Wednesday, July 15, 2009

KINH NGHIỆM CHỐNG CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ Ở TIỆP KHẮC


Kẻ sĩ phản kháng ở Tiệp Khắc
Brian Hanrahan
BBC News
Cập nhật: 15:48 GMT - thứ hai, 13 tháng 7, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090713_czech_dissent.shtml
Những nhà bất đồng chính kiến ở Đông Âu có chuyện đùa chua cay về cách tiếp cận của cộng sản đối với thỏa hiệp.
''Anh sẽ làm gì khi đã biến ai đấy trở thành 99% cộng sản?''.
Trả lời: ''Đánh bật ra 1% còn lại.''
Đó là cách tiếp cận trên khắp Đông Âu.

Chủ nghĩa Cộng sản muốn kiểm soát không chỉ chính trị mà toàn bộ cuộc sống hàng ngày.
Nó chỉ đạo người ta phải xử sự và suy nghĩ ra sao. Nó muốn cai quản các ngành công nghiệp, lên chương trình giảng dạy ở đại học và quyết định người ta có thể đọc gì.
Những ai chất vấn nhà nước sẽ có thể mất việc và mất nhà cửa.
Cuộc sống hàng ngày của họ có thể rất khổ sở khi không được mua đồ đạc và đi lại.
Việc học hành của con họ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Khi còn thường trú ở Moscow, tôi thường gặp sự kiểm soát của chính phủ. Tôi thậm chí phải nhập gỗ để làm giá sách vì các cửa hàng địa phương từ chối bán cho tôi.
Vì nhà nước sở hữu mọi thứ và chỉ huy mọi thứ, nó có thể gây phiền nhiễu cho người ta theo hàng ngàn cách khác nhau.
Nhưng tôi có thể bỏ mà đi còn những người dân phải chịu đựng cho tới chết.

Thế giới ma
Ở Tiệp Khắc - nước đã trấn áp những cố gắng cải cách Mùa xuân Prague 1968 - cách chính quyền buộc người ta phải tuân thủ nghe sởn gai ốc.
Ông Jan Urban, một nhân vật hàng đầu của Cách mạng Nhung 1989 dẫn tôi đi xem hồ sơ lưu trữ của cảnh sát để xem họ làm gì để đảm bảo sự tuân thủ.
Đây là thế giới ma mà chính quyền không nghĩ sẽ có ngày bị lộ tẩy - 25 km giá đựng các tài liệu đã ngả màu ghi lại hành động của cảnh sát mật Czech khi họ sách nhiễu và trấn áp một số nhỏ người đủ dũng cảm để thách thức họ.
Ông Urban đã trả giá cho sự bất tuân.
Bà vợ đang mang thai của ông bị tra khảo và sẩy thai. Họ cũng bị chính quyền hạch sách vì lơ là trong việc trông trẻ.
Ông Urban nhận được lời đe dọa giết người qua điện thoại. Một lần ông nhận được quan tài với tên ông.
Tất cả những chuyện này xảy ra trong một xã hội mà chẳng có gì có thể xảy ra khi chính quyền không đồng ý.
Hồ sơ lưu trữ cũng cho thấy các nhà bất đồng chính kiến nhiều khi bị hàng chục mật vụ theo dõi một lúc.
Có những tấm ảnh chụp trộm những người mà họ gặp - tất cả chỉ với hy vọng có thể tìm được điều gì đó chống lại họ.

Kháng cự tinh thần
Đây là lần đầu tiên Jan Urban nhìn thấy các hồ sơ và lúc đầu ông thấy buồn cười vì số người đi theo ông và phân tích các động thái của ông.
Nhưng khi ông nhớ tới microphone gắn ở phòng ngủ của ông và của con ông, sự bình thản không còn nữa.
''Họ thật bẩn thỉu,'' ông nói, ''đúng là một tổ chức tội phạm. Làm thế để làm gì ngoài việc trấn áp.''
Nhưng trấn áp chính là điều người ta muốn làm. Bất đồng quan điểm là điều mà chế độ cộng sản không thể chấp nhận.
Chỉ riêng sự tồn tại không thôi - chỉ riêng chuyện có quan điểm khác - những nhà bất đồng chính kiến đã thách thức nhà nước.
Họ lưu hành thơ và các vở kịch không có giấy phép.
Họ tổ chức các nhà hát chui với các nghệ sỹ bị cấm.
Một buổi biểu diễn vở Macbeth đã bị cảnh sát ập vào giải tán và có nhiều cảnh sát theo đuôi những người tới xem đến mức cảnh ở ngoài đường cứ như một đại hội của cảnh sát mật.
Vaclav Havel, nhà viết kịch bất đồng chính kiến và sau này trở thành tổng thống cho rằng điều quan trọng là phải hành xử như đang không bị trấn áp.
Nhà nước càng cố gắng để chiếm khoảng trống công cộng thì nó càng bị giảm uy tín bởi những người tiếp tục hoạt động như bình thường bên ngoài khoảng không đó.
Ông Havel là tiếng nói có ảnh hưởng tới cách hành xử của phe đối lập trên khắp khối Xô Viết.
Một người khác là ông Adam Michnik, người đã nói với dân Ba Lan rằng một xã hội bị giam cầm cần phải có văn học ngoài luồng để biết sự thật về chính xã hội đó.
Một người khác là Andrey Sakharov, nhà vật lý học hạt nhân Xô Viết, người mà người ta không thể bịt miệng dù bằng thưởng hay phạt.
Quan niệm phổ thông là sự kháng cự tinh thần cùng với thời gian có thể lật đổ chế độ toàn trị.
Họ lập ra quan điểm phản kháng tại những cuộc gặp gỡ bí mật giữa các nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến ở những rặng núi tại biên giới Czech và Ba Lan.
Những kỹ năng họ có được trong việc tự tổ chức - ngay cả trong các vấn đề vô hại - cũng có nghĩa là họ có khả năng và uy tín để bước vào khoảng trống khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Nó tránh được cuộc tranh giành quyền lực vốn có thể gây đổ máu và tàn bạo.

Người Nhựa
Nhưng niềm cảm hứng khác lạ cho nhiều trí thức Czech là một nhóm nhạc rock bất thường bị chính quyền cấm.
Nhóm Người Nhựa của Vũ trụ bị giam vì biểu diễn tại một liên hoan nhạc rock trái phép hồi năm 1976.
Giờ họ vẫn còn chơi nhạc và tôi tìm thấy họ đang chơi trên một khu đất lầy lội khoảng một giờ lái xe từ Prague và đang lời qua tiếng lại với người tổ chức, người nói rằng không có đủ tiền để trả cho họ.
Vratislav Brabenec, người chơi saxophone ngày xưa và bây giờ trông thật giống John Lennon nếu anh còn sống ngày hôm nay; cặp kính mắt tròn, tóc dài bạc màu với óc hài hước nhanh cùng với sự thiếu tôn trọng thường trực đối với chính quyền.
''Chúng tôi không mang tính chính trị đâu ông ạ,'' ông nói. ''Chúng tôi chỉ cố gắng để cuộc đời nên thơ một chút thôi.''
Khi được hỏi tại sao họ không chấp nhận sự kiểm soát của chính phủ, ông nói: ''Đó là tự do ông ạ, tôi sẵn sàng chết vì điều đó.''
Nhưng cho dù họ có muốn hay không, họ đã ở trung tâm của một cuộc đấu tranh chính trị.
Ông Urban nhăn mũi lại khi nghe nhắc tới Người Nhựa của Vũ trụ.
Ông không thích nhạc của họ và nghĩ rằng họ quá bẩn lại uống rượu nhiều.
Nhưng ông nói: ''Khi mà họ gặp rắc rối, tôi đứng về phía họ ngay. Ai cũng có quyền thể hiện bản thân. Họ trở thành biểu tượng.''
Nếu nhà nước không giam họ, Người Nhựa sẽ chỉ là một ban nhạc rock như bao ban nhạc rock khác.
Nhưng họ đã trở thành điểm tựa cho Hiến chương 77 - tuyên bố nhân quyền mà các nhà bất đồng Tiệp Khắc viết ra và đã dẫn tới cuộc đấu tranh kéo dài 10 năm với nhà cầm quyền cộng sản.
Họ cũng dạy cho cả một thế hệ mới về bất đồng quan điểm.
Khi nhạc mà nhà nước cấm, người ta học thói quen nổi dậy và những nhà hoạt động sinh viên của năm 1989 đã lớn lên như thế.


No comments: