Wednesday, July 8, 2009
BƯỚC NGOẶT MỚI TRONG QUAN HỆ NGA - MỸ
Bước ngoặt mới trong quan hệ Nga – Mỹ
Lan Hương
Tháng Bảy 8, 2009 ledienduc-->
http://ledienduc.wordpress.com/2009/07/08/bÆ°á»c-ngoặt-má»i-trong-quan-há»-nga-mỹ/
Từ ngày 6 tháng 7, Tổng thống Barak Obama đã bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức Nga ba ngày của mình.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, Tổng thống Medvedev của Nga đánh giá, Nga và Mỹ đã làm việc với nhau hết sức cởi mở, thành thật, mở đầu cho những trang hợp tác mới của hai nước, một sự hợp tác xứng đáng với tầm cỡ của thế kỷ 21.
Ông Medvedev cho rằng, hai vị Tổng thống đã thực sự khởi động lại cỗ máy hợp tác giữa hai bên sau một thời gian dài bị ngừng trệ. Mỹ đã đồng ý nhìn lại những vấn đề mà từ trước đến nay họ luôn khăng khăng khẳng định không còn gì phải xem xét lại nữa.
1- Không làm phật lòng chủ nhà trước khi lên đường
Trước khi lên đường sang thăm Nga, Tổng thống Obama đã trả lời phỏng vấn cho hai cơ quan truyền thông của Nga: hãng thông tấn ITAR-TASS và tờ báo đối lập Novaya Gazieta (Tân Báo) của Nga.
Khác với Tổng thống tiền nhiệm W. Bush của Mỹ, Obama đã dành cho nước Nga những lời đánh giá hết sức ôn hòa, kính trọng trước khi lên đường sang thăm Nga lần đầu tiên trong cương vị là Tổng thống của mình. Ông gọi nước Nga là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất của thế giới, gọi dân tộc Nga là một dân tộc đáng ngạc nhiên với nền văn hóa độc đáo của mình. Medvedev được ông đánh giá là một vị Tổng thống chuyên nghiệp, điềm đạm, còn Putin vẫn luôn bị thế giới phương tây dè dặt, e ngại vì chính sách cứng rắn, thì được gọi là một vị lãnh đạo mạnh mẽ của dân tộc Nga.
Tổng thống Mỹ không thể quên đi sứ mệnh của nước Mỹ như một cường quốc của dân chủ và quyền con người, nhưng khi đề cập đến những viên sạn còn tồn tại trong đời sống kinh tế và chính trị của nước Nga, ông đều cố gắng làm cho nó bớt phần căng thẳng. Mặc dù ông gọi vụ xét xử ông Khodorkovsky, cựu chủ tịch tập đòan Yukos là kỳ lạ, nhưng lại cũng nhấn mạnh ông ủng hộ Medvedev với những chương trình làm trong sạch hệ thống tòa án của Nga.
Ông Obama đã né tránh trả lời câu hỏi của tờ Novaya Gazieta về cảm nghĩ của ông trước vụ giết nữ ký giả của báo này là bà Anna Polikovskaya.
Như vậy có thể thấy lần này ông Obama sang Nga với một thiện chí muốn cải thiện quan hệ với Nga rất rõ ràng. Có những vấn đề nước Mỹ không thể thay đổi quan điểm của mình, nhưng rõ ràng họ muốn đi một con đường mềm mỏng, điềm tĩnh hơn.
2 -Vấn đề Georgia (Gruzia) – tảng đá ngăn cách giữa Nga và Mỹ
Mặc dù đã khởi động lại mối quan hệ giữa hai nước, nhưng Geogria – hòn đá ngăn cách Nga và Mỹ vẫn không nhúc nhích.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Obama sau một nụ cười hết sức vui vẻ, cám ơn Nga đã tháo bỏ hàng rào ngăn cản nhập khẩu gia súc, đã khẳng định: “nhưng chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Grudia cần phải tôn trọng” và Mỹ cũng không đồng ý với Nga về vấn đề biên giới của Ge0rgia.
Một trang lịch sử quan hệ ngọai giao mới giữa hai nước mà bắt đầu từ một hòn đá tảng như vậy hình như hơi quá nặng nề, nhưng cũng có thể đó chính là phong cách mới của một thời kỳ hợp tác mới như Medvedev nhận xét: cởi mở và thành thật với nhau hơn.
3 -Lá chắn chống hỏa tiễn và hiệp ước giải trừ vũ khí tấn công chiến lược
Bước tiến lớn nhất sau ngày làm việc đầu tiên là những thỏa thuận xung quanh hiệp ước giải trừ vũ khí tấn công chiến lược.
Bản hiệp ước cũ sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 năm nay. Từ nay đến đó Nga và Mỹ sẽ phải bàn bạc và đưa ra những con số cụ thể cho bản hiệp ước mới. Thời gian cuối khi mối quan hệ Nga- Mỹ căng thẳng, người ta đã lo ngại là bản hiệp ước này không thể gia hạn tiếp, chứ đừng nói là có thể tiếp tục cắt giảm con số vũ khí chiến lược thêm nữa.
Hôm 7/06, hai vị Tổng thống không chỉ đạt được thỏa thuận cùng cắt giảm thêm một phần ba kho đầu đạn hạt nhân giữa hai nước mà còn họach định được hành lang con số vũ khí tấn công chiến lược và số đầu đạn hạt nhân tương ứng cho tương lai. Như vậy là trong vòng bẩy năm, hai nước sẽ cắt giảm số vũ khí xuống 500-1100, còn số đầu đạn tương ứng sẽ giảm xuống còn từ 1500-1675 đơn vị.
Quan trọng hơn nữa, Mỹ đã đồng ý gắn số lượng các vũ khí tấn công chiến lược với số lượng vũ khí phòng thủ chiến lược. Điều đó có nghĩa là số lượng các đầu đạn hạt nhân của mỗi nước phải tỷ lệ thuận với số lượng các lá chắn chống tên lửa của họ, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã phải nhân nhượng Nga trong vấn đề đặt lá chắn chống tên lửa tại Đông Âu.
Tổng thống Obama cho biết, đến cuối tháng 8 Mỹ mới có những quyết định cụ thể về vấn đề lá chắn chống tên lửa, về nguyên tắc Nga và Mỹ hoàn tòan có thể tìm được thỏa thuận chung cho vấn đề này, dù không đơn giản chút nào.
Medvedev nhấn mạnh, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ cũng động chạm đến quyền lợi của Nga, nên ngay từ đầu nên nghĩ đến một mô hình có thể đáp ứng quyền lợi của tất cả các nước.
4- Hành lang tiếp viện cho Afganistan
Obama đã dành riêng một lời cảm tạ để cám ơn Nga đã cho Mỹ mở hành lang tiếp tế cho mặt trận Afghanistan.
Nga cho Mỹ sử dụng vùng trời của mình để mở một hành lang chuyên chở máy móc, thiết bị vào Afghanistan. Mỗi ngày Nga cho phép Mỹ gửi đến 12 máy bay vận tải quân sự bay qua vùng trời của Nga vào Afghanistan. Các mặt hàng cứu trợ nhân đạo đã được phép bay qua vùng trời của Nga từ tháng 3 năm nay, còn bây giờ Mỹ được quyền gửi cả các các mặt hàng, máy móc đành cho quân đội trên chiến trường Afghanistan.
Hiện nay Mỹ đang chuẩn bị một kế họach lớn tại vùng biên giới với Pakistan, sức phục vụ của sân bay Manas tại Kyrgyzstan vẫn không đủ để đảm bảo nhu cầu tiếp tế và chuyên chở cho Mỹ. Hành lang này của Nga giúp Mỹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Cũng cần nhắc lại rằng, đầu năm nay, Nga đã cho Kyrgyzstan vay một số tín dụng lớn với điều kiện hết sức ưu ái chỉ để thuyết phục nước này đóng cửa sân bay Manas của Mỹ trên lãnh thổ Kyrgyzstan. Rồi cũng chính Nga đồng ý mở hành lang tiếp vận cho Mỹ đi vào Afghanistan không lấy tiền. Bằng hành động này, rõ ràng Nga muốn cho Mỹ thấy rằng Nga không muốn đối đầu với Mỹ, sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ với Mỹ, nhưng Nga không muốn Mỹ nhảy vào vùng ảnh hưởng của Nga là các nước thuộc Liên Xô trước đây. Với Kyrgyzstan, Georgia hay Ukraine cũng thế. Nga không đồng ý và kịch liệt chống đối Mỹ cũng chỉ vì không muốn các nước láng giềng này chạy sang với Mỹ, bỏ ngỏ một vùng biên giới của Nga không có lá chắn nữa.
Tổng thống Medvedev nhận định, chỉ trong một vài giờ hai vị tổng thống không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề, nhưng họ sẽ cố gắng để giải quyết dần dần tất cả mọi vấn đề còn vướng mắc giữa hai nước.
5- Kết thúc một chuyến đi ngắn ngày
Sáng sớm ngày 8/7, gia đình Tổng thống Mỹ Obama đã rời Moskva đã lên đường sang Ý, tham dự cuộc họp khối G-8 tại đó.
Các báo chí phương Tây bình luận là dân chúng Nga không mấy quan tâm đến chuyến đi này, vì tại cầu thang máy bay không có những dòng người nồng nhiệt chờ đợi ông, hay trên đường đi không có những biểu ngữ chúc mừng ông. Nhưng thực tế không phải vậy. Người Nga không có thói quen đổ ra đường chào đón các vị nguyên thủ quốc gia. Trong suốt nhiều thập niên thời cộng sản, việc tiếp xúc với khách nước ngòai bị xem là một tội lỗi, đủ để dẫn đến nhà tù, đã làm họ không có thói quen biểu lộ cảm xúc của mình như vậy. Thêm vào đó còn là những nguyên tắc an ninh cho đoàn khách quý nên tất cả mọi nơi đoàn dự định đi qua đều đã được cảnh sát giải tỏa những người tò mò cuối cùng.
Thực sự, người Nga hết sức chờ đợi và hy vọng chuyến đi này của Tổng thống Obama sẽ hâm nóng lại mối quan hệ đang đóng băng giữa hai nước. Ông Medvedev nói rằng họ đã không lãng phí thời gian gặp nhau vì chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ đã kịp thỏa thuận được với nhau mọi khìa cạnh hợp tác: từ các mối quan hệ song phương, đến chính sách đối ngọai, kinh tế và nhân đạo.
Thủ tướng Putin không ngần ngại đánh giá, người dân Nga gắn tên tuổi của Obama với với niềm hy vọng là quan hệ của hai nước Nga-Mỹ sẽ được cải thiện, sẽ được hâm nóng sau một thời gian đứng bên bờ của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Chuyến đi ngắn ngày này của Tổng thống Mỹ được báo chí Nga đánh giá là hết sức hiệu quả. Hai vị Tổng thống đã ký với nhau rất nhiều văn bản, mà quan trọng nhất là bản “Sự cảm thông về vấn đề giải trừ và cắt giảm vụ khí tấn công chiến lược”, nền tảng của bản hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược 3 trong tương lai. Văn bản quan trọng thứ hai mà hai bên ký với nhau là hiệp ước vận tải, theo đó Nga cho phép Mỹ được chuyên chở qua lãnh thổ Nga không chỉ các vật dụng cứu trợ mà cả quân lính, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường Afghanistan. Mỗi năm Mỹ được phép chuyên chở tới 4500 chuyến bay như vậy qua vùng trời của Nga mà không phải trả bất cứ một khỏan lệ phí nào.
Để có thể phát triển tòan diện mối quan hệ giữa hai nước như mong muốn của Tổng thống Obama, hai vị Tổng thống đã quyết định thành lập Ủy ban hợp tác Nga-Mỹ trực thuộc Tổng thống.
© http://ledienduc.wordpress.com
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment