Friday, July 17, 2009

CHÍNH SÁCH ĐẠI HÁN NÚP DƯỚI BÌNH PHONG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CỦA TRUNG QUỐC


Chính sách Đại Hán núp dưới bình phong đoàn kết dân tộc của Trung Quốc
Tú Anh
Bài đăng ngày 16/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 16/07/2009 13:31 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4211.asp
Tình hình căng thẳng tại Tân Cương và những vụ xung đột càng ngày càng thường xuyên giữa người Hán và các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc cho thấy « chính sách hài hòa » của đảng Cộng sản Trung Quốc bị thất bại.

Theo số liệu chính thức, hơn 202 người chết khi bạo loạn tại thủ phủ Lhassa, Tây Tạng, nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 2008 không kể những xung đột và trán áp tại các vùng lân cận từ Tứ Xuyên đến Cam Túc và Thanh Hải. Hơn một năm sau, ngày 5 tháng 7 tại Địch Hóa, thủ phủ của Tân Cương, xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa và người Hán làm 196 người chết.

Theo « học thuyết hài hòa » của Bắc Kinh thì bằng mọi cách phải duy trì « đoàn kết giữa 56 sắc tộc tại quốc gia có 1,3 tỷ dân này trong đó người Hán chiếm 92%.

Theo nhân định của một giáo sư bang giao quốc tế thuộc đại học Thượng Hải trên báo mạng Asia Times thì dưới thời Mao Trạch Đông, chính sách « đoàn kết » đặt trên cơ sở « đấu tranh giai cấp ». Tư bản, trí thức, địa chủ « bóc lột » là kẻ thù chung của mọi sắc tộc và bị đấu tố. Hậu quả là đảng Cộng sản của Mao biến thành phần ưu tú trong mọi sắc dân tại Trung Quốc thành kẻ thù của đảng Cộng Sản.

Đến khi chủ thuyết đấu tranh giai cấp được tiến hành một cách triệt để với cuộc « cách mạng văn hóa » từ 1966 đến 1977, làm cho lòng bất mãn tăng thêm. Nhân danh đấu tranh giai cấp, lực lượng « Vệ binh đỏ » của Mao, đa số là người Hán, tấn công phá hủy toàn bộ giá trị văn hóa quốc gia, của người Hán cũng như của người thiểu số.

Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh mới thi hành một số chính sách xoa dịu các sắc dân thiểu số chẳng hạn như miễn chính sách một con. Nhưng cùng lúc, đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành chính sách Hán hóa triệt để hơn : đưa người Hán lên Tân Cương, Tây Tạng chiếm hết những sinh hoạt kinh tế quan trọng nhất.

Học sinh Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ bị bắt buộc học chữ Hán và mọi sinh hoạt giao dịch đều bằng tiếng Trung Hoa. Chính sách tôn giáo buộc đạo Phật đạo Hồi phải đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Theo giới phân tích, chính sách đàn áp thẳng tay của đảng Cộng sản Trung Quôc tại Tây Tạng và Tân Cương kèm theo cung cách phân biệt đối xử của chính quyền, xem dân bản địa là « công dân hạng hai » đã biến những vùng tự trị của Trung Quốc thành lò thuốc súng.

Giới trẻ tại Địch Hóa không ngần ngại nói với phóng viên nước ngoài là họ muốn đuổi hết người Hán ra khỏi bờ cõi. Còn đối với Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Trung Quốc là giới trẻ Tây Tạng đã mất kiên nhẫn.

Tháng 12 năm ngoái, hàng trăm nhà trí thức Trung Quốc công bố « Hiến chương 08 » gồm 19 điểm kêu gọi đảng Cộng sản chấp nhận tự do dân chủ và cải tổ đất nước thành một Liên Bang.

Trong thời gian gần đây, hình ảnh chế độ Trung Quốc cũng xấu đi nhiều trong công luận. Một phần do chính sách đàn áp trong nước và phần khác do thái độ xem thường các dân tộc tại những số quốc gia mà Trung Quốc đầu tư khai thác tài nguyên từ châu Á đến châu Phi -không kể xung khắc với Úc trong hồ sơ mua bán quặng mỏ.

Trong vụ Tân Cương, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói đến « hành vi diệt chủng » và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt chính sách Hán hóa. Trong lúc bộ trưởng thương mại Nihat Ergun và Hiệp hội người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ dọa tẩy chay hàng Trung Quốc.

Trong tạp chí hôm nay, RFI đặt câu hỏi với tiến sĩ Đinh Xuân Quân về chính sách « đồng hóa » của Bắc Kinh.
Ông Đinh Xuân Quân hiện là cố vấn của chính phủ Azerbaijan ở vùng Trung Á nơi có đông đảo người dân cùng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó ông từng phục vụ tại Afghanistan và Châu Phi với tư cách cố vấn chính phủ.

NGHE :
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, từ Bakou

16/07/2009
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4211.asp


No comments: