫn theo được hai năm, bới không làm, tôi đau đáu không yên”.

...Và tài sản là 2000 bát hương!
So với những gia đình giáo dân khác ở thôn Quần Vinh, nhà ông Bao thuộc dạng rất đỗi “thường thường bậc trung”. Nhưng ông làm cái “nghề” này không phải để kiếm tiền.
Ông chỉ muốn cưu mang và siêu thoát cho những linh hồn nhỏ bé bị phá bỏ. Ông muốn làm gương cho những người khác luôn hướng đến cái thiện, sống sao cho tốt đời, đẹp đạo, phù hợp với truyền thống “máu chảy ruột mềm” của dân tộc Việt. Ông muốn cho những người mẹ đang mang những sinh linh nhỏ bé hiểu rằng đứa bé là khúc ruột của mình, cắt đi đau lắm.
Ngoài tài sản mà hai năm ông kiếm tìm, “chắt chiu” được là 2000 thai nhi đã được chôn cất chu đáo, thì ông chẳng có gì.
Ông kể: “Cũng lạ, nói thì thật khó tin, nhưng tôi thấy gắn bó với chúng nó lắm. Nhiều khi, trong làng có nhiều người chết, tôi phải đi tới đêm mới về, không nhớ làm lễ, niệm cho chúng nó là không tài nào chợp mắt nổi. Có khi nửa đêm sực nhớ, tỉnh dậy lo chôn cất chu đáo cho chúng thì mới sâu giấc được”.
Chính vì lẽ đó mà đối với ông, 2000 cái tiểu quan trọng biết nhường nào.
Chỉ vào cái túi nilon được buộc chỉn chu, ông Bao lắc đầu nói vơi chúng tôi: “Hôm nay có 5 cháu, toàn cháu nhỏ thôi, chừng 3 – 4 tháng tuổi. Mà ngày hôm nay còn ít, chứ có ngày tôi chôn cất tới hơn chục cháu”.
Những ngày như thế là ông về lại trăn trở, trằn trọc nghĩ xem có cách nào làm giảm số lượng đó không. Nhưng ông thấy bất lực quá.

Vợ ông, bà Vũ Thị Hiên kể, ông Bao thường lân la hỏi xem những ai có ý định “vứt bỏ” thai nhi, để ông tìm cách ngăn cản, khuyên giải họ giữ lại, đừng phá đi. Đối với những người mẹ trẻ trót dại dột, hay những người gặp vấn đề bất ổn trong hôn nhân, mà đứa bé trong bụng mẹ lớn tới 7 – 8 tháng, ông “xin” lại đứa bé, hứa sẽ chăm sóc chu đáo cho cháu như con của mình. Nhưng dù ông có nói “hết nước hết cái” đi chăng nữa, họ cũng không chịu.
Ông bảo ông không trách họ, ai cũng có lý do để làm việc không muốn làm là vứt bỏ đi giọt máu của mình. Nhưng ông không đành lòng để những đứa bé đó bơ vơ.
“Nhiều hôm ông mang về mấy cháu khoảng 7 – 8 tháng tuổi, đặt nó lên giường, chăm sóc như con mình mới sinh ra vậy. Mùa đông thì ủ ấm, mùa hè thì dọn dẹp thoáng mát, ông làm đủ việc mong cứu được các cháu. Mới mang về, các cháu còn khóc. Sau 4 – 5 tiếng đồng hồ, biết không thể cứu vãn, ông đành ngậm ngùi để chúng ra đi”, Bà Hiên thở dài.
“Ban đầu tôi sợ lắm, nhưng ông nhất định làm, tôi cũng quen, thấy thương các cháu hơn. Nhưng hai năm nay, chúng tôi chưa cứu được cháu nào”.
Ông bộc bạch tấm lòng của mình với vợ: “Thai nhi cũng như con người, cũng có linh hồn. Linh hồn con người thì không nên phiêu bạt, mà nên có nơi có chốn. Chúng nó không may mắn được sinh ra, được nuôi nấng như bao cháu nhỏ khác, thì mình cũng nên cho chúng một mái ấm, chí ít là một nơi để an nghỉ bà ạ”.
Tìm được sự cảm thông của gia đình, và nhờ vào sự giúp đỡ của nhà dòng, ông “phát triển” cái “nghề” của mình bằng cách lân la tới các bệnh viện, phòng khám tư trong huyện, “xin” những thai nhi đã bị…vứt bỏ.
Ông bùi ngùi nói với vợ: “Thôi thì đàng nào mà họ chẳng bỏ đi rồi, người ta không cần thì mình xin về vậy”.

“Tôi chỉ mong mình được thất nghiệp”
Thời gian đầu khi đí tìm nhặt nhặt thai nhi xấu số, việc tới lui các phòng khám tư khiến ông Bao nhiều lúc gặp trắc trở. “Thì cái lý đàn ông nó làm sao bằng đàn bà được hả cô”.
Nhưng nay, ông có thêm một "bạn hữu" tận tụy, là bà Phạm Thị Cường, 70 tuổi, hàng xóm của ông Bao. Hằng ngày, bà cần mẫn lọc cọc trên chiếc xe đạp, mang thi hài các cháu về cho ông. Nhờ có bà Cường mà ông Bao có thể “xin” được nhiều thai nhi bị bỏ đi, về chăm nom linh hồn các cháu được bằng an.
“Ngày trước người ta thường mang các cháu ra vứt dưới cầu Tiêu, ở một số khúc sông hay cống của thôn. Nghĩ cũng tội các cháu trước lắm. Thi hài của chúng không những trôi dạt khắp nơi mà còn bị tổn hại nữa. Vả lại, việc vứt bừa bãi thai nhi như thế rất gây ô nhiễm môi trường. Thế nên tôi làm việc này cũng là bình thường mà thôi”, Ông Bao tâm sự.

Từ khi ông Bao làm việc này, ở các khúc sông hay nơi cống rãnh, người ta không thấy xuất hiện nhiều túi nilon đen trôi lều bều trên mặt nước và bốc mùi hôi thói nữa. Sáng nay, ông đã ra mấy khúc sông, nhanh chóng lấy đi những túi nilon trước khi người ta đi làm đồng nhìn thấy.
Cẩn thận gói những túi nilon và treo một nơi kín đáo. Xong đâu đấy, ông dẫn chúng tôi ra nghĩa trang Quần Vinh, nơi 2000 đứa cháu của ông được an nghỉ. Ông Bao cho biết, hiện nay, ông đang cố gắng xin tài trợ của nhà dòng, để xây cho các cháu “ngôi nhà” nhiều tầng, để thuận tiện cho việc chôn cất các cháu, và cũng không chiếm nhiều diện tích của nghĩa trang này.
Ông bảo: “Nếu chúng được sinh ra nguyên vẹn thì chúng sẽ được sống trong nhiều ngôi nhà cao tầng ấy chứ. Chúng không có nhà thì mình cho chúng, mà đã cho thì cho hẳn cái nhà to cho chúng nó thoải mái”.
Vuốt chòm râu trắng muốt, đôi lông mày rậm hướng về xa xăm: “Việc tôi làm có được gì mà các cô phải tìm về tận đây. Nếu được thì tôi chỉ mong mọi người biết đến không phải với cái danh đi nhặt nhạnh thi hài các cháu, mà họ biết đến tôi để cho họ đừng có bỏ đi giọt máu đỏ của mình. Giờ tôi chỉ mong được thất nghiệp thôi các cô ạ”.
Chiều muộn. Tiếng chuông nhà thờ ngân xa. Ông Bao lúi húi thắp hương cho các cháu, rồi trở về cho kịp buổi lễ ở nhà thờ.
Kim Dung – Trần Tân

No comments: