Monday, July 13, 2009

McNAMARA và CHIẾN TRANH VIỆT NAM


McNamara và chiến tranh Việt Nam
Minh Võ
13-07-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6512
Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert S. McNamara đã qua đời ngày 06/07/2009, thọ 93 tuổi. Tuy quyết định hoà hay chiến phải là quyết định của Tổng Thống đựơc lưỡng viện Quốc Hội thông qua, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, với tư cách là bộ trưởng Quốc Phỏng, ông McNamara là “kiến trúc sư” (architect) của chiến tranh Việt Nam, gây chết chóc cho hàng triệu người vô tội, đồng thời mang lại “hội chứng Việt Nam” cho siêu cường Mỹ. Đó là chưa kể cuộc chiến đã làm cho 58.000 quân nhân Mỹ tử trận. Có người còn trách ông xem ra chẳng ân hận gì về những tang thương đổ vỡ mà cuộc chiến đã gây ra cho Việt Nam một nước nhỏ bé, trở thành nạn nhân của một đại cường. Nhân cái tang của một nhân vật từng được ca tụng là có bộ óc điện tử phi phàm, từng là tác giả của hàng rào điện tử mang tên ông chắn ngang vĩ tuyến 17 của Việt Nam, chúng tôi xin có một vài ý kiến, xin lỗi, hơi khác với những nhận định không tốt nói trên về người quá cố.

Robert S. McNamara sinh ngày 09/06/1916 tại San Francisco. Xuất thân là một doanh gia có tài, và thành đạt rạng rỡ (trở thành chủ tịch công ty Ford năm 44 tuổi), từng dậy về quản trị doanh nghiệp ở đại học Havard nổi tiếng nhất của Mỹ, ông bước vào chính trường do lời mời của Tổng Thống John F. Kennedy muốn trao cho ông Bộ Quốc Phòng (1). Ông đã giữ bộ này trong 8 năm từ 21/01/1961 đến tháng 2 năm 1968 là lúc ông rời nhiệm sở để sang làm chủ tịch Ngân Hàng Thế giới.
Đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy ông không bao giờ ngợi khen nồng nhiệt như các Tổng Thống Eisenhower, Johnson, Nixon hay tứơng Maxwell Taylor, và cựu đại sứ Frederick Nolting, v.v...(2) Trái lại còn nêu lên những khuyết điểm của vị Tổng Thống từng bị báo chí Mỹ chỉ trích nặng nề. Nhưng trong một chuyến thanh sát tình hình Việt Nam Cộng Hoà cùng với Thống Tướng Taylor vào tháng 10 năm 1963 ông đã cùng phúc trình rằng tình hình an ninh ở vùng nông thôn VNCH khả quan có thể cho phép Mỹ rút 1000 cố vấn về vào năm sau. Cũng vì thế ông đã cùng với Phó Tổng Thống Lyndon B. Johson, thống tướng Maxwell Taylor, các Đại Tướng McGarr, Paul Harkins... và Giám Đốc CIA McCone v.v... đứng về phe bênh, không muốn lật đổ Tổng Thống Diệm. Khác với những nhân vật quý trọng tài đức của ông Diệm, ông sở dĩ không muốn hạ ông Diệm chỉ vì ông thấy trước nguy cơ một miền Nam xáo trộn trong tình trạng vô chính phủ, sau khi lật đổ một chế độ hợp hiến hợp pháp có đầy đủ các cơ chế pháp lý ổn định. Chứ không phải vì mến thương hay quý trọng ông Tổng Thống độc thân.

Trong cuốn Argument Without End viết chung vói 4 người khác xuất bản năm 1999, ông đã minh thị nói Hoa Kỳ có lỗi trong cuộc chính biến này. (3) Và trước đó 4 năm, trong cuốn In Retrospect, Tragedy and Lessons from Vietnam,(4), ông còn nói người Mỹ đã “tổ chức” (organize) và “khởi động” (set in motion) cuộc đảo chính.
Cuốn In Retrospect này chính là một lời thú nhận lỗi lầm và thực lòng hối hận đối với nhân dân Việt Nam. Ai bảo ông không có chút tình cảm con người, chỉ hành động theo thái độ đại cường vô tâm hay thực dụng, có lẽ đã không đọc tác phẩm này. Riêng chúng tôi còn thấy ông hạ mình quá đáng đối với đối phương khi nhận sai lầm trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cũng đã thấy ông sai lầm hoàn toàn khi vô tình đồng hoá chiêu bài dân tộc của Hồ Chí Minh và Cộng đảng vói chính nghĩa dân tộc của người Quốc gia. Việc ông gọi cuộc chiến Việt Nam là một lỗi lầm kinh khủng (ông dùng chữ terribly wrong) đã khiến cả phe diều hâu lẫn phe phản chiến đả kích ông tới tấp.

Về thái độ phục thiện và lương thiện của ông, ký giả John F. Kennedy Jr., (5) khi phê bình cuốn In Retrospect, đã viết:
“Robert McNamara đã làm được điều ít người làm được. Ông ta đã nhận trách nhiệm hoàn toàn về những quyết định của ông, và nhìn nhận rằng mình đã sai lầm. ...”

Đến đây, trước vong linh người vừa quá cố, tôi xin đặt lại vấn đề. Ông McNamara, chính quyền của đảng Dân Chủ, chính phủ Mỹ có sai lầm khi đem đại quân vào Việt Nam từ những năm 64-65 thế kỷ trước không?
Muốn trả lời một cách thích đáng câu hỏi trên, thiết nghĩ cần xét mục đích của hành động đó, cách thức thực hiện, và các chiến pháp áp dụng khi tiến hành cuộc chiến.

Trước hết về mục đích của việc đem quân vào Việt Nam, ta lại phải hỏi: Có phải vì mục tiêu tối hậu và tối cao là bảo vệ di sản muôn đời của nhân loại đang bị tà thuyết Cộng Sản đe doạ hủy diệt không? Hay chỉ vì muốn cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng với một cường quốc khác, dù đó là một đồng minh? Hay vì một lý do vị kỷ trục lợi nào khác?
Tiếp đến, về cách thức thực hiện, Hoa Kỳ có tôn trọng chủ quyền của nhân dân Việt Nam bằng cách hỏi ý kiến của một chính quyền hợp hiến hợp pháp, đại diện chính thức của người dân, hay bàn thảo để có một hiệp ước song phương ký với một chính quyền có đầy đủ tư cách pháp lý như trên không? Hay là tìm cách lật đổ chính quyền hợp hiến hợp pháp, để rồi dựng lên một chính phủ không có cơ sở pháp lý, nhưng sẵn sàng đón nhận quân ngoại quốc vào để thao túng chiến trường và chính trường?
Sau hết, về chiến pháp áp dụng trong cuộc chiến, ta cần xác lập được tính chất của cuộc chiến. Đó là chiến tranh giải phóng hay chiến tranh xâm lược, hay chiến tranh tự vệ? vân vân... Lại phải am tường về chiến pháp của đối phương? Đối phương dùng chiến pháp thuần túy quân sự, hay dùng chiến pháp toàn diện theo quan điểm toàn bộ chiến của Karl von Clausewitz, lấy tuyên truyền và chiến tranh chính trị làm chính?

Để trả lời vắn gọn từng câu một trong ba câu hỏi nêu trên, nên xác định một cách cụ thể rằng, nếu vì mục đích tự vệ, nhằm bảo vệ nền văn minh của nhân loại chống tà thuyết phi nhân vô đạo, không tưởng của Cộng Sản, thì đó là một cuộc thế chiến được nhiều người mệnh danh là thế chiến III. Chứ không phải là một cuộc chiến cục bộ, địa phương. Mà, trên nguyên tắc, lý thuyết, đã là một cuộc thế chiến bao trùm khắp địa cầu về mọi mặt, thì phải vận dụng tài năng trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, phải kêu gọi sự đoàn kết của mọi quốc gia từ những đại cường đến các chính phủ của mọi nước bị trị. Cho mọi người biết rõ vì mục đích gì ta chiến đấu. Phải nhân danh nhân loại, nhân danh nền văn minh, nhân danh sự tồn vong của cả loài người, thì mới đối đầu được với những kẻ đang nhân danh giai cấp vô sản toàn thế giới để âm thầm lặng lẽ tấn công ta, bằng những thứ ám khí mà chúng mới “chế tạo” ra.
Vì vậy trước khi đưa quân vào Việt Nam, phải nói rõ cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới biết rõ mục tiêu của việc đó là nhằm chống lại cuộc xâm lăng rộng lớn khắp hoàn cầu của Cộng Sản bằng các phương tiện phi vũ trang. Nghĩa là bằng khuynh đảo, nổi dậy, xâm nhập, lũng đoạn....để cuối cùng chiếm chính quyền ở từng địa phương hầu dần dần bá chủ thế giới, với chiêu bài giải phóng giai cấp vô sản. Muốn làm được việc này phải được sự đồng tình và tiếp tay nhiệt thành của giới truyền thông và dư luận thế giói. Chứ chỉ với những tuyên ngôn và huấn thị của các nhà lãnh đạo không mà thôi thì hoàn toàn thiếu sót.

Ngay từ cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 thế kỷ trước, nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo là chúng ta đang ở giữa thế chiến III. Nhưng lúc ấy cũng chỉ mới có một số ít nhà lãnh đạo thế giới lãnh hội được điều đó. Còn đại đa số nhân loại và nhất là báo giới và phần đông học giả vẫn không tin. Chẳng những thế còn tiếp tay cho CS, đề cao cái gọi là những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhắm vào các đại cường, mà họ tố cáo là đế quốc tư bản thuộc giai cấp bóc lột. Muốn thành công, các chính quyền Mỹ đáng lý phải giáo dục. giác ngộ báo giới trong nước để đả thông về mục tiêu tác chiến của phe nhà trước khi tuyên chiến, hay đem đại quân sang giúp Việt Nam chống Cộng sản xâm lăng. Nhưng vì “nể trọng” đệ tứ quyền, các nhà lãnh đạo đã cúi đầu trước những lời lẽ thiếu hiểu biết và hỗn xược của giới cầm bút. Những nhà báo trẻ ở tuổi 20 đã một thời làm mưa làm gió nơi chiến trường và chính trường. Ông Ngô Đình Diệm đã nhiều phen nói trứoc, với những nhà báo loại này, thì sẽ mất nuớc về tay cộng sản. Nhưng người ta thay vì cảnh giác lại chế riễu những lới chân thực ấy.

Lúc ấy có tin đồn (hay giả thuyết) rằng bọn tài phiệt nắm siêu quyền lực ở Mỹ chủ trương mở rộng chiến tranh việt Nam để bán vũ khí mới, tiêu thụ vũ khí cũ thời đệ nhị thế chiến. Có ai muốn tin những tin đồn đó thiết nghĩ cũng không có cách gì chứng minh được. Tôi nghĩ ông McNamara không phải tay sai của bọn tài phiệt bất nhân đó. Rất có thể ông còn là người thực lòng muốn thực hiện chính sách “be bờ” (containment policy) của các Tổng Thống Eisenhower và Kennedy nhằm ngăn chặn không cho làn sóng đỏ tràn sang các nước vùng Đông Nam Á qua ngả Việt Nam và Ai Lao. Nghĩa là khi đem quân vào Việt Nam các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lúc ấy, cụ thể là tổng Thống Lyndon B Johnson và bộ trưởng Quốc Phòng McNamara đã làm vì mục đích cao cả là bảo vệ nền văn minh nhân loại.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi tin McNamara đã hiểu rõ ý nghĩa của cuộc chiến tranh toàn cầu toàn bô của Công Sản, được mệnh danh là thế chiến III. Để trả lời câu hỏi 2, về cách thức thực hiện việc đem quân vào, chắc ông McNamara hơn ai hết đã biết là thất sách. Trước đó chính ông đã đứng về phe chống cuộc đảo chính 01/11/1963, vì biết nó sẽ đưa các chính quyền kế tiếp sau đảo chính vào thế vô chính phủ, không có một cơ sở pháp lý nào. Quốc Hội cũng không còn để đại diện nhân dân chấp thuận hay không chấp thuận việc Mỹ đem quân vào. Như vậy việc Mỹ đem quân vào là phi pháp, làm cớ cho tuyên truyền của CS rằng Mỹ xâm lược Việt Nam và chính quyền Saigon là tay sai, bù nhìn, quân đội mìền Nam là lính đánh thuê v.v... Vì ý thức được phần nào hệ quả tai hại đó và tình trạng bấp bênh trong thực tế như vậy nên ngay từ năm 1966 ông đã bắt đầu thấy nhiều trở ngại chồng chất mà bộ óc thông minh cực kỳ của ông không sao tìm ra lối thoát. Cho nên ông đã muốn sớm từ chức. Nhưng tinh thần trách nhiệm thúc đẩy ông cố gắng sức thêm vài tháng nữa để đổ cái đống rác kếch sù mà một vài nhà ngoại giao cấp trung vô lương tâm của Mỹ đã văng vãi ra.

Người ta có thể cãi chầy cãi cối rằng từ 1967 trở đi đã có chính quyền hợp hiến Nguyễn Văn Thiệu rồi, thì việc Mỹ đem quân vào đã thành danh chính ngôn thuận. Nhưng chính quyền đó là do có nửa triệu quân Mỹ tạo nên. Thử hỏi khi Mỹ đem quân vào nó chưa ra đời thì nó làm sao chấp thuận hay không chấp thuận việc Mỹ đem quân vào? Mà nếu không có quân Mỹ thì nó cũng chẳng thành hình được. Chính sự phi nghĩa của cuôc chiến dẫn đến những khó khăn chồng chất về mọi sáng kiến cũng như kế hoạch tác chiến đó làm cho kiến trúc sư nhà ta quyết định dứt khoát phải. Và vào một ngày cuối tháng 11/1967 ông đã đệ đơn từ chức. Có người cho rằng ông từ chức vì những bất đồng chiến lược với Tổng Thống. Nhưng nguyên do những bất đồng ấy lại nằm trong chính sự kiện cuộc chiến không có chính nghĩa, và vì chẳng bên nào hiểu thấu đáo được bản chất và lý do đích thực của cuộc chiến.

Về câu hỏi thứ 3 liên quan đến phương pháp hay chiến lược sách lược chiến tranh, muốn trả lời cho thấu đáo cần có cả một bộ sách. Vì nó liên quan đến bản chất cuộc chiến toàn diện, và những phương luợc đấu tranh muôn hình vạn trạng của một thứ chiến tranh hoàn toàn mới. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ có thể nói tóm gọn rằng những phương pháp tác chiến của quân Mỹ tại Việt Nam hoàn toàn không thích đáng.

Đối phương dựa vào 2 niền tin. Niềm tin vào sự tất thắng của giai cấp vô sản trên thế giới trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản. Và nìềm tin vào “chính nghĩa dân tộc” của nhân dân ngoài đảng. (6)
Hai niềm tin đó luôn đựoc hun đúc, bồi đắp bởi một bộ máy tuyên truyền tinh vi và các tổ chức vận động quần chúng hữu hiệu, kèm theo một thứ kỷ luật thép nhà binh áp dụng triệt để trong một thứ chiến tranh nhân dân, đã vô tình biến toàn dân trong nước thành một đạo quân cuồng tín, chỉ biết tuân lệnh “vì Bác, vì Đảng tiến lên diệt thù” dù phải lấy thân che đạn, hay vít kín lỗ châu mai.

Nếu các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ biết rõ cái gọi là chính nghĩa dân tộc của CS chỉ là chiêu bài giả dối, và sự tất thắng của giai cấp vô sản trên thế giới chỉ là một ảo tưởng và sự lừa bịp trắng trợn, thì vị kiến trúc sư cuộc chiến sẽ biết cách đối phó với sự cuồng tín đó. Nhưng tiếc rằng lúc ấy đại đa số giói truyền thông lại tin những chiêu bài giả dối bịp bợm của đối phương là thật, và sẵn sàng làm cái loa khuyếch đại tuyên truyền của đối phương, vô hình trung tự biến mình thành những lính đánh thuê cho Cộng Sản, từ ngay trong lòng tổ quốc. Nói trắng ra những nhà báo nào ca ngợi Bắc Việt có chính nghĩa dân tộc, và nói toàn phe cộng có chính nghĩa giai cấp (vì đứng về số đông là giai cấp vô sản), thì những nhà báo đó đã thực sự chống lại dân tộc, tổ quốc của mình.

Về mỗi loại sách lược đấu tranh muôn hình vạn trạng của cái thứ toàn bộ, toàn diện chiến của CS cần có những cách phản công cần thiết và hữu hiệu cần phải bàn thêm. Nhưng điều đó vượt khỏi khuôn khổ nhỏ bé của bài này. (Tuy nhiên chúng tôi đã có dịp trình đại ý trong những bài trước). (7)

Có một điều, ông McNamara bị một số tướng lãnh và các nhà quân sự chuyên nghiệp phê bình đặt dấu hỏi là tại sao ông không cho áp dụng chiến pháp của Tôn Tử dậy rằng “Cách phòng thủ tốt nhất là tiến công”, để cho lục quân tiến ra Bắc tiêu diệt tận gốc rễ bộ đội miền Bắc đồng thời phá hủy hay chiếm lấy các kho vũ khí tiếp liệu của Cộng quân. Nhưng thái độ cẩn trọng của ông là có cơ sở. Ông không muốn mạo hiểm gây đại chiến với Trung Cộng. Về việc này thì những tài liệu về sau đã cho thấy lúc ấy Trung Cộng đã ngầm viện trợ cho Bắc Việt đủ để ngăn chặn một cuộc tiến công như vậy. Hơn nữa Trung Cộng còn hứa sẽ ồ ạt đem quân can thiệp, tiếp viện, nếu có một cuộc tấn công quy mô xảy ra từ phía Mỹ (8)

Ông McNamara cũng bị các tướng tư lệnh chiến trường như Westmoreland không ngừng yêu cầu tăng viện thêm quân, cho chiến dịch lùng và diệt địch của ông, hoặc để đối phó với thứ chiến tranh tiêu hao của địch. Điều mà ông ít chờ đợi nhất là đối phương đã dùng đủ mọi cách để tấn công vào ý chí chiến đấu của giới lãnh đạo Mỹ. Trong chiến tranh, việc tìm hiểu ý định của đối phương và tiêu hủy ý chí chiến đấu của đối phương là những công tác luôn luôn khiến các tư lệnh đặc biệt bận tâm. Tuy không phải là tư lệnh chiến trường nhưng với tư cách bộ trưởng Quốc Phòng, ông cũng không thoát đựoc hai gánh nặng đó. Ngoài ra ông còn phải ứng phó với các kho vũ khí đạn dược lúc nào cũng cần sản xuất thêm, và số tân binh cần tuyển thêm, những quân trừ bị cần trưng tập, huấn luyện thêm cho một chiến trường lúc nào cũng cần tăng viện. Thực tế là ông đã phải đổ vào chiến trường Việt Nam hơn 2 triệu quân, trong đó vào năm 1968 có tới 535.000 quân thường trực.
Đứng trước nhu cầu càng ngày càng lớn, mà thành quả chiến thắng mỗi lúc một xa vời, dù có ý chí đến đâu cũng không khỏi có lúc nản chí. Riêng đối với ông có lẽ ông đã thấy cuộc chiến không thể thắng ví nó không có chính nghĩa, hay chính nghĩa của nó không được giới truyền thông nêu cao mà còn tiếp tay vói đối phương tuyên truyền cho cái chiêu bài giả dối được mệnh danh là chính nghĩa của Cộng Sản.
Cho nên việc từ chức của ông là việc không thể tránh và cũng là việc đáng khen.

Để kết luận, chúng tôi xin tóm tắt rằng người mang tiếng là tác giả (kiến trúc sư) của cuộc chiến đã sớm nhìn ra Hoa Kỳ không thể chiến thắng vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, cuộc chiến tuy có chính nghĩa vì là cuộc chiến tự vệ của thế giới tự do chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản. Nhưng Hoa Kỳ đã không nêu cao được và không giải thích rộng rãi cho mọi người hiểu rõ chính nghĩa đó. Trái lại đã để cho giới truyền thông và học giả trong nước đi bênh vực đối phương, nói ngược lại, gọi đó là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” (a dirty war)
Thứ hai, khi đem đại quân vào giúp Việt Nam Cộng Hoà, Hoa Kỳ đã dùng cách không thích đáng, nếu không nói là sai trái hoàn toàn.
Thứ ba, đã áp dụng những chiến pháp không thích hợp, lỗi thời so với một thứ chiến tranh hoàn toàn mới. Biết là lỗi thời nhưng vẫn phải dùng vì cả bộ máy chiến tranh một siêu cường lúc ấy vẫn chưa có được sự chuẩn bị và trang bị thích hợp để học hỏi nghiên cứu về những chiến pháp phi vũ trang của một cuộc chiến toàn bộ, hoàn toàn vượt khỏi khái niệm chiến tranh thông thường, thuần túy quân sự. (9)

McNamara đã bỏ cuộc, cũng như sau đó Johnson cũng bỏ cuộc, tuyên bố không ra ứng cử nữa, vì thấy mình bất lực và thất bại. Hai ông đã để gánh nặng lại cho các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hoà lãnh đủ. Sau cùng Kissinger, một bộ óc độc đáo mang dòng máu Do Thái siêu Việt cũng thúc thủ trước những thủ đoạn nham hiểm và thái độ lỳ lợm, kiên trì kéo dài những cuộc đàm phán (với những chuỗi độc thoại tuyên truyền một chiều hay cãi vã vô tận) của các nhà thương thuyết Việt Cộng ‒ vì đàm đàm đánh đánh là sở trường của thứ chiến tranh phi vũ trang Cộng Sản ‒ để cuối cùng đi đến một hiệp định Paris bóp chết một đồng minh mà mình đã hứa bảo vệ, nhưng đã bất lực không bảo vệ nổi. Hậu quả lâu dài là siêu cường Mỹ mang tiếng bất nhân bỏ rơi đàn em bé nhỏ. Richard Nixon thì cũng từ chức giống như McNamara đã từ nhiệm. Nhưng là vì bất đắc dĩ, do vụ tai tiếng Watergate gây ra. So với McNamara thì thất bại của Nixon còn nặng nề hơn. (10)

Thất bại mà nhận mình thất bại là thái độ đáng khen. Còn dám nhận mình sai lầm nên mới thất bại, còn đáng khen hơn nữa.
“I tried to build a palace and now I see only ruins. My objective was clear. My performance was less than perfect.” - Robert S. McNamara

http://www.youtube.com/watch?v=p5JLf_bC4Ow&eurl=

Đây là bài học quý giá cho chúng ta, nhất là cho những người đã nhúng tay vào việc lật đổ một chế độ hợp hiến hợp pháp để đẩy miền Nam vào cảnh hỗn loạn với những nhà lãnh đạo tay mơ, phải hoàn toàn lệ thuộc vào quân đội ngoại quốc để cai trị. Cho nên mất nước là chuyện “tiền định”, không thể tránh. Liệu các nhà báo thiên tả của Mỹ từng có ảo tưởng về một nền dân chủ kiểu Mỹ trong chiến tranh Việt Nam có hối hận không? Liệu một vài tướng lãnh và mấy chính khách bất tài, mấy “nhà cách mạng” vì địa vị, vì quyền lợi phe nhóm có biết bắt chước một chính khách Mỹ như McNamara, như Nixon, dám cam đảm nhìn nhận mình thua và mình đã sai không. Tương lai của con cháu chúng ta, của Việt Nam tùy thuộc ở thái độ người quốc gia chúng ta có biết lỗi và phục thiện, để tìm cách sửa chữa những lỗi lầm quá khứ không?

San Diego 10/07/2009
© DCVOnline

--------------------------------------

Xin lỗi bạn đọc về mấy chú thích hơi dài dưới đây. Vì không muốn độc giả đã quen với người viết từ lâu phải than rằng “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nên chúng tôi đã đưa xuống phần chú thích những chi tiết mà những độc giả mới có thể muốn biết để soi sáng thêm cho những ý chưa được sáng sủa trong bài.
(1) Trong thế chiến II ông đã phục vụ ở Không Lực Hoa Kỳ và lên tới cấp trung tá.
(2) Những vị này đã gọi ông Diệm là “Miracle Man”, “Churchill of Asia” “Key Stone of A Dome”, (Về chi tiết và ý nghĩa nội dung những lời khen này xin xem Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc của Minh Võ, ấn bản 2009 của DĐGD, trang 118, 224) hay ví ông với nắp hộp Pandora chính trị, theo thần thoại cổ Hy Lạp, như tướng Maxwell Taylor đã viết nguyên văn:
What we could not know was that an American-supported coup in 1963 would remove Diem, and with him the lid of the political Pandora’s box in which Diem had confined the genies of political turbulence. When freed, these forces tore South Vietnam apart in 1964 and 1965 and presented us with a completely different set of political problems.”(Điều chúng ta đã không biết là cuộc đảo chính được Hoa Kỳ ủng hộ năm 1963 đã lật ông Diệm và cùng với ông cũng lật luôn cái nắp hộp chính trị Pandora, trong đó ông Diệm đã nhốt những thần hỗn loạn chính trị. Khi những thần này được tự do tung hoành, chúng đã xé nát Nam Việt Nam trong những năm 1964 và 1965, đặt chúng ta trước một loạt những vấn đề chính trị hoàn toàn khác lạ.”
(“Thanh Gươm Và Lưỡi Cầy”, Swords And Plowshares, W.W. Norton & Company, Inc. N.Y. 1972, trang 401.)
(3) Trong tác phẩm Argument Without End, In Search of answers to the Vietnam tragedy, xuất bản năm 1999, McNamara đã nhiều lần dùng từ culpable để nói lên cái tội của “chúng tôi” (ví dụ nơi trang 198 ông viết “...I think it is a fact that we were culpable”. ), tức của chính quyền Kennedy trong đó ông là bộ trưởng Quốc Phòng, chứ không phải chỉ của một số ít những kẻ chủ trương lật ông Diệm. Và dĩ nhiên tội lỗi thì không phải chỉ là một lỗi lầm nghiêm trọng (a critical mistake), như chữ đựoc dùng nhiều lần bởi Tổng Thống Nixon trước đó (trong No More Vietnams).
(4) Tạm dịch: Nhìn Lại, thảm kịch và những bài học từ cuộc chiến Việt Nam, Random House, Inc. NY, 1995, trang 401.
(5) Con trai cố Tổng Thống Kennedy, sinh vào cuối năm 1960, chỉ vài tuần trước ngày thân phụ tuyên thệ Nhậm Chức, tử nạn trong một tai nạn máy bay cùng với vợ và cô em vợ, lúc ông mới 39 tuổi.
(6) Các đảng viên CS được nhồi sọ về chủ nghĩa Mác nên tin rằng họ chiến đấu cho sự toàn thắng của giai cấp vô sản trên khắp thế giới, để cuối cùng thiết lập một thế giới đại đồng trong đó không còn quốc gia dân tộc nữa. Trong thế giới đó giai cấp vô sản sẽ nắm quyền chuyên chính. Nhưng người ngoài đảng thì lại được nhồi nhét một niềm tin khác, niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa dân tộc. Họ không đựoc cho biết rằng thứ chủ nghĩa dân tộc của CS chỉ là chiêu bài giả dối. Muốn tranh thủ giới nghèo và các chính phủ các nước bị trị, các lãnh tụ Cộng Sản phải nhân danh chiêu bài dân tộc. Họ kêu gọi các thành phần đó hãy đoàn kết, đi theo họ để giải phóng các dân tộc bị trị, bị hà hiếp. Vì thế khắp nơi trên thế giới đâu đâu CS cũng lập nên các mặt trận giải póng dân tộc để đánh lừa, dụ dỗ số đông. Nếu không am tường về lý thuyết và sách lược Lênin, thì khó mà tránh khỏi bị lừa. Về việc này thiết tưởng nên nêu trường hợp của Thống Tướng Maxwell Taylor làm ví dụ. Trong hồi ký Thanh Gươm và Lưỡi Cầy nói trên, ông đã thành thật thú nhận mình không hiểu tác dụng của vai trò của Mặt trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam khi được đại tá Edward Lasdale cho biết về nó. Ông bảo đó là lần đầu tiên ông được biết về ý đồ của Cộng Sản vận dụng chiêu bài giải phóng dân tộc ra sao để nhằm đánh đổ chính quyền Miền Nam. (Xin xem SĐD trang 221). Trong trường hợp này xem ra một Thống Tướng với bao chiến công hiển hách trong thế chiến II. chỉ là học trò ngoan của một viên đại tá. Dầu sao phải nhìn nhận sự thẳng thắn và luơng thiện cũng như khiêm tốn của một quân nhân ưu tú của Mỹ mà nhiều chính khách Việt Nam cần noi gương.
(7) Ở đây chúng tôi xin chỉ nhắc lại một điểm chiến lược trọng yếu của Cộng sản miền Bắc do ông Hồ lãnh đạo. Đó là chiêu bài dân tộc. Họ đã nhân danh lòng ái quốc để kêu gọi toàn dân kháng chiến dành độc lập. Đó là điểm mạnh nhất của họ. Nhưng nếu ta vạch được ra rằng đó chì là chiêu bài giả dối thì đó lại là điểm yếu nhất của đối phương. Ông Ngô Đình Diệm dùng lòng yêu nước thực sự của mình và những biểu hiện của một nền độc lập thật sự của miền Nam dưới quyền ông để làm vũ khí sắc bén nhất để lột mặt nạ chiêu bài giả dối của ông Hồ và đồng đảng. Lúc ấy đối phương rất sợ. Lúc ấy cũng là lúc ông Diệm không muốn Mỹ đưa đại quân vào. Vì ông tin chắc, chỉ với biện pháp phi quân sự là dùng chính nghĩa dân tộc thực sự cũng đủ lột mặt nạ chiêu bài dân tộc giả dối của đối phương. Cho nên sau khi ông Diệm bị chết rồi, Mỹ phải đem đại quân vào, thì đó là nhu cầu cần thiết để cứu lấy miền Nam. Nhưng nếu người Mỹ cũng hiểu như ông Diệm rằng cần trước tiên phải đánh vào yếu huyệt của đối phương là chiêu bài giả dối dân tộc thì sẽ không cần phải dùng tới một số quá lớn quân và nhiều vũ khí đạn dược như vậy. Nhưng các nhà chiến lược Mỹ đã không có được ý niệm chiến lược đó, vì không biết rõ đối phương mạnh và yếu ở chỗ nào để nhằm đúng những chỗ đó mà đánh, chỉ biết lấy sức mạnh vũ khí làm chủ yếu. Đàng khác đoàn quân hùng mạnh báo giới Mỹ lại đi tuyên truyền không công cho đối phương rằng cái chiêu bài giả dối kia là chính nghĩa dân tộc thực sự. Cái tài của ông Hồ là có thể sai khiến được hàng ngũ đối phương xâu xé lẫn nhau để có lợi cho mình. Đó là bí quyết của thứ chiến tranh ý thức hệ của CS. dù có ghét ông ta đến mấy cũng phải nhìn ra chẳng những khuyết điểm mà cả ưu điểm của đối phương.Nếu thời chiến mà những nhà báo và học giả Mỹ đừng vì thiên vị, hay thiếu hiểu biết mà đi đề cao đối phương, còn về phía mình và quân dân miền Nam thì chỉ báo cáo những khuyết điểm và lỗi lầm, thì kết cục cuộc chiến đâu có thê thảm như thế. Mới đây Richard Botkin vừa cho ra cuốn Ride The Thunder (Cỡi Sấm) đã mô tả những chiến công anh hùng hi hữu của những quân nhân Mỹ Việt chẳng hạn như Đại Úy Mỹ John Ripley, hay Đại Tá Việt Lê Bá Bình. Về vị đại tá Việt Nam cho viết rằng chỉ với 700 lính dưới quyền ông đã có thể chặn sự tiến công của 10.000 địch quân. Nếu trong thời chiến báo chí Mỹ đừng thiên vị, trung thực nêu lên những chiến công của những cá nhân và đơn vị tác chiến phe ta, thay vì cứ nghe theo đối hương nhắc đi nhắc lại những thành tích phóng đại của đối phương thì hay biết mấy.
(8) Robert Brigham, một trong 4 đồng tác giả cuốn Argument without end, trong một phụ bản ở cuối sách đã trưng dẫn nhiều tài liệu phần lớn của Việt Cộng và Trung Cộng chứng minh Trung Cộng đã hứa và sẵn sàng can thiệp để ngăn chặn bất cứ một cuộc đổ quân nào của Mỹ lên miền Bắc Việt Nam. Theo một trong những tài liệu này thì vào tháng 6 năm 1964 tham mưu trưởng quân đội Bắc Việt là Văn Tiến Dũng đã được Bắc Kinh hứa viện trợ quân sự vô điều kiện. Sau đó trong thời gian xảy ra vụ khủng hoảng ở vịnh Bắc Việt tháng 8 năm 1964, (vụ tàu Maddox) Trung Cộng đã đặt các đơn vị hải quân trong vùng ở trong tình trạng ứng chiến. Họ đã sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công bất thần của Mỹ. Trong một chuyến công du sang Tầu trước đó, Hồ Chí Minh đã được Bắc Kinh hứa tăng viện thêm 230 tiểu đoàn nếu cần. Và cho đến 1968 số lính Trung Cộng nằm bên lãnh thổ Bắc việt lên tới 200,000. (SĐD trang 410)
(9) Vấn đề này nói ra thì rất dài dòng. Trong một bài đăng trên DCVOnline, cách đây 2 năm chúng tôi đã phân tích về thứ chiến tranh gọi là chíen tranh ý thức hệ này.
(10) Đó là nếu chỉ xét về chiến tranh Việt Nam. Một số người dựa vào vài tài liệu mới được giải mật, hay những cuốn băng ghi âm các cuộc đàm thoại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, đã khẳng định Nixon đã không thua, chỉ giả vờ thua hầu có cớ bỏ rơi VNCH không xót thương. Vì Nixon và Kissinger đã nắm được Trung Cộng rồi... Nhưng thực ra, không phải vậy. Ngay từ 1968, sau trận tết Mậu Thân, chính quyền Johnson đã thấy cần thương thuyết để chấm dứt cuộc chiến mà Mỹ không có hy vọng thắng. Đến thời Nixon thì cuộc chiến đó đã thành vũng lầy chí nguy, cần phải cố gắng lắm mới rút chân ra được. Và Nixon đã làm hết sức mình. Ông từng có tiếng là Diều Hâu chống Cộng cực đoan. Ông đã phong tỏa cảng Hải Phòng, cho thả bom Hà Nội 12 ngày dịp Giáng Sinh năm 1972. Cho Kissinger mật đàm với Lê Đức Thọ. Vẫn không có kết quả. Mặt khác phong trào phản chiến do báo chí thổi bừng lên trong nước chẳng khác gì những ngọn giáo nhọn đâm thẳng vào trái tim tổ quốc. Áp lực phải chấm dứt chiến tranh và rút chân ra khỏi vũng lầy càng ngày càng khẩn cấp. Trong trường hợp đó, như ở vào một thế “cùng tắc biến” Nixon đã nghĩ ra ngón đòn “thương thuyết” thẳng với đàn anh của Việt Cộng để đi tới Thông Cáo Chung Thượng Hải ngày 27 tháng 2 năm 1972. Thành quả đó đẩy Hà Nội vào cái thế bắt buôc phải thương thuyết nghiêm chỉnh để đi tới hiệp định Paris.
Dĩ nhiên Tổng Thống một nước dân chủ như Mỹ không có toàn quyền trên mọi vấn đề. Còn có Quốc Hộin chịu ảnh hưởng của dư luận quần chúng và nhất là của báo chí, đệ tứ quyền. Cho nên nếu người Việt muốn trách Mỹ, thì hãy tập trung sự phê phán, lên án, vào đám ký giả ăn hại hơn là nhắm vào vị Tổng Thống diều hâu chỉ bất đắc dĩ lắm mới phải nhường nhịn một kẻ thù lỳ lợm giai giẳng không thể tưởng tượng được. Trong hai bài báo trước, chúng tôi đã ca ngợi sáng kiến thương thuyết của Tổng Thống Nixon chẳng những nó đã giúp ông rút chân ra khỏi vũng lầy Việt Nam mà còn mở đầu cho hàng loạt chiến thắng ngoại giao khác (đáng kể là thỏa hiệp được với Liên Xô về các điều khỏan của hiệp ước Salt 1 về hạn chế vũ khí chiến lược tầm xa, sau khi đã ký với Tổng Bí Thư Liên Xô Leonid Brezhnev hiệp ước ABMT (Anti-Ballistic Missile Treaty ngày 26/05/1972). Với những thắng lợi ngoại giao này ông đã đặt nen tảng cho những sáng kiến của các Tổng Thống Bush cha, và nhất là Ronald Reagan, đem tới thắng lợi hoàn toàn của thế giói Tự Do vào năm 1991, 8 năm trước lời tiên đoán của Nixon, (theo tác phẩm tiên tri của ông: 1999 chiến thắng không cần chiến tranh.)

DCVOnline: Xem thêm Conversations with History: Robert S. McNamara (1996)

http://www.youtube.com/watch?v=InM-E64AUOc&eurl=

Vietnam War Architect Robert McNamara Dies at 93: A Look at His Legacy , With Howard Zinn, Marilyn Young & Jonathan Schell


No comments: